Nửa đầu năm 2021 đã đi qua rất nhanh, thế giới đang chứng kiến những biến chuyển chưa từng thấy do cuộc khủng hoảng Covid-19 và cuộc cạnh tranh địa chính trị ngày một khốc liệt giữa Mỹ và Trung Quốc. Hai vấn đề căn bản này đang định hình ngày càng rõ một trật tự thế giới phân cực mạnh mẽ hiện nay. Có thể điểm qua một số đặc điểm chính của thế giới đoạn đầu năm 2021 như sau.
Thứ nhất, tình hình Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến rất phức tạp, chưa thấy có điểm dừng. Cho tới đầu tháng 4, ca Covid-19 mới mỗi ngày vẫn tăng 11%, tức khoảng hơn nửa triệu ca mắc mỗi ngày. Các ca ở cả châu Âu, châu Á và Hoa Kỳ đều tăng trở lại khiến nhiều quốc gia dỡ phong toả lại phải áp đặt lệnh cấm một lần nữa. Cuộc chiến để tiêm vắc xin nhanh trên diện rộng chưa thực hiện tốt thì thế giới lại phải đối mặt với cuộc chiến giữa các cường quốc, nhằm tận dụng vaccine để lôi kéo, tranh thủ các nước khác, và bôi nhọ, chê bai lẫn nhau.
Trung Quốc cáo buộc các hãng tin chính thống của Mỹ và Anh cố tình hạ thấp những ca tử vong do vác xin phương Tây gây ra, đồng thời sử dụng quyền lực tuyên truyền để quảng bá vaccine Pfizer của Mỹ, bôi nhọ vaccine Trung Quốc. Trung Quốc khẳng định: trong khi các chuyên gia vaccine của WHO cho biết hai loại vaccine Trung Quốc do Sinovac và Sinopharm sản xuất an toàn và có “hiệu quả tốt” nhưng không được nhiều nước phê duyệt do chiến dịch tuyên truyền của phương Tây.
Ngược lại, Mỹ cũng tố cáo chiến dịch nhắm vào vaccine Mỹ Pfizer của truyền thông Trung Quốc. Không chỉ thế, Mỹ còn cáo buộc Nga cũng đang tiến hành nỗ lực tương tự. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định tình báo Nga chỉ đạo xuất bản bài trên các kênh truyền thông để tìm cách hạ uy tín vaccine của Pfizer và Moderna của Mỹ. Truyền thông nhà nước và tài khoản Twitter của Chính phủ Nga cũng liên tục đăng tin làm gia tăng lo ngại về chi phí và độ an toàn của vaccine Mỹ, trong nỗ lực thúc đẩy vaccine Sputnik V của Nga.
Một số quan chức châu Âu còn cho rằng vaccine Covid-19 là “công cụ địa chính trị” mà Nga sử dụng để thao túng phương Tây, làm trầm trọng thêm sự chia rẽ trong khu vực. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hồi tháng 2/2021 đã công khai nói về “chiến dịch Sputnik V” của Nga, theo đó ông này thắc mắc tại sao Nga lại tung ra nước ngoài hàng triệu liều vaccine trong khi tiêm chủng chưa đủ cho người dân Nga.
Cơ quan Tình báo Kinh tế châu Âu nhận định cả Nga và Trung Quốc đang đặt cược vào “ngoại giao vaccine” để thúc đẩy lợi ích quốc gia. Phương Tây cho rằng Nga và Trung Quốc đã thực hiện chiến lược tập trung gây ảnh hưởng bằng vaccine tại những quốc gia đang phát triển. Phương Tây lo ngại “ngoại giao vaccine ” có thể giúp Mátxcơva và Bắc Kinh củng cố sự hiện diện lâu dài ở nhiều nước trên thế giới.
Trong khi đó, EU lại lên kế hoạch thắt chặt cơ chế kiểm soát xuất khẩu vaccine Covid-19 nhằm ngăn “dòng vaccine một chiều không công bằng” ra khỏi khối. Điều này không tạo điều kiện cho các nước nghèo hơn nhận được nguồn vaccine đầy đủ. Anh cũng cảnh báo EU đang theo đuổi “chủ nghĩa dân tộc vaccine”.
Nội bộ EU cũng mâu thuẫn về vaccine và một số thành viên EU dường như không còn đủ kiên nhẫn với tốc độ triển khai vaccine chậm chạp của liên minh. Hungary đã trở thành nước EU đầu tiên cấp phép sử dụng Sputnik V của Nga, tiếp đến là Slovakia. Với hợp đồng sản xuất vaccine Sputnik V tại Italy, Nga đang dùng vaccine để tiến vào Châu Âu, một động thái khiến Mỹ và đồng minh hết sức quan ngại.
Vấn đề vaccine cũng đang phân hoá thế giới, phần lớn khối lượng vắc xin do các nước giàu có như Mỹ, Anh, Trung Quốc, Nga nắm giữ, các nước nghèo không đủ tiền mua vaccine vẫn đang vật lộn với bệnh dịch, kêu gọi các nước giàu giúp đỡ.
Thứ hai, thế giới vẫn bị ngăn cách nghiêm trọng do Covid-19, song quan hệ quốc tế được giải quyết theo cách mới đó là thông qua các hội nghị trực tuyến. Các quốc gia vẫn trao đổi quan điểm và tiếp cận thông tin quan trọng qua mạng. Các công ty công nghệ vẫn đang làm chủ cuộc chơi và kênh liên lạc quan trọng này. Phần lớn các cuộc họp của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế đều bằng hình thức trực tuyến.
Hội nghị thượng đỉnh EU cũng đã diễn ra vào cuối tháng 3 tại Brussels, Bỉ theo hình thức trực tuyến do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tiến hành cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến trong hai ngày với chủ đề bao trùm là “cuộc chiến” đảm bảo nguồn cung vaccine Covid-19 và cách thức cân bằng quan hệ với các cường quốc. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã mời 40 nhà lãnh đạo thế giới trong đó có cả lãnh đạo cao nhất của Nga và Trung Quốc tham dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu. Như vậy, công nghệ và chuyển đổi số đã trở thành một yếu tố sống còn để giao tiếp với nhau trong trật tự thế giới mới đang định hình.
Thứ ba, tình hình kinh tế thế giới vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trừ Trung Quốc và một số nước châu Á, kinh tế Mỹ và châu Âu vẫn hết sức khó khăn, số liệu thất nghiệp rất cao ở nhiều quốc gia khiến tình di cư và tội phạm đang bùng lên ở châu Phi, tràn sang cả châu Âu.
Theo giới chuyên gia kinh tế, hậu quả của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế toàn cầu sẽ còn dai dẳng, tăng trưởng GDP không chỉ đối mặt với triển vọng ảm đạm trong năm 2021 mà còn lan sang cả năm 2022-2023. Tuy đang có nhiều dấu hiệu phục hồi và nỗ lực đạt tăng trưởng dương, đối với các nền kinh tế phát triển, mức tăng trưởng GDP vào cuối năm 2021 sẽ vẫn thấp hơn năm 2019 và thấp hơn đáng kể so với mức dự kiến trước đại dịch.
GDP của Mỹ sau khi giảm 6% vào năm 2020 và nếu cuộc khủng hoảng y tế tiếp tục kéo dài trong những tháng tới, GDP dự kiến sẽ chỉ đạt 1% vào năm 2021. Kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng đang nỗ lực để tăng trưởng trở lại vào năm 2021, sau khi ghi nhận mức giảm lịch sử 7,1% trong năm 2020.
Báo cáo mới của Tổ chức lao động Quốc tế (ILO) cho thấy, đại dịch Covid-19 đã đẩy 81 triệu người vào mất việc, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm và thu nhập ở khắp thế giới, trong đó có châu Á và Thái Bình Dương. Đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn mạnh vào các thị trường lao động trong khu vực. Các chính phủ gặp khó trong việc giúp doanh nghiệp và người lao động đứng vững. Nhiều người không có kinh tế ổn định khi đại dịch bùng phát dẫn tới sự mất ổn định an ninh nội địa nghiệm trọng.
Thứ tư, cuộc cạnh tranh địa chiến lược Mỹ Trung vẫn diễn ra rất gay gắt, không những không hạ nhiệt mà phức tạp thêm với nhiều diễn biến cụ thể hơn và rõ ràng hơn. Mỹ vẫn duy trì trừng phạt kinh tế và cấm vận về công nghệ từ thời chính quyền Trump, đồng thời chính quyền Biden còn thúc đẩy mạnh hơn cuộc tấn công vào Trung Quốc về vấn đề dân chủ, nhân quyền. Thậm chí Mỹ xác định Trung Quốc phạm tội diệt chủng ở Tân Cương, phá hoại nền tự trị ở Hồng Kong, hành xử phi pháp và bá quyền ở vùng biển Hoa Đông cũng như biển Đông, ép buộc đe doạ Đài Loan…
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới nhất đã khẳng định Trung Quốc không chơi theo luật và không tôn trọng luật, phá hoại trật tự quốc tế, vi phạm nhân quyền và các cam kết quốc tế khác… Mỹ công khai thể hiện mong muốn hợp tác với các đồng minh để thúc đẩy những lợi ích chung của thế giới phương Tây, chống lại “một số hành động hung hăng và ép buộc của Trung Quốc”.
Trong nửa đầu năm 2021, quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây đang ở mức thấp chưa từng có trong khoảng 3 thập niên qua. EU áp trừng phạt lên Trung Quốc lần đầu tiên kể từ vụ cấm vận vũ khí năm 1989, liên quan đến cáo buộc ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số khác ở Tân Cương. Đây là một phần của cuộc xung đột rộng lớn hơn và ngày càng leo thang về kinh tế, quân sự và địa chính trị giữa Trung Quốc với Mỹ, châu Âu và các đồng minh. Các vấn đề gây căng thẳng tiếp tục bao gồm thương mại, công nghệ, nhân quyền, Đài Loan, Hong Kong và Biển Đông.
Lần đầu tiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 3/2021 đã tuyên bố công khai sẽ ngăn Trung Quốc vượt Mỹ để trở thành quốc gia mạnh nhất thế giới. Trung Quốc công khai bác bỏ mọi cáo buộc từ Mỹ và áp đặt các biện pháp trả đũa ngược lại phương Tây. Như vậy, chúng ta đang chứng kiến sự tố cáo nhau một cách thẳng thừng, lên án và trừng phạt nhau kiểu ăn miếng trả miếng như trong giai đoạn chiến tranh lạnh.
Cuộc vận động ngoại giao để tìm kiếm liên minh cũng diễn ra gay gắt chưa từng thấy. Ngoại trưởng Mỹ công du châu Âu để củng cố NATO, tới Nhật Bản, Hàn Quốc để vận động trong khi Uỷ viên Bộ Chính Trị Trung Quốc Dương Khiết Trì cũng ký kết hợp tác với Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, và chính thức mời ngoại trưởng 4 nước Đông Nam Á tới Bắc Kinh gặp mặt, nhằm lôi kéo đồng minh, hình thành các phe đối đầu nhau như dưới thời chiến tranh lạnh.
Những căng thẳng Mỹ – Trung về quân sự, thách đố tập trận, chạy đua vũ trang, dàn quân ở những vùng nóng, đe doạ nhau ở Hoa Đông cũng như biển Đông, đặc biệt trong vấn đề Đài Loan, đã điễn trong nửa đầu 2021 và vẫn dự kiến sẽ tiếp tục vào nửa cuối năm. Song song với đó, thế giới vẫn đang phải đối phó với hiểm hoạ thiên tai rất lớn, xung đột cục bộ ở các điểm nóng vẫn trực bùng lên. Vấn đề bạo lực ở Myanmar ngày càng phức tạp, có thể kéo cả thế giới vào, nếu không sớm giải quyết khéo léo thì Myanmar có thể trở thành vấn đề lớn của thế giới.
Tóm lại, tình hình thế giới trong sáu tháng đầu năm 2021 đầy bất ổn và biến động do chi phối và tính toán của một số nước lớn. Tình hình này đẩy các nước nhỏ hơn đứng trước sự lựa chọn chính sách đối ngoại chiến lược khó khăn. Thế giới liệu có thể tránh được sự hình thành hai làn ranh như Chiến tranh lạnh hay không? Liệu có dẫn tới cuộc đối đầu quân sự Mỹ-Trung không, nhất là ở biển Hoa Đông và biển Đông, đặc biệt là Đài Loan?
Trong bối cảnh như vậy, các nước nhỏ cần có chính sách hết sức bình tĩnh, linh hoạt, lựa chọn cách để chung sống được, tồn tại được mà không bị áp đặt, chi phối quá lớn khiến rơi vào vòng xoáy đối đầu. Việt Nam vẫn phải ủng hộ chính sách đa phương, cân bằng giữa các nước lớn, nâng cao sức mạnh và tiềm lực quốc gia mình. Đa phương hoá để nhân lên sức mạnh nội tại và bảo vệ được lợi ích dân tộc vẫn phải là kim chỉ nam trong chính sách đối ngoại của các quốc gia nhỏ hơn trong sân chơi lớn của các cường quốc.■
Bình Minh
(Theo Tạp chí Phương Đông)