Chia sẻ quyền sở hữu trí tuệ vaccine COVID- 19 và chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi

Do áp lực của các nước phát triển (hơn 100 nước ủng hộ bỏ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại WTO tháng tư vừa qua) và tình hình đại dịch ngày càng tồi tệ ở đồng minh Ấn Độ, ngày 5/5/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho biết ông ủng hộ việc tạm thời bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19, tạo điều kiện cho các nước ít nguồn lực sản xuất vaccine chống dịch. Cũng trong ngày, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã phát thông cáo báo chí, nêu rõ: “Đại dịch là cuộc khủng hoảng y tế, và hoàn cảnh bất thường đòi hỏi phải có những biện pháp bất thường. Chính quyền (Mỹ) tin rằng cần phải bảo vệ mạnh mẽ quyền sở hữu trí tuệ nhưng để chấm dứt đại dịch này, chính quyền ủng hộ việc bỏ các biện pháp bảo vệ này đối với vaccine chống Covid-19”.

Việc Mỹ bất ngờ tuyên bố tạm thời bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với  vaccine Covid-19 đã tạo ra phản ứng rất khác nhau ở nhiều nước.

Giáo hoàng Francis đã lên tiếng ủng hộ tuyên bố này của Mỹ. Ông đã nói “Một “biến thể” của con virus này là chủ nghĩa dân tộc khép kín, nó ngăn chặn khả năng quốc tế hóa vaccine . Một biến thể khác là khi chúng ta đặt luật thị trường và luật sở hữu trí tuệ lên trên luật của tình thương và sức khỏe của nhân loại”. Đúng vậy, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi đã dẫn đến việc nhiều nước phản ứng mạnh mẽ trước tuyên bố này. Thụy Sĩ đã phản đối do ngành dược phẩm của mình rất lớn.  Liên minh châu Âu tỏ thái độ không mặn mà với quyết định này. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen chỉ khẳng định “sẵn sàng thảo luận bất kỳ đề xuất nào để giải quyết khủng hoảng một cách hiệu quả và thực tế”. Đức tỏ ý không sẵn sàng chấp nhận tuyên bố, cảnh báo: “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là nguồn gốc của đổi mới và trong tương lai phải tiếp tục duy trì”.

Tuy nhiên, nhiều nước ủng hộ tuyên bố của Mỹ. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng ủng hộ, ông nói: “Lẽ dĩ nhiên Nga ủng hộ cách đề cập vấn đề đó. Như tôi đã phát biểu nhiều lần… chúng ta không nên nghĩ đến làm thế nào để có lợi nhuận cao nhất mà phải nghĩ tới việc bảo đảm an toàn cho dân”. Liên minh châu Phi tuyên bố: “Lịch sử sẽ ghi nhớ quyết định của Chính phủ Mỹ là điều đúng đắn vào đúng thời điểm để chống lại thách thức khủng khiếp này”.

Người biểu tình tại Washington, DC, kêu gọi Mỹ chia sẻ công thức chế vaccine cho thế giới, ngày 5/5/2021. Ảnh AFP

Việc tạm bỏ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chỉ là “điều kiện cần nhưng chưa đủ” để các nước có thể sản xuấtaccine Covid-19 đại trà. Để có thể sản xuất được vaccine , có nhiều trở ngại cần phải vượt qua:

1. Do chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, các cuộc thảo luận trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thường mất rất nhiều thời gian, quyết định của WTO là không dễ dàng vì dựa trên sự đồng thuận của 164 nước thành viên. Nhiều nhà quan sát cho rằng nếu thuận lợi quá trình này có thể mất vài năm. Cuộc thảo luận ở WTO về giấy phép sản xuất thuốc chống HIV/AIDS và thuốc chống sốt rét cũng mất 5-7 năm. Tương tự như vậy, phải mất 4 năm đàm phán mới có thể xuất bản được sách có bản quyền theo hệ thống braille dành cho người mù.

Do vậy chúng ta khó có thể mong chờ rằng trong vài tháng tới hay thậm chí một hai năm tới vaccine Covid-19 sẽ được sản xuất hàng loạt ở Ấn Độ và các nước khác để chuyển đến các nước ít nguồn lực nhằm chống Covid-19.

2. Trở ngại nữa là phản ứng của các công ty dược phẩm bị thua thiệt trong quyết định này. Stephen J. Ubi, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Johnson and Johnson cho rằng quyết định của Biden sẽ phá hoại phản ứng toàn cầu của chúng ta đối với đại dịch và gây nguy cơ đối với an toàn”. “Quyết định này sẽ gieo rắc lôn xộn giữa đối tác tư nhân và đối tác công, làm yếu thêm chuỗi cung ứng đã rất căng thẳng và tăng lan truyền vaccine giả”. Một luật sư làm việc cho cả chính quyền Obama và Trump cho biết: “một giải pháp phù hợp với mục tiêu do chính quyền nêu ra là cải thiện khả năng cạnh tranh của Mỹ và giữ việc làm trong nước Mỹ là sản xuất vaccine trong nước và xuất khẩu”. Trên thực tế đây là vấn đề lợi nhuận thu được trong sản xuất vaccine. Một ngày trước khi Mỹ công bố quyết định trên, hãng Pfizer đã đưa ra dự báo doanh số năm 2021 là 26 tỷ và lợi nhuận lên đến 7 tỷ đô la.

Sau khi chính quyền Biden thông báo tạm ngừng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, Hiệp hội các nhà sản xuất và nghiên cứu dược phẩm đã ra thông cáo, không chấp nhận quyết định này.

Cứ cho rằng những vấn đề trên được giải quyết một cách thuận lợi thì việc bắt đầu sản xuất vẫn còn có nhiều khó khăn, cụ thể là:

3. Khó khăn lớn nhất có lẽ là bí quyết sản xuất. Bí quyết sản xuất vaccine vẫn nằm trong tay các công ty dược phẩm. Những công ty này đều không muốn từ bỏ bí quyết sản xuất. Các công ty dược phẩm cho rằng họ đã đầu tư vào nghiên cứu và triển khai thì nghiễm nhiên phải giữ bí quyết sản xuất. Có lẽ vì lý do này trước khi thông báo quyết định của mình, chính quyền Biden đã họp nhiều lần với đại diện các hãng sản xuất vaccine trước. Tuy nhiên, cho đến nay phản ứng của các công ty dược phẩm đều không thuận lợi.

4. Sản xuất vaccine cần công nghệ mới. Các nhà máy sản xuất vaccine không dễ dàng chuyển đổi để sản xuất các loại vác-xin này. Một chuyên gia về dược phẩm đã từng phát biểu tại một hội nghị của Tổ chức Y tế Thế giới rằng: “đây là nền tảng mới và công nghệ mới… bạn không thể thay đổi mục đích của cơ sở sản xuất cũ là xong. Do vậy, giấy phép là một chuyện, có được giấy phép chúng ta còn phải làm thế nào để có nhiều thứ nữa”. Một ví dụ cụ thể là vaccine mRNA (cả hai loại Moderna và Pfizer and Biontech đều thuộc loại này) là loại vaccine mới để bảo vệ chống lại các bệnh lây nhiễm. Để kích hoạt phản ứng miễn dịch, vaccine truyền thống đưa mầm bệnh yếu hoặc bất hoạt vào cơ thể. Không như vậy, vaccine mRNA dạy các tế bào của chúng ta cách tạo ra một protein – hay chỉ là một mảnh protein – kích hoạt phản ứng miễn dịch bên trong cơ thể chúng ta. Phản ứng miễn dịch đó sẽ tạo ra các kháng nguyên để bảo vệ chúng ta không nhiễm bệnh nếu virus xâm nhập cơ thể. Đây là công nghệ mới tuy có nguồn gốc từ khi ADN được phát hiện những năm 1950. Có lẽ vì lý do này mà hiện nay đã xuất hiện cuộc tranh cãi là điều gì có lợi hơn cho thế giới xây dựng nhà máy mới ở những nước ít nguồn lực hay tăng năng xuất của các nhà máy cũ đang sản xuất vaccine ở Mỹ, châu Âu và Ấn Độ. Trong cuộc tranh cãi này, châu Âu có lập trường không như Mỹ.

5. Nguyên liệu để sản xuất vaccine cũng là vấn đề lớn. Theo một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới về thành phần của vaccine chống Covid-19 thì “trung bình một nhà máy sản xuất kháng thể sẽ phải dùng khoảng 9000 loại nguyên liệu do 300 nhà máy từ 30 nước cung cấp”. Adar Poonawalla, Giám đốc điều hành của Viện Huyết thanh Ấn Độ, nhà sản xuất vaccine AstraZeneca/Oxford cho biết vật liệu cần thiết bao gồm cả túi và bộ lọc. Ông nói: “nhà sản xuất cần nhiều túi và bộ lọc cũng như vật liệu rất quan trọng. Tôi đưa các bạn một ví dụ, vaccine Novavax chúng tôi sản xuất cũng cần vật liệu này từ Mỹ”. Ngay cả ở mức độ sản xuất như hiện tại thế giới vẫn đang thiếu hụt nhiều nguyên liệu, đặc biệt là nucleotide và lipid.

Nguồn cung cấp vật liệu cho việc sản xuất vaccine là hạn chế và điều này không liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Về điều này, tại một hội nghị tháng 3/2021 vừa qua, Sara Gilbert, một chuyên gia về vaccine AstraZeneeca/Oxford, cho biết: “tôi nghĩ rằng việc bỏ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng chẳng đi đến đâu trong việc giải quyết vấn đề. Không phải chỉ quyền sử dụng công nghệ cần thiết mà là nguyên vật liệu, ngân hàng tế bào, quy trình, thử nghiệm, chuẩn và thuốc thử mới làm nên chuyện”.

Đó là những khó khăn không liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ trong việc sản xuất vaccine. Những khó khăn này không thể một sớm một chiều giải quyết được để có thể sản xuất vaccine cung cấp cho các nước ít nguồn lực.

Dù nhằm bất cứ mục tiêu gì thì quyết định trên đây của ông Biden cũng rất đáng được hoan nghênh, đặc biệt khi Mỹ đã hứa là sẵn sàng cung cấp nguyên liệu cho các nước để sản xuất vaccine. Thế giới, đặc biệt là các nước ít nguồn lực, rất cần tạm thời bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine Covid-19 cũng như cần những quyết định mạnh mẽ về chuyển giao bí quyết sản xuất và công nghệ để sản xuất vaccine  Covid-19. Để có thể thắng được cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, chúng ta cần phải xây dựng và triển khai cơ sở sản xuất vaccine xin ở nhiều nơi trên thế giới. Một khi đại dịch Covid-19 chấm dứt, những cơ sở sản xuất này cũng cần được duy trì để chuẩn bị cho đại dịch có thể xẩy ra trong tương lai.

Do vậy, việc sản xuất vaccine không dễ vì sản xuất vaccine không chỉ cần bằng sáng chế mà còn cần từ bỏ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, đề cao tinh thần quốc tế mạnh mẽ và hợp tác tích cực giữa các nước với nhau, giữa các nước và các công ty dược phẩm. Điều này không chỉ giúp chúng ta trong trận chiến với đại dịch hiện tại mà còn cần thiết cho chúng ta chuẩn bị cho đại dịch sau này. Phải coi bí quyết sản xuất và công nghệ, hai điều mà mà sức khoẻ và phát triển của chúng ta đang phụ thuộc phải là hàng hoá công cho đến khi thế giới đã đạt được mức tiêm chủng cao và phải được phố biến để mọi người cùng hưởng. Chỉ có làm được như vậy, mọi người không phân biệt từ nước nào, giàu nguồn lực hay ít nguồn lực, có thể sẽ được tiêm vaccine, không một ai sẽ không an toàn và tất cả chúng ta sẽ an toàn.■

Nguyên Mi

(Theo Tạp chí Phương Đông)

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN