Bác Hồ với nhà thơ Thanh Hải

Sau Đại hội thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam[1] ít lâu, miền Nam cử đoàn đại biểu đầu tiên ra thăm miền Bắc. Đoàn do nhà giáo Nguyễn Văn Hiếu – Ủy viên đoàn Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam dẫn đầu. Trong đoàn có một thành viên duy nhất là nhà thơ Thanh Hải. Đoàn từ miền Nam ra, nhưng phải đi vòng gần 20.000km, nửa chu vi địa cầu, qua nhiều nước để từ biên giới Trung Quốc đi xe lửa vào Hà Nội… Tôi gặp Thanh Hải lần đầu từ ngày đó.

Khi miền Nam chưa giải phóng, tôi có dịp vào làm việc với khu ủy Thừa Thiên-Huế. Khi đó, khu ủy nằm trong vỉa rừng gần đường Trường Sơn Đông. Trong không khí ngày xuân tôi gặp lại Thanh Hải, lúc này anh đang tham gia ban lãnh đạo Hội văn nghệ của khu. Trụ sở Hội Văn nghệ khu Thừa Thiên-Huế lúc đó là một căn nhà lá nằm bên suối. Cùng với nhà văn Tô Nhuận Vỹ, nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà thơ Quang Hà, Thanh Hải và tôi cùng cắt rừng Trường Sơn Đông, cùng hái hoa phong lan giắt trên ba lô, cùng vượt Trường Sơn Đông đầy bụi đỏ, cùng tắm sông Đắc-krông, cùng xuôi đường 9… Chúng tôi cùng ôn lại những kỷ niệm về Bác Hồ. Thanh Hải nói: “Là nhà thơ, nhưng mình vẫn thấy viết đến mấy cũng không thỏa tấm lòng đối với Bác”. Anh đã vui lòng cho tôi ghi lại mẩu hồi ký này.

Tháng 10 năm 1962, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam cử một đoàn đại biểu chính thức đầu tiên ra thăm miền Bắc. Tôi được cử làm thành viên. Lần đó, vinh dự vô cùng to lớn đối với chúng tôi là được gặp Bác. Cũng như tất cả đồng bào, chiến sĩ, cán bộ ở miền Nam – những người làm công tác văn nghệ chúng tôi đều mong được gặp Bác và niềm khao khát vô bờ bến ấy thật là thiêng liêng.

Sáng ngày 21 tháng 10 năm 1962 chúng tôi được vô thăm Bác. Giờ phút đó biết bao hồi hộp. Được tin sẽ gặp Bác từ hôm đầu, vậy mà tôi vẫn thấy bất ngờ. Đồng chí Xuân Thủy đưa chúng tôi đến Phủ Chủ tịch. Xe vừa dừng, chúng tôi đã thấy Thủ tướng Phạm Văn Đồng chờ sẵn. Thủ tướng vồn vã đưa chúng tôi về một góc vườn có bộ bàn ghế mây lịch sự đã bày sẵn bánh kẹo, hoa quả. Chúng tôi vừa ngồi vào bàn thì Bác đến. Bác ôm hôn chúng tôi và hỏi ngay sức khỏe của mỗi người. Bác hỏi thăm sức khỏe luật sư Nguyễn Hữu Thọ và các vị lãnh đạo khác đang công tác ở chiến trường. Anh Nguyễn Văn Hiếu trân trọng thưa với Bác nỗi xúc động, niềm vui sướng được gặp Bác và Thủ tướng. Anh chuyển đến Bác và Thủ tướng lời kính thăm sức khỏe của Luật sư Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Anh nói:

– Đồng bào miền Nam luôn luôn nhắc tới Hồ Chủ Tịch với tấm lòng kính yêu vô hạn.

Bác xúc động, nhưng lúc nào Bác cũng chủ động. Bác hỏi và nghe anh Hiếu kể chuyện đi thăm các nước. Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ vào tôi và giới thiệu với Bác tôi là nhà thơ. Bác gật đầu:

– Có, biết, Bác có đọc rồi.

Rất thân thiết quay sang tôi, Bác hỏi:

– Cháu có gặp Giang Nam không?

– Thưa Bác, vì anh ấy ở xa, cháu chưa gặp.

Bác khen Giang Nam viết có tình và Bác hỏi thăm một số anh em văn nghệ sĩ giải phóng.

Bác hỏi chúng tôi nhiều về tình hình, về phong trào, về đời sống của đồng bào và chiến sĩ miền Nam. Chúng tôi kể lại với Bác những tội ác tày trời của Mỹ ngụy. Chúng tôi báo cáo với Bác về phong trào đấu tranh các mặt và kể với Bác những gương bất khuất kiên cường tiêu biểu cho tinh thần đấu tranh anh dũng của nhân dân miền Nam. Anh Hiếu trân trọng thay mặt mười bốn triệu[2] nhân dân miền Nam thưa với Bác: “Dù phải chịu muôn vàn khó khăn gian khổ, nhân dân miền Nam vẫn kiên quyết và bền bỉ đấu tranh, giữ vững niềm tin vào thắng lợi cuối cùng”.

Bác Hồ tiếp đoàn Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu và nhà thơ Thanh Hải, tháng 10/1962

Và buổi sáng hôm đó, đoàn miền Nam vinh dự được dâng lên Bác và Thủ tướng những tặng phẩm của đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Trong tặng phẩm dâng lên Bác có tập thơ chép tay của anh Trọng Tuyển. Trước khi hy sinh, anh có mơ ước duy nhất là được gởi kính tặng Bác tập thơ do tự tay anh viết. Ước mơ đó của anh hôm nay đã thành sự thật. Bác cầm tập thơ lặng đi một lúc, với niềm xúc động và tình thương bao la đối với miền Nam, Bác đưa tay lên ngực ngay chỗ trái tim mình và nói:

Bác chẳng có gì tặng lại cả, chỉ có cái này.

Ngừng một chút, Bác nói tiếp giọng đầy xúc động:

– Hình ảnh miền Nam yêu quý luôn luôn ở trong trái tim tôi.

Suốt ngày hôm đó và mãi mãi sau này, mỗi lần nhớ lại câu nói đó, tôi cứ thấy bồi hồi. Miền Nam yêu quý ở trong trái tim Bác. Tình thương của Bác đối với miền Nam quả như nước Biển Đông không bao giờ cạn. Năm 1946, khi đi Pháp đàm phán về, trong lời tuyên bố với quốc dân, Bác đã nói với đồng bào miền Nam: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên[3]. Như thế đó, trong từng giấc ngủ, trong từng bữa ăn, trong mỗi niềm vui Bác đều dành trọn cho miền Nam.

*

Mấy hôm sau, đến thăm kỳ họp của Quốc hội, chúng tôi lại được gặp Bác. Hôm ấy Quốc hội đón chúng tôi, chúng tôi thấy Bác rất vui, Bác chủ trì phiên họp dạt dào tình nghĩa Bắc Nam ấy. Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh đọc lời chào mừng, anh Nguyễn Văn Hiếu đọc lời đáp. Đến giờ Quốc hội giải lao, chúng tôi quây quần với các đại biểu Quốc hội thì Bác đến. Bác kéo tôi đến gần bên Bác.

Bác thân mật giới thiệu với các đại biểu:

– Các chú có biết chú này không? Chú này là miền Nam trọ trẹ đây (Ý nói người Trị Thiên-Huế).

Bác và tất cả chúng tôi cười vui vẻ. Bác bảo tôi:

– Cháu ngâm cho Bác nghe một bài thơ.

Thật bất ngờ! Tôi là một nhà thơ mà trong những năm chiến đấu ở chiến trường tôi đã viết nhiều bài thơ về miền Nam… Tôi bồi hồi xúc động quá. Tôi lúng túng không biết ngâm bài nào. Tôi nhớ đến bài Cháu nhớ Bác Hồ là bài thơ tôi làm bên bến Ô Lâu ở Huế. Bài thơ này tôi làm với tình cảm của tuổi thơ và của nhân dân miền Nam nhớ thương và biết ơn Bác Hồ. Tôi nín hơi cho xúc động lắng xuống và thưa với Bác:

– Thưa Bác, cháu xin ngâm bài thơ Cháu nhớ Bác Hồ.

Lúc này các đại biểu và các nhà báo đến vây quanh Bác rất đông. Mọi người đều vỗ tay hoan nghênh ý định của tôi…

Mùa thu năm 1956, khi làm bài thơ này, tôi chỉ có mỗi mong ước bài thơ được Bác đọc, qua đó Bác sẽ hiểu thêm tình cảm của nhân dân và thiếu nhi miền Nam: Dù sống trong gian khổ, đau thương nhưng ngày đêm vẫn hướng về Bác, về miền Bắc thân yêu. Tôi có ngờ đâu, giờ đây tôi được ngâm bài thơ này để Bác nghe. Trong đời tôi, vinh dự này luôn luôn là nguồn sức mạnh to lớn.

“Đêm nay bên bến Ô Lâu

Cháu ngồi, cháu nhớ chòm râu Bác Hồ…”

Tôi chỉ mới ngâm được hai câu đầu đã thấy nghẹn ngào, tôi cố nén xúc động để ngâm tiếp. Đến đoạn:

Đêm đêm cháu những bâng khuâng

Giở xem ảnh Bác cất thầm bấy lâu…

Nhìn mắt sáng, nhìn chòm râu

Nhìn vầng trán rộng, nhìn đầu bạc phơ”.

thì tôi thấy Bác cũng xúc động, đôi mắt Bác cũng chớp chớp. Tôi chỉ ngâm tiếp được hai câu:

“Càng nhìn càng lại ngẩn ngơ

Ôm hôn ảnh Bác mà ngờ Bác hôn…”

rồi nghẹn ngào không ngâm tiếp được nữa. Tôi chỉ nhìn Bác và nước mắt trào ra. Bác liền quàng tay qua vai tôi và ôm hôn tôi thắm thiết. Bác nói:

– Đấy! Hôm nay Bác hôn thật đấy!

Tôi sung sướng, cảm động đến ngây ngất. Tất cả các đại biểu và các nhà báo có mặt cũng đều xúc động, nhiều người lấy khăn lau nước mắt. Và may sao một phóng viên nhiếp ảnh đã kịp ghi lại phút thiêng liêng đó. Đến hôm nay, mỗi lần mở tấm ảnh ra xem, tôi vẫn thấy như còn ấm hơi Bác…

*

Sau đó, chúng tôi còn được Bác cho gặp vài lần nữa. Những ngày đó Bác tiếp chúng tôi rất đơn giản nhưng vô cùng ấm cúng. Lần nào gặp, Bác cũng hỏi hoặc dạy bảo tôi về nghiệp vụ sáng tác. Có lần Bác hỏi:

– Cháu đang viết những gì? Ở miền Nam các cháu viết như thế nào?

Nghe tôi kể lại cuộc sống và sáng tác của anh chị em làm công tác văn nghệ miền Nam, Bác gật đầu:

– Làm nhà văn, nhà thơ phải có thực tế như vậy thì tác phẩm mới phục vụ được đồng bào, chiến sĩ.

Bác nhắc tôi phải cố gắng viết cho có tình và Bác dặn thêm:

– Muốn viết cho có tình, cháu phải sống như người chiến sĩ, sống gần gũi với đồng bào, phải hiểu thật nhiều về họ…

Và có lần, Bác nói một câu tôi nhớ mãi, lấy đó làm bài học cho mình. Lúc đó, Bác tặng cho anh Nguyễn Văn Hiếu một cuốn tạp chí Châu Âu (Europe) số đặc biệt đăng toàn tác phẩm Việt Nam. Nhân đó tôi cũng muốn khoe với Bác một chút. Tôi thưa:

– Thưa Bác, trong này họ cũng có dịch thơ của cháu.

Tôi tưởng Bác sẽ khen. Nhưng không, rất lãnh đạm Bác bảo:

– Ừ, chú thì chỉ biết có thơ chú.

Tôi biết Bác muốn nhắc tôi không nên đề cao mình, tác phẩm mình, mà không biết, không đọc, không học hỏi anh em khác.

Nói chuyện với chúng tôi bao giờ Bác cũng nói, cũng hỏi cụ thể, tỉ mỉ. Tôi nhớ mãi lần Bác hỏi tôi về chuyện vợ con, như một người ông hỏi đứa cháu trai đi xa về.

Bác cười và bảo:

– Học Bác cái gì thì học, chứ đừng học chuyện vợ con.

Bác khuyên tôi nên lấy vợ như thế nào. Cho mãi đến hôm nay, khi nghĩ tới những lời này tôi vẫn không khỏi bồi hồi. Bác ơi! Sao Bác lo cho con cháu ân cần, tỉ mỉ đến như vậy. Suốt đời tôi, những lời dạy bảo của Bác sẽ mãi mãi là niềm vui, là cuộc sống đầy đề tài cho thơ, cho văn, cho sự cống hiến của tôi với quê hương.

Từ trái qua phải: Nhà thơ Thanh Hải, tác giả (Trình Quang Phú), Nhà văn Tô Nhuận Vỹ, nhà thơ Quang Hà đang lội sông Đakrông, chiến khu Trị – Thiên 1973.Tôi viết xong bài hồi ký này tại đất Quảng Trị và nhà thơ Thanh Hải đã đọc lại ở Đông Hà giữa ngày xuân 1974. Hôm nay Thanh Hải không còn nữa. Bài viết này là một kỷ niệm đẹp về tình cảm của Bác Hồ với văn nghệ sĩ trí thức miền Nam, và coi đó là những cành hoa nhỏ đặt trên mộ nhà thơ Thanh Hải để góp vào ý tưởng cao đẹp, như sinh thời anh đã đặt tên cho một bài thơ của mình Mồ anh hoa nở.■

Ký của Trình Quang Phú

 

Chú thích:

[1] Ngày 20 tháng 12 năm 1960.

[2] Dân số miền Nam lúc đó là 14 triệu người.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, T.4, Tr. 470.

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN