Gieo gió gặt bão: Lỗi lầm chiến lược của Hoa Kỳ tại châu Âu sau Chiến tranh lạnh

Cả thế giới đang chăm chú theo dõi tình hình căng thẳng ở biên giới Ukraina và Nga. Washington đã cảnh báo rằng Tổng Thống Putin có thể ra lệnh xâm lược Ukraina bất cứ lúc nào. Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Kiev đã được di tản. Tình hình đang rất bấp bênh và đa số ý kiến đều cho rằng chính những hành động đơn phương gây hấn bằng quân sự của Putin đã đưa châu Âu vào cuộc khủng hoảng hiện tại. Tuy nhiên, nếu nhìn lại các nước cờ trên bàn cờ địa chính trị của Hoa Kỳ trong vòng 25 năm qua, chúng ta có thể có một cái nhìn khác về cuộc khủng hoảng này.
Sau Chiến tranh lạnh, Liên Xô tan rã và Khối hiệp ước Vác-sa-va không còn tồn tại nữa. Hoa Kỳ trở thành “anh cả của thế giới”. Bill Clinton giữ chức “ông chủ” Nhà Trắng. Đối với nước Mỹ, mọi thứ dường như đều đi đúng hướng. Tuy nhiên, giống như những kẻ chiến thắng khác trong lịch sử, Hoa Kỳ đã đánh mất đi sự khôn ngoan của mình và phạm phải một lỗi lầm chiến lược lớn. Lỗi lầm đó chính là sự mở rộng không ngừng của NATO.
Từ con số 16 thành viên trong thời kì Chiến tranh lạnh, hiện nay, NATO đã có 30 thành viên. Trong đó có đa số những thành viên cũ của Khối hiệp ước Vác-sa-va (bao gồm Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Séc, Bulgaria, Rumani, và Slovakia).
Đối mặt với sự mở rộng của NATO, lần thứ nhất vào năm 1999 và lần thứ hai vào năm 2004, chính quyền Nga đã phản đối kịch liệt nhưng cũng không thể có hành động đáng kể nào có thể ngăn chặn sự bành trướng này. Trong thập niên 1990, nước Nga, dưới sự lãnh đạo của Gorbachev và Yeltsin, đã trở nên yếu ớt và bị mất phương hướng. Sư phẫn nộ và cay đắng của dân chúng Nga đã bắt đầu từ đó. Chúng ta không thể kết tội Putin đã tạo ra sự phẫn uất này vì ông chỉ mới lên nắm quyền từ năm 2000, sau một cuộc bầu cử công khai.
Từ đầu thập niên 1990 đến nay, Matxcơva luôn thể hiện rõ sự lo lắng về việc NATO bành trướng đến trước cửa nhà của Nga. Lẽ ra, Hoa Kỳ hoàn toàn có thể hiểu được nỗi lo sợ này vì chính Hoa Kỳ cũng đã phản ứng kịch liệt khi Liên Xô tiến hành đưa vũ khí hạt nhân vào Cuba dưới thời tổng thống Kennedy, và sau đó, dưới thời tổng thống Reagan, khi Matxcơva ủng hộ các chính phủ cánh tả tại Mỹ Latinh, nơi luôn được Mỹ coi là sân sau của mình từ chủ thuyết Monroe.
Tuy nhiên, vào thời kỳ 1990 đó, nước Mỹ đang say men thắng trận và đã bị lớp hào quang chiến thắng che mờ mắt. NATO tiếp tục mở rộng và nước Nga tiếp tục tin rằng mình đang bị NATO dồn vào chân tường.
Công bằng mà nói, đã có nhiều tiếng nói nặng ký bên trong chính quyền Mỹ đặt câu hỏi về sự mở rộng của NATO. Trong số đó có Thượng Nghị sĩ Sam Nunn, tiếng nói hàng đầu về vấn đề quan hệ Mỹ – Nga; Thượng Nghị Sĩ Patrick Moynihan, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc; và thậm chí là George Kennan, cha đẻ của chiến lược bao vây Liên Xô của Mỹ từ năm 1947. Tuy nhiên, đây chỉ là những ý kiến của thiểu số. Dưới sự dẫn dắt của các chính trị gia, các nhà tư bản và giới lãnh đạo truyền thông, tâm trạng chung của nước Mỹ lúc đó là mong muốn thực hiện vị thế siêu cường đơn cực của Hoa Kỳ. Vì vậy, sự mở rộng NATO được coi như một việc hiển nhiên.
Giọt nước tràn ly xảy ra vào năm 2008 tại Rumani. Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bucharest, NATO tuyên bố họ sẵn sàng kết nạp Gruzia và Ukraina trong tương lai. Matxcơva đã nhanh chóng đưa những phản ứng miệng của mình thành hành động quân sự. Nga xâm chiếm Gruzia ngay cùng năm và tìm cách tạo ra một chính quyền thân Nga tại Kiev.
Ukraina trở thành võ đài so găng giữa Washington và Matxcơva thông qua những con rối của Mỹ và Nga tại Kiev. Cuối cùng, cuộc biểu tình đẫm máu diễn ra vào năm 2014 đã chấm dứt sự chi phối của Matxcơva tại Ukraina. Matxcơva phản ứng bằng cách dùng vũ lực chiếm đóng Crimea, một khu vực cảng mà Matxcơva đã có hợp đồng thuê dài hạn với Kiev.
Và phần còn lại là lịch sử như chúng ta đang thấy.
Nhìn về quá khứ, thực ra Hoa Kỳ có cần thiết mở rộng NATO như cách Washington đã làm? Liệu rằng việc làm cho Nga cảm thấy bị đe dọa có phải là một bước đi khôn ngoan khi mục đích chính của Hoa Kỳ là giúp các nước trong khu vực không cảm thấy bị đe dọa bởi Nga?
Phải chăng chúng ta đều ao ước có cơ hội sửa lại những lỗi lầm của quá khứ? Có lẽ, các nước lớn cần phải cân nhắc trách nhiệm của mình một cách cẩn thận hơn.

Song Việt

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN