Lễ Tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày 2/9/1945

Ngày Độc lập 2/9/1945 đã trở thành một dấu mốc lịch sử không thể nào quên trong suốt chặng đường dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Lúc bấy giờ, khí thế cách mạng của nhân dân thủ đô gắn liền với thời khắc trọng đại khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã được mô tả trên rất nhiều tờ báo. Tạp chí Dân Thanh số 1, ngày 4/9/1945 có bài viết mô tả rõ từng hoạt động cụ thể trong buổi lễ tuyên bố Độc lập tại Thủ đô Hà Nội ngày 2/9 năm ấy. 

Cuộc mít tinh

Chương trình: 2 giờ chiều, cuộc mít tinh bắt đầu. 11 giờ sáng, toàn thể dân chúng Hà Nội đã chủ động, mỗi khu mỗi phố hội họp từng đoàn đông với biểu hiệu riêng và rất có trật tự. 12 giờ, những làn sóng người ấy đã rầm rộ tràn qua các phố, đổ rạp về phía vườn hoa Ba Đình, Sở Tài Chính. Trời nắng gắt nhưng tiếng hát vang lừng của hàng mấy mươi vạn nhân dân khiến cho ai nấy đều hăng hái, vui vẻ. Các đoàn thể xếp hàng chia nhau đứng quanh kỳ đài. Đoàn tự vệ, lính giải phóng, lính cảnh sát, bồng súng dài, mang súng lục giữ trật tự, có cả các anh em hướng đạo, thanh niên giúp sức.

Đại biểu Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh tới nơi

2 giờ 15 phút, một đoàn mấy chục xe hơi của đại biểu Chính phủ khởi hành ở trước dinh Bắc Bộ. Đi đầu là xe mô tô và 2 toán lính cảnh sát đi xe đạp, rồi đến các xe hơi Liêm Phóng, toà Thị Chính, phủ Bắc Bộ và Chính phủ Lâm thời. Qua các phố cho đến tận nơi họp mít tinh, chỗ nào dân chúng cũng hoan hô nhiệt liệt.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trên xe bước xuống, lên thẳng kỳ đài, có nhân viên ban tổ chức và phòng Thông tin Tuyên truyền Báo chí đón tiếp rất trọng thể. Chủ tịch người gầy gò tầm thước, đôi mắt rất tinh an, mặt đen sạm, má hóp, râu dài, có dáng điệu như các nhà cách mệnh Phan Tây Hồ, Phan Sào Nam tuổi cũng tới ngoài 60. Chủ tịch vận bộ Âu phục màu vàng, đội mũ bọc vải xám, cầm “ca”, lên đài cùng các ông Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp Bộ Nội vụ, Dương Đức Hiếu Bộ Thanh niên, Nguyễn Văn Tố Bộ Xã hội Cứu tế, Trần Huy Liệu Bộ Thông tin và Tuyên truyền, Vũ Trọng Khánh Bộ Tư pháp, Nguyễn Mạnh Hà Bộ Kinh tế, Vũ Định Hoè Bộ Quốc gia giáo dục, Cù Huy Cận… Ngoài ra còn có cả đại biểu của Tổng bộ Việt Nam, là ông Nguyễn Lương Bằng, và đại biểu của Hoa Kiều ở Hà Nội, các nhân viên trong Uỷ ban Nhân dân Bắc Bộ, Uỷ ban Nhân dân Hà Nội và đại biểu các báo hàng ngày.

Kỳ đài thiết lập ở giữa vườn hoa, làm bằng gỗ ngoài bọc vải trắng với đỏ, mặt trước kết hình lá cờ đỏ sao vàng, hai bên có đặt lư trầm, mặt sau là bậc thang lên xuống. Giữa kỳ đài dựng một cái cột cao để kéo lá quốc kỳ, chung quanh là mấy hàng ghế ngồi của các nhà đương chức. Trên kỳ đài, cạnh chỗ để máy truyền thanh, có bày thanh kiếm to, chuỗi ngọc vỏ vàng, cùng với ấn vàng hình vuông, là những bảo vật mà vua Bảo Đại vừa trao lại cho đại biểu của Chính phủ Cộng hoà Dân chủ.

Đoàn xe của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ lâm thời tiến vào khu lễ đài. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Lễ Chào cờ

Đúng 2 giờ rưỡi, lễ chào cờ cử hành. Công chúng yên lặng trông xa quốc kỳ từ từ lên cao, do một nữ chiến sĩ ở khu giải phóng về và một đại biểu của phụ nữ ở Hà Nội cầm dây kéo lên. Âm nhạc của quân đội cử bài “Tiến quân ca”.

Hồ Chủ tịch tuyên bố

Ông Nguyễn Hữu Đang, Trưởng ban tổ chức Ngày Độc lập nói trước mặt truyền thông rằng Hồ Chủ tịch sắp tuyên bố. Tiếng reo mừng nổi dậy khắp tứ phía.

Với một giọng nhẹ và chậm rãi, Hồ Chủ tịch tỏ lời chào quốc dân đồng bào rồi tuyên bố về nền độc lập Việt Nam và chính thể Dân chủ Cộng hoà (trong khi nói, thỉnh thoảng Hồ Chủ tịch lại xem công chúng có nghe được rõ không rồi mới nói tiếp).

Lễ Tuyên thệ của Chính phủ

Hồ Chủ tịch dứt lời, các quan viên trong Chính phủ Lâm thời đứng chung quanh Người tuyên thệ trước quốc dân (lời thề đã đăng rõ trong số báo trước).

Kế đến ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp bày tỏ về tình hình trong nước và chính sách của Chính phủ. Theo lời ông, thì Vua Bảo Đại đã thoái vị (nay là ông Vĩnh Thụy) rồi đây cũng sẽ cùng vào Nội các, lấy tư cách là một công dân của nước Việt Nam độc lập.

Ông Giáp có nhắc lại lời tuyên bố của ông Tưởng Giới Thạch – Chủ tịch Chính phủ Trung Hoa: “Chiến tranh đã hết, đế quốc chủ nghĩa cũng phải hết” và ông hô hào quốc dân Việt Nam phải đoàn kết mãi mãi để củng cố nền độc lập và chống sự xâm lăng. Ông Giáp nói xong, công chúng hoan hô nhiệt liệt, cũng như đã hoan hô Hồ Chủ tịch.

Lễ Thoái vị của vua Bảo Đại

Ông Bộ Trưởng Bộ Tuyên truyền Trần Huy Liệu, lĩnh nhiệm vụ vào Huế dự lễ thoái vị của Vua Bảo Đại, nay sứ mạng đã xong, ông vừa ở Huế ra và xin tường trình công việc với quốc dân. Ông Liệu thuật lại tình hình dân chúng suốt từ Nghệ Tĩnh vào đến Huế đã ủng hộ Chính phủ Cộng hoà và lễ thoái vị cùng lúc vua Bảo Đại trao ấn vàng, kiếm vàng cho đại biểu của Chính phủ Cộng hoà Việt Nam.

Ông Nguyễn Hữu Đang có cho giơ cao thanh kiếm và cái quốc ấn để công chúng xem, rồi liền đó Hồ Chủ tịch nói thêm rằng: “Từ nay, thanh bảo kiếm này sẽ dùng để trừng trị những kẻ phản quốc và những kẻ xâm phạm vào đất nước ta”.

Đại biểu Tổng bộ Việt Minh tuyên bố

Đúng 3 giờ rưỡi, ông Nguyễn Lương Bằng, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh nét mặt cương quyết, đứng trước máy truyền thanh đại ý hô hào đồng bào từ trên xuống dưới nên hết thảy một lòng, xây dựng cho nền độc lập nước nhà được bền vững.

Quốc dân tuyên thệ

Sau lời ông Nguyễn Lương Bằng, quốc dân làm lễ tuyên thệ trước Chính phủ. Giờ phút thiêng liêng ấy đã làm cho mấy mươi vạn đồng bào đến nức lòng cảm động, xin thề – những lời thề kiên quyết, hy sinh cho đất nước. Tiếng chiêng rung động, tiếng hô vang lừng làm cho cả một vùng hình như bao trùm cả một hình ảnh thiêng liêng của giang sơn Lạc Hồng. Đội nhạc nhà binh cử những bài hùng hồn và đoàn viên Hội Khuyến nhạc hát theo.

Mấy lời căn dặn của Hồ Chủ tịch

Lễ Tuyên thệ xong, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đứng lên cao dặn quốc dân ít điều. Đại ý Hồ Chủ tịch nói: “Thưa quốc dân đồng bào, trong buổi mít tinh nay, Chính phủ ra mắt quốc dân, quốc dân trông thấy Chính phủ. Cuộc mít tinh thế là xong, tôi xin nói thêm mấy lời tâm huyết với quốc dân đồng bào: “Của quý nhất của quốc dân, của thế giới là sự độc lập. Giờ đây chúng ta đã được độc lập rồi, ta phải cố gìn giữ lấy, nhưng phải làm thế nào? Bất kỳ ai, già, trẻ, gái, trai, đủ các tầng lớp trong xã hội, đều phải nhất làm và đoàn kết.

“Xin đồng bào chớ tưởng rằng thời nay là thời bình đâu. Để đi đến ngày thái bình hẳn, còn phải trải nhiều sự sinh lao khổ nữa, vậy ta phải sẵn sàng để vượt qua những bước khó khăn. Hôm nay đồng bào đã tỏ chí khí cương quyết, phải cố mà giữ lấy lòng cương quyết ấy để giúp cho Chính phủ. Sau này, sẽ còn những cuộc khánh chúc thắng lợi to hơn nữa.

15 phút sau, đại biểu ban tổ chức hô hai khẩu hiệu vào máy truyền thanh để công chúng hô theo: “Ủng hộ Chính phủ Lâm thời Dân chủ Cộng hoà! Quyết tâm giữ vững nền độc lập!” Cuộc mít tinh bế mạc. Đội nhạc chơi bài “Tiến quân ca” để bế mạc cuộc mít tinh. Các đoàn thể dần dần giải tán có trật tự đi biểu tình thi uy tại các phố và tập trung cả quanh hồ Hoàn Kiếm, rồi mới nơi nào về nơi ấy.

Quang cảnh tại các phố

Ở khắp các phố, đèn thầy kéo, chăng đèn, kết hoa lá. Tối đến, có phố thiết lập ban thờ “Độc lập” để các thanh niên tuyên thệ; có phố tổ chức những trò vui riêng cho các trẻ em nam nữ dự, hoặc phát bánh kẹo, hoa quả và cờ cho chúng đi trước, tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng trống vang lừng trong thành phố, mãi 11 giờ – giờ thiết quân luật – mới yên hẳn.

Lời tuyên bố của ông Trần Huy Liệu

“Anh chị em đồng bào!

Lịch sử nước nhà đã tới một giai đoạn mới; chính thể đế chế đã phải nhường chỗ cho chính thể dân chủ cộng hoà. Đó là nguyện vọng chung của toàn thể quốc dân và là bước tất nhiên trên con đường lịch sử. Một điều mà chúng ta phải nhận ra: chính thể dân chủ cộng hoà không phải tự nhiên đem lại cho quốc dân ta mà là do sức tranh đấu lâu dài của bao nhiêu chiến sĩ và dân chúng hàng mấy chục năm nay. Cuộc tranh đấu bảo vệ nước Việt nam Dân chủ Cộng hoà vẫn đi kèm luôn luôn với cuộc tranh đấu giành quyền độc lập cho xứ sở. Đã bao nhiêu người con yêu quý của chủ nghĩa dân chủ đã hi sinh vì lý tưởng rộng rãi và cao thượng của mình, vì quyền lợi tối cao của quốc dân. Cho đến ngày nay, chính quyền đã về tay nhân dân cùng với cuộc độc lập của đất nước.

Nhưng trong chỗ thực hiện chính thể dân chủ cộng hoà ngày nay, một điểm đặc biệt đã đánh dấu vào đó là: Thể theo nguyện vọng chung của quốc dân và thuận theo bước tiến hoá của lịch sử, chính ông Vĩnh Thuỵ đã tự nguyện thoái vị, giao trả quốc quyền cho Chính phủ Lâm thời. Và theo lời tuyên bố, chính nhà vua cũng yêu dân chủ, sắp vào mặt trận dân chủ với toàn thể quốc dân.

Hôm 30/8, thay mặt Chính phủ Lâm thời, chúng tôi nhận sự thoái vị của ông Vĩnh Thuỵ và nhận quốc dân quyền của ông giao trả lại cho nhân dân Việt Nam. Thế là nước Việt Nam đã trở thành nước Cộng hoà Dân chủ, một kỷ nguyên mới của lịch sử nước nhà”.■

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN