Bài học từ Phần Lan: Chiến lược phát triển của nước nhỏ trong tương quan với các nước lớn

Kể từ buổi bình minh của lịch sử nhân loại, khi bắt đầu xuất hiện các nhà nước cổ đại cho tới các hình thái ý thức xã hội cao hơn, sự phân hóa giữa những đế chế lớn và các tiểu quốc, giữa nước nhỏ và nước lớn đã trở thành một cục diện chính trị căn bản, tất yếu, chưa bao giờ dừng lại ở câu chuyện của một khu vực, vùng lãnh thổ hay một thời đại. Trong hình thái quân chủ phong kiến, việc các nước chư hầu xoay quanh một chính quốc và chịu lệ thuộc vào nước đó trên nhiều phương diện, hàng năm phải cống nộp để mong cầu sự yên ổn là một thực tế không thể phủ nhận. Song ngay cả khi nhân loại bước vào thời hiện đại với hệ giá trị về tự do, bình đẳng được đề cao ở mọi cấp độ, các trào lưu tư tưởng tiến bộ ngày càng phát triển mạnh mẽ, và thậm chí những hình thái ý thức xã hội mới đã ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu thay đổi bức thiết trong nhân sinh quan thời đại, thì sự chia rẽ, phân cấp thành các nước lớn, nước nhỏ dựa trên quy mô lãnh thổ, tiềm lực kinh tế, vị thế chính trị… vẫn là một tồn tại tất yếu. Trong đó, một mặt các quan hệ ngoại giao, hợp tác song phương, đa phương vẫn được thúc đẩy trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau giữa các nước; mặt khác, một số nước và khu vực có tiếng nói khiêm tốn trên trường quốc tế vẫn phải phụ thuộc vào những quốc gia, tổ chức lớn về nhiều khía cạnh, lĩnh vực, ở các cấp độ khác nhau. Sự phân hóa này đã kéo theo nhiều tác động và hệ lụy phức tạp, nó đặt ra các bài toán lớn cho những nước nhỏ trong hoạt động điều tiết quan hệ ngoại giao với nước ngoài và lựa chọn lộ trình, xây dựng mục tiêu phát triển bền vững, lâu dài cho quốc gia, dân tộc.

Phần Lan và Việt Nam là hai trong số rất nhiều nước nhỏ một mặt phải duy trì, cân bằng, cải thiện quan hệ hợp tác với các quốc gia có tầm ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới; mặt khác đang nỗ lực từng ngày để tìm kiếm, xây dựng, hoàn thiện một lộ trình phát triển riêng cho đất nước mình, mặc dù mức độ thực hiện ở mỗi nước là không giống nhau. Nhìn vào lịch sử của Phần Lan, ta nhận thấy nhiều tương đồng trong xuất phát điểm với Việt Nam, từ vị thế địa chính trị, tiềm lực kinh tế cho đến các biến cố mà quốc gia này phải đối mặt từ đầu thế kỷ XX đến nay. Bằng tinh thần dân tộc tự lực, tự cường cùng chiến lược ngoại giao linh hoạt, khôn khéo, Phần Lan đã giải quyết thành công các thách thức ngoại giao phức tạp nhất, thoát khỏi cái bóng của những nước lớn, đi ra ngoài quỹ đạo mà các quốc gia khác đã vẽ sẵn để tìm cho mình một con đường xây dựng và phát triển đất nước riêng biệt, khiến thế giới phải thán phục với những cú bứt phá ngoạn mục, những thành tựu rực rỡ. Không những đã đứng vào hàng ngũ các nước phát triển, sở hữu mức thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ thậm chí vượt xa các nước lớn trong khu vực và trên thế giới, Phần Lan đã trở thành một hình mẫu ở một số lĩnh vực mà nhiều quốc gia cần học tập, noi theo, đặc biệt là giáo dục và công nghệ. Có thể nói, đây chính một gợi ý triển vọng cho Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển đất nước trong thời đại mới.

Do vị thế địa lý giáp ranh với một đế chế hùng mạnh như nước Nga, lịch sử của nước Phần Lan nhỏ bé được ghi nhận bởi những thăng trầm, sóng gió trong quan hệ với quốc gia láng giềng có tiếng nói quan trọng trên chính trường quốc tế. Xuyên suốt thời kì phong kiến cho đến khi Cách mạng tháng Mười Nga thành công (1917), Phần Lan – vốn ít nhiều chịu ảnh hưởng từ Nga – cũng ở vào tình thế bị giằng co giữa hai phe Bạch vệ và phe Đỏ. Phe Đỏ ở Phần Lan được hậu thuẫn bởi chính quyền Xô Viết trong khi phe Bạch vệ lại mang tư tưởng bảo hoàng như một số tướng lĩnh triều đình dưới trướng Nga hoàng. Nội chiến kết thúc với chiến thắng thuộc về phe Bạch vệ, và điều đáng chú ý nhất là người Phần Lan khi ấy đã tiến hành hoà giải một cách nghiêm túc và cùng nhau xây dựng nước một Phần Lan vững mạnh thay vì tiếp tục chìm đắm vào cuộc đấu tranh ý thức hệ không hồi kết.

Cũng với tinh thần ấy, đất nước Phần Lan đã hiên ngang đi qua Thế chiến II và Chiến tranh Lạnh mà không bị cuốn vào trò chơi phân cực, chia rẽ giữa các nước lớn. Trong tất cả những quốc gia có biên giới với Liên Xô ở châu Âu khi ấy, đây là nước duy nhất không bị áp đặt chế độ Xã hội Chủ nghĩa và vẫn giữ được sự độc lập tương đối với nước này. Bất chấp chiến lược thần phục hoặc sáp nhập các nước nhỏ quanh biên giới để tránh đòn tấn công bất ngờ từ Đức Quốc Xã của Stalin, toàn bộ người Phần Lan, từ phe Trắng đến phe Đỏ xưa kia đều ra sức, đồng lòng bảo vệ biên giới, làm phá sản tham vọng chiếm Helsinki trong vòng 2 tuần mà Liên Xô đã vạch ra. Không ngần ngại hợp tác với Hitler song ngay khi giành lại lãnh thổ bị mất, họ quyết định không tấn công xa hơn, thậm chí từ chối yêu cầu phối hợp cùng đánh Leningrad của người Đức, nhờ đó tránh được thảm cảnh bị bao vây giết sạch như quân Hungary hay Romania ở Stalingrad. Đặc biệt, Phần Lan cũng không bắt người Do Thái giao cho Đức như hầu hết các đồng minh khác của họ. Điều này khiến Phần Lan ít phải chịu những điều khoản nặng nề như các đồng minh khác của Đức sau khi chiến tranh kết thúc.

Những người lính Phần Lan giương cao lá cờ tại lễ đường ba nước giữa Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan vào ngày 27/4/1945, đánh dấu sự kết thúc của Thế chiến II ở Phần Lan. Ảnh: V.J. Oinonen

Biến thiệt hại, đau thương thành động lực, người Phần Lan bắt đầu công cuộc cải tổ đất nước, tập trung phát triển các ngành công nghiệp nặng để nhanh chóng bắt kịp đà trăng trưởng của các quốc gia lớn trong khu vực và trên thế giới. Về ngoại giao, hiểu rõ mối quan tâm của người Nga chỉ đơn giản xoay quanh vấn đề địa chính trị, Phần Lan đã đề ra một chương trình xoa dịu, giảm căng thẳng, đối đầu với “người láng giềng khổng lồ” bằng các chính sách nhượng bộ, hòa giải. Người Phần Lan đã bầu ra hai vị Tổng thống hiểu rõ văn hoá Nga là ông Paasikivi và ông Kekkonen – những người có thể giúp họ tiến một bước dài trong việc thiết lập mối quan hệ khăng khít với các nhà lãnh đạo Liên Xô khi ấy. Nhờ những chính sách khôn ngoan này mà Liên Xô đã từng bước có những động thái thay đổi, đối xử với Phần Lan theo đường lối hữu nghị, nhân văn nhất trong số các láng giềng của họ. Không những yêu cầu Đảng Cộng sản Phần Lan ngừng hoạt động và rút khỏi quốc gia này, Liên Xô còn tỏ ý đồng thuận với việc Phần Lan đi theo con đường Phương Tây trong phát triển kinh tế.

Không chịu sự thúc ép hay phụ thuộc hoàn toàn vào một nước lớn hay một phe cánh chính trị nào, Phần Lan có đủ thời gian, nhân lực, vật lực cùng sự độc lập tương đối để gây dựng và thực hiện những chính sách phát triển của riêng mình. Giáo dục Phần Lan luôn thuộc top dẫn đầu, còn nền kinh tế sáng tạo đứng thứ ba thế giới. Điện thoại di động Nokia, Chú chim Angry Bird… chính là những thành tựu độc đáo đến từ quốc gia này. Theo số liệu năm 2019 từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, GDP bình quân đầu người của Phần Lan đạt 49,845 USD/năm, cao hơn các nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Trung Quốc, và dĩ nhiên là cả Nga. Bằng những nỗ lực thực hiện tốt công tác đối nội lẫn đối ngoại, đất nước này đã gặt hái được những thành tựu xứng đáng với công sức, trí tuệ và bản lĩnh của một quốc gia độc lập, tự cường.

Bài học lớn nhất từ Phần Lan là việc họ biết ứng xử linh hoạt, cương nhu đúng lúc trong mối quan hệ với nước lớn. Họ không phụ thuộc, hoàn toàn ủng hộ hay bài xích, chống đối một thế lực nào đó mà luôn thận trọng đứng ở giữa, lúc cần chiến đấu thì dũng cảm, quyết đoán, lúc phải nhượng bộ thì hết sức thân thiện, hòa đồng. Đặc biệt, với vị thế địa chính trị của mình, Phần Lan hiểu rằng họ không thể dùng thái độ một chiều và cách ứng xử cứng nhắc với Nga. Có thể nói, không một quốc gia nhỏ bé nào dám đối đầu Liên Xô trực diện như Phần Lan, và cũng chưa nước nào thân thiết với Liên Xô như họ sau Thế chiến. Phần Lan sẵn sàng hoãn bầu cử Tổng thổng năm 1974 để chiều ý người Nga về ứng cử viên mà Liên Xô yêu thích. Đặc biệt, tinh thần đoàn kết ở dân tộc Phần Lan là rất cao với tỉ lệ đồng thuận gần như tuyệt đối sau nội chiến. Với họ, không có ý thức hệ nào cao hơn Phần Lan và chính sự đồng lòng này đã giúp họ thống nhất được nhiều chính sách phát triển quốc gia, đồng thời huy động được tối đa nguồn lực để hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ đó. Tuy phụ thuộc Thuỵ Điển và Nga hàng trăm năm nhưng các lãnh đạo của Phần Lan như Thống chế Mannerheim (Trung tướng trong quân đội Sa Hoàng cũ), Tổng thống Passikivi (vốn thạo tiếng Nga như tiếng mẹ đẻ)… đều chủ trương xây dựng Phần Lan theo bản sắc Phần Lan chứ không sao chép bất cứ một mô hình nào khác. Ở cả phương Tây và Nga, họ đều học hỏi, tham khảo, chắt lọc những gì phù hợp nhất với tình hình thực tế, từ đó hoàn thiện chính sách phát triển đất nước một cách toàn diện hơn. Lãnh đạo Phần Lan là những người sáng suốt, biết căn cơ, tính toán. Hơn ai hết, họ không có tham vọng lãnh thổ và hiểu rõ giới hạn của nước mình để dừng lại đúng lúc, tránh sa đà vào những cuộc chiến “lành ít dữ nhiều”, gây ra những thiệt hại không đáng có cho quốc gia.

Việt Nam có thể học hỏi rất nhiều điều từ Phần Lan. Bởi lẽ, chúng ta cũng có xuất phát điểm với những yếu tố về địa chính trị, lịch sử… tương đồng với đất nước này. Là một vùng lãnh thổ nhỏ bé nằm ngay sát cạnh một nước lớn như Trung Quốc, Việt Nam đã từng trải qua 1000 năm Bắc thuộc và dành gần như toàn bộ thời đại phong kiến để chống lại những cuộc xâm lược từ phương Bắc tràn xuống. Mỗi triều đại quân chủ của Việt Nam đều phải đối mặt và giải quyết những thách thức ngoại giao từ “người láng giềng khổng lồ”, giống như Phần Lan đã phải không ngừng nỗ lực để chung sống hòa bình với Nga. Sang tới thế kỷ XX, Việt Nam phải bước vào hai cuộc chiến tranh liên tiếp chống lại những âm mưu thôn tính từ các thế lực phương Tây, bảo vệ vững chắc chủ quyền, độc lập và thống nhất đất nước. Chịu chung số phận với các nước nhỏ, việc bị đẩy vào “thế gọng kìm” trên bàn cờ của những nước lớn trong thời kì Chiến tranh Lạnh đã khiến đất nước ta phải chịu rất nhiều mất mát, tổn thất. Suốt ba mươi năm ròng kháng chiến, khát vọng thống nhất hai miền Nam Bắc luôn là điều đau đáu tự thẳm sâu trái tim vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc – Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường và một niềm tin sắt đá vào ngày toàn thắng, một dân tộc nhỏ bé, ít có tiếng nói trên trường quốc tế đã làm nên điều kỳ tích khi chiến thắng hai quốc gia hùng mạnh bậc nhất thế giới lúc bấy giờ, bảo vệ thành công sự toàn vẹn lãnh thổ, mở ra một kỉ nguyên độc lập, tự do cho nước nhà. Kể từ đó đến nay, dù trải qua nhiều thăng trầm, sóng gió, song Việt Nam cũng đã dần định hình và tìm ra con đường phát triển riêng, bước đầu thu được những thành tựu xứng đáng với kì vọng của thế hệ đi trước. Bởi lẽ, so với Phần Lan, Việt Nam cũng đã sở hữu những chiến lược ngoại giao tương đối khôn khéo, linh hoạt, sáng tạo và chủ động. Bên cạnh đó, sự dũng cảm, tinh thần đoàn kết, quật cường của cả dân tộc cũng là nguồn sức mạnh lớn lao đưa đất nước ta vượt qua nhiều thử thách để tiến lên xây dựng một con đường phát triển riêng trên cơ sở kết hợp, học hỏi các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, những gì mà chúng ta đạt được trên thực tế vẫn còn chưa cân xứng với tiềm lực vốn có. Bởi vậy, cần nhìn sâu hơn vào mô hình Phần Lan để từ đó nhận thức, điều chỉnh nhằm khắc phục những hạn chế còn tồn tại và phát huy những thế mạnh, thành tựu đã đạt được, từ đó vươn tới vị thế như Phần Lan hiện tại và thậm chí tiến xa hơn trong tương lai.

Ngày nay, thế giới đã bước sang một trang mới với thời đại đa phương hóa, đa dạng hóa, các dân tộc, quốc gia có xu hướng gia nhập các tổ chức, liên minh, hướng tới hợp tác cùng phát triển. Tuy nhiên, sâu bên trong trạng thái cân bằng, hữu nghị đó vẫn là sự cạnh tranh ngấm ngầm giữa các siêu cường với mục tiêu lãnh đạo thế giới. Hòng giành được chiến thắng trong cuộc đua này, những nước lớn thường sử dụng sức mạnh vật chất, quân sự, sức mạnh mềm để lôi kéo các nước khác, đặc biệt là những nước nhỏ đi theo chiến lược, nhập bên và trở thành đồng minh của họ. Nằm ở vị thế địa chính trị quan trọng, lại sở hữu nguồn tài nguyên dồi dào, xuyên suốt chiều dài lịch sử cho đến tận ngày hôm nay, Việt Nam luôn nằm trong số những quốc gia rất dễ bị thao túng trên bàn cờ chính trị của các nước lớn. Bởi vậy, hơn ai hết, chúng ta hiểu được rằng, tính quân bình trong quan hệ ngoại giao là điều tối cần thiết để giữ gìn an ninh quốc gia, bảo vệ lãnh thổ và phát triển đất nước lâu dài. Không dựa vào nước này để đánh nước kia hay nghiêng về bất kì một phe cánh nào, đó là bài học ngoại giao căn bản đã được các thế hệ cha ông chỉ rõ và những thế hệ sau học tập, phát huy, trở thành truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Rõ ràng, trong những năm vừa qua, chúng ta đã giữ vững lập trường với các chính sách đa phương hóa, chủ động hợp tác, giữ gìn tình đoàn kết, hữu nghị với tất cả các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, quan hệ của chúng ta với các nước lớn như Nga, Mĩ, Trung Quốc đều được duy trì một cách bền vững, ổn định, trở thành đối tác tin cậy của nhau. Chúng ta đã đẩy mạnh hợp tác với phía Hoa Kỳ để giải quyết rất nhiều mâu thuẫn, bất đồng ảnh hưởng tới trật tự, an ninh quốc gia cũng như kí kết những thỏa thuận thương mại quan trọng. Chúng ta cũng cải thiện quan hệ hữu nghị, trở thành đối tác chiến lược của Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực, lấy được sự đồng thuận và đảm bảo tôn trọng những quyền lợi chính đáng của họ trong một số vấn đề về thương mại, kinh tế…  Với các tranh chấp ở Biển Đông, chúng ta tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc hòa bình và đảm bảo luật pháp quốc tế, không để những mâu thuẫn này làm ảnh hưởng tới quan hệ láng giềng tốt đẹp vốn có của hai nước. Một mặt, Việt Nam mạnh mẽ lên tiếng phản đối những hành động trái với Công ước Quốc tế về Luật Biển năm 1982 của Trung Quốc ở Biển Đông, song mặt khác, chúng ta cũng không vì thế mà có những hành vi kích động, luôn luôn thận trọng, giữ gìn tình hữu nghị và đề cao tinh thần hợp tác, đối thoại, hòa giải.

Tháng 8/2020, phát biểu trước báo giới trong chuyến thăm Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định chính sách “ba không” của Việt Nam, và nhấn mạnh rằng quan hệ quốc phòng giữa hai nước vẫn được duy trì ổn định, lành mạnh. Chính sách “ba không” được nhắc đến bao gồm: không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia, không chọn bên. Trên thực tế, chúng ta đã kiên trì, nhất quán với chính sách này và khiến cho các nước lớn yên tâm về quan điểm, lập trường của Việt Nam. Tuy nhiên, đây vẫn là một vấn đề hết sức phức tạp, và để củng cố, gìn giữ được vai trò trung lập trong ngoại giao đòi hỏi những nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, nhất là giữa bối cảnh hội nhập với nhiều nguy cơ, thách thức mới trên mọi phương diện, lĩnh vực. Do đó, Việt Nam cần ra sức duy trì những gì đã đạt được và cố gắng hơn nữa trên bước đường phát triển sắp tới. Một mặt không ngừng học hỏi, tiếp nhận sự giúp đỡ chí tình từ các quốc gia anh em trong khu vực và trên thế giới, mặt khác tiếp tục phát huy tinh thần độc lập, tự cường, tuyệt đối không nghiêng theo một thế lực chính trị nào mà nhất định phải bảo lưu, giữ vững quan điểm riêng, đi lên bằng chính tiềm lực vốn cố có của quốc gia, dân tộc mình.

Câu chuyện về Phần Lan đem tới cho chúng ta một bài học, một gợi ý đáng suy ngẫm trên lộ trình xây dựng và phát triển đất nước trong thời đại hội nhập, với những thách thức về an ninh, ngoại giao tương đối phức tạp mà một nước nhỏ phải đương đầu và vượt qua. Phần Lan cũng là một ví dụ đáng để các nhà lãnh đạo quốc gia tham khảo, học hỏi, từ đó thêm tin tưởng vào con đường độc lập mà Việt Nam đang dấn bước. Dẫu còn nhiều chông gai cùng biết bao khó khăn đang chờ đợi phía trước, song, chỉ cần kiên định với đường lối, chủ trương của một nước tự chủ, tự cường, sẵn sàng làm bạn, xây dựng các mối quan hệ hợp tác, hữu nghị đa phương và dám dũng cảm đi trên con đường riêng, cơ hội để bứt phá tới thành công chắn chắn sẽ luôn đến với tất cả những ai biết làm chủ vận mệnh của chính mình!■

Đinh Thảo

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN