Đài Loan trong chiến lược của Hoa Kỳ

Đài Loan là một đối tác an ninh quan trọng trong chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do của Hoa Kỳ. Với vị trí địa chính trị và “lịch sử hình thành”, Đài Loan là một trong những nhân tố đặc biệt, chi phối quan hệ Mỹ – Trung và tác động không nhỏ đến các mối quan hệ chiến lược trong khu vực và quốc tế. Đây là một chủ đề mà dư luận đặc biệt quan tâm trong năm 2021.

1. Nhìn lại lịch sử quan hệ Mỹ – Trung

Vào năm 1972, khi quan hệ Xô – Mỹ đang ở thời điểm căng thẳng nhất của cuộc chiến tranh lạnh, Mỹ đã tranh thủ lôi kéo Trung Quốc, cô lập Liên Xô. Năm 1979, Mỹ và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao. Mỹ công nhận nguyên tắc một nước Trung Quốc, cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Tuy nhiên Mỹ có quyền bảo vệ hòn đảo này, được duy trì trao đổi thương mại, văn hóa và bán vũ khí cho Đài Loan. Đài Loan được đại diện bởi ba thành phố là Đài Bắc – Đài Trung và Đài Nam. Về phần mình, Trung Quốc chấp nhận sẽ không xâm chiếm Đài Loan bằng vũ lực.

Đạo Luật về Quan hệ Mỹ với Đài Loan ra đời năm 1979, khẳng định lại việc Mỹ hỗ trợ khả năng phòng thủ, phát triển các mối quan hệ không chính thức, bán vũ khí phòng vệ và thành lập Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan.

Quan hệ giữa hai bờ ấm dần lên. Đảng Trung Hoa dân quốc của Tưởng Giới Thạch có xu hướng xích gần về lục địa, đầu tư vào Trung Quốc lục địa mạnh mẽ trong chính sách với Đại Lục.

2. Đài Loan trong chính sách của Hoa Kỳ

Quan hệ không chính thức giữa Mỹ và Đài Loan được duy trì qua nhiều đời Tổng thống Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chính Tổng thống Trump là người đã thúc đẩy mạnh mẽ nhất quan hệ với Đài Loan. Trump đã sử dụng Đài Loan như một phần của chính sách bao vây Trung Quốc. Hoa Kỳ công nhận Thái Anh Văn như Tổng thống của một quốc gia. Một quyết định chưa từng có.

Hai Đạo Luật là “Đạo luật Thăm viếng Đài Loan” hay “Đạo luật Đảm bảo Đài Loan” đã được Quốc hội Mỹ thông qua với mức ủng hộ gần như tuyệt đối dưới nhiệm kỳ của chính quyền Trump. Theo tinh thần của các Đạo luật này, tuy quan hệ vẫn ở mức không chính thức, song  quan chức các cấp của hai bên được phép gặp nhau như quan hệ giữa hai quốc gia. Trump chúc mừng Thái Anh Văn trúng cử Tổng thống đầu tháng 8/2020; Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar là Bộ trưởng đầu tiên thăm Đài Loan sau 31 năm. Tiếp theo là chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề kinh tế.

Trump khôi phục Hiệp định bán vũ khí cho Đài Loan. Riêng năm 2020 Hoa Kỳ bán gần 5 tỷ đô la so (năm 2018 là 330 triệu đô la) vũ khí cho Đài Loan. Vũ khí cũng chuyển sang loại tấn công thay cho phòng thủ; các tàu sân bay, chiến hạm của Mỹ đã có mặt ở eo biển Đài Loan; các đơn vị đặc nhiệm của Mỹ đã có mặt ở Đài Loan huấn luyện cho lính Đài Loan; những cuộc tập trận giữa  Mỹ và Đài Loan liên tục diễn ra trong năm 2020.

Lực lượng quân sự Mỹ đã có mặt ở eo biển Đài Loan, huấn luyện cho lính Đài Loan, tàu chiến của Mỹ có tần suất hoạt động cao nhất từ trước đến nay.

Tổng thống Biden tiếp tục đường lối của Trump và có xu hướng cho thấy còn đi xa hơn. Lần đầu tiên, đại diện của Đài Loan đã được mời tham dự Lễ nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ. Một sự kiện chưa từng có.

Vài tháng sau khi nắm quyền, Biden công bố chính sách Đài Loan mới, làm sâu sắc hơn quan hệ với Đài Loan. Đẩy mạnh nhiều bước đi về ngoại giao, kinh tế, hợp tác khoa học kỹ thuật và phối hợp chặt chẽ hơn về mặt quốc phòng.

Biden thúc đẩy mạnh mẽ và tiếp tục triển khai chính sách Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Khởi động lại hoạt động của Bộ tứ (bao gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ) để lập mặt trận chống Trung Quốc. Tiến hành mở rộng và củng cố các căn cứ quân sự trong khu vực và xây dựng hạm đội hùng hậu. Mỹ thiết lập Liên minh AUKUS (Mỹ – Anh – Úc ) như một cấu trúc an ninh mới trong khu vực. Cả hai cường quốc Mỹ – Úc đều nhấn mạnh quyết tâm “tăng cường mối liên hệ với Đài Loan”.

Mỹ đang xem xét đề nghị của Đài Loan đổi tên “Văn phòng Đài Bắc” thành Văn phòng Đài Loan. Bên cạnh đó Mỹ hỗ trợ yêu cầu làm quan sát viên của  Đài Loan tại các tổ chức quốc tế (WHO, Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu…). Tạo điều kiện và vận động để Đài Loan có thể tham gia vào nhiều hoạt động tầm cỡ toàn cầu và tại Liên hợp quốc.

Trong chính sách Đài Loan, Mỹ không chỉ hành động đơn độc mà ra sức tranh thủ, lôi kéo đồng minh, đặc biệt là những nước trong khu vực như Nhật Bản, Philippine, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ. Nhật Bản hiện đang là đồng minh hăng hái và tích cực nhất, đưa ra nhiều tuyên bố mạnh mẽ ủng hộ chính sách Đài Loan của Mỹ.

Nhiều nước châu Âu trước đây có lập trường trung lập nay bắt đầu công khai quan hệ với Đài Loan. Gần đây nhất là Litva, nước thành viên đầu tiên của Liên minh châu Âu đã cho lập Văn phòng đại diện mang tên Đài Loan. Nhiều phái đoàn các nghị sỹ châu Âu như Pháp, đã đến đến thăm chính thức Đài Loan.

3. Đài Loan trong chính sách của Trung Quốc:

Từ năm 1949,Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là một tỉnh chờ ngày thống nhất. Trung Quốc phản đổi quyết liệt các nước có quan hệ chính thức với Đài Loan. Đặc biệt thời gian gần đây, Trung Quốc thường xuyên  đe dọa tấn công bằng quân sự,gia tăng các hoạt  động trên biển với tần suất ngày càng cao.

Kể từ ngày bà Thái Anh Văn thuộc đảng Dân Tiến trở thành Tổng thống Đài Loan năm 2016, chính sách về Đài Loan của Trung Quốc ngày một quyết đoán hơn, khẳng định Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc..

Trước mỗi động thái của Mỹ hoặc quốc tế dành cho Đài Loan, Trung Quốc đáp lại bằng cả phản đối ngoại giao lẫn diễn tập quân sự. Máy bay chiến đấu và ném bom của Trung Quốc xuất hiện thường xuyên ở vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan. Theo các hãng tin phương Tây, Bắc Kinh có khoảng 1.600 tên lửa đạn đạo nhắm vào hòn đảo này. Quân đội Trung Quốc cũng công khai các cuộc tập trận mô phỏng cuộc xâm lược Đài Loan để  đe dọa Đài Loan và gửi thông điệp cảnh cáo Mỹ và đồng minh.

Trung Quốc tập trận, mô phỏng tấn công đổ bộ Đài Loan. Ảnh: Handout

Những động thái này làm gia tăng nỗi lo ngại về khả năng Bắc Kinh sử dụng vũ lực để thôn tính Đài Loan. Đô đốc Philip Davidson, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ (INDOPACOM), phát biểu về nguy cơ trong vòng 6 năm tới Trung Quốc có thể dùng vũ lực để lấy lại Đài Loan!

Về thương mại, kinh tế, Trung Quốc ngày càng ra sức ép buộc các doanh nghiệp nước ngoài phải đề tên Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc. Bên cạnh đó, chiến lược kinh tế của Trung Quốc là làm Đài Loan mất dần thế cạnh tranh trong lĩnh vực nổi bật là sản xuất chất bán dẫn trên toàn cầu.

Tuy nhiên trái với những tuyên bố trước đó rằng sẽ “thống nhất Đài Loan bằng mọi giá, kể cả bằng sức mạnh quân sự” thì tháng 10 vừa qua, ông Tập phát biểu rằng  sẽ thống nhất Đài Loan “bằng con đường hòa bình”. Liệu đây có phải là một phần trong sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Trung Quốc trước phản ứng mạnh mẽ của thế giới?

Dư luận cũng đặc biệt quan tâm đến phát biểu của ông Putin khi gần đây tuyên bố rằng Trung Quốc có đủ điều kiện để lấy lại Đài Loan bằng biện pháp hòa bình mà không cần thiết phải dùng vũ lực.

4. Chính sách của Đài Loan ra sao ?

Quan hệ hai bờ thay đổi cơ bản từ khi bà Thái Anh Văn làm Tổng thống. Chính quyền Thái Anh Văn tranh thủ và tận dụng mọi cơ hôi để mở rộng, tăng cường, thúc đẩy quan hệ quân sự, kinh tế, thương mại với Mỹ. Đài Loan gắn kết chính sách đối ngoại với Mỹ và gia tăng ngân sách quốc phòng ở mức cao nhất. Thực thi chính sách cứng rắn và độc lập với Đại Lục. Đài Loan cũng đa dạng hóa nền kinh tế.

Năm 2019, Diễn Đàn kinh tế thế giới (WEF) bầu chọn Đài Loan là một trong những nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới. Trong báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu của WEF, Đài Loan xếp thứ 12 trên thế giới và thứ 4 của khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong tổng số 141 nền kinh tế thế giới. Hiện họ có “Văn phòng Đại diện Kinh tế Văn hóa Đài Bắc” tại gần 60 quốc gia.

Việc tăng mạnh ngân sách quốc phòng đã giúp Đài Loan nâng cấp lực lượng quân sự, phòng vệ, thông qua việc tự sản xuất và mua các loại  vũ khí tối tân của Mỹ. Theo nhiều nguồn tin, Đài Loan đang phát triển các tên lửa có tầm bắn đủ xa tới một số thành phố lớn ở Đại Lục. Họ thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn với các hoạt động quân sự cả trên biển, trên không và trên bộ. Công khai là để đối phó với tấn công quân sự của Trung Quốc.

Ở cấp độ quốc tế, chính quyền Thái Anh Văn rất chủ động, xin làm quan sát viên tại các tổ chức quốc tế đa phương. Hiện Đài Loan đã làm đơn xin gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhằm  giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, gần hơn với Mỹ và các đồng minh trong khu vực. Đài Loan đang yêu cầu được đổi tên cơ quan đại diện của họ tại thủ đô Hoa Kỳ từ “Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc” thành “Văn phòng Đại diện Đài Loan”. Tại Cộng hòa Litva, Đài Loan đã mở một văn phòng với tên  “Văn phòng Đại diện Đài Loan.

5. Dự báo tình hình trong thời gian tới

Chính sách của chính quyền Trump trước đây cũng như chính sách của Biden hiện nay đã bộc lộ rõ Mỹ coi Đài Loan là một căn cứ quân sự đặc biệt quan trọng kết nối với Nhật Bản và Hàn Quốc, tạo ra một vành đai và sức mạnh vượt trội để ngăn chặn, răn đe Trung Quốc độc chiểm Biển Đông và xa hơn là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Trong khi đó, Trung Quốc không chịu để Đài Loan thuộc về phe Mỹ. Trung Quốc sẽ làm mọi cách để kiềm chế không để Đài Loan thoát khỏi Trung Quốc. Ngoài những biện pháp ngoại giao và kinh tế, Trung Quốc đã tập trung mọi sức mạnh quân sự vượt trội Mỹ và đồng minh Mỹ vừa để ngăn chặn Mỹ và đồng minh có mặt tại khu vực vừa để thực hiện “thu hồi Đài Loan” khi tình hình cho phép. Chính bối cảnh đó đã kích tạo căng thẳng, đe dọa hòa bình và an ninh vùng Đông Bắc Á, Biển Đông và châu Á – Thái Bình Dương, kích hoạt cuộc chạy đua vũ trang trong vùng chưa thấy có điểm dừng.

Kết cục sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan sẽ đi đến đâu là rất khó đoán. Điều chúng ta nhìn thấy rõ nhất là các bên đang lôi kéo đồng minh và gây áp lực với nhau để giành lợi thế, song khả năng đối đầu vũ trang trong thời điểm này khó xảy ra. Cần suy nghĩ tới một cuộc mặc cả Mỹ – Trung, lặp lại lịch sử của nó về vấn đề Đài Loan.■

Phan Nguyên

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN