Năm 2021, nước Mỹ đã thay đổi người đứng đầu Nhà Trắng là ông Joe Biden, song chiến lược an ninh quốc gia dưới thời Joe Biden không thay đổi, vẫn xác định nguy cơ đe dọa nước Mỹ là Trung Quốc và Nga như thời Tổng thống Donald Trump và xác định mục tiêu là ngăn chặn và làm suy yếu hai nước này, khôi phục vai trò và sức mạnh Mỹ đứng đầu thế giới. Thực hiện chiến lược này, chính quyền của ông Biden cơ bản tiếp tục những chính sách của Trump là duy trì công cụ kinh tế, thương mại, công nghệ, vấn đề nhân quyền và khơi dậy những điểm nóng ở châu Á – Thái Bình Dương và châu Âu, và tăng cường sức mạnh quân sự tranh chấp địa chính trị.
Đối với Nga, Biden vẫn tiếp tục các chính sách trừng phạt kinh tế của Trump với lý do Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 và 2020; tiếp tục cản trở dự án Dòng chảy phương Bắc 2 giữa Nga và Đức; rút khỏi hiệp ước kiểm soát bầu trời và kiểm soát vũ khí tầm trung với Nga. Song khác với Trump, Biden có bước đi bài bản hơn nhiều, tạo ra những điểm nóng để can dự và coi trọng xây dựng liên minh để chống Nga.
Đối với Trung Quốc, Biden đẩy vấn đề Đài Loan trở thành điểm nóng dựa trên những tuyên bố đòi độc lập của bà Thái Anh Văn. Quan hệ hai bờ trở nên căng thẳng khi Trung Quốc tuyên bố sẽ dùng sức mạnh quân sự để chiếm lại Đài Loan. Trong khi đó, chính quyền Biden tăng cường các hoạt động ngoại giao, quân sự đối với hòn đảo này và công khai ủng hộ bà Thái Anh Văn chống Trung Quốc. Sự chọc giận của Đài Loan và Mỹ đối với Trung Quốc đã đẩy nguy cơ đối đầu quân sự ngày càng tăng lên, và khi đó Đài Loan đã dựa hẳn vào Mỹ để tăng cường sức mạnh quân sự. Từ đó, Mỹ tăng cường lực lượng quân sự ở eo biển Đài Loan và Biển Đông để đối trọng với sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Kể từ đây, Mỹ có lý do hợp pháp để chuyển giao vũ khí cho Đài Loan với nhiều loại vũ khí hiện đại nhất áp sát Trung Quốc để chống Trung Quốc. Thành công của Biden đã đẩy chính quyền Thái Anh Văn đối đầu một mất một còn với Trung Quốc lục địa và đẩy Trung Quốc vào cuộc đua vũ trang, lộ diện sức mạnh và tác chiến. Sức ép quân sự của Mỹ ở Biển Đông và eo biển Đài Loan khiến cho Trung Quốc phải sa lầy chiến lược về quân sự với Mỹ.
Một thành công có ý nghĩa chiến lược của Biden là kéo Trung Quốc vào cuộc đối đầu quân sự do Mỹ tạo ra, kích động Đài Loan đòi ly khai độc lập. Trước sự đe dọa này, Trung Quốc đã đưa ra nhiều phát ngôn cứng rắn tuyên chiến với Mỹ và lên kế hoạch tấn công Đài Loan. Sự kiện Trung Quốc đe dọa quân sự chiếm Đài Loan là cơ hội cho Mỹ lôi kéo được các nước đồng minh ở châu Âu, châu Á cùng với Mỹ thành một liên minh chống Trung Quốc. Các quốc gia như Anh, Pháp, Canada, Đức đã đưa các hạm tàu đến hoạt động ở Biển Đông và eo biển Đài Loan, phối hợp tập trận chung răn đe Trung Quốc. Ngoài hoạt động của các nước trong Bộ tứ Kim cương, Úc và Nhật đã ký hiệp định quân sự, mục tiêu là nhằm ngăn chặn sự đe dọa của Trung Quốc đối với an ninh châu Á và Đài Loan. Đặc biệt là Nhật tuyên bố ủng hộ độc lập của Đài Loan, sẵn sàng hỗ trợ Đài Loan bảo vệ chủ quyền nếu bị Trung Quốc tấn công. Nhật Bản đang phục hồi mạnh mẽ việc sản xuất các loại vũ khí hiện đại, tàu ngầm, tàu chiến hướng tới mục tiêu Trung Quốc. Mới đây Nhật và Mỹ ký thỏa thuận xây dựng một kho vũ khí ở một hòn đảo của Nhật để phục vụ chiến tranh cho quân đội hai nước này.
Tất cả những gì diễn ra trong hơn một năm Biden nắm quyền khác hẳn với thời kỳ Trump cầm quyền. Biden đã sử dụng vấn đề Đài Loan lôi kéo được các đồng minh ở châu Âu, châu Á tạo thành liên minh đối đầu quân sự với Trung Quốc. Trước đó chính quyền Trump đã không tính tới. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã thành công tạo được lực lượng ủy nhiệm ngăn chặn Trung Quốc ở châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Trở lại quan hệ Mỹ – Nga, hai nước này đã căng thẳng từ năm 2014 khi Nga tấn công chiếm Crimea và ủng hộ dân ly khai ở Donbass, Ukraine. Kể từ đó, chính quyền mới của Ukraine nghiêng hẳn về Mỹ và phương Tây. Mỹ và Liên minh châu Âu, NATO cực lực phản đối Nga và ủng hộ nền độc lập của Ukraine và trừng phạt nặng nề đối với Nga. Phía Nga cũng cảnh báo Ukraine không thể tách rời Nga và không được gia nhập NATO, và NATO không được triển khai lực lượng quân sự ở sườn phía Đông sát biên giới của Nga. Trong suốt 8 năm sau đó, Ukraine rơi vào trình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. Mỹ và EU cũng không giúp gì dưới thời Tổng thống Donald Trump. Từ khi Volodymyr Zelensky, một diễn viên hề, trúng cử Tổng thống Ukraine thân phương Tây, cũng là lúc Joe Biden trở thành Tổng thống Hoa Kỳ, thì vấn đề Ukraine được Biden đặc biệt quan tâm. Bản thân Biden đã rất cay cú và thâm thù ông Putin, luôn luôn lên án Putin đã can thiệp vào tiến trình bầu cử Tổng thống Mỹ để loại bỏ Biden. Chính quyền Biden lên án mạnh mẽ khi Nga bắt giữ nhân vật đối lập Alexei Navalny và trừng phạt kinh tế Nga. Biden gọi ông Putin là “kẻ giết người”, khiến ông Putin phải triệu hồi Đại sứ Nga ở Mỹ về nước để tham vấn và Mỹ cũng làm ngược lại. Kể từ đó, quan hệ Mỹ – Nga rất căng thẳng. Mặc dù sau đó Biden và Putin gặp nhau ở Geneva và có nhiều cuộc thảo luận trực tuyến tiếp theo nhưng không đem lại kết quả gì rõ rệt. Chuyến đi của Tổng thống Ukraine Zelensky đến Mỹ đánh dấu bước đi can dự mới của Mỹ vào Ukraine để chống Nga. Chính quyền Biden đã công khai quan điểm ủng hộ Zelensky chống Nga và hứa viện trợ cho nước này 200 triệu đô la để tăng cường tiềm lực quân sự. Trước đó Mỹ đã cung cấp cho Ukraine số lượng lớn vũ khí trị giá trên 3 tỉ USD. Tháng 10/2021, khi Ukraine cho máy bay không người lái ném bom ở Donbass, Nga đã điều trên 100.000 quân đến sát biên giới Ukraine dưới danh nghĩa tập trận và tiếp tục cảnh báo Ukraine không được gia nhập NATO. Cùng thời điểm này, tình báo Mỹ tung tin quân đội Nga sẽ tấn công Ukraine bất kể lúc nào. Các quan chức quốc phòng, ngoại giao cấp cao của Mỹ liên tục có mặt ở Ukraine để củng cố tinh thần cho những người lãnh đạo nước này và hứa sẽ chuyển vũ khí đạn dược để chống Nga. Chính quyền Biden cũng thúc ép EU và NATO vào cuộc chiến chống Nga. Tổng Thư ký khối NATO lên tiếng lên án Nga đe dọa Ukraine và sẽ không ngăn cản nước này gia nhập khối NATO, và dọa trừng phạt nặng nề toàn diện Nga nếu nước này tấn công quân sự vào Ukraine.
Khi tình hình căng thẳng ở biên giới Nga – Ukraine lên tới đỉnh điểm, chính quyền Biden luôn luôn đưa ra cảnh báo về thời điểm Nga tấn công Ukraine và đã ra lệnh rút bớt nhân viên ngoại giao và công dân Mỹ khỏi Kiev. Một số quốc gia trong Liên minh châu Âu cũng đã làm theo Mỹ. Hành động của Mỹ đã có tác động mạnh mẽ, gây tâm lý hoảng loạn cho chính quyền Kiev và nhân dân Ukraine, khiến Tổng thống Ukraine Zelensky phải lên tiếng phản đối Mỹ đã đưa ra những dự báo vội vàng về khả năng Nga tấn công Ukraine. Ông cũng kêu gọi người dân nước này bình tĩnh để ổn định tình hình và nói đất nước ông vẫn ở trạng thái bình thường.
Để giảm bớt căng thẳng, ông Putin đã nhiều lần tuyên bố Nga không có kế hoạch tấn công quân sự Ukraine, yêu cầu NATO không được kết nạp nước này vào khối, Mỹ và NATO không được vượt qua lằn ranh đỏ của Nga. Ngược lại, Mỹ và NATO cảnh báo Nga rằng Ukraine có quyền lựa chọn quyết định của mình; Nếu Nga tấn công Ukraine thì Mỹ cùng các nước đồng minh ở châu Âu sẽ trừng phạt Nga toàn diện khốc liệt hơn, trong đó có Tổng thống Putin. Phía sau tất cả những tuyên bố trên của cả Nga, Mỹ và NATO là nhiều cuộc thương lượng ở cấp ngoại giao nhưng chưa bên nào chịu xuống thang. Mới đây Nga lại điều thêm 30 ngàn quân cùng các thiết bị và nhân viên y tế tới Belarus, khiến Mỹ và NATO đưa ra nhận định rất có thể Nga sẽ từ Belarus tấn công thẳng tới Kiev, càng làm tình hình ở Đông Âu vô cùng căng thẳng, cận kề miệng hố chiến tranh giữa Nga và Ukraine và NATO. Điều đó khiến cho nhiều nước thành viên NATO lo ngại. Trong đó Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kiến nghị Liên minh châu Âu ở cuộc đàm phán với Nga, và riêng ông đã điện đàm trực tiếp với Tổng thống Nga Putin để “hạ nhiệt” nguy cơ xung đột. Ông Macron cũng yêu cầu EU xem xét lệnh trừng phạt Nga vì nó ít hiệu quả và cũng gây thiệt hại cho cả EU. Thủ tướng mới của Đức, ông Olaf Scholz, cũng không mặn mà với lệnh trừng phạt của Mỹ và ủng hộ Ukraine, vì nó gây tác hại lớn cho Đức nếu như dự án Dòng chảy phương Bắc 2 phải dừng. Đức đã không gửi vũ khí do Đức sản xuất cho Ukraine mà chỉ viện trợ các thiết bị và khẩu trang y tế. Điều này cho thấy Pháp và Đức hạ thấp chiến lược chống Nga của Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ, một nước thành viên NATO, đã lên tiếng làm trung gian cho Nga và Ukraine. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Zelensky để thực hiện kế hoạch làm trung gian; nếu điều này thành công sẽ góp phần làm giảm căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Hóa ra những nước nằm ngoài và xa biên giới Nga như Mỹ, Canada, Anh lại sốt sắng nhất. Họ thổi phồng sự đe dọa tấn công quân sự của Nga với Ukraine. Như vậy có thể nhận xét rằng việc chống Nga, gây rối loạn chính trị châu Âu là do nhóm Ngũ Nhãn gây ra, như họ đã tiến hành với Trung Quốc ở châu Á.
Nhìn tổng thể những diễn biến đang diễn ra, có thể kết luận rằng Biden đã thành công trong việc đưa Ukraine vào chiến lược chống Nga của Mỹ, giống như Mỹ đã làm với Đài Loan để chống Trung Quốc ở châu Á. Biden đã tính toán dùng Ukraine là quốc gia thâm thù Nga làm con bài để khơi lên ngọn lửa chiến tranh, tạo cớ hợp pháp để Mỹ can dự trực tiếp vào nước này, và có cớ để lôi kéo EU – NATO hình thành một liên minh chống Nga. Kết quả này Biden củng cố một bước liên minh quân sự mà Tổng thống Trump trước đây đã không coi trọng và làm lung lay khối này. Đồng thời, Mỹ cũng đạt được yêu cầu kiềm chế sức mạnh của Nga hợp lực với Trung Quốc để ngăn chặn Mỹ và đồng minh bao vây chia cắt Trung Quốc ở châu Á – Thái Bình Dương.
Với diễn biến trên đây cho thấy Biden muốn kéo dài trạng thái đối đầu với Nga và chưa có dấu hiệu giảm căng thẳng giữa hai nước. Chiến lược ngăn chặn làm suy yếu Nga được Biden đảo chiều nhanh chóng. Ngay sau một năm nắm quyền, ông Biden đã tạo ra cuộc chiến tranh ủy nhiệm để đối đầu với Trung Quốc và Nga, thực hiện chiến lược an ninh của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, với những bài học lịch sử về quan hệ giữa Mỹ và các nước đồng minh, cùng sự suy yếu của Mỹ và sức mạnh của Nga và Trung Quốc đang lên, đã gây khó khăn cho Mỹ và tác động mạnh tới tình hình quốc tế. Nhiều nước vẫn cần hợp tác với Trung Quốc và Nga vì lợi ích của họ nên không dễ gì ủng hộ hoàn toàn chiến lược vì nước Mỹ.
Riêng về Ukraine, trước mắt đang nhìn Nga là kẻ thù nhưng sớm muộn nước này cũng nhìn ra được họ đang sống cạnh một nước lớn như Nga, lại có nhiều điểm tương đồng do lịch sử từng cùng chung một quốc gia; và đặc biệt nếu họ nhận ra được nước này đang là con bài để Mỹ và NATO thực hiện chiến lược chống Nga, thì có thể chính sách chống Nga và chính sách thân phương Tây của Ukraine sẽ thay đổi, không như Mỹ và NATO mong muốn.
Song tình hình không diễn ra như vậy. Tổng thống Ukraine vẫn tỏ ra cứng rắn với Nga, dựa hẳn vào Mỹ và NATO để chống Nga. Mỹ và NATO không chấp nhận đề nghị của Nga và cảnh báo sẽ trừng phạt Nga nếu Nga tấn công Ukraine. Các cuộc đối thoại giữa Nga với Mỹ và NATO cho thấy con đường giải quyết vấn đề Ukraine bằng ngoại giao hòa bình đã không còn cơ hội. Cuộc tấn công quân sự của Nga đối với Ukraine đã diễn ra ngày 24/02/2022, ngay sau khi Tổng thống Putin ký sắc lệnh công nhận độc lập của hai vùng lãnh thổ Donetsk và Luhansk. Ukraine đang hứng chịu các cuộc tấn công từ nhiều phía. Những tuyên bố của ông Putin cho thấy những gì Nga đã làm ở Ukraine năm 2014 sẽ tái diễn, song với quy mô toàn diện hơn, ác liệt hơn để xóa sổ chế độ hiện tại ở nước này. Tuy nhiên, liệu ông Putin có đạt được mục tiêu của Nga hay không vẫn là điều cần phải xem xét ở một bình diện lớn hơn. Quyết định tấn công quân sự Ukraine là thách thức chiến lược toàn cầu của Mỹ và NATO và trật tự thế giới; Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres gọi cuộc tấn công của Nga vào Ukraine là xâm lược và yêu cầu ông Putin rút quân đội ra khỏi Ukraine ngay lập tức. Điều có thể lượng định được là Nga sẽ hứng chịu các đòn trừng phạt của Mỹ và các nước đồng minh, điều đó sẽ mang lại những rủi ro lớn đối với Nga trước mắt và lâu dài.■
Xuân Sơn
(Theo Tạp chí Phương Đông)