Đại dịch COVID 19 đã ảnh hưởng chưa từng thấy tới toàn bộ nền kinh tế thế giới và Việt Nam. Dù đã sớm kiểm soát được đại dịch, song toàn bộ hoạt động của đất nước gần như dừng lại do thực hiện cách ly xã hội trong một thời gian dài, dành toàn bộ nguồn lực ưu tiên chống dịch bệnh.
Dù những biện pháp chống dịch của Việt Nam chứng minh hiệu quả to lớn và được toàn thể nhân dân ủng hộ, song COVID 19 và những hệ quả của nó đã gây nhiều thiệt hại, tổn thất về kinh tế rất lớn cho toàn bộ đất nước cũng như cho các thành phần kinh tế và người dân. Nhiều lĩnh vực kinh tế vẫn không thể vận hành với phương thức cũ, thói quen lao động cũ bị ảnh hưởng, những vấn đề xã hội khác nảy sinh phức tạp như bạo lực gia đình và những tin nhảm lan tràn trên mạng xã hội. Trong quý I năm 2020 chứng kiến giai đoạn khó khăn khi phần lớn các doanh nghiệp phải dừng hoạt động, nguy cơ phá sản lên mức cao kỷ lục, số lượng người lao động mất việc làm gia tăng mạnh, đóng cửa với du khách quốc tế, thu ngân sách nhà nước sụt giảm nghiêm trọng. Đặc biệt, có sự đứt gãy và gián đoạn một số chuỗi cung ứng đầu vào và tiêu thụ đầu ra của một số mặt hàng, của các ngành chủ lực của Việt Nam. Theo số liệu của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I chỉ đạt 3,82% so với cùng kỳ năm 2019, mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, giai đoạn xã hội “đứng yên” này lại cũng chính là thời gian quý báu giúp chúng ta nhìn lại sự vận hành của nền kinh tế, những lỗ hổng và thiếu sót, và những vấn đề cần điều chỉnh trong sự vận hành của quốc gia. COVID-19 cũng là dịp để chúng ta chuẩn bị những nguồn lực vững vàng, tự tin bứt phá trong giai đoạn tiếp theo. Đến nay đã thấy rõ hệ thống chính trị của nước ta đã đóng vai trò quan trọng, dẫn dắt đất nước một cách quyết liệt nhằm khắc phục tác động của đại dịch và phát triển đất nước.
Về vai trò lãnh đạo của Đảng, tháng 5, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ thị: “Trong khi lo chống dịch bệnh, nhưng nhiệm vụ lúc này là phải tập trung mọi nỗ lực để phát triển sản xuất và ổn định đời sống của nhân dân”. Tiếp theo, tháng 6, Bộ Chính trị ra Kết luận số 77 về chủ trương phục hồi kinh tế trong đó đề ra những đường hướng rõ ràng và cụ thể như: (1) cần khai thác tối đa thị trường trong nước, nâng cao năng lực nội tại và sức cạnh tranh, khả năng chống chịu và tính tự chủ của nền kinh tế. (2) Tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi với những cơ chế, chính sách thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư quốc tế và trong nước; (3) hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn của đại dịch; (4) Đẩy mạnh giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Khởi công, triển khai thực hiện ngay các dự án quy mô lớn. (5) Đẩy mạnh phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ.
Chính phủ trong tháng 5 đã có nhiều quyết sách và hành động quan trọng theo những phương hướng nói trên. Chính phủ tổ chức Hội nghị với doanh nghiệp, tuyên bố cần tập trung khởi động nền kinh tế, phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2020 trên 5%, yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm và tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Thủ tướng xác định 5 lĩnh vực để tái khởi động nền kinh tế trong lúc này là: Tăng cường thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế trong nước, nhất là đầu tư của tư nhân; tăng cường xuất khẩu; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; khuyến khích tăng cường nhu cầu nội địa; tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Tiếp theo, cuối tháng 5, đầu tháng 6 năm 2020, Thủ tướng họp với các bộ ngành, với tỉnh, với vùng miền, để giải quyết từng vấn đề, như chủ trì họp Thường trực Chính phủ về các giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu do cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Chính phủ bàn các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Chính phủ chỉ đạo phát triển mạnh thị trường trong nước, thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Thủ tướng cũng chỉ đạo đẩy mạnh du lịch nội địa, khởi xướng kế hoạch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, kết nối đồng bộ giữa các địa phương, công ty lữ hành, khách sạn, hàng không thực hiện các biện pháp kích cầu để thúc đẩy du lịch – ngành bị ảnh hưởng nặng nề do bệnh dịch COVID.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ đã đề xuất về chính sách tài khóa, thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Chính phủ cũng đẩy mạnh hoạt động quản trị điều hành chính phủ điện tử (thương mại điện tử, ngân hàng điện tử, công nghệ áp dụng trong ngành tài chính điều hành giao thông). Chính phủ chỉ đạo ứng dụng khoa học công nghệ vào các hoạt động quản lý nhà nước, tạo ra phương thức làm mới, trực tuyến, giảm chi phí, tiết kiệm hàng ngàn tỉ cho đất nước.
Mới đây, Chính phủ xem xét quyết định mở đường bay quốc tế với những quốc gia đã kiểm soát được dịch bệnh khi điều kiện cho phép. Đây là chủ trương rất quan trọng để thúc đẩy hội nhập và phát triển kinh tế sau đại dịch.
Quốc hội cũng vào cuộc tích cực, nhanh chóng thông qua các luật thuộc lĩnh vực kinh tế, quản lý hành chính, an ninh – quốc phòng, tạo điều kiệu cho các quyết sách của Chính phủ sớm đi vào cuộc sống để tháo gỡ khó khăn do COVID gây ra, thúc đẩy hội nhập quốc tế; Quốc hội đã thông qua Hiệp định thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Đây là Hiệp định sau 10 năm mới đàm phán thành công, tạo cho Việt Nam một thị trường xuất khẩu rộng lớn với hơn 500 triệu người, tạo cơ hội thu hút đầu tư từ khối nước có nền kinh tế, khoa học công nghệ hàng đầu thế giới. Hiệp định này không chỉ giúp Việt Nam tăng trưởng GDP mà còn giải quyết việc làm cho hàng triệu người. Hiệp định EVFTA còn góp phần củng cố vị thế của Việt Nam trong quan hệ quốc tế và khu vực Đông Nam Á. Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia vào nhiều lĩnh vực trong quan hệ quốc tế, góp phần hưng thịnh đất nước.
Với những đổi mới trong chỉ đạo của hệ thống chính trị như vậy, kinh tế Việt Nam đã có những diễn biến tích cực trong giai đoạn khó khăn này. Trong 4 tháng đầu năm 2020, cam kết vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đạt 12,3 tỷ USD, giá trị vốn cam kết đã tăng trở lại trong tháng 4 khoảng 81% so với tháng 3 trước đó và tăng hơn 62% so với tháng 4 năm trước.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp cũng có nhiều khởi sắc, trong tháng 5, cả nước có 10,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 36,1% so với tháng trước. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng tăng mạnh. Hoạt động thương mại, dịch vụ tháng 5 tăng mạnh 26,9% so với tháng trước. Xuất khẩu gạo đang giành được lợi thế trên thị trường quốc tế. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5 ước tính đạt 18,5 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng trước; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5 ước tính đạt 19,4 tỷ USD, tăng 4,7% so với tháng trước.
Như vậy, là một trong những quốc gia đi đầu chống dịch bệnh, Đảng Nhà nước ta vẫn tiếp tục kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh COVID và chuyển hướng mau lẹ các quyết sách mới, tạo nền móng để kinh tế Việt Nam bứt phá sau đại dịch. Việt Nam đã thực hiện rất thành công chiến lược “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch, vừa nhanh chóng phục hồi nền kinh tế, đảm bảo an ninh xã hội cho người dân.
Dự kiến, năm 2020, Việt Nam phấn đấu là nước tăng trưởng cao ở khu vực Đông Nam Á và thế giới. Các nhà nghiên cứu quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ bứt phá vào năm 2021 với mức tăng trưởng dự kiến khoảng 7%.
Chúng ta tin tưởng với sự lãnh đạo năng động, nhạy bén, kịp thời, sáng suốt của Đảng tới Chính phủ tới Quốc hội, Việt Nam sẽ tận dụng thời cơ để đưa đất nước đi lên, tìm được hướng đi mới để củng cố tiềm lực của chúng ta. Tất cả người dân Việt Nam lúc này lại tiếp tục cùng Đảng và Nhà nước đưa quốc gia chúng ta lên bước phát triển mới. Đặc biệt các doanh nghiệp đều đang có chuyển biến mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, hưởng ứng lại lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước “bật dậy” để phục hồi nền kinh tế. Đã có nhiều điểm sáng, như các doanh nghiệp hàng không, du lịch, ngân hàng, công nghệ đã có những tăng trưởng trở lại. Điển hình là Vingroup khi doanh nghiệp này đã nhanh chóng tham gia sản xuất máy thở không chỉ phục vụ chống dịch ở Việt Nam mà còn góp phần “giải cứu” thế giới khỏi tình trạng thiếu máy thở cho bệnh nhân COVID; như Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đã nói: “Đây là sứ mệnh và trách nhiệm của chúng tôi – giúp một thương hiệu Việt Nam có danh tiếng quốc tế”.
Dù chưa thể kỳ vọng nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo bình thường, song với tinh thần đoàn kết cộng đồng xã hội và chia sẻ trách nhiệm cao nhất đã được chứng nghiệm trong đợt cao điểm chống dịch vừa qua và những bài học quý giá trong quá khứ, chúng ta tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục chiến thắng cả COVID-19 và cả “virus trì trệ” của nền kinh tế. Tuy nhiên, bệnh dịch vẫn đang hoành hành ở khắp nơi trên thế giới, vẫn đang là mối đe doạ tiềm tàng đối với nước ta nên chống dịch bệnh vẫn là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế./.
Bình Minh
(Theo Tạp chí Phương Đông)