Xung đột Mỹ-Trung Quốc có phải từ những tính toán sai lầm?

Quan hệ Mỹ và Trung Quốc được nhìn nhận là trục quan hệ quan trọng nhất từ nhiều thập kỷ nay vì tác động đến các nước trên thế giới. Nhìn vào quá trình của mối quan hệ này trong từng thời điểm, “thân – sơ” thường đổi chỗ cho nhau. Từ giữa thế kỷ XX, hai nước Mỹ – Trung Quốc chuyển từ đối đầu sang hợp tác ngày càng trở lên chặt chẽ, toàn diện về chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng. Với mong muốn của Mỹ làm cho Trung Quốc mạnh lên để chuyển trạng thái từ Chủ nghĩa xã hội (CNXH) sang nền dân chủ tự do phương Tây cùng với Mỹ giải quyết các vấn đề lớn toàn cầu trong đó là làm suy yếu Liên Xô và hệ thống XHCN. Trung Quốc bề ngoài tỏ ra đồng hợp với Mỹ trên nhiều lĩnh vực nhưng lại âm thầm tận dụng thời cơ sự mở cửa, “hữu nghị” của Mỹ để có được tiềm lực vốn, công nghệ thị trường của Mỹ. Sau 30 năm đã giải cứu Trung Quốc thoát khỏi yếu kém và lạc hậu, trở thành một nước hiện đại. Với đường lối khôn ngoan, ém mình chờ thời và kín đáo đã làm cho những thế hệ lãnh đạo nước Mỹ thời đó không hiểu được những tính toán âm thầm của Trung Quốc. Họ phát triển mạnh mẽ kinh tế, nhưng vẫn giữ vững những giá trị của một nước Trung Hoa do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo. Trung Quốc  đã làm được những gì mình muốn vào cuối thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI. Khi thế và lực của Trung Quốc đã đủ mạnh sau 30 năm cải cách mở cửa các nhà lãnh đạo Trung Quốc như ông Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình chuyển đổi vị thế quốc gia từ ém mình chờ thời của thời ông Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân sang thời kỳ “Trỗi dậy hòa bình” và cũng vào thời điểm đó quan hệ với Hoa Kỳ được các nhà lãnh đạo Trung Quốc xác định là mối quan hệ “hai nước lớn kiểu mới” và chính thức Chủ tịch Tập Cận Bình nêu trực tiếp với Tổng thống Hoa Kỳ Obama khi ông thăm Hoa Kỳ năm 2012. Lời tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình khi mà Trung Quốc đã xây dựng được lợi ích ở nhiều vị trí chiến lược ở châu Phi, Mỹ La Tinh, châu Âu, Trung Đông và nhiều nước Đông Nam Á, đặc biệt đã tuyên bố Biển Đông theo đường lưỡi bò do Trung Quốc áp đặt và đã chiếm được quần đảo Hoàng Sa và một số đảo và bãi đá ngầm của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa. Với một lực lượng quân sự hùng hậu đang kiểm soát Biển Đông và vươn ra Ấn Độ Dương. Sự lớn mạnh không ngừng của Trung Quốc làm cho những người đứng đầu Nhà Trắng “tỉnh ngộ” về sự sai lầm của Mỹ trải qua hàng thập kỷ, đã tiếp sức cho Trung Quốc mạnh lên, nhưng Trung Quốc lại không hề thay đổi thể chế chính trị như tính toán của Mỹ đã tính toán. Nói chính xác hơn là những nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã nhận thấy điều này từ năm 2003, được bộc lộ qua những lời phát ngôn của một số chính trị gia cố vấn của đời Tổng thống Mỹ Nixon. Khi Obama nắm quyền Tổng thống Hoa Kỳ đã có nhận thức lại về Trung Quốc, coi Trung Quốc là đối tượng cạnh tranh quyền lợi của Mỹ. Trong suốt 8 năm cầm quyền, Obama tập trung chiến lược xoay trục châu Á – Thái Bình Dương và Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP để ngăn chặn sự “trỗi dậy của Trung Quốc”, song chính quyền Obama vẫn coi Trung Quốc là đối tác cơ bản của nước Mỹ. Chính sách của Hoa Kỳ dưới thời Obama không đủ sức mạnh để ngăn cản sự phát triển của Trung Quốc về kinh tế, quân sự. Chiến lược một vành đai, một con đường đã giúp Trung Quốc có một vị thế quan trọng ở nhiều vùng chiến lược, nhiều quốc gia coi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của họ. Điều đó đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã chiếm được địa chiến lược quan trọng so với Mỹ. Hơn thế nữa, sau 8 năm cầm quyền của Obama, chính sách xoay trục châu Á Thái – Bình Dương đã không ngăn cản được Trung Quốc ở Biển Đông, Trung Quốc đã thực hiện được hầu hết các mục tiêu ở vùng biển này, đẩy Mỹ vào thế phải bị động đối phó. Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP cũng bị Tổng thống Trump không chấp nhận ngay khi ông Trump lên cầm quyền. Từ khi Donald Trump làm Tổng thống Hoa Kỳ đã có bước đi mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn đối với Trung Quốc. Xuất phát từ quan điểm coi Trung Quốc là đối tượng đe dọa an ninh của nước Mỹ, Trump trong 4 năm cầm quyền đã thi hành chính sách đối đầu chống Trung Quốc về chính trị, kinh tế, quân sự nhằm kiềm chế, làm suy yếu Trung Quốc, đưa nước Mỹ trở lại vị thế lãnh đạo thế giới. Trong khi đó Trung Quốc tuyên bố sự trỗi dậy nước này là sự “trỗi dậy hòa bình” là sự hợp tác đôi bên cùng thắng. Trung Quốc đặt mục tiêu sẽ vươn lên trở thành nước có nền kinh tế vượt nền kinh tế Mỹ vào năm 2030. Kỳ họp lưỡng viện 5/3/2021 Trung Quốc đã công bố sẽ là nước lãnh đạo thế giới vào năm 2049 (năm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước CHND Trung Hoa) xét toàn diện về chính trị, kinh tế và quốc phòng.

Tổng thống Biden từng có mỗi quan hệ tốt với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.   Ảnh: WJS

Biden nắm quyền Tổng thống Hoa Kỳ 01/2021, sẽ có nhiều sự điều chỉnh chính sách đối nội và đối ngoại của thời kỳ Donald Trump cầm quyền. Tuy nhiên những tuyên bố gần đây về chính sách đối ngoại đặc biệt là Hướng dẫn Chiến lược An ninh Tạm thời được công bố ngày 06/3/2021 thì không có điều chỉnh lớn về chính sách đối với Trung Quốc, vẫn xác định Trung Quốc là đối tượng đe dọa an ninh của nước Mỹ, là đối tượng phải bị kiềm chế và làm suy yếu để Mỹ trở lại vai trò đứng đầu thế giới như chính quyền Trump đã vạch ra trước đây. Những biện pháp Trump đã áp dụng để trừng phạt Trung Quốc về kinh tế, chống phá về dân chủ nhân quyền và cạnh tranh chiến lược ở Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương không thay đổi và có lĩnh vực tăng cường hơn như hoạt động quân sự ở vùng Biển Đông, Đông Bắc Á về vấn đề Đài Loan. Chính quyền Biden sẽ phối hợp với các nước tứ giác kim cương (Mỹ, Ấn, Nhật, Úc) để chống Trung Quốc. Rõ ràng là chính quyền của Tổng thống Joe Biden không đảo ngược các chính sách của ông Trump đã thực hiện đối với Trung Quốc. Như vậy Hoa Kỳ coi quan hệ Mỹ – Trung Quốc là cuộc cạnh tranh mạnh mẽ để giành vị thế đứng đầu dựa trên sức mạnh của hai cường quốc này. Cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung về bản chất bắt nguồn từ sự sợ hãi (lo sợ) của Mỹ đối với một nước mới nổi như Trung Quốc; và niềm tin của Trung Quốc về sự sụp đổ không thể cứu vãn được của Mỹ đó là sự xung đột giữa một bá quyền cũ với một quốc gia đang ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ đầy thách thức.

Vậy cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ đi tới đâu? Liệu hai nước này cùng nhau bước vào thảm họa như lịch sử đã xảy ra trong Chiến tranh Thế giới Thứ nhất và Thứ hai của thế kỷ XX, xuất phát từ sự cạnh tranh giữa các quốc gia mới nổi như Đức, Ý, Nhật với các quốc gia đã là bá quyền như Liên Xô, Mỹ và một số nước châu Âu. Lịch sử đã xảy ra đầy rẫy những trường hợp sự thay đổi cân bằng quan hệ bằng quyền lực. Nhìn từ sự đối đầu Mỹ – Trung hiện nay cho thấy sự đánh giá của họ có những ảo tưởng và sai lầm. Trung Quốc đã đánh giá thấp sự đi xuống của Mỹ về tiềm lực và vị thế trong hai thập kỷ vừa qua và khả năng phục hồi của Mỹ, Trung Quốc tin rằng hoàn toàn có thể trở thành lãnh đạo thế giới. Còn Mỹ tuy đánh giá Trung Quốc đe dọa an ninh của nước Mỹ, nhưng vẫn đánh giá thấp sức mạnh của Trung Quốc. Trung Quốc kỳ vọng nền kinh tế của họ sẽ vượt nền kinh tế Mỹ vào năm 2030, lực lượng quân sự Trung Quốc được gia tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây và đang vươn tới kiểm soát các đại dương đặc biệt là Biển Đông. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của gần 100 quốc gia, dự kiến sẽ cho vay 1 ngàn tỷ USD cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thông qua sáng kiến vành đai và con đường trong thập niên vừa qua và những năm sắp tới. Trung Quốc đánh giá sẽ có được sức mạnh kinh tế từ qui mô đến thị trường trong nước và hỗ trợ cho các khoản đầu tư ở nước ngoài. Tất cả những thành quả của Trung Quốc có được đã làm cho vị thế của Trung Quốc ngang hàng với Mỹ, can dự mạnh mẽ vào thiết chế quốc tế. Có thể Trung Quốc đã nhìn nhận sức mạnh tổng thể của mình so với Mỹ đã tăng lên và vượt trội ở nhiều lĩnh vực, từ đó đã thúc đẩy con đường phát triển của Trung Quốc tiến tới lãnh đạo thế giới và không ngần ngại đối đầu với Mỹ.

Có thể đó là một sai lầm trong đánh giá của Trung Quốc về Mỹ. Nước Mỹ đã là một cường quốc đứng đầu thế giới hàng thập kỷ nay. Sự sai lầm của các đời Tổng thống Mỹ đã làm cho nước Mỹ sa sút về nhiều mặt, nhưng không có đánh giá nào hạ thấp sức mạnh của Mỹ thua kém Trung Quốc. Họ vẫn là quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới về sức mạnh vốn, khoa học công nghệ thương mại, dân số, lãnh thổ đặc biệt là sức mạnh quân sự ở Mỹ và đồn trú ở nhiều vùng chiến lược để bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ khắp nơi trên thế giới. Ngay cả khi Trung Quốc vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế mạnh nhất thế giới nhưng thu nhập quốc dân không phải là sức mạnh duy nhất cho sức mạnh địa chính trị. Trung Quốc còn thua xa về sức mạnh mềm của Mỹ, cho dù Trung Quốc tăng cường năng lực quân sự mấy năm gần đây, nhưng chi tiêu cho quân sự hiện nay của Mỹ vẫn gần gấp 4 lần của Trung Quốc, phân tích kỹ thì năng lực quân sự của Trung Quốc còn thua kém quân sự Mỹ về nhiều mặt, chưa tính đến sức mạnh quân sự của các nước đồng minh của Mỹ nên Trung Quốc không thể đẩy Mỹ ra khỏi khu vực Tây Thái Bình Dương.

Tuy nhiên quyền lực hơn thua giữa Mỹ và Trung Quốc là khó đánh giá. Mỹ đã có lợi thế duy trì quyền lực nhiều năm ở những khu vực mà Trung Quốc gần đây mới thiết lập nên Trung Quốc rất dễ bị tổn thương. Nước Mỹ được bao quanh các đại dương và các nước láng giềng đã có mối quan hệ thân thiện, hợp tác từ nhiều năm. Trong khi Trung Quốc có biên giới bao bọc của 14 quốc gia luôn luôn tranh chấp lãnh thổ với một số nước lớn (Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam) nên quyền lực cứng và mềm của họ bị giới hạn nhất định. Mỹ đang có lợi thế là nước xuất khẩu năng lượng trong khi Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng từ Trung Đông, nơi có nhiều đồng minh của Mỹ. Đường vận chuyển năng lượng tới Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi mối quan hệ xung đột với Ấn Độ, lực lượng của Mỹ và các nước đồng minh ở Biển Đông nên rất dễ bị đứt gãy. Mỹ vượt trội về công nghệ trên nhiều lĩnh vực so với Trung Quốc như sinh học, nano, thông tin. Nước Mỹ có 15 trường trong số 20 trường đại học nghiên cứu hàng đầu thế giới, trong khi Trung Quốc chưa có được một trường nào đạt ở trình độ cao như vậy. Các ngành công nghiệp và quốc phòng của Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào cung ứng kỹ nghệ từ Mỹ (nhất là bộ nhớ và chip điện tử). Về nguồn nhân lực, Trung Quốc đang là nước đứng đầu về dân số, nhưng đang chậm lại trong những năm gần đây. Trung Quốc lo ngại “già trước khi giàu”. Trong khi tỷ lệ tuy có chậm lại nhưng không chuyển sang trạng thái âm; Ấn Độ sẽ sớm vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất, trong khi lực lượng lao động của Trung Quốc đã đạt đỉnh vào năm 2015.

Chủ nghĩa dân tộc có thể đẩy quan hệ Mỹ – Trung tới xung đột nghiêm trọng. (Ảnh minh họa) 

Những gì đang diễn ra ở cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc cho thấy sự ngạo mạn của người Mỹ không coi ai bằng mình cộng với những nhận định sai lầm về sức mạnh và sự đe dọa an ninh từ Trung Quốc, dẫn đến nhưng phản ứng quá thái và nguy hiểm. Người Trung Quốc thì mang một niềm tin sự suy tàn của Mỹ, nước Mỹ sẽ không đủ các nguồn để tạo ra sức mạnh như trước đây, đã ứng xử theo cách đối đầu chấp nhận rủi ro lớn để trỗi dậy và tin rằng sẽ trở thành một nước Trung Hoa lãnh đạo thế giới, một “nền hòa bình kiểu Trung Hoa”. Sự đối đầu giữa một bá quyền cũ như Mỹ với một quốc gia mới trỗi dậy mạnh mẽ như Trung Quốc là cả một quá trình. Trước đó hai nước này đã có thời kỳ nồng ấm, hợp tác, hỗ trợ nhau hiếm có trên thế giới. Quá trình đó tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau, cộng tác với nhau dựa trên một động lực chung làm giảm khả năng chiến tranh nóng và lạnh với Liên bang Xô Viết và ngày nay hai nước lớn này vẫn cần có sự hợp tác với nhau để giải quyết những thách thức lớn của toàn cầu như vấn đề biến đổi khí hậu, bệnh dịch… thì việc kích hoạt những phản ứng mang tính đối đầu một mất một còn dựa trên sự sợ hãi quá mức và sự trỗi dậy quá thái của chủ nghĩa dân tộc với mọi giá sẽ là sai lầm lớn của cả hai quốc gia. Lúc này cả hai nước lớn nhất thế giới cần phải có một cách nhìn dựa trên các mối quan hệ toàn cầu và tính phụ thuộc vào nhau ngày càng lớn vì một thế giới đa cực thay thế một siêu cường đã từng diễn ra trong lịch sử.

Cả hai bên phải cẩn thận trước những tính toán đối đầu nhau. Những tín hiệu về đại diện cấp cao của Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp nhau ở Atlanta vào 18-19/3/2021 để thảo luận những vấn đề có liên quan tới quan hệ hai nước lớn rất đáng hoan nghênh. Bài học từ hai cuộc chiến tranh thế giới lần Thứ nhất, Thứ hai của thế kỷ XX, cả hai nước đều phải nhìn nhận lại những đánh giá về nhau để tìm đến những nhân tố hợp tác để giảm đối đầu, tăng cường hợp tác. Mong sao cuộc gặp cấp cao Mỹ – Trung không kích hoạt thêm những hiềm khích mới. Thế giới sẽ tránh được rủi ro từ khả năng tính toán không sai lầm cuả Mỹ và Trung Quốc.■

Xuân Sơn

(Theo Tạp chí Phương Đông)

 

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN