Cảnh tỉnh từ Bắc Cực

Bắc Cực là vùng đất giàu tài nguyên kim loại quý hiếm, khoáng sản. Tại đây có trữ lượng đất hiếm trị giá hơn 1000 tỷ đô la; 13% trữ lượng dầu mỏ thế giới, 30% trữ lượng khí đốt tự nhiên. Bên cạnh đó, với vị trí chiến lược đắc địa, nằm ở trung tâm bán cầu Bắc, giữa Bắc Mỹ, châu Âu và Đông Bắc Á nên Bắc Cực như một chiếc bánh ngon mà ai cũng muốn có phần. Trong vài thập kỷ qua, do hiện tượng băng tan giúp việc đi lại dễ dàng hơn. Theo tính toán, nếu các tuyến vận tải biển mới hoạt động “trơn tru” qua Bắc Cực thì nó sẽ rút ngắn hơn 40% khoảng cách địa lý và gần 30%  thời gian so với các lộ trình hiện nay khi phải đi từ Ấn Độ Dương qua Kênh đào Suez. Chính những yếu tố trên đã biến Bắc Cực trở thành tâm điểm của các cuộc cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ, chưa có điểm dừng…

Thông qua việc phân tích các ý đồ chiến lược, tham vọng của Nga, Mỹ, Trung Quốc tại khu vực, Tạp Chí Phương Đông mong muốn góp phần vào việc cảnh tỉnh dư luận về những hệ lụy và những nguy cơ tiềm ẩn đối với an ninh, phát triển bền vững và môi trường xuất phát từ đây.

1. Trước hết, phải thấy rằng, ngay từ những năm 50 của thế kỷ trước, trong thời kỳ Chiến tranh lạnh căng thẳng, cả Mỹ và Nga đã đều tìm mọi cách để giành ưu thế và đánh dấu sự hiện hữu của mình ở Bắc cực, tuy nhiên, trong thập kỷ vừa qua, khi lớp băng vĩnh cửu tan dần thì những tranh chấp tại khu vực cũng tăng đột biến.

Những căng thẳng nóng bỏng nhất hiện nay tại ở Bắc Cực xoay quanh việc đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế. Nguyên nhân chính là do ranh giới giữa các vùng đặc quyền kinh tế ở Bắc cực vẫn chưa được xác định rõ ràng do sự mơ hồ của một số điều khoản trong luật pháp quốc tế (Công ước về Luật Biển). Điều này đã dẫn đến những dẫn giải, cách hiểu khác nhau, làm nảy sinh nhiều bất đồng. Sự mơ hồ ở đây là các nước có thể mở rộng vùng đặc quyền kinh tế ra 350 hải lý thay vì 200 hải lý, nếu như quốc gia đó có thể chứng minh được vùng thềm lục địa của mình. Những quốc gia có vùng lãnh hải ở Bắc Cực luôn có những yêu sách chồng chéo nhau khi đòi hỏi chủ quyền của mình lên Liên Hhợp quốc theo hướng này.

Căng thẳng tiếp theo là sự tranh cãi về chủ quyền của các quốc gia đối với tuyến đường hàng hải, được gọi là “Hành lang Đông Bắc” (NEP- North East Passage) theo cách gọi của phương Tây hay “Tuyến đường biển phương Bắc” (NSR- Northern Sea-Route) theo cách gọi của Nga. Nga sẽ được lợi lớn từ việc thu phí quá cảnh đi kèm dịch vụ tàu phá băng hộ tống tàu bè đi qua tuyến đường này.

Thêm vào những căng thẳng này chính là việc Nga và Mỹ đang tăng cường sự hiện diện quân sự mạnh mẽ, ngày càng đáng lo ngại tại đây.

2. Chiến lược của Nga Mỹ Trung

– Với Nga, Bắc Cực có vị trí cốt tử. Về kinh tế, khu vực này lưu giữ  80% lượng khí đốt, 95% platine và đất hiếm, chiếm 1/5 tỷ trọng xuất khẩu và 10% GDP của Nga. Về mặt an ninh, Bắc Cực chiếm 18% diện tích toàn bộ lãnh thổ Nga. Bắc Cực chính là “tuyến đường ngắn nhất” cho các tên lửa của Nga nhằm vào Mỹ. Khí hậu nóng lên tại Cực Bắc khiến những “bức tường băng biên giới” bảo vệ an toàn cho Nga đang mất dần. Những “đường biên giới bên ngoài mới xuất hiện” cùng nguy cơ các tàu thuyền thâm nhập, hoạt động dễ dàng hơn.

Căn cứ không quân Nagurskoye của Nga ở Bắc Cực. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga, 2017

Từ nhiều năm nay, đặc biệt dưới thời chính quyền của Tổng thống Putin, Nga tập trung vào chiến lược mở rộng lãnh thổ và ảnh hưởng tại Bắc Cực. Nga có tham vọng chiếm phần lớn và chính nhất về lãnh thổ cũng như nguồn tài nguyên trong số 8 nước có chủ quyền tại Bắc Cực. Nga muốn tập trung thúc đẩy, phát triển và biến Bắc Cực thành “khu căn cứ” tài nguyên, chiến lược phục vụ cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo vệ an ninh và nâng cao vị thế của Nga trên thế giới.

Hồi cuối năm 2021, Bộ Trưởng Quốc phòng Nga đã đề cập đến việc chuyển thủ đô của Nga đến Siberia và đồng thời xây dựng thêm 5 thành phố, mỗi thành phố 1 triệu dân tại khu vực Bắc Cực. Nhiều bình luận cho rằng đây là một ý tưởng điên rồ! Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, khi cuộc chiến tại Ucraina nóng bỏng, báo chí, dư luận Nga lại có dịp quay lại chủ đề này khi đặt câu hỏi “Đối mặt với cuộc chiến ở Ukraine, liệu có cần thiết phải chuyển thủ đô của Nga đến Siberia”. Kể cả một số tỷ phú tài phiệt Nga cũng đề cập đến chủ đề này dưới dạng khuyến nghị nước Nga nên chuyển hướng chiến lược sang châu Á khi bị châu Âu quay lưng lại.

Để thực hiện mục tiêu này, Nga buộc phải tăng cường an ninh nội địa thông qua việc củng cố tuyến phòng tiền duyên trước các sự xâm nhập của nước ngoài. Củng cố và khai thác triệt để, biến Tuyến đường biến phương Bắc (NSR) thành tuyến đường hàng hải độc quyền dọc theo bờ biển Bắc Cực, đi lại được quanh năm, cạnh tranh với kênh đào Suez. Trải dài từ biên giới Nga với Na Uy tới Eo biển Bering giữa Siberia và Alaska. Đây sẽ là một trong các huyết mạch thương mại mới nổi của thế giới. Nga hy vọng đến năm 2025, tuyến đường này sẽ chuyên chở một khối lượng hàng hóa khoảng 80 triệu tấn, tăng gấp 4 lần so với  năm 2018.

Đầu tháng 4/2019, Chính phủ Nga tuyên bố chủ quyền đối với tuyến đường biển NSR. Theo đó, trường hợp tàu quân sự nước ngoài cố tình đi qua đây mà chưa được cấp phép, Nga có thể bắt giữ, thậm chí phá hủy. Điều này chứng tỏ Nga đang muốn chính mình là người hình thành “Luật chơi” tại khu vực cho các cường quốc khác.

Cho đến thời điểm này, Nga là quốc gia duy nhất sở hữu  tàu phá băng hạt nhân, và có hạm đội tàu phá băng mạnh và hiện đại nhất thế giới. Trong thế trận ở Bắc Cực, tàu phá băng là công cụ chính định hình quyền lực các quốc gia. Trong tương lai gần, Nga sẽ có siêu tàu phá băng hạt nhân mạnh nhất thế giới. Dự kiến đến năm 2035, Nga sẽ có ít nhất 9 tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Chính yếu tố này đưa Nga lên giữ vị thế dẫn đầu tại Bắc Cực. Theo nhiều nhà nghiên cứu, Nga cũng nuôi tham vọng làm chủ thêm Tuyến đường biển phía Đông Bắc Cực, bởi khu vực này vẫn hoàn toàn đóng băng và không thể hoạt động quanh năm nếu không có các tàu phá băng.  

Nước Mỹ trở thành quốc gia bắc Cực cách đây trên 150 năm khi mua lại vùng Alaska của Nga. Trong suốt mấy thập kỷ qua, Mỹ đã để lại một khoảng trống to lớn tại Bắc Cực. Điều này hoàn toàn bất lợi cho Mỹ trên cả hai lĩnh vực: Về kinh tế, đầu tư và về địa chiến lược. Chỉ bắt đầu từ thời Tổng thống Donald Trump 2017, chính sách của Mỹ về Bắc Cực mới trở nên năng động và quyết liệt, khi Mỹ nhận thức rõ hơn về vị thế yếu so với Nga tại khu vực.

Chính quyền Trump đã quyết định phải tăng tốc kế hoạch mở rộng sự hiện diện của Mỹ tại khu vực này. Mỹ bắt buộc phải quay trở lại Bắc Cực và trở lại trong thế mạnh. Dưới thời Tổng thống Biden, chiến lược mới về Bắc Cực hầu như không thay đôi về mục tiêu chiến lược, tuy nhiên có đưa ra nhiều biện pháp cụ thể hơn.

Mỹ xếp khu vực Bắc Cực, vùng lãnh thổ thuộc nội địa Mỹ, vào nhóm ưu tiên lợi ích an ninh chiến lược vì Bắc Cực đã trở thành một hành lang tiềm tàng của cuộc cạnh tranh chiến lược ngày càng rộng mở giữa các cường quốc, nhất là với Nga và Trung Quốc.

Tàu ngầm USS Hartford của Hải quân Hoa Kỳ trong cuộc tập trận ICEX ở Bắc Cực năm 2016. Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ

Chiến lược của Mỹ là cần và phải duy trì vai trò lãnh đạo toàn cầu của mình kể cả ở Bắc Cực, gây áp lực, loại bỏ các đối thủ cường quốc cạnh tranh. Bộ Quốc phòng Mỹ đã khẳng định sẽ tập trung vào Nga và Trung Quốc, hai đối thủ cạnh tranh với những lợi ích, an ninh lâu dài của Mỹ không chỉ tại Bắc Cực mà cả ở  khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Để tập hợp đồng minh và lôi kéo NATO ủng hộ chiến lược của mình, chính quyền Mỹ tập trung nhấn mạnh đến quan điểm Bắc Cực là một không gian chia sẻ lợi ích chung, cần phải được tôn trọng phù hợp với các quy chuẩn quốc tế, tố cáo Nga và Trung Quốc đang gây ra các nguy cơ và thách thức về an ninh và môi trường. Mỹ đặc biệt tranh thủ 6 đồng minh thành viên Hội Đồng Bắc Cực. Mỹ và Nauy hợp tác trong việc phóng 2 vệ tinh liên lạc vùng cực, đưa máy bay ném bom chiến lược đến tập luyện ở Na Uy. Không quân Mỹ đang chi tới 6 tỷ USD/năm phối hợp với Canada trong dự án hiện đại hóa các hệ thống cảnh báo phía Bắc của Bắc Cực. Con số này dự kiến sẽ tăng cao hơn nữa.

Mỹ tăng cường củng cố mạnh khu vực phía cực Bắc, đặc biệt là ở Alaska bởi khu vực này nằm ở phía trước 2 chiến trường lớn: Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và châu Âu. Alaska ngày càng quan trọng đối với các chiến dịch ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nơi Mỹ hợp tác chặt chẽ với các đối tác khu vực để ngăn chặn những tuyên bố bành trướng trên biển của Trung Quốc. Chính quyền Biden đã quyết định dành 1 tỷ USD đầu tư vào các tàu phá băng mới. Hạm đội tàu phá băng của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ rất yếu kém, chỉ có vẻn vẹn 2 chiếc, đã sử dụng hơn 30 năm. Đây chính là điểm yếu nhất của Mỹ trong cuộc cạnh tranh địa chính trị tại Bắc Cực.

Trên thực tế, dưới thời chính quyền Biden, Mỹ đang quay trở lại Bắc Cực với vai trò “quốc gia dẫn dắt” một liên minh và một mạng lưới các đối tác tại khu vực để chống lại Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, liệu việc điều chỉnh chính sách này của Mỹ có thể lấp đầy ngay khoảng trống mà họ đã bỏ rơi từ mấy chục năm nay vẫn là một câu hỏi lớn.

Trung Quốc đã sớm đặt ra tầm nhìn dài hạn đối với Bắc Cực khi nộp đơn xin trở thành quan sát viên của Hội Đồng Bắc Cực (AC) từ năm 2013. Chính sách “ngoại giao Bắc Cực” của Trung Quốc linh hoạt và khôn khéo, có ngân sách khá cao. Trung Quốc tích cực triển khai các chính sách về đầu tư, liên doanh với bản địa cũng như đóng góp tài chính cho các hoạt động từ thiện tại Bắc Cực.

Trung Quốc quan tâm đến Bắc Cực vì nhiều lý do mang tính chiến lược:

Trước hết là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng băng tan ở Bắc Cực được đánh giá là một trong những nguyên nhân tác động xấu dẫn đến thiên tai, dịch bệnh và thời tiết khắc nghiệt ở Trung Quốc. Thứ hai, Bắc Cực là khu vực giàu tài nguyên, đất nước tỷ dân rất cần có sự bảo đảm an ninh năng lượng cho phát triển. Thứ ba là việc những tuyến đường hàng hải qua phía Bắc của Nga được mở ra sẽ là cơ hội vàng cho “các đại công xưởng” của Trung Quốc khai thác, thu lợị qua việc rút ngắn đáng kể thời gian vận chuyển hàng so với tuyến đường nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Cuối cùng, Bắc Cực có vị trí địa chiến lược quan trọng, là nơi tranh chấp giữa Nga và Mỹ, phương Tây, nơi họ có thể lợi dụng mâu thuẫn này.

Tại Bắc Cực, Nga cần vốn của Trung Quốc cho những dự án khai thác dầu khí, khí đốt, nghiên cứu khoa học và tạo mọi điều kiện ủng hộ Trung Quốc. Đây chính là những yếu tố thuận lợi thúc đẩy Trung Quốc tăng cường sự có mặt tại khu vực này. Họ coi đây cũng là một cơ hội để tự nâng cao năng lực và cạnh tranh với Mỹ trong vai trò lãnh đạo thế giới.

Trên thực tế, từ năm 2012 đến 2017, Trung Quốc đã đầu tư gần 90 tỷ đô la vào khu vực này. Nhiều thông tin cho biết Trung Quốc đang thương lượng để được khai thác đất hiếm, khoáng sản có giá trị chiến lược ở Vùng lãnh thổ Greenland của Đan Mạch (đứng thứ 7 thế giới về trữ lượng).

Trung Quốc bộc lộ rõ ý đồ tận dụng mạnh mẽ tuyến giao thông hàng hải ở Bắc Cực vì mục đích lâu dài. Họ đưa ra sáng kiến thành lập “Con đường tơ lụa Bắc Cực” gắn liền với tuyến đường hàng hải phương Bắc NRS mà Nga công bố chủ quyền, nối liền từ Á sang Âu. Đây thực chất là một phần của Sáng kiến Vành đai Con đường (BRIC). Theo thông tin, năm 2022 Trung Quốc dự kiến sẽ phóng vệ tinh nhằm giám sát các lộ trình vận tải biển Bắc Cực, đóng tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân 30.000 tấn để cạnh tranh với Mỹ và tăng cường vị thế ở Bắc Cực.

Tàu phá băng Tuyết Long của Trung Quốc và nhóm nghiên cứu của nước này ở Bắc Cực (Ảnh: Alamy)

Theo giới nghiên cứu, Trung Quốc lợi dụng các hình thức “nghiên cứu khoa học dân sự” để tăng cường sự hiện diện của quân đội Trung Quốc ở khu vực biển Bắc Cực. Họ cũng lợi dụng và tranh thủ các quyền và tự do hàng hải dành cho các nước tham gia Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) để thực hiện các hoạt động, như thử vũ khí, tập trận trên và dưới biển sâu ở Bắc Cực bao gồm việc triển khai các tàu ngầm đến khu vực này nhằm răn đe các cuộc tấn công hạt nhân, bảo vệ lợi ích của tuyến đường hàng hải ở Bắc Cực, ủng hộ Nga.

Từng bước Trung Quốc đã nâng cao vai trò quốc gia trong quản lý Bắc Cực. Họ coi mình đương nhiên có quyền bình đẳng như các thành viên của Hội Đồng Bắc Cực.

3. Bàn cờ địa chiến lược tại Bắc Cực và những hệ lụy

– Điều dễ nhận thấy nhất là cạnh tranh của các cường quốc tại đây khiến tình hình tại Bắc Cực ngày càng sôi động trên mọi phương diện. Các nước lớn hầu như chỉ quan tâm đến lợi ích của riêng quốc gia mình mà bỏ rơi những vấn đề đang tác động mạnh mẽ và tiêu cực đến toàn cầu: Nguy cơ một số quốc gia ven biển bị biến mất do nước biển dâng cao. Hàm lượng carbon tăng cao sẽ lại làm khí hậu tiếp tục nóng lên. Hiểm họa xuất hiện từ các mầm dịch bệnh tan chảy dưới băng. Nguy cơ hơn 1,8 triệu tấn thủy ngân vốn nằm dưới lớp băng sẽ tan chảy và nhiễm độc nguồn thức ăn của không chỉ các động vật Bắc Cực mà cả nhân loại.

Hội Đồng Bắc Cực đang ngày càng bị mất vai trò trong các mục tiêu ban đầu là xây dựng một Bắc Cực bền vững, ổn định, bảo vệ môi trường và cứu hộ, cứu nạn. Những mâu thuẫn và cạnh tranh giữa các nước thành viên ngày càng nhiều và hầu như không được giải quyết thỏa đáng.

– Nga đang từng bước trở thành chủ nhân chính, người dẫn dắt cuộc chơi, đang “đặt ra luật lệ” cho cả vùng Bắc Cực. Khu vực này đang  trở thành “khu vực chính yếu” để Nga triển khai và trung chuyển các vũ khí có mang hạt nhân, gia tăng sức mạnh răn đe. Với chính sách và tham vọng của mình, không loại trừ, chính quyền Putin chuẩn bị cho một kịch bản nếu xung đột xảy ra, Nga sẽ lựa chọn thế tiến công, đánh phủ đầu như ở Ucraina. Trong bối cảnh hiện nay, khi Nga đang là chủ tịch luân phiên của Hội Đồng Bắc Cực họ càng tận dụng cơ hội này để thực hiện các ý đồ của mình. Mỹ và đồng minh hết sức lo ngại về việc này.

– Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ sẽ tiếp tục kéo dài và sẽ càng ngày càng phức tạp do băng tan. Cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực Bắc Cực tác động tiêu cực đến cục diện an ninh chung, gây ra sự bất ổn, mất an ninh. Việc hình thành các tuyến đường biển mới ở Bắc Cực sẽ đặt ra thách thức cho các tuyến đường vận tải đi qua khu vực Biển Đông, tác động đến an ninh biển của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng.

Bắc Cực sẽ trở thành một điểm nóng mới với nhiều nguy cơ tiềm ẩn, đặc biệt với tham vọng của cả ba cường quốc hạt nhân. Dự đoán sẽ có những đụng độ nhỏ xuất hiện, khó tránh khỏi vì những tranh chấp về chủ quyền và quyền đi lại vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Tuy nhiên, trước mắt, khó có nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột quân sự bởi lẽ vùng Bắc cực với tư cách là tuyến hàng hải sẽ chưa thể có tầm quan trọng địa chính trị như Biển Đông hay kênh đào Suez. Mỹ cũng vẫn  cần thời gian để củng cố hơn nữa thế đứng tại đây. Tuy nhiên dư luận cũng cần được cảnh tỉnh về các nguy cơ hữu hình về một điểm nóng tiềm ẩn.

– Những gì đang diễn ra tại Bắc Cực không còn là vấn đề xa vời. Nó hiện hữu, vừa mang đến các cơ hội, vừa mang đến nhiều thách thức. Nhiều quốc gia ở Châu Á và Đông Nam Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đã trở thành quan sát viên của AC. Họ có chiến lược Bắc Cực từ nhiều năm nay và thể hiện sự quan tâm cũng như can dự rõ rệt.

Việt Nam là  một trong những quốc gia sẽ bị tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trong 20 năm tới. Cần có chiến lược và kế hoạch tham gia các dự án, diễn đàn, các tổ chức nghiên cứu cũng như một số cơ chế về Bắc Cực trong khuôn khổ song phương và đa phương. Cân nhắc lồng ghép việc đánh giá tác động của vấn đề Bắc Cực trong chương trình quốc gia về biến đổi khí hậu. Tất cả sẽ giúp chúng ta chủ động ứng phó với mọi tình huống xảy ra trong tương lai, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế bền vững.■

Đình Lâm

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN