Sáu tháng cầm quyền của Tổng thống Joe Biden

        Trong bài phát biểu đầu tiên tại Quốc hội Mỹ ngày 28/4 vừa qua. Tổng thống Biden đã nói “Khi tôi nhậm chức, tôi đã thừa hưởng một đất nước trong khủng hoảng, đại dịch tồi tệ nhất trong thế kỷ, cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ thời kỳ Đại suy thoái, và cuộc tấn công tồi tệ nhất đối với nền dân chủ”. Điều này hoàn toàn đúng. Chưa có một Tổng thống nào trong lịch sử Hoa Kỳ lại tiếp quản một đất nước với chừng ấy khó khăn như Tổng thống J. Biden.

Trong gần 6 tháng qua, Tổng thống Biden đã tập trung giải quyết những thách thức mà nước Mỹ đang phải đối phó để: Nâng cao vai trò của chính quyền liên bang; thúc đẩy kinh tế; cung cấp dịch vụ cơ bản; dịch vụ tài chính cho công dân; cam kết chiến đấu chống phân biệt chủng tộc; hiện đại hóa hạ tầng cơ sở; tăng tính cạnh tranh của đất nước; về đối ngoại, trong khi vẫn đối đầu với Trung Quốc và Nga, Biden đã có những bước điều chỉnh đáng kể để khôi phục lại quan hệ với đồng minh, khôi phục lại vai trò của Mỹ trong các Tổ chức quốc tế đa phương trong đó có chống biến đổi khí hâu; quyết tâm tăng thuế các công ty, của những người giầu. Kết quả thăm dò vừa qua cho thấy sự ủng hộ ông của người dân chiếm tỷ lệ cao.

Vậy Tổng thống Biden đã vượt qua những thách thức ra sao? Đâu là những điểm cộng, đâu là những điểm trừ cho Tổng thống và liệu ông Biden có thành công đưa nước Mỹ trở lại vị trí đứng đầu thế giới?

Một số kết quả bước đầu được ghi nhận    

Về Đối nội: Kết quả bước đầu của Tổng thống Biden và Nhà Trắng là đã vượt qua được thách thức lớn nhất là đại dịch Covid-19. 100 triệu liều vác xin đã được tiêm trong 100 ngày đầu tiên. Hơn thế nữa, khoảng 247 triệu liều vắc xin đã được sử dụng; 106 triệu người, tương đương 32,1% dân số đã được tiêm hai liều (con số đầu tháng 5). Hiện Mỹ có lượng vác xin đủ để đảm bảo mỗi  người trưởng thành đều được tiêm chủng. Số người chết đã giảm từ 4000 người ngày xuống còn ít hơn 1000 người vào cuối tháng tư.

Việc làm thứ hai phải kể đến là Gói kích cầu kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD được Quốc hội thông qua. Đây được coi là một trong những kế hoạch kích cầu quy mô lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ với mục tiêu hỗ trợ tài chính cho người dân và doanh nghiệp, phục hồi kinh tế. Gói kích cầu này nếu được triển khai đúng nó có thể tạo thêm 7 triệu việc làm. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo và chống bất bình đẳng xã hội như lời hứa của Tổng thống, giảm 1/3 số người Mỹ sống dưới ngưỡng nghèo khó, đầu tư thêm vào y tế và giáo dục, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ cao.

100 triệu người dân Mỹ được tiêm vaccxin phòng chống Covid-19 sau 100 ngày ông Biden cầm quyền. Hình ảnh Tổng thống Mỹ J. Biden tiêm liều vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên tại bang Dela. Ảnh AP.

Chính quyền của Ông Biden cũng đã cho thấy quyết tâm cao trong việc chấn hưng đất nước. Ông đã đưa ra nhiều kế hoạch, dự luật như Kế hoạch việc làm Mỹ, Kế hoạch gia đình Mỹ, Dự luật chống các tội ác hận thù đối với người Mỹ gốc Á, Dự luật chống bạo lực đối với phụ nữ, Dự luật kiểm soát súng đạn… Hiện“Kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng” trị giá 2.000 tỷ USD, một kế hoạch đầy tham vọng và được coi là lớn nhất từ sau chiến tranh thế giới lần 2. Kế hoạch này sẽ nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, hiện đại hóa cầu đường, và giúp hàng triệu người thất nghiệp quay lại công việc.

Để tăng thêm ngân sách phục vụ các mục tiêu trên, Tổng thống Biden quyết định sẽ tăng thuế đối với những người có thu nhập cao hơn 400.000 USD/năm cũng như các tập đoàn lớn. Tuy nhiên nhiều Kế hoạch này cũng đã gây ra nhiều tranh cãi và đang chờ Quốc Hội xem xét!

Cũng trong lĩnh vực kinh tế, một điểm cộng cho chính sách của ông J. Biden là việc nỗ lực tái hội nhập kinh tế quốc tế để đưa nước Mỹ khỏi tình trạng bị cô lập và tiến tới là lấy lại vai trò lãnh đạo. Tổng thống đã quyết định đưa Mỹ tái gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ủng hộ mạnh mẽ Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Bộ trưởng Tài chính Mỹ đang giữ vai trò đầu tầu trong nhiều hoạt động liên quan đến việc chia sẽ khó khăn với các nước do đại dịch Covid-19 gây ra.

Về đối ngoại: Khác với người tiền nhiệm Donald Trump, Tổng thống Biden thực hiện chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ linh hoạt và căn cơ hơn. Giữa tháng 3 vừa qua, chính quyền Biden cho công bố “Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia tạm thời” cho thấy Hoa Kỳ đã chuẩn bị cho việc xây dựng một chính sách an ninh đối ngoại “toàn diện và bài bản”. Đó là xây dựng một nền ngoại giao truyền thống, dựa trên các giá trị cốt lõi của nền dân chủ Mỹ; tôn trọng nhà nước pháp quyền; hướng đến chủ nghĩa đa phương; khôi phục quan hệ và tập hợp sức mạnh cùng với đồng minh và đối tác để bảo vệ an ninh của Hoa Kỳ được coi là bị đe dọa từ Trung Quốc và Nga.

Mục tiêu cao nhất của Hoa Kỳ là khôi phục lại vị trí đứng đầu thế giới cũng như trong các thể chế đa phương, khôi phục lại sức mạnh của Hoa Kỳ cả về kinh tế và chính trị vì quyền lợi trước hết của chính Hoa Kỳ. Nhiều nhà phân tích phương Tây đã cho “điểm cộng” cho Ông Biden và cộng sự vì đã ý thức và nhận rõ những thách thức to lớn mà Mỹ và thế giới phải đối mặt, từ đó đưa ra các quyết định về an ninh quốc phòng một cách “khôn khéo và bài bản”:

-Trước hết với Trung Quốc, chính quyền Biden vẫn tiếp tục chính sách cứng rắn, xác định Trung Quốc là “mối đe dọa quyền lợi của Mỹ ở Ấn Độ Dương – Thái Bính Dương và toàn cầu”; tiếp tục áp thuế và các điều kiện kiểm tra nghiêm ngặt đối với xuất khẩu tại chỗ; tăng thêm số lượt tàu tuần tra ở Biển Đông; bán vũ khi hạng nặng và nâng cấp quan hệ với Đài Loan,phản đối những tuyên bố và hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông. Tăng cường sức mạnh quân sự để răn đe Trung Quốc. Chỉ trích Trung Quốc về các vấn đề nhân quyền ở Tân Cương, hủy hoại nền dân chủ ở Hồng Kong. Song bên cạnh đó, chính quyền Biden tuyên bố hoan nghênh nếu Trung Quốc tham gia giải quyết các nguy cơ đe dọa toàn cầu như chạy đua vũ khí hạt nhân và biến đổi khí hậu.

Tổng thống Biden đã ghi dấu ấn bước đầu trong việc tranh thủ được sự ủng hộ của các đồng minh Tây Âu (EU) và bạn bè, đối tác trong việc nhận rõ hơn sự nguy hiêm của sự trỗi dậy của Trung Quốc đối với toàn cầu, tạo ra sự liên minh, liên kết, cùng hành động trong chiến lược tấn công Trung Quốc trên các lĩnh vực như kinh tế, công nghệ, vấn đề dân chủ, nhân quyền, Tân Cương, Hồng Kong và nguồn gốc đại dịch Covid-19 ở Vũ Hán, từ đó đã dấy lên làn sóng cô lập, trừng phạt Trung Quốc về ngoại giao, kinh tế từ các nước đồng minh của Mỹ đối với Trung Quốc.

– Thông qua việc thúc đẩy Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương, Hoa Kỳ cũng đã tạo ra được một liên minh toàn vùng chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. Bộ Tứ Mỹ – Nhật – Úc – Ấn Độ đã hình thành một cơ chế và gắn kết hơn so với thời Tổng thống Trump. Nhiều nước phương tây ủng hộ cách tiếp cận mới phi quân sự kết hợp với quân sự trong Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Hoa Kỳ.

– Bên cạnh đó chính quyền của ông Biden đã bước đầu khôi phục lại quan hệ với các đồng minh truyền thống như EU, Nhật Bản, Úc, Anh và có sự điều chỉnh trong quan hệ với Israel… Đây được coi là nét cơ bản của chính sách đối ngoại. Thủ tướng Nhật Bản đã đến Hoa Kỳ. Hai bên đã thống nhất được nhiều vấn đề chiến lược đối phó với Trung Quốc ở Hoa Đông và Biển Đông. Sắp tới Tổng thống Biden sẽ dự G7 ở châu Âu để khẳng định cam kết sẽ phối hợp để giải quyết các cuộc khủng hoảng của thời đại bao gồm: khủng bố, chống phổ biến vũ khí hạt nhân, di cư, an ninh mạng, biến đổi khí hậu và dịch bệnh và bắt tay với các nước đồng minh trong kế hoạch tạo chuỗi cung ứng không cần Trung Quốc.

– Để sửa chữa được cho là sai lầm của chính sách đối ngoại của Trump, Biden đã quyết định quay trở lại với tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Hiệp định Paris về khí hậu, đang thảo luận để khởi động lại Hiệp định hạt nhân với Iran, ủng hộ mạnh mẽ NATO. Hoa Kỳ đã gia hạn Hiệp ước New Start thêm 5 năm nữa với Nga, hủy bỏ lệnh rút quân Mỹ khỏi Đức, quyết định rút quân khỏi Afganixtan, kết thúc chiến tranh ở Yemen. Vào ngày 22/4, ông Biden đã thành công trong việc mời các nước công nghiệp phát triển dự hội nghị thượng đỉnh quốc tế về khí hậu. Đi trước một bước so với Hội nghị Biến đổi Khí hậu lần thứ 26 của Liên hợp quốc tại Glassgow vào tháng 11 năm nay.

Ngày 22/4/2021, ông Biden đã thành công trong việc mời các nước công nghiệp phát triển dự hội nghị thượng đỉnh quốc tế về khí hậu – Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Phiên khai mạc trọng thể Hội nghị thượng đỉnh về Khí hậu. Ảnh: TTXVN

Với những động thái trên, nhiều nhà quan sát cho rằng chính quyền của ông Biden đã chủ động điều chỉnh chính sách an ninh đối ngoại theo hướng cạnh tranh quyết liệt với Trung Quốc và Nga, điều chỉnh khéo léo quan hệ với một số đồng minh để giành lại vị trí lãnh đạo của một siêu cường. Sự điều chỉnh này đã và sẽ tác động mạnh mẽ đến toàn bộ tình hình địa chính trị toàn cầu. Bước đầu, có thể thấy rõ cục diện thế giới đang hình thành rõ rệt giữa một bên là Mỹ và phương Tây và một bên là Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên Hoa Kỳ cũng vẫn để mở cánh cửa cho sự hợp tác trong những lĩnh vực mà các bên cùng có lợi với Trung Quốc và Nga.

Nhiều bình luận cho rằng Ông Biden đang thực thì một chính sách đối ngoại dựa trên ba trụ cột chính là: Tăng cường sức mạnh bên trong, Răn đe và Dânchủ. Một chính sách đối ngoại khác biệt hoàn toàn với thời Tổng thống Trump và cũng không giống với chính sách của cựu Tổng thống Barack Obama. Dưới thời Tổng thống Biden, chính sách đối ngoại phải gắn chặt với chính sách đối nội. Mọi hoạch định của chính sách kinh tế, bao gồm cả chính sách thuế, cũng như việc đầu tư vào các công nghệ nổi bật như trí tuệ nhân tạo, và năng lượng sạch cần gắn chặt với sự cạnh tranh Mỹ Trung. Cần đảm bảo Hoa Kỳ có khả năng tự chủ hơn trong việc sản xuất, từ thiết bị y tế đến công nghệ quân sự.

Về khả năng răn đe với các đối thủ như Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên, Hoa Kỳ sẽ tăng cường khả năng chiến đấu của quân đội, đầu tư vào các công nghệ cao, triển khai quân đội Mỹ ở bên ngoài, duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương giống như đang thực hiện với NATO ở châu Âu nhằm răn đe và ngăn ngừa xung đột. Với Nga, là đối thủ chính của Mỹ ở châu Âu, Hoa Kỳ dựa vào những chứng cứ không rõ ràng là Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thông Hoa Kỳ 2020, ông lên án và bổ sung biện pháp trừng phạt Nga, kích động Ucraina đòi chủ quyền Crimea và đối đầu với Nga về quân sự, lôi kéo Cộng hòa Séc, Éstonia, Latvia, Ba Lan, Litvia, Italia trục xuất các nhà ngoại giao Nga với lý do hoạt động tình báo chống những những nước này. Mỹ cùng một số nước như Anh, Đức, Pháp tố cáo Nga đầu độc các nhân vật chính trị đối lập. Tạo dư luận xấu về hình ảnh nhân quyền của Nga trước dư luận quốc tế.Quan hệ Nga Mỹ đang ở thời kỳ căng thẳng nhất.

Thấy gì qua phong cách điều hành đất nước của Tổng thống Biden

Thông điệp lớn nhất mà Tổng thống Biden muốn chứng tỏ với thế giới và muốn dư luận nhìn nhận là ông sẽ có cách điều hành đất nước hoàn toàn khác so với ông Trump cũng như một số tổng thống tiền nhiệm khác. Chính quyền của ông tin rằng sẽ làm cho “nước Mỹ quay trở lại vị trí đứng đầu” những nhận định (đặc biệt của Trung Quốc) rằng Hoa Kỳ là một đất nước suy tàn là một sai lầm.

– Quan điểm nổi bật nhất của Biden là chính phủ cần và phải có vai trò đủ lớn, đủ quan trọng để có thể điều hành đất nước. Chỉ có chính phủ mới có khả năng chi ra các khoản đầu tư khổng lồ và giải quyết những khó khăn như đại dịch Covid-19 và chấn hưng kinh tế,đem lại các phúc lợi xã hội. Vai trò của chính phủ càng lớn mạnh thì hiệu quả lãnh đạo càng cao. Đây là cách tiếp cận hoàn toàn khác một số tổng thống tiền nhiệm như Reagan hay Clinton.

Nhiều nhận xét cho rằng, ông đã thành công phần nào trong việc thay đổi tư duy của những nhân vật bảo thủ và đa số người dân Mỹ về vai trò quyết định của chính phủ. Đây cũng là phương cách hướng đến mục tiêu khôi phục lòng tin của người dân vào nền dân chủ Mỹ của chính quyền Biden. Theo Harvard CAPS – Harris Poll công bố giữa tháng ba thì 61% người được hỏi tán thành sự điều hành chính phủ của Tổng thống Biden so với 48% thòi kỳ Trump. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ông Biden.

– Ông Biden đã tận dụng tối đa quyền lực hành pháp để ký nhiều sắc lệnh, hoặc đưa ra các chính sách, sáng kiến để thực hiện mục tiêu của mình. Trong 8 ngày đầu tiên ông đã ký 3 sắc lệnh liên quan đến biến đổi khí hậu và môi trường như chấm dứt các dự án liên quan đến khí thải nhà kính cao, đường ống dẫn dầu Keystone XL; các sắc lệnh về kinh tế, di dân, phân biệt đối xử, Covid-19. Tính đến ngày 15/4, ông Biden đã ký 49 sắc lệnh và bản ghi nhớ khác nhau, nhiều hơn những người tiền nhiệm gần đây: Donald Trump (36), Obama (34). Vào ngày 22/4, ông Biden giữ lời hứa triệu tập một hội nghị thượng đỉnh quốc tế về khí hậu. tập họp nhiều nhà lãnh đạo thế giới.

Vẫn còn đó vô vàn gian khó

Một trong những mục tiêu của Tổng thống Biden là có thể hóa giải một nước Mỹ bị chia rẽ, để trở thành một Tổng thống của tất cả người dân Mỹ, không riêng của Dân chủ hay Cộng hòa. Tuy nhiên, thực tế không như mong muốn của ông Biden.Các sắc lệnh của ông ký vừa qua đã gây bất đồng sâu sắc giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ giữa Quốc Hội (Thượng Viện và Hạ Viện). Số phận của các sắc lệnh này còn rất bấp bênh, ví dụ: Nnhững dự luật liên quan đến bất bình đẳng xã hội như Luât Chống bạo lực đối với phụ nữ, hoặc Luật Bình đẳng hay Dự Luật về quản lý súng đạn. Thách thức nữa với ông là, cho dù đã đạt được thành tích cao tiêm chủng vác xin chống Covid-19, tuy nhiên, số người lây nhiễm Covid-19 và tử vong ở Mỹ vẫn cao nhất thế giới. Việc một số bang bất tuân lệnh mở cửa lại các trường học hoặc số lượng cao người dân Mỹ đang do dự với việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 đang đe dọa mục tiêu đạt được miễn dịch cộng đồng trên diện rộng (những lĩnh vực này thuộc thẩm quyền của các Bang).

Chính sách nhập cư của Tổng thống J. Biden đã gặp phải sự phản đối của đông đảo dư luận Mỹ. Ảnh: AP

Tương tự như vậy, quyết định ngưng trục xuất người di cư bất hợp pháp hoặc việc nâng số lượng người tị nạn vào Mỹ đã bị phán quyết của Tòa án chặn lại. Có thể nói rằng những quyết định của ông liên quan đến vấn đề di dân, nhập cư là điểm trừ tương đối nặng trong thời gian đầu cầm quyền. Từ con số dự kiến là 62.000 người cho 2022 đã giảm xuống còn 15000 người. Cá nhân ông đã bị phản đối rất nhiều bởi những quyết định nóng vội mở cửa cho người nhập cảnh.

– Một số giải pháp kinh tế lại là lo ngại của nhiều người khi cho rằng, có khả năng những gói tài trợ kinh tế khổng lồ của ông Biden có thể khiến nền kinh tế Mỹ trở nên quá nóng và rơi lại vào tình trạng lạm phát cao (Năm  2021, 13% GDP của Mỹ sẽ đến dưới dạng hỗ trợ tài khóa). Việc ông Biden tiếp tục chính sách bảo hộ thương mại, áp thuế trừng phạt với các mặt hàng thép nhôm đặc biệt với Trung Quốc sẽ tiếp tục gây tổn thất nhiều chục tỷ đô la cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Quyết định tăng thuế đối với những người có thu nhập cao gây nhiều tranh cãi ở Quốc hội Mỹ.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, nếu làm một phép tính cộng và trừ cho những gì mà chính quyền của Tổng thông Biden đã tiến hành trong gần sáu tháng qua thì có vẻ những điểm cộng sẽ nhỉnh hơn. Các chỉ số của các cuộc thăm dò dư luận đã phản ánh điều đó. Tuy nhiên sáu tháng chưa phải là tất cả, Tổng thống Biden đã nắm quyền,ông có cả bộ máy hành pháp và quyền lực trong tay để thực hiện mục tiêu cao cả là “Đưa nước Mỹ quay trở lại vị trí đứng đầu”, nhưng, điều nằm ngoài ý muốn của ông và cộng sự lại chính là bối cảnh phức tạp của nước Mỹ. Một nước Mỹ đa cực, quốc hội chia rẽ, chủ nghĩa Trump vẫn hiển hiện trong đời sống chính trị. Nước Mỹ vẫn đang phải đối mặt với những xung đột xã hội,trước một thế giới chia rẽ, xung đột gay gắt trong đó Hoa Kỳ là tác nhân. Tất cả những điều này đã và sẽ gây khó khăn cho ông Biden, hạn chế chương trình hành động của ông và nước Mỹ.

Vẫn còn quá sớm  để nói tới thắng lợi của ông Biden và nước Mỹ. Thế giơi vẫn còn hơn ba năm nữa để kiểm nghiệm.■

Nguyên Mi

(theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN