Chỉ trong thời gian một tháng chúng ta đã có dịp chứng kiến hai chuyến thăm đầu tiên của hai thành viên cấp cao trong nội các của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Đông Nam Á. Đó là chuyến thăm Singapore, Philippines và Việt Nam (24 – 26/8) của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin Austin và chuyến thăm Singapore và Việt Nam (24 – 26/8) của Phó Tổng Thống Kamala Harris.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Phó Tổng thống Hoa Kỳ tại Việt Nam và là chuyến công du nước ngoài lần thứ hai trên tư cách là Phó Tổng Thống của bà Kamala Harris. Các hoạt động ngoại giao này của Hoa Kỳ đều chứa đựng rất nhiều ý nghĩa và thông điệp.
1. Đông Nam Á là khu vực có vị trí địa chiến lược vô cùng quan trọng, đặc biệt trong đó có nhiều nước nằm trên đường huyết mạch của vận tải biển trên Biển Đông. Đông Nam Á chính là khu vực đang tạo ra một số “cơ hội lớn nhất” nhưng cũng có “những mối đe dọa lớn nhất”. Tuy nhiên, trong nhiều thập kỷ vừa qua, Hoa Kỳ không có chính sách nhất quán và chưa có sự coi trọng đúng mức đối với Đông Nam Á. Quan hệ giữa hai bên chứa đựng nhiều yếu tố bất định.
Từ năm 2009, chính quyền Obama bắt đầu tiến hành chính sách xoay trục về châu Á – Thái Bình Dương khi nhận thức rõ hơn về vị trí địa chính trị, kinh tế, an ninh hàng hải của khu vực. Ở một mức độ nào đó họ cũng nhận thấy mối đe đọa của Trung Quốc đối với an ninh khu vực. Tuy nhiên, chính sách của Obama cũng chưa mang tính chất triệt để, chưa thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với những đề nghị của ASEAN và khu vực.
Từ khi lên nắm quyền năm 2017, chính quyền Trump cho thấy họ có nhận thức rõ ràng hơn về nguy cơ đe dọa của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới. Trump đã đưa ra sáng kiến thành lập Bộ Tứ kim cương, bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật, Australia như một trục chính để đối trọng với mưu đồ độc chiểm Biển Đông của Trung Quốc. Tuy nhiên Trump gần như bỏ qua vai trò của Đông Nam Á trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ.
Quyết định sai lầm rút ra khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – một Hiệp định mang rất nhiều ý nghĩa về kinh tế, thương mại giữa Mỹ và 12 nước nằm ở bên bờ Thái Bình Dương, đã gần như cắt đứt mọi mối quan hệ giữa hai bên.
Việc ông Biden trúng cử, cộng với việc bổ nhiệm các quan chức ngoại giao kỳ cựu dưới thời ông Obama, đã dấy lên một niềm hy vọng về việc một chương mới sẽ được mở ra trong quan hệ giữa Đông Nam Á và Hoa Kỳ. Một cuộc khảo sát của Viện nghiên cứu Đông Nam Á đóng ở Singapore (ISEAS) được công bố sau khi ông Biden nhậm chức cho thấy có 68,6% số người được hỏi hy vọng rằng sự tham gia của Mỹ trong khu vực ASEAN sẽ gia tăng dưới thời Tổng thống Biden.
2. Trong khi nhiều nước Đông Nam Á mong muốn sự hiện diện rõ hơn, sâu sắc hơn của Hoa Kỳ tại khu vực để đối trọng với Trung Quốc thì chính quyền Biden dường như lãng quên khu vực này.
Trong Bản Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời được công bố hồi tháng 3, Hoa Kỳ đã chỉ nhắc đến đích danh Việt Nam và Singapore, và “các nước thành viên ASEAN khác”. Hoa Kỳ không đề cập riêng đến ASEAN như một tổ chức khu vực.
Mọi cố gắng xoay trục sang châu Á của chính quyền Biden đều tập trung cho “Bộ Tứ”. Cho đến nay, Biden chưa hề có cuộc điện đàm với bất cứ nguyên thủ quốc gia nào ở Đông Nam Á. Chuyến đi của Bộ trưởng Austin bị hủy hồi tháng 6 vì dịch bệnh. Điện đàm giữa Bộ trưởng Blinken với các ngoại trưởng ASEAN hối tháng 5 cũng không thực hiện được vì lý do kỹ thuật.
Rất đáng tiếc là, hơn nửa năm cầm quyền đã trôi qua, chính quyền Biden chưa có nhiều động thái thể hiện sự quan tâm “như cần phải có” và đáp ứng kỳ vọng của các nước khu vực. Một số nước tiếp tục xu hướng xoay trục sang với Trung Quốc. Lòng tin của Đông Nam Á vào Hoa Kỳ với tư cách là đồng minh, đối tác chiến lược bị giảm sút rõ rệt.
Chính Hoa Kỳ đã để lại khoảng trống tại khu vực. Tạo điều kiện cho Trung Quốc áp dụng chính sách quan hệ song phương nhưng giảm nhẹ đa phương. Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng thông qua các dự án hạ tầng khổng lồ, các chiến dịch ngoại giao vaccine. Bên cạnh đó tăng cường các hoạt động lấn chiếm, kiểm soát ở Biển Đông.
3. Không phải ngẫu nhiên mà Hoa Kỳ đã chọn Singapore, Philippines và Việt Nam là ba quốc gia đầu tiên để đến thăm. Về vị trí địa lý, đây là ba quốc gia nằm giáp tuyến đường biển liên kết các đại dương (Biển Đông nối với Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương).
Đây chính là tam giác chiến lược trên bản đồ Đông Nam Á, có vị trí địa chính trị, địa quân sự và địa kinh tế rất quan trọng trong việc thực hiện và triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ.
Singapore là quốc gia đầu tiên được chọn đến thăm vì vốn được coi là một trong những đối tác bền chặt và lâu dài. Quốc gia này cũng là đối tác an ninh có “quan hệ mật thiết nhất với Hoa Kỳ”. Điểm đáng nói nữa là Singapore cũng là một quốc gia rất khôn khéo và giữ được sự cân bằng cần thiết trong quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Ngoài việc gia hạn tiếp Hiệp ước về an ninh ký năm 2019 cho phép Mỹ tiếp cận các cơ sở của Singapore, hai bên đã ký được một loạt thỏa thuận cụ thể trong các lĩnh vực như an ninh mạng, biến đổi khí hậu, xử lý đại dịch COVID-19,chuỗi cung ứng. Hai bên khởi động thỏa thuận về “Quan hệ Đối tác về tăng trưởng và đổi mới “với 4 trụ cột: kinh tế số, công nghệ năng lượng và môi trường, sản xuất tiên tiến, y tế. Ngoài ra, Mỹ và Singapore hoàn tất can dự quân sự và đồng ý để Mỹ lập một hạm đội mới trong tương lai để cân bằng sức mạnh quân sự ở khu vực.
Singapore cũng là nơi tập trung những Viện Nghiên cứu có uy tín, chuyên về Châu Á. Phía Hoa Kỳ không vô tình khi tận dụng triệt để “diễn đàn” này để làm sáng tỏ chính sách của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương.
Philippines là đồng minh lâu năm của Mỹ ở châu Á và theo tuyên bố của Ông Austin thì hợp tác giữa Mỹ và Philippines “đặc biệt quan trọng đối với an ninh, ổn định và thịnh vượng” ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tuy nhiên mối quan hệ đồng minh đang bị lung lay bởi ông Duterte đã ba lần tuyên bố đóng băng “Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng” (VFA). Một thỏa thuận song phương vô cùng quan trọng về quốc phòng.
Thành công lớn nhất của chuyến đi là phía Mỹ đã thuyết phục được phía Philippines khôi phục lại hoàn toàn VFA, tiếp tục cho phép triển khai binh sĩ và thiết bị quân sự của Mỹ trên lãnh thổ Philippines. Đây thực sự là một quyết định mang tính “sống còn” đối với liên minh Mỹ – Philippines. Là bảo đảm chắc chắn cho phía Mỹ trong việc triển khai binh sĩ và thiết bị quân sự tại khu vực.
Việt Nam – Hoa Kỳ có quan hệ đối tác toàn diện từ năm 2013 và đã đạt được những kết quả thực chất trên nhiều lĩnh vực. Chuyến thăm thực sự đã làm sâu sắc thêm quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực, không chỉ trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, khắc phục hậu quả chiến tranh mà còn mở rộng ra nhiều vấn đề quan trọng khác. Điều đáng chú ý, chuyến đi của bà Harris Phó Tổng thống Mỹ đã có những bước đi cụ thể đối với Việt Nam:
Thứ nhất, Mỹ khẳng định sẽ xây dựng tòa Đại sứ Mỹ tại quận Cầu Giấy, Hà Nội trên diện tích 3,2 ha với dự toán 1,2 tỷ USD. Đây có thể là tòa Đại sứ quán lớn nhất của Hoa Kỳ ở các quốc gia trên thế giới. Điều này cho thấy sự chuẩn bị chiến lược cho tương lai, khi Việt Nam có vị trí địa chính trị then chốt, mắt xích quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Thứ hai, Mỹ khai trương Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) cho ASEAN tại Hà Nội. Động thái này cho thấy có thể Hoa Kỳ đang hỗ trợ Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất y dược của Đông Nam Á. Trước đó, Chính phủ Mỹ đã cho phép các công ty của Hoa Kỳ hợp tác với Việt Nam để sản xuất vắc xin, giúp Việt Nam đứng vững trước dịch bệnh và hỗ trợ các nước trong khu vực.
Thứ ba, Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực đóng góp vào an ninh hàng hải ở Biển Đông, thúc đẩy các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào các sản phẩm dầu khí Việt Nam, đặt các cơ sở sản xuất sản phẩm dầu khí ở miền Trung và cực Nam Việt Nam.
Hoa Kỳ coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong việc phòng chống Covid-19. Cho đến nay, Hoa Kỳ là quốc gia tài trợ vaccine nhiều nhất cho Việt Nam (6 triệu liều). Bên cạnh lĩnh vực trợ giúp vaccine và y tế thì lĩnh vực được đặt lên ưu tiên hàng đầu là về kinh tế. Việt Nam tiếp tục là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu đối với Mỹ.
Hai bên thống nhất về tầm quan trọng của việc duy trì và ổn định của khu vực và thế giới. Tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, giải quyết hòa bình các tranh chấp cũng như duy trì môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, hàng hải tại các vùng biển và đại dương theo quy định của luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Các nhà bình luận quốc tế cho rằng chuyến đi của bà Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đến Việt Nam tuy là chuyến đi ngắn nhưng đã có bước đi rất dài trong quan hệ Việt – Mỹ, nâng tầm đối tác của hai nước.
4. Bất chấp việc đại dịch đang bùng phát trở lại ở Đông Nam Á và các trở ngại khác như vấn đề Afghanistan, chuyến thăm cấp cao vẫn được tiến hành. Điều đó thể hiện sự coi trọng của chính quyền Biden với ba quốc gia, đặc biệt với Việt Nam và Singapore. Thông cáo của Nhà Trắng cũng khẳng định Việt Nam và Singapore là hai đối tác quan trọng hàng đầu ở Ấn Độ- Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, chuyến thăm không chỉ mang tính chất song phương mà còn mang trong nó thông điệp mạnh mẽ về quan hệ giữa Mỹ và khu vực.
Trước hết, hai chuyến thăm cấp cao minh chứng cho sự chuyến hướng trong cách đánh giá bối cảnh toàn cầu cũng như sự điều chỉnh chiến lược của Hoa Kỳ. Đó là sẽ tập trung vào “Biển và Đại Dương”, cũng như các vấn đề liên quan đến an ninh biển. Khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương, trong đó có Châu Á Thái Bình Dương sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Nếu Trump coi trọng quan hệ song phương và coi nhẹ đồng minh. Biden coi trọng quan hệ đa phương, đồng minh và tập trung vào một số đối tác tiềm tàng.
Thông điệp lớn nhất mà phía Hoa Kỳ muốn truyền tải đó là Hoa Kỳ coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN. Khẳng định ASEAN là một phần không thể thiếu được của cấu trúc Ấn Độ – Thái Bình Dương. Hoa Kỳ cũng muốn làm rõ rằng “Bộ Tứ kim cương” cũng như những hoạt động bên ngoài khác của Bộ Tứ, không cạnh tranh với vai trò trung tâm của ASEAN mà bổ xung cho nhau.
Hai chuyến đi dồn dập cho thấy Mỹ bắt đầu khởi động lại chính sách khu vực với mục tiêu cao nhất là hâm nóng lại quan hệ, khôi phục lại vị trí và ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á. Bắt đầu bằng ba đối tác tiềm năng. Qua đó, tái khẳng định và trấn an các nước Đông Nam Á đối với cam kết lâu dài của Hoa Kỳ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Chuyến thăm nói trên của chính quyền Biden đã cho thấy mục đích thúc đẩy mạnh mẽ và thực chất quan hệ với ASEAN. Đây không còn là sự lựa chọn nữa mà là một đòi hỏi cấp thiết. Chính điều đó thúc đẩy Mỹ phải nỗ lực tập hợp các đồng minh và đối tác để hình thành một mặt trận ngăn chặn Trung Quốc trong sáng kiến “Con đường tơ lụa trên biển”.
Nhiều đánh giá cho rằng, các hoạt động trên cũng là một chỉ dấu của việc điều chỉnh các ưu tiên đối ngoại của Hoa Kỳ sau thời gian tập trung vào tăng cường quan hệ với đồng minh (EU- NATO); định hình và điều chỉnh chính sách với hai đối thủ cạnh tranh (Trung Quốc & Nga); giải quyết những bất ổn trong vấn đề nội bộ và các vấn đề toàn cầu khác như đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu.
Trong bài phát biểu của phía Hoa Kỳ, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ đề cập đến khái niệm “răn đe tích hợp” như một cách tiếp cận mới về quốc phòng, an ninh. Theo đó Mỹ “sẽ tăng cường hợp tác, phối hợp và kết nối tốt hơn” trong lĩnh vực quốc phòng với đồng minh và đối tác để tăng cường khả năng tự bảo vệ cũng như khả năng răn đe của liên minh và đối tác.
Từ thực tế cay đắng tại Afganishtan, Libya, Iraq, chính quyền Biden nhận thức rõ rằng chính sách “can dự đơn phương”, dùng vũ lực để thay đổi hiện trạng, chắc chắn sẽ không thành công, mà cần phải sử dụng sức mạnh của Mỹ, kết hợp với việc xây dựng sức mạnh của đối tác và cùng liên kết để đối phó với các thách thức an ninh của Mỹ và của khu vực.
Sự có mặt của Phó Tổng thống Harris tại Việt Nam và Singapore muốn truyền tải thông điệp rằng Hoa Kỳ sẽ quan tâm nhiều đến các lĩnh vực khác trong quan hệ song phương, không chỉ bó gọn trong lĩnh vực quốc phòng. Phía hoa Kỳ cũng đề cập đến kế hoạch “Xây lại tốt đẹp hơn” (3B) nhằm giúp đỡ các quốc gia phục hồi sau dịch, cạnh tranh với các sáng kiến tài trợ xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc…
Về quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, không khó để nhận ra rằng cả ông Austin và bà Harris rất khôn khéo khi đề cập đến sự đe dọa của Trung Quốc “dưới lăng kính của chính những lợi ích của các đối tác”. Tuy vẫn nghiêm khắc chỉ trích Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, song Bộ trưởng Austin nhấn mạnh “ Mỹ cam kết theo đuổi mối quan hệ mang tính xây dựng, ổn định với Trung Quốc, không tìm kiếm sự đối đầu” và cũng không yêu cầu các quốc gia phải chọn bên. Cách tiếp cận này sẽ làm giảm bớt mối lo ngại của các quốc gia Đông Nam Á.
5. Các chuyến thăm đã kết thúc, nhưng đã hé mở sự điều chỉnh mới ở khu vực Đông Nam Á. Với các nước khu vực, Hoa Kỳ là một đối tác hoặc đồng minh rất quan trọng. Hoa Kỳ cũng đưa ra nhiều lời hứa và cam kết, tuy nhiên, để có thể thuyết phục được các nước thành viên ASEAN thì Hoa Kỳ nên biến lời nói thành hành động.
Hoa Kỳ có nhiều mối quan tâm và ưu tiên, đại dịch Covid-19 cũng làm hạn chế về nguồn lực, liệu họ có thể thực hiện các cam kết này hay không? Theo tinh thần đó, Hoa Kỳ cần phải có một chiến lược kinh tế đủ thực tế và mang tính thuyết phục hơn, không phải chỉ đơn thuần là về quân sự. Hoa Kỳ đang thiếu các thỏa thuận về đầu tư và kinh tế. Đây vốn được coi là một trụ cột chính trong hợp tác của nước này với khu vực, nhưng cựu Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017 đã đẩy Mỹ vào thế cô lập ở khu vực.
Không thể phủ định sự hoài nghi của nhiều nước Đông Nam Á về cam kết dài lâu của Hoa Kỳ, bởi họ cũng chưa quên bài học trong lịch sử đã bị cường quốc này bỏ rơi. Lòng tin của Đông Nam Á về vai trò dẫn dắt toàn cầu cũng như về mô hình quản trị của Hoa Kỳ đang bị lung lay, đặc biệt sau việc quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan. Trong khi đó Trung Quốc đã đầu tư và thúc đẩy quan hệ chính trị, kinh tế và cả quân sự từ nhiều năm tại vùng đất này. “Nước xa không cứu được lửa gần”.
Một nhà nghiên cứu quốc tế đã từng ví ASEAN như một “nắm cát rời” đủ để hiểu sự lỏng lẻo và thiếu nhất trí trước nhiều vấn đề cấp bách của khu vực: Biển Đông; Sông Mekong và Myanma. Bản thân các nước khu vực đang bị ảnh hưởng sâu sắc bởi đại dịch Covid-19, kinh tế sa sút. Đây chính là những thách thức không nhỏ của Hoa Kỳ khi triển khai chính sách Châu Á – Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, ASEAN vẫn là một tổ chức khu vực lâu đời nhất và có tiếng nói trong nhiều vấn đề quốc tế và khu vực. Muốn tăng cường sức mạnh và sự hiện diện ở Đông Nam Á thì Hoa Kỳ không thể chỉ coi trọng quan hệ với một vài đồng minh truyền thống và đối tác tiềm năng mà cần thiết phải coi trọng phát triển quan hệ với cả khối ASEAN, thể hiện bằng những hành động cụ thể để tranh thủ và tập hợp các nước ASEAN.
Vấn đề ở đây là, một vài quốc gia đơn lẻ thì không đủ sức đương đầu với mọi thách thức, trong đó có những thách thức thường trực ở Biển Đông do Trung Quốc gây ra. Một bó đũa sẽ mạnh hơn một vài đôi đũa và cả ASEAN chính là một bó đũa.
Tóm lại, với tính chất đặc biệt như đã phân tích, chuyến thăm của Phó Tổng thống và Bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ tại Việt Nam và Singapore thực sự là một sự kiện ngoại giao lớn, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của khu vực và thế giới. Trong đó, Trung Quốc đã đưa ra những lời chỉ trích mạnh mẽ.
Các nhà ngoại giao Trung Quốc cho rằng: Bà Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tùy ý công kích Trung Quốc, chỉ trích Trung Quốc có hành động “cưỡng ép, bắt nạt” tại khu vực, xúi giục các nước khu vực theo Mỹ, tăng cường sức ép đối với Trung Quốc. Phía Trung Quốc kiên quyết phản đối. Trong khi toàn thế giới đang theo dõi Mỹ bỏ trốn ở Kabul, chính khách Mỹ lại cố tình đến Việt Nam nhằm chia rẽ ác ý quan hệ giữa Trung Quốc và các nước xung quanh. Trung Quốc khuyến cáo Mỹ đừng coi nhẹ quyết tâm kiên cường, ý chí kiên định, năng lực mạnh mẽ của nhân dân Trung Quốc trong bảo vệ lợi ích phát triển và an ninh quốc gia. Các nước trong khu vực sẽ không chạy theo gậy chỉ huy của Mỹ.
Còn tờ Global Time (25.8) của Trung Quốc thì viết: “Vả lại thực tế hiện nay (Việt Nam) đang phải đối phó với đại dịch nặng nề, Việt Nam muốn có được môi trường ổn định. Hà Nội “cần có sự giúp đỡ của Trung Quốc để vượt qua các khó khăn kinh tế”, nên “chẳng có lợi lộc gì khi cùng với Washington và phương Tây gây rắc rối tại Biển Đông”, và điều này cũng “không khả thi”. “Hẳn là Việt Nam với “sự khôn ngoan và cái nhìn toàn cảnh”, sẽ “không đứng về phía Mỹ”, mà giữ thăng bằng giữa các đại cường…”!
Từ bối cảnh quan hệ quốc tế phức tạp, khó lường, cạnh tranh và lợi ích đan xen, Việt Nam đã luôn luôn giữ vững được độc lập, tự chủ, không để bị rơi vào vòng xoáy của các cuộc cạnh tranh nước lớn. Không một quốc gia nào có thể ép Việt Nam phải chọn bên. Chúng ta sẽ tiếp tục theo dõi một cách cẩn trọng và thông minh mọi diễn biến trong quan hệ quốc tế để có những quyết sách phù hợp, vì lợi ích cao nhất của cả dân tộc.■
Trần Phan
(Theo Tạp chí Phương Đông)