Chính sách đối ngoại và những lựa chọn từ ‘ngoại giao chuyên biệt’

Cuốn sách “Ngoại giao chuyên biệt” phân tích về sắc thái mới trong quan hệ quốc tế, đặc biệt từ sau Chiến tranh Lạnh, đề cập những lựa chọn mà các quốc gia tầm trung đang đối mặt.

Tháng 7/2017, chính trường Singapore dậy sóng vì tranh cãi nảy lửa giữa Kishore Mahbubani – khi đó là hiệu trưởng sáng lập Trường Chính sách công Lý Quang Diệu và là cựu đại sứ Singapore tại Liên Hợp Quốc (LHQ) – với cựu Ngoại trưởng K Shanmugam và Đại sứ Bilahari Kausikan về chuyện quốc đảo này nên “nghĩ nhỏ” hay không sau thời kỳ Lý Quang Diệu.

Lập luận của Mahbubani, chiến lược gia đối ngoại và nhà tư tưởng hàng đầu của Singapore những năm 1980 tới đầu 2000, khá đơn giản: sau khủng hoảng Qatar bị các nước vùng Vịnh bao vây, Singapore nên tư duy lại cách tiếp cận của mình sau kỷ nguyên Lý Quang Diệu theo hướng nước nhỏ nên hành động kiểu nhỏ, cổ súy các tổ chức khu vực, và khuyến khích vai trò của Liên Hợp Quốc.

Kishore Mahbubani là nhà ngoại giao nhiều ảnh hưởng của Singapore. Ảnh: TodayOnline.

Lựa chọn chính sách quốc gia tầm trung

Lý lẽ của ông là Singapore sẽ khó có được nhà lãnh đạo nào vĩ đại như Lý Quang Diệu. Hơn nữa, với quy mô và nguồn lực nhỏ thì Singapore nên hạn chế can dự vào vấn đề lớn, đặc biệt giữa những cường quốc.

Mahbubani – người từng đặt vấn đề “Người châu Á có thể nghĩ?” từ những năm 1990 để nói về thiên niên kỷ tiếp theo của người châu Á – bị chỉ trích vì giới hạn tư duy Singapore trong “nghĩ nhỏ”. Trong khi đó, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu chưa bao giờ đặt tầm nhìn đó cho quốc đảo này, dù ông từng đưa quốc đảo nhỏ bé chỉ với mấy trăm km2 trở thành một trong những nước có tiếng nói quan trọng trong khu vực.

Lập luận của Mahbubani ngay lập tức vấp phải các chỉ trích mạnh mẽ của cả hai nhà ngoại giao kỳ cựu. Ông Shanmugam chỉ ra nguyên tắc của Lý Quang Diệu là chưa bao giờ ủng hộ “suy nghĩ nhỏ”.

Đại sứ Bilahari Kausikan chỉ trích kịch liệt hơn. Ông nêu thực tế rằng Singapore có quy mô nhỏ hơn hầu hết nước Đông Nam Á nhưng chưa bao giờ để vấn đề này ảnh hưởng tới đường lối đối ngoại độc lập hay các nguyên tắc của họ.

Ông nhắc tới những lần Singapore bác lại quan điểm của Trung Quốc, Mỹ hay Indonesia trong quá khứ để bảo vệ lập trường của mình.

Câu chuyện về tranh cãi giữa những nhà ngoại giao Singapore này là vấn đề kinh điển trong lựa chọn chính sách đối ngoại của các quốc gia, đặc biệt ở nhóm các quốc gia vừa hay tầm trung: đâu là giới hạn nguồn lực; lựa chọn nào phù hợp với khả năng ảnh hưởng của mình trong quan hệ quốc tế.

Cuốn sách Ngoại giao chuyên biệt: Hướng đi mới của Ngoại giao Việt Nam đến năm 2030 (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật) do tiến sĩ Vũ Lê Thái Hoàng chủ biên. Ông đang làm công việc ngoại giao chuyên nghiệp và nghiên cứu tại Bộ Ngoại giao.

Quyển sách tập hợp những nghiên cứu chất lượng về lựa chọn phong cách ngoại giao chuyên biệt của các quốc gia tầm trung.

Sách đề cập những lựa chọn mà các quốc gia tầm trung đang đối mặt, và cách tư duy về những lựa chọn đó. Chủ biên đã tập hợp và đóng góp quan trọng cho cuốn sách.

Tiến sĩ Hoàng cũng là người đóng góp vào bài phát biểu của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đối thoại Shangri-la ở Singapore tháng 5/2013 về niềm tin chiến lược. Đây được đánh giá là thông điệp quan trọng trong thời điểm biến động lớn khi đó.

Trong cuốn sách này, tác giả có chương giải thích sâu về “xây dựng lòng tin” trong chính sách đối ngoại của quốc gia tầm trung, với những phân tích từ mô hình hòa giải Pháp – Đức (những đối thủ truyền kiếp trong lịch sử châu Âu) sau Thế chiến II, hay quá trình xây dựng lòng tin của ASEAN vốn là tổ chức được xây dựng từ Chiến tranh Lạnh, đang phát triển mạnh và ngày càng gắn kết kể từ 1990 tới nay.

Sắc thái mới của quan hệ quốc tế

Theo các tác giả, ngoại giao chuyên biệt (niche diplomacy) là sắc thái mới sinh động trong quan hệ quốc tế, nhất là trong giai đoạn từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay.

Đây là đặc trưng chính sách, hành vi tạo nên bản sắc riêng của các quốc gia tầm trung như Canada, Thụy Điển, Australia… Các tiếp cận được nhóm tác giả đề cập tới bao gồm ngoại giao số, ngoại giao nước, ngoại giao trung gian hòa giải, ngoại giao y tế hay ngoại giao bình đẳng giới.

Những sắc thái này là điểm mới so với “ngoại giao cây tre”, “ngoại giao pháo hạm” được dùng để mô tả triết lý, bản sắc, phong cách ngoại giao của một số quốc gia, hay “ngoại giao bóng bàn”, “ngoại giao giao hưởng” nói về việc sử dụng những công cụ phi chính trị (thể thao, văn hóa…) trong quá khứ.

Thúc đẩy ngoại giao chuyên biệt là “nỗ lực tìm tòi, sáng tạo, thích ứng với thực tiễn mới trong hệ thống quốc tế của những quốc gia với nguồn lực có hạn song muốn phát huy ảnh hưởng, vai trò” trong khu vực và trên thế giới.

Các quốc gia tầm trung bị hạn chế trong những lĩnh vực mà họ có thể phát triển bởi một loạt các yếu tố về địa lý, kinh tế và tính chất cấu trúc xã hội và chính trị của những nước này.

Ngoại giao chuyên biệt trở nên phổ biến một phần bởi các nước không thể “tập trung nguồn lực cần thiết để tiến hành chính sách đối ngoại trong bối cảnh một chiến lược lớn toàn cầu”.

Theo nhóm tác giả, nghiên cứu trong cuốn sách này, với những liên hệ, gợi mở hàm ý chính sách cho Việt Nam, thực sự cần thiết trong bối cảnh thế và lực của đất nước có nhiều phát triển; và công tác đối ngoại đứng trước những yêu cầu mới, nên cần tìm ra tư duy mới trong thế kỷ 21.

20 năm trước, ở giảng đường đại học, sinh viên ngành quan hệ quốc tế luôn mong có những tài liệu cập nhật về biến động của những dòng chảy quốc tế đương đại – điều khá thiếu trong các tài liệu chuyên khảo lúc đó. Các cập nhật về đối ngoại và tư duy quốc gia tầm trung là những cập nhật cần thiết và kịp thời trong bối cảnh thế giới đang có nhiều thay đổi hiện nay.

Cuốn sách là một cập nhật quan trọng, sâu sắc về cách nhìn, phân tích chính sách đối ngoại hiện đại. Nhóm tác giả của tiến sĩ Vũ Lê Thái Hoàng đã cho ra mắt cuốn sách chất lượng về ngoại giao đương đại và những lựa chọn cho các quốc gia tầm trung.

Đây là chuyên khảo rất cần để có cách hiểu mạch lạc, tư duy đa chiều trong thế giới đang có một loạt chiều kích mới, hỗn loạn và đầy bất ngờ hiện nay.

Thanh Tuấn (Zing News)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN