Đằng sau lá đơn xin gia nhập CPTPP của Trung Quốc

Ngày 16 tháng 9, Trung Quốc tuyên bố đã chính thức gửi đơn gia nhập CPTPP đến Bộ trưởng Thương mại New Zealand Damien O’Connor. Việc Trung Quốc có ý muốn gia nhập tổ chức này là sự kiện gây chấn động không chỉ bởi nếu gia nhập, Bắc Kinh sẽ là nền kinh tế lớn nhất khối CPTPP, mà bởi trên thực tế Hiệp định ban đầu có tên TPP này được coi là đối trọng kinh tế với sự ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Dưới chính quyền Tổng thống Obama, Mỹ thực hiện chính sách xoay trục về châu Á – Thái Bình Dương để kiềm chế Trung Quốc. Hiệp định TPP được coi là một trọng tâm trong chính sách xoay trục này của Mỹ, với mục tiêu sử dụng gắn kết thương mại và đầu tư để tập hợp và kết nối đồng minh. Tuy vậy, khi Hiệp định còn chưa được thông qua thì chính quyền mới của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã thay đổi chính sách. Coi lợi ích của nước Mỹ là trên hết và coi nhẹ quan hệ đồng minh chiến lược, Mỹ đã rút khỏi hiệp định này năm 2017. Sau đó, Hiệp định dưới tên gọi mới CPTPP vẫn được 11 quốc gia ký kết mà không có Mỹ vào năm 2018. Các nước tham gia bao gồm Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Úc, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam.

Khi Tổng thống Mỹ Biden bắt đầu nắm quyền đầu năm 2021, giới doanh nghiệp và chính khách Mỹ đã hối thúc Biden tái gia nhập CPTPP để đảm bảo Mỹ vẫn làm chủ các quy tắc thương mại ở khu vực này, đồng thời gia cố lại quan hệ đồng minh vốn lỏng lẻo trong suốt nhiệm kỳ của Trump. Tuy vậy, Tổng thống Biden vẫn chưa có một quyết định rõ ràng vì muốn giải quyết các vấn đề nội bộ của Mỹ cũng như đàm phán song phương với Trung Quốc trước.

Trong khi Mỹ còn đang trì hoãn đưa ra quyết định thì Trung Quốc lại hành động trước. Vậy ý định thực sự của Trung Quốc trong nước cờ xin gia nhập CPTPP là gì?

Thực tế, việc Trung Quốc chính thức xin gia nhập CPTPP đã khiến nhiều người bất ngờ và đây được coi là một động thái đột ngột của chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình. Nhưng không phải như vậy, Trung Quốc đã có những tính toán từ lâu về bước đi này. Các tài liệu xin gia nhập đã được lên kịch bản cẩn thận bắt đầu từ gần một năm trước.

Theo những nguồn tin đáng tin cậy, đầu tháng 11/2020, kế hoạch xin gia nhập đã được các nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra. Cần lưu ý đó là lúc Tổng thống Biden đã được tuyên bố thắng cử và các cuộc đàm phán cho Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã kết thúc. Lo ngại Biden quay trở lại chính sách xoay trục kiểu Obama, Trung Quốc đã quyết định thực hiện bước đi chiến lược nhanh và sớm hơn Mỹ, để phá vỡ các liên kết đồng minh bằng thương mại mà Mỹ có thể sẽ thực hiện nếu Biden nắm quyền.

Điểm mấu chốt của kế hoạch là đăng ký trở thành thành viên CPTPP trước Mỹ. Vào ngày 20/11/2020, ông Tập Cận Bình đã đánh tiếng trong một bài phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), rằng Trung Quốc “sẽ xem xét một cách thuận lợi” việc tham gia CPTPP. Đúng 300 ngày sau bài phát biểu của ông Tập, nước cờ của Trung Quốc đã được thực hiện.

Như vậy, động thái của Bắc Kinh không hề đột ngột mà được tính kỹ với mục tiêu chính như đã nói trên là ngăn chặn Mỹ sử dụng CPTPP như một công cụ địa chính trị kiềm chế Trung Quốc. Nhưng không chỉ nhắm vào Mỹ, kế hoạch cũng có một động cơ khác là Đài Loan. Trung Quốc muốn gây áp lực với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn người đã luôn thể hiện mong muốn tham gia CPTPP. Và thực tế, ngay sau khi Trung Quốc vừa tuyên bố xin gia nhập, Hãng thông tấn Đài Loan đưa tin rằng Đài Bắc cũng đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP. Về mặt chiến thuật, Trung Quốc một lần nữa đi nhanh hơn Đài Loan một bước trong động thái mang nhiều tính chất chính trị hơn là thương mại này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngay lập tức đã “dằn mặt” Đài Loan với tuyên bố: “Chỉ có một nước Trung Quốc trên thế giới, và khu vực Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể xâm phạm của Trung Quốc. Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ tương tác chính thức nào giữa Đài Loan và bất kỳ quốc gia nào khác, kiên quyết bác bỏ việc Đài Loan gia nhập bất kỳ thỏa thuận hoặc tổ chức nào có tính chất chính thức. Quan điểm của Trung Quốc về vấn đề này là rõ ràng.” Trung Quốc tìm cách xin gia nhập CPTPP trước để ngăn chặn Đài Loan và nếu vào được có thể phủ quyết quyền gia nhập của Đài Loan.

Bắc Kinh nộp đơn sớm vào CPTPP còn vì tính toán chiến lược với Anh. Anh đã đệ đơn xin gia nhập và đã rục rịch đàm phán từ tháng 8/2021. Thực tế, quá trình đánh giá khả năng gia nhập của Anh đã bắt đầu từ tháng 6/2021. Anh rất sốt sắng với CPTPP khi Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss tuyên bố nước này đang chuyển trọng tâm kinh tế từ châu Âu sang các khu vực phát triển nhanh nhất thế giới, trong đó châu Á – Thái Bình Dương đương nhiên là ưu tiên số một. Sự có mặt của Anh được Nhật Bản kỳ vọng sẽ tăng vị thế cho CPTPP khi đương đầu với Trung Quốc.Trong bối cảnh Nhật Bản rất muốn kết nạp Anh để có thêm đồng minh chiến lược cũng như lập công đầu trong việc kết nạp thành viên mới đầu tiên sau 11 thành viên chính thức ban đầu, Trung Quốc càng cảm thấy đây là thời điểm phải nộp đơn ngay, để phá thế liên kết giữa Nhật và Anh. Chính tờ báo của Trung Quốc South China Morning Post dẫn nhận định của chuyên gia Sourabh Gupta thuộc Viện nghiên cứu Mỹ – Trung tại Washington rằng “Trung Quốc muốn bắt đầu đàm phán trước khi Anh gia nhập hiệp định vì nguy cơ việc gia nhập của họ bị phủ quyết sẽ cao hơn sau khi Anh tham gia.”

Không chỉ về mục tiêu chiến lược, tiếp cận ngoại giao của Trung Quốc với vấn đề này cũng rất kỹ lưỡng. Trung Quốc hiểu rằng Nhật Bản, quốc gia đang giữ vai trò dẫn dắt 11 thành viên còn lại sau khi Mỹ rút khỏi, sẽ không muốn Trung Quốc vào được CPTPP vì lo ngại mất đi quyền lãnh đạo Hiệp định cũng như lợi ích chiến lược tại khu vực. Trong bối cảnh Nhật Bản lại đang là Chủ tịch CPTPP năm 2021, Trung Quốc đã rất tính toán khi tiếp cận New Zealand.

Đầu năm 2021, Trung Quốc đã ký một thỏa thuận nâng cấp hiệp định thương mại tự do song phương với New Zealand – Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern. Ảnh:CNN

New Zealand là một trong bốn thành viên sáng lập của Hiệp định cùng với Brunei, Chile và Singapore. Nước này hiện vẫn là một thành viên quan trọng của CPTPP, và là nước phụ trách tiếp nhận hồ sơ xin gia nhập. Đơn đăng ký của Trung Quốc không được nộp cho nước Chủ tịch CPTPP năm nay là Nhật Bản mà nộp cho New Zealand. Đầu năm 2021, Trung Quốc đã ký một thỏa thuận nâng cấp hiệp định thương mại tự do song phương với New Zealand, một hiệp định được coi là có lợi cho New Zealand hơn là cho Trung Quốc. Đây là bước đi khéo léo nhằm “lấy lòng” New Zealand để chuẩn bị cho việc nôp hồ sơ gia nhâp CPTPP.

Trung Quốc cũng tính toán rất kỹ khi biết vị trí chủ tịch hiệp định của Singapore vào năm 2022, năm có thể quyết định trong việc đàm phán gia nhập của Bắc Kinh. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị đã đến thăm Singapore vào giữa tháng 9/2021. Chuyến thăm của ông Vương Nghị là để vận động và Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan đã tuyên bố rằng nước này hoan nghênh sự quan tâm của Trung Quốc đối với CPTPP. Trung Quốc cũng đã vận động thành công Malaysia ủng hộ việc gia nhập CPTPP và đang nỗ lực thúc đẩy nhiều quốc gia ở Đông Nam Á không phản đối việc Trung Quốc tham gia đàm phán trong năm tới.

Không chỉ khôn ngoan trong động cơ chiến lược và cách vận động hành lang, tính toán thời điểm nộp đơn của Trung Quốc cũng rất sâu sắc. Nhận thấy tình hình Afghanistan đang hỗn loạn và chính quyền Biden vẫn đang bị phân tâm bởi vấn đề Trung Đông, Trung Quốc đã hành động ngay. Động thái này khiến Nhật Bản, Mỹ và cả Đài Loan đều mất cảnh giác và phần nào bị bất ngờ. Chính quyền Biden cũng đang bận rộn với việc thành lập AUKUS, khuôn khổ hợp tác an ninh mới với Vương quốc Anh và Australia. CPTPP không nằm trong tầm ngắm lúc này. Đài Loan dù quan tâm đến việc gia nhập CPTPP cũng đã hoàn toàn bị động và việc gia nhập sớm đầy bất ngờ của Trung Quốc mới khiến Đài Loan sực tỉnh và vội làm theo.

Cho dù đã tiến hành những bước đi đầy chiến lược như vậy, câu hỏi đặt ra là Trung Quốc có thành công trong việc gia nhập CPTPP hay không? Nhiều chuyên gia đã đưa ra những nhận định hợp lý.

Thứ nhất, nền tảng của CPTPP vẫn là một hiệp đinh mang tính kiềm chế đối với Trung Quốc ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Mỹ và đồng minh thân cận rất khó để Trung Quốc ở chung con thuyền CPTPP. Trung Quốc có gia nhập được CPTPP hay không cần sự đồng thuận của 11/11 nước tham gia. Úc có thể là trở ngại lớn nhất khi quan hệ giữa nước này và Trung Quốc đang ở mức thấp vì căng thẳng ngoại giao, chính trị, thương mại. Nhật Bản như đã nói cũng không mặn mà gì với ý tưởng Trung Quốc gia nhập nên chỉ cho biết sẽ sớm tham vấn với các thành viên còn lại để “xác định liệu Bắc Kinh đã sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn cực kỳ cao của nhóm hay chưa”, theo lời Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Nishimura Yasutoshi phát biểu ngày 17 tháng 9. Anh cũng đã đàm phán và khả năng được kết nạp sớm là rất cao với sự đồng thuận của đa số các nước, nếu Anh gia nhập trước thì khả năng bị phủ quyết của Trung Quốc cũng càng lớn. Như vậy, việc Trung Quốc dành được tất cả đồng thuận để gia nhâp CPTPP ngày càng khó.

Thứ hai, CPTPP ngày càng siết chặt các quy tắc mới, liên quan đến kinh tế thị trường, trợ cấp cho doanh nghiệp, bảo vệ sở hữu trí tuệ và phúc lợi cho người lao động. Các nhà phân tích thương mại đều nhận định cơ hội cho Trung Quốc vượt qua các quy định này là thấp. Hãng tin Bloomberg nhận định một trong những điểm trọng tâm của CPTPP là các thành viên phải cam kết tạo ra sân chơi công bằng cho doanh nghiệp tư nhân và quốc doanh, không áp dụng các chính sách bảo hộ cho quốc doanh làm ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh chung của thị trường. Nhưng vấn đề này rất phức tạp ở Trung Quốc, với nhiều doanh nghiệp quốc doanh được ưu đãi đang là xương sống của nền kinh tế nước này. Với tính chất như vậy, Trung Quốc không được coi là nền kinh tế thị trường đầy đủ và Trung Quốc không dễ phá vỡ cấu trúc kinh tế này để hi sinh nó cho việc gia nhập CPTPP. Ngay cả khi bằng một cách nào đó Trung Quốc có thể chấp nhận các điều khoản nghiêm ngặt của CPTPP như một điều kiện cần thiết để gia nhập, Trung Quốc cũng không dễ chịu tuân thủ các quy định đó một cách triệt để được, bao gồm cả việc xóa bỏ thuế quan, thay đổi hướng sâu hơn về kinh tế thị trường, quyền của người lao động, trợ cấp cho doanh nghiệp cũng như mua sắm chính phủ. Ngay trong cuộc họp báo sau khi nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản vào đầu tháng 10, ông Kishida Fumio đã tuyên bố cần xem xét liệu Trung Quốc có thể đáp ứng các tiêu chuẩn cao mà hiệp định yêu cầu hay không. Đây cũng là cách ám chỉ việc gia nhập của Bắc Kinh sẽ khó.

Thứ ba, câu hỏi đặt ra ở đây là liệu chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình có thực sự nghiêm túc muốn gia nhập hay không, hay lá đơn vừa qua chỉ là một phép thử địa chính trị của Bắc Kinh. Nhiều chuyên gia đã nghi ngờ ý định tham gia CPTPP của Trung Quốc. Họ cho rằng Bắc Kinh không sẵn sàng cho các cuộc đàm phán mang tính chất quyết định, trong bối cảnh nước này đang tiến hành nhiều chính sách kinh tế đi ngược lại chuẩn mực CPTPP như sáp nhập các công ty lớn của nhà nước hay áp các khoản tiền phạt chống độc quyền đối với các công ty tư nhân lớn, chèn ép khiến tập đoàn tư nhân phải chia nhỏ. Chẳng có gì cho thấy Trung Quốc muốn cải cách để gia nhập CPTPP cả. Đơn cử một ví dụ gần nhất là việc Trung Quốc không ủng hộ việc cho phép lưu chuyển dữ liệu tự do xuyên biên giới, một yêu cầu của CPTPP. Trên thực tế, Bắc Kinh còn đang đi theo hướng ngược lại, từ đầu tháng 9 đã thực thi một luật về bảo mật dữ liệu.

Các lực lượng ủng hộ kiểm soát nhà nước chặt chẽ hơn và phê phán CPTPP xâm phạm chủ quyền quốc gia đang rất mạnh trong nội bộ Trung Quốc, vì thế, không phải không có lý khi nghĩ rằng tuyên bố xin gia nhập CPTPP của Bắc Kinh mang nhiều tính chất “chính trị” hơn là thực tế.

Chiến lược của Trung Quốc dường như muốn gây khó rễ cho nội bộ CPTPP và là phép thử đối với phản ứng của các nước liên quan. Khó nhất chính là Nhật Bản, nước hiện đang là chủ tịch CPTPP và hiện phải đối mặt với áp lực phải đưa ra quyết định về cách đối phó với Trung Quốc trên mặt trận này, đặc biệt càng khó khi Đài Loan cũng nộp đơn.

Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn coi việc gia nhập CPTPP là mục tiêu chính trong nhiệm kỳ cuối của mình.Ảnh: SAM YEH/AFP

Cách xử lý đơn xin của cả Trung Quốc và Đài Loan như thế nào là rất phức tạp, chấp nhận một trong hai đều gây mất quan hệ nghiêm trọng với bên còn lại.  Nhật Bản có trách nhiệm dẫn dắt các cuộc thảo luận khó khăn này hướng tới tương lai bền vững của CPTPP, làm sao  không để các nước “chính trị hoá” CPTPP, đảm bảo mục đích kinh tế công bằng của tổ chức này là thách thức lớn đối với Nhật Bản.

Nhật Bản đang tỏ ý hoan nghênh Đài Loan và viện dẫn rằng hiệp định quy định các quốc gia lẫn các vùng lãnh thổ hải quan riêng biệt đều có thể nộp đơn xin gia nhập. Chính phủ Nhật Bản đã giải thích rằng Đài Loan vẫn là “lãnh thổ hải quan” cũng như thành viên WTO.  Với lập luận này, rào cản duy nhất mà Đài Loan cần vượt qua là đáp ứng được các tiêu chuẩn cao của Hiệp định. Nếu Đài Loan được gia nhập mà Trung Quốc lại không, thì cuộc chiến thương mại và địa chính trị ở châu Á sẽ ngày càng khốc liệt. Có vẻ như gánh nặng điều phối công việc phức tạp này sẽ được đặt lên vai Singapore, nước Chủ tịch CPTPP năm tới.

Đang có chiến dich vận động kêu gọi Washington quay trở lại CPTPP để ngăn Bắc Kinh gây ảnh hưởng lên các quy định thương mại toàn cầu. Nhưng người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden chưa xem xét quay trở lại hiệp định CPTPP mà thúc đẩy các lựa chọn khác, bao gồm tăng cường quan hệ kinh tế tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Điều này đẩy các quốc gia khác vào thế khó khăn. Sự vắng mặt của Mỹ trong hiệp định kinh tế quan trọng ở châu Á có thể sẽ khiến khu vực này quay sang Trung Quốc. Trung Quốc gia nhập thành công, CPTPP sẽ mất đi tiêu chí ban đầu là tạo ra một khu vực kinh tế lớn dọc vành đai Thái Bình Dương đủ sức đối trọng với nền kinh tế theo mô hình Bắc Kinh. Trung Quốc cũng sẽ nắm trong tay quyền phủ quyết đơn gia nhập của Mỹ hay bất kỳ đơn gia nhập nào sau đó. Đây cũng sẽ là bước quan trọng để Trung Quốc nắm trọn ảnh hưởng kinh tế khu vực sau khi đã ký kết Hiệp định đối tác kinh tế RCEP năm ngoái.

Như vậy, dù có vào được CPTPP hay không, tính toán của Trung Quốc trong việc nộp đơn gia nhập không thuần tuý thương mại mà chủ yếu để ngăn chặn ảnh hưởng của Mỹ, làm loãng sự thâu tóm đồng minh của Mỹ, thao túng các nước liên quan, đo đếm phản ứng của từng nước trong khu vực đối với Trung Quốc. Đây là những tính toán rất sâu đòi hỏi những quốc gia liên quan phải có động thái phù hợp, để bảo vệ giá trị nền tảng của CPTPP cũng như tránh bị lôi kéo vào cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc.

Bình Minh

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN