Tây Ban Nha tiếp xúc với Đại Việt

Nguyễn Khắc Ngữ (1988). Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hòa Lan giao tiếp với Đại Việt (Thế kỷ XVI, XVII, XVIII). Montréal: Tủ sách Nghiên cứu Sử địa. 90-97

Từ năm 1553, giáo sĩ Tây Ban Nha Gaspar de la Cruz thuộc dòng Dominicains đã sang truyền đạo ở Campuchia. Ông đã thiết lập ở Ponalu một cơ sở truyền giáo. Trong thời gian này, ở Campuchia đã có người Bồ, người Tây Ban Nha và người Hòa Lan vào buôn bán.

Riêng Diego Belloso, một tay giang hồ người Bồ đã lập nghiệp ở Campuchia, dựng được một cơ sở thương mại quan trọng, thường giao thiệp rộng rãi với vua xứ này là Sotha I.

Trong thời gian này, Campuchia bên ngoài bị Xiêm La đe dọa, bên trong các Hoàng thúc lăm le đoạt ngôi vua.

Sotha I liền nhờ Diego liên lạc với Phó vương Bồ ở Goa và nhờ Blas Ruiz de Herman Gonzales, một thương gia Tây Ban Nha, liên lạc với thống đốc Tây Ban Nha ở Manila, yêu cầu hai nước trên viện trợ quân lính và khí giới để chống lại quân Xiêm. Sotha I gửi biếu Thống đốc Manila Don Luyz Dasmarinas voi và vàn bạc, châu báu. Ông này cũng gửi tặng lại nhiều đồ quý giá cùng lá thư đề nghị để ông làm trung gian hòa giải thì tốt hơn là can thiệp bằng vũ lực. Trên thực tế, tình trạng tài chính không cho phép ông mở một cuộc viễn chinh.

Nhưng khi Diego Belloso và Blas Ruiz trở về đến Campuchia thì quân Xiêm đã chiếm mất Kinh đô Lovek và đưa Prah Rama lên làm vua. Vua Sotha I phải chạy sang Lào. Diego và Blas cũng bị quân Xiêm bắt giữ nhưng trốn được, chạy về Manila cầu cứu. Nhờ sự vận động của các giáo sĩ dòng Franciscains, họ có đủ tàu và binh lính để can thiệp vào Campuchia. Sau nhiều khó khăn, họ giết được Prah Rama rồi cho người sang Lào đón vua Sotha I về. Song lúc bấy giờ Sotha I đã chết rồi. Họ liền đưa con ông ta là Pona Tan lên ngôi. Pona Tan tạ ơn họ, phong cho tước lớn và ban cho nhiều tỉnh trù phú để họ cai trị (1).

Lúc bấy giờ mối đe dọa của Xiêm vẫn còn nặng nên Pona Tan cử sứ thần sang Manila để xin cầu viện và mời các giáo sĩ sang giảng đạo. Đề nghị này được các giáo sĩ hoan nghênh nhưng tân Thống đốc Manila Francisco Mello chẳng động tâm. Lý do chính vẫn là chuyện thiếu tiền. Cựu Thống đốc Don Luyz Dasmarinas liền đứng ra quyên tiền, mua tàu, tuyển người để đưa sang giúp Campuchia. Hạm đội nhỏ này gồm một tàu buồm và hai thuyền, chở 150 binh sĩ trong đó có 40 người Tây Ban Nha do Thuyền trưởng Juan Suarez Gallinato chỉ huy. Ngoài ra trên tàu còn có hai giáo sĩ dòng Dominicains Alonse Jimenez và Diego Aduarte. Không may các tàu thuyền đi lạc nhau rồi thuyền chở cựu Thống đốc Dasmarinas bị cướp. Ông sau trở về Manila sống rất nghèo khổ.

Chỉ có chiếc tàu buồm tới Lovek nhưng những người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trên tàu lại tranh chấp với nhau. Thêm vào đó những người Nhật và Mã Lai bên cạnh vua Campuchia lại nói ra nói vào nên Pona Tan nghi ngại, âm mưu chống lại họ. Nhà vua cho tàu của họ đưa hai giáo sĩ về Manila để liên lạc với Thống đốc bên đó rồi cho người tàn sát những người còn lại (2).

Chính trên chuyến trở về này tàu của họ đã ghé Cửa Hàn để mua lương thực. Ở đây Cha Aduarte đã lên Ái tử thăm viên Tổng trấn (Có lẽ là Nguyễn Phúc Nguyên, con trưởng của Nguyễn Hoàng, lúc đó đang thay quyền cha cai trị miền Thuận Quảng vì Nguyễn Hoàng đang đưa quân ra Thăng Long giúp Trịnh Tùng đánh quân Mạc) và được tiếp đãi nồng hậu, lại hứa sẽ xây cho một nhà thờ.

Lúc bấy giờ Thuyền trưởng Gallinato được tin thuyền của Dasmarinas bị đánh cướp và bọn cướp lại giết cả bố viên cựu Thống đốc Manila cùng đi trên tàu đó. Gallinato cho Gregorio de Vargas lên đòi Tổng trấn trả lại những đồ bọn cướp đã lấy. Viên Tổng trấn giận lắm đòi giết Gregorio de Vargas và ra lệnh tấn công tàu Tây Ban Nha Cửa Hàn. Tàu Tây Ban Nha phải kháng cự mãnh liệt mới chạy thoát. Cha Duarte may mắn chạy được lên tàu nhưng cha Jimenez còn ở trên bộ, bị bắt, lột hết quần áo, giải đến Tổng trấn. Ông này liền bắt trả lại quần áo cho cha Jimenez và cho phép ở lại với hai cha người Bồ (3).

Nhưng Pona Tan sau cũng bị người Mã Lai giết chết năm 1598. Em Tan là Pona An lên kế vị, đem quân đánh người Chàm và Mã Lai vì ông cho rằng họ đã giết chết anh ông.

Song ít lâu sau ông lại bị cha của thiếu nữ mà ông ép lấy làm vợ giết. Con ông mới 15 tuổi nối ngôi.

Nhân dịp này người Xiêm đem quân chiếm Campuchia, rồi đưa con vua Paramaraja là Baram Racha lên ngôi. Đó là vua Cri Surayavarman (auriyopor). Ông này bị họ bắt giữ từ khi Xiêm đánh chiếm Lovek.

Tân vương cử Juan Diaz, một người Tây Ban Nha thoát chết trong vụ tàn sát trước đây, về Manila để xin cử các giáo sĩ sang Campuchia giảng đạo.

Do đó, năm 1603 có bốn giáo sĩ được gửi sang Campuchia.

Năm 1611, vua Suryavarman lại vận động với Giám đốc dòng Franciscains ở Mã Lai, mời họ vào giảng đạo tại Campuchia.

Song lúc này người Hồi giáo Chàm và Mã Lai khá mạnh ở Campuchia, người Campuchia lại mộ đạo Phật nên các giáo sĩ đã không làm được việc gì đáng kể

Tây Ban Nha truyền đạo ở Đàng Ngoài

Từ năm 1578, Giáo sĩ Pedro d’Alfaro thuộc dòng Franciscains đã lập ở Philippines và Ma Cao hai tu viện. Lúc bấy giờ có một phái đoàn Đại Việt sang Ma Cao để mời các giáo sĩ sang truyền giáo. Giám mục ở Ma Cao, Đức cha Melchior Carneiro yêu cầu cha Pedro d’Alfaro sang Đàng ngoài giảng đạo nhưng vì Ngài đang phải lo việc xây cất tu viện nên không thể nhận lời.

Sau cha Alfaro bị người Bồ đuổi khỏi Ma Cao vì họ gán cho Ngài tội làm gián điệp cho vua Tây Ban Nha. Tháng 6 năm 1580, Ngài xuống tàu sang Goa để xin với Phó Vương Bồ ở đó phân xử vụ này, nhưng tàu đến Bình Định thì bị bão và Ngài từ trần ở bờ biển (4).

Giáo sĩ Giovanni Batista người Ý thay cha Alfaro mở trường dạy các thanh niên Tàu, Nhật và Việt để sau này họ về nước truyền đạo. Cha Pesaro lại nghĩ ra cách giảng đạo bằng tranh vẽ có chú thích chữ địa phương. Cha đã gửi một bộ tranh biếu vua Lê năm 1581 kèm theo thư xin cho ông và một số giáo sĩ vào Đàng Ngoài giảng đạo. Nhưng lúc ấy Mạc Mậu Hợp đã chiếm Thăng Long và vua Lê phải chạy vào Thanh Hóa (5). Mạc Mậu Hợp đã nhận được tranh và thư của cha Pesaro nhận lời ngay. Mạc Mậu Hợp muốn các giáo sĩ Tây Phương giúp ông để chống lại nhà Lê. Song không hiểu vì sao cha Pesaro không sang Đại Việt được. Ngài trở về Châu Âu và từ trần ở tu viện St Lucie ở Naples.

Không thấy cha Pesaro sang, Mạc Mậu Hợp viết nhiều thư sang Ma Cao để yêu cầu Giám mục Ma Cao gửi các giáo sĩ sang xứ ta. Giám mục Ma Cao liền yêu cầu dòng Franciscains ở Manila cử giáo sĩ sang Đại Việt.

Do đó dòng Franciscains cử cha Diego d’Oropesa làm trưởng Phái đoàn cùng các cha Bartholomeo Ruiz, Pedro Ortis, Francisco de Montila và bốn thầy phụ giáo sang Đại Việt năm 1583. Tàu đến Quảng Yên đã được các quan địa phương tiếp đãi tử tế, Mạc Mậu Hợp cũng cử người xuống gặp phái đoàn và mời lên Thăng Long. Song tàu vừa ra khơi thì bị bão đánh giạt vào Hải Nam và bị người Tàu bắt giữ. Sau nhờ cha Mateo Ricci can thiệp, họ được tha, trả về Ma Cao.

Năm 1585, cha Ruiz lại sang Đại Việt. Lúc ấy Ngài đã 61 tuổi. Ngài được Mạc Mậu Hợp tiếp đãi nồng hậu và cho phép ở lại xứ ta giảng đạo. Người Bồ ở Thăng Long cất cho Ngài một ngôi nhà gỗ trong có phòng làm nhà nguyện.

Sau một năm ở Đàng Ngoài, cha Ruiz chỉ rửa tội được cho một đứa trẻ sắp chết. Ông bỏ về Manila rồi qua Nhật làm việc (6).

Huyền thoại về Giáo sĩ Ordonez de Cevallos

Giáo sĩ Ordonez de Cevallos là người Tây Ban Nha, quê ở Andalousia, đã chu du khắp thế giới từ Thế kỷ XVI và đã viết cuốn Historia Y Viage del Monde, xuất bản ở Joen năm 1628, ghi lại những điều mắt thấy tai nghe trong chuyến du hành của ông.

Giáo sĩ Ordonez de Cevallos (http://arbor.revistas.csic.es/index.php/arbor/article/viewFile/460/461)

Theo cuốn này, cha đã giảng đạo tại xứ ta vào triều Hậu Lê, đã rửa tội cho công chúa Mai Hoa. Việc này khiến vua Lê không ưa, ra lệnh trục xuất ông. Vào Nam ông đã rửa tội cho Nguyễn Hoàng, thủy tổ của Nhà Nguyễn. Theo sách này, vua Lê (Lê Anh Tông) đã cưới một công chúa Chiêm Thành. Sau vua Lê bị Trịnh Tùng giết. Con ông mới 7 tuổi được đặt lên ngôi. Đó là vua Lê Thế Tông. Nhưng công chúa Mai Hoa nhiếp chính. Mọi quyền hành đều ở trong tay Trịnh Tùng. Công chúa Mai Hoa là người đức độ, chuyên làm việc nhân đức. Năm 1591, bà gặp giáo sĩ Cevallos, thấy ông là người thông thái, ngỏ ý muốn lập gia đình với ông, nhưng ông trả lời rằng giáo sĩ không thể lập gia đình được. Ông đã rửa tội cho bà với tên thánh là Maria. Bà này có lập ở An Trường một nhà tu kín (7).

Nhiều sử gia cho rằng cuốn sách này chỉ xuất bản sau khi ông chết và người bạn ông đã sửa lại theo sự tưởng tượng của ông ta (8), thậm chí có người không tin ông đã sai Đại Việt.

Tài liệu tham khảo

1, 2, 3. Coedes G. Indochine, Histoire. Paris 1930

4. Romanet du Caillaut. Essai sur les origines du Christianisme au Tonkin et dans les autres pays Annamites. Paris 1915, 29-34

5. Romanet du Caillaut. Sdt, 37

6. Phan Phát Huồn. Sđd, 34

7. Romanet du Caillaut. Sdt, 830144

8. Phan Phát Huồn. Sđd, 39

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN