Công giáo: Những điều rút ra từ lịch sử và hiện tại

Người Công giáo Việt Nam nhìn ra thế giới sẽ thấy người Công giáo ở các quốc gia tiên tiến khác luôn đặt ý thức công dân lên trên hết, đặt quyền lợi tổ quốc lên trên hết.

Đức tin là một phần quan trọng của đời sống tinh thần con người. Mỗi người đều có quyền tin vào một tôn giáo theo cách của mình. Nhà nước Việt Nam như đã nói tôn trọng quyền tin và không tin, theo và không theo bất kỳ tôn giáo nào, trong đó Công giáo không phải là ngoại lệ. Bất kỳ ai chỉ thuần túy đi theo tiếng gọi của đức tin một cách lành mạnh, hòa bình và hợp pháp đều được tôn trọng. Chúng ta đều mong mỏi những người tin vào Phật một ngày nào đó được siêu thoát lên cõi Niết Bàn, những người tin vào Chúa được lên Thiên đàng theo đúng như giáo lý mà họ đã tin theo.

Tuy vậy, cuộc sống hiện tại của mỗi cá nhân vẫn tồn tại khách quan và có tính độc lập với những đức tin như vậy. Con người không thể chỉ có đức tin mà tồn tại được, ngược lại, cần có đồ ăn, thức uống, những phương tiện tối thiểu để duy trì cuộc sống mà mưu cầu hạnh phúc. Muốn có những phương tiện sống ấy, con người phải lao động thực sự chăm chỉ và cần mẫn, để gây dựng cuộc sống ấm no cho mình, từ đó đóng góp cho toàn xã hội. Cuộc sống thực tại do chính con người tạo ra. Tin vào một đấng siêu linh nào đó đứng trên ban phát ơn huệ trong khi bản thân không nỗ lực lao động là không thực tế. Niềm tin như vậy là thứ đức tin có ảnh hưởng tiêu cực, có hại cho bản thân người tin và cho cả cộng đồng xã hội.

Nhà thờ Phủ Cam xưa (Huế)

Trong thực tế, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ, biết bao nhà thờ, chùa chiền cũng đã bị bom đạn tàn phá. Không một đấng siêu linh nào đã che chở cho những cơ sở tâm linh ấy thoát khỏi sự hủy diệt do chính con người gây ra. Khi chiến tranh qua đi, cũng chính bàn tay con người chứ không phải ai khác xây dựng lại nhà thờ, chùa chiền. Con người là chủ thể gây dựng nên cuộc sống. Chính vì thế, chúng ta phải sống có trách nhiệm, có nghĩa vụ cùng nhau tạo nên một cuộc sống tốt đẹp cho bản thân và cộng đồng. Những thái độ thụ động, ỷ lại, cam chịu, trông chờ vào một đức tin cứu rỗi đều đáng phê phán. Không thể chỉ cầu nguyện mà có được bệnh viện, trường học, con đường. Không thể chỉ cầu nguyện mà tội ác bỗng nhiên biến mất khỏi xã hội. Nếu con người không có chí tiến thủ vươn lên và biết đấu tranh thì cái xấu, cái ác sẽ tồn tại mãi. Như thế, điều rút ra trước nhất với người Công giáo chính là phải thấy ý thức trách nhiệm xây dựng cộng đồng thay vì chỉ thuần túy dựa vào đức tin. Chỉ khi Công giáo ý thức được trách nhiệm ấy của mình thì đời sống của họ mới được củng cố, đất nước mới được hòa bình và giáo hội mới thực sự được độc lập.

Điều rút ra thứ hai là người Công giáo phải thực sự hòa nhập với dân tộc Việt Nam. Người Công giáo phải “sống phúc âm giữa lòng dân tộc” chứ không phải là sống cạnh hay sống bên lề dân tộc, càng không phải chỉ đứng trong mà là ở giữa lòng dân tộc. Trong nhiều giai đoạn của lịch sử, chúng ta đã thấy có một bộ phận Công giáo không đứng về phía dân tộc mà chọn đứng về phía đế quốc, thực dân đi ngược lại những lợi ích cơ bản của dân tộc Việt Nam. Trong những giai đoạn ấy, chúng ta đều thấy Công giáo phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức, bị triệt tiêu và bách hại. Chính vì thế, người Công giáo Việt Nam phải là con dân Việt Nam và hiển nhiên thực sự gắn bó với dân tộc Việt Nam. Người Công giáo phải thấy được quyền lợi và trách nhiệm được là công dân Việt Nam. Một đất nước Việt Nam giàu mạnh và có vị thế quốc tế gắn liền với quyền lợi thiết thân của người Công giáo. Mọi điều có hại cho dân tộc cũng đồng thời có hại cho bản thân tôn giáo. Từ khi đất nước được độc lập, chúng ta đã chứng kiến Giáo hội Công giáo Việt Nam từ một tổ chức do người nước ngoài cai quản, không có vị trí trên thế giới, đến nay, hoàn toàn do người Việt Nam điều hành, có nghĩa là đất nước độc lập thì người Công giáo Việt Nam cũng được độc lập, được Vatican tôn trọng, quan hệ bình đẳng với giáo hội Công giáo các nước, có vị trí quan trọng trong Giáo hội Thiên Chúa hoàn vũ và khu vực. Vị thế của Giáo hội Công giáo Việt Nam có thể được như vậy là do vị thế của đất nước Việt Nam được nâng lên trên trường quốc tế. Có thể nói, đất nước Việt Nam phát triển tới đâu thì Công giáo Việt Nam phát triển tới đó. Đất nước Việt Nam độc lập và tự do tới đâu thì Công giáo Việt Nam độc lập và tự do tới đó. Vì thế, hòa nhập và gắn bó hơn nữa với dân tộc này chính là điều kiện sinh tồn và phát triển của cộng đồng Công giáo.

Điều rút ra thứ ba là người Công giáo trước hết là công dân Việt Nam nên phải có ý thức tuân thủ đầy đủ pháp luật Việt Nam. Người Công giáo không thể tự cô lập trong cộng đồng của riêng mình và tự cho mình quyền được sống ngoài vòng pháp luật Việt Nam. Không một tôn giáo nào trong đó có Công giáo lại đứng trên luật pháp được, và bất kỳ người của tôn giáo nào khi vi phạm pháp luật cũng đều bị xử lý nghiêm minh và công bằng như các công dân bình thường khác. Nhà nước Việt Nam từ trước tới nay đã có những xử lý uyển chuyển và linh hoạt đối với người Công giáo, nhiều hành vi vi phạm pháp luật như đã đề cập được nâng đỡ, lấy vận động giáo dục là biện pháp chính, lấy hòa hợp đoàn kết làm mục tiêu chính, coi việc đáp ứng quyền lợi của giáo dân làm trọng. Chính sách mềm dẻo này là cần nhưng trong nhiều trường hợp là chưa đủ, cũng cần xử lý thật nghiêm minh và thực thi pháp luật thật công bằng để những người không theo đạo cảm thấy nhà nước đã không phân biệt đối xử giữa người lương và người giáo.

Người Công giáo cần hiểu nếu nhà nước không thực thi luật pháp nghiêm ngặt, đất nước sẽ loạn lạc và mất ổn định. Ý thức được điều đó, người Công giáo hơn ai hết cần thấy trách nhiệm tuân thủ thật tốt pháp luật Việt Nam, không để xảy ra những hoạt động gây rối, chống đối một cách vô chính phủ như đã xảy ra ở một số nơi vừa qua. Người Công giáo hơn ai hết phải thấy được hai mặt của vấn đề, không thể tự tiện coi đất đai ở quốc gia này là của riêng tôn giáo, không thể tiếp tục đòi những tài sản thuộc về những giai đoạn đã qua của lịch sử ở các chế độ cũ đã chuyển quyền sở hữu hợp pháp, không thể tiếp tục coi cán bộ nhà nước là đối tượng thù địch. Đảng Cộng sản Việt Nam hiện vẫn là chính đảng duy nhất lãnh đạo đất nước và điều đó đã được pháp điển hóa trong Hiến pháp. Người Công giáo cần dẹp bỏ những định kiến về người Cộng sản vô thần đã tồn tại dai dẳng trong quá khứ để cùng hợp tác với Đảng trong quá trình xây dựng đất nước hiện nay.

Ba điều rút ra ở trên: ý thức trách nhiệm, ý thức dân tộc và ý thức pháp luật thực tế có thể tóm gọn lại ở ý thức công dân. Người Công giáo Việt Nam nhìn ra thế giới sẽ thấy người Công giáo ở các quốc gia tiên tiến khác luôn đặt ý thức công dân lên trên hết, đặt quyền lợi tổ quốc lên trên hết. Người Công giáo Mỹ không đặt quyền lợi của Vatican lên trên quyền lợi của nước Mỹ, ngược lại, họ còn đang vận động thành lập Giáo hội Công giáo tự trị và không đóng góp bất kỳ khoản tài chính nào cho Vatican cả.

Người Công giáo Việt Nam có bao giờ tự hỏi và tự so sánh với người Công giáo các nước phát triển khác không? Họ có bao giờ tự hỏi liệu mình đã đặt ý thức công dân lên trên hết hay chưa? Người Công giáo đã thực hiện đúng thông điệp của Chúa Jesus biết yêu thương, đoàn kết với chính đồng bào xung quanh mình hay chưa? Liệu thông điệp “người Công giáo tốt trước hết là người công dân tốt” trong các Thư chung đã được tất cả người Công giáo thấm nhuần hay chưa? Những người Công giáo có lương tâm chắc chắn sẽ đặt cho mình những tự vấn đó và khi tự trả lời, họ sẽ ý thức sâu sắc trách nhiệm công dân của mình.

Nếu chỉ trông chờ vào sự giác ngộ của các tín đồ Công giáo thì chưa đủ, ba điều nêu trên trước hết thuộc về các vị chức sắc trong đạo Công giáo Việt Nam. Cụ thể là các vị trong lãnh đạo Hội đồng Giám mục Việt Nam. Nếu các vị tán thành và chấp hành những cáo thú của Vatican và thực hiện các thư chung hàng năm của Hội đồng Giám mục một cách thực tâm thì các vị cần làm gì với các tín đồ để thực hiện lời cáo thú? Các vị sẽ phải nhìn nhận thời cuộc đã đổi thay thế nào để có những hành động sám hối, thực tâm cùng với dân tộc, cùng với nhà nước xây dựng phát triển đất nước như tâm niệm của Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình và nhiều vị giám mục yêu nước khác. Các vị là con của Chúa, là người của Vatican nhưng các vị không bỏ qua một điều là các vị là người Việt Nam, một ai đó đi ngược với điều này thì dân tộc Việt Nam sẽ không chấp nhận.■

N.V.H

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN