Quang cảnh Hà Nội cuối thế kỷ 19

Khi nhắc đến Hà Nội xưa, chắc hẳn chúng ta sẽ thường nghĩ đến Hà Nội những thập niên đầu thế kỷ 20, khi nhiều công trình kiến trúc của Pháp đã xây xong, và văn hóa Pháp đã thâm nhập sâu rộng vào đời sống thủ đô. Bài viết dưới đây của tác giả Tiên Đàm Nguyễn Tường Phượng, đăng trên Tạp chí Tri Tân số 8 ra ngày 25/7/1941 (tựa gốc: Hà Nội xưa… và nay), sẽ đưa chúng ta về với Hà Nội của một thuở xa xưa hơn nữa với những đặc điểm khác hẳn ngày nay qua lời kể của các bậc cố lão. 

***

Hà Nội ba mươi sáu phố phường,

Hàng Gạo, Hàng Đường, Hàng Muối trắng tinh…

Câu hát ấy chỉ cho ta biết Hà Nội là một tỉnh nhiều phố, nhiều phường, và trong những phường, phố ấy đều có một thứ buôn riêng, đến nay vẫn còn tên cũ mặc dầu trong phố không còn hoặc ít thứ hàng ấy. Thì như: Hàng Vải Thâm nay buôn giấy bản…

Nếu ta sống lui lại năm, sáu mươi năm trước và hỏi lại chuyện các bậc cố lão, thì cố đô Thăng Long (các nhà truyền giáo gọi là Kẻ Chợ) của các triều trước khác hẳn với thành phố Hà Nội ngày nay.

Tỉnh chia làm hai phần: Thành các quan ở và phía đông thành là những đường phố.

Phường phố, vị trí ở trong khoảng từ hồ Hoàn Kiếm đến bờ sông Nhị Hà.

Tiếng gọi là phố, giá gọi từng “khu” một thì đúng hơn, nhưng ít nhà ngói, còn thì nhà lá làm lộn xộn, quang cảnh giống như một cái làng to. Có nhà làm quay hướng ra các hồ, ao.

Thành các quan ở có tường cao, hào sâu. Các phố có hàng rào và cửa chắn.

Một di tích còn lại ngày nay, cổng ô ở phố Mới, thường gọi là ô Quan Trưởng và tên chữ là Đông Hà môn.[1]

Ngoài cái cổng này, các phố trông ra sông Nhị Hà cũng có cổng như ô Hàng Đậu, ô Hàng Mã, ô Hàng Mắm (còn gọi là ô Ưu Nghĩa), ô Hàng Sũ; nhưng các cổng này đều phá đi cả.

Đêm đến, các phố đều không thông với nhau nữa, vì các cổng đóng. Cổng ấy xây chắn ngang phố, hai bên cổng có dán yết thị của quan Tổng đốc và quan Phòng thành cấm dân sự về việc đi đêm. Những cổng trên có cánh gỗ rất to, có toang vuông hoặc tròn, nặng tới ba người khiêng; tối đóng rồi thì ít khi mở, chỉ trừ lúc có lệnh trên.

Hồi ấy khu các Hoa kiều ở là phố Hàng Ngang đẹp hơn cả, vì cổng xây gạch, có bao lơn, rất chắc chắn, lại có vòm canh để phu điếm đứng, cho nên muốn vào khu ấy rất khó khăn.

Cổng ở Hàng Gai thật sơ sài: chỉ là bức tường xây, có khoét cửa vuông chữ nhật như các nhà thường. Còn các phố nhỏ không có cổng gạch, chỉ có hàng rào gỗ hay tre, chòi canh lợp gianh hay lá, để phu điếm đứng tránh gió mưa.

Phố Hàng Chiếu (Ảnh chụp của Émile Gsell, in trong sách Voyage de l’Égypte à l’Indochine xuất bản năm 1880)

Phố xá hồi ấy thế nào?

Trừ phố xá có lát đá tảng ở giữa lối đi, còn các phố khác đều là đường đất, bùn ngập đến mắt cá chân; lại thêm rác bẩn ở các nhà và khách bộ hành vứt ra đường, không ai quét dọn! Mùa mưa, thật là lầy lội. Một vài phố có lối lát gạch ở giữa, nhưng chỉ có một hàng để đủ đi lúc giời mưa cho khỏi lấm chân thôi.

Hai bên vệ đường không có rãnh, cống chi cả. Nước mưa ứ đọng lại, đến mùa viêm nhiệt, uế khí xông lên rất bẩn thỉu. Cho nên trong phố thường hay có bệnh thời khí!

Còn nhà hàng phố thì ai làm nhà đều theo ý mình, không có phép tắc kiểu mẫu: cái nhô ra, cái thụt vào! Mỗi nhà đằng trước lại có mái hiên bằng lá, hay phên liếp, dưới dọn hàng, thành ra phố đã chật lại hẹp thêm. Một đôi khi có hỏa hoạn cháy từ ngoài cửa vào, chủ nhà chỉ còn cách chạy ra lối sau hoặc nhảy xuống ao, xuống hồ (vì trong phố có ao, hồ, như hồ Hàng Đào, hồ Hàng Bè…) để tránh nạn. Ở một vài nhà cổ, ngoài bục hàng ngày nay, ta hãy còn thấy, xây cái bể chứa nước để chữa cháy, vì mỗi gia chủ phải tự vệ lấy, chứ làm gì có sở cứu hỏa của nhà nước như bây giờ!

Phố Thợ Khảm (nay là phố Tràng Tiền và Hàng Khay) khoảng năm 1884-1885 (Ảnh chụp của bác sĩ Charles-Édouard Hocquard)

Sự đi lại trong phố thật là phiền phức, nhất là mỗi khi có quan quân trẩy qua, thì hai bên phố phải tránh ra hết, có nhà phải đóng cửa lại. Nếu gặp buổi phiên chợ thì thật là bí tắc, người chạy nhốn nháo, giày xéo lên nhau, không còn trật tự gì cả, chỉ lợi cho kẻ cắp thừa lúc ấy mà hoành hành.

Ở Hà Nội có phiên chợ, thường họp vào ngày rằm và mồng một. Gặp những hôm ấy, các dân quê miền phụ cận đều kéo vào tỉnh mua bán. Họ họp ngay giữa giời, ngoài hiên các phố. Những hàng cửi họp ở Hàng Đào, hàng nồi ở Hàng Đồng, hàng nón ở Hàng Nón. Toàn tỉnh là một cái chợ to, quang cảnh ồn ào, sự đi lại bị ngừng trệ! Sáng từ 7 giờ mãi đến quá trưa, từ hè phố đến ngoài đường, các hàng ngồi san sát dài hơn hai cây số.

Ban ngày càng ồn ào bao nhiêu, quang cảnh ban đêm lại càng bình tĩnh bấy nhiêu: Cứ lặn mặt giời, các nhà đã đóng cửa im ỉm. Ngoài phố không có đèn. Những đêm không giăng, cư dân phải sống trong cảnh tối tăm rùng rợn. Ai đi đêm phải mang đèn. Hồi ấy phải đi đêm là một sự bất đắc dĩ.

Tuy các cổng ô đã đóng chặt, nhưng các dân phố đi ngủ vẫn còn nơm nớp sợ.

Một bà cụ kể rằng: “Chập tối, dọn hàng xong là đi ngủ, nhà nào có tiền phải giấu kín hoặc chôn, hoặc đem gửi. Khi ngủ, thì lên gác lò (tức như gác xép), rút thang lên, cửa đóng thật chặt, ai gọi cũng không dám mở. Trong một gia đình, kẻ ngủ, phải có người thức, cốt để phòng thủ trong những đêm trường hồi hộp. Ngoài đường vắng tanh, không ai đi lại, trừ ra mấy bác phu điếm cầm canh rời rạc, đập gậy chan chát, đến độ ba, bốn giờ sáng, các bác phu đã đập cửa từng nhà gọi: “Hai bên hàng phố dậy mà trông lấy nhà!” Vì giờ ấy, họ bắt đầu đi ngủ cho đến sáng. Mà cũng giờ ấy các chú chích (kẻ trộm) bắt đầu hoành hành.

Nhà nước tuy có đặt quan Phòng thành, nhưng việc trị an không có phương pháp, chỉ trông vào mấy anh phu điếm canh gác vì được dân phố đãi tiền…”[2]

Sự sống “khủng bố” ấy làm dân Hà Nội, nhất là mấy năm về cuối đời Tự Đức (1881, 1882, 1883), ai ai cũng phải lo sợ. Thêm vào, có những tin bên ngoài phao đồn: nào Cờ Đen, nào Cờ Vàng, nào Tàu Ô… Nhiều nhà giàu phải bỏ thành thị mà về quê ẩn náu.

Tháp Hòa Phong bên Hồ Gươm khoảng năm 1884-1885 (Ảnh chụp của bác sĩ Charles-Édouard Hocquard)

Nếu được nhìn lại bức tranh trên, chúng ta sẽ lấy làm lạ lùng mà thấy quang cảnh Hà Nội ngày nay: Hồ Gươm trong vắt, bóng liễu thướt tha, đèn điện sáng, đường phố rộng rãi, sạch sẽ, đi lại dễ dàng, buôn bán tiện lợi… Ta sẽ mừng rằng đã may mắn qua được những đêm rùng rợn mà nhiều cụ đến nay mỗi khi nhắc lại vẫn còn ghê sợ tưởng như mình từ thế giới nọ bước sang thế giới kia vậy.■

Tiên Đàm Nguyễn Tường Phượng

Chú thích:

[1] Cổng này xây năm 1749 (niên hiệu Cảnh Hưng nhà Lê) để phòng giữ kinh thành về mặt sông Nhị Hà. Theo Maspero, BEFEO 1910, trang 562, cổng có tường bao lớn, có vòm canh và ngay lối đi còn có một tấm bia, khắc năm Tự Đức thứ 34 (1882) cấm người canh cổng không được vòi tiền của người qua cổng.

[2] Thuật theo lời thân mẫu tôi kể lại.

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN