Vai trò của nước Nhật đối với Châu Á sau Chiến tranh Thế giới thứ II

Châu Á – Thái Bình Dương trước kia và hiện nay luôn luôn được các cường quốc xác định là khu vực sống còn của họ do vị thế địa chính trị vô cùng quan trọng của nó. Do vậy, cuộc cạnh tranh chiến lược của các cường quốc đã diễn ra hàng thế kỷ nay, trong đó có nước Nhật. Mặc dù là nước thua trận trong Chiến tranh Thế giới thứ II, song vai trò của nước Nhật đối với Châu Á vẫn không hề suy giảm. Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu bài viết của Giáo sư Edwin O. Reischauer (Đại học Harvard) đánh giá về vai trò của Nhật Bản ở Châu Á sau Thế Chiến II để bạn đọc tham khảo. Những nhận định này được ông viết từ hơn 50 năm trước, nhưng vẫn đúng với những gì đang diễn ra tại nước Nhật ngày nay.

Vị trí của Nhật Bản trong khu vực Châu Á

Vì Nhật là một nền kinh tế lớn và là nước dẫn đầu về mọi mặt ở châu Á, người ta cho rằng Nhật Bản sẽ đóng một vai trò lớn trong giải quyết các vấn đề của thế giới. Nhưng trong thực thế, phần lớn thời gian trong vòng 22 năm sau khi Chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc, Nhật Bản gần như không tham gia gì vào công việc quốc tế.

Có nhiều lý do giải thích cho tình huống bất thường này. Trong một thời gian dài sau chiến tranh, Nhật Bản vẫn chưa phải là nước Nhật như hiện nay. Vào thời điểm chiến tranh kết thúc, đây có lẽ là một trong những nước tham chiến chính bị tàn phá nhiều nhất và chắc chắc là nước bị mất nhiều ý chí nhất. Nguồn cung cấp nguyên liệu thô để đảm bảo cuộc sống cho người Nhật đã bị tàu ngầm Mỹ cắt đứt; các thành phố xây dựng bằng các vật liệu dễ cháy của họ đã bị xóa bỏ gần như hoàn toàn bởi các máy bay ném bom Mỹ; và người dân, những nạn nhân của quá trình giáo dục chính trị tập trung dưới thời những lãnh đạo quân sự, đã hoàn toàn vỡ mộng và bối rối cao độ trước sự sụp đổ của đất nước họ. Sự tái thiết nền kinh tế ở Nhật diễn ra chậm nhất trong số các vùng đất bị tàn phá bởi chiến tranh, và việc xây dựng lại lòng tự tôn dân tộc còn đi chậm hơn. Dù thế nào thì Nhật Bản đã không còn là một nước độc lập nữa. Trong gần 7 năm, họ nằm dưới sự quản lý chặt chẽ của hệ thống quân sự Mỹ thời kỳ tạm chiếm.

Khung cảnh hoang tàn của Hiroshima sau khi bị Mỹ ném bom nguyên tử trong Chiến tranh Thế giới thứ 2

Kể cả khi đã có lại được nền độc lập qua Hiệp ước Hòa Bình tháng ba năm 1952, người Nhật cũng không thể hiện bất kỳ mong muốn nào liên quan đến việc tham gia vào trường quốc tế. Nền kinh tế mới chỉ bắt đầu lại tiến lên phía trước, và người ta vẫn còn nhiều nghi ngờ rằng Nhật Bản, bởi địa hình hẹp và nghèo nàn, sẽ khó có thể phát triển một nền kinh tế ổn định về lâu về dài. Người dân Nhật Bản cũng bị chia rẽ sâu sắc trước gần như mọi vấn đề liên quan đến chính trị. Nhiều đảng đối lập theo xu hướng Mác-xít phản đối quyết liệt số đông theo chủ nghĩa bảo thủ đang nắm quyền điều hành chính phủ. Tương lai chính trị của Nhật Bản là không rõ ràng và dường như chỉ có đầy rẫy những mối nguy hiểm.

Người Nhật cũng đã mất đi sự tự tin dân tộc. Họ đã tự mang lại một kết thúc thê thảm cho chính mình cũng như hủy hoại các đất nước láng giềng với đường lối quân sự của mình. Họ cảm thấy mình không có gì đáng giá để đóng góp các nước khác mà bản thân họ phải học hỏi từ nước ngoài – từ nước Mỹ hay có thể là từ Liên Xô hay Trung Quốc cộng sản. Sự thực là Nhật Bản vẫn gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nước Mỹ trên lĩnh vực quốc phòng, thông qua Hiệp ước Anh ninh song phương được ký kết ngay trước khi Hiệp ước Hòa bình có hiệu lực. Họ cũng vẫn phụ thuộc phần nào vào viện trợ kinh tế Mỹ và phụ thuộc còn nhiều hơn vào thị trường Mỹ – điểm đến của gần một phần ba hàng xuất khẩu Nhật. Như vậy nước Nhật dường như rơi vào vị thế phải quỵ lụy nước Mỹ.

Phần lớn các nước trên thế giới hoan nghênh thái độ bị động của Nhật Bản. Nhật Bản bị nhớ đến với sự sợ hãi và căm ghét vì trước đó đã là nước gây xáo trộn hòa bình vùng Viễn Đông. Các nước hàng xóm vui mừng nhìn thấy sự bất lực của Nhật Bản, và thái độ thù địch và nghi ngờ của các nước này cũng là một lý do vì sao Nhật không muốn hoạt động quốc tế tích cực. Như vậy người Nhật cảm thấy rằng các vấn đề nội bộ của họ vẫn còn quá lớn và sự tự do hoạt động trên trường quốc tế của họ bị giảm thiểu tới mức họ cần phải hạn chế hoạt động của mình và tập trung vào giải quyết các vấn đề nội địa, để các vấn đề quốc tế cho nước Mỹ và các nước đang phát triển lành mạnh hơn.

Tình thế này chỉ từ từ thay đổi, nhưng đến giữa thập niên 1960, đã rõ ràng là nước Nhật đang bước vào một giai đoạn lịch sử mới. Các tiến triển trong kinh tế phi thường tới mức người dân Nhật không thể không thấy tự hào. Lòng tự tôn dân tộc dần dần quay trở lại. Dù cho những lỗi lầm của Nhật Bản có xấu xí đến đâu thì trong thế kỷ vừa rồi, họ vẫn là một trong những nước đạt được nhiều thành công mà không một nước nào khác có được ở châu Á. Rõ ràng nước Nhật là một nước mạnh mẽ và có nhiều thứ để đóng góp cho thế giới. Hơn nữa, bất ổn kéo dài và tiến trình phát triển kinh tế quá chậm ở các nước còn lại của châu Á dần khiến cho người Nhật lo ngại về môi trường sống của mình. Người Nhật nhận ra rằng nếu họ muốn sống trong một thế giới tốt hơn, an toàn hơn và thịnh vượng hơn thì họ cũng sẽ phải đóng góp vào sự phát triển của thế giới.

Trong khi đó, những hiềm khích từ phía các nước láng giềng của Nhật Bản cũng đã lắng xuống. Người Triều Tiên, dân tộc đã chịu đựng 40 năm bị Nhật Bản đô hộ tàn bạo sợ và căm thù Nhật Bản nhất, mặc dù họ cũng tôn trọng và ngưỡng mộ dân tộc này. Người Philippines, hai lần bị người Nhật chiếm đảo vào Chiến tranh Thế giới thứ II, vẫn còn khá gay gắt. Một số nhóm với thái độ thù địch vẫn tồn tại ở Singapore và Malaysia. Còn một số nước Đông Dương thì thái độ bài Nhật cũng đã gần như biến mất. Những nỗi lo sợ và thù ghét khác đan xen với nhau, và Nhật Bản được nhớ đến vừa vì họ đã lật đổ chế độ thực dân vừa vì những điều tàn khốc mà họ đã làm trong chiến tranh. Kể cả người Triều Tiên và người Philippines cũng đã sẵn sàng để chào mừng người Nhật quay trở lại trường quốc tế vì Nhật có thể trở thành một nguồn viện trợ cho các nước này.

Trong những năm vừa qua, Nhật Bản đang tiến những bước thận trọng đầu tiên nhằm quay trở lại với nền chính trị quốc tế. Người Nhật đang cố gắng tìm kiếm một vị trí trên thế giới. Những thất bại trong quá khứ, sự chia rẽ chính trị nội địa, và thái độ thù địch Nhật Bản còn sót lại ở một số nước sẽ khiến cho Nhật Bản di chuyển chậm hơn. Nhưng trong năm đến mười năm tới, có khả năng lớn là Nhật Bản sẽ quay trở lại với thế giới một cách toàn diện và đóng một vai trò tương xứng với tầm cỡ của họ hơn.

Khả năng cao là vai trò của người Nhật sẽ không mang tính quân sự. Người Nhật, phản ứng lại với những cuộc chiến tranh tàn khốc mà các lãnh đạo quân sự đã đưa họ vào trước kia, đã trở thành dân tộc hoàn toàn hướng tới chủ nghĩa hòa bình. Trong Hiến pháp mới năm 1947, họ đã tuyên bố rằng họ “cam kết vĩnh viễn không phát động chiến tranh” và hứa rằng “lục quân, hải quân và không quân, cũng như các tiềm lực chiến tranh khác, sẽ không được duy trì.” Dần dần họ bắt đầu diễn giải rằng Hiến pháp vẫn cho phép các biện pháp phòng vệ, và ngày nay, họ có các “Lực lượng phòng vệ” mặt đất, bờ biển, và bầu trời với tổng quân số khoảng 240.000. Dù đa số người dân ủng hộ lực lượng phòng vệ, họ kiên quyết phản đối việc tham chiến ở nước ngoài. Sự căm ghét chiến tranh và chủ nghĩa quân phiệt là rất mạnh mẽ và sẽ không suy chuyển nhanh chóng.

Người ta nhiều khi tranh luận rằng Nhật Bản, giống như một viên thái giám về mặt quân sự, sẽ tiếp tục là một con số không trên trường quốc tế. Bản thân tôi không đồng ý với điều này. Cán cân quân sự đáng sợ giữa hai cường quốc hiện nay lớn tới mức sức mạnh quân sự của các nước khác không có ảnh hưởng đáng kể lên cán cân quyền lực toàn cầu, mà chỉ là một vấn đề mang tính khu vực. Thật khó để đoán được Nhật Bản sẽ có được lợi ích gì với việc tăng cường sức mạnh quân sự của họ – khi mà Mỹ vẫn sẽ duy trì một sự hiện diện quân sự mang tính cân bằng hóa ở phía Tây Thái Bình Dương. Nhật Bản không cần bắt chước có Hạm đội 7 của Hoa Kỳ, và họ cũng không cần phải có một chiếc ô hạt nhân thứ hai bên dưới chiếc ô lớn hơn mà người Mỹ đã giương cho họ. Là một quốc đảo, các vấn đề phòng vệ của họ khá đơn giản. Hơn nữa, ở châu Á, kể cả sức mạnh quân sự to lớn như của Mỹ cũng không phát huy được hiệu quả trước mối nguy hại lớn nhất ở các nước kém phát triển – vấn đề bất ổn nội địa.

Mặt khác, một Nhật Bản được tái quân sự hóa sẽ khiến cho các nước láng giềng lo ngại và sẽ giảm thiểu, hơn là tăng cường, ảnh hưởng của Nhật Bản. Chi phí cho việc tái quân sự hòa cũng sẽ ăn vào sự thịnh vượng của Nhật và giảm đi lượng viện trợ kinh tế và nước này có thể cung cấp cho các nước khác. Vì các chi phí quân sự rất thấp hiện nay, người Nhật hẳn không gặp khó khăn gì để đạt đến sử dụng 1 phần trăm GNP cho các mục đích viện trợ, vốn là một mục tiêu của các nước phát triển. Trên thực tế, họ còn có thể vượt qua mục tiêu này, chuyển 3 hay 4 phần trăm mà các nước khác dùng vào mục đích quân sự thành 1 phần trăm nữa vào mục đích viện trợ ngoài nước. Với tương lai của châu Á, việc phát triển kinh tế quan trọng hơn rất nhiều việc phòng vệ chống xâm lược. Vì vậy mà một nỗ lực nhằm tăng cường vai trò quân sự, về lâu dài, sẽ làm yếu đi khả năng đóng góp của Nhật Bản, không chỉ vào quá trình phát triển kinh tế ở châu Á, mà cả sự ổn định của khu vực.

Vai trò cơ bản của Nhật Bản có lẽ sẽ là một nước cung cấp viện trợ kinh tế và công nghệ. Nhật vốn đã là một đối tác thương mại lớn của Hàn Quốc, Đài Loan, và nhiều nước khác ở Đông Nam Á, và thông qua các nghĩa vụ bồi thường chiến tranh, Nhật cũng đã gửi đi một lượng đáng kể viện trợ “bất tự nguyện.” Dần dần chi trả hết các khoản bồi thường, Nhật Bản đang nhanh chóng chuyển sang viện trợ tự nguyện, dưới dạng tín dụng thương mại, bên cạnh đó là ngày càng nhiều các khoản cho vay “mềm” và trợ cấp. Năm 1965, Nhật Bản bình thường hóa quan hệ với Hàn Quốc, với lời hứa sẽ gửi 300 triệu đô-la trợ cấp, 200 triệu đô-la cho vay mềm, và hàng triệu đô-la dưới dạng tín dụng thương mại. Sau cuộc đảo chính bài cộng sản ở Indonesia, Nhật Bản dẫn đầu trong số các nước cho vay trong việc tái cơ cấu lại các điều khoản tín dụng với chính quyền mới. Khi Ngân hàng Phát triển châu Á (Asian Development Bank) được thành lập vào năm 1966 để làm nguồn quỹ hỗ trợ phát triển cho châu Á, Nhật Bản đã đóng góp 200 triệu đô la, trở thành nước đầu tiên sau chiến tranh đóng góp số tiền lớn bằng nước Mỹ vào những hoạt động tương tự. Bên cạnh nước Mỹ, Nhật Bản đã trở thành nguồn viện trợ kinh tế quan trọng cho khu vực, và vai trò của Nhật nhất định sẽ còn phát triển hơn nữa.

Nhật Bản cũng đã trở thành một nguồn hỗ trợ công nghệ quann trọng cho Đông và Nam Á. Thực ra những kinh nghiệm công nghiệp hóa và hiện đại hóa thể chế của Nhật Bản có lẽ thích hợp với khu vực này của thế giới hơn là những kinh nghiệm của nước Mỹ hay của Đông Âu và Liên Xô. Nhật Bản đã đạt được những thành tựu của mình từ các điều kiện tương tự với các nước còn lại ở châu Á – nền kinh tế lúa gạo, mật độ cư dân cao, và một nền văn hóa phi phương Tây – hơn là từ các điều kiện như ở phương Tây. Điều này còn đúng hơn với nước Mỹ và Liên Xô, nơi mà tỷ lệ giữa dân số và tài nguyên thiên nhiên tốt hơn rất nhiều ở phần lớn châu Á.

Trong một vài năm trở lại đây, Nhật Bản đã đưa hàng trăm sinh viên Nam Á sang Nhật để đào tạo cao cấp, đặc biệt là trong các lĩnh vực kỹ thuật. Họ đã triển khai một chương trình giống như Tổ chức Hòa bình Mỹ (Peace Corps) và đã gửi một số thành viên tới các vùng xa xôi như châu Phi. Tuy nhiên, họ gặp phải một rào cản lớn về ngôn ngữ trong những nỗ lực chuyển giao các kiến thức kỹ thuật cho các nước khác. Tiếng Nhật là một ngôn ngữ khó học, rất khác với các nước khác ở châu Á, trừ Hàn Quốc, và hệ thống chữ viết của Nhật có lẽ là phức tạp nhất trên thế giới. Những người châu Á khác, bình thường có khả năng dùng tiếng Anh hay một số ngôn ngữ quốc tế khác, thấy tiếng Nhật khó học và đem lại nhiều lợi ích về lâu dài hơn là các ngôn ngữ quốc tế được sử dụng rộng rãi hơn. Về phía mình, người Nhật lại là những người có khả năng ngôn ngữ kém. Nếu họ muốn đóng vai trò lớn trong trợ giúp về kỹ thuật, như họ cần làm, thì trong tương lai có lẽ họ sẽ phải thành lập các học viện kỹ thuật với ngôn ngữ giảng dạy là tiếng Anh. Một điều còn quan trọng hơn là họ cần phải hiện đại hóa các phương thức dạy tiếng Anh ở Nhật, qua đó những nỗ lực học tiếng Anh của thanh niên Nhật có thể mang lại những kết quả tốt hơn. Điều này sẽ có thể giúp tăng hiệu quả thương mại quốc tế của Nhật Bản và tiếng nói của nước Nhật trước các vấn đề quốc tế có trọng lượng hơn.

Nhật Bản có lẽ cũng sẽ đóng vai trò là một động lực, thậm chí là lãnh đạo, ở châu Á. Với sự trỗi dậy của Nhật Bản sau thời gian cô lập hậu chiến, và qua đó, các nước châu Á biết đến Nhật Bản nhiều hơn, thì ví dụ của Nhật, như là một nước ngoài phương Tây đã trở nên thịnh vượng thông qua một xã hội tự do và dân chủ, sẽ có ảnh hưởng ngày càng lớn ở khắp châu Á. Như chúng ta đã thấy, sự thịnh vượng và tự do cá nhân là những giá trị hấp dẫn người châu Á hơn là sự rập khuôn và kỷ luật cứng nhắc như ở Trung Quốc cộng sản. Nhật Bản đã cho thấy rằng sự thịnh vượng và tự do cá nhân không nhất thiết chỉ dành cho phương Tây và cũng có thể được gây dựng ở các xã hội khác. Như ta đã thấy, việc Nhật Bản đánh bại nước Nga vào năm 1904-5 là nguồn cội cảm hứng cho phong trào chủ nghĩa dân tộc quét qua châu Á sau Chiến tranh thế giới II.  Có lẽ trong vài năm tới, tấm gương Nhật Bản sẽ tiếp tục trở thành một nguồn cảm hứng mang tính xây dựng cho các nước khác ở châu Á.

Nhật Bản kích hoạt đơn vị thủy quân lục chiến đầu tiên kể từ sau Thế chiến II tại Căn cứ Ainoura ở Sasebo, trên đảo Kyushu ở tây nam Nhật Bản, ngày 7 tháng 4 năm 2018

Việc lãnh đạo châu Á sẽ khó thực hiện hơn. Không một nước nào ở châu Á muốn nước khác lãnh đạo mình, và, dù thế nào thì người Nhật, vẫn ở trong trạng thái dè chừng và thiếu tự tin, có khả năng sẽ không muốn nhận vị trí lãnh đạo này. Cụm từ “người châu Á chúng ta” có thể được người châu Á nói một cách dễ dàng, nhưng sự thật là các dân tộc châu Á biết khá ít về nhau và giữ nhiều định kiến sâu sắc về nhau. Trừ khi người Nhật cố gắng nhiều hơn họ những gì họ đang làm để phát triển các kỹ năng giao tiếp tốt hơn và một sự hiểu biết tinh tế hơn về các nước láng giềng, thì sớm thôi chúng ta sẽ nghe về “người Nhật xấu xí” thường xuyên như chúng ta đã nghe về “người Mỹ xấu xí.” Tôi tin rằng không một nước nào có thể trở thành “người lãnh đạo” của châu Á.

Dù vậy, việc ở châu Á có một nước lớn với một nền kinh tế mạnh và đã hoàn toàn hiện đại hóa có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Sự hiện diện của Nhật Bản trong các nhóm nước khu vực khiến cho các nhóm này trở nên có ý nghĩa và đoàn kết hơn là khi tất cả các thành viên đều yếu và kém phát triển. Là một nước thuộc cùng chủng tộc châu Á và có cùng nền văn hóa, Nhật Bản sẽ có thể đóng một vai trò lớn hơn và có ích hơn trong sự phát triển lành mạnh ở Đông và Nam Á so với các nước phát triển khác, thậm chí là hơn cả những người khổng lồ như Mỹ và Liên Xô. Thực tế, là một nước lớn với hai chân ở hai phía của đường rạn nứt lớn chia rẽ thế giới, một mặt là một nước công nghiệp của “phía Bắc,” mặt còn lại lại là một nước ngoài phương Tây, không thuộc chủng tộc da trắng, Nhật Bản có thể đóng một vai trò độc nhất vô nhị trong lịch sử thế giới những thập niên sắp tới.

Những gì mà Nhật Bản đã trở thành và vai trò mà nước Nhật hứa hẹn sẽ gánh vác trong tương lai, tôi tin, là hai lý do tốt để chúng ta thấy lạc quan hơn về tương lai của châu Á. Nhật Bản trước kia là mối nguy hiểm lớn ở vùng Viễn Đông trước chiến tranh và từ sau khi chiến tranh kết thúc, nước này không đóng vai trò gì quan trọng, nhưng bây giờ thì nước Nhật đã vươn lên thành một lực lượng mới mang lại sự ổn định và phát triển lành mạnh. Những gì mà nước Nhật làm ngày nay có lẽ sẽ quan trọng với tương lai của châu Á hơn bất kỳ điều gì mà Trung Quốc làm, ít nhất là trong vòng một hoặc hai thế hệ tới. Mặc dù hiện nay, kết cục của chiến tranh Việt Nam đang là mối quan tâm lớn gần nhất của người Mỹ, thì vai trò mà người Nhật sẽ quyết định đảm nhận về lâu về dài sẽ quan trọng hơn nhiều với người châu Á và cho cả người Mỹ.

Từ tất cả những điều trên, chúng ta có thể thấy rằng tương lai của Nhật Bản và mối quan hệ Mỹ-Nhật có tầm quan trọng về lâu dài lớn hơn tất cả mọi vấn đề khác ở châu Á rộng lớn. Mối quan hệ với Nhật Bản có lẽ mang lại cho Mỹ nhiều lợi ích kinh tế và các lợi ích khác hơn mối quan hê giữa Mỹ và tất cả các nước châu Á khác gộp lại. Trong tương lai gần, người Mỹ có nhiều lý do để hy vọng vào Nhật Bản hơn là vào các nước còn lại ở châu Á. Nếu như nền kinh tế hay chính trị Nhật bị suy yếu, hay nước Nhật trở nên căng thẳng với nước Mỹ, thì mọi hy vọng mà nước Mỹ có về châu Á cũng sẽ tan tành.

Mối quan tâm của nước Mỹ tới Nhật Bản có thể được so sánh với mối quan tâm mà Mỹ dành cho Tây Âu, dù là ở quy mô nhỏ hơn. Các nước Tây Âu gộp lại lớn hơn Nhật Bản rất nhiều và cũng đóng vai trò trực tiếp hơn vào cán cân quyền lực Mỹ – Liên Xô. Nhưng việc Nhật Bản là nước lớn và phát triển duy nhất trong một khu vực rộng lớn đầy rẫy sự bất ổn và lạc hậu khiến cho Nhật Bản quan trọng với nước Mỹ hơn nhiều một nước với kích thước kinh tế tương tự ở châu Âu.

Edwin O. Reischauer      

(Theo Tạp chí Phương Đông)

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN