Năm 2021 là một năm đầy biến động và thử thách đối với nền kinh tế toàn cầu. Đại dịch Covid 19 tiếp tục tàn phá các quốc gia, ách tắc trong chuỗi sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu vắng lao động, giá năng lượng tăng cao đột ngột cũng như những yếu tố căng thẳng địa chính trị trên toàn cầu… tất cả đã tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới thế giới. Các lĩnh vực bị tổn thương nhiều nhất là sản xuất, dịch vụ, cung ứng…

1. Tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020 trồi sụt, phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh Covid-19 tại nhiều quốc gia.

Vào giữa năm 2021, nhiều nước, đặc biệt là những nước phát triển có tỷ lệ tiêm chủng cao, đã bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 5,9%, mức tăng trưởng cao nhất sau suy thoái trong 80 năm qua. Châu Á sẽ tăng trưởng 7,2%, châu Âu 6,0%, Mỹ La tinh 6,3%. Riêng Trung Quốc sẽ tăng trưởng 8%.

Tuy nhiên, biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 xuất hiện đã đảo lộn tất cả, đặc biệt là ở các nước đang phát triển và mới nổi như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Với chính sách cách ly trong nước và đóng cửa với bên ngoài, kinh tế các nước này đã bị ảnh hưởng nặng nề.

Đến cuối tháng Mười, xuất hiện làn sóng Covid-19 thứ ba ở các nước phát triển. Tỷ lệ nhiễm bệnh cao ở một số nước Tây Âu và vùng Baltic. Ở nhiều nước tỷ lệ nhiễm bệnh lên đến 500 trên 100.000 dân. Tuy nhiên, với nhận thức là không thể có tình trạng “không Covid” được, kinh tế các nước này ít bị tác động hơn ở châu Á.

Hoạt động sản xuất toàn cầu bị đình trệ do đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu linh kiện bán dẫn cho sản xuất hàng điện tử, tắc nghẽn cảng biển ở Trung Quốc và Mỹ, thiếu lái xe tải ở nhiều nước (Anh thiếu 100.000 lái xe), thiếu nguồn nhân lực trầm trọng vì các biện pháp hạn chế đi lại phòng chống dịch đã  dẫn đến tình trạng phục hồi không đồng đều ở trên toàn thế giới.

Chính vì những lý do này, IMF đã giảm dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới xuống 0,1 điểm phần trăm. Tuy vậy, một số nước đang phát triển mức dự báo tăng trưởng giảm mạnh hơn nhiều. Mỹ có dự báo giảm 1 điểm phần trăm từ 7% xuống còn 6% trong dự báo tháng Mười so với dự báo tháng Tư. Các nước phát triển và mới nổi ở châu Á có tăng trưởng giảm 1%. Tỷ lệ này với các nước đang phát triển thu nhập thấp là giảm 1,2%. Đây là nhận định chung của tất cả dự báo về kinh tế thế giới của các tổ chức kinh tế và tài chính quốc tế.

2. Về lạm phát, có thể thấy rõ trong những tháng cuối năm, lạm phát ở Mỹ và một số nền kinh tế đang phát triển và mới nổi tăng nhanh. Tính đến giữa tháng Mười, tỷ lệ lạm phát tính theo chỉ số giá tiêu dùng ở Mỹ là 5,3%, cao nhất trong 12 năm, ở Đức là 4,5%, trong khi tỷ lệ lạm phát ở các nước đang phát triển và mới nổi khoảng 5%. Ở Trung Quốc, tỷ lệ lam phát tháng Chín năm 2021 chỉ là 1,07% so cùng kỳ năm 2020 trong khi đó ở Malaysia lạm phát ở mức 2,5%, mức trung bình trong nhiều thập kỷ.

Mất cân bằng cung cầu là một nguyên nhân khiến giá tăng và đẩy lạm phát lên cao. Thiếu chíp để sản xuất, thiếu tầu thuỷ để vận chuyển, thiếu hàng hoá do đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng và lao động góp phần làm hàng hoá thiếu thốn, đẩy giá lên cao đặc biệt trong những tháng cuối năm. Giá dầu mỏ tăng gần 60% so với năm 2020 trong khi giá kim loại và thực phẩm cũng tăng nhanh, đặc biệt là giá thực phẩm.

Gần đây, Trung Quốc đã phải mua than để sản xuất điện với giá gấp 5 đến 6 lần với giá hiện tại là 243 đô la Mỹ một tấn, tuy đã giảm mấy tuần qua. Giá khí đốt ở châu Âu cũng tăng đột biến lên 801 đô la Mỹ/1000 khối. Giá năng lượng tăng làm giá cả chung tăng lên, gây áp lực rất lớn cho lạm phát. Ở một số nước, tình trạng thiếu thực phẩm triền miên, giá thực phẩm tăng lên đến hơn 40% tính từ tháng 3/2019 đến tháng 3/2021.

Một áp lực nữa với lạm phát là nguồn nhân lực khan hiếm, phải tăng lương ở nhiều thị trường, đặc biệt trong các lĩnh vực như giải trí, du lịch, bán lẻ và giao thông vận tải. Những biến động khó lường của đại dịch dẫn đến tình trạng đứt gãy chuối cung ứng bất cứ lúc nào. Cầu ngày càng lớn trong quá trình phục hồi và những yếu tố nêu trên có nguy cơ đẩy lạm phát cao và có thể rất cao. Đã có những nhà kinh tế đề cập đến giai đoạn hiện tại là stagflation (tăng trưởng đình đốn và lạm phát cao).

Hiện đang có một cuộc tranh cãi giữa các nhà kinh tế về liệu lạm phát có kéo dài hay không. Một số người, đặc biệt là các nhà kinh tế của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho rằng những yếu tố gây lạm phát chỉ là tạm thời, kinh tế thế giới sẽ sớm trở lại bình thường. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần phải tính đến những yếu tố gây bất ổn tồn tại, đặc biệt là biến thể mới của SARS-CoV-2 (Để có thể hiểu sâu hơn về tình trạng lạm phát bạn đọc có thể xem bài Phục hồi kinh tế hậu Covid-19 đang gặp những trở ngại gì, Tạp chí Phương đông, số tháng 11/2021).

3. Về việc làm: Theo một báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế, tình hình việc làm năm 2021 đã có những tiến bộ. Tổng số giờ làm việc bị mất đã giảm từ 8,8% trong năm 2020 xuống chỉ còn 4,8% trong quý một và 4,4% trong quý hai năm 2021 (tương đương với 225 triệu người không có việc làm cả năm).

Đại dịch Covid-19 làm tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tăng cao nhất trong 30 năm qua. Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, tỷ lệ người có việc làm trên thế giới chỉ là 55,9%. Như vậy vẫn còn một tỷ lệ khá cao người trong độ tuổi làm việc không có việc làm, tác động không nhỏ đến sinh kế của người dân, tăng tỷ lệ tái nghèo ở nhiều nước, ảnh hưởng đến đời sổng của hàng trăm triệu con người. Theo Liên hợp quốc, số người tái nghèo có thể lên đến 143 – 163 triệu người trong năm nay. Cộng với số người nghèo cho đến năm 2020 là 1,3 tỷ thì gần 20% dân số thế giới đang sống dưới mức nghèo khổ.

4. Thương mại và du lịch.

Điểm đáng chú ý là, tuy có những giai đoạn bị đứt gãy, tắc nghẽn ở cảng và chi phí vận chuyển cao gấp nhiều lần, song khối lượng thương mại toàn thế giới năm 2021 tăng khoảng 10% (theo số liệu của IMF, UNTAD).

Tuy nhiên, khối lượng thương mại tăng đã không bù đắp được hoạt động du lịch mờ nhạt trong năm. Du lịch, thường chiếm khoảng 10% GDP của thế giới và có những nước chiếm đến 30%, đã giảm đến 85% trên toàn cầu và 95% ở châu Á trong năm nay.

Theo dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới, do hạn chế đi lại và nỗi lo bị lây nhiễm, ngành du lịch thế giới có thể chỉ được khôi phục hoàn toàn  từ năm 2024. Tổng doanh thu ngành hàng không giảm 75% so với năm 2019 tuy doanh thu vận chuyển hàng hoá tăng.

5. Dự báo về khả năng phục hồi

Nhận định về tình hình kinh tế trong thời gian tới, các nhà nghiên cứu đánh giá rằng sẽ tiếp tục bất ổn do đại dịch vẫn có thể bùng phát, khả năng lạm phát cao cũng như thay đổi về điều kiện tài chính toàn cầu. Khả năng phục hồi kinh tế sẽ rất chật vật.

Những yếu tố không thuận cho phục hồi kinh tế trong thời gian trước mắt là:

– Khả năng xuất hiện biến thể mới nữa của SARS-CoV-2 dễ lây truyền và nhiều độc tố có thể kéo dài đại dịch và làm cho các hoạt động kinh tế chững lại. Đứt gãy chuỗi cung ứng và sản xuất. Ách tắc trong việc phân phối vaccine, thái độ chần chừ không tiêm vaccine và nhiều yếu tố khác đang trì hoãn việc tiêm vaccine trên diện rộng, làm tăng nguy cơ trên. Virus càng lan rộng thì khả năng biến thể mới xuất hiện càng cao.

– Cung tiếp tục không theo kịp cầu, giá cả tiếp tục tăng. Tình trạng này có thể kéo dài hơn dự kiến, gây áp lực liên tục về giá và lạm phát cao. Lạm phát cao ở Mỹ sẽ có tác động đến các nước mới nổi và đang phát triển do các nước này giữ nhiều trái phiếu của Mỹ và có những khoản nợ lớn tính bằng đồng đô la Mỹ. Trung Quốc hiện chưa có tỷ lệ lạm phát cao, nhưng chênh lệch quá lớn giữa chỉ số giá sản xuất (10,7%) và chỉ số giá người tiêu dùng (0,7%) là áp lực rất lớn buộc nhà sản xuất chuyển giá thành cho người tiêu dùng, đẩy giá cả tăng lên.

– Hỗ trợ tài khoá của Chính phủ: Phục hồi kinh tế còn phụ thuộc vào hỗ trợ tài khoá của các Chính phủ. Trung bình các nước đang phát triển đều hỗ trợ tài khoá tương đương với 4,9% GDP. Tuy nhiên, nhiều nước vẫn chưa đạt được mức này do khó khăn về tài chính.

Các nước phát triển có những gói hỗ trợ quy mô rất lớn, chưa có tiền lệ và bất chấp những kỷ luật về tài chính. Họ chấp nhận tăng trần nợ công, nợ Chính phủ và bội chi ngân sách.

Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Xây dựng lại Tốt đẹp hơn với số tiền là 1.750 tỷ đô la Mỹ và Đạo luật Cơ sở Hạ tầng với số tiền là 1.200 tỷ đô la Mỹ, thấp hơn nhiều so với con số dự kiến ban đầu là 4.000 tỷ đô la Mỹ. Mỹ chấp nhân tăng nợ công thêm 21%, đây tỷ lệ nợ công của nước này lên 133% GDP. Trong khi đó, Trung Quốc có mức tăng trưởng 6,1% GDP, đồng thời tăng nợ công thêm 9,7%, đẩy tỷ lệ nợ công tương ứng 66,8% GDP. Thay đổi về kích cỡ hay thành phần của khoản hỗ trợ này của các Chính phủ sẽ có tác động đến tăng trưởng ở Mỹ và ở các nước đối tác.

– Xáo trộn xã hội. Đúng là vi phạm trật tự xã hội đã giảm trong thời gian Covid-19 hoành hành. Tuy nhiên, bất bình về cách xử lý đại dịch, giá cả nhu yếu phẩm như xăng dầu và lương thực tăng, giảm lòng tin vào các thể chế Chính phủ có thể gây ra những hành động mất trật tự xã hội, có tác động không thuận lợi cho quá trình phục hồi.

– Biến đổi khí hậu đã và có tác động không nhỏ đối với tốc độ tăng trưởng kinh tế, các mô hình kinh tế. Thiên tai ngày càng nhiều hơn và mạnh hơn, sức ép di cư, khó khăn về tài chính và y tế để lại những hậu quả lâu dài. Hơn nữa, trong đại dịch, sốc về khí hậu có thể gây khó khăn hơn cho quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu. Dự đoán GDP toàn cầu có thể thấp hơn 37% vào năm 2100 so với khi không có tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu. Các tác động lên tăng trưởng có thể làm gia tăng tổn thất kinh tế do biến đổi khí hậu lên gấp 6 lần.

– Căng thẳng liên quan đến công nghệ và thương mại đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc, có tác động đến đầu tư và tăng năng xuất, tạo ra vật cản cho quá trình khôi phục kinh tế toàn cầu.

6. Để có thể duy trì đà phục hồi kinh tế, các quốc gia cần có nhiều biện pháp linh hoạt và phối hợp ở tầm quốc tế.

Thế giới cần nhanh chóng đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao ở tất cả các nước (mức miễn dịch cộng đồng có thể là 80 – 90% hoặc cao hơn với biến thể Delta). Cần đạt được tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 là 40% số dân ở mọi nước vào cuối năm 2021 và 70% vào giữa năm 2022 như đề xuất của IMF và được WHO, Ngân hàng Thế giới và WTO hưởng ứng. Một khi đã giảm được số người mắc bệnh, giảm chi tiêu cho số người mắc Covid-19 thì ngân sách dành cho quá trình phục hồi kinh tế sẽ có thể có thêm hàng nghìn tỷ đô la Mỹ.

Các biện pháp hữu hiệu là một sự phối hợp quốc tế để chia sẻ vaccine, dành ưu tiên vaccine cho các nước chưa tiếp cận được nhiều vaccine. Bỏ hạn chế xuất khẩu vật liệu và vật tư y tế, trang thiết bị y tế. Tăng cường và mở rộng khả năng sản xuất và phân phối vaccine. Cải thiện hệ thống y tế.

– Trong đại dịch, chúng ta cũng thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa đại dịch và biến đổi khí hậu. Các quốc gia cần thiết phải có cam kết và biện pháp thực hiện để giảm khí thải. Thế giới, đặc biệt là các nước phát thải khí hiệu ứng nhà kính nhiều như Mỹ, Trung Quốc và các nước G20 khác, phải tích cực hơn nữa để có thể hạn chế được rủi ro của thảm hoạ môi trường mà tất cả các nước đều đang phải gánh chịu. Làm tốt việc quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm an ninh lương thực, nguồn nước.

–  G20 đã thực hiện Sáng kiến Hoãn Dịch vụ Nợ có hiệu lực đến tháng Mười hai và Khuôn khổ Xử lý Nợ chung giúp các nước đang phát triển. Tuy nhiên cần có biện pháp đẩy nhanh việc thực hiện trước khi Sáng kiến Hoãn dịch vụ Nợ kết thúc vào cuối năm. Cần có những sáng kiến mạnh hơn nữa cho các nước ít nguồn lực.

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung làm cho nền kinh tế của cả hai bên đều thiệt hại. Ảnh minh hoạ

– Trong hai năm 2018 và 2019, đã có nhiều hạn chế thương mại được áp dụng và những biện pháp này vẫn đang tồn tại, có nguy cơ ngăn cản trở quá trình phục hồi kinh tế. Cần có những hoạt động quốc tế để bỏ những hạn chế này và giải quyết tận gốc tranh chấp thương mại và tăng cường trật tự thương mại dựa trên quy định. Giảm căng thẳng công nghệ và thương mại. Các chính sách kinh tế, thương mại và xã hội phải đem lại cơ hội công bằng, bảo đảm việc làm cho mọi người dân, phát huy tiềm năng của các nhóm yếu thế như phụ nữ, người dân vùng sâu, vùng xa. Cần bảo đảm môi trường thương mại và đầu tư tự do, rộng mở, không phân biệt đối xử; không để xảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng, thúc đẩy quan hệ thương mại cùng có lợi; nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình chuyển đổi số.

Trong vấn đề này, Mỹ và Liên minh châu Âu đã phần nào giải quyết được bất đồng về thuế quan kéo dài hơn ba năm nay trước Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Rome ngày 30 – 31 tháng Mười. Cũng tại Hội nghị Thượng đỉnh này, các nước G20 cũng đã thông qua mức thuế tổi thiểu là 15% đánh vào các công ty đa quốc gia do Mỹ đề xuất để áp dụng vào năm 2023. Đây là những biện pháp đúng hướng, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi kinh tế.

– Ngoài những vấn đề trên, chúng ta còn phải đề cập đến những căng thẳng địa chính trị vẫn tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Biển Đông và Biển Đông Trung Hoa. Những căng thẳng này vẫn có khả năng leo thang, thu hút nguồn lực phát triển kinh tế của các nước vào cuộc chạy đua vũ trang không ai mong muốn. Theo nhiều dự báo trong năm 2021, chi phí quân sự của Trung Quốc sẽ khoảng 252 tỷ đô la, Ấn độ sẽ là 72,9 tỷ đô la. Hai nước này có chi phí quân sự tương đương 62% tổng chi phí quân sự của cả châu Á. Chi phí quân sự của Philippines năm 2021 là 3,5 tỷ đô la, nhưng dự kiến sẽ tăng lên 4,39 tỷ đô la Mỹ năm 2022. Tương tự như vậy, Malaysia chi 3,05 tỷ đô la Mỹ trong năm 2021 và dự kiến sẽ chi 3,87 tỷ đô la Mỹ năm 2020.

Tóm lại bức tranh kinh tế năm 2021 không hoàn toàn là một màu xám. IMF vẫn dự báo thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 4,9% trong năm 2022. Các nền kinh tế đầu tầu của thế giới sẽ vẫn tiếp tục đà tăng trưởng. Mỹ sẽ tăng trưởng cao 5,2%, Đức 4,5%, Nhật Bản 3,2%. Tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ là 5,6% trong khi tỷ lệ này của Ấn Độ là 8,5%. Ngay ở các nước ở Nam Sahara cũng sẽ vẫn có tăng trưởng, Nigeria sẽ tăng 2,7% và  Nam Phi tăng 2,2%.

Chúng ta đang chứng kiến phục hồi kinh tế trong các điều kiện “không bình thường”. Nhiễm thể của SARS-Cov-2 có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trên thế giới, đẩy lùi quá trình phục hồi. Những vấn đề do Covid 19 gây ra có thể vẫn kéo dài, đè nặng lên phát triển kinh tế. Như Frederic Neumann, Trưởng bộ phận Nghiên cứu kinh tế châu Á của HSBC Holdings tại Hong Kong đã nói “những kỳ vọng về một lối thoát nhanh chóng khỏi đại dịch đã thay đổi… Phục hồi hoàn toàn sẽ được tính bằng năm, không phải bằng quý như những dự báo trước đây”.

Chính vì thế mỗi nước cần có biện pháp sáng tạo phù hợp với tình hình của mình và bối cảnh chung trên thế giới. Hơn nữa, các nước cần phải có cách tiếp cận đa lĩnh vực. Cố gắng của mỗi nước sẽ giữ cho đà phát triển kinh tế tiếp tục, ít chịu tác động nhất của các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là đại dịch Covid 19.■

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC