Sau Chiến tranh lạnh, trật tự thế giới đầy biến động, bản đồ thế giới phải vẽ lại bởi xuất hiện một số quốc gia mới tách ra từ chế độ chính trị cũ, điển hình là nước Nam Tư và Liên Xô, ở Châu Á là Đông Timor tách khỏi Indonesia. Tình hình đó đã nổ ra các cuộc tranh chấp lãnh thổ, tôn giáo, sắc tộc liên miên giữa các quốc gia và trong từng quốc gia vẫn duy trì ở mức độ căng thẳng; các nước lớn có vai trò “lãnh đạo” chính trị thế giới có cơ hội can thiệp vào các nước này với mục tiêu giải quyết xung đột, ngăn chặn chiến tranh, nhưng rất ít thành công; trái lại một số trường hợp lại làm cho tình hình phức tạp thêm, có nhiều ví dụ ở một số nước Bắc Phi và Trung Đông xung đột giữa hai quốc gia và trong từng quốc gia chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt (Syria, Li-băng – Irắc; Israel – Iran. Palestine – Yemen. Thổ Nhĩ Kỳ – Afghanistan … Ucraina – Nga; Ấn Độ – Trung Quốc; Ấn Độ – Pakistan). Ngoài sự can dự của các cường quốc, trong nhiều trường hợp đã có sự can thiệp tập thể của nội khối nhưng không thành công, như khối các nước Arập không thành công khi giải quyết xung đột giữa Israel với Palestine, Syria – Iran; hay giữa Qatar và Ả Rập Xê Út, hoặc Châu Âu không thành công khi can thiệp vào cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina, Nga và Gruzia… và giải quyết tình trạng người di cư ồ ạt vào Châu Âu cũng như Brexit ở Anh với EU đã gần 3 năm không giải quyết được bất đồng.
Hiện chưa đủ thông tin để có lời giải vì sao lại có tình trạng như vậy. Với những thông tin có được thì các khối nước can dự vào các cuộc xung đột quốc gia thiếu sự đoàn kết thống nhất trong nội khối về mục tiêu và các biện pháp xử lý, không đưa ra được mẫu số chung của vấn đề, điều này thấy rất rõ ở khối Arập. Những năm trước đây khối này thống nhất mục tiêu ngăn chặn hành động xâm lấn lãnh thổ của Israel với các nước láng giềng, nhưng hiện nay đã xuất hiện trong khối này hai quan điểm, một là ủng hộ Israel chống Iran, còn một số nước khác thì lên án các hành động xâm lược của Israel đối với láng giềng. Mới đây, Hội nghị COP25 (bàn về đối phó với biến đổi khí hậu) họp ở Madrid đã không thành công, cũng là do trong nội khối Châu Âu đã bất đồng sâu sắc về mục tiêu của Hiệp ước chung, với lợi ích của một số quốc gia, chỉ có 80 quốc gia – phần lớn là các nước nhỏ và chỉ chiếm tổng cộng khoảng 10% lượng khí thải toàn cầu – tán thành cắt giảm khí thải, đóng góp tài chính… Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã phải phát biểu lấy làm thất vọng về kết quả của Hội nghị này. Hoặc Hiệp định kiểm soát hạt nhân của Iran đã được 5 nước Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Iran ký năm 2019 nhưng khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp ước này, tiếp theo là Mỹ rút khỏi Hiệp ước kiểm soát tên lửa tầm trung đối với Nga, đã đẩy tình hình kiểm soát hạt nhân của thế giới bị đe dọa nghiêm trọng, điều này xảy ra chính là sự bất đồng của một số quốc gia với khối nước can dự.
Ở Châu Á – Thái Bình Dương được thừa nhận là một trong những điểm nóng trên thế giới, xung đột chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia, sắc tộc, tôn giáo, giữa các quốc gia nhiều khi rất căng thẳng; vấn đề tội phạm khủng bố, tội phạm ma túy, tội phạm xuyên quốc gia đe dọa ngày càng tăng ở khu vực Đông Nam Á. Nhưng khu vực Đông Nam Á không xảy ra chiến tranh hoặc xung đột vũ trang, kể từ khi Mỹ thất bại trong cuộc chiến tranh Đông Dương, cộng đồng ASEAN bao gồm 12 nước Đông Nam Á đã đóng vai trò quan trọng đảm bảo hòa bình, an ninh khu vực. Cuộc xung đột duy nhất và nghiêm trọng ở Đông Nam Á là xung đột giữa Indonesia và Đông Timor (1975-2002), nhưng ASEAN đã công nhận toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia này nên vấn đề đã trở thành nội bộ của Indonesia. Việc Đông Timor sau này tách thành quốc gia riêng một cách hòa bình do Liên Hợp Quốc công nhận năm 2002.
Các cuộc tranh chấp chủ quyền các hòn đảo nhỏ ở Biển Đông giữa Philipines – Việt Nam – Brunei – Malaysia đã được giải quyết mà không dùng sức mạnh quân đội. Sự bất đồng giữa Campuchia và Việt Nam ở vùng ngoài khơi cực Nam Biển Đông trong việc phân định biên giới biển thuộc chủ quyền của ai cũng được giải quyết một cách hòa bình. Đặc biệt, ASEAN đã gắn kết một khối để giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông và các hòn đảo giữa Trung Quốc với một số nước trong nội khối ASEAN. Theo Luật Biển quốc tế 1982, ASEAN đã cùng Trung Quốc thảo luận và đưa ra các giải pháp hòa bình để giải quyết xung đột. Nội dung thỏa thuận này được thể hiện trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, viết tắt là DOC, ký năm 2002. Đó là cơ sở pháp lý giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông với mục tiêu hòa bình kiềm chế – không xảy ra xung đột quân sự. Hiện nay để giải quyết cơ bản với Trung Quốc tranh chấp chủ quyền Biển Đông, khối ASEAN đang thảo luận với Trung Quốc để tiến tới ký kết một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (viết tắt là COC) vào năm 2020 theo như lịch trình đã thỏa thuận.
Trong nội khối ASEAN đã có cam kết tôn trọng chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của từng nước, giải quyết mâu thuẫn không bằng bạo lực, không cho phép các nhóm đối lập ẩn trú ở nước này để chống nước kia. Những nguyên tắc này đã được sự phối hợp chặt chẽ giữa Thái Lan và Malaysia xử lý tốt các nhóm bạo lực hồi giáo ở dọc biên giới Myanmar – Thái Lan – Malaisia chạy sang Thái Lan hoặc Malaysia để chống phá hai nước. Không có cơ hội nào cho các nhóm đối lập trú ẩn ở các nước láng giềng khi bị truy bắt. Nguyên tắc này cũng được giải quyết các cuộc xung đột ở biên giới giữa Thái Lan và Campuchia – Thái Lan với Myanmar – Không để các cuộc đụng độ này lan rộng trở thành điểm nóng ở khu vực.
Tình hình an ninh khu vực Đông Nam Á phụ thuộc và chịu tác động của chiến lược của các nước ngoài khu vực. Đặc biệt là chiến lược của Mỹ và Trung Quốc cùng với các nước đồng minh của Mỹ; nên kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh đặc biệt là Việt Nam và 3 nước Lào – Campuchia – Myanmar gia nhập khối thì ASEAN có vai trò là trung tâm quan hệ quốc tế trong khu vực. Những sáng kiến của ASEAN được phát huy khi mời được các nhà lãnh đạo của Châu Á – và Phương Tây và Nga tham gia các Hội nghị ở khu vực như APEC, ASEM. ASEAN từng bước kết nối được với các nền văn minh và các cường quốc hàng đầu thế giới vì sự ổn định, hòa bình, phát triển của khu vực. Từ các cuộc diễn đàn hàng năm được ASEAN tổ chức có sự tham gia của các nước Á, Âu và Mỹ. ASEAN đã đề cập đến các vấn đề quan trọng của an ninh cũng như các mối quan hệ chính trị và kinh tế. Các diễn đàn này đều hướng tới mục tiêu: Tăng cường hợp tác và đối thoại mang tính xây dựng về các vấn đề chính trị, và an ninh trong sự quan tâm chung, góp phần vào những nỗ lực của một nền ngoại giao phòng ngừa và xây dựng niềm tin ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
ASEAN ngày càng giữ chủ động, kiểm soát các vấn đề của các diễn đàn, kiên trì thực hiện “Hiệp ước hữu nghị và hợp tác ở Đông Nam Á” để kéo các cường quốc bên ngoài khu vực (trong đó có quốc gia có hạt nhân) chấp nhận quá trình phi hạt nhân hóa ở khu vực; dựa vào 3 trụ cột: chính trị, kinh tế, và an ninh quốc phòng. Trong hội nghị thượng đỉnh hàng năm của ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng, Hội nghị chống tội phạm mời đại diện Hoa Kỳ, Trung Quốc và các quốc gia ngoài ASEAN tham dự. ASEAN đã đưa ra quan điểm về giải quyết các cuộc xung đột chủ quyền Biển Đông và các hòn đảo nhỏ thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa giữa Trung Quốc và Việt Nam, Philipines, Brunei, Malaysia phải trên cơ sở luật pháp quốc tế về biển, giải quyết tranh chấp xung đột thông qua đối thoại, không đơn phương dùng vũ lực. Ở các Hội nghị cấp cao ASEAN và các Hội nghị quốc phòng, ngoại giao của khối, các đại diện của Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ đã có cơ hội trình bày quan điểm đối với việc đảm bảo hòa bình, an ninh Biển Đông, nhận thức được quan điểm của ASEAN giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN. Trong đó phản đối các hoạt động đe dọa quân sự, bồi đắp các bãi đá san hô Trung Quốc mới chiếm. ASEAN cũng khéo léo giữ được quan hệ cân bằng giữa Trung Quốc, Hoa Kỳ và Châu Âu, hạ nhiệt căng thẳng, kiềm chế các bước leo thang đe dọa an ninh khu vực.
Những năm gần đây ASEAN tập trung thảo luận và phối hợp trong nội khối, giải quyết hoạt động khủng bố ở Philipines, Indonesia. Vấn đề an ninh mạng, tội phạm ma túy, tội phạm công nghệ cao. Sự phối hợp thông tin của các quốc gia trong khối và các nước ngoài khối đã rất hiệu quả góp phần chủ động ngăn ngừa hoạt động tội phạm trong khu vực.
Rõ ràng ASEAN ngày càng chứng tỏ vai trò trung tâm kết nối quan hệ quốc tế và xử lý các vấn đề an ninh trong nội khối. ASEAN đã thể hiện rõ khả năng kết nối với các khu vực và các cường quốc, chủ động đưa ra các mục tiêu và tầm nhìn đảm bảo cho hòa bình, an ninh trong khu vực tạo ra sự đồng thuận trong quan hệ với ASEAN. ASEAN đã chủ động nêu ra các quan điểm và giải pháp giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông giữa Trung Quốc với các nước, đề cao đối thoại dựa trên luật pháp quốc tế, lên án hành động bạo lực, xâm lấn vi phạm luật pháp quốc tế và tạo ra được nhận thức chung cho các nước tránh được nguy cơ xung đột vũ trang ở Biển Đông. ASEAN ngày càng củng cố quan hệ các nước nội khối, tăng cường gắn kết, thích ứng với tình hình để xử lý các tranh chấp biên giới, và hợp tác xử lý vấn đề tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, cảnh báo thiên tai và an ninh mạng.
Điều này là sự khác biệt so với các khối nước ở phương Tây và ARẬP và cũng là để lý giải vì sao khu vực Đông Nam Á đẩy lùi được chiến tranh, xung đột giữa các quốc gia được kiềm chế. Đó là mô hình an ninh tập thể ASEAN đã làm được trong thời gian vừa qua, mô hình này cần phải được tăng cường ở các khu vực trên thế giới để xử lý các cuộc xung đột, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia hiện nay, xây dựng một thế giới hòa bình và phát triển.
Nguyễn Văn Hưởng
(Theo Tạp chí Phương Đông)