Nghĩ về các anh hùng liệt sĩ qua từng hiện vật thời chiến

Thế kỉ XX đã trở thành một giai đoạn không thể quên trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, gắn liền với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ trường kì. Ở đó, những anh hùng liệt sĩ  – những con người đã không tiếc máu xương mình để chiến đấu, hi sinh anh dũng cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, đã trở thành hình tượng trung tâm của thời đại. Hàng năm, những hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ vẫn diễn ra rộng rãi trên khắp mọi miền Tổ quốc, đặc biệt là vào dịp lễ kỉ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ 27 tháng 7. Những thương bệnh binh cùng các anh hùng liệt sĩ nói riêng và người lính Việt Nam nói chung cũng đã trở thành đề tài quen thuộc, bất hủ gắn liền với rất nhiều tác phẩm nghệ thuật, văn chương, điện ảnh, hội hoạ… nổi tiếng. Họ trở thành những tượng đài nổi bật, bia mộ và hình ảnh của họ hiện hữu ở khắp nơi trên dài đất hình chữ “S” thân yêu, trong những công viên, những nghĩa trang, cả ở những đài tưởng niệm của mọi tỉnh thành. Bởi lẽ, không ở đâu trên đất nước Việt Nam lại không có những người con ra đi vì nước, những người bỏ lại gia đình, ruộng nương để lên đường làm trọn nghĩa vụ thiêng liêng mà Tổ quốc giao phó.

Tuy nhiên, họ không chỉ sừng sững đứng đó, oai nghiêm trên những tượng đài, hoá thành những tên đường, tên phố, không phải những ý niệm lớn lao trong sách vở, trên những áng thơ văn hùng tráng, mà còn hiện diện ngay trong chính những đồ vật mà họ còn gửi lại cho hậu thế. Nếu bước chân vào những viện bảo tàng, những khu lưu trữ hiện vật, ta sẽ được thấy cả một thế giới sống động, chân thực, nơi những người lính hiện ra bằng xương bằng thịt thông qua những bức thư, bức ảnh, những đồ dùng cá nhân, kỉ vật… họ mang theo, sử dụng trên chiến trường. Chính qua những đồ vật nhỏ bé ấy, ta nhận ra nguồn sức mạnh tinh thần lớn lao, tiếp thêm động lực cho những người lính Việt Nam trên chiến trường khốc liệt với kẻ thù mạnh hơn ta gấp nhiều lần. Cũng từ đây, ta có thể đến gần hơn với một phần quá khứ của dân tộc, với chuỗi kí ức cá nhân các anh hùng, liệt sĩ hoà quyện với kí ức cộng đồng; từ đó bày tỏ niềm tri ân, sự thấu hiểu sâu sắc, kính cẩn nghiêng mình trước những con người bình dị đã không tiếc thân mình mà “làm ra Đất Nước” hôm nay.

Khu trưng bày kỷ vật của chiến sĩ tại Thư viện Nguyễn Văn Hưởng

Thư viện Nguyễn Văn Hưởng là một nơi lưu trữ như thế. Không gian của căn phòng đơn sơ, giản dị mà ấm cúng khiến ta không khỏi bồi hồi, xúc động trước những kỉ vật được trưng bày trong những ô kính nhỏ. Nơi đây chủ yếu tập hợp hiện vật từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là những đồ vật rất đỗi nhỏ bé, bình dị như những bức ảnh, bức thư, bưu thiếp của các chiến sĩ gửi tới người thân nơi hậu phương; những vật dụng hàng ngày trong sinh hoạt chiến trường như chiếc bát, cái thìa ăn cơm, cây tông-đơ cắt tóc, chiếc kèn harmonica, chiếc bật lửa, máy ảnh, thắt lưng, quân trang… cho đến một số vũ khí và trang bị quân dụng như dao rựa, la bàn, loa, dụng cụ pháo binh, đèn bão… Tất cả những đồ vật ấy, dẫu nhỏ bé, đơn sơ là vậy song đã làm sống dậy cả một quá khứ hào hùng của dân tộc; nhắc nhớ ra về những con người đã từng tạo ra nó, sở hữu nó, mang theo nó bên mình như những hành trang không thể thiếu nơi chiến trường ác liệt. Đó chính là những anh hùng liệt sĩ – những người lính đã anh dũng sống và chiến đấu để bảo vệ hoà bình, độc lập dân tộc. Các hiện vật được trưng bày không chỉ là những chứng tích còn lại từ cuộc chiến, minh chứng cho một thời đại oanh liệt, hào hùng của Tổ quốc Việt Nam yêu dấu; mà chính chúng đã gợi nhắc ta về những con người đã ngã xuống cho màu xanh trên đất nước hôm nay. Mỗi đồ vật là một câu chuyện, gắn liền với một linh hồn, một cuộc đời người lính đã vĩnh viễn nằm lại nơi đất mẹ để làm nên hoà bình cho hậu thế. Chiêm ngưỡng những đồ vật ấy, cũng chính là chiêm ngưỡng quá khứ bằng cả tấm lòng thành kính thiêng liêng.

Bước chân vào không gian trưng bày của Thư viện Nguyễn Văn Hưởng tại tầng 2, tòa nhà Almaz Market, đường Hoa Phượng, khu đô thị Vinhomes Riverside, quận Long Biên, TP Hà Nội, ta có thể ngay lập tức nhận ra những bức thư tay của các chiến sĩ. Có người gửi về cha mẹ, anh em; cũng có người trao đi niềm thương nhớ, hẹn ước với gia đình, vợ con. Họ đều  bày tỏ những tình cảm rất chân thành, nồng nhiệt, hồn hậu và da diết đến những người thân nơi quê nhà xa xôi. Chính những tình cảm nồng đượm giữa tiền tuyến và hậu phương ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho họ trong cuộc chiến khắc nghiệt, gian khổ, trở thành sức mạnh tinh thần không thể thiếu khiến họ vững bước hơn trên chiến trường. Đọc thư, ta thấy hiện lên chân dung tinh thần của mỗi người, ta nhận ra một người chồng, một người cha tuổi ba mươi hay cả một thanh niên đôi mươi nhiệt huyết phơi phới; một chàng trí thức Hà Nội điềm tĩnh, đĩnh đạc cho đến một anh công nhân phóng khoáng, ngang tàng… Tất cả những con người ấy, với đủ mọi hoàn cảnh, xuất thân… đã anh dũng dấn thân vào cuộc chiến, đem theo tình cảm gia đình, tình yêu quê hương, đất nước làm hành trang tinh thần để chiến đấu hết mình, bảo vệ những điều thân thuộc, đẹp đẽ, thiêng liêng nhất đối với bản thân. Có những bức thư với dòng chữ tròn trịa, thẳng hàng, cũng có những bức viết vội, xộc xệch đôi chút… song chúng đều chứa đựng biết bao tình cảm, tâm tư; và cả nguồn sức mạnh lớn lao để chiến thắng những kẻ thù mạnh hơn ta gấp nhiều lần có lẽ cũng chỉ bắt nguồn từ những gì giản dị như thế.

Đọc thư, ta càng thêm xúc động, thêm yêu và trân trọng những người lính Việt Nam, những con người đã biến những tình cảm chân thành, giản dị thành sức mạnh vô song, chiến thằng mọi thứ vũ khí tối tân của quân địch. Những con người ấy đã từ giã gia đình, người thân, rời xóm làng quê hương để dâng hiến tuổi trẻ của mình cho khát vọng hoà bình, thống nhất đất nước. Tình cảm cá nhân tạm giữ trong tim, họ hoà mình vào thứ tình cảm lớn sục sôi, mạnh mẽ, đó chính là tình yêu nước – một truyền thống tinh thần lớn lao mà nhân dân Việt Nam luôn tự hào rằng mình đã sở hữu ngay từ trong huyết quản.

Thư của chiến sĩ gửi người thân ở hậu phương (Ảnh hiện vật)

Bên cạnh những hiện vật như thư từ, bưu thiếp, kỉ vật… từ các chiến sĩ cùng thân nhân của họ, ta còn được chiêm ngưỡng, quan sát và suy ngẫm về đời sống người lính nơi chiến trường qua những đồ dùng hàng ngày như bát ăn cơm, thìa, bật lửa, lọ dầu, bình nước, dao cạo, hay cả chiếc lược gập, đồng hồ, bấm móng tay, gương soi, tông đơ cắt tóc… Tất cả như tái hiện một không khí sinh hoạt khẩn trương, sôi nổi của những người lính cụ Hồ – những con người đã sống và chiến đấu, “giản dị và bình tâm” giữa gian nguy, bão tố. Những vật dụng ấy nhỏ bé mà chứa đựng biết bao ý nghĩa. Nó ghi nhận đời sống thực của những người lính ngày đêm vào sinh ra tử vì Tổ quốc. Do phải liên tục hành quân nên tư trang của các anh cũng hết sức gọn nhẹ, giản dị. Hơn thế nữa, lúc bấy giờ dẫu quân đội ta đã lớn mạnh hơn rất nhiều so với thời kì kháng chiến chống Pháp, lại được sự ủng hộ, viện trợ từ các nước xã hội chủ nghĩa anh em, song về căn bản đây vẫn chỉ là những trang bị tối thiểu nhằm đảm bảo đời sống của người lính nơi tiền tuyến, do nước ta khi ấy vẫn là một nước nghèo, không thể so sánh được với trang bị tối tân, đủ đầy như phe đối đầu – một nước Mỹ hùng cường, sở hữu quân đội hiện đại bậc nhất thế giới.

Nhưng lạ lùng thay, chính những trang bị đơn sơ ấy không những không tạo thành trở ngại khiến người lính Việt Nam sờn lòng chùn bước, mà các anh còn lấy đó làm động lực để vượt lên chiến thắng kẻ thù hùng mạnh. Đúng như những câu thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật được ghi ở mặt sau của chiếc gương soi bé nhỏ: “Không có kính rồi xe không có đèn/ Không có mui xe thùng xe có xước/ Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước/ Chỉ cần trong xe có một trái tim”. Dẫu khó khăn, khắc nghiệt, vật chất thiếu thốn, song tinh thần của họ lại đầy ắp tình yêu thương cùng ý chí quyết tâm chiến thắng kẻ thù, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Dẫu chiếc bát ăn cơm có sứt mẻ, một chiếc tông đơ phải dùng cho cả tiểu đội, hay chia nhau từng ngụm nước trong chiếc bình méo mó… thì các anh vẫn không ngại lên đường, không ngại bước tiếp, dấn thân cho ngày mai độc lập, toàn thắng. Nhìn những đồ vật ấy, ta không khỏi xúc động, cảm phục những con người đã sử dụng nó, nâng niu nó, chia sẻ nó cho đồng đội để cùng trải qua những ngày tháng khắc liệt mà thiêng liêng, khó khăn mà đẹp đẽ của đời sống quân ngũ. Một chiếc kèn harmonica hẳn đã ghi dấu biết bao kỉ niệm khi những chàng trai tuổi đôi mươi say sưa văn nghệ trong những phút nghỉ chân hiếm hoi trên đường hành quân. Nụ cười của họ, tiếng nói của họ, những giọt mồ hôi và cả nhịp đập con tim họ lúc bấy giờ hẳn đã âm vang khắp núi rừng Trường Sơn hoang sơ thăm thẳm, xua tan đi đêm đen lạnh lẽo, tối tăm để niềm lạc quan, hi vọng cùng tình yêu Tổ quốc, khát vọng thống nhất đất nước ngân nga mãi cùng tháng năm.

Dao và bình nước được sử dụng trên chiến trường (Ảnh hiện vật)

Đặc biệt, bên cạnh những vật dụng sinh hoạt ấy, ta còn nhận ra sự xuất hiện của những quân trang đơn sơ như đôi dép cao su, chiếc mũ cối, những bộ quân phục đã sờn, nhàu còn vương vệt máu khô. Áo lính khi ấy chỉ là những chiếc áo vải kaki cũ kĩ hay chiếc áo bông trấn thủ mỏng manh không che chắn được những cơn sương giá nơi rừng khuya nước độc. Đây là chứng tích rõ nhất cho thấy những hi sinh gian khổ của người lính Việt Nam trên chiến trường năm xưa. Chủ nhân của tấm áo chiến sĩ ấy giờ nơi đâu? Có thể anh đã góp mặt trong đoàn quân ngày trở về, sống cuộc sống của một người thương binh “tàn mà không phế”, tiếp tục cống hiến sức mình cho sự nghiệp xây dựng đất nước; song cũng có thể anh đã vĩnh viễn nằm xuống, đất mẹ đã đón anh vào vòng tay bao dung, vĩ đại của mình sau khi anh tận hiến tuổi trẻ cho một lí tưởng cao đẹp – lí tưởng giải phóng quê hương, đất nước. Trông ngắm những đường chỉ đứt, những chỗ sờn rách, những vệt máu đã khô còn in hằn trên vạt áo, ta không khỏi hình dung tới những vết thương cả về thể chất và tinh thần mà người lính phải mang theo trong suốt cuộc chiến và cả sau cuộc chiến; xa hơn nữa là những tổn thất, những chấn thương khó lòng nguôi ngoai của cả dân tộc khi phải tiễn người con yêu dấu đi xa… Song trên tất cả, đó là những chứng tích minh chứng rằng có những ngày tháng mà cả một thế hệ đã dấn thân vào một lựa chọn ngặt nghèo nhưng xứng đáng, đã nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của non sông mà anh dũng, hiên ngang đánh bại quân thù, dẫu phải chịu đựng biết bao thương tổn, hi sinh, mất mát. Vệt máu trên áo người chiến sĩ năm ấy chính là hoà bình cho chúng ta hôm nay.

Bước tới những tủ kính trưng bày hiện vật cuối cùng, ta sẽ bắt gặp một số vũ khí thô sơ được sử dụng trong chiến tranh, kèm theo đó là các vật dụng sinh tồn nơi núi rừng. Kìm cộng lực, dao rựa, dụng cụ pháo binh, đèn pin, cờ lê, kính viễn vọng, máy ảnh, ống nhòm, bản đồ, la bàn, thước, chuông… những vật dụng đi rừng đã tái hiện cả một hành trình gian khổ, đầy hiểm nguy của người lính cách mạng trên những chiến trường ác liệt nhất thế kỉ XX. Giữa đại ngàn Trường Sơn hiểm trở, họ đã băng rừng băng núi mà đi dưới làn mưa bom bão đạn mà kẻ thù dội xuống không thương tiếc; họ đã xông pha nơi mặt trận hiểm nghèo, dốc hết bầu nhiệt huyết thanh xuân của mình để cống hiến cho mùa xuân hoà bình của toàn thể dân tộc Việt Nam. Những đồ vật kia nhỏ bé là vậy song lại chứa đựng trong nó cả một nguồn sống vĩ đại, mang chứa cả một lịch sử hào hùng của những con người “ra đi không tiếc tuổi xanh”, những ngày tháng gian lao, vất vả mà đáng quý vô ngần của thế hệ “đầu xanh áo lính”. Bởi vậy, dẫu người không còn đây song những hiện vật nhỏ bé này lại đủ sức nói lên tất cả sức mạnh và những hi sinh gian khổ nhường ấy của người chiến sĩ.

Các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, họ không chỉ sống trong những trang sách, được khắc tạc trên những tác phẩm nghệ thuật, trở thành những tượng đài sừng sững, hiên ngang ở khắp mọi miền Tổ quốc; mà họ vẫn còn đó trong từng hiện vật giản dị, minh chứng cho một quá khứ đau thương mà hào hùng của cả dân tộc Việt Nam. Bước vào không gian trưng bày tại Thư viện Nguyễn Văn Hưởng, ta như được sống lại lịch sử vẻ vang với những kì tích lớn lao ấy, cảm nhận được từng niềm vui, nỗi đau, và những khát khao cháy bỏng, tinh thần sẵn sàng chiến đấu, anh dũng xả thân vì hoà bình, độc lập của các anh hùng liệt sĩ năm xưa. Trong ta tràn đầy một niềm biết ơn sâu sắc, ta cúi mình nghiêm cẩn mà bảy tỏ lòng thành kính tri ân đối với những con người đã ngã xuống cho tự do dân tộc, cho màu xanh hiền hoà trên mảnh đất hình chữ “S” xinh đẹp hôm nay. Những đồ vật “biết nói” ấy dẫu nhỏ bé, cũ mòn song chúng đã ghi dấu cả một thời đại vàng son của đất nước giữa cơn mưa lửa đạn. Những con người sở hữu chúng dẫu đã trở về cát bụi, song các anh vẫn mãi hiện hữu trên từng dòng thư, nếp chữ, từng manh áo, tấm quần, trên vành mũ tai bèo hay một chiếc bát ăn cơm hẵng còn nguyên cái ấm nồng của tình đồng chí, đồng đội, tình yêu nước nồng nàn bên bếp Hoàng Cầm… Hình hài các anh đã hoá thành dáng hình dân tộc, dòng tên các anh mãi còn khắc tạc vào non sông. Chừng nào ta còn gìn giữ được những đồ vật nhỏ bé, đơn sơ mà thiêng liêng đến vậy, chừng ấy những chứng tích về quá khứ, về những năm tháng ác liệt mà hào hùng sẽ vẫn mãi còn đây. Chúng nhắc nhở hậu thế về những giá trị cốt lõi làm nên một dân tộc bình dị mà vĩ đại, tiếp thêm sức mạnh cho lớp thanh niên Việt Nam viết tiếp những trang sử hào hùng của cha ông sau này.

Xin đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì một Việt Nam tự do, độc lập; lớp trẻ sẽ kế tục sự nghiệp ấy mà xây dựng một Việt Nam phồn thịnh, sánh vai với cường quốc năm châu mai đây. Xin cảm ơn Thư viện Nguyễn Văn Hưởng đã sưu tầm, lưu trữ những hiện vật quý giá này từ những người cựu binh Mỹ – nó như một lời nhắc nhớ thế hệ ngày nay sống sao cho xứng đáng với những gì mà cha ông đã đổ cả máu xương để gìn giữ và đắp xây.■

Đinh Thảo

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN