Phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh

Phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh là một hệ thống kết tinh những giá trị cơ bản của cách mạng Việt Nam; đồng thời cũng cho thấy tư duy chính trị sắc bén của một trong những nhà lãnh đạo thiên tài mà đất nước ta đã sản sinh ra. Các nhà nghiên cứu tư tưởng đã có nhiều bài viết để làm sáng tỏ những giá trị đó, điều khá bất ngờ là mới đây ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên đã gửi tới tạp chí Phương Đông bài viết của mình về phương pháp cách mạng của Hồ Chủ tịch. Đây là bài viết rất tổng hợp, khái quát được những giá trị cơ bản về phương pháp cách mạng của Người, mang ý nghĩa quan trọng về lý luận và thực tiễn. Tạp chí Phương Đông xin gửi tới bạn đọc một phần của bài viết này.

Hồ Chí Minh là nhà Cách mạng Việt Nam. Ông làm cách mạng theo phương pháp của riêng mình. Tổng hòa các thuật lãnh đạo, cách tổ chức, cách làm việc, cách học tập, cách vận động dân chúng cũng như cách thuyết phục kẻ thù, cách tấn công, phòng thủ khi đánh giặc, cách xây dựng đất nước… tất cả dựa trên một số nguyên tắc cốt tủy. Theo đó, Hồ Chí Minh và những người cộng sự của ông sẽ tự điều chỉnh hành động của mình, tự tìm kiếm cách thức và công cụ cụ thể để thực hiện nhanh nhất, có hiệu quả nhất nhiệm vụ được giao. Hệ thống nguyên tắc này được gọi chung là phương pháp Hồ Chí Minh, bao gồm các cách thức, biện pháp, quy trình hợp thành các nguyên tắc điều chỉnh và hướng dẫn hành động của các lực lượng cách mạng trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, sau đó là đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người ở căn cứ Việt Bắc. Ảnh: Tư liệu

1. Có thể trình bày, diễn giải hệ thống ấy theo một quy trình tuyến tính như sau: Thứ nhất, chủ thể hành động phải tự xác định được mục tiêu, nhiệm vụ đấu tranh dựa trên nhiều yếu tố. Trước hết, đó chính là tình hình hiện thực xã hội Việt Nam, người làm cách mạng phải lấy việc cải tạo hiện thực làm mục tiêu cách mạng. Từ khi bị thực dân Pháp xâm lược, Việt Nam thành nước thuộc địa, nửa phong kiến, mâu thuẫn xã hội phức tạp và ngày càng sâu sắc hơn. Người dân Việt gánh chịu ba tròng áp bức. Vì vậy, công cuộc giải phóng ở Việt Nam không chỉ là giải phóng dân tộc khỏi ách cai trị của ngoại bang mà còn là giải phóng người lao động khỏi tay địa chủ, tư sản; hướng về tự do, bình đẳng và hạnh phúc cho con người. Đây chính là mục tiêu hành động cách mạng của Hồ Chí Minh. Trước đó, nhiều nhà yêu nước Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX, như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn Thái Học… cũng đều quan tâm tới việc xóa bỏ chế độ thuộc địa nửa phong kiến ở Việt Nam. Họ đều muốn làm cách mạng xã hội, nhưng xây dựng xã hội mới như thế nào thì không phải ai cũng xác định đúng. Hồ Chí Minh nhận thấy một quy luật phát triển của xã hội sau khi nghiên cứu Cách mạng Tháng Mười Nga, đó là: “Chỉ có giải phóng giai cấp vô sản mới giải phóng được dân tộc, cả hai cuộc giải phóng này chỉ là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản và của cách mạng thế giới”. Áp dụng quy luật này vào đặc thù của cách mạng Việt Nam, Bác Hồ kiên định tư tưởng dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết. Tư tưởng này từng có lúc chưa được Quốc tế Cộng sản và một số đồng chí trong Đảng chấp nhận. Nhưng thực tế đã chứng tỏ sự đúng đắn, hiệu quả trong sáng tạo của Hồ Chí Minh.

Tiếp đó, để xây dựng hệ thống phương pháp vững mạnh, cần xác định rõ lực lượng và tổ chức lực lượng cách mạng. Đây được cho là nét đặc sắc trong phương pháp Hồ Chí Minh. Bác Hồ khẳng định: “Cách mạng là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người”. Toàn dân ở đây nghĩa là: “Công nông là gốc cách mệnh, còn trí thức, trung nông, tiểu tư sản… là bầu bạn của công nông”. Quan điểm này rõ ràng nhằm lôi kéo thêm nhiều lực lượng yểm trợ cho giai cấp vô sản. Phương pháp không chỉ được ứng dụng trong công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước mà còn có thể vận dụng khi xây dựng chủ nghĩa xã hội. So với các lãnh tụ Cộng sản kinh điển khác, Bác Hồ đã có sự đổi mới, sáng tạo. Karl Marx tin rằng quần chúng cách mạng chỉ là công – nông. Đối với Lenin, trong cách mạng có vô sản Nga, lực lượng nòng cốt là công – nông và binh lính. Tại Việt Nam, Hồ Chí Minh quan niệm quần chúng cách mạng là “toàn dân”. Nông dân Việt Nam thời ấy chiếm hơn 95% dân số, tuy bần cùng và đang chịu nhiều gánh nặng áp bức nhưng nếu được tổ chức, lãnh đạo tốt thì lực lượng ấy sẽ làm xoay chuyển trời đất, bao nhiêu thực dân – phong kiến cũng sẽ phải tan rã. Như vậy trong phương pháp Hồ Chí Minh, lực lượng cách mạng được sắp xếp lần lượt theo thứ tự sau: (1) Giai cấp công nhân – tiên phong của cách mạng; (2) Giai cấp nông dân – cùng với công nhân trở thành cội rễ của cách mạng; (3) Tiểu tư sản trí thức; (4) Phú nông, trung nông, tiểu địa chủ, tư sản dân tộc; (5) Các cá nhân yêu nước; (6) “Các dân tộc bị áp bức và vô sản toàn thế giới” cũng là một lực lượng rất quan trọng khác.

Bước tiếp theo của quá trình này là kiên định với châm ngôn “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Đây lại là một phương pháp cách mạng được Hồ Chí Minh quán triệt trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, đồng thời Bác cũng yêu cầu những người cách mạng Việt Nam cần nhận thức đúng và vận dụng nhuần nhuyễn trong thực tiễn. Theo Bác Hồ thì cái bất biến là độc lập thống nhất của Tổ quốc, tự do và hạnh phúc của nhân dân. Vậy nên dù có gian khổ hi sinh trong đấu tranh chính trị, quân sự, kinh tế và ngoại giao ở trong hay ngoài nước thì không bao giờ được từ bỏ mục tiêu ấy. Với Hồ Chí Minh thì độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân là “ham muốn tột bậc” của Người. Do vậy, trước mọi diễn biến thù địch, Người đều có phương pháp hành động sao cho bảo toàn trọn vẹn các giá trị trên. Khi thời cơ đến, Bác kêu gọi “dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải dành cho được tự do độc lập”. Cái bất biến ấy khẳng định quyết tâm của dân tộc Việt Nam: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố xí nghiệp có thể bị tàn phá. Song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Thực tiễn cách mạng đòi hỏi “ứng vạn biến” mà không xa rời lệch hướng, không được từ bỏ cái “bất biến”. Đó là phép biện chứng trong phương pháp Hồ Chí Minh. Chính đời hoạt động của Bác Hồ là một hình mẫu về xử lý các mối quan hệ giữa tính kiên định về nguyên tắc và tính linh hoạt, mềm dẻo về chiến thuật; hài hòa giữa mục tiêu lâu dài và mục tiêu trước mắt.

Cuối cùng, cần “tạo lực, lập thế, tranh thời, dùng mưu”, đồng thời phát huy các nhân tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” trong đấu tranh chống ngoại xâm và xây dựng xã hội chủ nghĩa. Trong khi lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh rất coi trọng phương pháp kết hợp lực, thế, thời, mưu để giành thắng lợi lớn nhất mà tổn thất ít nhất. Về mối quan hệ giữa thế và lực, Bác Hồ chú trọng các tác thuật sao cho “thế thắng lực”. Yếu tố thời cơ cũng luôn được Người quan tâm bởi vì đó là sức mạnh, và nguồn lực chính. Bác yêu cầu những người cách mạng phải chăm chú theo dõi thời cơ, chủ động nắm bắt thời cơ và khi thời cơ đến phải kịp thời hành động. Để phát huy cao nhất hiệu quả của lực, thế, thời, Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến việc dùng “mưu”. Trong chỉ đạo chiến tranh, Bác hồ căn dặn “phải dụ giặc vào bẫy để đánh”, “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, náo phía Đông, đánh phía Tây”. Bác đúc kết “Du kích cũng như đánh cờ – Mưu cao, kế khéo bao giờ cũng ăn”. Trong phương pháp Hồ Chí Minh lực, thế, thời, mưu có quan hệ chặt chẽ với nhau, tạo điều kiện cho nhau phát triển. Thế và lực vận động sẽ tạo nên thời, biết dùng mưu thì hạn chế chỗ mạnh của địch, phát huy điểm mạnh của ta, tạo nên những chuyển biến về chất để giành thắng lợi quyết định. Trong công cuộc đó, Bác Hồ còn áp dụng phương pháp kết hợp các yếu tố chính trị cổ điển phương Đông là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” mà trong đó “nhân hòa” là quan trọng nhất, là nhân tố quyết định. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trong khi giao chiến, phe nào có đầy đủ điều kiện nhân hòa là phe ấy thắng. Chỉ phe nào vì chính nghĩa mà chiến đấu, phe ấy mới có đủ điều kiện nhân hòa”. Như vậy thì “Tạo lực, lập thế, tranh thời, dùng mưu” kết hợp chặt chẽ với “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” sẽ tạo nên sức mạnh vô địch.

Bác Hồ với các đại biểu dự Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất (1/5/1952)

2. Từ hệ thống phương pháp trên, Hồ Chí Minh tạo cho cá nhân mình một nét phong cách bao gồm phong độ và phẩm cách cá nhân. Phong độ là dáng vẻ, sắc thái bề ngoài. Phẩm cách là cách ứng xử, giao tiếp, cung cách sinh hoạt, thể hiện những phẩm chất về tư tưởng, tình cảm, nội tâm bên trong. Phong độ Hồ Chí Minh là phong độ của một người Việt Nam điển hình với tố chất giản dị. Mọi thứ bề ngoài đều gần gũi với quảng đại quần chúng. Còn phẩm cách của Bác hướng về Chân – Thiện – Mỹ: cái tâm trong sáng, cái đức cao đẹp, cái trí mẫn tuệ, hành xử chuẩn mực theo cách của một lãnh tụ nhân dân, một chiến sĩ Cộng sản chân chính. Phong cách có liên quan chặt chẽ với đạo đức, nhưng phong cách không phải là đạo đức mà chỉ là những phẩm chất đạo đức được nhận thức và được thể hiện ra trong hoạt động sống của con người. Bác Hồ nhờ phong cách riêng mà có sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với người đọc, người nghe thời ấy. Chân thực, ngắn gọn, đơn giản dễ hiểu, theo khoa học và sát thực tiễn là các nét tiêu biểu trong phong cách của Bác.

Phong cách ấy đã góp phần tạo nên những đặc trưng tiêu biểu trong hệ thống phương pháp của Người, có thể được khái quát với những điểm sau: Thứ nhất, phương pháp Hồ Chí Minh sở hữu khả năng nhận thức chính xác các mối quan hệ theo từng lớp và giải quyết hợp lý sự ảnh hưởng qua lại giữa các mối quan hệ đó trong thực tiễn. Điều này thể hiện rõ nhất trong các cuộc đấu tranh chính trị mà Hồ Chí Minh trực tiếp lãnh đạo. Người chú trọng yếu tố “động”, tính biến đổi của từng lớp quan hệ, nhìn thấu được các mâu thuẫn rồi từ đó đề ra giải pháp có hệ thống. Chính vì tổng hòa được các mối quan hệ trong và ngoài nước, dưới tinh thần K.Marx – Lenin mà Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường phát triển: Giải phóng dân tộc trên lập trường giai cấp, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa Xã hội mà không trải qua giai đoạn Tư bản.

Thứ hai, Người luôn luôn thực tiễn hóa lý luận và lý luận hóa thực tiễn. Theo cách nói dung dị của Bác thì đó là “học đi đôi với hành” nhằm khắc phục bệnh nói suông, bệnh sách vở. Bất cứ việc gì dù lớn dù nhỏ, Hồ Chí Minh đều yêu cầu phải xuất phát từ thực tiễn, thiết thực, theo khoa học, có lợi ích, không phù phiếm khoa trương hình thức. Một “công thức” do Người lập ra là: “Thực hành sinh ra hiểu biết / Hiểu biết tiến lên lý luận / Lý  luận lãnh đạo thực hành”.

Thứ ba, mỗi phương pháp đều phải rõ ràng, cụ thể và dễ hiểu. Nét đặc trưng này nhằm quảng bá rộng khắp cho toàn dân, làm cho dân hiếu, dân tin, dân yêu, dân giúp. Mỗi khi đề ra một phương pháp, Người đều muốn rằng phương pháp đó phù hợp với trình độ văn hóa, thói quen sinh hoạt, trình độ giác ngộ cách mạng, kinh nghiệm tranh đấu, mong muốn và tình hình thiết thực của quần chúng.

Cuối cùng, phương pháp Hồ Chí Minh thể hiện lòng khoan dung, nhân ái mang màu sắc nhân đạo Cộng sản. Hành động phải thể hiện được sự ân cần chu đáo đối với con người, nâng niu quý trọng nhân cách mà tuyệt đối không phân biệt đối xử. Bởi thế, rất nhiều phương pháp của Người mang đậm nét cảm hóa, thu phục lòng người thuộc mọi đối tượng tầng lớp. Khẩu hiệu Đại đoàn kết Toàn dân cũng thể hiện yêu cầu đối với mọi nhiệm vụ cách mạng: phải thấu lý đạt tình, hơn nữa là phải có tình có nghĩa. Nguyên tắc thì kiên định, triệt để nhưng biện pháp, cách làm phải thiên biến vạn hóa sao cho mau chóng phù hợp với những biến chuyển của hoàn cảnh. Yếu tố tình thương này được Hồ Chí Minh đúc kết thành một nét văn hóa ứng xử với con người: “Biến đại sự thành tiểu sự, biến tiểu sự thành vô sự”.

3. Hồ Chí Minh dành cả đời để thực hành chủ thuyết Marx – Lenin nhằm giải phóng dân tộc khỏi cảnh áp bức nô lệ, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do, hạnh phúc. Mục tiêu cách mạng của Người là Dân và xuất phát cũng từ Dân. Đức “tin dân” và “thương dân” ở Hồ Chí Minh được thể hiện trong mọi tình huống tiếp xúc nên cảm động muôn người. Bác chủ trương “lấy Dân làm gốc” để kháng chiến kiến quốc, vì không có Dân thì Đảng không có sức mạnh, cách mạng không có lực lượng.

“Dân” theo quan niệm của Hồ Chí Minh là người bình thường, không phải thần thánh gì. Cho nên mỗi người dân đều có cái hay và cái đẹp, và cũng có cái xấu xa. Nhưng ai ai cũng có tình. Đó là đặc điểm chung của người Việt Nam nói riêng và người Á Đông nói chung. Thế nên Bác Hồ dùng tình thân ái để cảm hóa, dẫn dắt họ sau khi tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa tư tưởng lý luận dân chủ phương Tây đồng thời kế thừa một cách sáng tạo những tinh hoa tư tưởng và triết lý phương Đông, truyền thống cộng đồng và dân chủ làng xã của dân tộc.

Hồ Chí Minh thực hành dân chủ trong mối quan hệ không tách rời với tự do, công bằng và bình đẳng. Dân chủ cũng không thể tách rời dân tộc và độc lập dân tộc. Người quan niệm dân chủ không chỉ là vấn đề lợi ích, quyền lực và thể chế gắn với chế độ nhà nước, luật pháp mà còn là những giá trị làm người, giá trị thuộc về phẩm giá, nhân cách, tự trọng và tự chủ của mỗi con người. Dân chủ, theo Bác Hồ, phải toàn diện chứ không chỉ là dân chủ trong kinh tế; cụ thể là dân chủ trong chính trị đồng thời đảm bảo dân chủ trong đời sống tinh thần để người dân dám nói, dám nghĩ, được bảo đảm tự do tư tưởng, thực hiện dân chủ trong sáng tạo văn hóa, trong thụ hưởng văn hóa. Tinh thần dân chủ phải thể hiện trong cơ cấu xã hội, dân chủ của công nhân, nông dân, tri thức, thanh niên, phụ nữ, trong quan hệ dân tộc và tôn giáo, cả trong quan hệ quốc tế giữa các nhà nước và chính phủ. Vì là động lực của tiến bộ và phát triển, Hồ Chí Minh yêu cầu phải thực hành dân chủ, một cách rộng rãi và thực chất. Mặt khác, dân chủ còn là vấn đề đạo đức. Muốn thực hiện dân chủ trong xã hội, trong Nhà nước phải có luật pháp, phải quy định nề nếp, kỷ luật, kỷ cương đồng thời phải có đạo đức, nhất là ở người lãnh đạo, nắm chức vụ, giữ quyền hành.

Để có một nền Dân chủ đúng nghĩa, Hồ Chí Minh ngay từ ngày đầu cách mạng đã có chủ trương Dân vận: Huy động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, nhằm thực hành những nhiệm vụ cách mạng. Dân vận không chỉ là sách báo, hội họp, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị… mà phải là mọi phương cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được.

Công tác Dân vận này yêu cầu chính phủ phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành. Trong lúc thi hành, các cán bộ chính quyền – đoàn thể phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân. Khi thi hành xong, họ phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng.

Những người phụ trách Dân vận cần phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc. Bác Hồ từng viết: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

4. Từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã khẳng định đạo đức là gốc của người cách mạng. Tác phẩm Đường Kách mệnh của Người đã chỉ ra “những tư cách của một người cách mệnh”, trong đó chủ yếu là các tiêu chuẩn về đạo đức, thể hiện chủ yếu trong 3 mối quan hệ: với mình, với người và với việc. Người viết: “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn nhà báo L’Unita của Đảng Cộng sản Italia, ngày 12/5/1959. Ảnh: Tư liệu

Các tiêu chuẩn đạo đức đó có thể được khái quát với ba chữ “Chân – Thiện –  Mỹ” và các phẩm chất cụ thể như sau: “Chân” chính là chân thật, trung thành, chung thủy, kiên định với những giá trị cốt lõi, “trung với nước, hiếu với dân”. Trung – Hiếu là đức tính truyền thống của dân tộc Việt Nam và phương Đông, được Hồ Chí Minh kế thừa và phát triển trong thời đại mới. “Trung với nước” là trung thành vô hạn với sự nghiệp dựng nước, giữ nước, phát triển đất nước, bởi vì đất nước là của dân, dân là chủ đất nước, cho nên trung với nước là trung với dân, vì lợi ích của nhân dân. “Hiếu với dân” nghĩa là cán bộ Đảng, cán bộ nhà nước “là đầy tớ trung thành của dân”. Ý tưởng đạo đức này thể hiện mối quan hệ và nghĩa vụ của mỗi cá nhân với cộng đồng, đất nước.

“Thiện” chính là tình yêu thương con người, sống có nghĩa, có tình. Tư tưởng đạo đức này ngoài các đặc trưng truyền thống còn kết hợp với chủ nghĩa nhân đạo Cộng sản. Hồ Chí Minh coi yêu thương con người là tin tưởng vào con người. Với bản thân mình thì chặt chẽ, nghiêm khắc; với người thì khoan dung, độ lượng, rộng rãi, nâng con người lên, kể cả với những người lầm đường, lạc lối, mắc sai lầm, khuyết điểm.

“Mỹ” thể hiện qua các đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Đây là những nền tảng tốt đẹp của đời sống cách mạng, là phẩm chất trung tâm của đạo đức cách mạng trong đạo đức của Hồ Chí Minh. “Cần” là làm việc cần cù, siêng năng; lao động có kế hoạch, sáng tạo, có năng suất cao; lao động với tinh thần tự lực cánh sinh, không lười biếng, không ỷ lại, không dựa dẫm. “Kiệm” là tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thì giờ, tiết kiệm tiền của dân, của nước, của bản thân mình, tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ; “không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi, không phô trương, hình thức…”. “Liêm” là trong sạch, là luôn tôn trọng, giữ gìn của công và của dân, minh bạch và không tham lam. “Chính” là ngay thẳng, không gian tà, là đúng đắn, chính trực. Đối với mình không tự cao, tự đại; đối với người không nịnh trên, khinh dưới, không dối trá, lừa lọc, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết. Đối với việc thì để công việc lên trên, lên trước việc tư, việc nhà. Được giao nhiệm vụ gì quyết làm cho kỳ được, “việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm; việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh”. “Chí công” là rất mực công bằng, công tâm; “vô tư” là không được có lòng riêng, thiên tư, thiên vị. Khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau, lo trước người khác, vui sau người khác. Muốn “chí công, vô tư” thì phải chiến thắng được chủ nghĩa cá nhân.■

Đặng Lê Nguyên Vũ

(Theo Tạp chí Phương Đông)

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN