Vào cuối những năm 80 của thế kỉ trước, Myanmar lâm vào tình trạng rối loạn. Nền kinh tế nước này bị suy sụp sau khi Chính phủ thực hiện chủ trương quốc hữu hóa, cuc sống của người dân rơi vào tình cảnh khó khăn. Nhiều cuộc biểu tình nổ ra, đỉnh điểm là cuộc bạo loạn năm 1988, tiếp đó là cuộc đảo chính của tướng Saw Maung để lập ra Hội đồng Hòa bình và Phát triển Liên bang (SLORC) khôi phục trật tự và pháp luật của Liên bang; nhiều tổ chức và đảng phái chính trị đã xuất hiện ở nước này. Thời điểm này, bà Aung San Suu Kyi, con gái Tướng Aung San – người tạo lập nhà nước Myanmar sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 – từ Anh trở về Myanmar tham gia phong trào đòi tự do dân chủ (Aung San Suu Kyi lấy chồng người Anh, mang quốc tịch Anh), lập ra đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) do bà làm Tổng Thư ký. Bà Aung San Suu Kyi được tầng lớp thanh niên tri thức ủng hộ, tổ chức nhiều cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Myanmar. Phong trào này được Mỹ và các nước phương Tây ủng hộ, cổ vũ mạnh mẽ bà chống lại giới quân sự nắm quyền.
Năm 1990, Myanmar tiến hành tổng tuyển cử với nhiều đảng phái tham gia. Kết quả là đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của bà Suu Kyi thắng cử, nhưng đã bị quân đội bác bỏ kết quả, từ chối chuyển giao quyền lực cho đảng NLD. Thống tướng Than Shwe lên nắm quyền, trở thành nhà lãnh đạo quân sự ở Myanmar. Cuộc đối đầu chính trị giữa đảng NLD do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo với chính quyền quân sự của ông Than Shwe ngày càng gay gắt, dẫn đến việc bà bị chính quyền quân sự quản thúc tại gia, ngay sau khi bà này được nhận giải Nobel Hòa bình do có thành tích dẫn dắt phong trào đấu tranh đòi dân chủ ở Myanmar.
Từ đó, tình hình chính trị ở Myanmar rơi vào khủng hoảng. Mỹ và các nước phương Tây gây áp lực với Myanmar, cắt mọi viện trợ, bao vây cấm vận, kích động các phong trào đòi trả tự do cho bà Suu Kyi và yêu cầu Chính phủ do quân đội nắm quyền phải tuân thủ Hiến pháp, đảm bảo chế độ dân chủ ở Myanmar.
Sự bao vây cấm vận, trừng phạt kinh tế – ngoại giao kéo dài của Mỹ và các nước phương Tây đã đẩy Myanmar tiến đến nước láng giềng Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Trong hơn 10 năm kể từ năm 2000, Trung Quốc đã viện trợ cho Myanmar về tài chính và vật chất, xây nhiều công trình giao thông quan trọng cho Myanmar. Đổi lại, Chính phủ của ông Thống tướng Than Shwe đã ưu tiên cho Trung Quốc nhiều dự án kinh tế quan trọng với số vốn cho Myanmar vay hàng chục tỷ USD, như dự án cảng nước sâu ở Kyaukpyu, đập thủy điện Myitsone, tuyến đường sắt và đường ống dẫn dầu xuyên Myanmar sang Trung Quốc, khai thác các mỏ quặng và đá quý, do đích thân phó Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Ôn Gia Bảo ký với Myanmar vào những năm 2009 – 2010. Đáng chú ý, Trung Quốc cũng rất quan tâm đến hợp tác quân sự với Myanmar. Trung Quốc viện trợ nhiều loại vũ khí để trang bị cho quân đội Myanmar và các nhóm dân tự trị ở giáp biên giới Trung Quốc. Bên cạnh Trung Quốc, Myanmar đã tạo mối quan hệ với Bắc Triều Tiên. Myanmar dành cho Bắc Triều Tiên xây dựng các công trình quân sự, đường băng ở thủ đô mới Naypyidaw. Myanmar cũng ký nhiều hợp đồng mua vũ khí được đánh giá là có độ chính xác cao của Bắc Triều Tiên, được thanh toán bằng gạo của Myanmar.
Quan hệ hợp tác giữa Myanmar với Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đã khiến Mỹ, Nhật và các nước phương Tây lo ngại. Họ cho rằng sớm muộn Trung Quốc sẽ biến nước này thành lệ thuộc và là cửa ngõ để Trung Quốc thực hiện chiến lược ở Ấn Độ Dương. Điều làm Mỹ đặc biệt lo ngại và hoảng hốt là ba nước Trung Quốc, Myanmar và Bắc Triều Tiên sẽ làm gì với nhau? Nếu Myanmar trở thành quốc gia phổ biến vũ khí hạt nhân sẽ hủy hoại cơ chế kiểm soát an ninh năng lượng hạt nhân của Mỹ và đe dọa an ninh khu vực Ấn Độ Dương. Trong những năm 2009 – 2010, Mỹ gia tăng hoạt động ở Đông Nam Á, thông qua chương trình viện trợ cho Ủy hội sông Mekong để tiếp cận Myanmar, nhưng không có kết quả do phương pháp sai lầm của Mỹ tập trung chỉ trích Myanmar và đàn áp dân chủ, nhân quyền và để giải cứu bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo nhóm liên minh dân chủ, cùng với việc bao vây cấm vận, trừng phạt về kinh tế.
Từ khi Myanmar được kết nạp vào ASEAN năm 1997 đã có tác động nhất định tới các nhà lãnh đạo quân sự tối cao của nước này. Trong các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo của một số quốc gia thành viên ASEAN đã lộ rõ sự lo ngại trước chính sách thù địch của Mỹ và sự thâm nhập về kinh tế – chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc, nước này đã bày tỏ mong muốn thoát khỏi sức ép của các nước lớn. Nhưng phải đến năm 2009, sau chuyến thăm Việt Nam của Thống tướng Than Shwe và các nhà lãnh đạo quân sự Myanmar trước đó đã nhìn nhận những thành quả đổi mới của Việt Nam trong chính sách hội nhập quốc tế, ông Than Shwe nhận ra rằng lối thoát duy nhất là thoát khỏi sự cô lập, mà nền tảng của nó là mở rộng dân chủ để giải quyết các mâu thuẫn, xung đột trong nội bộ.
Thật đáng mừng trong thời điểm đó, các nhà quân sự lãnh đạo Myanmar đã có quyết định rất cách mạng có tính bước ngoặt là chuyển giao chế độ quân quản sang chế độ bán dân sự dựa trên Tổng tuyển cử với sự tham gia của nhiều đảng phái. Việt Nam đã đón nhận được rất sớm chủ trương này từ phía Myanmar để phát tín hiệu cho bạn bè quốc tế. Mỹ là quốc gia rất hào hứng vì như tìm được ánh sáng cuối đường hầm. Các nhân viên cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ liên tục có mặt ở Việt Nam vào tháng 3/2010 để tìm đường tới Myanmar; những tín hiệu muốn bình thường hóa với Myanmar của phía Mỹ cũng được chuyển đến Thống tướng Than Shwe, theo đó phía Mỹ chủ động cho công dân Myanmar nhập cảnh, các nhân viên ngoại giao của Myanmar được tham dự các hội nghị quốc tế. Đổi lại, phía Myanmar chấp nhận cho đoàn Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Kurt Campbell đến Myanmar để khơi thông quan hệ giữa hai nước.
Trong chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam tới Myanmar ngày 2/4/2010, phía Việt Nam được biết các nhà lãnh đạo Myanmar đang tích cực thực hiện lộ trình dân chủ ở Myanmar theo 7 bước, soạn thảo thông qua Hiến pháp mới, chuẩn bị tiến hành Tổng tuyển cử, thành lập Ủy ban bầu cử với 17 thành viên và thực hiện các biện pháp để thực hiện bầu cử. Các đảng phái đăng ký tham gia tranh cử gồm cả các đảng cũ và mới và chấp nhận cá nhân ứng cử. Ngày 8/3/2010, Myanmar công bố Luật Bầu cử, sau đó bầu Quốc hội, bầu Chính phủ mới.
Những diễn biến sau này là những cuộc tiếp xúc thường xuyên hơn giữa các nhà lãnh đạo Myanmar và các quan chức Hoa Kỳ, đem đến tình hình bà Aung San Suu Kyi được trả tự do. Cuộc Tổng tuyển cử với kết quả có nhiều thành viên đảng phái tham gia Quốc hội và Chính phủ. Thống tướng Than Shwe nghỉ hưu, Tướng Thein Sein được bầu làm Tổng thống, bà Aung San Suu Kyi giành được phiếu tín nhiệm cao và được công nhận là Cố vấn Nhà nước vì bà mang quốc tịch Anh. Chính phủ bán dân sự ở Myanmar ra mắt năm 2011. Điểm đáng chú ý là các Bộ trưởng trong Chính phủ Myanmar không mang quân phục như trước đây và có nhiều người dân sự. Tuy nhiên quân đội vẫn chiếm 25% trong Quốc hội, được ghi trong Hiến pháp. Myanmar tuyên bố sẵn sàng hợp tác với các nước trong đó có Mỹ và các nước phương Tây.
Sau sự thay đổi thể chế chính trị ở Myanmar vào năm 2010, Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước phương Tây công nhận Chính phủ mới ở nước này, bãi bỏ cấm vận, bắt đầu viện trợ kinh tế và đầu tư trở lại. Quan hệ hai nước Mỹ – Myanmar được thông thương, bà Aung San Suu Kyi được Mỹ và phương Tây ủng hộ mạnh mẽ để làm thay đổi đất nước Myanmar.
Sau 10 năm dưới chính quyền mới (2010 – 2020), đất nước Myanmar được khởi sắc, tình hình an ninh tương đối ổn định, các nhóm sắc tộc ly khai trước đây hợp tác với chính quyền. Các tập đoàn kinh tế lớn nước ngoài đầu tư vào Myanmar ngày càng tăng, tăng trưởng kinh tế tăng dần hàng năm.
Tuy nhiên sau 10 năm thực hiện, lực lượng và phong trào dân chủ dưới sự lãnh đạo của bà Aung San Suu Kyi ngày càng thu hẹp quyền lực của lực lượng quân đội, nhiều quyền lợi của quân đội bị cắt bỏ. Myanmar chính thức tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc vào giữa năm 2017, khi bà Suu Kyi tới Bắc Kinh tham dự Diễn đàn Hợp tác Quốc tế về sáng kiến này. Năm 2018, Trung Quốc và Myanmar đồng ý cùng xây dựng Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Myanmar nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác song phương trong khuôn khổ BRI. Đất nước Myanmar đã xuất hiện nhiều thách thức mới về môi trường. Sự phản ứng của một số nhóm dân tộc vùng biên giới khiến các cuộc đàn áp lại tiếp diễn. Đặc biệt là trong cuộc bầu cử cuối năm 2020, lực lượng dân sự ở Myanmar đã thắng thế. Bà Aung San Suu Kyi trúng cử với số phiếu áp đảo, sẽ trở thành người đứng đầu nhà nước Myanmar. Tuy nhiên, do bà mang quốc tịch Anh nên nhiều thành viên Quốc hội chỉ trích rằng đó là hành động vi hiến. Có thể nhận xét trong cuộc bầu cử cuối năm 2020, đầu năm 2021, lực lượng quân đội Myanmar đã không được đảm bảo quyền lực ghi trong Hiến pháp năm 2010. Nhiều ghế trong quốc hội của quân đội và nhiều Bộ trưởng đã bị thay thế bởi lực lượng dân sự.
Kết quả bầu cử này không bất ngờ đối với quốc tế. Nhưng đó là một điều khiến quân đội không thể chấp nhận. Quân đội đã công khai phản đối kết quả bầu cử và cho rằng có sự gian lận trong bỏ phiếu dẫn đến bà Aung San Suu Kyi đã trúng cử? Đây là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc đảo chính quân sự ngày 02/01/2021, quân đội trở lại nắm quyền, theo đó quân đội bắt giam bà Aung San Suu Kyi với 15 tội danh.
Sau cuộc đảo chính của quân đội, giới quân sự trở lại nắm quyền đã gây ra tình hình hỗn loạn ở Myanmar. Nhiều cuộc biểu tình chống quân đội xảy ra ở hầu khắp các nơi; xuất hiện nhiều nhóm vũ trang chống lại quân đội.
Mỹ và các nước phương Tây đã lên tiếng phản đối cuộc đảo chính của giới quân sự, đổ lỗi cho Trung Quốc và Nga đã gây ra tình hình rối loạn ở Myanmar, và liền sau đó đã công bố lệnh trừng phạt Myanmar do giới quân sự nắm quyền. Các quốc gia là thành viên khối ASEAN chưa công nhận chính quyền do quân đội nắm giữ ở Myanmar.
Cuộc đảo chính quân sự ngày 02/01/2021 ở Myanmar đã phá vỡ thành quả của sự mặc cả, thương lượng của những năm 2010 giữa Mỹ với giới quân sự Myanmar và bà Aung San Suu Kyi, kéo theo sự khủng hoảng của một quốc gia đang trên đà phát triển thịnh vượng. Myanmar quay lại tình trạng 10 năm về trước, quân đội lại nắm quyền, lại bắt giam bà Aung San Suu Kyi. Mỹ và phương Tây lại cấm vận trừng phạt kinh tế, cô lập ngoại giao. Diễn cảnh này như vòng xoáy mang tính quy luật của đất nước này. Liệu có cuộc mặc cả nào tiếp theo như lịch sử đã diễn ra hay không?■