Chủ nghĩa hiện thực thực dụng của Tổng thống Mỹ Joe Biden

Tổng thống Joe Biden được cho là người sẽ hoạch định lại và đưa chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trở về thời kì trước khi người tiền nhiệm của ông nắm quyền. Với việc đã là một chính trị gia trong suốt hơn nửa thế kỷ vừa qua, ông là ứng cử viên Tổng thống sáng giá nhất để có thể đưa thông điệp về sự vĩ đại của nước Mỹ cũng như hành động để đạt tới mục tiêu đó. Chính trường quốc tế đã kỳ vọng rằng sau khi nhậm chức, Biden sẽ theo đuổi một chính sách chính trị và quân sự mạnh mẽ, và định hình lại thế giới theo cách riêng của nước Mỹ. Vào ngày 21/1/2021, Biden đã đáp ứng được kỳ vọng đó khi ngay sau lễ nhậm chức, ông đã trình bày kế hoạch khôi phục lại vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ đối với các vấn đề toàn cầu dưới khẩu hiệu “Nước Mỹ đã trở lại”.

Tuy nhiên, quyết định của Biden về việc chấm dứt sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Afghanistan đã cho chúng ta thấy một khía cạnh khác của vị Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ. Trong bài phát biểu chấm dứt cuộc chiến kéo dài hai thập kỷ này, Biden đã bác bỏ một “Chủ nghĩa quốc tế tự do”, bao gồm xây dựng một nền dân chủ ở Afghanistan. Ông liên tục lập luận rằng Hoa Kỳ chỉ có một lý do hợp lệ để sử dụng vũ lực tại quốc gia này đó chính là “để  trả thù những kẻ khủng bố đã tấn công chúng ta vào ngày 11/9”. Một khi mục tiêu đó đã đạt được, nước Mỹ không muốn có thêm một cuộc chiến nào nữa. Biden nói tiếp: “Người dân Afghanistan có quyền tự quyết định tương lai của họ, bao gồm cả việc họ sẽ sống trong một nền dân chủ kiểu phương Tây hay là dưới chế độ của Taliban”. Quả thật, sự tiếp quản nhanh chóng của Taliban đã không làm thay đổi nhìn nhận của Biden, mà dường như đã chứng minh được quan điểm của ông về giới hạn của quân đội Mỹ ở Afghanistan và những nơi khác nữa. Kết thúc chiến tranh là “kết thúc một kỷ nguyên của các hoạt động quân sự của Mỹ để tái thiết các quốc gia khác”, Biden đã phát biểu như vậy sau khi người lính Mỹ cuối cùng rời Afghanistan.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: Nhà Trắng)

Có thể tất cả những điều này đã gây bất ngờ cho những ai nghĩ về một “học thuyết Biden” với mục đích củng cố sức mạnh của Mỹ và bảo vệ nền dân chủ trên toàn cầu. Trong suốt sự nghiệp của mình, Biden đã đặt mục tiêu theo đuổi an ninh quốc gia một cách thực dụng nhất. Và sự toan tính đó đã khiến ông trở thành một người chỉ trích các cuộc chiến tranh thay đổi chế độ và những nỗ lực thúc đẩy các giá trị của Mỹ bằng vũ lực quân sự.

Mặc dù người tiền nhiệm của Biden, Tổng thống Donald Trump cũng đã đưa ra một học thuyết tương tự, tuy nhiên, chính Biden là người tạo ra một phiên bản chặt chẽ hơn về chủ nghĩa hiện thực thực dụng – một chủ thuyết nhằm tối đa hoá lợi ích của Hoa Kỳ, mong muốn các quốc gia khác cũng theo đuổi lợi ích của họ và sẵn sàng thay đổi hướng đi để đạt được những gì Hoa Kỳ cần trong một thế giới cạnh tranh. Nếu Biden tiếp tục áp dụng học thuyết này, ông sẽ mang đến một sự thay đổi đáng khen ngợi đối với những chính sách đối ngoại kiểu cũ của Hoa Kỳ đã khiến nước này phung phí mạng sống và nguồn lực để theo đuổi các mục tiêu bất khả thi.

Sự thay đổi trong sự nghiệp chính trị của Biden

Kể từ khi gia nhập Thượng viện năm 1973, Biden đã nổi bật với các quan điểm về chính sách đối nội cũng như đối ngoại. Ông đã gây được một ấn tượng mạnh ở đầu con đường chính trị của mình khi đương đầu phản đối chiến tranh Việt Nam những năm 1970 và chống lại việc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng với Liên Xô trong những năm 1980. Biden đã phản đối gay gắt việc gửi viện trợ quân sự bổ sung cho miền Nam Việt Nam vào năm 1975 khi miền Bắc Việt Nam khởi động chiến dịch tổng tấn công cuối cùng. Và khi Tổng thống Ronald Reagan phát động một đợt xây dựng quân đội lớn nhằm gia tăng sức ép đối với Liên Xô, Biden cũng đã bỏ phiếu chống lại những quan chức cấp cao của chính quyền Reagan. Đáng chú ý nhất, Biden đã bỏ phiếu chống lại cuộc Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 và ông đã nói rằng lợi ích quan trọng của Hoa Kỳ cũng sẽ không bao giờ là lời biện minh thoả đáng cho cái chết của những binh lính Mỹ tại các sa mạc Ả Rập. Ông cũng lo lắng quân đội Hoa Kỳ sẽ gánh vác phần lớn thương vong một cách không công bằng và “sự thù hận của thế giới Ả Rập” sẽ hướng về Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, quan điểm của Biden đã nhanh chóng thay đổi khi Liên Xô sụp đổ và Mỹ đạt được sự thống trị toàn cầu. Với tư cách là thành viên Đảng Dân chủ “có tiếng” trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Biden nổi lên như một người đi đầu trong việc mở rộng NATO. Ông cho rằng việc mở rộng sẽ đảm bảo ít nhất 50 năm hòa bình trên toàn thế giới. Và sau vụ tấn công 11/9, Biden đã bỏ phiếu tán thành cuộc chiến ở Afghanistan và ủng hộ một cách dè dặt cuộc chiến ở Iraq. Ông bày tỏ hy vọng rằng sự can thiệp sẽ “đưa Iraq vào con đường tiến tới một nền xã hội dân chủ và đa nguyên”.

Thế nhưng, một lần nữa, Biden lại thay đổi. Ở đầu thế kỷ XXI, khi đối mặt với các cuộc nổi loạn ở Afghanistan và Iraq, ông đã có những hoài nghi về nỗ lực của Mỹ nhằm tái thiết các quốc gia khác. Năm 2006, Biden đề xuất một chính sách đối ngoại đặc biệt nhất của mình cho đến thời điểm đó: Ông chủ trương chia Iraq thành hệ thống liên minh theo các đường lối giáo phái. Điều này đồng nghĩa với việc Biden đang nỗ lực tìm kiếm một lối thoát khỏi Iraq và mở đường cho việc quân đội Mỹ rút khỏi đất nước này. Theo đó, ông thẳng thừng phản đối việc Hoa Kỳ “tăng cường” quân sự vào Iraq năm 2006 và mô tả đó là “chiến lược hoàn toàn sai lầm”.

Sự phản đối của Biden đối với các cuộc chiến tranh lớn với những mục tiêu không rõ ràng trở nên sâu sắc hơn với tư cách là Phó Tổng thống Hoa Kỳ. Ông gần như đơn độc trong số các cố vấn của Tổng thống Barack Obama trong việc phản đối quyết định của chính quyền tăng cường quân đội Mỹ vào Afghanistan từ năm 2009 đến năm 2011. Biden lý luận rằng chính phủ Afghanistan do Hoa Kỳ hậu thuẫn đã có những hành động không thể bào chữa khiến khả năng giành thắng lợi trước lực lượng nổi dậy của Taliban là không thể. Thay vào đó, ông đã khuyến khích một nhiệm vụ chống khủng bố hẹp nhắm vào Al Qaeda và các nhóm liên quan. Và theo nhật ký của Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, Richard Holbrooke, có vẻ như Biden đã muốn rút hoàn toàn khỏi Afghanistan. Trong một cuộc tranh luận đặc biệt gây tranh cãi, Holbrooke kể lại Biden đã hét lên, “Tôi không gửi con trai của tôi trở lại đó để liều mạng vì quyền của phụ nữ! Sẽ không hiệu quả, đó không phải là lý do (quân đội Mỹ) ở đó”.

Không chỉ ở Iraq và Afghanistan, dường như Biden cũng rất thận trọng trong các cuộc tranh luận về những chính sách đội ngoại khác của chính quyền Obama. Ông đặc biệt bày tỏ sự lo ngại về việc phát động cuộc đột kích của Hải quân SEAL nhằm tiêu diệt Osama Bin Laden vào năm 2011. Ông cho rằng nước Mỹ cần thu thập thêm thông tin tình báo trước khi thực hiện để không làm ảnh hưởng đến quan hệ với Pakistan. Hơn nữa, vào cùng thời điểm, Biden cũng đã tuyên bố phản đối vụ ném bom ở Libya. Ông công khai kêu gọi các thành viên NATO ủng hộ mình, “Chúng ta không thể làm tất cả”, Biden nói, nhấn mạnh rằng Libya nằm ngoài “lợi ích chiến lược” của Mỹ.

Đối với các nhà phê bình, những chính sách đối ngoại Tổng thống Biden theo đuổi đang dần mang tính cơ hội nhiều hơn. Tuy nhiên, Biden luôn coi an ninh quốc gia là cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Mỹ và sẵn sàng thay đổi cũng như đánh giá lại khi thấy những thách thức đối với lợi ích của Mỹ. Chủ nghĩa hiện thực thực dụng này có thể làm thay đổi nhiều hơn nữa chính sách đối ngoại của Mỹ nhất là khi hiện nay, Biden đang là ông chủ của Nhà Trắng.

Afghanistan và Trung Đông

Afghanistan là ví dụ điển hình nhất về chủ nghĩa hiện thực thực dụng của Biden. Ông kết thúc cuộc chiến một cách nhanh chóng sau khi kết luận rằng làm như vậy sẽ có lợi cho Hoa Kỳ. Biden nhấn mạnh rằng các quân nhân của Mỹ chỉ nên được cử tham chiến khi nhiệm vụ là để bảo vệ Hoa Kỳ. Ông cũng nhấn mạnh rằng nước Mỹ cần chấm dứt nỗ lực gây dựng các chính quyền ở những nước khác khi điều đó đã tốn quá nhiều tiền của và mạng sống người Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của mình, Biden trả lời một phóng viên rằng “Trách nhiệm của tôi là bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ và không đặt người dân của chúng ta vào nguy hiểm khi cố gắng giải quyết mọi vấn đề trên thế giới bằng cách sử dụng vũ lực”.

Afghanistan mới có thể chỉ là sự khởi đầu. Biden đã ra lệnh cho Bộ Quốc phòng Mỹ tiến hành “đánh giá toàn cầu” về việc triển khai binh lính của Mỹ. Nếu bản đánh giá dựa trên cái nhìn của Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, sẽ có một sự tái thiết đáng kể trong quân đội Hoa Kỳ. Điều này dường như báo hiệu sự thay đổi quy mô hiện diện quân sự của Mỹ ở Trung Đông. Gần đây, đã có những bằng chứng xác thực khả năng này, như sự rút lui của các hệ thống chống tên lửa ra khỏi Iraq, Jordan, Kuwait và Ả Rập Xê Út.

Nga và Trung Quốc

Đối với hai cường quốc Nga và Trung Quốc, các nhà quan sát nhận thấy khả năng Biden cũng trở nên thực dụng và mềm dẻo hơn Trump. Ông dường như mong muốn thiết lập một mối quan hệ ổn định hơn đối với Trung Quốc so với giai đoạn Trump nắm quyền, một cách tiếp cận nhằm hạn chế căng thẳng song phương. Điều này được thể hiện trong việc Biden muốn được tổ chức một hội nghị thượng đỉnh song phương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Việc coi trọng Trung Quốc không đồng nghĩa với việc Biden lơ là Nga. Biden đã thực hiện các bước để mở lại đàm phán những tranh chấp với Nga. Ông đã chọn tổ chức hội nghị thượng đỉnh song phương lớn đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Thuỵ Sỹ hồi tháng 6 vừa qua. Ông cho biết ngoại giao không phụ thuộc vào việc tin tưởng đối phương mà phần lớn dựa trên sự thực dụng. Chỉ cần hai bên đều có lợi ích chung, và có những hiểu biết dựa trên những lợi ích đó, Biden nhấn mạnh “Đây chỉ là hoạt động kinh doanh thuần túy”.

Trong 8 tháng vừa qua, trên cương vị là một Tổng thống nước Mỹ, có thể thấy rằng các tuyên bố và hành động của Biden đã phán ảnh chính xác quan điểm đặt an ninh quốc gia là cốt lõi trong chính sách đối ngoại. Nhận thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và tình hình phức tạp ở Biển Đông có thể ảnh hưởng tới an ninh của nước Mỹ, chính quyền Biden đã nhanh chóng hành động bằng cách thắt chặt hơn các mối quan hệ ngoại giao đối với Việt Nam, Singapore hay Thái Lan. Gần đây nhất là chuyến thăm Việt Nam của PhóTổng thống Mỹ Kamala Harris trong đó đề cập tới vấn đề nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ lên đối tác chiến lược. Thay vì sử dụng vũ lực, Mỹ đã thực tế hoá cách tiếp cận của mình khi sử dụng ngoại giao và kinh tế trong quan hệ quốc tế.

Cải tạo chính sách đi ngoại của Mỹ

Nếu chính quyền Biden tiếp tục cho rằng chủ nghĩa hiện thực thực dụng là ưu thế, chúng ta sẽ thấy những thay đổi sâu rộng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Phân tích mà Biden áp dụng cho Afghanistan cũng sẽ dẫn đến việc cắt giảm lực lượng ở những nơi khác trên thế giới. Hàng nghìn binh lính hiện đang ở Iraq và Syria để ngăn chặn sự trỗi dậy trong tương lai của Nhà nước Hồi giáo tự xưng ISIS nhiều khả năng sẽ bị điều động đi.

Vì lý do tương tự nêu trên, Biden phải đánh giá xem liệu các hoạt động chống khủng bố của Hoa Kỳ có nhắm trực diện vào những nhóm có khả năng và ý định tấn công Hoa Kỳ hay không. Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ đã tham gia các cuộc tấn công, tập trận và huấn luyện chống khủng bố ở khoảng 85 quốc gia. Hoa Kỳ đã có những nỗ lực đáng kể kìm hãm al Qaeda hay ISIS và những tổ chức khủng bố tiềm tàng khác, tuy nhiên những nhóm khác như al Shabab hay Sahel đều không có khả năng và nguồn lực tấn công vào Mỹ nhưng cũng vẫn bị nhắm tới. Dựa trên những đánh giá như vậy, Biden có thể thu gọn “cuộc chiến chống khủng bố”, và biến nó thành “nhiệm vụ kết thúc mở”, như ông đã mô tả về cuộc chiến Afghanistan.

Còn đối với Trung Quốc, khác với người tiền nhiệm của mình, Biden đã khôn khéo hơn trong việc thay đổi cách tiếp cận từ đối đầu trực tiếp sang cạnh tranh với Trung Quốc. Qua chuyến thăm của bà Kamala Haris tới Việt Nam và Singapore vừa qua, Biden đã cho thấy tham vọng của mình trong việc sử dụng ngoại giao và kinh tế để kìm hãm Trung Quốc. Tuy nhiên, Biden cần thấy kinh tế của Trung Quốc quá mạnh, có thể vượt qua Mỹ trong tương lai rất gần. Thứ hai, Biden cần có mối quan hệ tốt hơn với đồng minh, điều không dễ đạt được sau những gì Trump đã làm trong 4 năm qua.

Những tháng đầu nhiệm kỳ Tổng thống của Biden cho thấy chính trị gia dày dạn kinh nghiệm này đã thay đổi cách tiếp cận quan hệ quốc tế hướng tới chủ nghĩa hiện thực thực dụng. Nhận thấy cục diện thay đổi nhanh chóng khi Mỹ đã không còn ở vị thế như trước nên nước Mỹ không còn mở rộng chính sách đối ngoại của mình nữa, thay vào đó, họ thu gọn lại và kìm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Điều này được thể hiện qua việc rút quân khỏi các nước Trung Đông cũng như khôi phục và làm mới các mối quan hệ với đồng minh. Với cách tiếp cận thực dụng này, chúng ta hãy chờ xem liệu Biden có thể khôi phục được vị thế vốn có của Hoa Kỳ trên chính trường quốc tế hay không.■

Nhật Minh

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN