Bản đồ của giám mục: Kết tinh phương pháp vẽ bản đồ của Việt Nam và phương Tây (Kỳ 1)

Góp phần làm sáng tỏ vấn đề tranh chấp ở Biển Đông liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhiều trung tâm nghiên cứu lớn trên thế giới đã công bố những tấm bản đồ quan trọng về địa lý – hành chính của khu vực này. Nổi bật trong số đó là An Nam đại quốc hoạ đồ do Giám mục Jean-Louis Taberd Harold phác hoạ, được xuất bản năm 1838. Bản đồ không những cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về sự mở rộng của lãnh thổ Việt Nam vào thế kỷ XIX, mà còn đưa ra một bằng chứng thuyết phục cho sự tuyên bố về chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo nói trên từ rất sớm. Thư ký Hiệp hội Bản đồ Washington Harold E. Meinheit đã có bài nghiên cứu, phân tích tấm bản đồ của Taberd trên cơ sở quan sát sự giao thoa trong phương pháp vẽ bản đồ Việt Nam và Tây phương. Là một cựu nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ đã dành phần lớn sự nghiệp ở châu Á, bao gồm cả Việt Nam, những phân tích của ông hết sức sâu sắc và lý thú, không chỉ giúp ta nhận thức được cách vẽ bản đồ của các quốc gia, vùng văn hoá, mà còn hiểu thêm về lãnh thổ nước ta. Tạp chí Phương Đông xin gửi tới độc giả toàn văn bài viết “Bản đồ của giám mục: Kết tinh phương pháp vẽ bản đồ của Việt Nam và phương Tây phương” (nguyên tác “The Bishop’s Map – Việt Nam and Western Cartography Converge”) do dịch giả Ngô Bắc chuyển ngữ.

***

Một bản đồ Việt Nam thế kỷ XIX hiếm hoi, ít được ghi nhận tại phương Tây, đang nhận được sự chú ý ở Việt Nam. Bản đồ này xuất bản vào năm 1838, là một trong những bản đồ được trưng dẫn để hỗ trợ sự tuyên nhận chủ quyền của Việt Nam đối với chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, tầm quan trọng của nó vượt xa bất kỳ giá trị bằng chứng nào trong cuộc đấu tranh hiện tại của Việt Nam với Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa. Rộng hơn, bản đồ là sự hợp nhất nổi bật của việc vẽ bản đồ hành chính truyền thống của Việt Nam và việc lập bản đồ của phương Tây. Nó cũng cung cấp một “bản chụp nhanh” về Đông Dương trong những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XIX, khi nhà Nguyễn củng cố sự cai trị trên một Việt Nam mới thống nhất và trước khi chủ nghĩa thực dân Pháp nắm giữ sự kiểm soát vào giai đoạn sau này.

BẢN ĐỒ

Tiêu đề của bản đồ, Annam Đại Quốc Họa Đồ (“Map of the Empire of Annam”)(1), được in dưới ba dạng khác nhau: Các ký tự chữ Hán tao nhã mà  văn giới Việt Nam sử dụng; bằng tiếng La-tinh và chữ Quốc ngữ – hệ thống chữ viết La Mã hóa được phát triển bởi các nhà truyền giáo phương Tây và được sử dụng tại Việt Nam ngày nay. Nó mô tả một cái nhìn mở rộng về đế quốc của Triều đại nhà Nguyễn, bao trùm toàn bộ Việt Nam, nửa phía Đông của Campuchia, các tiểu Vương quốc của Lào và một khu vực rộng lớn ở phía Tây sông Mê Kông, giờ đây là vùng Đông – Bắc Thái Lan. Được Nhà xuất bản Oriental Lith. Press ấn hành tại Calcutta, bản đồ có kích thước 84cmx45 cm, và có số lượng chi tiết lớn bất thường, bao gồm nhiều địa danh, được in bằng chữ Quốc ngữ Việt Nam xác thực. Như thế, nó có lẽ là bản đồ châu Âu đầu tiên ấn hành các dữ liệu địa lý chính xác, hợp lý về Việt Nam và các lân bang của nó. [Hình 1]

Hình 1. Annam Đại Quốc Họa Đồ (“Map of the Empire of Annam”) được xuất bản dưới dạng phụ đính kèm theo bộ Từ điển Dictionarium latino-anamiticum của Giám Mục Jean-Louis Taberd, 1838. 84×45 cm. (Với sự giúp đỡ của Olin Library Map Collection, Thư Viện Đại Học Cornell University)

Người đứng sau bản đồ là Giám mục Jean-Louis Taberd (1794-1840). Sinh ra ở Saint-Étienne Pháp, Taberd được thụ phong năm 1817 và ba năm sau đến Nam Kỳ (Cochinchina) với tư cách một nhà truyền giáo của Hội Các Phái bộ Truyền giáo Hải ngoại của Paris (MEP)(2). Ông đến vào thời điểm khó khăn, ngay sau khi Gia Long, vị Hoàng đế đầu tiên của triều Nguyễn (trị vì 1802 – 1820) băng hà và người kế vị của ông, Vua Minh Mạng (trị vì 1820 – 1841), đã bắt đầu triều đại lâu dài của mình. Công giáo đã hoạt động tốt dưới thời Gia Long, phần lớn là nhờ vai trò quan trọng của Đai diện Tông Tòa người Pháp Pigneaux de Béhaine (1741 – 1799) trong việc hỗ trợ cuộc đấu tranh quân sự của Gia Long để thống nhất Việt Nam. Tuy nhiên, Minh Mạng ít khoan dung hơn nhiều, và vào giữa thập niên 1820, Taberd đã báo cáo về sự quấy rối những người Công giáo và các giáo sĩ địa phương. Bất kể môi trường ngày càng thù địch, Taberd đã phục vụ tại một số khu vực khác nhau của Nam Kỳ trước khi vua Minh Mạng ra lệnh cho ông ra Huế vào năm 1827 để làm việc như một dịch giả trong một nỗ lực rõ ràng nhằm cản trở hoạt động truyền giáo. Trong cùng năm đó, các nỗ lực truyền giáo sớm hơn của Taberd đã được ghi nhận khi ông được phong làm Giám mục của địa phận Isauropolis (miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, ND) và Đại Diện Tông Tòa của Nam Kỳ (được tận hiến vào năm 1830).

Taberd đã có thể thoát khỏi triều đình Minh Mạng vào năm 1828 thông qua sự can thiệp của Lê Văn Duyệt, Phó Vương (kinh lược sứ) bán độc lập của Vùng Hạ Nam Kỳ (Lower Cochinchina), người cai quản từ thành Gia Định/Sài Gòn. Taberd đã trải qua nhiều năm tiếp theo dưới ô dù bảo hộ của Lê Văn Duyệt. Nhưng ngay sau khi Lê Văn Duyệt từ trần vào năm 1832, khu vực nổ ra cuộc nổi dậy chống lại Minh Mạng, và vị hoàng đế nghi ngờ người Công giáo địa phương ủng hộ cuộc nổi dậy. Năm 1833 biến thành một năm tồi tệ cho tất cả người Công giáo – không chỉ cho những người ở khu vực Gia Định/Sài Gòn khi vua Minh Mạng ban hành toàn quốc dụ chống Công giáo. Do đó, giám mục thấy nên thận trọng mà rời khỏi đất nước. Sau một thời gian ngắn ở lại Siam và Penang, Taberd định cư tại Calcutta, nơi ông được phong làm Đại Diện Tông Tòa tạm thời của Bengal năm 1838.  Trong khi ở Calcutta, Taberd đã soạn thảo hai bộ từ điển chính. Ông đã biên tập và hoàn thành quyển từ điển tiếng Việt-Latinh vốn được khởi thảo bởi Giám Mục Pigneau de Béhaine và soạn thảo quyển từ điển tiếng La-tinh – tiếng Việt của chính ông, xuất bản tại Calcutta vào năm 1838. Chính trong quyển từ điển kể sau mà bản đồ của ông, Annam Đại Quốc Họa Đồ, được kèm theo như một phụ đính ở cuối quyển sách. Gần như cùng lúc, hai bài báo xuất hiện trên tờ The Journal of  Asiatic Society of Bengal, trong đó Taberd thảo luận về địa lý của Nam Kỳ và bản đồ của ông. Giám Mục Taberd qua đời tại Calcutta năm 1840, không lâu sau ngày sinh nhật thứ 46 của ông.

QUẦN ĐẢO HOÀNG SA — PARACEL

Hình 2. [Chi tiết phóng lớn] Paracel hoặc Bãi cát vàng (“Paracel seu Cát Vàng”).Quần đảo Hoàng Sa được hiển thị ở ngoài cùng bên phải, trên vĩ tuyến thứ 16. Taberd viết rằng Việt Nam đã chiếm hữu các đảo trong một cuộc viễn chinh năm 1816, nhưng ông xem chúng là một bổ sung đáng tiếc vào lãnh thổ Việt Nam mà hầu như không nước nào khác tranh chấp.
Cuộc xung đột hiện nay về các yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông (South China Sea) đã mang lại danh tiếng mới cho bản đồ của Giám mục, giờ đây được trình bày như một bằng chứng củng cố cho sự tuyên nhận của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, bị Trung Quốc chiếm đóng kể từ năm 1974. Rìa phía đông của bản đồ mô tả Paracel seu Cát Vàng bên trên vĩ tuyến 16. [Hình 2] (Cát Vàng hoặc “Golden Sands” là một trong những tên tiếng Việt đầu tiên chỉ Paracels, bây giờ thường được gọi là Hoàng Sa.) Để củng cố việc gộp các hòn đảo vào bản đồ của mình, Taberd viết rằng Gia Long tuyên nhận quần đảo cho Việt Nam vào năm 1816. Trớ trêu thay, khi nhìn vào sự tranh chấp dữ dội về quần đảo hiện nay, Taberd thấy Hoàng Sa ít giá trị và cho rằng không chắc có nước nào khác đi tranh chấp với sự tuyên xác của Việt Nam:

Pracel hay Paracels, là một mê cung của những hòn đảo nhỏ, đá và bờ cát, dường như kéo dài đến bắc vĩ độ thứ 11 [sic.], kinh độ 107 tính từ Paris Mặc dù vòng cung đảo loại này không có gì ngoài đá và độ sâu báo hiệu nhiều bất tiện hơn lợi thế, vua Gia Long nghĩ rằng mình đã mở rộng các lãnh địa nhờ sự bổ sung đáng tiếc này. Năm 1816, ông đã  trang trọng cắm lá cờ của mình và chính thức chiếm hữu những tảng đá này, điều không có mấy khả năng rằng bất kì kẻ nào sẽ tranh chấp với ông.

Thực tế, Gia Long không đích thân đến nơi mà chỉ gửi một đoàn viễn thám tới Hoàng Sa vào năm 1816. Rất có thể Taberd có được thông tin của mình về Hoàng Sa từ hồi ký của Jean-Baptiste Chaigneau (1769 – 1832), một cựu sĩ quan hải quân Pháp từng là một quan chức tại triều đình Gia Long.

 VIỆT NAM MỞ RỘNG

Mặc dù hình dung của Taberd về Hoàng Sa đã phục hồi sự quan tâm đến bản đồ của ông ở Việt Nam ngày nay, các đặc điểm khác của bản đồ nhận được ít sự quan tâm hơn có lẽ lại có nhiều ý nghĩa hơn. Trước tiên, bản đồ cung cấp một hình ảnh về mối quan hệ của Việt Nam thời Nhà Nguyễn với các nước láng giềng đầu thế kỷ XIX. Khi nắm quyền, Gia Long đã nhanh chóng khẳng định vị thế trung tâm của Việt Nam tại Đông Nam Á, sử dụng hệ thống triều cống của Trung Hoa như một mô hình. Điều này đẩy Việt Nam và một nước Thái Lan đang bành trướng vào một cuộc xung đột tại các vùng đệm yếu ớt của Campuchia và các công quốc ở Lào.  Bản đồ của Taberd cho thấy Việt Nam mở rộng ra xa hơn ranh giới rõ ràng của chính Việt Nam, bao gồm một nửa Campuchia, các vương quốc nhỏ bé ở Lào và lãnh thổ đáng kể phía tây sông Mê Kông ngày nay, ở nơi giờ đây là vùng đông bắc của Thái Lan (cao nguyên Korat Plateau).

Campuchia       

Campuchia từ lâu đã đánh mất lãnh thổ ở đồng bằng sông Cửu Long vào tay người Việt Nam, nhưng vào những năm đầu tiên của thế kỷ XIX, sự cạnh tranh khốc liệt giữa Thái Lan và Việt Nam đã bị loại bỏ, với cả hai quốc gia ủng hộ các đối thủ tranh giành ngôi Vua Khmer khác nhau. Đi xa hơn việc thực hiện sự kiểm soát gián tiếp, Việt Nam thực sự tìm cách sáp nhập Campuchia, du nhập hệ thống có cấu trúc chặt chẽ của chính quyền, bổ nhiệm các viên chức và các sĩ quan quân sự Việt Nam, để thay thế hệ thống cai trị ít quy củ hơn ở Campuchia và phần còn lại của Đông Nam Á. Hệ thống hành chính Việt Nam được du nhập trong nhiều giai đoạn, và đạt đến cấu trúc hoàn chỉnh vào năm 1834, sau khi Taberd rời Việt Nam. Tuy thế, Taberd vẫn được thông báo về tình hình phát triển ở Nam Kỳ và Campuchia. Ông viết từ Bengal rằng vào năm 1835 hoặc đầu năm 1836, đế quốc An Nam tuyên bố Campuchia — Nam Vang — được đặt dưới sự bảo hộ của Việt Nam và rằng ông “đã chia cắt đất nước thành các tỉnh trên bản đồ của mình. [Hình 3]

Hình 3. [Chi tiết phóng lớn] Campuchia dưới sự cai trị của Việt Nam. Hệ thống hành chính với cấu trúc chặt chẽ của Việt Nam (Trấn – các vùng bảo hộ và Phủ – tỉnh) được hiển thị một phần. Các địa danh Khmer trước đây có tên mới bằng tiếng Việt (ví dụ: Nam Vang thành thay cho Phnom Penh). Biên giới được đánh dấu chỉ vùng phía tây của Campuchia do Thái Lan thống trị.  Trong thập niên 1840, Việt Nam đã phải từ bỏ các nỗ lực sáp nhập Campuchia.
Như được mô tả trên bản đồ Taberd, một đường ranh giới phân chia Campuchia giữa Thái Lan ở phía tây (Băt Tâm bâng – Battambang – tỉnh) và về phía đông, “vương quốc Campuchia cổ xưa” (Antiquum Regnum Cambodiӕ) được chia thành các đơn vị hành chính Việt Nam. Hai đơn vị lãnh thổ trong khu vực phía đông được ghi là đất bảo hộ hoặc Trấn (Nam Vang TrấnGò Sặt Trấn), và một số tỉnh (prefectures) hoặc phủ được chỉ định (ví dụ Vịnh Thâm PhủPhố Phủ). Một số tên địa danh được trình bày bằng ngữ âm tiếng Khmer và tiếng Việt, như cảng Kompong Som (Com Pong Som hoặc Vũng Tôm). Thủ đô cũ (Udong) được ghi là (Vịnh LungLocus antiquӕ Regiӕ) và thủ đô mới được thành lập dưới quyền Việt Nam (Phnom Penh) được gọi là Nam Vang thành.  Đến thập niên 1840, các cuộc nổi dậy của quần chúng đã buộc người Việt Nam phải rút lui, từ bỏ cấu trúc hành chính chính trị,  quân sự họ đã đặt định.

Lào / Thung lũng sông Mê Kông

Các vương quốc Lào được xác định trên bản đồ nằm trong ranh giới rộng lớn hơn của Việt Nam mở rộng, nhưng với Campuchia, vẫn giữ được quy chế của chúng như “các vương quốc” riêng biệt (Regio Laocensis), có lẽ như các nước triều cống (tributary states) [Hình 4]. Các nước Luang Prabang (Mường Long Pha Ban) và vương quốc Vientiane (Vạn Tượng Quốc) được hiển thị rõ ràng trên bản đồ.

Hình 4. [Chi tiết phóng lớn] Vùng Lào và Thung lũng sông Mê Kông. Các công quốc Lào được miêu tả là một phần của “đại Đế quốc Việt Nam” (Annam) (Imperium Anamiticum) nhưng vẫn giữ được sự toàn vẹn của chúng như các quốc gia triều cống (Regio Laocensis). Ba công quốc chính của Lào hồi đầu thế kỷ XIX, Luang Prabang (Mường Long Pha Ban), Vientiane (Vạn Tượng Quốc), và Champassak hoặc Bassac (Thành Lào ba thác) được chấm định. Việt Nam được thể hiện mở rộng sâu vào vùng giờ đây là vùng đông bắc Thái Lan.
Trong bức họa bản đồ của mình về Lào, sông Mê Kông, và một phần rộng lớn của vùng đông bắc Thái Lan, Taberd đã có thể rút ra thông tin mới nhất về Việt Nam được thu thập trong một cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại quan trọng mà Việt Nam phải đương đầu vào cuối thập niên 1820. Taberd đã tham gia làm phiên dịch tại Huế trong suốt thời gian diễn ra cuộc xung đột 1827, bùng nổ khi Chao Anu, người trị vì vương quốc Vientiane, phát động một cuộc tấn công rủi ro chống lại các lãnh chúa Thái Lan của ông. Các hoạt động quân sự tiếp theo của Thái Lan tại khu vực Lào buộc Chao Anu phải cầu cứu sự hỗ trợ của vua Minh Mạng, lôi kéo Việt Nam vào cuộc đấu tranh. Các kỹ sư Việt Nam, những người sở hữu bản đồ mà Taberd trưng dẫn như là một trong những nguồn tài liệu của mình, rất có thể đã là một phần của sự ứng phó từ phía Việt Nam đối với cuộc khủng hoảng. Ảnh hưởng của phương pháp vẽ bản đồ Việt Nam có thể được tìm thấy trong một số lĩnh vực. Ví dụ, bản đồ Taberd thì chính xác hơn các bản đồ trước đó trong mô tả của nó về kích thước thực sự của khu vực Lào. Các bản đồ phương Tây trước đây cho thấy Lào là một dải đất khá hẹp, nhưng bản đồ của Taberd tiết lộ rằng nó rộng hơn nhiều. Ngoài ra, một số địa điểm quân sự quan trọng là chấm định trên bản đồ. Chúng bao gồm hai địa điểm chiến lược tại Nghệ An Trấn — đồn biên giới ở Quì Hợp, phục vụ làm bộ chỉ huy tiền phương cho các hoạt động tình báo và quân sự của Việt Nam trong cuộc nổi loạn Chao Anu, và huyện biên giới Kỳ Sơn, được tăng cường để phòng vệ chống lại sự xâm nhập của Thái Lan. [Hình 5]

Sự có mặt của “các kỹ sư” Việt Nam tại Thung Lũng Sông Mê Kông cũng đã góp phần cho thấy sự hiện diện chính xác hơn của dòng sông to lớn trên bản đồ của giám mục. Bản thân Taberd tự hào chỉ ra sự miêu tả về sông Mê Kông như một tính chất quan trọng giúp phân biệt bản đồ của ông với các bản đồ trước đây về Đông Dương. Bản đồ châu Âu trước đó, ông ghi nhận, đã tái hiện sông Mê Kông ít nhiều như một đường thẳng cho đến khi nó vươn đến Nam Kỳ. Tuy vậy, Taberd đã tìm cách miêu tả một dòng chảy thực tế hơn cho dòng sông to lớn, dựa trên “hai bản đồ tôi có, do các kỹ sư của đất nước vẽ nên. . . Họ biết vùng đất này, họ đến thăm nó mỗi ngày và đã đo đạc tất cả các khúc uốn quanh của dòng sông…” Ngoài ra, một số thị trấn của sông Mê Kông vẫn có thể được xác định, mặc dù cách viết hơi khác nhau. Những thị trấn này bao gồm Mukdahan (Mục đà hản), That Phanom (Tháp ba canon), Bassac (Thành Lào ba thác) và Nakhon Phanom (dưới tên cũ của nó là Lạc Khon hay Lakhon) (3). Bất kể sự diễn giải về sông Mekong của Taberd có phần xác đáng hơn, ta vẫn phải chờ vài thập niên nữa trước khi dòng sông chính xác được khảo sát bởi đoàn thám hiểm sông Mê Kông 1866 – 1868.

Hình 5. [Chi tiết phóng lớn] Quì Hợp. Đồn biên giới Việt Nam ở Quì Hợp là một căn cứ quân sự và tình báo tiền phương trọng yếu trong cuộc khủng hoảng Chao Anu (1827 -1828) tại Lào. Nó cũng kiểm soát một tuyến giao thương lâu đời giữa Thung lũng sông Mê Kông, thành phố Vinh và cảng Hội Thông trên Biển Đông.
Vùng Lào trên bản đồ, được hiển thị như một phần của Việt Nam, mở rộng sâu vào cao nguyên Korat trên bờ phải sông Mê Kông. Trong lịch sử, khu vực này đã từng nằm dưới sự thống trị của Vương quốc Lan cổ đại ở Lan Sang. Với sự phân rã của Lan Sang, Lào cùng với dân cư của nó trở thành một vùng trái đệm giữa Thái Lan và ba vương quốc Lào kế vị tại Luang Prabang, Vientiane và Champassak. Từ cuối thế kỷ XVIII trở đi, quyền lực Thái Lan ở phía đông bắc mở rộng đáng kể khi những người cai trị nhỏ bé thần phục thẩm quyền Bangkok. Ảnh hưởng bởi cuộc chiến Việt Nam – Thái Lan vào cuối thập niên 1820, bản đồ Taberd phản ánh quan điểm của các nguồn từ Việt Nam (và có lẽ cả Lào), gợi ý về thẩm quyền tối thiểu của Thái Lan trong khu vực. Cần nghiên cứu thêm để xác định hầu hết các địa danh trên cao nguyên Korat. Tuy nhiên, khu vực kiên cố nổi bật của Lào Phiên Pháo, có thể chỉ Bộ chỉ huy quân sự của Thái Lan trong cuộc nổi loạn của Chao Anu. Ngoài ra, Ca Lạ Thiến thanh có lẽ là thị trấn Kalasin, một khu định cư lớn của Lào có lịch sử lâu đời .■ (Còn nữa)

Harold E. Meinheit, Thư ký Hiệp hội Bản đồ Washington

Ngô Bắc dịch

CHÚ THÍCH

  1. Annam là tên thường được sử dụng bởi người châu Âu, chỉ nước Việt Nam. Tên gọi này bắt nguồn từ tiếng Hán, chỉ “vùng phía nam được bình định”. Trong phần lớn thế kỷ thứ XIX, những người cai trị Việt Nam gọi là đất nước mình là Đại Nam (Great South).
  2. Cochinchina – Nam Kỳ là một Đại Diện Tông Tòa nằm dưới thẩm quyền của Giáo phận Macau, được dẫn dắt bởi một vị Đại Diện Tông Tòa. Khi Taberd được bổ nhiệm làm Đại Diện Tông Tòa năm 1828, ông cũng được xướng danh là giám mục trên danh nghĩa của địa phận Isauropolis. Tòa đại diện Tông đồ Nam Kỳ bao phủ một vùng từ Tỉnh Quảng Bình (khoảng 17°30’ Bắc vĩ độ) ở miền trung Việt Nam đến hết châu thổ sông Cửu Long ở phía nam. Nó cũng bao gồm một phần của Campuchia.
  3. Một chút khó hiểu là vị trí của thị trấn Vientiane (Bàn Chăn hoặc Viên Chănh) bên bờ phải của sông Mê Kông, hạ lưu từ Vương quốc Vientiane. Người Thái Lan đã phá hủy hoàn toàn thị trấn Vientiane (ngoại trừ một số tu viện Phật giáo) vào năm 1828 và di chuyển phần lớn dân số đến lãnh thổ Thái Lan. Có lẽ vị trí của thành phố Vientiane trên bản đồ đã có ý xét đến sự sụt giảm dân số khiên cưỡng này, với nhiều người Lào di chuyển đến khu vực chung quanh thành phố hiện nay tại Nong Khai. Hoặc giả như nó chỉ đơn giản là một lỗi lầm. Trong bản đồ năm 1858 của mình, Edward Weller (FRGS), dường như đã phác thảo lại cách tái hiện sông Mê Kông của Taberd và cũng đặt Vientiane ở bờ phải.

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN