Kỳ họp thứ tư, Khóa 13 Chính Hiệp (Mặt trận) và Nhân Đại (Quốc Hội) gọi chung là “Lưỡng Hội” Trung Quốc đã họp tại Bắc Kinh từ ngày 4/3 đến 11/3/2021.
Đáng chú ý nhất của kỳ họp “Lưỡng Hội” lần này là “Báo cáo công tác của Chính phủ” do Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trình bày, gồm bốn phần chính: “Nhìn lại 2020”; “Thành quả của Quy hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020)”; “Mục tiêu chủ yếu của Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025)” và “Mục tiêu phát triển và công tác trọng điểm của năm 2021”.
Theo báo cáo của Chính phủ Trung Quốc, Trung Quốc đã thực hiện 10 “Kế hoạch” và 3 “Quy hoạch” 5 năm (từ 5 năm lần thứ 11 (2006-2010) trở đi gọi là “Quy hoạch”; trước đó đều gọi là “Kế hoạch”. “Quy hoạch” hàm ý vĩ mô hơn, bao quát hơn, trong “Quy hoạch” có thể có nhiều “kế hoạch”). Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 là Quy hoạch đầu tiên trong “cuộc trường chinh mới” xây dựng Trung Quốc thành cường quốc xã hội chủ nghĩa (XHCN) hiện đại vào giữa thế kỷ 21, vì vậy nó mang ý nghĩa “vạch thời đại”, là “khởi điểm lịch sử mới”.
Sự phát triển của Trung Quốc trong 5 năm tới “vẫn nằm trong thời kỳ chiến lược quan trọng nhưng cơ hội và thách thức đều có những phát triển, biến đổi mới”, bảo đảm vận hành kinh tế trong phạm vi hợp lý, với một số chỉ tiêu chủ yếu: khống chế tỉ lệ thất nghiệp trong phạm vi 5,5%; Kinh phí nghiên cứu phát triển toàn xã hội tăng trưởng bình quân trên 7%/năm; Tỉ lệ đô thị hóa lên đến 65%; Tỉ lệ rừng bao phủ đạt 24,1%; Cơ bản loại trừ ô nhiễm không khí nghiêm trọng và nước bẩn ở thành thị; Tăng trưởng thu nhập có thể tiêu dùng bình quân đầu người cơ bản đồng bộ với tăng trưởng GDP; Tuổi thọ trung bình được nâng lên 1 tuổi; Tỉ lệ tham gia bảo hiểm dưỡng lão đạt 95%…
Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 có ba cái mới: Đứng trên “giai đoạn phát triển mới”, quán triệt “quan điểm phát triển mới” và kiến tạo “cục diện phát triển mới”.
Nói “giai đoạn phát triển mới” là với hai hàm ý chủ yếu, một là Trung Quốc đã thật sự đi ra khỏi dịch Covid-19, bắt đầu chính thức bước vào “thời kỳ hậu Covid-19”, vào chu kỳ phát triển mới, đứng trên khởi điểm lịch sử mới; Hai là giai đoạn phát triển trình độ cao hơn, hiện đại hơn, chất lượng hơn, chính thức khởi đầu của tiến trình xây dựng cường quốc XHCN hiện đại: Cân bằng cung cầu ở trình độ cao; “mở cửa mới” trình độ cao; xây dựng hệ thống thị trường chất lượng cao; xây dựng hệ thống tài chính-thuế má hiện đại hóa; xây dựng môi trường kinh doanh loại 1; xây dựng thể chế kinh tế mới trình độ cao; thúc đẩy hợp tác “Vành đai con đường” chất lượng cao; xây dựng mạng lưới khu vực tự do mậu dịch tiêu chuẩn cao toàn cầu; xây dựng hệ thống giáo dục chất lượng cao…
Trung Quốc cho rằng, “giai đoạn phát triển mới” của Trung Quốc có hai đặc điểm lớn: Một là sau hơn 40 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc đã có một cơ sở vật chất hùng hậu, có thể thực hiện phát triển ở trình độ cao hơn. Hai là, trong sự biến đổi chưa từng có của thế giới, Trung Quốc vẫn ở vào thời kỳ thời cơ chiến lược quan trọng, cơ hội lớn hơn thách thức, đặc biệt Trung Quốc đã ra khỏi dịch Covid-19 sớm nhất và đi vào chu kỳ phát triển mới sớm nhất, tạo “thế” mới cho Trung Quốc trong thế giới đang rất bất ổn sau Covid-19.
Nhiệm vụ bao trùm của “giai đoạn phát triển mới” là hoàn thành xây dựng Trung Quốc trở thành cường quốc XHCN hiện đại vào giữa thế kỷ 21, có nghĩa là “giai đoạn phát triển mới” sẽ kéo dài đến giữa thế kỷ, 30 năm tính từ 2021. Nói cách khác, “giai đoạn phát triển mới” của Trung Quốc trùng khớp với thời gian thực hiện “mục tiêu 100 năm lần thứ hai”, cũng trùng khớp với “thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng” và với cả “giai đoạn đầu của CNXH”. Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 là 5 năm khởi đầu của “giai đoạn phát triển mới”, khởi đầu thành công mới có thể dẫn đến thành công của cả giai đoạn phát triển mới. Điều này quy định tầm quan trọng của Quy hoạch.
“Quan điểm phát triển mới” là quan điểm tương ứng với “giai đoạn phát triển mới”, được quán triệt bởi các tư tưởng chỉ đạo phát triển chủ yếu dưới đây:
– Coi phát triển là nhân tố then chốt cơ bản để giải quyết mọi vấn đề của Trung Quốc, trọng điểm công tác mọi mặt phải đặt vào việc nâng cao chất lượng và hiệu ích của phát triển.
– Lấy “sáng tạo” làm động lực chủ yếu cho phát triển, dẫn dắt phát triển; đặt “sáng tạo” ở vị trí trung tâm trong toàn cục xây dựng quốc gia hiện đại, lấy “tự lực tự cường khoa học kỹ thuật” làm trụ cột chiến lược của phát triển quốc gia, dần dần thoát khỏi sự phụ thuộc của Trung Quốc vào khoa học công nghệ của Mỹ và phương Tây.
Một kỹ thuật viên đang điều khiển robot bằng công nghệ 5G tại Hội nghị Trí tuệ Nhân tạo Thế giới ở Thượng Hải, ngày 29/8/2019 (Ảnh: Xinhua)
– Thúc đẩy phát triển xanh, giải quyết tốt mối quan hệ cộng sinh giữa con người và tự nhiên; Đẩy nhanh việc chuyển đổi phương thức phát triển xanh; thúc đẩy đồng bộ giữa phát triển kinh tế chất lượng cao với bảo hộ môi trường sinh thái trình độ cao. Rõ ràng “phát triển xanh” được đặt ở vị trí cao hơn, mang tầm chiến lược hơn trong tổng thể phát triển.
– Ra sức mở rộng một cách ổn định nội nhu, triệt để khai thác tiềm năng của thị trường trong nước, như là một “trọng điểm chiến lược cơ bản”; thực hiện cân bằng cung cầu ở trình độ cao.
– Bảo đảm tính liên tục, tính ổn định và tính bền vững của chính sách vĩ mô; thúc đẩy kinh tế vận hành trong phạm vi hợp lý; Nâng cao chất lượng và tính hiệu quả, tính bền vững của “chính sách tài chính tích cực”; thực hiện “chính sách tiền tệ ổn định” một cách linh hoạt, chính xác, hợp lý; Ưu hóa và ổn định chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng.
– Kiên trì nguyên tắc phát triển hài hòa, giải quyết vấn đề phát triển không cân bằng; Xử lý tốt mối quan hệ giữa khôi phục kinh tế và đề phòng nguy cơ, giữa phát triển và đảm bảo an ninh.
– Trước sau vẫn kiên trì tư tưởng “lấy nhân dân làm trung tâm” của phát triển; tiếp tục nâng cao phúc lợi của người dân, thiết thực thúc đẩy “cùng giàu có”, mở rộng đầu tư nhiều hơn, hiệu quả hơn vào lĩnh vực dân sinh; giải quyết vấn đề phân phối không công bằng, chênh lệch thu nhập nghiêm trọng, tiến tới công bằng xã hội.
– Thúc đẩy toàn diện chấn hưng nông thôn, đẩy nhanh hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, hoàn thiện chiến lược đô thị hóa kiểu mới.
“Quan điểm phát triển mới” có nhiều điểm mang tính kế thừa nhưng đa phần đều mang tính hiện đại, tính “tiến cùng thời đại”, quán triệt nó không đơn giản, phải có thời gian, phải có quá trình.
“Cục diện phát triển mới” được xây dựng trên cơ sở “quan điểm phát triển mới”, được hình dung là một cục diện chưa từng có ở Trung Quốc, có 5 nội hàm chủ yếu: (i) Hệ thống sản nghiệp hiện đại mới, mang tính chiến lược được phát triển nhanh, toàn bộ hệ thống kinh tế được thúc đẩy theo hướng ưu hóa và nâng cấp, các thực thể kinh tế được chú trọng phát triển; (ii) Tiến trình xây dựng “cường quốc chế tạo”, “cường quốc chất lượng”, “cường quốc mạng”, “Trung Quốc số” được đẩy mạnh, trình độ hiện đại hóa chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng được nâng cao; (iii) Ngành dịch vụ hiện đại, xây dựng đồng bộ hạ tầng cơ sở, xây dựng “cường quốc giao thông”, “cách mạng năng lượng”, phát triển số hóa đều được đẩy nhanh; (iv) Phát triển nông nghiệp, nông thôn được ưu tiên, hình thành mối quan hệ công nghiệp – nông nghiệp – thành thị – nông thôn kiểu mới, hợp đồng phát triển, cùng nhau phồn vinh; (v) Ưu hóa bố trí không gian đất đai quốc gia, thực hiện chiến lược phát triển hài hòa các khu vực; (vi) Tiếp tục mở cửa với bên ngoài ở trình độ cao.
Trung Quốc có thể sẽ dùng Quy hoạch 5 năm lần thứ 14, 5 năm đầu tiên của “Giai đoạn phát triển mới” để đặt cược cho tương lai. Theo thiết kế của Trung Quốc, với “cục diện phát triển mới” này, thực lực kinh tế, thực lực khoa học công nghệ và quốc lực tổng hợp của Trung Quốc sẽ có bước nhảy vọt mới; tổng lượng kinh tế quốc dân và thu nhập của cư dân sẽ được nâng lên một bậc mới. Các ngành kỹ thuật then chốt dẫn dắt sự phát triển của Trung Quốc trong tương lai sẽ có những bước đột phá quan trọng, Trung Quốc sẽ đứng vào hàng ngũ các quốc gia hàng đầu về “mô hình quốc gia sáng tạo”. Cùng với việc cơ bản thực hiện công nghiệp hóa kiểu mới, tin học hóa, đô thị hóa, nông nghiệp hiện đại hóa, hiện đại hóa toàn bộ hệ thống kinh tế Trung Quốc sẽ cơ bản được thực hiện; Trung Quốc sẽ đạt trình độ cao về xây dựng quốc gia pháp trị, chính phủ pháp trị và xã hội pháp trị cũng như xây dựng cường quốc văn hóa, giáo dục, nhân tài, thể dục thể thao, y tế, nâng cao trình độ văn minh toàn xã hội. Xem ra Trung Quốc đang có tham vọng xây dựng một Trung Quốc hoàn toàn mới, hiện đại vào hàng đầu thế giới. Có vẻ như Trung Quốc đã lý tưởng hóa tương lai của họ song họ cũng có những căn cứ để đặt niềm tin vào tương lai đó
Về tổng thể, Trung Quốc đang có những điều kiện, những cơ sở đảm bảo cho họ có thể thực hiện những mục tiêu trong Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 và cả trong “giai đoạn phát triển mới”: (i) Ban lãnh đạo Trung Quốc nắm bắt tình hình quốc tế và trong nước khá chính xác, đề ra phương hướng và mục tiêu phát triển cho Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 và cho cả 30 năm của “giai đoạn phát triển mới” tương đối phù hợp với môi trường quốc tế mới và thực trạng kinh tế xã hội Trung Quốc (thể hiện qua những tư tưởng chỉ đạo nêu trên); (ii) Cơ sở kinh tế hùng hậu, trình độ khoa học công nghệ đang vươn lên tầm quốc tế (nền kinh tế lớn thứ hai, thương mại lớn nhất, dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới (đến cuối năm 2020 đạt 3216,5 tỉ USD); GDP đạt gần 15 nghìn tỉ USD, tăng 10 lần trong 20 năm qua, tỉ trọng trong GDP toàn cầu từ 1,7% lên 17% (trong khi Mỹ từ trên 30% xuống còn 23,9% vào năm 2018); từ sau 2009, trung bình mỗi năm GDP của Trung Quốc tăng thêm trên 1000 tỉ USD; Nền công nghiệp tương đốí hoàn chỉnh, đồng bộ, ngày càng hiện đại, công nghiệp chế tạo lớn nhất toàn cầu; đối tác thương mại lớn nhất của khoảng 130 chủ thể kinh tế toàn cầu; quy mô “kinh tế số” năm 2019 tăng 13,7 lần so với 2005, chiếm 36,2% GDP, chỉ kém Mỹ; (iii) Thị trường nội địa siêu lớn và hấp dẫn (với quy mô 8000 tỉ USD năm 2019 và sẽ tăng lên 17000 tỉ USD vào năm 2030), đủ khả năng đóng vai trò chủ thể trong “tuần hoàn kép”, chính sách “mở cửa mới trình độ cao” dần dần thu hút trở lại sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài, kinh tế đối ngoại không còn ở vị trí dẫn dắt nền kinh tế quốc dân nhưng vẫn còn không gian lớn để phát triển cao hơn, tư bản quốc tế vẫn có điều kiện tốt hơn nhiều thị trường khác để kiếm lời tại Trung Quốc; (iv) Trung Quốc ra khỏi dịch Covid-19 sớm nhất và trở lại chu kỳ tăng trưởng mới đầu tiên trong khi các chủ thể kinh tế toàn cầu chủ yếu khác vẫn đang lúng túng ứng phó với đại dịch. Sau Covid-19, thế giới sẽ tập trung vào ba trọng tâm: phát triển kinh tế, tiện lợi hóa thương mại và ổn định tài chính; Trung Quốc có điều kiện, có cơ sở để phát huy vai trò của mình trên cả ba lĩnh vực này, đặc biệt là khả năng tài chính; qua đó vai trò “động lực” của kinh tế toàn cầu sau Covid-19 của Trung Quốc sẽ được khẳng định; (v) Với lợi thế là đối tác thương mại lớn nhất của khoảng 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, Trung Quốc có thể biến sự phụ thuộc về kinh tế của nhiều quốc gia đối với Trung Quốc thành những lợi ích địa chính trị cho Trung Quốc, phục vụ Trung Quốc mở rộng quyền lực tại một số khu vực trên thế giới; (vi) Một số “sáng kiến Trung Quốc” và cơ chế do Trung Quốc chủ trì hoặc tham gia như BRI, BRICS, SCO, Cơ chế “Luận đàn 1+6” (tổ chức đối thoại định kỳ giữa Trung Quốc với WB, IMF, WTO, ILO (Tổ chức Lao động quốc tế), OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế), FSB (Hội đồng Ổn định Tài chính Quốc tế); “Sáng kiến xây dựng kinh tế thế giới kiểu mở”, tiếp tục “thúc đẩy tự do hóa, tiện lợi hóa mậu dịch và đầu tư”, tổ chức Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về hợp tác xây dựng BRI, Hội chợ triển lãm nhập khẩu quốc tế Thượng Hải… đã có những kết quả nhất định, góp phần giúp Trung Quốc củng cố vị thế, nâng cao quyền phát ngôn của Trung Quốc trên vũ đài quốc tế.
Các yếu tố trên được vận động trong một môi trường chính trị quốc gia ổn định về tổng thể, quyền uy của Đảng cầm quyền và “hạt nhân” Tập Cận Bình ngày càng được siết chặt, khiến đa phần người Trung Quốc cảm thấy yên tâm với tương lai của họ. Một yếu tố khách quan có thể được coi là một thuận lợi nữa của Trung Quốc là sự suy yếu tương đối của Mỹ, sự “mất lòng” của nhiều đồng minh và đối tác đối với chính quyền Trump, Biden phải mất thời gian để trang trải với thế giới; trong bối cảnh đó, nước Mỹ dưới thời Biden phải cân nhắc thận trọng trong đối sách với Trung Quốc, quốc gia đã trở thành đối thủ ngang tầm của Mỹ.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang đứng trước nhiều thách thức, trong đó có những thách thức rất khó vượt qua hoặc nằm ngoài khả năng nỗ lực chủ quan của Trung Quốc. Có thể nêu một số thách thức chủ yếu: Trước hết phải nói đến cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung ngày càng quyết liệt, những hệ lụy do cuộc cạnh tranh này tạo ra như khả năng hình thành mặt trận phương Tây kiềm chế Trung Quốc do Mỹ cầm đầu vẫn hiện hữu; phong tỏa, ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận với những kỹ thuật tiên tiến mang tính chiến lược ngày càng gắt gao, trực tiếp đánh vào khâu yếu nhất trong quá trình trỗi dậy của Trung Quốc; khả năng hình thành phong trào đòi truy cứu trách nhiệm của Trung Quốc trong dịch Covid-19 vẫn còn treo lơ lửng… Chính quyền Biden có thể sẽ hạ mức đối đầu với Trung Quốc từ “kẻ thù” xuống “đối thủ cạnh tranh số 1”, chắc sẽ ít cực đoan hơn Trump nhưng “hiệu quả kiềm chế” có thể cao hơn Trump vì khác với Trump, Biden đang tập hợp rộng rãi các đồng minh và đối tác trong mặt trận nhân quyền, dân chủ ở Tân Cương và Hồng Kông để kiềm chế Trung Quốc, làm cho mặt trận này mang tính đa phương hơn, đa chiều hơn, có thể dẫn đến hiệu quả thực tế hơn, cao hơn. Cuộc đối thoại cấp cao Trung – Mỹ đầu tiên kể từ khi Biden chấp chính (19/3/2021) không những không cải thiện được gì cho quan hệ hai bên mà còn gây thêm mâu thuẫn, rất có thể sẽ dẫn đến một cuộc chiến dư luận mang tính bùng phát trong tương lai. Trước đó, trong phát biểu ngày 3/3/2021, Ngoại trưởng Mỹ A. Blinken đã tuyên bố thẳng thừng, “Trung Quốc là thách thức địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ 21, là quốc gia duy nhất với sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự, công nghệ của họ, có thể thách thức nghiêm trọng đến hệ thống quốc tế rộng mở và ổn định, đến tất cả các luật lệ, giá trị và các mối quan hệ quốc tế hiện nay”. Blinken xác định mối quan hệ Mỹ – Trung là “quan hệ cạnh tranh khi cần, hợp tác khi có thể và đối địch khi bắt buộc”. Điều này có nghĩa là tương lai của quan hệ Trung – Mỹ là do Mỹ quyết định, điều mà Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận. Rõ ràng, đối đầu của Mỹ vẫn là khó khăn nổi bật nhất, tác động sâu sắc, nhiều mặt nhất và khó vượt qua nhất đối với Trung Quốc, sẽ gây ra những thách thức khó lường cho “giai đoạn phát triển mới” của Trung Quốc. Hai là, sự bất định trong môi trường quốc tế, trong trật tự chính trị và trật tự kinh tế toàn cầu; trong đó có nhiều thách thức đối với Trung Quốc có thể dự báo và cả những thách thức chưa thể hoặc không thể dự báo. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai phương thức tăng trưởng mới của Trung Quốc, kể cả trong vai trò “chủ thể” của tuần hoàn trong nước lẫn sự tác động bổ trợ lẫn nhau giữa tuần hoàn trong nước và tuần hoàn quốc tế. Ba là, sự khiếm khuyết của hệ thống và năng lực quản trị quốc gia, hiệu lực và hiệu quả của bộ máy, cản trở lớn cho tiến trình hiện đại hóa của Trung Quốc, đặc biệt là khả năng đáp ứng những yêu cầu mới của giai đoạn phát triển mới; Bốn là, những tồn tại cố hữu bị dịch Covid-19 làm trầm trọng thêm về kinh tế, trong chính trị nội bộ, trong vấn đề Tây Tạng, Tân Cương, Hồng Kông, Đài Loan; vấn đề Biển Đông, biển Hoa Đông, quan hệ với Ấn Độ… Năm là, do hậu quả của những chính sách bành trướng, những ngộ nhận chiến lược, những hành vi hung hăng, “lấy thịt đè người”, “cậy lớn hiếp nhỏ” của chính họ, Trung Quốc đã để mất đi khá nhiều sự tin cậy, sự mến mộ của thế giới, kể cả thế giới đang phát triển, trước hết là các quốc gia xung quanh Trung Quốc. Không lấy lại được những mất mát này bằng những hành vi cụ thể, những ứng xử quốc tế hài hòa, Trung Quốc khó lòng triển khai “sức mạnh mềm” của họ một cách hiệu quả, càng khó sử dụng yếu tố “nhân tâm” cho phát triển.
Điều thế giới quan tâm là, với Quy hoạch 5 năm lần thứ 14, khởi điểm của “Giai đoạn phát triển mới”, Trung Quốc muốn chuyển đi thông điệp gì với thế giới? Thế giới đã từng ngạc nhiên, thậm chí đã từng “giật mình” trước sự trỗi dậy của Trung Quốc bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ 20, dù đó là sự “trỗi dậy hòa bình” như Trung Quốc nói hay là “trỗi dậy phi hòa bình” như một số nhà phân tích phương Tây bình luận, thì đó vẫn là sự trỗi dậy làm thay đổi thế giới. Liệu thế giới có còn ngạc nhiên và “giật mình” một lần nữa trước sự trỗi dậy mới bắt đầu từ thập niên thứ ba của thế kỷ 21? Có lẽ đây là điều cần suy ngẫm.
Có nhiều thông điệp Trung Quốc muốn chuyển ra thế giới, trước hết là với Mỹ. Có thể có 4 thông điệp chủ yếu: (i) mục tiêu của Trung Quốc là phát triển phồn vinh, Trung Quốc cần môi trường và sự hợp tác quốc tế cho việc thực hiện mục tiêu này; (ii) Trung Quốc đang tiếp tục trỗi dậy, tiếp tục là một trong những đối tác toàn cầu quan trọng nhất, có sức mạnh, có tiềm lực, có thiện chí và có tiền đồ nhất; Trung Quốc sẽ “làm tốt công việc của mình” và đó chính là sự cống hiến của Trung Quốc cho thế giới; (iii) Không nên và không thể cản trở bước đi của Trung Quốc, Trung Quốc cần hợp tác nhưng “đường ai nấy đi”; (iv) Trung Quốc còn nhiều khó khăn nhưng Trung Quốc có tiềm năng và năng lực vượt qua khó khăn; trước sau Trung Quốc vẫn tiến tới tâm điểm của trung tâm quyền lực toàn cầu.
Hầu hết những thông điệp công khai này đều mang tính thiện chí. Có thể đa phần thế giới sẽ chia sẻ những thông điệp trên của Trung Quốc nhưng còn không ít người lo ngại những tính toán của Trung Quốc đằng sau những thông điệp đó. Các tài liệu của Mỹ tháng 1/2021 cho biết, trong Quy hoạch 5 năm lần thứ 14, Trung Quốc sẽ tập trung cao cho hiện đại hóa Hải quân, trong đó Trung Quốc sẽ thực hiện một kế hoạch đóng tàu quân sự lớn nhất trong lịch sử. Theo đó, cho đến trước năm 2030, Trung Quốc sẽ thiết lập 4 cụm tác chiến hàng không mẫu hạm và 6 biên đội tàu khu trục hiện đại, đóng thêm 10 tàu ngầm hạt nhân phục vụ cho 4 cụm tác chiến hàng không mẫu hạm nói trên. Sự phát triển và hiện đại hóa nhanh chóng của lực lượng quân sự Trung Quốc nói chung và lực lượng Hải quân nói riêng, cùng với vấn đề Đài Loan, làm cho thế giới, nhất là các nước có chung biên giới với Trung Quốc, hoài nghi về cái gọi là “phát triển hòa bình” của Trung Quốc. Ở một số quốc gia, khu vực, nhiều khi hình ảnh một “Trung Quốc phát triển hòa bình” dường như đang bị che lấp bởi một “Trung Quốc bành trướng”. Sự hoài nghi này sẽ làm vẩn đục môi trường quốc tế của Trung Quốc, trở thành một cản trở không nhỏ quá trình dung hợp Trung Quốc với thế giới.
Trong 30 năm tới, Trung Quốc sẽ tập trung cho “giai đoạn phát triển mới”, được khởi đầu bằng Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025), nhằm mục tiêu xây dựng Trung Quốc thành cường quốc XHCN hiện đại vào dịp 100 năm ngày thành lập nước CHND Trung Hoa. Trung Quốc còn rất nhiều khó khăn, phải điều chỉnh rất nhiều về chính sách, biện pháp, bước đi và cách ứng xử quốc tế để đạt mục tiêu này. Trung Quốc dù có thành công trong “Giai đoạn phát triển mới” cũng chưa thể ở vào tư thế “muốn làm gì thì làm”, Trung Quốc còn bị chi phối, bị điều chỉnh bởi nhiều nhân tố khác. Nhưng nhìn tổng thể, Trung Quốc đang có nhiều thuận lợi, nhiều cơ hội hơn thách thức và nếu không có những đột biến ngoài dự kiến, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ hoàn thành các mục tiêu của họ. Thế giới bấy giờ chắc chắn sẽ có những biến đổi “kinh thiên động địa” và không phải là quá sớm nếu ngay từ bây giờ các quốc gia đã phải đánh giá, tính toán cách thức ứng phó và chủ động thích nghi với tình hình sẽ xảy ra. Thế giới đã bị bất ngờ trước sự trỗi dậy lần thứ nhất của Trung Quốc, chắc chắn thế giới sẽ không để bị bất ngờ một lần nữa trước cuộc trỗi dậy lần thứ hai, có thể còn hoành tráng hơn của quốc gia đông dân nhất thế giới này.
Khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam được Trung Quốc coi là khu vực trọng điểm để phát triển quan hệ, trong đó trọng tâm là tăng cường triển khai “một vành đai, một con đường” (BRI) tại ASEAN. Năm 2020 ASEAN đã vượt qua EU, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, với kim ngạch hai chiều đạt 684,7 tỉ USD, tăng 6,7%; đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN năm 2020 tăng 52,1%, đạt 14,36 tỉ USD. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu rơi sâu vào suy thoái, thương mại toàn cầu gặp nhiều khó khăn, Trung Quốc và ASEAN đạt được những kết quả như trên đang gây ngạc nhiên cho nhiều nhà quan sát nhưng đây là một biểu hiện rõ ràng của sự coi trọng ASEAN của Trung Quốc và quan hệ nói chung là tốt đẹp giữa ASEAN và Trung Quốc. Việt Nam đã nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, chiếm hơn 28,5% tổng kim ngạch thương mại hai bên; trên phạm vi toàn cầu, năm 2020, lần đầu tiên Việt Nam đã vượt qua Australia, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Trung Quốc, kim ngạch hai chiều Việt – Trung tăng 18,7% (Nguồn: Văn phòng Đại diện Trung Quốc tại ASEAN, 1/2/2021). Tình hình này đã đưa ra những gợi ý hay cho ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng nghiên cứu hoạch định những chính sách, những phương án phù hợp, thích nghi và ứng phó một cách hiệu quả, đồng thời bảo đảm cả lợi ích phát triển và lợi ích an ninh của mình trước sự tiếp tục trỗi dậy của Trung Quốc trong “giai đoạn phát triển mới” của họ.
Tùng Lâm
(Theo Tạp chí Phương Đông)