Tháng 8 năm 2008, vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, bộ Tư bản – công trình vĩ đại của triết gia người Đức Karl Marx, vốn được đánh giá là một trong những bộ sách khó đọc nhất ở lĩnh vực kinh tế, đã tiêu thụ được 4500 bản trên chính quê hương ông, trong khi trước đó, vào năm 2005, bộ sách chỉ bán được vỏn vẹn 750 bản. Cũng vào thời điểm này, tại Italia, nhà xuất bản Newton Compton đã bán được 5000 cuốn và cho đến tận năm 2009, tác phẩm kinh điển của K. Marx vẫn tiếp tục “làm mưa làm gió” trên thị trường sách Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… Lịch sử đang lặp lại khi chúng ta phải đối mặt với một tình trạng chưa từng có tiền lệ trong thập niên thứ ba của thế kỷ XXI. Cả thế giới đang ra sức chống chọi một đại dịch khủng khiếp mang tên covid-19 kéo theo cuộc khủng hoảng trầm trọng bao phủ toàn bộ mọi phương diện đời sống nhân loại, đặc biệt là cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ trước Thế chiến II trở lại đây. Trước tình hình đó, Tư bản và các cuốn sách liên quan tới nó, như một quy luật, tiếp tục trở thành best-seller ở nhiều quốc gia. Đặc biệt, tại Nhật Bản, hàng trăm ngàn bản đã được bán ra từ nửa cuối năm 2020 đến nay. Vậy điều gì đã khiến toàn nhân loại liên tục tìm đến Karl Marx khi phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng có tính toàn cầu như vậy?
Karl Heinrich Marx (1818 – 1883) là triết gia, nhà kinh tế học, xã hội học, nhà lý luận chính trị, cách mạng lỗi lạc người Đức gốc Do Thái. Sinh ra và lớn lên tại Trier, Đức trong một gia đình luật sư giàu có, ông từng theo học ngành luật và triết học, sau đó chuyển hẳn sang đấu tranh lý luận chính trị, ủng hộ các phong trào của nhân dân lao động chống lại chế độ tư bản đương thời. Do các hoạt động cách mạng của mình, Marx phải sống lưu vong cùng gia đình tại London, Anh trong suốt nhiều thập kỷ. Tại đây, ông tiếp tục phát triển các tư tưởng của mình cùng với Friedrich Engels và cho xuất bản nhiều tác phẩm quan trọng mà nổi tiếng nhất trong số đó phải kể đến bộ Tư bản (hay là Tư bản luận, gồm ba tập, lần lượt xuất bản vào năm 1867, 1885 và 1894). Tác phẩm này kết tinh toàn bộ nội dung cốt lõi của tư tưởng mà Marx cả đời theo đuổi, được khái quát với tên gọi chủ nghĩa Marx (chủ nghĩa xã hội khoa học), bao gồm các quan điểm lý luận phê phán phủ rộng trên tất cả các lĩnh vực xã hội, kinh tế, chính trị, triết học. Marx phát triển học thuyết của mình trên nền tảng quan niệm biện chứng của Georg Wilhelm Friedrich Hegel và chủ nghĩa duy vật máy móc của Ludwig Feuerbach, cho rằng lịch sử loài người là lịch sử đấu tranh giai cấp, phát triển theo hướng loại bỏ các hình thái bất bình đẳng để tiến đến một xã hội không còn giai cấp, gọi là xã hội chủ nghĩa. Trong các tác phẩm của mình, Marx đã dành nhiều công sức phân tích, tìm ra quy luật vận hành và phê phán tính chất không hoàn thiện của chủ nghĩa tư bản mà căn cốt là sự bất công trong mối quan hệ giữa giai cấp tư sản (bóc lột) và giai cấp vô sản (bị bóc lột) với đại diện là công nhân, người lao động, thông qua các quy luật về hàng hóa, thị trường và giá trị thặng dư. Sinh thời, các tác phẩm của Marx đã gây được sức ảnh hưởng và tiếng vang lớn, không những góp phần thúc đẩy việc cải tạo đời sống người lao động đương thời, mà còn đúc kết các quy luật có tính dự báo về những điều sẽ xảy đến cho thế giới hiện đại một khi chế độ tư bản vẫn còn tồn tại. Bên cạnh đó, tư tưởng của Marx còn là kim chỉ nam và là nguồn cảm hứng bất tận cho các phong trào công nhân, phong trào giải phóng dân tộc, các nhà khoa học, triết học, văn nghệ sĩ… thế kỉ XX và tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ, tạo ra nhiều tranh luận cho đến tận ngày hôm nay. Có thể nói, chừng nào còn chủ nghĩa tư bản, chừng nào hình thái ý thức này vẫn cho thấy những bất cập của nó, mà đỉnh điểm là ở các cuộc khủng hoảng có tính toàn cầu, thì người ta vẫn còn tìm lại Marx và Tư bản luận để soi chiếu về những vấn đề đúng đắn, cấp thiết mà ông đã đặt ra từ hai thế kỉ trước.
Nhân dịp kỉ niệm 154 năm ngày ra đời của tập sách mở đầu công trình bất hủ này, Tạp chí phương Đông xin gửi tới quý độc giả một vài phân tích về cuộc khủng hoảng toàn cầu do làn sóng dịch bệnh covid-19 gây ra trong bối cảnh xã hội tư bản hiện đại dưới lăng kính của chủ nghĩa Marx. Qua đó, chúng tôi hi vọng đem đến cho bạn đọc một góc nhìn chân thực, toàn diện và khách quan về những ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của Marx ở thế kỉ XXI; đồng thời tưởng nhớ, tri ân người cha đẻ vĩ đại của chủ nghĩa khoa học xã hội.
1. Xã hội tư bản – một bức tranh bất toàn
Sự bất toàn lớn nhất trong bức tranh xã hội tư bản mà Marx đã chỉ ra cho chúng ta thấy đó chính là tình trạng bất bình đẳng, chênh lệch giàu nghèo quá lớn trên mọi phạm vi, cấp độ. Thực tế này đã tồn tại xuyên suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, và ngày càng trở nên nhức nhối trong xã hội hiện tại, khi những quốc gia giàu có bậc nhất thế giới cũng chính là nơi chứng kiến các con số điển hình của bất bình đẳng xã hội gia tăng mỗi ngày. Vào thời điểm dịch covid-19 bùng phát tại Mỹ đầu năm 2020, số người xin trợ cấp thất nghiệp ở nước này đã tăng đến hơn 16 triệu người, con số kỉ lục kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ buộc phải tung ra các khoản vay hàng nghìn tỷ đô la do các lệnh cấm nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh đã buộc nhiều doanh nghiệp đóng cửa một phần hay hoàn toàn, đẩy khoảng 95% dân số Mỹ vào cảnh thất nghiệp hoặc bị giảm thu nhập. Trong khi đó, cũng tại nước Mỹ, bất chấp tình hình suy thoái của quốc gia nói riêng và thế giới nói chung, nước này đã có thêm 1,7 triệu người được đưa vào danh sách triệu phú, chiếm gần 1/3 trong tổng số 5,2 triệu triệu phú mới của thế giới năm 2020. Ở một diễn biến khác, tổ chức từ thiện Oxfam có trụ sở tại Vương quốc Anh cảnh báo rằng sự sụp đổ kinh tế do làn sóng dịch bệnh Covid-19 có thể đẩy thêm hơn nửa tỷ người rơi vào tình trạng nghèo đói. Vào thời điểm đại dịch kết thúc, một nửa dân số thế giới gồm 7,8 tỷ người có thể sống trong nghèo đói. Cũng trong năm ngoái, con số những người được đưa vào nhóm các cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao (hơn 50 triệu USD) tăng 24% so với năm 2019, là tốc độ tăng trưởng hàng năm nhanh nhất trong 17 năm qua, nâng tổng số người siêu giàu lên 215.030 người. Một lần nữa, K. Marx đã đúng khi mỗi cuộc khủng hoảng toàn cầu diễn ra, đối tượng chịu thiệt hại lớn và trực tiếp nhất không phải là giới tài phiệt mà chính là những người lao động nghèo. Sự bất bình đẳng này không phát sinh ngẫu nhiên qua đại dịch mà nó đã tồn tại âm ỉ trong xã hội tư bản suốt hàng thế kỷ qua. Các cuộc khủng hoảng chỉ khiến mức độ chênh lệch ngày càng trở nên trầm trọng, giúp nhân loại nhận thức rõ hơn những bất cập của mô hình kinh tế – xã hội mà hầu hết các quốc gia đang áp dụng ở thời điểm hiện tại.
Trong tác phẩm Chủ nghĩa tư bản thế kỷ XXI, Thomas Piketti ghi nhận: “Chủ sở hữu cuối cùng của các công ty và tư bản luôn luôn là các thực thể người và chính xác là những hộ gia đình. Sự phân bổ bất bình đẳng trong sở hữu tài sản và thu nhập (cổ tức, lợi suất, tiền cho thuê, lợi nhuận đầu tư) vẫn là sự bất bình đẳng chủ yếu trong hệ thống tư bản chủ nghĩa: ít nhất Marx đã đúng ở điểm này” (1). Người công nhân phải bán tài sản duy nhất mà anh ta sở hữu là sức lao động cho nhà tư bản với một cái giá rẻ mạt. Với mức lương ít ỏi và các gánh nặng cần trang trải phát sinh trong thực tế, người lao động rất khó dành dụm được số tiền đủ để ứng phó với quãng thời gian dài nghỉ việc, không có thu nhập; đồng thời khó có thể tiếp cận được các dịch vụ an sinh tốt. Ngược lại, các nhà tư bản, nhờ tích lũy, sở hữu phần sinh lời lớn từ sức lao động dôi dư do công nhân tạo ra, vẫn ung dung đầu tư vào vô số các kênh và thu về nguồn lợi nhuận khổng lồ cho khối tài sản vốn đã rất kếch xù của họ. Cảnh tượng người lao động mất việc ở các đô thị lớn, phải tìm đường trở về quê hương giữa đại dịch nguy hiểm và chưa được tiếp cận đầy đủ những trợ giúp về giao thông, y tế, an sinh vẫn còn là những câu hỏi day dứt khiến chúng ta phải tìm đến Marx, đến Tư bản luận để trăn trở, suy tư. Nó đặt ra một dấu hỏi lớn cho các nhà lãnh đạo và những người hoạch định chính sách quốc gia, làm thể nào để tăng mức thu nhập, cải thiện chế độ phúc lợi cho người lao động, đồng thời hỗ trợ đầy đủ, kịp thời giúp họ vượt qua được cuộc khủng hoảng trước mắt, ổn định cuộc sống sau đại dịch. Bởi lẽ, suy cho cùng, đúng như Marx đã chỉ ra, không phải nhà tư bản mà chính những người lao động mới là lực lượng nòng cốt tạo nên sức mạnh và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thị trường.
Không những phân tích sự chênh lệch giàu nghèo như một vấn nạn có tính bản chất của xã hội tư bản, sự quan tâm của Marx còn hướng tới những nhóm yếu thế trong xã hội. Ông sớm nhìn ra phụ nữ và trẻ em sẽ trở thành các nạn nhân lớn nhất của bất bình đẳng. Mặc dù kể từ khi bộ Tư bản ra đời, cuộc đấu tranh đòi quyền được học tập và vui chơi cho trẻ em cũng như các hỗ trợ phúc lợi cho phụ nữ khi tham gia lao động đã đạt được những thành tựu đáng kể, song bất công không vì thế mà dừng lại, thậm chí còn diễn ra tàn khốc hơn trong thời kì đại dịch. Theo số liệu năm 2016 của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO, cứ 10 trẻ em trên thế giới thì có một em đang phải gia nhập vào lực lượng lao động. Cũng theo tổ chức này, cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 dự kiến sẽ gây ra tình trạng thất nghiệp cho hơn 200 triệu người trên toàn thế giới vào năm 2022, trong đó phụ nữ và lao động trẻ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Việc làm của phụ nữ đã giảm 5% vào năm 2020, so với 3,9% ở nam giới, trong khi việc làm của thanh niên giảm tới 8,7% so với 3,7% ở người lớn tuổi hơn.
Trong tập I của bộ Tư bản, Marx viết: “Sức lao động của phụ nữ và trẻ em là yếu tố tiên quyết mà các nhà tư bản sử dụng máy móc tìm kiếm… Guồng máy trực tiếp của tư bản cuốn theo mọi thành viên trong gia đình người lao động, bất kể tuổi tác và giới tính. Công việc bắt buộc cho chủ nghĩa tư bản không chỉ tước đoạt quyền vui chơi của trẻ em, mà còn tạo ra những giới hạn trong việc hỗ trợ gia đình của các lao động tự do” (2). Sự tận dụng nhân lực trẻ em và phụ nữ là một toan tính nhẫn tâm của tư bản. Marx nhận thấy, việc làm cho phụ nữ một mặt thúc đẩy bình đẳng giới, giải phóng phụ nữ khỏi trách nhiệm hạn hẹp tại gia đình để tự do phát triển cá nhân. Song mặt khác, hệ thống tư bản đã cố tình lợi dụng điều này để ra sức tuyên truyền, tạo cho phụ nữ các áp lực trong lao động, khiến họ phải gồng mình nỗ lực gấp đôi gấp ba nam giới nhằm chứng tỏ bản thân và duy trì được nguồn thu nhập bằng mọi giá, bất chấp các hệ lụy về tâm lý, sức khỏe,… Chấp nhận làm việc trong những điều kiện tồi tệ, nhiều phụ nữ thậm chí không dám kết hôn, sinh con vì lo lắng sẽ bị sa thải, thay thế bằng những nhân lực “bền vững” hơn. Như vậy, chế độ tư bản không những không giải phóng phụ nữ mà còn khiến họ phải tiếp tục gánh vác thêm các tiêu chuẩn mới, chịu đựng những định kiến trái chiều từ dư luận xã hội. Đặc biệt, khi dịch bệnh xảy đến, sự cạnh tranh về việc làm ngày càng khắc nghiệt, lao động nữ có thu nhập dưới mức trung bình sẽ là nhóm đầu tiên chịu nhiều rủi ro trong một bối cảnh biến động và bất trắc.
Marx là triết gia đầu tiên nhìn thấy cuộc khủng hoảng tinh thần trầm trọng của con người trong thời đại mà máy móc, công nghệ chiếm lĩnh toàn bộ đời sống nhân loại. Từ rất sớm, ông đã nhấn mạnh rằng, máy móc tăng cường và xúc tiến sản xuất nhưng không những không khiến cho lao động của người thợ trở nên dễ dàng, nhàn hạ hơn mà chính chúng còn trở thành nguyên nhân đầu tiên gây thất nghiệp, tạo ra khủng hoảng sản xuất và giết chết hứng thú làm việc của công nhân (3). Con người phải chạy đua với máy móc, làm việc hết công suất để khỏi đối mặt với nguy cơ mất việc làm, từ đó bản thân anh ta cũng biến thành một cỗ máy. Đó chính là cách mà chủ nghĩa tư bản “vô nhân hóa” con người, điều mà Marx đã sớm nhận ra và chính quan điểm đi trước thời đại này của ông đã mở đường cho chủ nghĩa hậu hiện đại về sau. Thời đại công nghệ 4.0 bủa vây chúng ta bằng những phương tiện kĩ thuật tiên tiến, cuộc sống tiện nghi hơn song cũng dễ khiến con người trở thành những cỗ máy kiếm tiền trong một xã hội lấy vật chất làm thước đo phát triển, khiến những giá trị tinh thần bị quên lãng và tha hóa trầm trọng.
Marx đã tiên đoán về viễn cảnh xã hội nơi con người phải quay cuồng vật lộn để mưu sinh và bị ám ảnh bởi những hình mẫu mà truyền thông tư bản dựng lên nhằm kích thích họ lao động không ngừng nghỉ. Đây thường là một giao dịch bất bình đẳng, theo lời Marx, và có thể dẫn tới tình trạng người lao động bị bóc lột trong vô thức, thường xuyên có cảm giác lạc lõng, trống rỗng, mất liên hệ với giá trị nhân bản của họ – nguyên nhân chủ yếu dẫn tới căn bệnh thế kỉ XXI: bệnh trầm cảm. Theo Tổ chức y tế Thế giới (WHO), trầm cảm là căn bệnh phổ biến nhất thế giới, ước tính có khoảng 350 triệu người bị ảnh hưởng bởi trầm cảm trên toàn cầu và 1 triệu người tự sát vì căn bệnh này mỗi năm. Mức độ phức tạp, nghiêm trọng của nó còn tăng theo cấp số nhân trong mùa dịch, khi các biện pháp kiểm soát đi lại và những mất mát, đau thương, áp lực bởi thất nghiệp, bất an, lo lắng về nguy cơ nhiễm bệnh… sẽ tạo ra một cơn lũ sang chấn tâm lý càn quét xã hội ngay cả khi dịch bệnh đã kết thúc. Khâm phục tầm dự báo thiên tài của Marx, chúng ta càng thêm suy ngẫm về những chính sách dài hạn để không chỉ đảm bảo an sinh mà còn chăm lo, quan tâm đến sức khỏe tinh thần cho người dân – điều mà hầu hết các nước đang phát triển hiện nay vẫn chưa thực sự đẩy mạnh và chú trọng.
Không những thế, các tác động về môi trường, biến đổi khí hậu… cũng là những nguy cơ đe dọa cuộc sống của con người nếu chúng ta chỉ chú tâm phát triển kinh tế, quên đi các giá trị bền vững, lâu dài. Marx không phát biểu trực tiếp về vấn đề này, nhưng các phân tích của ông đã cung cấp đầy đủ những gợi dẫn, tạo tiền đề cơ sở để hậu thế tư duy về nó. Trong Bản thảo kinh tế – triết học và Hệ tư tưởng Đức, ông phê bình mạnh mẽ và các quan điểm truyền thống liên quan tới thuyết nhị nguyên tự nhiên – xã hội. Marx lập luận rằng tự nhiên và xã hội không tồn tại như hai thực thể riêng biệt, độc lập mà luôn có sự tương tác với nhau trong một mối quan hệ biện chứng. Khi con người tác động vào thiên nhiên thông qua lao động, cả cá nhân đó và thực thể tự nhiên đều bị thay đổi. Cả hai đều không phải là những thực thể tĩnh. Bởi vậy, tùy vào cách ứng xử của con người với môi trường, không những cuộc sống của nhân loại thay đổi, mà môi trường cũng chịu những ảnh hưởng nhất định. Ở chiều ngược lại, giới tự nhiên chắc chắn sẽ “đáp trả” con người một cách xứng đáng. Có thể nói, chỉ trong thời điểm đại dịch covid-19 hoành hành, chúng ta mới lại được thấy những dòng sông xanh, những con phố sạch đẹp vắng khách du lịch, và hiểu được con người đã đối xử như thế nào với tự nhiên trong suốt thời gian qua. Không phải ngẫu nhiên mà lịch sử của chủ nghĩa tư bản được xây dựng trên những tấc rừng, tấc đất nông nghiệp đã vĩnh viễn biến mất. Do đó, phát triển nền kinh tế thị trường giữa thời đại toàn cầu hóa nhất định phải luôn đi đôi với bảo vệ môi trường, kiểm soát tốt hoạt động của các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước đối với hệ sinh thái và nguồn tài nguyên quốc gia.
2. Chủ nghĩa tư bản – bước tất yếu để tiến lên xã hội chủ nghĩa
Chỉ ra tính bất toàn của chủ nghĩa tư bản song Marx không những không phủ nhận hoàn toàn hình thái kinh tế xã hội này mà thậm chí còn cho thấy đây là thời kỳ tất yếu mà nhân loại phải trải qua để tiến hóa sang một hình thái mới, nơi tất cả các vấn đề còn tồn đọng của chế độ tư bản nói trên sẽ được giải quyết một cách triệt để. Theo quy luật của phép duy vật biện chứng, sự tích lũy đủ về lượng sẽ dẫn đến sự thay đổi về chất, và cuộc đấu tranh chống bất công – nguồn gốc của phát triển theo quy luật mâu thuẫn sẽ phủ định ý thức cũ để sản sinh ra một trật tự mới mà quyền lợi được chia đều cho tất cả mọi người trong một thế giới công bằng và tốt đẹp hơn.
Trên thực tế, thế giới đã có những mô hình gần giống với chủ nghĩa xã hội tồn tại, đó là các nước Bắc Âu. Các quốc gia này tập trung “làm giàu” trước tiên, để rồi “vật chất quyết định ý thức”, vấn đề mưu sinh, đói nghèo được giải quyết, các đầu tư cho thế giới tinh thần bắt đầu rộng mở hơn, trình độ nhận thức của đại bộ phận quần chúng nhân dân phát triển lên đáng kể, đủ để tiến gần tới giai đoạn mà Marx tiên đoán. Ở các nước Bắc Âu, chế độ phúc lợi – kết quả của quá trình tích lũy tư bản lâu dài, cũng đã tương đối hoàn thiện để đáp ứng mô hình “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”. Trong lĩnh vực giáo dục, nhà nước đã đầu tư một nguồn ngân sách rất lớn chiếm khoảng 3 – 8% GDP, miễn 100% học phí trong giai đoạn học phổ thông và hỗ trợ học phí học đại học. Những nước này cũng đứng đầu thế giới về mức độ phổ cập và bao trùm của bảo hiểm y tế, quỹ bảo hiểm luôn chiếm từ 20 – 30% GDP và đặc biệt miễn phí khám, chữa bệnh cho trẻ vị thành niên và phụ nữ có thai. Do đó, viễn cảnh mà Marx dựng lên là hoàn toàn khả thi và chắc chắn sẽ xảy ra nếu chúng ta nỗ lực, cố gắng để thực hiện và kiên định đến cùng với nó.
Một số lập luận phản biện Marx cho rằng, khi viết Tư bản luận, Marx không ngờ được sẽ có một tầng lớp trung lưu chiếm đến 90% dân số ra đời trong lòng xã hội tư bản – một tầng lớp không bóc lột ai và cũng không bị ai bóc lột, trong khi những người có thu nhập thấp và các nhà tài phiệt kếch xù lại chiếm tỉ lệ không đáng kể (4). Tuy nhiên, khi đưa ra nhận định trên, những tác giả ấy đã không hiểu được rằng đó chính là tiên đoán của Marx về một thế giới không có giai cấp và bóc lột đang dần trở thành sự thực. Bộ phận gọi là “trung lưu” này sẽ ngày càng giãn ra và khi hai tầng lớp kia bị xóa sổ để đạt đến một thế quân bình, chúng ta có xã hội chủ nghĩa! Bởi vậy, hiểu đúng tư tưởng của Marx, ta không thể không khâm phục thiên tài của ông khi dự báo được diễn trình phát triển của xã hội hiện đại hậu tư bản. Freehop đã có một nhận định rất sâu sắc như sau: “Cống hiến vĩ đại nhất của K. Marx đối với xã hội hiện đại, kể cả xã hội tư bản và xã hội cộng sản là ông đã minh chứng được rằng xã hội mai đây sẽ không còn có sự nghèo khổ nữa. Lý tưởng đó đã trở nên một sự thách thức đối với mọi chế độ xã hội. Ngay cả những xã hội Âu – Mỹ ngày nay, tuy bác bỏ thuyết kinh tế của Marx, nhưng vẫn không thể phủ nhận quan điểm lý tưởng xã hội của Marx. Chúng ta có thể nói, con người sống trong sự nghèo khổ đã mang lại cho thế giới hy vọng tiêu diệt nạn nghèo khổ. Đó là một trong những kết quả công trình của Marx, và chỉ cần riêng điều này, Marx cũng đã thay đổi cả đến nếp suy tư của thế giới ngày nay.” (3)
Việt Nam đang đi theo con đường đúng đắn khi phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Dân có giàu thì nước mới mạnh – điều này đã được chủ tịch Hồ Chí Minh trăn trở từ khi còn sinh thời. Là người nghiên cứu và hiểu chủ nghĩa Marx một cách sâu sắc, Người luôn mong sao cho đến ngày đất nước thống nhất, “chúng ta sẽ xây dựng gấp mười lần ngày nay”, để cho “ai cũng có cơm ăn, áo mặc”, và đặc biệt “ai cũng được học hành”. Trên tất cả, Người hiểu rằng việc phát triển nền kinh tế quốc gia phải luôn song hành với mở mang dân trí, và con người Việt Nam phải luôn vững về cả vật chất lẫn tinh thần. Có vậy, chúng ta mới xây dựng được chủ nghĩa xã hội thành công. Bởi lẽ, tích lũy tư bản của quốc gia đủ lớn, nguồn phúc lợi dồi dào, công ăn việc làm ổn định thì những người nghèo mới nhanh chóng thoát nghèo, từ đó chăm lo đầy đủ hơn cho đời sống tinh thần, mở mang tri thức. Khi ấy, những người sở hữu tài sản ở một mức độ nhất định và có trình độ nhận thức, ý thức phát triển sẽ tăng lên nhanh chóng. Cuối cùng, việc trở thành một quốc gia chủ nghĩa xã hội tiên tiến, văn minh chỉ còn là một sớm một chiều. Tuy nhiên, để đến được bến bờ mơ ước này, chúng ta phải ra sức nỗ lực làm giàu từng ngày, xây dựng một nền móng kinh tế vững chắc, hệ thống y tế, an sinh vững mạnh, đủ sức chống chọi với thiên tai, dịch bệnh; đồng thời phát triển một tầm nhìn chiến lược dài hạn cho quốc gia, dân tộc. Nói đi đôi với làm, chúng ta cần những hành động thiết thực, những bước tiến dài hơn nữa để giúp nhân dân vượt qua đại dịch, cùng với đó khôi phục lại đà tăng trưởng kinh tế của đất nước trong giai đoạn sắp tới…
Kể từ ngày bắt đầu hình thành tư tưởng về chủ nghĩa cộng sản cho đến nay, Marx đã không bao giờ kết thúc học thuyết của mình trong sự ảm đạm mà luôn phân tích, chỉ ra những gợi dẫn thuyết phục, giúp hậu thế dựa vào đó mà tìm ra các phương pháp, cách thức giải quyết những bất cập của chủ nghĩa tư bản để nhanh chóng quá độ lên một hình thái kinh tế – xã hội mới. Mô hình xã hội chủ nghĩa hứa hẹn sẽ là một mô hình có thể chống chọi lại mọi thách thức, kể cả dịch bệnh, thiên tai, bởi nó được vận hành bởi những con người đoàn kết, bình đẳng, với sự trang bị đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần để đương đầu với mọi sóng gió xảy đến cho nhân loại. Ở những cuộc khủng hoảng trước đó, thế giới tìm đến Marx để rồi lại nhanh chóng lãng quên những cảnh báo của ông khi mọi thứ đã lùi xa. Song có lẽ cho đến hôm nay, một lần nữa phải đối mặt với những thách thức to lớn chưa từng thấy trong lịch sử khi bất bình đẳng xã hội, sự chênh lệch về nguồn dự trữ tư bản… trở thành một trong những nguyên nhân chính khiến cho số người tử vong vì covid-19 tăng lên ở khắp nơi, chúng ta mới lại thêm thấm thía và sẽ khắc ghi mãi những di sản mà Marx để lại cho nhân loại. Bên cạnh các phê phán có tính dự báo nay đã thành hiện thực nhãn tiền, những niềm tin và hi vọng mà Marx gieo vào lòng hậu thế vẫn luôn còn đó. Đất nước chúng ta – đất nước với tinh thần chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh chảy trong huyết quản – chắc chắn sẽ vượt qua được thời kỳ đen tối để tiến lên chủ nghĩa xã hội dẫu còn lắm những nhọc nhằn, chông gai…
Đinh Thảo
Tài liệu tham khảo:
(1) Capital in the twenty-first century, Thomas Piketty; translated by Arthur Goldhammer. Belknap Press: An Imprint of Harvard University Press, 14/08/2017
(2) Capital: A critique of political economy, Karl Marx; translated by Samuel Moore, Edward Aveling. Progress Publishers, 1887.
(3) Những cuốn sách làm thay đổi thế giới (Books That Changed the World), Robert B. Downs; Hoài Châu , Từ Huệ dịch. NXB Mỹ thuật, 2010.
(4) Karl Marx, ông tổ cộng sản và những nghịch lý sau 200 năm, Thụy My. rfi.fr, 10/05/2018.