Nguyễn Khắc Ngữ (1988). Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hòa Lan giao tiếp với Đại Việt (Thế kỷ XVI, XVII, XVIII). Montréal: Tủ sách Nghiên cứu Sử địa. 39-42
Cho đến đầu Thế kỷ XVI, trên các bản đồ thế giới của người Tây phương chưa thấy có tên nước ta mà chỉ có tên Ciamba (Chiêm ba), tên cổ của Chiêm thành mà thôi.
Vậy từ năm nào người Tây phương mới tiếp xúc với nước ta?
Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục dẫn theo sách Dã lục viết: Năm Nguyên hòa (1533) đời vua Lê Trang Tông, có người Tây dương tên là I-ni-khu (Ignacio) vào giảng đạo ở trấn Sơn Nam (Nam Định) ngày nay.
Birwood cho rằng từ năm 1540, Bồ Đào Nha đã buôn bán với Patania (Mã Lai), Campuchia và Cochin China nhưng không dẫn chứng tài liệu (1).
Lê Thành Khôi đã dựa vào Birwood, nhận sự kiện trên mà không xét lại tài liệu gốc (2).
Teixeira viết rằng: Từ khi Cochinchina được khám phá năm 1516 (do Andrade), các thương gia Bồ từ Mã Lai đã sang đó buôn bán. Ông cũng không cho biết tài liệu nào minh chứng sự kiện này (3).
Manguin cho rằng có thể Bồ Đào Nha bắt đầu buôn bán với Cochinchina từ năm 1523 vì năm 1522, Trung Hoa đóng cửa thương cảng Quảng Châu, không cho người ngoại quốc vào buôn bán (4) nhưng cũng không có tài liệu gì chứng minh.
Năm 1523, Duarte Coelho đã vào thám hiểm Đại Việt. Ông đã lên Cù lao Chàm và đặt ở đó một Padrao (bia đá). Năm 1555 khi Pinto lên đảo này còn thấy bia đá trên.
Một số tài liệu cổ của Bồ Đào Nha lại viết rằng việc buôn bán Bồ – Việt bắt đầu từ năm 1535, Fernand Mendes Pinto từ Patania, theo thuyền buồm của thuyền trưởng Antonio de Faria vào Chiêm Thành, thấy nhiều hải cảng. Các thủy thủ trên thuyền này đã lên bờ cướp lương thực mang về (5). Trong Peregrinacao (nhật ký) của ông viết rõ rằng năm 1535 ông đã vào Đại Việt.
Song nhiều tác giả cho rằng chuyện này được tiểu thuyết hóa. Một số khác lại cho rằng những chi tiết ông mô tả Cù lao Chàm rất chính xác chứng tỏ rằng ông đã thực sự tới đó.
Tuy nhiên dựa vào các bản đồ hải hành của các thuyền trưởng Bồ còn lưu trữ tại Văn khố Lisbon, ta có thể chứng minh rằng người Bồ đã vào xứ ta từ năm 1512.
Trên bản đồ hải hành của Thuyền trưởng Francisco Rodrigues, vẽ năm 1512, đã vẽ đến bờ vịnh Bắc Việt với nhiều đảo nhỏ đúng với sự thật của các đảo nằm từ Móng Cái tới Hải Phòng, nhưng đã vẽ đảo Hải Nam rất nhỏ và vịnh Bắc Việt ăn sâu vào đất liền đến khoảng Hà Nội ngày nay. Sự kiện thứ hai này đúng vì cách đây gần 500 năm, vịnh Bắc Việt chưa được bồi đắp như ngày nay, bờ biển còn ăn sâu vào nội địa (6).
Bản đồ này cũng ghi ở khoảng Hà Nội ngày nay tên Cauchin de China (Cauchin của Trung Hoa). Cochin là thành phố của Bồ chiếm được ở Ấn Độ. Đây là lần đầu tiên tên Cauchin de China được dùng nhưng để chỉ Kinh đô Đại Việt chứ không phải tên nước ta như sau này người Tây phương thường dùng. Vị trí đo đạc trên bản đồ nằm sát bờ biển chứng tỏ rằng tàu của Francisco Rodrigues đã thực sự vào bờ biển xứ ta.
Như vậy có thể coi năm 1512 là năm người Bồ bắt đầu tiếp xúc với xứ ta. Điều này phù hợp với tài liệu Bồ nói rằng năm 1513, Bồ đã buôn bán với Trung Hoa. Có thể trên thủy trình tìm đường sang Trung Hoa họ đã thám hiểm bờ biển Đại Việt. Họ ở lại Đại Việt cả năm trời có thể vì cần thời gian để liên lạc, buôn bán và tìm hiểu xứ ta hay bị lệch mùa gió, thuyền buồm phải đợi mùa gió Nam năm sau mới chạy được.
Ngoài bản đồ trên, Văn khố Lisbon còn giữ nhiều bản đồ khác liên quan đến việc tiếp xúc với Việt Nam buổi ban đầu:
Bản đồ hải hành của thuyền trưởng Lopo Homen Reineis vẽ năm 1519 (7) có thêm một số chi tiết ở vịnh Bắc Việt (hai cửa sông) và ở miền Nam (thêm nhiều cửa sông và đặc biệt có sông lại vẽ cả các phụ lưu) chứng tỏ rằng Lopo đã thực sự đi sâu vào các sông trong vùng này.
Bản đồ hải hành vô danh (do Diogo Ribeiro chép lại), vẽ năm 1527 và bản đồ do Diogo Ribeiro vẽ năm 1529 (8) vẽ bờ biển Trung và Nam phần khá chính xác trong đoạn từ Đà Nẵng vào đến mũi Cà Mau.
Bản đồ vẽ năm 1527 vẽ rất đúng các cửa sông Đồng Nai, Cửu Long và mũi Cà Mau.
Cả hai bản đồ này đều bỏ trống phần ăn sâu vào đất liền của vịnh Bắc Việt, chứng tỏ rằng trong những chuyến đi này, tàu của họ đã không ra Đàng Ngoài, chỉ ghi tên Vịnh Cauchin China ở đó mà thôi.
Các bản đồ trên đã ghi thêm nhiều địa danh ở miền Nam (lúc bấy giờ thuộc lãnh thổ Căm bốt), Nam Trung phần (lúc bấy giờ thuộc lãnh thổ Chiêm Thành) và Trung Trung phần (các trấn Thuận Hóa và Quảng Nam của Đại Việt). Điều này chứng tỏ rằng các tàu Bồ đã xuống các vùng đó, tiếp xúc với dân chúng.
Hai chuyến đi này cách nhau hai năm, chứng tỏ rằng sự tiếp xúc đã thường xuyên, chắc chắn là để buôn bán hay trao đổi hàng hóa.
Rất tiếc là những lần tiếp xúc trên đây không có tài liệu chính thức nào về phía Bồ cũng như phía Việt Nam ghi lại. Có lẽ sự tiếp xúc này chỉ do tư nhân làm mà thôi.
Chính thức thì tháng 1 năm 1524 Albuquerque từ Malacca đã tâu với vua Bồ Dom João III rằng: Tôi đã gửi Duarte Coelho đi tìm ra xứ Cauchimchynan (9).
Duarte Coelho là người đã lên Cù lao Chàm, đặt bia xí đất năm 1523 như đã nói bên trên.
Việc các tàu Bồ chỉ tiếp xúc với đất Thuận Hóa của Đại Việt cũng có lý do vì năm 1527 là năm Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, và dư đảng nhà Lê vẫn còn chống cự lại. Năm 1523 Nguyễn Kim lập Lê Trang Tông lên ngôi, mở đầu giai đoạn tranh chấp Lê – Mạc. Nhà Lê chiếm từ Thanh Hóa trở vào, nhà Mạc chiếm Bắc Hà. Chiến tranh Lê – Mạc kéo dài từ năm đó đến năm 1592. Năm đó, Trịnh Tùng lấy lại được Thăng Long nhưng họ Mạc chạy lên Cao Bằng, tiếp tục hùng cứ một phương.
Năm 1558, Nguyễn Hoàng xin vào trấn thủ đất Thuận Hóa. ông được trao quyền hành rộng rãi, được toàn quyền lo việc cai trị trong vùng, chỉ phải đóng thuế cống cho triều đình mà thôi.
Mãi đến năm 1600, Nguyễn Hoàng mới ly khai họ Trịnh để lập một giang sơn riêng. Thời bấy giờ người ta thường gọi vùng Thuận Quảng là Đàng Trong và miền Bắc là Đàng Ngoài.
Như vậy trong suốt thế kỷ XVI, Đại Việt ở trong cảnh loạn ly, chỉ có đất Thuận Quảng là tương đối ít ảnh hưởng của chiến tranh.
Do đó các tàu Bồ chỉ vào buôn bán ở Thuận Quảng mà không ra miền Bắc là vì thế./.
Tài liệu tham khảo