Với tỷ lệ áp đảo 63,33% số phiếu tán thành, chiều 12/2/2020, Nghị viện Châu Âu đã chính thức phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa EU và Việt Nam (EVIPA). Đây là hiệp định thương mại thế hệ mới, đầu tiên, đầy tham vọng mà EU ký kết với một quốc gia đang phát triển ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. EVFTA gồm 17 chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo, được đánh giá là hiệp định toàn diện, đảm bảo cân bằng lợi ích cho Việt Nam và EU, có mức độ cam kết sâu rộng, bao quát các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và phát triển bền vững… Ngoài cam kết xoá bỏ thuế quan với hàng hoá, nhằm tạo thuận lợi cho xuất – nhập khẩu, EVFTA còn có những điều khoản cam kết liên quan tới thương mại dịch vụ, đầu tư, mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ.
Việc EVFTA sau gần 10 năm đàm phán được phê chuẩn thực sự là một cột mốc quan trọng của mối quan hệ xuyên suốt 30 năm qua giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU). Mối quan hệ đó, tuy có lúc bổng, lúc trầm nhưng chưa từng bao giờ bị “đóng băng” mà luôn phát triển theo chiều hướng đi lên. EVFTA không chỉ là một hiệp định mang tính chất thương mại, kinh tế thuần túy, đem lại lợi ích kinh tế cho cả hai phía, mà còn có ý nghĩa chính trị sâu sắc, thúc đẩy phát triển bền vững và cao hơn nữa, nó còn được coi là một sự bảo đảm cho việc phát triển một mối quan hệ hợp tác toàn diện, bền vững, có tầm chiến lược, góp phần vào hòa bình ổn định chung.
Nhiều ý kiến cho rằng đây là thời khắc lịch sử của quan hệ châu Âu – Việt Nam, mở ra một chương mới về tăng cường thương mại và đầu tư giữa hai phía. Điều đó không hề sai, bởi lẽ, vượt qua mọi khó khăn và trở ngại cả trong nội bộ của EU và cả của các thế lực chống đối bên ngoài, sau một thập kỷ thương thảo, đàm phán EVFTA được phê chuẩn, một lần nữa, khẳng định sự tin tưởng của cả hai phía đối với nhau. Khẳng định việc EU tiếp tục coi trọng, thúc đẩy và làm sâu sắc thêm quan hệ với Việt Nam. Những cải cách mà Việt Nam đã tiến hành trong suốt thời gian qua đã chứng tỏ cho EU thấy rằng EU có cơ sở để đặt niềm tin vào Việt Nam, cũng như đối với các cam kết của Việt Nam. Về phần mình, Việt Nam cũng có cơ sở để tin rằng hiệp định này sẽ là động lực thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam.
Đây cũng thực sự là một thành công quan trọng về mặt đối ngoại của Việt Nam, khẳng định vai trò và vị thế địa – chính trị của ViệtNam trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt khi chúng ta đang cùng lúc đảm nhiệm hai cương vị là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và Chủ tịch ASEAN. EVFTA đã chứng minh tính đúng đắn của chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Chính sách đúng đắn đó đã và đang gặt hái những thành công, và mang lại những lợi ích vô cùng to llớn. Hiệp định là lời khẳng định quyết tâm hội nhập mạnh mẽ của Việt Nam vào cuộc chơi toàn cầu, tạo cơ hội cho Việt Nam tham gia sâu rộng hơn nữa vào nền kinh tế thế giới. Từ một quốc gia đi sau trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nước đi đầu tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trong bối cảnh quan hệ thương mại quốc tế quá phức tạp, mà ở đó chủ nghĩa bảo hộ đang lên ngôi và đang đe dọa nền thương mại lành mạnh toàn cầu thì EVFTA được quan tâm đặc biệt và được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là một “thông điệp rõ ràng”cho thấy Việt Nam và EU ủng hộ thương mại đa phương cùng có lợi, dựa trên các nguyên tắc minh bạch và bình đẳng với tất cả các nước, trong đó có cả các nước đang phát triển. EVFTA có thể được coi là một mô hình mới về thương mại tự do giữa EU (gồm 28 quốc gia) ở trình độ phát triển rất cao với một nước đang phát triển. Nhiều kinh tế gia trên thế giới hy vọng rằng EVFTA sẽ là một xu hướng mới, góp phần vào việc giải tỏa các căng thẳng trong thương mại quốc tế hiện nay bởi các nội dung của Hiệp định có thể coi như những bước đi đầu tiên hướng đến việc cải cách các quy định điều tiết thương mại và đầu tư trên phạm vi toàn cầu.
Vậy điều gì đã làm cho EVFTA trở nên đặc biệt như vậy? Chúng ta hãy cùng điểm qua những lợi ích cũng như những thách thức mà EVFTA sẽ mang lại cho cả hai bên:
Những lợi ích và cơ hội:
– Trước hết, EVFTA sẽ mang đến nhiều cơ hội hợp tác về vốn, về những mô hình, phương thức quản lý mới, minh bạch hiện đại và hiệu quả hơn cho doanh nghiệp Việt Nam. Lợi ích và cơ hội lớn nhất là mở rộng thị trường nhờ cắt giảm thuế và dỡ bỏ rào cản thương mại để hàng hóa của Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Hơn nữa, do cơ cấu kinh tế của EU và Việt Nam mang tính bổ sung rất cao, không đối đầu trực tiếp, nên Việt Nam sẽ tránh bị lệ thuộc vào “một vài” thị trường truyền thống.
– EVFTA sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng của EU, bao gồm 28 thành viên,với 508 triệu dân, và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD, và là khu vực kinh tế có giá trị thương mại lớn và tỷ trọng cao trên thế giới. Với Việt Nam, EU là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2019 đạt 56,45 tỷ USD trong đó Việt Nam xuất khẩu 41,15 tỷ USD và EU là 14,9 tỷ USD.
– Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các hiệp định thương mại (FTA) đã được ký kết cho tới nay. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế GSP 0% và EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Như vậy, sau khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn, 71% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU sẽ được miễn thuế, và con số còn lại là 99% số dòng thuế này sẽ được tự do hóa trong vòng 7 năm. Nếu so sánh với WTO (các nước chỉ cam kết cắt giảm thuế chứ không phải loại bỏ thuế và chỉ với một số dòng thuế chứ không phải hầu hết các dòng thuế), thì EVFTA sẽ mang lại những lợi thế hơn hẳn về thuế quan ưu đãi.
– EVFTA sẽ tạo động lực tốt, năng động cho sự phát triển của Việt Nam và kéo theo dòng đầu tư có chất lượng của EU. Điều này giúp Việt Nam thay đổi quá trình sản xuất và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiệp định sẽ góp phần thay đổi cách thức sản xuất ở Việt Nam để tăng lượng xuất khẩu vào EU.
– Ngoài việc tạo thêm công ăn việc làm thì dự kiến giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng thêm 15 tỷ EUR tương đương 16,32 tỷ USD trong những năm sắp tới. EVFTA sẽ thúc đẩy xuất khẩu và đem đến nhiều cơ hội mở rộng thị trường cho hàng hóa của Việt Nam, mặt khác giúp đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, tránh phụ thuộc vào các thị trường nguyên liệu truyền thống. Với việc sẽ xóa bỏ hơn 99% số dòng thuế theo lộ trình, EVFTA sẽ tạo thuận lợi cho các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU như: Dệt may, da giày, nông, thủy sản, đồ gỗ. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ được lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu với chất lượng tốt và ổn định với mức giá như các doanh nghiệp châu Âu.
– Theo một số nghiên cứu, Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 4,6% và xuất khẩu sang EU tăng thêm 42,7% vào năm 2025. Ủy ban Châu Âu ước tính GDP của EU sẽ tăng thêm 29,5 tỷ USD và xuất khẩu sang Việt Nam tăng 29% vào năm 2035. EVFTA cũng sẽ gần như ngay lập tức mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp châu Âu tiến vào thị trường Việt Nam, sẽ cho phép doanh nghiệp châu Âu đón đầu xu thế phát triển kinh tế xã hội, thâm nhập sâu hơn vào thị trường đang phát triển mạnh của Việt Nam, mặt khác, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam có thêm cơ hội tiếp nhận các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ châu Âu.
– Bên cạnh đó, các nước thuộc EU có trình độ phát triển kinh tế, xã hội cao và tương đối đồng đều, là một thị trường chung có hạ tầng thương mại phát triển, một khi các doanh nghiệp Việt Nam đã thâm nhập được vào thị trường một thành viên EU thì sẽ rất thuận lợi và dễ dàng kết nối và tiếp cận với các đối tác khác trong EU cũng như các thị trường khác trên thế giới.
– EU được biết đến như một khu vực có nền công nghệ phát triển bậc nhất trên thế giới trong các lĩnh vực như công nghiệp chế tạo, nghiên cứu khoa học, các sản phẩm dược và y tế, hóa chất. EU cũng là khu vực đi đầu trong lĩnh vực bảo về môi trường, năng lượng tái tạo, chống biến đổi khí hậu. Trong các lĩnh vực như giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao, quản trị, hành chính công…, EU cũng là khu vực đứng đầu thế giới. Đây chính là những lĩnh vực mà các nhà đầu tư của cả hai bên có thể khai thác một khi Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) có hiệu lực.
Thách thức đối với Việt Nam và giải pháp:
Cùng với các cơ hội thì việc thực thi EVFTA cũng sẽ đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp và nền kinh tế như: sức ép cạnh tranh, xu hướng bảo hộ sản xuất của các nước nhập khẩu, quy định về phòng vệ thương mại, yêu cầu khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ.. và đặc biệt là cạnh tranh khốc liệt trên thị trường dịch vụ và hàng hóa….
– Tự do hóa thuế nhập khẩu sẽ dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng nguồn hàng nhập khẩu từ các nước, đặc biệt là từ các nước EU vào Việt Nam do giá thành rẻ hơn, chất lượng và mẫu mã đa dạng, phong phú hơn sẽ tác động đến lĩnh vực sản xuất trong nước. Mặt khác, khi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ nhưng các hàng rào kỹ thuật không hiệu quả, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm có thể có chất lượng kém, trong khi lại không bảo vệ được sản xuất trong nước.
– Việc tham gia EVFTA không những đòi hỏi chúng ta phải cắt giảm thuế quan, mà còn phải cắt giảm hàng rào phi thuế quan như cắt giảm chi phí vận chuyển, thủ tục chờ đợi nhập khẩu …vv. Do đó một khi EVFTA được thực thi, Việt Nam cần phải điều chỉnh cả những yếu tố không phải yếu tố thương mại như những nội dung liên quan tới lao động, quyền sở hữu trí tuệ, môi trường vv.
Từ những thách thức trên chúng ta có thể thấy rằng để có thể tận dụng tối ưu những tác động tích cực của Hiệp định và giảm thiểu các tác động tiêu cực ở mức cao nhất có thể được, chúng ta có rất nhiều việc phải làm trước mắt và lâu dài:
– Trước hết cần có sự điều chỉnh chính sách, pháp luật cho phù hợp. Chính phủ và các bộ ngành, các doanh nghiệp và cả xã hội cần nâng cao nhận thức về các thuận lợi và đặc biệt là các đòi hỏi và thách thức cần phải vượt qua trong thời gian tới. Việc điều chỉnh chính sách, cơ chế hỗ trợ hợp lý sẽ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thúc đẩy phát triển những ngành có lợi thế nhằm tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu. Với những ngành kém lợi thế, cần phải đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành này nhằm tăng hiệu quả.
– Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, công nghiệp chế biến, xây dựng, dịch vụ một cách hợp lý, theo chiều sâu, bền vững để vừa đáp ứng đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vừa thúc đẩy xuất khẩu và tạo môi trường thu hút đầu tư nước ngoài.
– Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập, cạnh tranh và hướng tới nền kinh tế tri thức, quốc gia nào cũng phải coi trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chúng ta rất cần có một nguồn nhân lực có kỹ thuật cao, lành nghề, đáp ứng đòi hỏi của những yêu cầu cao của cuộc cách mạng 4.0. Việt Nam cần tăng cường chất lượng ở cả ba nhóm: lãnh đạo quản lý, khoa học công nghệ và lao động kỹ thuật.
– Với tất cả các quốc gia, để phát triển bền vững, đổi mới và sáng tạo, điều cần thiết nhất là phải thay đổi tư duy và văn hóa ứng xử trong mọi mặt đời sống xã hội, từ khâu hoạch định chính sách, ra chính sách đến thực hiện chính sách để có thể kết hợp hài hòa giữa nội lực trong nước và thời cơ, sức mạnh quốc tế. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể tận dụng mọi cơ hội và vượt qua mọi thách thức.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) là thời cơ, đem lại nhiều lợi ích, nhưng có tận dụng được nó để phát triển đất nước không chỉ có sự nỗ lực của chính phủ mà đòi hỏi các doanh nghiệp, các nhà sản xuất phải có tầm nhìn mới, nỗ lực vươn lên tự đổi mới mình đủ sức cạnh tranh đem lại các giá trị tích cực để phát triển quốc gia.
Nguyên Mi
(Theo Tạp chí Phương Đông)