Chiến tranh Nga – Ukraina: Lính tình nguyện quốc tế nói gì?

Ngày 27/2/2022, chỉ ba ngày sau khi cuộc chiến Nga – Ukraina nổ ra, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskyy đã ra lời kêu gọi các tình nguyện viên nước ngoài gia nhập lực lượng vũ trang Ukraina, tuyên bố thành lập một binh đoàn lê dương quốc tế.

Một ngày sau đó, Tổng thống Zelenskyy ký sắc lệnh miễn thị thực cho bất cứ công dân nước ngoài nào muốn gia nhập quân đội Ukraina, còn Bộ Ngoại giao Ukraina công bố một website hướng dẫn cách đăng ký.

Một số quan chức châu Âu đã hoan nghênh lời kêu gọi này và khuyến khích công dân nước họ tình nguyện nhập ngũ. Giữa tháng 3, giới chức Ukraina cho biết có khoảng 20.000 người đến từ 52 quốc gia đã nộp đơn xin gia nhập binh đoàn lê dương (theo Aljazeera, ngày 14/3/2022). Trong số này, phải kể đến một số lượng lớn những người gốc Ukraina hiện đang sinh sống ở nước ngoài.

Thoạt nhìn, những chiến binh nước ngoài đến với Ukraina đều có chung mục đích, lý tưởng. Họ muốn giúp Ukraina bảo vệ đất nước, chống lại cường quốc láng giềng. Với người Đông Âu, bảo vệ Ukraina nghĩa là ngăn không để đế chế Putin bành trướng sang phía tây.

Tuy nhiên chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, cuộc chiến đấu bảo vệ Ukraina của các binh đoàn tình nguyện quốc tế đã bộc lộ nhiều vấn đề.

Theo số liệu từ Ukraina, 31% lính lê dương chiến đấu tại Ukraina đến từ Mỹ, 18% đến từ Anh, 6,8% Đức, 4,7% Canada, 2,5% Ấn Độ, cùng một số quốc gia khác (Nguồn: Aljazeera, 14/3/2022)

*

Hieu Le, một cựu binh Mỹ gốc Việt từng chiến đấu ở Afghanistan vào năm 2012, đã đăng ký tình nguyện tới Ukraina. Sau khi chuẩn bị đầy đủ thủ tục và nhận quyên góp quân trang từ những người bạn cựu chiến binh, Hieu tự túc lên đường và sang tới điểm vượt biên giới Ba Lan – Ukraina vào ngày 11/3. Sau khi được đón tại một địa điểm bí mật và đổi xe một lần, Hieu tới một địa điểm bí mật khác lúc nửa đêm để nghỉ ngơi và bắt đầu khóa đào tạo kéo dài vài ba ngày. Sau khóa đào tạo, Hieu và đồng đội sẽ được chia nhóm để ra chiến trường. Trên Facebook, Hieu công khai hành trình của mình và chia sẻ những trải nghiệm ở Ukraina mà đã khiến anh bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó có hội chứng rối loạn stress sau sang chấn (PTSD), và phải từ bỏ binh đoàn lê dương.

“14/3

Căn cứ của tôi bị 30 tên lửa hành trình bắn vào, và tôi may mắn thoát được cùng với áo giáp và vũ khí. Trong khi căn cứ bốc cháy, tôi tranh thủ nạp băng đạn và giữ bình tĩnh. Khu căn cứ này là dành cho học viên, chỉ có một số ít người có súng và có trách nhiệm bảo vệ an toàn cho những người khác.

Không may là nhiều tình nguyện viên trong binh đoàn lê dương quyết định bỏ cuộc, không chiến đấu nữa. Trong số 23 người thuộc nhóm của tôi, chỉ có 7 người ở lại. Tôi quyết định ở lại và tiếp tục chiến đấu.

Sau khi đám lửa được dập tắt, chúng tôi lo lắng về việc lính dù Nga đổ bộ, vì thế chúng tôi chiếm các vị trí phòng thủ và hy vọng có thể được giải cứu khỏi đó. Không có cuộc giải cứu nào diễn ra, vì vậy chúng tôi quyết định sẽ ngủ lại trong rừng để tránh bị nhắm bắn bởi tên lửa và các cuộc không kích.

Tôi đào một cái hố để ngủ trong đó, phủ chăn và lá khô lên để máy bay Nga không thể nhìn thấy. Sau khi nhận được tin rằng sẽ không có lính dù Nga, tôi có thể thư giãn và nghỉ ngơi một chút.

Căn cứ của Hieu Le bị tên lửa Nga bắn phá (Ảnh: FB Hieu Le)
Chỗ ngủ trong rừng của Hieu Le (Ảnh: FB Hieu Le)

19/3

Hôm nay là ngày cực nhọc nhất mà tôi từng trải qua trong binh nghiệp của mình. Nhiệm vụ của tôi hôm nay là đi thu nhặt thi thể của một người lính Ukraina-Georgia hy sinh trong lòng địch, ở rừng Irpin ngoại ô Kyiv. Nếu theo dõi tin tức, bạn sẽ biết rằng Irpin lúc này không khác gì địa ngục. Tuy nhiên, không ai bị bỏ rơi tại đó.

Chúng tôi nạp mìn chống tăng và pháo chống tăng để thâm nhập vào lòng địch nhằm tìm và đưa thi thể của anh ấy về. Chúng tôi đi bộ 8km tới địa điểm chiến đấu cuối cùng được biết tới và mất 8km nữa để đưa anh ấy về tới rìa thủ đô Kyiv dưới làn đạn. Trong suốt nhiệm vụ đó, chúng tôi gặp phải một nhóm có lẽ là lính Nga, họ hô to “Vinh quang cho Ukraina”. Tôi nghĩ đó là bởi họ không muốn chiến đấu với chúng tôi. Không muốn sa lầy vào một cuộc đọ súng trong nhiệm vụ này, chúng tôi không giao tiếp gì và đi qua họ. Chúng tôi không muốn giết họ nếu việc này không cần thiết đối với nhiệm vụ.

Thi thể người lính này quá nặng và tôi rất mệt mỏi. Tất cả đều mệt. Đã 12h trôi qua trong tổng số 13 giờ đồng hồ của nhiệm vụ này. Khi gần về đến Kyiv, tôi lục tìm căn cước trên người anh ấy và tìm thấy một tờ bìa để viết tên, số hộ chiếu, ngày mất, và một tấm chăn để bọc anh ấy lại. Hầu như tất cả mọi người đều tới để nói “Yên nghỉ nhé”. Chúng tôi đưa anh ấy về Kyiv qua những cây cầu tạm và qua các lực lượng thân thiện. Họ nhìn vào mắt tôi, máu của anh ấy dính trên áo tôi, trong khi tôi khiêng anh ấy qua chặng đường cuối cùng này. Chúng tôi không ai nói gì, nhưng rất tâm trạng. Khi lên tới đỉnh cầu, chúng tôi gặp xe cứu thương, đặt anh ấy vào trong một chiếc túi đựng thi thể, và chào tạm biệt khi chiếc xe rời đi.

Tính đến lúc chúng tôi tới được xe tải để trở về doanh trại, chúng tôi đã ở trong khu vực bị địch chiếm đóng 13 giờ đồng hồ. Kiệt sức, vui mừng vì vẫn còn sống, tôi khóc cho người đã khuất. Trong văn hóa Georgia, chết trận là vinh quang lớn nhất. Tuy chết trong cô đơn, nhưng cũng mừng vì anh ấy đã được đưa về. Chúng tôi mất nhiều công sức nhưng cũng tránh được sự đổ máu không cần thiết. Vì vậy tôi nghĩ mình vẫn tốt số.

Trong thời gian ở Ukraina, tôi đã thoát được những cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình, những trận pháo kích liên miên, đi xuyên qua khu vực bị địch chiếm, rét đến tận xương, ốm, đói, và nỗi đau khi phải đi nhặt xác đồng đội. Tôi mệt. Tôi không chắc mình có thể ở lại Ukraina đến bao giờ, nhưng tôi cảm thấy mình đã hoàn thành nhiệm vụ.

Hieu Le cùng đồng đội đưa thi thể một người lính Georgia về Kyiv (Ảnh: FB Hieu Le)

20/3

Trong những câu chuyện đã kể, tôi chưa chia sẻ chút gì về mặt tối của binh đoàn lê dương. Bên cạnh nhiều tình nguyện viên tới đây vì những mục đích tốt đẹp, còn có những kẻ tới Ukraina chỉ để thỏa mãn cái tôi và sở thích giết chóc. Tôi và nhóm của mình đã có những trải nghiệm rất tiêu cực về những kẻ này bởi chúng tôi ở chung một doanh trại.

Họ nhận mình là cựu binh thuộc Lực lượng Đặc biệt, và có thể họ nói đúng, nhưng hành vi của họ rất “bệnh”. Không loại trừ khả năng họ bị loại khỏi quân đội do thiếu tính kỷ luật và chuyên nghiệp. Họ thường xuyên dùng amphetamines, testosterone, steroids và rất có thể nhiều loại thuốc gây nghiện khác mà họ tuồn vào vùng chiến sự. Họ làm bất cứ điều gì họ muốn, và các sĩ quan Ukraina đành phải chấp nhận hoặc không biết phải làm sao để chấm dứt tình trạng này. Nghe nói họ còn bắn chó để giải khuây trong khi đang thi hành nhiệm vụ.

Một người trong số họ thậm chí còn tấn công một thành viên trong nhóm của tôi, vì nghĩ rằng anh ấy là kẻ cắp (điều này không đúng). Chúng tôi đã giữ bình tĩnh hết mức có thể để can ngăn những người bức xúc khỏi đi trả thù. Vì lời buộc tội ăn cắp mà tôi cùng một số đồng đội bị tịch thu vũ khí trong quá trình điều tra. Nhiệm vụ ngày mai của chúng tôi bị hủy bỏ vì chúng tôi phải trải qua một buổi kiểm tra phát hiện nói dối liên quan đến đồ vật bị mất.

Điều khiến tôi bức xúc là dường như chúng tôi là những người duy nhất bị ảnh hưởng bởi lời cáo buộc và bạo lực vô căn cứ, trong khi kẻ có tội thực sự và người đổ lỗi cho chúng tôi lại không phải chịu hậu quả nào. Sau bài kiểm tra nói dối, chúng tôi sẽ khiếu nại lên Bộ Quốc phòng để xem họ giải quyết ra sao. Có vẻ như người Ukraina đã dung túng cho những hành vi vô pháp và chẳng có chút tôn trọng nào đối với những người đến giúp họ chiến đấu.

22/3

Sau khi qua bài kiểm tra nói dối, tôi quyết định sẽ chấm dứt hợp đồng. Tôi cảm thấy mình đã làm việc nhiều hơn so với kỳ vọng của họ. Xét đến bản chất tội phạm và vô pháp của các nhóm lính lê dương khác mà đội của tôi buộc phải sống cùng, tôi nên rời đi trước khi bị dính líu các tội ác chiến tranh của họ. Quyết định của tôi đã sớm được chứng minh là đúng.

Không lâu sau, tôi được báo tin là một toán lính lê dương say xỉn đã bắt đầu hôi của trong nhà dân, xả súng lung tung trong thành phố, và lái xe tải chẹt vào chân của sĩ quan chỉ huy khi anh ta cố gắng ngăn cản họ. Họ còn đi loanh quanh để bắn những con chó đang đi tìm chủ. Quân đội Ukraina cuối cùng đã bắt giữ họ, những kẻ đầu trò phải ngồi tù, trong khi 15 người khác bị tước vũ khí và sẽ bị di lý tới biên giới. Đồng thời, chính phủ của họ cũng sẽ nhận được thông báo về tội của họ ở Ukraina.

Như vậy, với danh dự chưa bị tổn hại, và cơ thể vẫn ốm mệt vì làm việc quá sức, tôi lên tàu sang biên giới phía tây cùng với những người bị thương hoặc giải ngũ khác. Tôi là một trong những người may mắn rời đi mà còn nguyên vẹn hình hài. Tôi có phần áy náy vì đã bỏ nhóm sau khi đã cùng nhau trải qua thật nhiều chuyện, nhưng mọi người đều ủng hộ quyết định của tôi sau khi chứng kiến tôi đã bị ảnh hưởng sâu sắc như thế nào qua nhiệm vụ vừa rồi.

Cho tới khi sang tới Ba Lan, tôi mới cảm thấy thực sự an toàn, và sau đó, tôi chưa biết mình sẽ làm gì. Tôi sẽ chơi lang thang ở châu Âu một thời gian để có thể bình tâm lại và hy vọng vào điều tốt đẹp nhất.” (FB Hieu Le)

*

Ngoài câu chuyện của Hieu Le, truyền thông quốc tế cũng đã đăng tải các câu chuyện khác liên quan đến sự hỗn tạp và thiếu tổ chức của binh đoàn lê dương Ukraina. Tờ The Globe and Mail (Canada) kể lại một số trường hợp từ bỏ binh đoàn lê dương. Mark Preson-Horin từ Victoria (Canada) tới Ukraina vào đầu tháng 3 với mong muốn áp dụng kỹ năng y tế của mình để giúp quân đội Ukraina. Tuy nhiên, giới chức Ukraina cho biết họ không thể đảm bảo anh sẽ được giao vị trí liên quan đến y tế, ngoài ra anh còn phải ký hợp đồng vô thời hạn. “Họ nói rằng bạn không được đi cho đến khi chúng tôi cho phép”, Preston-Horin kể. Anh từ chối ký hợp đồng, nhưng rồi lại tìm cách gia nhập một lực lượng bán quân sự khác mang tên Binh đoàn lê dương Georgia (Gruzia). Binh đoàn này chiếm đa số là người Georgia, họ đã chiến đấu song hành với quân đội Ukraina ở miền đông nước này từ năm 2014. Tuy nhiên, nhóm này cũng không được cấp mũ, áo chống đạn, và vũ khí. Anh đã bỏ đoàn, và 35 người còn lại cũng rời đi.

Matthew VanDyke, người sáng lập tổ chức quốc tế “Những đứa con của tự do” đặt trụ sở tại Mỹ với sứ mệnh đào tạo quân sự ở một số quốc gia, cũng đặt câu hỏi về tính nghiêm túc của binh đoàn lê dương Ukraina. Đặt chân tới Lviv trong tháng 3 năm nay, anh cho biết những tình nguyện viên anh gặp tại đó đều thiếu kinh nghiệm, vũ khí và dường như chỉ muốn tham gia để có chút trải nghiệm chiến tranh. “Tôi cho rằng binh đoàn lê dương được coi như một công cụ để truyền đi thông điệp rằng cả thế giới đang chống lại Putin”, anh nói. “Họ không có cơ cấu tổ chức hay thời gian để thật sự hoạt động như một đơn vị quốc tế”. Anh muốn nhắn gửi tới những người Canada đang muốn nhập ngũ tại Ukraina rằng: “Đừng làm vậy, chỉ phí thời gian thôi”.

Trong khi đó, tờ Politico ngày 24/3/2022 trích lời một chỉ huy của Binh đoàn lê dương Georgia, Mamuka Mamulashvili, rằng anh đặt câu hỏi về mục đích của tất cả những tình nguyện viên nước ngoài muốn tham gia chiến đấu ở Ukraina. “Tôi chỉ cần một động lực, đó là cứu người… Tôi không cần những kẻ khát máu muốn tới đây để bắn ai đó”. Anh Mamulashvili hiện đang lọc bỏ những thành viên có tư tưởng cực đoan hoặc có quan hệ với các tổ chức cực hữu.

Trong một diễn biến có liên quan, hôm 29/3, 7 nước EU (Pháp, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Italy, Luxembourg và Bỉ) đã kêu gọi người dân không nên tới Ukraina để tham gia chiến đấu. Canada cũng có động thái tương tự■

Nguyễn Hương Trà

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN