Gạo từ Sài Gòn: Người Hoa tại Singapore và công cuộc mậu dịch tại Sài Gòn trong thế kỷ 19

Ngô Bắc dịch

Nguồn: Li Tana, Rice from Saigon, “The Singapore Chinese and the Saigon Trade of the nineteenth century”, trong sách đồng biên tập bởi Wang Gungwu và Ng. Chin-Keong, Maritime China in transition 1750-1850, South China and Maritime Asia, 12, 2004, Wiesbaden: Harrassowitz Verlag, 2004, các trang 261-270.

Thời kỳ từ giữa thế kỷ mười tám đến giữa thế kỷ mười chín là khoảng thời gian có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử Đông Nam Á. Thời kỳ đó được nhìn nhận như thời kỳ đánh dấu sự bành trướng thương mại lớn lao giữa “kỷ nguyên thương mại” và thời kỳ hoàng kim của chủ nghĩa thực dân (1870-1940).1 Bài viết này bàn luận về sự phát triển của công cuộc mậu dịch lúa gạo tại Sài Gòn trong bối cảnh đó, trong đó, nhấn mạnh đến hoạt động mậu dịch trong phạm vi Đông Nam Á, để nêu bật những thay đổi và tương phản ở thời kỳ này. Về bản chất, điều này liên quan đến sự xuất hiện của công cuộc mậu dịch có tính chất địa phương hơn là đường trường, về hàng hóa khối lượng lớn (bulk goods) hơn là xa xỉ phẩm, và được thực hiện bởi người Hoa ở Nanyang (Nam Dương: vùng biển phía nam) thay vì người Hoa tại miền nam Trung Hoa. Đặc biệt, tôi sẽ nhấn mạnh hoạt động mậu dịch của các thương nhân Trung Hoa có cơ sở tại Singapore đối với lúa gạo Sài Gòn và ý nghĩa của nó trong lịch sử thương mại của người Hoa tại Đông Nam Á.

Một xu hướng mới: Mậu dịch địa phương của người Hoa đã địa phương hóa tại Đông Nam Á

Trong khi mậu dịch thuyền buồm Đông Nam Á hay Nam Dương trong thế kỷ mười sáu và mười bảy mà điển hình là đường trường, hướng tới một nơi đến cụ thể, thí dụ, từ Đông Nam Á đến Nhật Bản hay Trung Hoa, và chủ yếu là xa xỉ phẩm, thì thế kỷ mười tám chứng kiến sự thay đổi lớn lao trong khuôn mẫu mậu dịch, như tác giả Lieberman đã vạch ra, sang khối lượng hàng hóa lớn, cồng kềnh, phần nhiều trong phạm vi vùng.2 Sự nổi lên của Sài gòn có thể được nhìn nhận như một hệ quả trực tiếp của xu hướng này, trong sự tương phản rõ rệt với Hội An, một trạm trung chuyển tại miền trung Việt Nam ngày nay, vốn phát triển trong thế kỷ mười bảy và suy yếu từ giữa thế kỷ mười tám. Trong khi sự trỗi dậy của Hội An song hành với nhu cầu về gỗ hương (calambac), vàng và các xa xỉ phẩm khác từ Trung Hoa và Nhật Bản, rõ ràng, Sài Gòn đã được thiết lập dựa trên hoạt động mậu dịch các khối hàng lớn chẳng hạn như gạo, đường và muối với các hải cảng khác ở Đông Nam Á.

Sự thay đổi này là do một vài yếu tố. Như nhiều học giả đã chỉ ra, nhu cầu của Trung Hoa về số gạo thặng dư từ Đông Nam Á, vốn trở nên cấp bách trong thế kỷ mười tám, là công cụ thúc đẩy mậu dịch thuyền buồm phát triển tại Đông Nam Á trong nửa sau thế kỷ mười tám và đầu thế kỷ mười chín.3 Đặc điểm này trở nên rõ ràng hơn khi hai trung tâm thương mại mới được thành lập lúc bấy giờ là Bangkok và Sài Gòn được xem xét trong bối cảnh chung của thời kỳ. Điều nổi bật là Bangkok được thành lập (1782) gần như cùng lúc với Sài Gòn, nơi đã trở thành thị trấn vào năm 1772.4 Ý nghĩa về thời gian và không gian này xứng đáng nhận được sự quan tâm nghiêm túc của các học giả về Đông Nam Á lục địa. Trước đó, chưa bao giờ người ta thấy hai trung tâm thương mại nào lại được xây dựng gần nhau như thế bởi hai nước lớn tại Đông Nam Á lục địa. Điều này có tác động lớn lao đến khuôn mẫu kinh tế và chính trị của vùng, chắc chắn nó cũng đã khuyến khích mậu dịch giữa hai trung tâm, và hẳn phải là một trong các yếu tố to lớn góp phần vào sự thịnh vượng của hoạt động mậu dịch thuyền buồm Trung Hoa hồi đầu thế kỷ mười chín, đặc biệt xung quanh khu vực Vịnh Xiêm La.5

Song, sự thịnh vượng và phạm vi thương mại trong vùng sẽ bị hạn chế rất nhiều nếu không diễn ra một sự khích lệ như trường hợp hải cảng Singapore trong năm 1819, gần như ngay sau khi Sài Gòn và Bangkok được thành lập. Hải cảng tự do của Anh Quốc này, với dân số gia tăng mau chóng nhờ di dân, đã tạo ra nhu cầu mạnh mẽ nhất về gạo, đường và muối trong vùng, những món hàng đã biến Bangkok và Sài Gòn thành các đối tác mậu dịch quan trọng nhất và sớm nhất của nó. Như John Crawfurd từng nhận xét hồi đầu thập niên 1820: “Cho đến giờ nhánh giao thương đáng kể nhất [của Singapore] là nhánh với Xiêm La và Sài Gòn”.6

Thay đổi các tay chơi: Sự địa phương hóa gia tăng

Sự thiết lập ba trung tâm thương mại quan trọng trong vùng đã đánh dấu bước khởi đầu của quá trình người Hoa đã địa phương hóa tham gia nhiều hơn vào mậu dịch thuyền buồm tại vùng Đông Nam Á. Trường hợp Sài Gòn có lẽ là đích xác. Các báo cáo cho thấy có 300 thuyền buồm mua bán hàng năm tại Sài Gòn đầu thập niên 1800,7 trong đó chỉ có 30 thuyền đến từ Trung Hoa.8 Nếu thế, tức là 90% số thuyền buồm phải đến từ các hải cảng khác trong Đông Nam Á. Chắc chắn nhiều thuyền đã đến từ Bangkok. Sử liệu cho thấy trong thập niên 1820, khoảng 200 thuyền buồm có cơ sở tại Bangkok; trong số các thuyền mậu dịch, 80 thuyền là với Trung Hoa và 50 thuyền là với Việt Nam; phần lớn số đó do người Hoa đã địa phương hóa tại Xiêm La sở hữu.9

Công cuộc mậu dịch của người Hoa tại Xiêm La và Sài Gòn với Singapore trong thời kỳ đầu được khẳng định tại một trong các bi ký Trung Hoa sớm nhất được tìm thấy tại Singapore có ghi niên đại 1830 ở Chùa Heng Shan (Heng Shan Ting). Bi ký ghi rõ rằng ngôi chùa này, thành lập năm 1828, đã được cấp ngân khoản từ số tiền quyên góp của “các thuyền buồm Tang (nhà Đường [tức Trung Hoa], thuyền buồm Xiêm La và thuyền buồm An Nam”, các thuyền có chủ nhân nguyên quán ở huyện Zhang và Quan, tỉnh Phúc Kiến.10 Điều này gợi ý rằng không chỉ khuôn mẫu mậu dịch và hàng hóa chủ yếu được trao đổi, mà bao gồm cả bản thân các thương nhân. Nhiều người trong số họ không còn là khách trú (sojourners) giữa Trung Hoa và Nanyang (Nam Dương); họ là người Hoa địa phương hóa “giờ đây đã tìm được các hải cảng mới đủ sức chống đỡ cho mậu dịch thường xuyên và liên tục, đã khai mở các mạng lưới mậu dịch địa phương cho chính mình, khiến họ thấy không nhất thiết phải quay về các thị trường bị hạn chế và kiểm soát tại Trung Hoa”.11

Điều này hẳn là yếu tố địa phương to lớn góp sức vào sự bột phát của mậu dịch Đông Nam Á trong “thế kỷ Trung Hoa” 1740-1840.12 Mậu dịch cấp vùng này được thực hiện bởi các thương nhân Trung Hoa địa phương hóa, sau cùng là nhằm phục vụ thị trường Trung Hoa; thí dụ, những kẻ cư ngụ tại khu vực Bangkok, thường lui tới “Patani, Kalantan, Tringano, Pahang, Rhio, Singapore, Melaka, Penang, Batavia, Samarang, Cheribon, Palembang, và Pontianak”, thu lượm các sản phẩm địa phương, cùng các sản phẩm Anh Quốc và Ấn Độ cho thị trường Trung Hoa.13 Mậu dịch giữa Việt Nam và Trung Hoa hẳn đã gia tăng mạnh mẽ. Một báo cáo của tổng đốc Quảng Đông và Quảng Tây cho biết 60-70% tiền đồng lưu hành tại Quảng Đông được đúc tại Việt Nam,14 điều này khiến ta liên tưởng đến mức độ tương tác mậu dịch và thương mại đáng kể giữa Trung Hoa và Việt Nam vào thời điểm này.

Các thương nhân người Hoa tích cực tại Singapore

Trên cơ sở hoạt động mậu dịch địa phương tích cực trong phạm vi Đông Nam Á cùng với các thông tin quý giá đi kèm, một số thương nhân người Hoa tại Singapore đã tạo dựng được mạng lưới kinh doanh của họ. Các tài liệu giữa thế kỷ mười chín về một số thương nhân người Hoa ở Singapore cho thấy Sài Gòn, Bangkok, Hà Tiên và hải cảng Campot của Campuchia đã tham gia vào nhiều liên kết mậu dịch như thế trong thời điểm này. Thật khó để xác định chính xác thời điểm người Hoa ở Singapore khởi sự mậu dịch với Sài Gòn ở mức độ đáng kể. Có vẻ như thập niên 1840 đã ghi nhận sự gia tăng rõ rệt trong khối lượng mậu dịch, mà tới lượt nó, dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của hình thức vận tải bằng tàu. Nhưng, gần đúng như thế, chính trong thập niên 1830, người Hoa tại Singapore bắt đầu giành được chỗ đứng trong quan hệ mậu dịch Việt Nam – Singapore, không lâu sau khi các baba ở Malacca di chuyển đến Singapore vào cuối thập niên 1820.15 Vào năm 1855, họ đã kinh doanh tới tận miền trung Việt Nam, bởi: “các thông dịch viên tại Quảng Nam gồm một người đảo Hải Nam, và hai người Singapore có thể nói tiếng Anh. Tên của họ là Yuen và Hong, trong đó, người được kể tên thứ hai đã yêu cầu người Anh lập ông ta làm đại lý thị trường của họ, và hứa hẹn mua được hàng hóa với giá cả phải chăng”.16

Một quan sát vào năm 1856 của một người gốc Anh Quốc có tên Edward Brown đã xác nhận tầm quan trọng của người Hoa ở Singapore trong mậu dịch của Sài Gòn: “Mậu dịch của thành phố thì đáng kể. Hàng trăm thuyền buồm Trung Hoa đến đây mỗi năm, nhiều thuyền của Xiêm La cũng vậy, và còn cả một số tàu đóng ở Âu Châu nữa. Những tàu kể sau đều được sở hữu bởi các thường trú nhân Trung Hoa tại Singapore, hay tại Eo Biển [Malacca?].17 Người Hoa tại Singapore cũng được chào đón tích cực tại Vịnh Xiêm La: “Tàu The Punch, thuyền trưởng là George Anderson, trên chiếc thuyền đó, ông Quong [mandarin, quan trong tiếng Việt] của Artien [Hà Tiên] đã thu xếp chuyến đi cho tôi tới Singapore. Con thuyền hai buồm này là thuyền buôn bán thường lệ giữa Singapore và Campot, và được sở hữu bởi Ho-chung-lee, một thương nhân người Hoa cư trú tại Singapore”.18 Ở điểm này, Brown chắc chắn nói đến Ho Chong Lay (1821-1861), một thương nhân người Hoa tại Singapore đang sở hữu vài thuyền buồm và các tàu lái bằng buồm buôn bán với Xiêm La và Sài Gòn thời đó.19 Đầu mối này dẫn chúng ta truy tìm sự can dự của một số cá nhân khác trong tầng lớp thương nhân Singapore giữa thế kỷ mười chín, đặc biệt là các thương nhân lúa gạo.

“Các Vua Gạo” Singapore có buôn bán với Sài Gòn

Gần như tất cả các chủ tàu gốc Hoa tại Singapore thuở sơ khai, chẳng hạn như Cheang Hong Lim, Tan Kim Tian và Ang Choon Seng,20 đều có buôn bán với Sài Gòn. Ang Choon Seng (1805-1852), một baba sinh ra tại Malacca, sở hữu hai thuyền hai buồm nhỏ (schooners), chiếc Patah Salam và chiếc Kong Kek, buôn bán tại Sài Gòn và Bangkok.21 Tan Kim Tian, cũng là một người Hoa sinh ra tại Eo Biển, hẳn đã buôn bán với Việt Nam từ thập niên 1850 đến 1860 khi đứa con trai nuôi của ông là Tan beng Wan được sinh ra tại An Nam năm 1851.22 Trong năm 1871, ông mua chiếc Rangoon, một tàu chạy bằng hơi nước trọng tải 549 tấn, nhằm khuyến khích sự quan tâm của ông đối với giao thương giữa Singapore, Bangkok, Sài Gòn và Amoy (Hạ Môn)”, theo Niên Giám Straits Directory năm 1872.23

Như đã thấy qua trường hợp của Ang Choon Seng và Tan Kim Tian, người Hoa có cơ sở tại Singapore, đặc biệt các baba sinh ra tại Eo Biển, đã giữ vai trò quan trọng trong mậu dịch Sài Gòn thế kỷ mười chín. Tan Kim Ching (1829-1892) – người trở thành “vua gạo” của Singapore trong thập niên 187024 – và người anh [hay em] rể của ông ta, Lee Cheng Tee (1833-1901) – là hai thí dụ khác nữa. Trong danh sách mối liên hệ của các baba Singapore với mậu dịch Sài Gòn, chúng ta có thể bổ sung Kim Seng & Co., sở hữu bởi Tan Kim Seng (1805-1864), một trong những người Hoa tại Singapore nổi bật nhất hồi giữa thế kỷ mười chín.
Vua gạo trước đó, Khoo Cheng Tiong (mất năm 1896), không phải là một baba mặc dù sẽ không quá thậm xưng khi nói rằng ông đã gây dựng sự giàu có của mình gần như chỉ bằng gạo Sài Gòn. Thương nghiệp của ông, Heng Chun, tại Boat Quay (Bến Tàu) được cho là có mua bán “sâu rộng về gạo Sài Gòn” và sở hữu các nhà máy xay lúa to lớn tại Sài Gòn.26 Người em [hay anh] của ông, Khoo Cheng Teow (mất năm 1896), cũng là một thương nhân về gạo, hoạt động dưới thương hiệu (chop) “Aik Seng & Co.”,27 đã tham gia tích cực trong các sự vụ của cộng đồng người Hoa ở khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn; tên ông ta được tìm thấy trong các bia ký liệt kê người đóng góp của Hội Quán Xia Zhang (Hạ Chương?) Huiguan tại Chợ Lớn trong các năm 1871 và 1885.28

Một thí dụ khác về sự liên can của các thương nhân Singapore thuở sơ khai với Sài Gòn là trường hợp của Sim Ah Kay, một người Triều Châu (Teochiu) đến từ Swatow. Người này thuộc tầng lớp tinh hoa của thế hệ già lão hơn trong cộng đồng các thương nhân gốc Hoa tại Singapore trước 1850.29 Công ty của ông ta, Ah Kye, Lim Chap Hee & Co. chop “Teo Hin”, tọa lạc tại số 40 Boat Quay, có các chi nhánh tại Sài Gòn, Bangkok, và Swatow.30 Với vài chiếc tàu, đặc biệt một xà-lan 218 tấn có tên Kim Quang Hong, đều đặn qua lại giữa Sài Gòn và Singapore, Ah Kye, Lim Chap Hee & Co. đã trở thành một trong các thương nghiệp tích cực nhất trong mậu dịch ở Sài Gòn trong các thập niên 1860 và 1870.31 Đáng chú ý là công ty này cũng có một xà lan Xiêm La 262 tấn du hành giữa Singapore và Campot vào lúc đó.

Các thương nhân người Hoa đặt cơ sở tại Singapore thì quá nhiều và họ hoạt động tích cực tại Sài Gòn vào giữa thế kỷ mười chín đến nỗi thành lập được ba bang (congregations) người Hoa tại Sài Gòn với bang trưởng được người Pháp chỉ định không lâu sau khi họ chiếm đoạt Nam Kỳ (Cochinchina). Đó là các bang Tuyền Châu (Quanzhou), Phúc Kiến và Singapore.32 Có cả một “Phố Baba” tại Sài Gòn hồi cuối thế kỷ mười chín, chủ yếu do người Hoa từ Singapore chiếm ngụ.33 Một số học giả Việt Nam thậm chí còn nhận định rằng trang phục thông dụng nhất của người đàn ông và đàn bà tại miền nam, tức “áo bà ba” [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch], với đặc trưng là không có cổ áo, được bắt chước theo kiểu của baba từ các Khu Định Cư ở Eo Biển [Malacca] vốn là những kẻ buôn bán với Sài Gòn trong thế kỷ mười chín. Trước nhất, đó là thời trang của những người đàn ông giàu có, kế đến là phụ nữ, rồi dần dần được chấp nhận tại toàn bộ khu vực châu thổ sông Mekong.34

Tại sao mậu dịch Sài Gòn được ưa thích? 

Một câu hỏi phát sinh từ cuộc thảo luận trước đây: Tại sao Sài Gòn lại được ưa thích đến vậy? Có phải vì sự mua bán gạo giữa Sài Gòn và Singapore bảo đảm cho lợi nhuận cao? Hoàn toàn ngược lại. Theo Wong Lin Ken, các thương nhân người Hoa ở Singapore chở đến Sài Gòn “hàng bông vải Anh Quốc, đặc biệt vải may áo màu xám, thường được đổi lỗ vốn lấy gạo”.35 Chính các giao dịch tiếp sau đó mới làm cho việc chuyên chở hàng có lợi nhuận. Buôn bán gạo, phần lớn, là một kiểu kinh doanh có tính chất đầu cơ: chỉ có một phần trăm được bán và tiêu thụ ngay tại Singapore; phần còn lại được bán lại cho Trung Hoa và trong phạm vi các quần đảo.

Nơi đây, Lee Cheng Tee và việc kinh doanh của ông ta có thể được dùng làm thí dụ. Ông Lee nổi tiếng tại Singapore vì công cuộc mậu dịch của ông với các hải cảng ở đảo Java,36 Melaka và Penang.37 Nhưng công ty ông Lee đã buôn bán gì với các quần đảo? Một nguồn tài liệu của Hà Lan cho chúng ta biết: “Sản vật quan trọng nhất mà người Trung Hoa nhập cảng từ vùng Ấn Độ thuộc Hà Lan là gạo từ Rangoon, Sài Gòn và Xiêm La”.38 Đây là điểm thích hợp với công ty của ông Lee. Theo tờ Straits Time Overland Journal năm 1869, các tàu của họ Lee, đặc biệt chiếc Anna Maria, một xà-lan 407 tấn, thường qua lại giữa Singapore và Sài Gòn.39 Theo các nguồn tin của Hà Lan lẫn Anh Quốc, sau khi rời Sài Gòn, các chuyến chở gạo thường phải qua tay vài lần trước khi giao hàng sau cùng.40 Sự đầu cơ gạo này rút cục là điều khiến mậu dịch Sài Gòn trở nên sinh lợi.

Buôn bán gạo với Sài Gòn nhờ thế trở thành một chi nhánh liên hợp trong việc kinh doanh của họ Lee. Nó chắc chắn đã nuôi dưỡng những việc kinh doanh khác của ông ta với các quần đảo. Quan điểm này được xác nhận bởi Singapore Directory năm 1878 khi phát hiện rằng các văn phòng chi nhánh của công ty ông Lee đã được mở ra tại “Sài Gòn, Samarang, Sourabaya, Batavia, và Cheriboon”.41 Việc kinh doanh của ông Lee hẳn có liên hệ và trợ lực trong việc củng cố vị thế người anh em rể của ông, Tan Kim Ching, ông vua gạo thập niên 1870, kẻ được cho rằng có thể toan tính để “vét thị trường gạo tại Singapore và nâng giá thực phẩm tại thuộc địa”.42

Không phải ngẫu nhiên việc mua bán gạo lại chỉ được đảm trách bởi những thương nhân uy thế nhất tại tất cả các thành phố hải cảng – Singapore, Sài Gòn, Bangkok, và sau này, Hồng Kông. Bởi việc này đòi hỏi cả vốn liếng to lớn và tiện nghi cất trữ, cũng như tiềm ẩn nhiều rủi ro khi vận tải bằng tàu, nên mậu dịch lúa gạo chỉ có thể được kiểm soát và đầu cơ bởi những người Hoa quyền thế nhất này. Điều này được xác nhận bởi một nguồn tài liệu về người Hoa ở Nanyang (Nam Dương): “Các thương nhân Phúc Kiến gọi [những công ty] có số vốn lớn với năng lực vận tải khổng lồ là “jiao”… Tại Nanyang, “jiao” lớn nhất là “jiao” gạo, vốn không thể hoạt động được nếu không có hàng trăm nghìn đô la làm vốn”.43

Vì thế, một số vốn lớn là điều kiện tiên quyết cho việc tham gia vào mậu dịch lúa gạo, và mậu dịch lúa gạo tiếp đó giúp đẩy nhanh sự tập trung vốn của người Hoa ở khu vực Nanyang. Rõ ràng là công cuộc mậu dịch gạo của Sài Gòn phần lớn đã được tài trợ bởi các thương nhân Singapore … [và] gần như hoàn toàn nằm trong tay các thương nhân Trung Hoa”.44 Mặc dù trong thập niên 1860 nó được tài trợ bởi một hệ thống tín dụng ba tháng với sự chấp thuận của các thương nhân Âu Châu tại Singapore,45 trong thời kỳ trước đó, hụi Trung Hoa truyền thống hay các hiệp hội tài chính phần lớn đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tài trợ công cuộc buôn bán gạo. Keng Tek Whay, một tổ chức trợ giúp thương mại trong giới các baba Singapore từ Malacca, rất có thể đã thực hiện một đóng góp như thế. Một trong những người sáng lập của tổ chức này vào năm 1831 là Ang Choon Seng, một thương nhân buôn bán giữa Sài Gòn, Bangkok và Singapore đã được nhắc tới trong bài viết này.46

Vào lúc bắt đầu bài viết này, tôi đã chú ý đến ý nghĩa của sự thành lập Sài Gòn, Bangkok, và Singapore vào một thời điểm và địa điểm cá biệt. Sự phát triển mậu dịch của người Hoa giữa thập niên 1740 và 1840 đặc biệt rõ ràng ở ba hải cảng này. Như tác giả Anthony Reid trình bày, mậu dịch người Hoa tập trung tại Bangkok đã gia tăng hơn mười lần cho đến thập niên 1820, và tại Sài Gòn tăng gấp khoảng năm lần.47 Sự gia tăng mạnh mẽ trong mậu dịch gạo của Sài Gòn diễn ra từ 1841 đến 1845: trong thời kỳ ngắn ngủi này, khối lượng gạo xuất cảng đã gia tăng khoảng mười lần; riêng trong năm 1848 khối lượng này đã tăng gấp đôi.48 Mậu dịch giữa Sài Gòn, Bangkok và Singapore chắc chắn đã biến Đông Nam Á lục địa thành một khu vực có tầm quan trọng chưa từng thấy đối với các quần đảo và góp phần đáng kể vào “thế kỷ Trung Hoa” được xác định trong các nghiên cứu học thuật gần đây.

Thời biểu và địa dư này đặc biệt trọng yếu cho sự tích lũy và nâng cao số vốn của người Hoa địa phương tại Đông Nam Á. Việc hầu hết mọi thương nhân người Hoa có thế lực tại Singapore lúc đó đã tham gia vào việc buôn bán gạo Sài Gòn khiến ta liên tưởng rằng mậu dịch lúa gạo, và sau này là kỹ nghệ lúa gạo, vào khoảng giữa thế kỷ mười chín đã trở thành một trong những khu vực đầu tư quan trọng nhất đối với người Hoa giàu có tại vùng Nanyang. Điều này tiếp đó đã đẩy mạnh sự bành trướng kinh doanh trung gian của người Hoa trong vùng đối với các ngành kinh doanh như vận tải đường sông tại Châu Thổ sông Mekong, và các nhà kho (godowns) tại bờ sông của Singapore, Chao Phraya và sông Tàu (tại Chợ Lớn). Việc vận tải bằng tàu chạy bằng hơi nước và sự phát triển của các công ty bảo hiểm trong thập niên 1860 phần lớn cũng dựa trên những cơ sở như thế. Bởi mậu dịch lúa gạo có tính chất đầu cơ và do đó đặc biệt lệ thuộc vào mối quan hệ tốt với nhà sản xuất lẫn người tiêu thụ, vì thế cũng cần phải đẩy nhanh việc thành lập các mạng lưới thông tin và mậu dịch có hệ thống trong hoạt động thương mại nội vi Đông Nam Á.

Kết luận

Thời kỳ từ cuối thế kỷ mười tám đến nửa đầu thế kỷ mười chín – tiêu điểm của tuyển tập này – là một đoạn nối trọng yếu trong lịch sử thương mại của người Hoa tại Đông Nam Á. Trước thời kỳ này, mậu dịch người Hoa tại Đông Nam Á chủ yếu là của các doanh nghiệp nhỏ và việc mua bán nhỏ. Điều này tạo ra những mối liên kết không mấy thường xuyên và rải rác giữa Đông Nam Á lục địa và hải đảo. Sự thành lập Sài Gòn, Bangkok, và hải cảng tự do Singapore liên tiếp trong khoảng năm mươi năm đã vĩnh viễn làm biến đổi cảnh tượng này. Thời biểu của mối quan hệ mậu dịch mạnh mẽ này càng trở nên có ý nghĩa hơn khi chúng ta xét đến nhu cầu gấp bội về gạo của cả miền nam Trung Hoa lẫn sự gia tăng dân số mau lẹ của công nhân Trung Hoa tại các quần đảo.

Như đã phác họa ở phần mở đầu của bài viết này, mậu dịch hàng hóa khối lượng lớn đã trở thành trọng tâm của mậu dịch hàng hải tại Đông Nam Á từ thế kỷ mười tám, và mậu dịch lúa gạo là nền tảng đánh dấu sự biến chuyển này. Với sự tăng cường liên lạc của người Hoa địa phương khắp vùng Đông Nam Á, điều này có nghĩa mậu dịch lúa gạo tất nhiên đã trở thành nguồn cội to lớn cho sự tích lũy tư bản người Hoa thuở ban đầu. Sự tập trung vốn của người Hoa tại Singapore thế kỷ mười chín vào lúa gạo, không bị hạn chế bởi các ranh giới thuộc địa và chính thức, là nguyên do quan trọng cho sự kiểm soát chặt chẽ của người Hoa đối với ngành lúa gạo tại Sài Gòn và Bangkok, biến việc buôn bán lúa gạo thành lĩnh vực duy nhất nằm trong tay người Hoa trong suốt thời kỳ hoàng kim của chính sách thực dân tại Đông Nam Á.

Chú thích

1. Anthony Reid, “A New Phase of Commercial Expansion in Southeast Asia, 1760-1850”, trong sách biên tập bởi Anthony Reid, The Last Stand of Asian Autonomies (London: Macmillan Press, 1997), các trang 57-82.
2. Victor Lieberman, “Local Integration and Eurasian Analogies: Structuring Southeast Asian History, c. 1350-1830”, Modern Asian Studies 27, 3 (1993), trang 491.
3. Tian Rukang, Shiqi zhi shiji zhongye Zhongguo fanchuan zai Dongnanya [Shanghai: Shanghai remin chubanshe] , trang 41. Cũng xem Ng Chin-keong, Trade and Society: The Amoy Network on the China Coast, 1683-1735 (Singapore: National University of Singapore Press, 1983); Sarasin Viraphol, Tribute and Profit: Sino-Siamese Trade, 1652-1833 (Cambridge, Mass.: Council of East Asian Studies, Harvard University, 1977); Jennifer Cushman, Fields from the Sea: Chinese Junk Trade with Siam during the Late Eighteenth and Early Nineteenth Centuries (Ithaca: Southeast Asian Program, Cornell University, 1983).
4. Nguyễn Đình Đầu, “Địa Lý Lịch Sử Thành Phố”, trong sách biên tập bởi Trần Văn Giàu và các tác giả khác, Địa Chí Văn Hóa Thành Phố Hồ Chí Minh (Hochiminh City: Press of Hochiminh City, 1987), trang 168.
5. Tian, Shiqi zhi shijiu shiji, các trang 33-34; Lieberman, “Local Integration”, các trang 490-491.
6. John Crawfurd, Journal of an Embassy to the Courts of Siam and Cochin China (bản in lại; Kuala Lumpur: Oxford University Press, 1987), trang 542.
7. Cùng nơi dẫn trên, các trang 520n [?]
8. “Crawfurd’s paper”, trong sách biên tập bởi Alastair Lamb, The Mandarin Road to Old Hue (Toronto: Clarke, Irwin & Co. Ltd, 1970), các trang 264-265.
9. Crawfurd, Journal, trang 414.
10. Chen Chingho và Tan Yoek Seong, đồng biên tập, Xingapo huawen beaming jilu (Hong Kong: Chinese University Press, 1972), trang 223.
11. Wang Gungwu, “Sojourning: The Chinese Experience in Southeast Asia”, trong sách biên tập bởi Anthony Reid, Sojourners and Settlers: Histories of Southeast Asia and the Chinese (Sydney: Allen & Unwin, 1996), các trang 7-8.
12. Anthony Reid, “Introduction”, trong sách biên tập bởi Reid, The Last Stand, các trang 11-14.
13. Crawfurd, Journal, trang 414.
14. Ming Qing shiliao, geng bian (Taipei: Academia Sinica, 1960), ser. G, vol. 3.
15. Lim How Seng, Xingapo huashe yu huashang (Singapore: Singapore Society of Asian Studies, 1995), các trang 20-21.
16. “Wade’s Narrative”, trong sách biên tập bởi Lamb, The Mandarin Road, các trang 314-315.
17. Edward Brown, Cochin-China and My Experience of it. A Seaman’s Narrative of His Adventures and Sufferings during a Captivity among Chinese Pirates, on the Coast of Cochin-China, and Afterwards during a Journey on Foot Across that Country, in the years 1857-1858 (sách in lại; Taipei: Cheng Wen Publishing Co., 1971), trang 267.
18. Cùng nơi dẫn trên, Cochin-China, trang 289.
19. Song Ong Siang, One Hundred Years History of the Chinese in Singapore (sách in lại; Singapore: University of Malaya Press, 1967), trang 67; Ke Mulin, biên tập, Xinhua lishi renwu liezhuan (Singapore: Singapore Fed. Of Chinese Clan Assocs., 1995), trang 99.
20. Song, One Hundred Years, trang 119.
21. Cùng nơi dẫn trên, trang 81.
22. Cùng nơi dẫn trên, trang 264.
23. Singapore Almanac and Directory, 1872, trang 80.
24. Song, One Hundred Years, trang 165.
25. Kim Seng & Co., khi đó được sở hữu bởi con trai của Tan King Seng, tức Tan Beng Swee, đã có các tàu hơi nước đi lại giữa Singapore, Penang, và Sài Gòn trong năm 1875; đại diện của nó tại Sài Gòn là Heng Ann. Xem Singapore Almanac and Directory, 1875.
26. Song, One Hundred Years, trang 101; Ke, biên tập, Xinhua lishi renwu, trang 101.
27. Song, One Hundred Years, trang 101.
28. Li Tana và Nguyễn Cam Thuy [?] (đồng biên tập) (giới thiệu và chú giải bởi Li Tana), Chinese Epigraphic Materials in Ho Chi Minh City (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, 1999), trang 132.
29. Song, One Hundred Years, các trang 82-83. Xem thư đề ngày 23 Tháng Ba 1850 gửi Toàn Quyền Butterworth được ký tên bởi Tan Kim Seng, Cheang Sam Teo, Sim Ah Kay, và Ang Choon Seng, thỉnh cầu sự đối xử nhiều tình cảm hơn.
30. Singapore Almanac and Directory, 1867, trang 45. Tại Sài Gòn, chi nhánh là dưới thương hiệu (chop) “Bang Hin”, và tại Bangkok, thương hiệu (chop) “Bee Hin”.
31. Straits Times Overland Journal, số 173, tập X, 8 Tháng Mười 1869. Thương nghiệp Kim Quang Hong được đăng ký bởi Lim Chap Hee (hay Lim Cheap Hee) trong năm 1864.
32. “Đề cử số 31”, Sài Gòn, 18 Tháng Hai 1863, trong sách của Jean Bouchot, Documents pour server à l’histoire de Saigon, 1859-1865 (Saigon: Éditions Albert Portail, 1927), trang 373.
33. Claudine Salmon và Tạ Trọng Hiệp, “De Batavia à Saigon: Notes de voyage d’un marchand chinois (1890)”, Archipel 47 (1994), trang 188; “Chongyou yuenan ji”(1893) trong sách biên tập bởi Ye Zhong Ling, Chen Sing Tang wen ji (Singapore: Singapore Soc. Of Asian Studies, 1994), trang 39.
34. Phan Thị Yến Tuyết {?}, Nhà ở, trang phục, ăn uống của các dân tộc vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long (Hà Nội: Khoa Học Xã Hội, 1993), các trang 62-63.
35. Wong Lin Ken, “The Trade of Singapore, 1819-1869”, Journal of the Malayan Branch of the Royal Asiatic Society 33, pt. 4 (1960), trang 158.
36. Song, One Hundred Years, trang 165.
37. Ke, biên tập, Xinhua lishi renwu, trang 50.
38. M. R. Fernando và D. Bulbeck, Chinese Economic Activity in Netherlands India (Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, 1992), trang 124.
39. Xem, thí dụ, Straits Times Overland Journal, X, no. 157 vol. X, 9 Tháng Ba 1869, no. 162, vol. X, 6 Tháng Năm 1869. Chiếc tàu được đăng ký dưới tên của Tan Seng Poh trong năm 1863. Tan đã trở thành người hợp tư kinh doanh của Lee trong năm 1871.
40. Fernando và Bulbeck, đồng biên tập, Chinese Economic Activity, trang 126; Wong, “The Trade of Singapore”, trang 158.
41. Straits Directory, 1878.
42. Carl Trocki, Opium and Empire: Chinese Society in Colonial Singapore, 1800-1910 (Ithaca: Cornell Unversity Press, 1990), trang 116.
43. Nanyang mingren jizhuan [Who’s Who in the South Seas], tập 2 (Penang: penang Publishing Room, 1924), các trang 202-203.
44. Wong, “The Trade of Singapore”, trang 158.
45. Cùng nơi dẫn trên.
46. Ông ta sở hữu hai thuyền hai buồm nhỏ (schooners), “Patah Salam” và “Kong Kek”, buôn bán với Sài Gòn và Bangkok. Song, One Hundred Years, trang 81; Lim, Xingiapo huashe, trang 104.
47. Reid, “Introduction”, trang 12.
48. Li Tana, “Vietnam’s Overseas Trade in the 19th Century: The Singapore Connection”, bài tham luận trình bày tại Hội Nghị Quốc Tế về Việt Nam Học, 14-17 Tháng Bảy, 1998, Hà Nội.

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN