Bạo lực quân sự có còn là công cụ hữu ích trong quan hệ quốc tế?

Vào cuối những năm 1930, chính quyền Roosevelt trở nên đáng tin cậy trước thế giới khi vị Tổng thống này thuyết phục rằng “an ninh của Mỹ phụ thuộc vào khả năng đối thoại và giành được sự ủng hộ của người dân ở các quốc gia khác”. Tuy nhiên từ đó về sau, Mỹ lại sa lầy vào các cuộc xung đột vũ trang tại nước ngoài và đánh mất sự tín nhiệm cũng như vị thế quốc tế của mình. Đỉnh điểm chính là cuộc khủng hoảng tại Afghanistan hôm 15/8 vừa qua.

Nhưng những gì diễn ra tại Afghanistan không đơn thuần chỉ là báo hiệu cho sự suy giảm quyền lực của Mỹ. Nó còn thể hiện nhiều hơn là việc một quốc gia cụ thể đang suy yếu, đó là chỉ dấu cho thấy bạo lực quân sự không còn là công cụ hữu hiệu để đạt được lợi ích chính trị trong quan hệ quốc tế. Ngược lại, thế giới đang bước vào kỷ nguyên của “sức mạnh mềm”, và uy tín quốc gia được nhận định thông qua những hoạt động hợp tác hiệu quả trong nước và quốc tế. Chính những khía cạnh quyền lực không mùi thuốc súng mới có tiềm năng mang lại lợi thế mạnh mẽ cho các nước.

Cú ngã ngựa của Mỹ tại Afghanistan hay dấu hiệu kết thúc của thời đại “bạo lực quân sự”

Vài tuần sau sự kiện Al Qaeda tấn công khủng bố vào nước Mỹ ngày 11/9/2001, Tổng thống Mỹ đương nhiệm George W. Bush tuyên bố các lực lượng Mỹ đã tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các nhóm khủng bố và các mục tiêu Taliban ở Afghanistan. Bắt đầu từ lúc đó, Mỹ dấn thân vào cuộc chiến tại nước ngoài dài nhất trong lịch sử, kéo theo các đồng minh khối NATO vào “miền đất dữ” Afghanistan. Chiến trường này đã lấy riêng từ Mỹ 20 năm, hơn 2  nghìn tỷ đô-la và gần 2.500 lính Mỹ đã thiệt mạng (theo tính toán của Đại học Brown, Mỹ). Đó còn chưa tính đến các chi phí y tế, thương tật và chôn cất cùng các chi phí khác cho hơn 4 triệu cựu binh Afghanistan và Iraq. Nhưng mong muốn đem lại trật tự và ổn định mà Mỹ và đồng minh kỳ vọng khi đổ tiền, đổ quân vào Afghanistan đã không mang lại kết quả gì trong khi xung đột, nội chiến ở khu vực này vẫn quyết liệt. Không những Mỹ không giải quyết được Taliban, mà sau khi Mỹ rút quân nhóm này tràn ngược vào mạnh mẽ. Với chiến thắng chóng vánh của Taliban hôm 15/08, cả thời gian lẫn nguồn ngân sách khổng lồ Mỹ dành cho Afghanistan coi như “công cốc”.

Bên cạnh đó, từ năm 2002 đến 2017, Mỹ đã cung cấp cho quân đội Afghanistan ước tính 28 tỷ đô-la vũ khí, bao gồm súng, tên lửa, kính nhìn ban đêm và thậm chí cả máy bay không người lái nhỏ để thu thập thông tin tình báo. Cơ quan Chính phủ Mỹ GAO (U.S. Government Accountability Office) cho biết từ năm 2003 đến năm 2016, Hoa Kỳ đã cung cấp cho các lực lượng Afghanistan 208 máy bay các loại. Trong số đó có trực thăng Black Hawk, loại trực thăng thành công nhất của quân đội Mỹ, vốn được cho là lợi thế lớn nhất của quân đội Afghanistan trước Taliban. Tất cả phương tiện, khí tài quân sự hiện đại bậc nhất này giờ đã trở thành “chiến lợi phẩm” cho phe Taliban. Một quan chức Mỹ trả lời tờ Reuters cho hay, mặc dù chưa có con số chính xác, nhưng các thông tin tình báo hiện tại ước chừng Taliban đang nắm trong tay hơn 2.000 xe thiết giáp, trong đó có loại Humvee hiện đại của Mỹ, và đến 40 phi cơ bao gồm loại trực thăng UH-60 Black Hawk, trực thăng trinh sát tấn công và máy bay quân sự không người lái ScanEagle.

Afghanistan không phải là cuộc chiến duy nhất mà Mỹ tiến hành kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Đã có chiến tranh Việt Nam, Iraq, Iran, Syria, Lybia, Afghanistan… và vô số các cuộc đụng độ vũ trang khác nhau. Dường như sau thất bại tại Việt Nam, Mỹ đang cố gắng chứng minh lại ưu thế quân sự của mình trên mặt trận nước ngoài, chủ yếu nằm tại khu vực Trung Đông. Nhưng mẫu số chung của các chiến trường mới này là không ở nơi nào Mỹ giành được thắng lợi hoàn toàn, nếu không nói là những thất bại nặng nề và cay đắng như Afghanistan tháng 8 vừa qua. Tờ El País của Tây Ban Nha nhận định, “Kể từ năm 1945, Washington đã không giành được một thắng lợi rõ ràng nào ngoại trừ Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Việc rút quân khỏi Afghanistan và Iraq phản ánh khó khăn của nước này trong việc đối phó với chiến tranh du kích”.

Nhưng có lẽ lí do thật sự cho điều này không hoàn toàn nằm ở khó khăn của Mỹ trước chiến tranh du kích. Mỹ đã tiếp xúc với loại hình chiến tranh này từ khi còn ở Việt Nam và từ đó tới nay không ít lần các chuyên gia quân sự Mỹ đã phân tích về chiến tranh du kích, thiết tưởng đủ để Mỹ có thể đối phó nếu gặp lại hình thức chiến tranh như thế một lần nữa. Với mức độ đầu tư cho quân sự vẫn rất lớn như hiện nay, cũng không thể lầm tưởng rằng câu chuyện tại Afghanistan là minh chứng cho việc sức mạnh quân sự của Mỹ đang suy yếu. Cần phải nhìn rộng hơn, rằng hình ảnh Afghanistan vào trung tuần tháng 8 vừa qua không chỉ là chỉ dấu cho Mỹ mà còn cho cả thế giới về “làn gió đổi chiều” trong quan hệ quốc tế: thời đại các nước gây ảnh hưởng bằng bạo lực quân sự giờ đã đến hồi thoái trào.

Sau Chiến tranh thế giới II, trật tự thế giới hỗn loạn, các nước ít nhiều chịu thiệt hại chiến tranh nên sức chống trả còn yếu. Trước tình thế như vậy, nhiều nước lớn đã tận dụng lợi thế quân sự để tiến hành các đợt tấn công mới nhằm gây ảnh hưởng, tạo vị thế trên trường quốc tế, chủ yếu là Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc và một số nước phương Tây. Phô trương sức mạnh quân sự có thể có lợi trong việc đóng khung các chương trình nghị sự, thuyết phục các chính phủ khác và thu hút sự ủng hộ trong nền chính trị thế giới. Hành động dấn thân vào xung đột vũ trang tại các nước cũng có thể giúp các nước lớn được hưởng lợi từ thực tế là nhiều quốc gia yếu thiếu tính hợp pháp hoặc năng lực để kiểm soát lãnh thổ của mình một cách hiệu quả.

Người Nga và người Syria tập trung bên cạnh một đoàn xe quân sự Mỹ bị mắc kẹt tại làng Khirbet Ammu, phía đông thành phố Qamishli, Syria. Ảnh chụp ngày 12/2/2020, cuộc chiến tại Syria vẫn diễn ra ngay cả khi đại dịch bao trùm thế giới. Ảnh: AP

Tuy nhiên, trong thời đại thế giới phẳng ngày nay, vai trò của lực lượng quân sự trong nền chính trị thế giới đang nhận được nhiều nghi vấn. Trong nhiều mối quan hệ và vấn đề quốc tế, lực lượng quân sự ngày càng gây khó khăn hoặc tốn kém cho các quốc gia sử dụng. Quay trở lại với câu chuyện Mỹ và Afghanistan, chủ trương chống khủng bố ngay tại “sào huyệt” của Tổng thống Bush tại thời điểm năm 2001 là phù hợp trước những nguy cơ đe dọa an ninh Mỹ và thế giới. Nhưng sau khi thành công đánh đuổi Tabiban và tiêu diệt Bin Laden, Mỹ sa chân vào cách tiếp cận như thường thấy, đó là đổ tiền của để xây dựng mô hình nhà nước theo kiểu Mỹ tại Afghanistan và điều động quân sự đến bảo vệ thành tựu của Hoa Kỳ tại đất nước Trung Đông này. Đó là sai lầm mang tính chiến lược của Mỹ. Hàng nghìn tỷ đô-la chi cho quân sự và tái thiết không những không ổn định và phục hồi nền kinh tế – chính trị Afghanistan mà còn kéo cả “mẫu quốc” Mỹ đi xuống. Thay vì tạo lập được vị thế hùng mạnh trên trường quốc tế, hôm nay Mỹ phải nhận những chỉ trích từ chính những đồng minh đa quốc gia đã tham chiến tại chiến trường Afghanistan. Mỹ đã phải đối mặt với “khủng hoảng tín nhiệm” trước thế giới. Đầu tư vào quân sự, sức mạnh cứng không mang lại như ý muốn, không khiến các nước mạnh lên mà còn suy yếu đi. Việc Mỹ hiện diện quân sự ở quá nhiều các chiến trường nước ngoài đang làm suy giảm nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời đẩy gánh nặng lên chính người dân Mỹ – những người đang phải đóng thuế để kiến thiết một đất nước không phải quốc gia của chính họ. Việc đẩy nhanh chạy đua vũ trang làm kiệt quệ tài chính quốc gia trong khi ít có khả năng đạt được lợi ích quốc tế tương xứng được coi là “lợi bất cập hại”. Rõ ràng, sức mạnh quân sự đã không còn là yếu tố đủ trong cấu trúc các kỳ vọng và định hình các tính toán chính trị liên quan đến quan hệ quốc tế ngày nay.

Sách lược kinh tế liệu có phải là con đường mới?

Ngay từ khi Mỹ còn ở trạng thái dùng dằng “bỏ thì thương, vương thì tội” với nhà nước Cộng hòa Afghanistan do mình hậu thuẫn, những nước mới trỗi dậy, giữ được kinh tế phát triển, có được nguồn lực để mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, đặc biệt là Trung Quốc ở châu Á, đã lựa chọn cách khác để tiếp cận các vấn đề quan hệ quốc tế. Những nước này không đi lên bằng quân sự, chiến tranh; mà do tận dụng sức mạnh mềm để làm công cụ phát triển quốc gia và thế giới. Các nghiên cứu Trung Quốc trong 30 năm trỗi dậy là minh chứng cho sự việc này. Trong khi Mỹ đổ quân vào các nước thì Trung Quốc tận dụng kinh tế để truyền bá tầm ảnh hưởng của mình, mà mấu chốt chính là sáng kiến “Vành đai – Con đường”.

Kể từ khi công bố chiến lược “Vành đai – Con đường”, Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tấn công quyến rũ đối với châu Á và các quốc gia khác dọc theo tuyến đường tơ lụa lịch sử, huy động đầy đủ các nguồn lực chính trị, kinh tế và ngoại giao để tạo dựng một hình ảnh tích cực về chiến lược “Con đường Tơ lụa mới” giữa cộng đồng quốc tế. Mong muốn của Chính phủ Trung Quốc là tăng cường ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc và thúc đẩy hội nhập kinh tế chặt chẽ hơn với các quốc gia châu Á láng giềng thông qua cải thiện kết nối giữa các khu vực trong khuôn khổ chiến lược này. Các sáng kiến mới về “Con đường Tơ lụa trên biển” cũng cho thấy Trung Quốc hiện đang bắt đầu đảm nhận vai trò lãnh đạo để phản ánh vị thế của nước này như một cường quốc đang lên trên toàn cầu; đưa Trung Quốc trở thành trung tâm địa kinh tế và địa chính trị trong khu vực và hơn thế nữa. Trung Quốc muốn mình là một tác nhân trung tâm cả trong khu vực cũng như trên sân khấu kinh tế và chính trị của thế giới. Sức mạnh địa kinh tế đang gia tăng của Trung Quốc có nghĩa là nước này hiện là đối tác kinh tế và thương mại lớn nhất của hầu hết các quốc gia châu Á.

Như vậy, kỳ vọng của Trung Quốc khi thực hiện chiến lược dài hơi này là chiếm ưu thế, tạo ảnh hưởng và từ đó mang lại cho quốc gia của họ nguồn tài nguyên, cung ứng sản xuất, để Trung Quốc vươn lên ở châu Á, Phi, Mỹ Latin. Một mặt, Trung Quốc với chiến lược “Vành đai – Con đường” với mũi nhọn là kinh tế đã chạm đến nhiều nước. Các nước được an ủi nỗi lo về đe dọa quân sự, lại cần đầu tư của Trung Quốc để phát triển cơ sở hạ tầng, khiến cho những lời đề nghị hợp tác của Bắc Kinh dường như chỉ có lợi chứ không mấy có hại. Mặt khác, về phía Trung Quốc, các sáng kiến “Vành đai – Con đường” vừa phản ánh sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc trên trường toàn cầu, về mặt kinh tế, chính trị và chiến lược; vừa giúp Bắc Kinh triển khai được sức mạnh, vai trò của mình.

Bản đồ mô tả sáng kiến “Vành đai – Con đường” của Trung Quốc. Nếu thành công, sáng kiến này sẽ tạo ra con đường thương mại phủ khắp thế giới với trung tâm là Trung Quốc. Ảnh: Belt and Road Research Platform

Cụ thể hơn, các sáng kiến ​​“Con đường Tơ lụa mới” đã cung cấp một kênh để các công ty và vốn của Trung Quốc đầu tư vào các nước khác bằng cách tận dụng thế mạnh của Trung Quốc trong phát triển cơ sở hạ tầng, sức mạnh tài chính và năng lực sản xuất. Trung Quốc vừa hồi sinh được di sản lịch sử “Con đường Tơ lụa” – một mạng lưới liên kết rộng khắp các tuyến đường hàng hải và đường bộ cho thương mại, thông tin liên lạc và trao đổi văn hóa từng kết nối Trung Quốc với các nước châu Á, Trung Đông, châu Phi và thậm chí đến Châu Âu, vừa tận dụng sức mạnh kinh tế đáng gờm của mình để theo đuổi các mục tiêu địa chính trị chiến lược lâu dài. Việc thực hiện các sáng kiến ​​“Vành đai – Con đường” sẽ giúp Trung Quốc tiếp cận nhiều hơn với năng lượng và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác, từ các quốc gia như Turkmenistan, Kazakhstan và Nga, cũng như các thị trường rộng lớn dọc theo con đường tơ lụa để tăng trưởng kinh tế bền vững trong nước và thúc đẩy lợi ích kinh tế quốc gia ở nước ngoài. Các sáng kiến ​​phát triển cơ sở hạ tầng, thương mại và kinh tế của chiến lược Con đường Tơ lụa sẽ khôi phục lại các quân cảng, các chuỗi kinh tế, vận tải của Trung Quốc tại nước ngoài. Nếu thành công đối với khu vực Đông Nam Á và Nam Á thì Trung Quốc sẽ có lợi thế rất lớn, rút ngắn được vận tải quốc tế, thuận lợi cho việc giải quyết tình hình năng lượng khi không phải ngang qua eo biển Malacca hiện đang trong tầm ngắm của căn cứ quân sự Mỹ. Về mặt quan hệ quốc tế, Trung Quốc đặt mục tiêu triển khai hơn nữa năng lực quốc gia ngày càng tăng và sử dụng sức mạnh kinh tế và tài chính của mình để mở rộng ảnh hưởng địa chính trị trong khu vực và ở nước ngoài. Do đó, các quốc gia dọc theo các tuyến đường của Con đường Tơ lụa sẽ được đưa vào quỹ đạo kinh tế của Trung Quốc và từ đó cũng sẽ chịu sự chi phối từ quỹ đạo chính trị Bắc Kinh.

Trung Quốc tuy đi sau Hoa Kỳ trong cuộc chạy đua cường quốc nhưng chắc chắn có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc phủ rộng bá quyền của mình. Nắm bắt được xu hướng cùng hợp tác – cùng phát triển, Trung Quốc đã sử dụng con bài kinh tế vốn dễ gây thiện cảm với các nước, đồng thời xây dựng hình ảnh đối tác thân thiện, hòa bình, ủng hộ sự vươn lên của thế giới mà không dùng đến chiến tranh. Hay nói cách khác, Trung Quốc đang phát huy hết sức nguồn tài nguyên “sức mạnh mềm” của mình. Như học giả chính trị Joseph Nye đã nhận định: “Một quốc gia có thể đảm bảo những kết quả mà họ mong muốn trên chính trường thế giới bởi vì các quốc gia khác mong muốn mức độ thịnh vượng và cởi mở của quốc gia đó. Việc thiết lập chương trình nghị sự trong chính trị thế giới và thu hút người khác cũng quan trọng không kém việc buộc họ thay đổi thông qua việc đe dọa hoặc sử dụng vũ khí quân sự”. Các quốc gia như Canada, Hà Lan, và các quốc gia vùng bán đảo Scandinavia có ảnh hưởng chính trị lớn hơn sức nặng quân sự và kinh tế của họ vì họ ủng hộ viện trợ quốc tế và gìn giữ hòa bình.

Có thể nói, sức mạnh mềm mới chính là xu hướng tiếp theo trên trường quốc tế.

Sức mạnh quân sự chỉ là thứ yếu

Thế giới sau Chiến tranh Lạnh, sau Chiến tranh Việt Nam là minh chứng cho thấy bạo lực quân sự không thể giải quyết được quan hệ quốc tế, quan hệ địa chính trị; mà còn làm lụi tàn quyền lực của quốc gia và thế giới, hủy hoại môi trường và di sản nhân loại. Bạo lực quân sự để lại trên đất nước mặt trận những dấu vết của xung đột, hủy hoại xã hội; cũng khiến các nước tham chiến suy yếu, kiệt quệ. Đối với hầu hết các cường quốc ngày nay, hay ngay cả các quốc gia phi dân chủ ít bị ràng buộc về mặt đạo đức đối với việc sử dụng vũ lực, việc sử dụng bạo lực quân sự phải xem xét đến các ảnh hưởng gây nguy hiểm cho các mục tiêu kinh tế quốc gia. Rõ ràng, để một đất nước vững vàng trước các nguy cơ, thách thức từ bên ngoài, đất nước ấy cần có nội lực dồi dào, ổn định. Muốn gây dựng được nội lực quốc gia thì cần đến phát triển kinh tế, mà muốn phát triển kinh tế cần có thời gian dài hòa bình, ổn định, tập trung được cả tài nguyên nhân lực lẫn tài nguyên vật chất. Trong khi đó, bạo lực quân sự đi ngược lại với tất cả các điều kiện trên: không tạo ra của cải vật chất, tốn người hao của, và quan trọng hơn là gây tổn hại đến hình ảnh quốc gia. Quan niệm truyền thống rằng “cường quốc” là “quốc gia mạnh về quân lực” nay đã thay đổi khi thời đại hiện nay nghiêng về công nghệ, kinh tế; từ đó các nguồn quyền lực, nguồn ảnh hưởng chính trị cũng đã thay đổi.

Mỹ có lí do để lo ngại Trung Quốc phát triển sức mạnh quân sự trước những hành động gây hấn không những ở biển Đông mà còn Ấn Độ Dương và Bắc Cực. Các nước cũng đang đầu tư để triệt hạ nhau. Nhưng điều đó, nhìn từ lịch sử, ta không thể không thấy bài học là quân sự không giải quyết được vấn đề. Việc phát triển vũ khí ngày nay phải mang mục đích bảo vệ quyền lợi hơn là để mở chương trình tổng lực triệt hạ nhau như nửa đầu thế kỷ XX. Chắc chắn nhà lãnh đạo hai nước phải nghĩ tới hậu quả khi tiến hành chạy đua vũ trang để kiềm chế, hạn chế nhau nhằm giành ảnh hưởng, hay nghĩ tới nguy cơ Chiến tranh Thế giới III hoặc xung đột vũ trang Mỹ – Trung. Hơn nữa, ngày nay, nền tảng của quyền lực đã không còn chú trọng vào lực lượng quân sự. Có quá nhiều yếu tố cần cân nhắc: vũ khí hạt nhân quá khủng khiếp để sử dụng, những khó khăn trong việc xây dựng đế chế kiểu mẫu trong thời đại dân tộc chủ nghĩa, các xã hội phương Tây không còn sẵn lòng gửi quân tham chiến; tất cả đã biến chiến tranh trở thành phương sách cuối cùng đối với hầu hết các nước tiên tiến.

Tuy nhiên, chiến tranh vũ lực có thể thoái trào, nhưng không dễ gì biến mất hoàn toàn. Thay vào đó, việc sử dụng vũ lực đang có những hình thức mới. Các nhà lý luận quân sự ngày nay viết về “chiến tranh thế hệ thứ tư”, loại hình chiến tranh “không dễ dàng xác định chiến trường hay mặt trận, không dễ dàng phân biệt quân sự và dân sự”. Sự xuất hiện của loại hình chiến tranh kiểu mới cũng sẽ kéo theo sự xuất hiện của các vũ khí kiểu mới, với sức sát thương không phân biệt quân sự hay dân sự; đây là điều làm các học giả quân sự e ngại.

Mỹ cũng đã dần nhận ra rằng cách tiếp cận “cứng” qua bạo lực quân sự khó giải quyết được vấn đề quan hệ quốc tế, và cho dù là siêu cường số 1 thế giới Mỹ cũng không thể giải quyết tất cả một mình. Mặc dù không giảm đầu tư cho quân sự, Washington cũng đang tìm con đường khác. Mỹ đang tìm cách lôi kéo, huy động các đồng minh quốc tế vào mục tiêu của mình: xây dựng “bộ tứ kim cương” QUAD ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tiếp cận Việt Nam – Singapore tại Đông Nam Á và tăng cường quan hệ đồng minh với những người bạn cũ NATO. Việc Phó Tổng thống Kamala Harris đến thăm Việt Nam và công bố khoản đầu tư 1,2 tỷ đô-la để xây dựng Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho thấy Mỹ đang lên kế hoạch dài hơi và tiếp cận các nước theo nhiều khía cạnh hơn.

Năm 1998, nhà lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân nói: “Thắng Mỹ không phải bằng phát triển quân sự mà phải bằng chiến tranh nhân dân không hạn chế”. Câu nói này đến giờ ta mới hiểu được phần phần nào tính toán chính trị của Trung Quốc. Cụm từ “không hạn chế” có lẽ phần nào báo trước về “thế hệ chiến tranh thứ tư” như trên. Chương trình chiến tranh nhân dân không phải bằng tổng lực, mà bằng văn hóa, kinh tế, sức mạnh mềm và huy động được tất cả các doanh nghiệp, sử dụng sức mạnh tài chính, công cụ là chủ yếu. Chúng ta phải tiếp tục suy nghĩ, giải mã được “chiến tranh không hạn chế” nói lên điều gì. Chỉ biết nó không có giới hạn, mục tiêu cụ thể. Đây chính là nguy cơ thực sự đe dọa đến thế giới ngày nay, cần phải lưu tâm hơn nữa.

Như vậy, khi xem xét tình hình thế giới và cách các nước đang điều chỉnh chiến lược ngoại giao của mình như hiện nay, ta nhận ra sự thay đổi trong quan hệ quốc tế. Sự cạnh tranh, đối đầu không chỉ nằm trên các khía cạnh quân sự truyền thống mà còn trong cuộc chạy đua về kỹ thuật, công nghệ. Xung đột vũ trang sẽ dần ít được sử dụng, mà các nước sẽ đầu tư thứ “vũ khí” mới có sức phủ rộng hơn để đạt được hiệu quả mong muốn đối với chính trị thế giới.■

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN