Hiệp định thương mại tự do Việt Nam với EU (EVFTA) đã được chính thức ký kết tại Hà Nội ngày 30 tháng 6 năm 2019. Hiệp định EVFTA được đánh giá là hiệp định thương mại tham vọng nhất EU từng ký kết với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Cơ hội lớn cho xuất khẩu và đầu tư của Việt Nam
Theo hiệp định này, 99% dòng thuế với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xoá bỏ sau 7 năm EVFTA có hiệu lực. Đặc biệt, 71% thuế hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ bị loại bỏ ngay lập tức khi EVFTA có hiệu lực và phần còn lại mất dần trong 7 năm. Đây có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các Hiệp định thương mại tự do FTA đã ký cho tới nay.
Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Tuy nhiên, thời gian tới, khi Việt Nam đạt đến trình độ phát triển kinh tế nhất định thì GSP sẽ không còn nữa. Nếu FTA với EU không có hiệu lực sớm, sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh ở thị trường này.
Với cam kết này, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản, gạo, đồ gỗ… là rất đáng kể. Các mặt hàng trước đây ta chưa thể xuất khẩu do hàng rào thuế quan còn cao, giờ cũng sẽ có thể tiếp cận được thị trường EU với giá cả cạnh tranh hơn.
Theo tính toán, FTA giữa Việt Nam và EU sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm bình quân 4-6% một năm trong 10 năm đầu kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Nếu FTA với EU có hiệu lực vào năm 2019 thì xuất khẩu vào thị trường này sẽ tăng thêm 16 tỷ USD ngay trong 1-2 năm đầu tiên. Tới 2028, con số tăng thêm là 75-76 tỷ USD.
Dệt may được đánh giá là ngành được hưởng lợi nhiều nhất. Hiện thuế suất xuất khẩu hàng dệt may sang EU bình quân là 9,6%, nhưng khi EVFTA có hiệu lực thì thuế suất sẽ giảm dần về 0% trong vòng 7 năm. EVFTA có thể giúp xuất khẩu dệt may tăng thêm được 1,54 tỷ vào năm 2023 và 5,82 tỷ USD vào 2028. Theo tính toán chung, cứ 1 tỷ USD xuất khẩu hàng dệt may sẽ tạo ra được khoảng 250.000 việc làm trực tiếp nên những con số trên có ý nghĩa đặc biệt đối với người lao động Việt Nam. Với dệt may, EU hiện đã là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với mức tăng trưởng hằng năm 7%-10%, chỉ đứng sau Mỹ. Năm 2018, dệt may Việt Nam đã xuất khẩu hơn 4 tỷ USD sang thị trường EU.
Ngược lại với EU thì lợi ích thu được cũng rất rõ ràng, 65% thuế đối với hàng xuất khẩu từ EU sang Việt Nam sẽ biến mất ngay khi EVFTA có hiệu lực, trong khi phần còn lại sẽ được giảm dần trong 10 năm. Dự tính, EVFTA sẽ làm tăng thu nhập quốc dân của khu vực này trong dài hạn khoảng 29,5 tỷ euro.
Về thu hút đầu tư, Hiệp định mới được ký kết cũng tạo thêm cơ sở cho đầu tư lớn từ EU vào Việt Nam trong lĩnh vực tài chính, công nghệ thông tin, nông sản. EU hiện cũng đã là đối tác kinh tế thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam. Hiệp định này có thể giúp Việt Nam là điểm trung chuyển, kết nối các hoạt động thương mại – đầu tư của EU tại khu vực ASEAN. Tác động này sẽ được cộng hưởng mạnh mẽ khi cộng đồng kinh tế ASEAN được thực hiện, cùng với đó là các FTA với Liên minh kinh tế Á – Âu, với Hàn Quốc hay Hiệp định CPTPP mới ký kết.
EVFTA cũng sẽ giảm nhiều hàng rào phi thuế quan hiện có để giao dịch với Việt Nam, mở ra các dịch vụ ở Việt Nam và thị trường mua sắm công khai cho các công ty EU, trong khi sẽ tăng cường bảo vệ các khoản đầu tư của EU vào Việt Nam.
Với những cam kết mở cửa mạnh mẽ như vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “EVFTA có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Việt Nam, là thời cơ lớn cho Việt Nam có đủ điều kiện hội nhập sâu hơn để tham gia vào thị trường khu vực và toàn cầu.”
Thách thức từ Hiệp định thương mại Việt Nam EU
Khi Hiệp định có hiệu lực, người tiêu dùng Việt Nam sẽ có cơ hội tiêu dùng các sản phẩm của châu Âu với giá cạnh tranh. Nhưng đây cũng chính là một thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam đang sản xuất mặt hàng tương tự.
Ngành ô tô nội địa của Việt Nam dự kiến sẽ vấp phải sức cạnh tranh lớn từ ô tô Châu Âu. Thị trường ô tô Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn vào thời điểm 2030. Hiện thuế nhập khẩu ô tô từ các nước khu vực ASEAN đã giảm xuống còn 0%. Năm 2018, Việt Nam đã ký kết Hiệp định CPTPP cam kết giảm dần thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về 0% sau 7-9 năm nữa. Với việc Việt Nam và EU ký kết Hiệp định thương mại tự do này, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc cũng sẽ về 0% sau 9-10 năm nữa.
Như vậy, tới năm 2030 thị trường ô tô Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn cho các trung tâm sản xuất ô tô lớn trên thế giới bao gồm ASEAN, Nhật Bản và đặc biệt là EU. Ô tô Châu Âu có nhiều thương hiệu lớn được đặc biệt ưa chuộng tại Việt Nam và đây là thách thức cực lớn cho công nghiệp ô tô nội địa với nhà sản xuất lớn như Vinfast và Trường Hải, đặc biệt là dự án của Vingroup nhà máy công suất 500.000 xe/năm.
So với các quốc gia trong khu vực, ô tô trong nước đến nay vẫn chủ yếu nhập linh kiện về lắp ráp trừ Vinfast. Ô tô sản xuất lắp ráp tại Việt Nam có chi phí cao hơn khoảng 20% do tỷ lệ nội địa hóa thấp. Hiện ô tô sản xuất lắp ráp trong nước mới đạt tỷ lệ nội địa hóa bình quân khoảng 7-10%. Các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ thấp như lốp xe, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy. So với các nước trong khu vực, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam còn phải phấn đấu nhiều năm. Tỷ lệ nội địa hóa của các nước trong khu vực trung bình đã đạt được 65-70%, Thái Lan đạt tới 80%.
Với việc mở cửa thị trường ô tô sâu rộng trong những năm tới, ngành công nghiệp ô tô không có cách nào khác phải nhanh chóng nội địa hoá và làm chủ được công nghệ trong vòng 10 năm tới để kịp cạnh tranh với xe nhập.
Một vấn đề quan trọng trong Hiệp định thương mại Việt Nam EU là nguồn gốc xuất xứ hàng hoá, một khi không minh bạch rõ ràng và bị lợi dụng, khi bị đối tác phát hiện thì hậu quả sẽ là rất lớn, các biện pháp chế tài sẽ được áp dụng, các cam kết sẽ bị huỷ bỏ. Do vậy, Bộ Thương mại cùng các Bộ ngành cần thực hiện ngay đề án kiểm soát các mặt hàng xuất khẩu của nước ta theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chống các hoạt động lợi dụng Việt Nam để xuất khẩu sang EU và các nước khác để trốn thuế.
Như vậy những tác động của EVFTA không hoàn toàn tích cực, áp lực cạnh tranh trong ngành công nghiệp và một số ngành sản xuất hàng hoá xuất nhập khẩu khác là vô cùng lớn, nhưng những áp lực này đều đã xuất hiện trong các Hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam đã ký. Quan trọng, Việt Nam phải nhìn các hiệp định này dưới góc độ tích cực để khai thác tốt các lợi thế cạnh tranh của mình, chuẩn bị tốt nhất để tranh thủ những ưu đãi từ hiệp định này với EU, và giảm thiểu các thách thức đã nêu.
Phải nhận thức rằng quan hệ thương mại – đầu tư giữa Việt Nam và EU có tính bổ sung lẫn nhau mạnh mẽ, có rất ít lĩnh vực cạnh tranh đối đầu, nên hiệp định này tạo cơ hội lớn cho hai bên bổ khuyết cho nhau, cùng phát triển trên cơ sở hài hoà lợi ích đôi bên. Cho dù có những thách thức, cơ hội tới từ Hiệp định này lớn hơn rất nhiều. Việt Nam tận dụng được thời cơ này như thế nào hoàn toàn tuỳ thuộc vào những chính sách và nỗ lực của Nhà nước và các doanh nghiệp. Việc tận dụng tốt nhiều Hiệp định thương mại song phương và đa phương trước đó của Việt Nam trong những thập kỷ qua cho chúng ta niềm tin rằng Hiệp định với EU lần này sẽ tiếp tục là một dấu mốc quan trọng nữa trong hành trình hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu.
Bình Minh
(Theo Tạp chí Phương Đông)