Phùng Chí Kiên với cách mạng Việt Nam

Trong công cuộc giải phóng dân tộc, đưa đất nước đến ngày toàn thắng, mảnh đất Việt Nam anh hùng đã sản sinh ra rất nhiều tấm gương kiên trung, quả cảm, dám xả thân và hi sinh hết mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Trong đó không thể không kể đến một nhà cách mạng lão thành mà công lao của ông đã trở thành một huyền thoại có thực đối với toàn thể dân tộc, đó chính là đồng chí Phùng Chí Kiên. Thuộc thế hệ những thành viên tiên phong của Đảng ngay từ buổi đầu thành lập, Phùng Chí Kiên đã tham gia hoạt động cách mạng bằng tất cả nhiệt huyết thanh xuân và một niềm tin say mê với lý tưởng cộng sản cao đẹp mà mình được giác ngộ. Để rồi sau này, người thanh niên Phùng Chí Kiên năm ấy đã trở thành một cánh chim đầu đàn trong nhiều phong trào và hoạt động của Đảng. Vào những ngày đầu tiên của cách mạng, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó nhiều trọng trách đặc biệt, trong đó có việc vũ trang quân sự cho tổ chức Đảng. Trong thời kỳ hoạt động tại Tây Bắc, ông đã anh dũng hi sinh, để lại niềm tiếc thương cho đồng bào cả nước. Nhân ngày thương binh liệt sĩ 27/7, Tạp chí Phương Đông tập hợp một số tài liệu từ mật thám Pháp được lưu trữ tại Viện Lịch sử Đảng để cùng bạn đọc điểm lại những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Phùng Chí Kiên, từ đó thêm thấu hiểu, trân trọng và biết ơn những hi sinh to lớn của thế hệ cha anh.

Phùng Chí Kiên thời kỳ là học viên trường quân sự Hoàng Phố

Đồng chí Phùng Chí Kiên tên thật là Nguyễn Vỹ, sinh năm Tân Sửu (1901) tại làng Mỹ Quan Thượng, Tổng Vạn Phần, nay là xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Năm 1915, ông thoát ly gia đình và làm cu ly trong nhà máy xe lửa Tràng Thi. Mười năm sau, ông tiếp tục làm thuê cho một thương nhân người Hoa ở ga Yên Lý trên tuyến đường sắt Hà NộiSài Gòn. Là một người hiểu biết, thức thời, người thanh niên Nguyễn Vỹ khi ấy đã sớm được giác ngộ lý tưởng cách mạng và tham gia rất nhiều phong trào yêu nước lúc bấy giờ. Tháng 10/1926, đồng chí cùng một số Hội viên Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội được giới thiệu sang Quảng Châu tham dự lớp huấn luyện đầu tiên do Nguyễn Ái Quốc tổ chức. Trước lúc lên đường, để tránh bị lộ tung tích, Nguyễn Vỹ đã nhờ chú ruột mình chuẩn bị giúp một tấm căn cước mang tên Nguyễn Hào. Sau này, nhằm thoát khỏi sự truy lùng riết ráo, gắt gao của mật thám Đông Dương, ông đã dùng tới hơn 20 bí danh mà trong những tài liệu công bố sau này, những cái tên đã được thám báo ghi chép tương đối tỉ mỉ: Sở Vĩ – Nguyễn Vợi – Nguyễn Như – Nguyễn Hào – Mạnh Văn Liễu – Ma – Kan – Cồ Văn Yên – Hừng Đông – Như Bách – Tho – Pho – Phùng – Phùng Nguôn Bình – Phùng Quốc Nghiêu – Phùng Hừng Đông – Uông Thiệu Nguyên – Đông Hải – Lý Đồng – Lý Như Nam – Lý Duy Tân – Hoàng Hầu… Ở Quảng Châu, Nguyễn Vỹ được cử đi học tại trường quân sự Hoàng Phố với bí danh Mạnh Văn Liễu. Năm 1930, ông chính thức trở thành một trong những thành viên đầu tiên gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đầu năm 1931, Mạnh Văn Liễu được Lý Thụy (Nguyễn Ái Quốc) giới thiệu sang học tập tại trường Đại học Phương Đông, Mátxcơva. Tuy nhiên, khi vừa tới Mãn Châu, ông đã bị phát xít Nhật bắt và giam cầm tới gần một năm. Ra tù, ông đổi tên thành Can rồi tiếp tục lên đường sang Liên Xô, theo học tại Trường Đại học Phương Đông và Trường Quân sự Lục quân ở Moskva. Năm 1934, sau khi tốt nghiệp hai trường trên, Mạnh Văn Liễu cùng Hà Huy Tập được Quốc tế Cộng sản điều động về làm việc cho Ban Lãnh đạo Hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương ở Hồng Kông. Tháng 3/1935, tại Đại hội lần thứ nhất của Đảng, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và trở thành Ủy viên Thường vụ, phụ trách Ban Hải ngoại, đồng thời tham gia công tác huấn luyện cán bộ của Đảng. Tháng 8/1936, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ 7 của Quốc tế Cộng sản và Hội nghị Lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương (Khóa I), Phùng Chí Kiên trở về Sài Gòn chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước, hướng tới mục tiêu đòi tự do dân chủ, cơm áo và hoà bình. Một thời gian sau, ông trở lại Hồng Kông thay cho Lê Hồng Phong, hoạt động trong Ban Hải ngoại (còn gọi là Ban Chỉ huy ở Ngoài của Đảng), dưới cái tên mới Phùng Nguôn Bình. Trong khoảng thời gian này, ông cũng tham gia xuất bản tờ báo Đồng thanh ở Côn Minh, Trung Quốc. Ngày 25/10/1938, khi đang ở trong căn nhà số 71 phố Đại Nam, Hồng Kông, ông đã bị cảnh sát Anh vây bắt. Do không phát hiện được bất kỳ tài liệu, chứng cứ nào, Thống đốc Hồng Kông đành phải ký lệnh trả tự do cho Phùng Nguôn Bình và trục xuất khỏi Hồng Kông vào ngày 6/12/1938.

Kể từ năm 1940, Phùng Chí Kiên bắt đầu hoạt động với Nguyễn Ái Quốc ở Côn MinhVân Nam; sau đó cùng nhau trở về Tĩnh Tây, Quảng Tây – khu vực giáp biên giới Việt – Trung vào tháng 6/1940, chờ đợi thời cơ để về nước. Đầu năm 1941, ông có mặt trong nhóm của Nguyễn Ái Quốc, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Cao Hồng Lĩnh, Đặng Văn Cáp… tham gia mở lớp huấn luyện cách mạng cho 43 cán bộ Việt Nam. Ngày 28/1/1941, Phùng Chí Kiên cùng Hồ Chí Minh về tới Pác Bó, Cao Bằng. Tại đây, ông đã trực tiếp tham mưu, tổ chức các lớp huấn luyện, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ Việt Minh cho các tỉnh miền núi phía bắc như Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn và các tỉnh miền xuôi. Đặc biệt, ông được Bác Hồ giao cho nhiệm vụ soạn thảo, tập hợp tư liệu về “Con đường giải phóng dân tộc”, trong đó có các bài viết liên quan tới đấu tranh vũ trang, chiến tranh cách mạng, chiến thuật chiến tranh du kích; làm tài liệu giảng dạy cán bộ địa phương. Trong Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5/1941) do Nguyễn Ái Quốc chủ trì, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, sau đó trực tiếp làm tổng chỉ huy khu căn cứ Bắc Sơn, thành lập và chỉ huy trưởng Đội Cứu quốc quân 1.

Tháng 9/1940, Đội Cứu quốc quân do Phùng Chí Kiên chỉ huy tham gia khởi nghĩa Bắc Sơn. Cuộc khởi nghĩa đã gây được tiếng vang lớn trong cả nước, giáng một đòn mạnh tới tinh thần của thực dân Pháp, khiến chúng ráo riết tìm cách đối phó. Cuối tháng 6/1941, Pháp đã huy động một lực lượng vũ trang tinh nhuệ, hùng hậu với hơn 4.000 quân, bao gồm đủ các binh chủng, từ lính bản xứ cho tới bọn cường hào phản động địa phương, mở một cuộc càn quét quy mô lớn vào Bắc Sơn, với mục đích tìm bắt các đồng chí lãnh đạo Đảng, tiêu diệt cơ quan đầu não của Việt Minh và lực lượng vũ trang cách mạng non trẻ do Phùng Chí Kiên chỉ huy. Đi tới đâu, chúng cũng đốt bản làng, phá hoại hoa màu, vườn tược, giết gia súc và thậm chí còn tàn nhẫn triệt hạ một số bản lẻ chỉ với 16 gia đình người Dao như bản Khuôn Khét. Chúng thi hành chính sách “tát nước bắt cá” thâm độc, dồn dân tập trung vào các trại Đình Cả, Nà Pheo, Làng Giữa, Đồng Án để truy cùng diệt tận các cán bộ lãnh đạo của ta. Trước tình thế ấy, để bảo toàn lực lượng, Cứu Quốc quân đã chia làm hai nhóm rút khỏi vòng vây của địch. Trong đó, nhóm thứ hai có 7 đồng chí, bao gồm Phùng Chí Kiên, Lương Văn Chi, Mã Thành Kính, Bế Sơn Cương, cùng ba người khác tên là Lâm, Thành và Lạc. Vào hồi 13 giờ 30 phút ngày 19/8/1941, 7 chiến sĩ Cứu quốc quân mang súng lục tự động Mauser từ châu Bình Gia đi vào địa phận tổng Lương Thượng (châu Na Rì, Bắc Cạn) thì bị một toán tuần đinh chặn lại. Các chiến sĩ Cứu quốc quân liền chủ động đánh địch, bắn bị thương tên chánh Thượng và 1 tên tuần đinh, bắn chết một tên tuần đinh khác rồi di chuyển về hướng Vũ Loan (Châu Na Rì – Bắc Cạn). Trong chiến đấu, 1 chiến sĩ Cứu quốc quân bị thương, phải bỏ lại hành lý, địch thu được gồm: 1 bao súng tự động Mauser cỡ 7,63; 2 kẹp đạn với 20 viên đạn cỡ 7,63; 1 ống nhòm Huét kiểu quân đội; 2 viên đạn Smith và Wesson cỡ 32; 1 tờ báo “Quân du kích”, số 1 ra ngày 1/6/1941.

Mạnh Văn Liễu (Nguyễn Vỹ – Phùng Chí Kiên) trong hồ sơ của mật thám Pháp

Nhận được tin trên, tên công sứ Bắc Cạn là Garic trực tiếp chỉ huy lực lượng đàn áp, vây bắt. Vào hồi 9 giờ ngày 22/8/1941, sau khi nhận được tin báo vị trí của lực lượng Cứu quốc quân có thể đang ở tại Khau Pan (xã Đức Vân, Ngân Sơn, Bắc Cạn), Garic lập tức điều động lực lượng triển khai bao vây và lùng sục vùng Khau Pan. Khi đã áp sát đến cự ly ngắn, chúng nổ súng vào lực lượng Cứu quốc quân. Tuy bị địch tấn công bất ngờ từ nhiều hướng song Cứu quốc quân đã nhanh chóng tìm các vị trí ẩn nấp và bắn trả mãnh liệt vào đội hình địch. Đồng chí Phùng Chí Kiên đã bắn hết cả băng đạn về phía địch, bị trúng đạn và ngã xuống. Vì quân địch đông nên quân ta vừa chiến đấu vừa rút vào rừng rậm. Do đêm tối và cơn mưa rào ập xuống nên địch chỉ truy đuổi khoảng nửa giờ rồi rút lui, mang theo xác đồng chí Phùng Chí Kiên về điếm canh. Theo mô tả của địch thì lúc đó đồng chí Phùng Chí Kiên ăn mặc kiểu Tàu, trước khi chết đã nói mấy câu không đầu đuôi và không rõ ràng nhưng cũng đủ để bọn chúng nhận ra đồng chí là người Trung kỳ. Trong hành lý mang theo của đồng chí, địch thu nhiều được tài liệu: bản đồ Lạng Sơn, Cao Bằng tỷ lệ 1/400.000, bản đồ châu Âu in ở Thượng Hải, thẻ cộng sản, truyền đơn ký tên Nguyễn Ái Quốc, sơ đồ cắt dọc quả lựu đạn, sổ tay chép bài hát cộng sản, các bài học đánh du kích, 1 nhật ký đi đường và một cuốn sổ tay ghi chép nhiều điều quan trọng. Garic viết trong báo cáo: “Tên phiến loạn (tức đồng chí Phùng Chí Kiên) bị bắn chết ở Khau Pan mang 1 súng lục Mauser 10 phát cỡ 7.63 và 60 viên đạn để trọn trong 6 băng đựng trong 3 túi đạn, trước khi chết, hắn đã bắn hết cả băng đạn vào dân binh chúng ta vì phải cấp tốc đuổi theo bọn còn lại nên không chụp ảnh hắn được (…) hình như hắn không phải là một tên tầm thường”. Nhận dạng sơ bộ và các tài liệu tìm thấy trên người đồng chí Phùng Chí Kiên được chuyển về Sở mật thám Trung ương.

Đến cuối tháng 10/1941, sau một quá trình nghiên cứu và đối chiếu thận trọng các tài liệu tìm được, mật thám Pháp bước đầu có những căn cứ vững chắc hơn về nhân thân của người bị chúng bắn chết ở Khau Pan. Trong báo cáo “Về hoạt động chính trị của người bản xứ ở Bắc kỳ từ 1 đến 25/10/1941”, mật thám Bắc Kỳ khi đề cập về việc đàn áp cuộc khởi nghĩa ở Bắc Sơn đã liệt kê danh sách gần 30 chiến sĩ Cứu quốc quân và ghi lại như sau: “Một tên chưa xác định được, có thể là “Phùng” đại biểu của Đảng cộng sản Đông Dương bị bắn chết ở Khau Pan (Bắc Cạn)”. Trong một báo cáo khác “Về hoạt động chính trị của người bản xứ ở Bắc kỳ từ 25/10 đến 25/11/1941”, Sở Mật thám Bắc kỳ có ghi : “…1 tên bị thương, 1 tên bị giết không rõ được lý lịch, có lẽ là 1 đại biểu hội nghị hải ngoại tên là Phùng”.

Đồng chí Phùng Chí Kiên hy sinh là một tổn thất lớn cho Đảng và phong trào cách mạng của nhân dân ta, để lại niềm tiếc thương vô hạn và bài học sâu sắc về tinh thần “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” cho mọi thế hệ người Việt. Hai năm sau, trong bài “Nhớ tiếc anh Phùng” Tổng Bí thư Trường Chinh (bút danh Sóng Biển) đã viết trên báo Cờ giải phóng số 2 (26/8/1943) “Anh Phùng hay Lý vĩnh biệt chúng ta được hai năm rồi!… Thôi! Thế là một chiến sĩ tài ba, lỗi lạc đã bỏ mình nơi ngàn cây dặm cỏ… Cái chết của anh thật là một sự thiệt thòi cho Đảng. Nó còn gieo biết bao nỗi thương tiếc cho các đồng chí. Anh Phùng đã khuất. Nhưng tinh thần anh vẫn sống mãi với non sông, cây cỏ. Chúng ta càng nhớ đến anh, càng phải nỗ lực chiến đấu để chóng hoàn thành sự nghiệp vĩ đại của Đảng mà anh đã hoàn toàn ký thác nơi chúng ta”.

Ghi nhận công lao của đồng chí Phùng Chí Kiên, ngày 23/9/1947, tại căn cứ địa Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đã ký Sắc lệnh số 89/SL truy phong hàm cấp tướng đầu tiên trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam cho đồng chí Phùng Chí Kiên. Tháng 11/2003, Đảng, Chính phủ ra quyết định công nhận đồng chí Phùng Chí Kiên là nguyên Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng (khóa I), cán bộ lãnh đạo quân đội cấp tướng, liệt sĩ hy sinh anh dũng trong chiến đấu. Đối với nhiều người cái tên Phùng Chí Kiên vẫn là một điều bí ẩn. Điều này cũng dễ hiểu bởi đồng chí hy sinh quá sớm, thời gian hoạt động, công tác chủ yếu ở hải ngoại; chân dung và những câu chuyện về hoạt động cách mạng của đồng chí chưa được ghi lại đầy đủ và xác thực. Chính điều này đòi hỏi thế hệ sau cần có sự tìm hiểu, nhìn nhận, đánh giá đúng mức công lao của vị tướng đầu tiên giai đoạn tiền khởi nghĩa này.

Cho đến ngày hôm nay, khi nhiều tư liệu lịch sử quan trọng đã được công bố, tấm gương của người chiến sĩ anh dũng đã vượt qua lớp bụi mờ của thời gian để chiếu rọi tinh thần yêu nước, thắp lên ngọn đuốc sẵn sàng hi sinh, sẵn sàng cống hiến cho độc lập, tự do của Tổ quốc trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam. Đồng chí Phùng Chí Kiên đã ngã xuống, song ý chí, tinh thần, nhiệt huyết của ông vẫn còn đó, nhắc nhở chúng ta về một thế hệ đã từng quên mình cho mùa xuân toàn thắng, hòa bình của dân tộc ngay từ những buổi đầu của cuộc kháng chiến trường kì vĩ đại ấy. Những thế hệ người Việt hôm nay và mai sau đời đời ghi nhớ công lao của các đồng chí, nguyện tiếp tục đem hết sức trẻ, tài năng và cả xương máu của mình để gìn giữ độc lập, chủ quyền dân tộc; xây dựng một Việt Nam ngày càng thịnh vượng, phồn vinh, trường tồn và bền vững.■

Tuệ Minh (tổng hợp)

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN