Nhận xét về các mối quan hệ quốc tế trong nửa năm qua chúng ta có thể thấy rõ hai xu hướng nổi bật. Trong thời gian đầu, sau khi nước Mỹ có Tổng thống mới, thế giới bị chi phối mạnh bởi bầu không khí cực kỳ căng thẳng và gần như đối đầu toàn diện, hình thành lằn ranh đỏ giữa trục quan hệ Mỹ, Tây Âu với Trung Quốc, Nga. Nhiều nhà quan sát còn đi xa hơn khi dự đoán về một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Bên cạnh đó là cả thế giới hầu như bị cuốn theo bầu không khí bi quan, thất vọng, gần như không có lối thoát với đại dịch Covid-19.
Trong mấy tháng gần đây, tình hình thế giới vẫn tiếp tục phức tạp và tiềm ẩn những nguy cơ khó lường nhưng nhiều động thái đã cho chúng ta nhận thấy một xu thế mới đang dần hình thành.
Với viêc kiểm soát đại dịch tương đối tốt, nhiều nước như Mỹ, Tây Bắc Âu đã bắt đầu mở cửa từng bước nền kinh tế. Quan hệ quốc tế xuất hiện xu thế tăng cường hợp tác, đối thoại, chủ nghĩa đa phương được coi trọng và tận dụng như một biện pháp giải quyết nhiều mâu thuẫn. Và cao hơn hết, đó là sự điều chỉnh chính sách của các cường quốc và các khối nước theo hướng giảm bớt căng thẳng, hòa dịu hơn.
1. Trục quan hệ Mỹ – Trung là trục quan hệ chính, chi phối các mối quan hệ quốc tế. Cả hai vẫn tìm mọi cách để ngăn chặn và kìm hãm lẫn nhau, không để cho phía bên kia vươn lên dẫn đầu. Vẫn duy trì các biện pháp trừng phạt và chỉ trích lẫn nhau, đều tìm mọi cách để tăng cường ảnh hưởng và tập họp đồng minh.
Tuy nhiên chưa nước nào đủ mạnh hẳn để đè bẹp hoặc áp đảo nước kia. Và điều quan trọng nhất là do vẫn còn có quá nhiều yếu tố, lợi ích về kinh tế, chính trị, thương mại và an ninh chi phối dẫn đến việc cả hai, Mỹ và Trung Quốc thấy vẫn cần phải điều chỉnh những gì có thể điều chỉnh được và hợp tác trong những lĩnh vực có thể hợp tác được và đặc biệt không để cạnh tranh biến thành xung đột.
Hai bên đã tổ chức cuộc gặp gỡ cấp cao từ rất sớm tại Alaska – Mỹ. Kết quả cuối cùng lại không tồi tệ như dự đoán. Điểm đáng chú ý là cả hai bên đã thừa nhận rằng cuộc trao đổi chiến lược lần này là thẳng thắn, Phía Trung Quốc còn tuyên bố “cuộc gặp mang tính xây dựng và hữu ích”. Điều này báo hiệu một chiều hướng rất khác so với thời chính quyền ông Trump, không thể cắt đứt hoàn toàn mối quan hệ song phương.
Hoa Kỳ đã chủ động cử đặc phái viên J. Kerry về biến đổi khí hậu của Tổng thống sang làm việc với phía Trung Quốc. Tuyên bố không đưa Tiktok và We Chat, hai công ty của Trung Quốc vào danh sách đen. Chuyến thăm của Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Sherman đến Trung Quốc cuối tháng 7 là một dấu hiệu đáng chú ý, tuy không có nhiều thông tin để lọt ra ngoài cho phép chúng ta đánh giá thực chất cuộc đối thoại hai bên.
Rất nhiều thông tin cho biết hai bên đang tính đến khả năng tổ chức một gặp gỡ, làm việc giữa ông Biden và ông Tập tại Hội nghị Thượng đỉnh cấp cao G20 vào tháng 10 năm nay tại Italia. Bản thân ông Biden vừa qua đã cho rằng “không có giải pháp nào tốt hơn đối thoại. Thông qua chuyến thăm của Thứ trưởng ngoại giao, phía Mỹ muốn chuyển tải thông điệp của Hoa Kỳ là cam kết sẵn sàng cạnh tranh nhưng cần phải công bằng và có những bảo đảm để tránh cạnh tranh biến thành xung đột. Tăng cường trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Đây có lẽ là mấu chốt của quan hệ hai bên.
Trung Quốc vẫn tiếp tục có những hành động bá quyền, thông qua và tuyên bố áp dụng Luật chống các trừng phạt của nước ngoài, phản đối những chỉ trích về dân chủ nhân quyền cũng như quan hệ của Mỹ với Đài Loan. Tuy nhiên, họ cũng không ít lần tuyên bố rằng Trung Quốc và Mỹ cần đưa quan hệ “trở lại một quá trình phát triển có thể dự đoán được và mang tính xây dựng”. Mặt khác cần xây dựng mô hình tương tác giữa hai quốc gia, tập trung vào chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi.
Để xây dựng và tạo dựng một hình ảnh về một Trung Quốc đáng tin cậy, vừa qua Trung Quốc đã nêu lên việc cần phải điều chỉnh chính sách đối ngoại. Theo ông Tập, Trung Quốc cần kiểm soát giọng điệu, cởi mở và tự tin cũng như nhã nhặn và khiêm tốn, cố gắng xây dựng một hình ảnh Trung Quốc đáng tin cậy, đáng quý và đáng kính trọng. Trung Quốc có trách nhiệm trong các vấn đề toàn cầu và cùng các quốc gia khác đóng góp nhiều hơn vào các vấn đề của nhân loại.
Dư luận đang đặc biệt quan tâm đến những phát biểu mang tính “xây dựng và mềm mỏng” của tân Đại sứ Trung Quốc Tần Cương, mới nhậm chức hồi cuối tháng 7 tại Mỹ. Ông này tuyên bố với các hãng tin rằng “Mối quan hệ Trung – Mỹ đã bước sang thời điểm quan trọng mới, không chỉ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mà còn cả những cơ hội và tiềm năng to lớn” và ông ta “tin chắc cánh cửa quan hệ Trung Mỹ, vốn đã mở, không thể và không nên đóng lại”!
Đây là lần đầu tiên, từ nhiều năm nay, Trung Quốc công khai cho thấy họ sẽ tỏ ra mềm dẻo hơn trong quan hệ quốc tế. Nhiều bình luận cho rằng việc điều chỉnh này là nhằm đối phó với những chỉ trích ngày càng tăng của bên ngoài về một nền ngoại giao bá quyền hay sói lang mà họ đã tiến hành trong thời gian qua.
Do nhiều yếu tố, những thách thức cho việc hai bên cùng tồn tại hòa bình là rất lớn, trước mắt cũng như trong tương lai. Tuy nhiên lợi ích và sự phụ thuộc lẫn nhau cũng rất lớn, đan xen nhau và không bên nào có thể bỏ qua. Riêng trong sáu tháng đầu năm 2021, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ là 46,9 tỷ USD và nhập khẩu từ Mỹ là 14,3 tỷ, tăng hơn 40% so với 6 tháng năm ngoái (Nguồn tin Fortune.com). Trung Quốc vẫn là bạn hàng đứng thứ 3 của Mỹ. Những con số này nói lên nhiều điều hơn những tuyên bố chính trị.
Tuy nhiên cũng cần nhận thức rõ ràng rằng mọi sự điều chỉnh quan hệ giữa hai cường quốc địch thủ này đều sẽ được tiến hành một cách thận trọng, đôi khi chỉ bắt đầu bằng một vài bước đi hoặc động thái nhỏ. Mọi sự đốt cháy giai đoạn có thể sẽ gây tổn hại nhiều hơn.
– Trong khi đó, quan hệ Nga – Mỹ cũng có những dấu hiệu của sự hạ nhiệt. Chúng ta cùng nhớ lại, ngay sau khi nhậm chức ông Biden đã có những phát biểu gay gắt về quan hệ song phương và có phần xúc phạm đối với người đứng đầu nước Nga khiến các nhà quan sát đều nhận định rằng quan hệ hai bên sẽ bước vào giai đoạn tồi tệ nhất. Tuy nhiên, với việc Mỹ tiếp tục gia hạn hiệp ước Cắt giảm vũ khí hạt nhân (Start 2), dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với dự án Nord Stream 2 và việc hai bên đồng ý tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa tháng Sáu vừa qua tại Geneve đã cho chúng ta một cái nhìn khác giữa “lời nói và hành động”. Có vẻ như phía Mỹ đang cố tỏ ra mềm dẻo hơn với Nga để đối trọng với Trung Quốc.
Tại Hội nghị thượng đỉnh vừa qua, Mỹ và Nga đã nhất trí ra được một Tuyên bố chung về đối thoại ổn định chiến lược cho thấy rõ nhu cầu cần phải tiếp tục đối thoại. Điều quan trọng nhất là hai bên đã bước đầu xác định những lĩnh vực thuộc lợi ích quốc gia tối ưu của mỗi bên để có thể cùng thúc đẩy và “làm cho thế giới an toàn hơn”. Cuối tháng 7, hai bên đã có cuộc đối thoại ở cấp Bộ ngoại Giao để bàn thảo về các biện pháp kiểm soát vũ khí để ổn định quan hệ. Một trong những chủ đề rất quan trọng của quan hệ song phương và toàn cầu.
Mỹ và Nga đều cảm thấy bất ổn nếu kéo dài căng thẳng. Hai bên đã nhận thức được rằng cho dù quan hệ có căng thẳng thì cả hai nước vẫn có thể và cần thiết phải đối thoại để giảm các nguy cơ xung đột vũ trang và mối đe dọa hạt nhân. Lợi ích của cả hai bên và thế giới là không thể để chiến tranh hạt nhân xảy ra. Đây là một dấu hiệu đáng mừng cho quan hệ quốc tế. Có vẻ như quan hệ Mỹ – Nga đúng với câu ngạn ngữ là “hãy xem những điều họ làm hơn là nghe những điều họ nói”.
– Về quan hệ giữa Liên minh châu âu (EU) với Nga và Trung Quốc cũng có sự điều chỉnh theo hướng vẫn tiếp tục đáp trả, gây sức ép nhưng cần thiết phải duy trì đối thoại. Đó là mối quan hệ xen kẽ giữa ngăn chặn và hợp tác khi nhận thấy rằng các biện pháp ngăn chặn đã không đem lại hiệu quả mong muốn cho bất cứ bên nào. EU lệ thuộc vào khí đốt của Nga và thương mại với Trung Quốc. Trung Quốc cần thị trường của EU và thúc đẩy quan hệ với một số nước Đông và Nam âu để thúc đẩy Sáng kiến Vành đai Con đường.
Trong thời gian qua, EU tăng cường thức đẩy quan hệ đồng minh với Mỹ. Tuy nhiên, chính những bước đi mạnh mẽ và những kết quả nhanh chóng mà ông Biden đã thu được tại EU cũng làm nhiều nước thành viên lo ngại và cảnh giác khi cảm thấy bị Mỹ dẫn dắt cuộc chơi. Nhiều nước như Pháp, Đức, thể hiện mong muốn giảm căng thẳng với Nga và Trung Quốc để tỏ ra độc lập với Mỹ. Tạo ra những cơ hội kinh doanh với Trung Quốc và Nga.Theo EU, đối thoại chính là để bảo vệ lợi ích của EU, bảo đảm ổn định cho châu lục (tuy không nhượng bộ những giá trị và lợi ích của khối).
Bản thân lãnh đạo EU cũng chịu sức ép của nhiều nước thành viên và đặc biệt các doanh nghiệp. Cuối tháng sáu vừa qua, các thành viên của Bàn tròn châu Âu về Công nghiệp (ERT – bao gồm gần 60 Giám đốc điều hành và Chủ tịch của các công ty đa quốc gia lớn) có trụ sở tại châu Âu đã kêu gọi các nhà lãnh đạo EU thúc đẩy các điều khoản kinh doanh tốt hơn với Trung Quốc và không quay lưng lại với Trung Quốc cho dù có nhiều chỉ trích về tình hình nhân quyền ở Trung Quốc.
Tuy Nga và Trung Quốc luôn coi EU như một cánh tay nối dài của Mỹ và hay lên lớp Nga và Trung Quốc về các vấn đề nội bộ nhưng lợi ích vẫn là lợi ích, cả hai cường quốc này vẫn phải tăng cường duy trì các cuộc đối thoại với EU.
Thượng đỉnh Nga và EU đã không diễn ra do không hội tụ các điều kiện cần thiết. Tuy nhiên hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – Pháp – Đức vẫn được tổ chức. Đức và Pháp đã hoan nghênh cam kết của Trung Quốc trong việc đóng góp vào việc tái cơ cấu nợ của các nước dễ bị tổn thương và kỳ vọng của châu Âu về khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc và các điều kiện cạnh tranh công bằng.
2. Một nét nổi bật nữa trong quan hệ quốc tế thời gian qua đó là sự phối hợp, hợp tác và giải quyết những thách thức mang tính toàn cầu trong khuôn khổ đa phương. Đã có nhiều dấu hiệu của việc lòng tin vào các cấu trúc quản trị đa phương đã quay trở lại, phù hợp với sự lựa chọn, tính toán lợi ích của nhiều cường quốc và các quốc gia.
Trước hết, trong cuộc chiến đấu chống đại dịch Covid-19, chúng ta thấy rõ, trong thời gian đầu xảy ra đại dịch, mỗi quốc gia đều chỉ biết lo cho mình, không hề có sự hợp tác toàn cầu. Chính những tổn thất và hậu quả khủng khiếp kéo dài của đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy các quốc gia dần đi đến nhận thức chung về vai trò quan trọng của sự kết nối toàn cầu. Chính điều này đã tạo động lực cộng hưởng cho việc “khôi phục” lại sự hợp tác ở quy mô toàn cầu, vốn đã bị coi nhẹ trong suốt thời gian Tổng thống Trump nắm quyền.
Thế giới đã và đang chứng kiến một xu thế hợp tác quốc tế, phối hợp tập thể chống chọi với dịch bệnh đang tăng lên nhanh chóng. Không phải chỉ có các nước có tiềm lực mạnh thể hiện điều này, mà nhiều nước nhỏ, khó khăn như như Việt Nam cũng đã có những sự giúp đỡ quý giá cho các nước lớn như Hoa Kỳ và châu âu trong thời gian đầu của đại dịch.
Điển hình nhất là sáng kiến COVAX Facility của Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI) cùng Tổ chức y tế thế giới WHO và Liên minh Toàn cầu về vaccine và Tiêm chủng (GAVI) với mục tiêu cung cấp 2 tỷ liều vaccine trong năm 2021. Chương trình COVAX có sự tham gia của hơn 190 quốc gia trong đó có các nước G20 với mục đích quyên góp vaccine và phân phối một cách công bằng cho các quốc gia, đặc biệt những nước nghèo và ít nguồn lực.
Cho đến hôm nay, Mỹ đang là nhà tài trợ lớn nhất cho Cơ chế COVAX. Thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Mỹ đã đóng góp 2 tỷ đô la cho Liên minh Toàn cầu về vaccine và Tiêm chủng (GAVI), hỗ trợ mua sắm và vận chuyển vắc-xin COVID-19 đến 92 quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Mỹ dự kiến tài trợ thêm 2 tỷ Đô la đến năm 2022. EU, Anh, Nhật Bản… cũng tham gia tích cực.
Không thể không kể đến “Kế hoạch thời chiến” đương đầu với đại dịch của G20.Đây là ví dụ điển hình, chứng tỏ sự gắn kết giữa các quốc gia giầu có với các quốc gia đang phát triển, kể cả những quốc gia mà ở đó các bên (giàu & nghèo) đang còn tồn tại nhiều xung đột,
Nhờ những cơ chế như COVAX, hiện rất nhiều nước nghèo, ít tiềm lực đã tranh thủ được nhiều sự hỗ trợ về tài chính, trang thiết bị y tế, công nghệ và đặc biệt là vaccine chống Covid-19 trong đó có Việt Nam.
– Tuy nhiên, Covid-19 không phải là thách thức duy nhất mà thế giới đang gặp phải. Có một thách thức không kém phần khó vượt qua là biến đổi khí hậu và hậu quả của nó là trái đất ấm dần lên. Nhân loại đã chứng kiến nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan khác thường trên toàn thế giới do hiện tượng trái đất ấm dần lên gây ra. Đó là nắng nóng ở phía tây Mỹ và Canada (nhiệt độ ở Canada lên tới 49,5 độ C) ở Moscow (nhiệt độ lên đến 37 độ C) ở Trịnh Châu (Hà Nam, Trung Quốc), mưa lớn,trong ba ngày gần tương đương với lượng mưa của cả năm. Madagasca, hạn hán đã kéo dài từ năm 2020 cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu ngớt…
Đối diện với thách thức này chúng ta cũng lại chứng kiến một xu thế hợp tác mới. Đó là sự lên ngôi hoặc sự quay trở lại của chủ nghĩa đa phương. Bắt đầu bằng việc Mỹ quay trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Sau đó là cam kết của các cường quốc tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu do Tổng thống Biden chủ trì, hồi tháng tư vừa qua. Điều này cho thấy các cường quốc như Mỹ, Trung, Nga, EU, Nhật Bản, Anh và Pháp có thể cùng hợp tác với nhau trong một lĩnh vực mới. Đó là ngăn chặn sự nóng lên của trái đất, phối hợp, đầu tư vào một nền kinh tế sạch sẽ hơn và bền vứng hơn thông qua các công nghệ mới nhằm thu giữ carbon, loại bỏ carbon dioxide, lưu trữ năng lượng và nhiên liệu công nghiệp.
Mỹ, nước vốn bị chỉ trích là gây ô nhiễm khí nhà kính hàng đầu thế giới đã công bó mục tiêu giảm 50 – 52% lượng khí thải vào năm 2030 so với mức năm 2005. Mỹ hy vọng rằng kế hoạch mới đầy tham vọng của họ sẽ khuyến khích Trung Quốc, Ấn Độ và những nước khác tiến xa hơn trước cuộc họp quan trọng của COP26, tại Glasgow, Scotland vào tháng 11 tới.
Các cam kết cắt giảm khí thải của các quốc gia chiếm hơn một nửa nền kinh tế thế giới này bao gồm Nga, Nhật Bản, Canada, Anh, EU chính là một khởi đầu tốt đẹp cho sự chung tay của gần 200 quốc gia cam kết tham gia vào cuộc chiến chống biến đổi khí hâu trong khuôn khổ Hiệp định Paris.
– Một ví dụ nữa về xu hướng hợp tác đa phương này đó là vấn đề thống nhất mức thu thuế doanh nghiệp trên toàn cầu ở mức 15% đã được đề cập và nhất trí tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 và G20 gần đây (ngày 11-13/6 và ngày 9/7). Nếu được thực hiện, điều này sẽ có ý nghĩa rất lớn và lâu dài với nhiều quốc gia trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Kỳ vọng tạo ra 150 tỷ đô la hàng năm.
Với xu thế này, chắc chắn sự hợp tác ở quy mô toàn cầu sẽ không chỉ dừng lại ở hai lĩnh vừa nêu lên như chống Covid-19 và biến đổi khí hậu. Trong một loạt các vấn đề như vấn đề an ninh toàn cầu và khu vực, vấn đề hạt nhân, khủng bố, an ninh mạng, vấn đề Triều Tiên, vấn đề tài chính quốc tế vẫn sẽ và luôn và cần phải có sự hợp tác toàn cầu và đặc biệt giữa các cường quốc mới có thể giải quyết thành công.
3. 6 tháng qua cho chúng ta thấy một bức tranh với đủ các gam màu sáng tối của đời sống chính trị quốc tế. Vẫn cạnh tranh quyết liệt, xung đột nổ ra và căng thẳng ở khắp nơi như Syrie, Myanmar, Apganixtan. Những kẻ tìm kiếm lợi ích từ các cuộc xung đột hay từ dịch bệnh vẫn đang ra sức kích động, gây căng thẳng để trục lợi. Các nước lớn có sự điều chỉnh chiến lược, vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa cạnh tranh, đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau nhưng xu thế nổi trội là giảm bớt căng thẳng, không để xung đột bùng nổ và cố gằng tìm ra những điểm đồng để có thể hợp tác với nhau.
Tuy vậy, tình hình thế giới sẽ luôn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Hơn nữa, sự tiến triển khó lường của Covid-19 cũng sẽ là một nhân tố gây ra nhiều đảo lộn trong quan hệ quốc tế. Điều này sẽ tác động mạnh đến cục diện thế giới và quan hệ quốc tế trong thời gian tới.
Chúng ta hoan nghênh xu thế hòa hoãn và giảm căng thẳng, tuy nhiên, thực tế đã cho thấy các nước lớn hành động trước hết vì lợi ích thực sự của chính họ. Chỉ các nước nhỏ, tiềm lực yếu sẽ là những nước thiêt thòi nhất khi để mình bị lôi kéo vào các cuộc xung đột bất tận của các cường quốc. Chính vì thế, từng quốc gia, đặc biệt các nước vừa và nhỏ nên tính toán, tranh thủ tận dụng cơ hội, chọn bước đi sao cho phù hợp nhất, có lợi nhất, tránh bị lôi kéo đi bên này chống lại bên kia, hữu nghị, hợp tác nhưng không bị lệ thuộc. Mặt khác, cần chủ động xây dựng và tăng cường được lòng tin với quốc tế. Đây chính là điều kiện cần để hình thành và thúc đẩy hợp tác trong tương lai.■
Nguyên Mi
(Theo Tạp chí Phương Đông)