Kỷ niệm 20 năm thành lập Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông

Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông đã được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 8 tháng 5 năm 2022.

Tới tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP. HCM; PGS.TS. Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương; TSKH. Phan Xuân Dũng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các đồng chí nguyên Bộ trưởng, Thứ trưởng là thành viên của Viện Phương Đông.

Tại buổi lễ, sau khi Viện trưởng Trình Quang Phú báo cáo tổng kết 20 năm thành lập Viện, ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam, khẳng định: trong 20 năm xây dựng và phát triển, Viện luôn ở tốp đầu các đơn vị xuất sắc nhất trong gần 600 đơn vị nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ của Liên hiệp khoa học kỹ thuật Việt Nam.

Tập thể Viện nghiên cứu phát triển Phương Đông đón nhận Huân chương lao động hạng nhì

Viện đã thực hiện nhiều công tác quan trọng trên nhiều mặt trận.

Thứ nhất, về công tác nghiên cứu khoa học, Viện đã tổ chức 40 cuộc hội thảo cho hơn 20 đề tài nghiên cứu như phát triển kinh tế trí thức ở Việt Nam, phát triển doanh nghiệp ngoài quốc doanh… Đặc biệt, Viện đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, tổ chức nghiên cứu luận đề “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo Việt Nam”. Đã có 10 cuộc hội thảo, tọa đàm ở cả 3 miền đất nước với sự tham gia của hàng trăm nhà khoa học và quản lý giáo dục. Trong 3 năm 2013 – 2015 với sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Viện phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nguyên Viện đã tổ chức 4 cuộc hội thảo để nghiên cứu về đề tài Văn hóa Tây Nguyên. Hiện nay, Viện tập trung nghiên cứu về tự chủ, về đổi mới tư duy để phát triển giáo dục đại học. Đây là chìa khóa để mở cho nền giáo dục đại học Việt Nam tiến kịp thế giới.

Viện cũng dành nhiều cuộc thảo, tọa đàm để hỗ trợ cho các tỉnh, đặc biệt với Phú Yên, đã có những cuộc tọa đàm với sự tham gia của các nhà khoa học chuyên ngành về “Qui hoạch đột phá”, “Về phát triển du lịch” về liên kết đưa khách du lịch Nga và Đông Âu về Phú Yên, về “Cửa sông Đà Rằng”…

Thứ hai, Viện đã tập trung tổng lực về con người và vật chất ủng hộ Liên hiệp Hội Việt Nam trong việc thành lập và xây dựng các Liên hiệp Hội phía Nam. Lãnh đạo Viện đã đến 26 tỉnh, có tỉnh đến 3-4 lần để làm việc với tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân để vận động thành lập Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật của 12 tỉnh, để tất cả các tỉnh phía Nam không còn tỉnh nào chưa có Liên hiệp khoa học kỹ thuật và tìm phương thức để những nơi có Liên hiệp Hội hoạt động tốt. Vì thế, đội ngũ trí thức khoa học công nghệ các tỉnh phía Nam hoạt động sôi nổi và có chiều sâu.

Thứ ba, về hợp tác quốc tế và tư vấn đầu tư, Viện đã có các chương trình hợp tác khoa học với nhiều trường, học viện lớn của Nga, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, Nhật và các nước ASEAN. Bên cạnh việc hợp tác khoa học, Viện luôn vận động các trí thức Việt kiều về giúp đỡ đất nước.

Thứ tư, Viện luôn vận động xúc tiến đầu tư vào Việt Nam. Viện đã vận động các dự án ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Phú Yên với số vốn trên 1 tỷ USD. Hiện Viện đang tư vấn cho quĩ đầu tư CMIA Singapore cùng công ty Surbana Jurong vào xúc tiến đầu tư dự án khu đô thị sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tại vùng Củ Chi, quê hương đất thép thành đồng của thành phố Hồ Chí Minh với vốn đăng ký 1 tỷ 100 triệu USD.

Thứ năm, Viện Phương Đông ngoài văn phòng chính tại thành phố Hồ Chí Minh, chi nhánh của Viện ở Hà Nội đã nghiên cứu nhiều chủ đề lớn về chính trị, kinh tế, quan hệ quốc tế và lịch sử, phục vụ cho công tác nghiên cứu của các cơ quan Đảng và nhà nước. Tạp chí Phương Đông, sau ba năm hoạt động, đã được bạn đọc đánh giá cao về nội dung và hình thức, góp phần làm rõ đường lối quan điểm của Đảng về xây dựng và bảo vệ đất nước.

Thứ sáu, Viện đóng tại thành phố Hồ Chí Minh, đã tích cực tham gia ý kiến tư vấn, và phản biện những vẫn đề nóng bỏng của thành phố Hồ Chí Minh, về kinh tế xã hội và các biện pháp chống dịch Covid-19 của thành phố.

Viện đã tham gia cùng Hội đồng hương Phú Yên đưa 17.000 công dân Phú Yên, phần lớn là công nhân các nhà máy xí nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương về quê an toàn trong những đợt chống dịch Covid cao điểm.

Hội nghị vinh dự được ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi lễ: “Hơn 20 năm qua, Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông đã quy tụ nhiều nhà khoa học, trí thức, nhiều thế hệ và đã có nhiều đóng góp quan trọng trong nghiên cứu và khai thác những giá trị văn hóa Phương Đông phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội quốc phòng an ninh của đất nước và thành phố Hồ Chí Minh.”

Với những thành tích đã đạt được trong 20 năm hoạt động, Viện Phương Đông được nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. GSTS. Trình Quang Phú, Bí thư Chi bộ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông được nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. Nhiều cán bộ nhân viên cũng được nhận những phần thưởng cao quý của Chính phủ và các cơ quan quản lý cấp trên. Đó là sự đánh giá, sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với sự phấn đấu bền bỉ của Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông.■

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN