Sát thủ kinh tế là khái niệm không mới lắm, được John Perkins viết từ năm 2004 nhưng lại là khái niệm ít người biết đến do nhiều lý do, đặc biệt là việc các chính phủ và các thể chế quốc tế cố che dấu điều này. Tạp chí Phương Đông xin cung cấp cho bạn đọc thông tin về sát thủ kinh tế (STKT) qua những cuốn sách của John Perkins và các tác giả khác.
Họ là ai?
Theo cuốn “Lời thú tội mới của một sát thủ kinh tế” của John Perkins, sát thủ kinh tế là những “người có chuyên môn giỏi trong các lĩnh vực, được trả lương cao để có thể lừa lấy của các nước hàng tỷ đô la. Họ chuyển tiền của Ngân hàng Thế giới, Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và các tổ chức viện trợ khác vào két của các công ty lớn và túi của một số ít gia đình giầu có kiểm soát nguồn lực thiên nhiên của trái đất. Công cụ của họ bao gồm báo cáo tài chính giả dối, bầu cử nguỵ tạo, mua chuộc, tống tiền, tình dục và ám sát. Họ sử dụng các mẹo như trong trò chơi “Đế chế”(dùng tất cả các biện pháp có được để xây dựng nên một Đế chế của riêng mình). Tuy nhiên trò chơi của họ là thật, rất nguy hiểm và đáng sợ ở thời điểm “toàn cầu hoá”. Họ làm việc một cách công khai cho các công ty thuộc nhóm Fortune 500 như Exxon, Walmart, General Motors và Monsanto…
Họ làm gì?
Trong cuốn sách của mình, John Perkins kể lại quá trình đã trở thành một sát thủ kinh tế sau khi đã được Cơ quan an ninh quốc gia (NSA) sát hạch. Ông làm “nhân viên NSA” với vỏ bọc là làm việc cho một công ty tư vấn Mỹ. Vị sát thủ của chúng ta đã phải thổi phồng con số tăng trưởng mức tiêu thụ điện của Indonesia để tạo điều kiện cho nước này vay tiền của Ngân hàng Thế giới. Sát thủ kinh tế đã đưa ra dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế thần kỳ khi có mạng lưới điện cho dù không có một nơi nào tốc độ tăng lượng tải điện có thể duy trì ở mức 7-9% năm liên tục trong một thời gian dài. Đây là “nghiên cứu kinh tế theo kiểu bánh vẽ”.
Hơn nữa, theo quy hoạch tổng thể của Chính phủ Indonesia gửi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Cơ quan Phát triển Quốc tế (USAID) thì nhu cầu điện tăng trung bình khoảng 19% trong vòng 12 năm đầu sau khi hệ thống được hoàn thiện, sau đó giảm xuống 17% trong tám năm tiếp theo và duy trì ở mức 15% trong 25 năm còn lại. Đây là điều không thể nhưng vẫn được các thể chế quốc tế chấp nhận và lấy đó làm cơ sở để cho vay. Việc này không dừng tại đó mà còn được lặp lại ở Colômbia.
Colombia đã vay nợ và hứa trả bằng nguồn tài nguyên thiên nhiên của nước mình… “Công việc của tôi (một sát thủ kinh tế) là chứng minh đất nước này cần những khoản vay cực lớn… Tôi chẳng có sự lựa chọn nào khác là thổi phồng lên các dự báo về trọng tải điện và tăng trưởng kinh tế”.
Ả Rập Xê Út là thí dụ điển hình hơn. Sau khủng hoảng dầu lửa năm 1974, JECOR (Uỷ ban Kinh tế chung Mỹ – Ả rập Xê út) được thành lập. Uỷ ban này lấy tiền của Ả rập Xê út để thuê các công ty Mỹ lên kế hoạch tái thiết vương quốc. Đây là “thoả thuận có ảnh hưởng sâu sắc nhất trong số những thỏa thuận cùng loại mà Mỹ đã ký với một nước đang phát triển. Thoả thuận cũng giúp Mỹ bám rễ ở Ả rập Xê út và củng cố khái niệm về sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia”.
Công việc của sát thủ kinh tế là đưa ra các dự báo về những gì có thể xẩy ra ở Ả rập Xê út nếu đầu tư những khoản tiền khổng lồ cho cơ sở hạ tầng và dựng nên các kịch bản về việc sử dụng số tiền đó, biện minh cho việc đổ hàng trăm triệu đô la vào Ả rập Xê út .
Mục đích chính của sát thủ kinh tế không chỉ là trút gánh nặng nợ nần lên quốc gia này khiến cho họ không bao giờ trả lại được hết nợ mà là phải tìm cách kéo phần lớn những đồng đô la dầu mỏ quay trở lại Mỹ và làm cho nền kinh tế Ả rập Xê út ngày càng gắn kết và phụ thuộc vào kinh tế Mỹ.
Tổ hợp hoá dầu lớn trên sa mạc đòi hỏi phải xây dựng nhà máy điện với công suất hàng ngàn megawatt, đường dây truyền tải và phân phối điện, đường cao tốc, đường ống dẫn dầu, mạng lưới viễn thông, hệ thống giao thông kể cả sân bay mới, cảng biển cải tạo…
Nhu cầu lao động ngoài nước và nhà ở cho công nhân từ các nước khác đến lại là cơ hội phát triển lớn hơn nữa và có hội làm giầu chưa từng có trong lịch sử…
Quản lý và bảo dưỡng dài hạn nằm trong các thoả thuân với Main, Bechtel, Brown and Root, Halliburton, Stone and Webster, cùng nhiều kỹ sư và nhà thầu khác của Mỹ và họ sẽ kiếm được những khoản tiền kếch xù trong nhiều thập niên.
Mỹ còn ép Ả rập Xê út mua trái phiếu với đồng đô la dầu lửa của mình để đổi lấy việc đưa Ả rập Xê út chuyển từ một xã hội thời trung cổ sang thế giới công nghiệp hoá hiện đại. Nói một cách khác, lợi nhuận tích luỹ từ việc bán dầu mỏ lại được trả cho các công ty Mỹ.
Thuyết phục quan chức Ả rập Xê út về tính khả thi của dự án được làm thông qua việc cung cấp tình dục cho Thái tử, cộng với những dự toán thổi phồng. Chính vì thế, theo sát thủ kinh tế thì “không có số liệu đáng tin cậy nào ở Ả rập Xê út hay bất cứ nơi nào khác”… “Các sát thủ kinh tế đã vận dụng trí tưởng của mình để viết ra những báo cáo, trong đó dựng lên tương lai xán lạn cho đất nước này nhằm buộc họ phải phụ thuộc nhiều hơn vào nước Mỹ”. “Các sát thủ kinh tế là người quyết định diện mạo và cơ cấu kinh tế của Ả rập Xê út”.
Mexico: Tổ chức Công bằng Toàn cầu Hiện tại (Global Justice Now) đã xuất bản bài báo có đầu đề là “Trao quyền cho người dân? Các nhà máy điện gió của WB (Ngân hàng thế giới) đã gây thất vọng cho cộng đồng Mexico thế nào”. Bài báo cho rằng Quỹ Công nghệ Sạch (ITF) là mô hình tài chính khí hậu sai lầm, nghiêng về tài trợ cho điện sinh hoạt và các doanh nghiệp tư nhân ở các quốc gia có thu nhập trung bình. Thay vì giải ngân các gói hỗ trợ thì họ giải ngân các khoản vay, ITF đã gây nguy cơ nợ nần của các nước nghèo, hoàn toàn đi ngược lại mục đích ban đầu là tài trợ cho việc giúp giảm biến đổi khí hậu. Bài báo còn chỉ ra rằng nguồn điện được sản xuất ở nhà máy điện La Mata và La Ventosa sẽ được “bán cho Walmat với giá ưu đãi”. Hơn thế nữa bài báo còn cho rằng dự án đã bóp méo “tình trạng tài chính của mình để nhận thêm viện trợ từ Cơ chế Phát triển sạch của Liên Hợp Quốc”. Dự án này còn được sử dụng để đẩy mạnh các dự án năng lượng gió tiếp theo của khối doanh nghiệp tư nhân tại khu vực eo đất Tehuantepec cho dù các dự án điện gió đã “gặp phải sự kháng cự đáng kể của dân địa phương… do lo ngại những dự án này là một phần trong kế hoạch xâm chiếm bản địa và biến chúng thành tài nguyên cho thị trường”.
Panama: Là đất nước minh chứng cho những gì các sát thủ kinh tế có thể làm, đó là ám sát. Lên làm người đứng đầu đẩt nước, ông được gọi là Lãnh tụ tối cao của Cách mạng Panama, ngày 23/2/1969, Omar Torriịo đã tiến hành cải cách ruộng đất, thực hiện chương trình việc làm và mở thêm trường học. Ông đã quốc hữu hoá các công ty đa quốc gia Mỹ thai thác nguồn tài nguyên của Panama. Những điều ông làm đã tác động đến quyền lợi của các công ty Mỹ và nước Mỹ. Do vậy, ông đã không được các nước ủng hộ khi vận động thành lập Liên hiệp các Nước Xuất khẩu Chuối.
Đặc biệt ông đã khởi xướng phong trào đòi lại kênh đào Panama. Ông đã đàm phán thành công hiệp ước về kênh đào Panama với Mỹ năm 1977, tạo nền tảng cho việc Mỹ trao quyền kiếm soát toàn bộ kênh đào cho Panama năm 1999.
Ông bị gặp “tai nạn máy bay” ngày 31/7/1981 và chết. Theo sát thủ kinh tế của chúng ta thì ông đã bị Chính phủ – công ty Mỹ ám sát.
Ecuador: Tổng thống Jame Roldos cũng là trường hợp tương tự như ông Omar Torriịo – lãnh tụ Panama. Jame Roldos là người yêu nước, luôn tin tưởng mạnh mẽ vào quyền lợi của người nghèo và tin rằng trách nhiệm của các nhà chính trị là phải sử dụng nguồn lợi thiên nhiên của đất nước một cách thận trọng. Ông không bao giờ sợ phải đối mặt với thực tế. Ngày 10/8/1979, ông đã đặt nền tảng cho chính sách của mình: “Chúng ta phải áp dụng các biện pháp hữu hiệu để bảo vệ nguồn năng lượng của đất nước. Nhà nước phải duy trì đa dạng hoá các mặt hàng xuất khẩu và không mất đi tính độc lập về kinh tế của nước mình… Các quyết định của chúng ta phải dựa trên quyền lợi quốc gia và trong khuôn khổ bảo vệ vô hạn chủ quyền dân tộc”.
Ông chống lại các công ty dầu lửa, cảnh báo nếu các kế hoạch của họ không có lợi cho người dân thì các công ty phải rời bỏ Ecuador. Tất cả những điều này đều không vừa lòng các công ty đa quốc gia. Và kết quả là ông chết trong vụ tai nạn máy bay ngày 24/8/1981 và báo chí loan tin “Một vụ ám sát của CIA”. Ông lại là một nạn nhân nữa của chính phủ – công ty.
Honduras: Năm 2009, những sát thủ kinh tế vẫn hoạt động tích cực như trước đây. Một số dư luận cho rằng Tổng thống Honduras Manuel Zelaya đã bị lật đổ trong cuộc đảo chính do CIA hỗ trợ. Chẳng bao lâu sau đó, tờ Thời báo New York cho biết Chính phủ Mỹ đã chối bỏ mọi sự liên quan của CIA (30/6/2009). Tuy nhiên, hai năm sau đó, cựu Bộ trưởng Văn hoá Honduras Rodolfo Pastor Fasquelle đã sử dụng dữ liệu bị rò rỉ bởi wikileaks để chỉ ra sự can dự của Mỹ đăng trên tờ Dân chủ ngày nay.
Sát thủ kinh tế và hiện tại:
Theo John Perkins thì hệ thống sát thủ kinh tế ngày nay đã trở nên ngày càng nhiều và hoạt động tinh vi ở khắp mọi nơi.
Ngày 16/3/2009, Tờ Guardian (Anh) đã xuất bản một báo cáo bị rò rỉ của Ngân hàng Barclays tiết lộ “một số âm mưu trốn thuế toàn cầu tinh vi bởi bộ phận Thị trường vốn cấu trúc của Ngân hàng. Theo những tài liệu này, Ngân hàng Barclays bị cáo buộc đã “hỗ trợ khách hàng một cách có hệ thống, né tránh các khoản thuế khổng lồ mà lẽ ra khách hàng phải trả ở nhiều lãnh thổ khác nhau”. Chắc khó có ai làm việc này tốt hơn sát thủ kinh tế. Sát thủ kinh tế rõ ràng đã tham gia hoạt động ở nhiều quốc gia.
Án Độ là nước đã suy tính lại cách đề cập vấn đề của mình trước những đòi hỏi của các công ty. Một số công ty Anh vốn được ưu tiên đã kiện Ấn Độ. Trong các công ty này có những công ty trốn thuế như Vodafone, Cairn Energy và Vedanta Resources. Chính phủ Ấn Độ đã áp dụng những biện pháp nhằm giảm thiểu phương cách trốn thuế và do vậy các công ty không ưa. Bộ trưởng thương mại Nirmala Sitharam đã tuyên bố rằng “số trường hợp… có nguồn gốc là các hiệp định đầu tư cũ trước đây là không thể tưởng tượng được”. Ai là người làm ra các hiệp định này? Họ là những sát thủ kinh tế.
Tạp chí Mother Jones đã miêu tả sự quỵ luỵ của Chính phủ Mỹ trước các công ty dầu mỏ trong một bài viết có tựa đề “Chính phủ Mỹ, sản phẩm của các công ty dầu mỏ lớn”. Bài viết đã cung cấp rất nhiều bằng chứng về việc “các công ty dầu mỏ không chỉ tự viết ra quy định cho mình mà còn tự giám sát; họ cũng tham gia thiết lập các chính sách về năng lượng và soạn thảo luật”. Ai là người soạn thảo ra các chính sách này nếu không phải là các sát thủ kinh tế. Sát thủ kinh tế đã tham gia hoạch định chính sách.
Sát thủ kinh tế không chỉ đánh lừa các thể chế quốc tế để có thể có những khoản vay lớn mà hiện đang tham gia vào quá trình xem xét và thực hiện viện trợ có điều kiện. Theo một số tính toán thì hơn 60% tổng số viện trợ phát triển chính thức được dùng vào việc mua hàng và dịch vụ từ các nhà cung cấp nước ngoài. Các điều kiện này làm cho các khoản viện trợ này quay trở lại chính nước viện trợ và chỉ được giao cho nước nhận viện trợ trên giấy tờ. Đây cũng là một trong những phương cách ít hiệu quả nhất, biến ngay cả các thể chế quốc tế thành sát thủ kinh tế.
Việc cho vay thông qua các tổ chức trung gian tài chính cũng là một kênh để sát thủ kinh tế hoạt động mạnh hơn. Theo Ngân hàng thế giới thì 62% chi tiêu của Công ty Tài chính Quốc tế là cho vay thông qua tổ chức tài chính trung gian. Trên thực tế các thể chế cho vay khác cũng đang học cách làm này: Ngân hàng phát triển BNDES của Braxin, Ngân hàng Đầu tư châu Âu, Quỹ Môi trường xanh và Quỹ Hạ tầng Toàn cầu. Ở Campuchia và Lào, IFC cho vay thông qua Dragon Capital Group, ở Honduras thông qua Banco Ficohsa, ở Guatemala thông qua Công ty Tài chính Hạ tầng liên Mỹ và ở Ấn độ thông qua Quỹ Hạ tầng Ấn độ. Các khoản vay này, đặc biệt là của IFC hầu như không có tác động gì với phát triển.
Bóng dáng của sát thủ kinh tế còn được thấy ở các hiệp định đối tác kinh tế thường được đàm phán giữa Liên minh châu Âu với các nước khác. Tháng bẩy năm 2016, Tanzania đã tuyên bố họ không ký hiệp định đối tác kinh tế giữa Cộng đồng Đông Phi với Liên minh châu Âu. Đại diện thương mại của Tanzania, Đại sứ Mlima lo ngại rằng hiệp định này sẽ phá công nghiệp địa phương ở khu vực. Tạp chí “Hai đầu” của Hà Lan viết rằng Ấn Độ cũng đã huỷ 57 trong tổng số 84 hiệp định đầu tư song phương do có những điều khoản ưu đãi bất bình thường các công ty nước ngoài.
Hậu quả của những hành động của sát thủ kinh tế
Ai là người hưởng lợi khi hàng trăm người khác chết vì đói, vì nước bị ô nhiễm và vì những căn bệnh đáng ra có thể chữa được trong khi các dự án do các sát thủ kinh tế hoạch định được xây dựng?
Chính các tập đoàn trị, các nhóm sát thủ kinh tế của nó và những kẻ giết người thuê luôn đứng đằng sau mọi việc sẽ không bao giờ để cho các nước nắm được quyền kiểm soát tài nguyên của mình. Bằng mọi cách, tiền của các dự án sẽ làm giầu cho các công ty đa quốc gia tham gia hoạch định, xây dựng và vận hành các dự án. Và hơn thế nữa, các công ty tài chính và các công ty nước ngoài khác là những kẻ kiếm lời trên tài nguyên của các nước đang phát triển. Họ là những sát thủ kinh tế chính hiệu.
Khi lãnh đạo các nước này không chấp nhận khuất phục trước áp lực của sát thủ kinh tế “dưới nhiều mũ khác nhau”, họ rất có thể sẽ phải cùng chung số phận với Omar Torrijo của Panama hay James Roldos của Ecuador và nhiều lãnh đạo khác nữa.
Ngày nay, sát thủ kinh tế đa dạng hơn, làm việc cho nhiều công ty hơn và thường đội mũ là “giám đốc quan hệ với công chúng”, “giám đốc quan hệ với chính phủ”. Họ cũng khôn ngoan và sảo quyệt hơn. Dù thế nào chăng nữa thì mục đích của họ chỉ là sát thủ, chuyên phá hoại kinh tế các nước đang phát triển.
Họ có thể mang danh của nước này hay nước khác, nhưng họ cũng chỉ nhằm tạo ra những “bẫy nợ”, để sau đó buộc các nước vay nợ phải nhượng bộ chính trị và kinh tế và rất có thể nhượng bộ cả chủ quyền của mình. Ví dụ về những việc này rất nhiều trên thế giới và các nước đang phát triển luôn cần vốn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cần phải hết sức cảnh giác.■
Nguyên Mi
(Theo Tạp chí Phương Đông)