Thượng đỉnh Nga - Mỹ và Hội nghị G7: Hé lộ một bước đi mới

Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu chuyến công du đầu tiên tại châu Âu tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 (ngày 11-13/6), Hội nghị Thượng đỉnh NATO (ngày 14/6), gặp gỡ thượng đỉnh với lãnh đạo Liên minh châu Âu và kết thúc chuyến thăm bằng cuộc gặp gỡ thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir V. Putin (ngày 16/6).

Giới truyền thông đặc biệt săn đón và quan tâm đến hai sự kiện, đó là cuộc gặp gỡ thượng đỉnh Mỹ – Nga và Hội nghị G7, lần đầu được tổ chức kể từ đại dịch Covid-19.

1. Thượng đỉnh Mỹ – Nga: Đối thoại ổn định chiến lược

Chúng ta vẫn nhớ, ngay trong Chiến tranh Lạnh, hai nước Nga và Mỹ cũng đã có nhiều cuộc gặp thượng đỉnh, thảo luận quan hệ hai nước, đặc biệt là việc cắt giảm vũ khí chiến lược và những biện pháp giảm căng thẳng cũng như các vấn đề quốc tế. Những vấn đề thảo luận và quyết định tại cuộc gặp giữa hai cường quốc Nga, Mỹ luôn có tác động và hệ luỵ đến quan hệ quốc tế. Cuộc gặp lần này giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Biden cũng không ngoại lệ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp Thượng đỉnh ngày 16/6/2021 ở Geneva, Thụy Sĩ

Trước cuộc gặp thượng đỉnh, hai bên Nga, Mỹ đều cho rằng “quan hệ song phương đang ở mức tồi tệ nhất”. Hai bên đều không hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh tại Geneva sẽ “phá băng” hoặc đạt được nhiều kết quả. Phía Mỹ tuyên bố chỉ mong muốn có “quan hệ ổn định và khả đoán” với Nga. Phía Nga cho biết, tuy hy vọng cuộc gặp “có kết quả” nhưng ông Putin cho biết “bản thân không kỳ vọng có bất kỳ đột phá nào trong quan hệ Nga – Mỹ. Sẽ không có kết quả nào làm chúng ta phải ngạc nhiên”.

Tuy nhiên, khác với mọi đồn đoán, Mỹ – Nga vẫn thông qua được tuyên bố chung gồm 143 từ về đối thoại ổn định chiến lược hạt nhân. Theo đó, hai bên nhận thấy rằng vẫn có thể tiến đến mục tiêu chung là “khả đoán trong lĩnh vực chiến lược, giảm nguy cơ xung đột vũ trang và mối đe doạ chiến tranh hạt nhân”.

Đây là chủ đề quan trọng thường được hai bên đề cập ngay cả trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Vấn đề này có liên quan trực tiếp đến hai khó khăn mà cả thế giới quan tâm, đó là phải giải quyết kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) giữa năm Uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an và Đức (P5+1) với Iran và giải trừ vũ khí hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên. Chính vì thế Thoả thuận Nga – Mỹ về ổn định chiến lược hạt nhân vừa qua sẽ tạo điều kiện cho những cố gắng phi hạt nhân hoá ở Iran và Triều Tiên sớm đạt kết quả. Như vậy, Biden có thể thực hiện lời hứa “lãnh đạo thế giới không bằng tấm gương của sức mạnh mà bằng sức mạnh của những tấm gương”.

Phía Nga cho rằng: “Cuộc đối thoại ở Geneva có vẻ như là bằng chứng cho thấy hai nước (Nga và Mỹ) có thể duy trì thái độ hợp tác thật sự về những vấn đề hai bên cùng có lợi, trong trường hợp này là phổ biến vũ khí hạt nhân”. Nhiều nhận xét cho rằng bản thân Nga cũng muốn kiềm chế Iran, tuy nhiên, Nga cũng còn phải giữ thế cân bằng do quân đội Iran cũng có mặt ở Syria và có thể gây khó khăn cho Nga.

         Một vấn đề rất mới giữa hai bên là an ninh mạng. Đây là lần đầu tiên các cuộc tấn công mạng được nêu ra, không chỉ ở Cuộc gặp gỡ Thượng đỉnh Nga – Mỹ mà cả ở Hội nghị Thượng đỉnh G7 trước đó. Phía Mỹ cho rằng họ sẽ có phản ứng đáp trả tích cực hơn nếu Mỹ và các nước đồng minh bị các nước thù địch tấn công mạng. Ông Biden cũng muốn khẳng định rằng Mỹ có đầy đủ năng lực để làm điều này. Chắc chắn thông điệp này không phải chỉ nhằm đến Nga mà còn có hàm ý với cả các nước khác. Đây cũng chính là vấn đề mà các nghị sỹ Mỹ thường chất vấn Tổng thống vì cho rằng chính quyền không bảo đảm được an ninh mạng. Song ông Putin không có ý kiến gì với ông Biden về vấn đề này.

         Hai bên Nga – Mỹ còn thảo luận nhiều vấn đề khác. Đó là vấn đề Syria và tình hình an ninh và ổn định ở Afghanistan sau khi quân Mỹ rút quân. Điều đáng chú ý là ông Putin đã bày tỏ thái độ sẵn sàng thảo luận và giúp đỡ Mỹ bởi Nga có lợi ích và mối quan tâm trong việc bảo đảm an ninh tại khu vực này sau khi Mỹ rút.

Các nhà quan sát cho rằng mối quan hệ “ổn định và khả đoán” đã là một dấu hiệu đáng mừng. Ngoài vai trò to lớn của Mỹ với an ninh thế giới, Nga có vai trò quan trọng ở Trung Á và Trung Đông, đồng thời là đối tác quốc phòng với nhiều quốc gia châu Á, đặc biệt là Nam Á và Đông Nam Á. Chính vì thế, mối quan hệ Mỹ – Nga ổn định có thể góp phần ổn định tình hình Syria, ngăn Iran phát triển vũ khí hạt nhân, ngăn bạo lực và chia cắt ở Afghanistan sau khi Mỹ rút quân, giúp chống khủng bố quốc tế và hạn chế phổ biến vũ khí. Nhờ đó, an ninh châu Á sẽ được tăng cường.

Tác động và hệ luỵ của cuộc gặp gỡ của các nước lớn còn được cảm nhận nhiều hơn trong Hội nghị Thượng đỉnh G7 trước khi Nga và Mỹ gặp nhau ở Geneva.

2. G7: Vai trò của các nước lớn với các vấn đề toàn cầu

Hội nghị Thượng đỉnh G7 đã họp từ ngày 11-13/6 với sự tham dự của người đứng đầu nhà nước và chính phủ của 7 nước Mỹ, Anh, Pháp, Italia, Canada, Đức, Nhật Bản cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, và khách mời là Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Australia, Tổng thống Nam Phi và Thủ tướng Ấn Độ. Lãnh đạo các nước G7 đã tập trung thảo luận biện pháp khôi phục kinh tế và chống đại dịch Covid-19.

Các nước G7 đã cam kết khôi phục lại kinh tế, xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn bằng kế hoạch xây dựng hạ tầng trị giá 120.000 tỷ đô la Mỹ trong 15 năm tới. Đây là kế hoạch phục hồi của các nước G7 sau đại dịch. Một khi kinh tế các nước phát triển phục hồi thì sẽ có điều kiện giúp đỡ các nước đang phát triển. Hội nghị cũng thông báo sẽ có kế hoạch đóng góp vào con số 40.000 tỷ mà các nước đang phát triển ước tính cần có để xây dựng cơ sở hạ tầng.

Để đối phó với dịch bệnh, G7 đã cam kết cung cấp cho các nước thu nhập trung bình và thấp 870 triệu liều vaccine phòng Covid-19 trong năm nay và năm sau. Tuy chưa đủ so với mục tiêu ban đầu là 1 tỷ liều hoặc rất nhỏ so với nhu cầu của các nước này thì 870 triệu liều sẽ giúp các nước thu nhập trung bình và thấp đi đến miễn dịch cộng đồng. Quyết định này của G7 có tác động tích cực đến cuộc đấu tranh chống đại dịch của các nước này.

Về môi trường, Hội nghị Thượng đỉnh G7 đã cam kết tiến hành những cố gắng đầy tham vọng và nhanh chóng để đạt được mức thải nhà kính bằng 0 càng sớm càng tốt thông qua “giảm khí thải, tăng cường biện pháp đáp ứng, chấm dứt và đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học”. Các nước G7 cam kết huy động 100 tỷ đô la mỗi năm từ nay cho đến năm 2025 cho các nước đang phát triển, giúp các nước này ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hội nghị cũng nhấn mạnh ba ưu tiên là giáo dục cho trẻ em gái, trao quyền cho phụ nữ và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Trong lĩnh vực này, các nước đã cam kết 15 tỷ đô la viện trợ trong hai năm 2021 và 2022.

Có những người cho rằng trong hoàn cảnh hiện tại khi vai trò các nước nhỏ trong đời sống chính trị thế giới ngày càng tăng thì vai trò của các nước lớn đã giảm một cách tương ứng, do vậy các cuộc họp thượng đỉnh của các nước lớn không còn có nhiều vai trò nữa. Điều này chỉ đúng một phần. Trong khi thế giới vẫn chia ra thành những nước có nhiều nguồn lực và những nước có ít nguồn lực thì vai trò của các nước lớn (đồng nghĩa với các nước có nguồn lực) vẫn có nhiều ý nghĩa. Như vậy các dạng Thượng đỉnh như G7 vẫn sẽ giữ nguyên vai trò của nó, chưa kể có thể còn có vai trò lớn hơn trong tương lai. Bởi những quyết định của nó có tác động mạnh mẽ đến quan hệ quốc tế và các vấn đề toàn cầu. Điều này được thể hiện trong những nỗ lực quốc tế giải quyết những thách thức toàn cầu như đại dịch, môi trường và biến đổi khí hậu, quyền của phụ nữ và giáo dục cho trẻ em gái… được Hội nghị Thượng đỉnh G7 thảo luận và cam kết giúp đỡ.

Việc các nước châu Á như Hàn Quốc, Ấn Độ và Australia  được mời tham dự hội nghị đã chứng tỏ sự quan tâm của Anh và của G7 đối với khu vực châu Á và Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trong các cuộc thảo luận cũng như trong thông cáo chung của hội nghị, châu Á được đề cập đến nhiều lần. Với châu Á, các nước G7 đã hứa tài trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, từ đường sắt đến trại điện gió.

Một điều không kém phần quan trọng là các cuộc tiếp xúc bên lề Hội nghị Thượng đỉnh. Đáng chú ý nhất là tiếp xúc giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ Nhật Bản Suga Yoshihide. Đây là lần đầu tiên hai người đứng đầu nhà nước và chính phủ trực tiếp gặp gỡ kể từ khi Suga lên làm Thủ tướng tháng 9/2020. Như vậy Hội nghị Thượng đỉnh G7 không chỉ hạn chế ở mức tạo bầu không khí mà còn là nơi giúp giải quyết những thách thức của thế giới và những vấn đề trong quan hệ song phương của các nước tham dự. Những quyết định của Hội nghị Thượng đỉnh G7 có tác động và hệ luỵ tích cực đối với các nước đang phát triển, giúp các nước này trên nhiều lĩnh vực với hy vọng có thể thay đổi bộ mặt thế giới trong những năm sau. Từ G7 lần này có thể thấy rằng các cường quốc ngày càng quan tâm đến những vấn đề toàn cầu và có chương trình nghị sự ngày càng rộng lớn hơn.

Sẽ còn có những hội nghị thượng đỉnh tiếp theo như Hội nghị Thượng đỉnh về Giáo dục Toàn cầu ngày 28 – 29/7 và Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu (COP26) đầu tháng 11, đều sẽ được tổ chức tại Anh, chưa nói đến Hội nghị Thượng đỉnh G20 sẽ được tổ chức tại Italia 30-31/10 và nhiều hội nghị thượng đỉnh khác nữa. Hy vọng rằng những hội nghị này sẽ có những quyết định tích cực giúp thế giới đối phó với những thách thức chung vì hoà bình, an ninh và công bằng. Điều này cho thấy G7 trở thành nhóm nước góp phần thay đổi luật chơi của thế giới.■

Trần Bách

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN