Nhìn lại thế giới năm 2021 và viễn cảnh 2022

Thế giới trong năm 2021 nhiều biến động do dịch bệnh Covid-19 và do sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn, trong đó Mỹ, Trung, Nga vẫn đóng vai trò chi phối quan hệ quốc tế. Nhìn tổng thể có thể nêu một số nhận xét:

1. Thế giới năm 2021 vẫn chìm đắm trong dịch bệnh Covid-19. Người bị nhiễm bệnh vẫn tăng cao kể cả ở những nước có tỉ lệ tiêm vaccine cao như Mỹ, Nga, Anh, Thái Lan, Indonesia. Song, công nghệ sinh học đã chứng minh được rằng vaccine là phương thức đối phó cơ bản, là cơ sở cho sự chuyển đổi nhận thức sống chung với Covid-19, vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế, chuyển trạng thái đối phó Covid-19 từ ngăn cách, cách ly sang thích ứng linh hoạt. Tuy nhiên, thực tế đã và đang diễn ra thì vaccine chưa thể giải quyết triệt để được dịch bệnh. Tỉ lệ lây nhiễm và tử vong ở nhiều nước vẫn rất cao, thậm chí cao hơn cả thời điểm đỉnh dịch khi chưa có  vaccine. Vì vậy thế giới vẫn ngăn cách, chủ trương sống chung với dịch bệnh vẫn ở bước thăm dò ở từng quốc gia, nên toàn cầu hoá vẫn bị tắc nghẽn trên diện rộng. Các quốc gia đã nhận thức cần có sự hợp tác toàn cầu để chống dịch, thực hiện chương trình sản xuất và cung cấp  vaccine toàn cầu nhất là cho các nước nghèo. Tuy nhiên, nhiều quốc gia chủ động sản xuất được  vaccine thì dư thừa trong khi nhiều nước nghèo tỉ lệ nhận  vaccine và tiêm chủng vẫn ở mức thấp. Bên cạnh đó, cuộc chiến tìm nguyên nhân dịch bệnh Covid-19 giữa Mỹ và đồng minh của Mỹ với Trung Quốc vẫn rất căng thẳng dẫn đến đối đầu ngoại giao, kinh tế giữa Trung Quốc với Mỹ và các nước.

Năm 2021, thế giới vẫn chìm đắm trong đại dịch Covid-19.

2. Châu Á – Thái Bình Dương vẫn là tâm điểm cạnh tranh địa chính trị của Mỹ – Trung trong đó Biển Đông, Đài Loan là điểm nóng.

Trên Biển Đông, Trung Quốc tiếp tục tiến hành hàng chục cuộc tập trận quy mô lớn, có sử dụng đạn thật với tên lửa đạn đạo chống hạm. Trung Quốc tuyên bố những cuộc tập trận này là để đáp trả việc Mỹ thường xuyên điều tàu sân bay tới tuần tra tại vùng biển này và thường xuyên tập trận với các quốc gia khác tại đây. Các hoạt động bồi đắp của Trung Quốc ở các đảo trên Biển Đông tiếp tục được củng cố, xác lập nền móng cho chiến lược xâm chiến toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc. Với tính chất như vậy, vùng biển này vẫn rất nhiều sóng ngầm cho dù có hay không các động thái hay tuyên bố công khai từ các bên.

Công cụ trong cuộc cạnh tranh này chủ yếu dựa vào tăng cường sức mạnh quân sự ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, xung quanh tuyên bố độc lập của Đài Loan. Năm 2021 chứng kiến một lực lượng hùng hậu về hải quân, không quân của Trung Quốc cũng như của Mỹ và đồng minh với cường độ tập trận giả định gia tăng trên mức bình thường. Nhiều lời tuyên bố đe doạ đã được cả ba bên đưa ra. Các bên đều tham vọng vượt trội về quân sự dẫn tới cuộc chay đua vũ trang chưa từng thấy, đặc biệt là chế tạo các loại vũ khí hạt nhân, máy bay, tàu ngầm thế hệ mới với số tiền mỗi bên chi lên tới hàng trăm tỉ đô la. Thế giới đang bị đe dọa chiến đấu hạt nhân thay thế đe dọa hạt nhân như trước đây. Ngoài việc tăng cường tiềm lực quân sự hoạt động trên biển, Trung Quốc đã ban hành nhiều luật liên quan tới biển, xác định lại biên giới biển của Trung Quốc xâm lấn chủ quyền của các nước trong khu vực. Mỹ và các nước đã lên án và đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt về kinh tế đối với các tập đoàn của Trung Quốc có liên quan tới quốc phòng. Tình hình trên đây đã đe doạ nghiêm trọng tới hoà bình, an ninh ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Các nhà phân tích nhận định rằng rất có thể Trung Quốc sẽ dùng vũ lực tấn công Đài Loan trong một thời gian không xa, song trước mắt là gây áp lực ở cường độ cao để đè bẹp ý chí của người Đài Loan.

3. Chiến sự ở Trung Đông năm qua nóng trở lại với nhiều sự kiện gây chấn động thế giới. Taliban bất ngờ đánh chiếm toàn bộ Afghanistan và lên nắm quyền chỉ ít lâu sau khi Mỹ tuyên bố rút quân khỏi nước này. Đây được coi là một thất bại to lớn nằm ngoài tính toán của Hoa Kỳ. Syria vẫn ở trong tình trạng không ra chiến tranh nhưng cũng chẳng có hoà bình với một bên là chính quyền Assad do Nga hậu thuẫn và bên kia là các nhóm phiến quân, trong đó có dân quân người Kurd thân Mỹ. Cuộc xung đột Israel – Palestine vô cùng căng thẳng với việc lực lượng Hamas liên tục nã tên lửa vào dải Gaza và Israel cũng đáp trả dữ dội bằng tên lửa vào các mục tiêu của Palestine, gây thương vong lớn cho dân thường. Cách đối đầu theo kiểu “ăn miếng, trả miếng” này cho thấy đây là vẫn là cuộc xung đột phức tạp nhất thế giới và chỉ một đốm lửa nhỏ cũng có thể khiến ngọn lửa bùng lên dữ dội. Vấn đề hạt nhân của Iran vẫn là vấn đề nóng giữa Mỹ và Iran, kéo theo Trung Quốc, Nga và các nước EU vào cuộc đã khuấy động, đe dọa an ninh vùng biển Địa Trung Hải, nhưng quan điểm còn xa nhau.

Khu vực Nam Âu vẫn căng thẳng trong năm 2021. Ukraina gia tăng các hoạt động quân sự ở khu vực Donbas giáp Nga với tuyên bố của Tổng thống Volodymyr Zelensky rằng nước này “sẵn sàng cho chiến tranh” với Nga và sẽ “đánh tới người cuối cùng”. Cả Nga và Ukraina đã đưa hàng chục ngàn quân cùng vũ khí hạng nặng tới giáp biên giới hai nước, nguy cơ xung đột vũ trang được cảnh báo sẽ xảy ra bất cứ lúc nào nếu giới chỉ huy xử lý vô trách nhiệm. Cuộc khủng hoảng của Belarus với Liên minh châu Âu EU cũng không có dấu hiệu giảm nhiệt khi Tổng thống Belarus đang doạ ngắt đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang EU đi qua Belarus. Khu vực Nam Âu vẫn là một vùng tranh chấp địa chiến lược không khoan nhượng giữa Nga và phương Tây và dự báo sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới.

Có thể nói rằng mọi xung đột ở nơi này, nơi khác trên thế giới không đơn thuần là xung đột cục bộ, mà nằm trong tính toán chiến lược toàn cầu và những thay đổi chính sách của hai cường quốc Mỹ – Trung.

4. Trong năm 2021, Mỹ có những điều chỉnh chính sách với nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden. Về cơ bản, mục tiêu của Biden vẫn như Trump, là ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc, duy trì và thiết lập vị thế lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ. Cho dù không tuyên bố “nước Mỹ trên hết”, chính sách của Biden vẫn đi theo chủ nghĩa hiện thực thực dụng. Biện pháp của Biden mềm dẻo và linh hoạt hơn so với chính quyền cũ, sử dụng kết hợp các công cụ ngoại giao nhiều hơn song song với biện pháp áp đặt trừng phạt kinh tế và gây áp lực quốc phòng. Mỹ muốn lôi kéo và củng cố lại đồng minh, xem xét thành lập các liên minh mới với một số nước với mục tiêu vẫn là ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình, Biden chú trọng lợi ích cốt lõi đặc biệt ở châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương thay vì tập trung vào Trung Đông như trước, bằng cách tăng cường sự hiện diện quân sự và nhóm họp đồng minh tại đây, và lập liên minh mới AUKUS (Mỹ – Anh – Úc). Lần đầu tiên sau nhiều năm, Tổng thống Mỹ dự họp cấp cao ASEAN để tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực này và sử dụng các vấn đề Đài Loan, Hồng Kông, Tân Cương để tấn công nhằm hạ thấp vai trò của Trung Quốc.

5. Chính sách của Trung Quốc trong năm 2021 cũng có những điều chỉnh theo hướng củng cố mạnh hơn nữa tham vọng lãnh đạo toàn cầu của mình. Hội nghị Trung ương VI của Đảng Cộng sản Trung Quốc (6/11/2021) đánh dấu bước ngoặt của nước này trong đó xác định rõ thành quả lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở thời kỳ Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và Tập Cận Bình, xác định con đường mới, biện pháp mới xây dựng chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc, tái khẳng định vươn lên vị trí đứng đầu thế giới theo quan điểm của ông Tập vào năm 2049, kỷ niệm 100 thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Trên con đường này, Trung Quốc đang liên kết với Nga, cùng nhau làm suy yếu ảnh hưởng lãnh đạo của Mỹ. Hai cường quốc Nga – Trung đang hợp tác với nhau về nhiều mặt, từ kinh tế tới quốc phòng để cùng nhau tạo thế cân bằng chiến lược với phương Tây. Nga là nhà cung cấp dầu khí lớn nhất cho Trung Quốc, xây nhà máy điện hạt nhân cho Trung Quốc. Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Nga đồng thời thường xuyên tham gia các cuộc tập trận do Nga tổ chức. Trung Quốc và Nga cũng thường xuyên có chung quan điểm trong các vấn đề quốc tế lớn, cùng lên án Mỹ và phương Tây, và tận dụng các sự kiện quốc tế để phê phán Hoa Kỳ.

Cuộc gặp trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 15/11/2021. Ảnh: Reuters

6. Chiến lược của phần còn lại thế giới cũng có sự điều chỉnh. Trong bối cảnh Trung – Mỹ đều ngày càng cương quyết cạnh tranh vị thế bá chủ toàn cầu của mình, hầu hết các quốc gia và khu vực đều đứng trước lựa chọn địa chính trị chiến lược. Mỗi nước dù lớn hay nhỏ đều điều chỉnh chính sách của mình. Chiến lược mới của Liên minh châu Âu linh hoạt, vẫn là đồng minh của Mỹ nhưng vẫn giữ quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Khu vực Đông Nam Á cũng đứng trước thách thức tương tự. Trong năm 2021, ASEAN bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, khiến hợp tác nội khối chững lại và nền kinh tế 10 quốc gia thành viên suy giảm nghiêm trọng. Một số nước tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông tiếp tục bị áp lực lớn bởi Trung Quốc và áp lực cạnh tranh từ Trung – Mỹ. ASEAN đã có bước tiến trong nỗ lực điều phối quan hệ với các nước lớn khi ký kết với Hiệp ước Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với Trung Quốc và đang đàm phán COC với nước này nhưng chưa có kết quả. Tuy nhiên, tình hình bất ổn chính trị ở Myanmar đã tác động tới tính đồng nhất của ASEAN. Các thành viên ASEAN không đồng nhất và nhất quán trên nhiều vấn đề quốc tế cũng như trong mối quan hệ với các nước lớn. Dù vậy, cả Mỹ và Trung Quốc đều nhìn nhận ASEAN là trung tâm của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và ra sức tác động vào khối này cũng như từng quốc gia thành viên để giành được lợi thế chiến lược.

7. Thế giới trong năm 2021 vẫn bị tổn thất rất nặng nề bởi thiên tai trong đó có bão lũ, cháy rừng, động đất diễn ra ở khắp các châu lục, đẩy con người vào tình thế khó khăn, dẫn tới mất an ninh và mất ổn định ở những nước công nghiệp lớn như Mỹ, Úc, Nga… Biến đổi khí hậu vẫn tiếp tục là vấn đề toàn cầu và còn là cuộc chiến lâu dài. Thành công của Hội nghị COP26 cuối năm 2021 là các quốc gia đặt ra mục tiêu giảm phát thải vào cuối năm 2022, đồng thời các nước cũng kêu gọi loại bỏ dần các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than và khí loãng, từng bước giảm khai thác than và nhiên liệu hoá thạch, chuyển đổi mạnh mẽ năng lượng tái tạo trong đó nhấn mạnh phát triển năng lượng gió và mặt trời để tiến tới giảm khí thải carbon bằng 0 vào năm 2050.

 ***

Có thể nhận định rằng, thế giới năm 2021 sau Tổng thống Mỹ Trump đang hướng tới một trận tự mới. Tuy cạnh tranh giữa các nước lớn rất quyết liệt nhưng xu thế hợp tác có bước tiến mới để tập trung giải quyết vấn đề toàn cầu như chống dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, đối phó thiên tai bão lũ ở các khu vực, hướng tới một thế giới ổn định hơn.

Do sự biến động quyền lực toàn cầu và vai trò suy yếu tương đối của Mỹ, cạnh tranh vị trí lãnh đạo thế giới giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng. Mỹ ngày càng mất dần ảnh hưởng và Trung Quốc đang tiến lên xác lập sức mạnh của mình. Do vậy, thế giới đang chứng kiến sự hình thành hai trục chính: một bên là Mỹ và các đồng minh, và bên kia là Trung Quốc và Nga. Trong ngắn hạn, chưa có trục nào giành được lợi thế vượt trội. Do vậy không còn nước nào đứng đầu thế giới như trước đây. Hai trục này vẫn liên tục tác động vào mối quan hệ quốc tế. Cuộc gặp trực tiếp của Tổng thống Hoa Kỳ và Chủ tịch Trung Quốc giữa tháng 11 đã cho thấy tín hiệu hai bên đều muốn “hạ nhiệt” trong các vấn đề mang tính cốt lõi và đối ngoại. Tuy nhiên, với lộ trình chính trị của Trung Quốc và Mỹ, trong năm 2022 rất khó có sự thỏa hiệp mang tính chiến lược.

Với chính sách của các cường quốc như hiện nay, những biến động thế giới như đề cập ở trên sẽ vẫn tiếp tục diễn ra trong năm 2022. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương, vấn đề Đài Loan, tình hình Biển Đông vẫn là tâm điểm của cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn.

Covid-19 vẫn sẽ để lại những hậu quả lâu dài cho thế giới, nhưng đồng thời lại mở ra nhiều con đường mới, khích lệ các nước tận dụng khoa học công nghệ, tìm hướng đi tối ưu nhất cho mình. Trong đó, thoát khỏi khó khăn và tăng trưởng kinh tế là những ưu tiên hàng đầu.

Với bối cảnh quốc tế nêu trên, các nước nhỏ cần tính toán chiến lược khôn ngoan, để tránh được áp lực của các vòng xoáy chính trị, tận dụng mọi cơ hội, tiềm lực để ổn định và phát triển.■

Trọng Khang

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN