Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 dưới góc nhìn truyền thống văn hóa Việt

Hàng năm, cứ vào tháng bảy, nhân dân cả nước lại lặng lẽ, trang nghiêm hướng về ngày Thương binh liệt sĩ 27/7. Trên mảnh đất mà ngọn quốc kỳ được dệt nên bằng mồ hôi, xương máu của biết bao thế hệ cha ông, vẫn chưa khi nào ngừng im một giây phút tri ân những người đã ngã xuống cho độc lập dân tộc. Là một quốc gia mà lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước gắn liền với các cuộc binh lửa triền miên, khi tiếng súng mới chỉ ngừng im trong một vài thập kỉ trở lại đây; việc trân trọng, thành kính dành trọn vẹn một ngày riêng để tưởng niệm các liệt sĩ, cùng nhau nghiêng mình trước những vết thương bi tráng trên cơ thể người thương binh hay tôn vinh những người có công với đất nước, những anh hùng dân tộc… đã trở thành một nếp sống, một thói quen, một sinh hoạt văn hóa không thể thiếu với mỗi con người Việt Nam.

Với lịch sử ngàn năm binh lửa của chúng ta, đất mẹ Việt Nam đã đón vào lòng mình biết bao người con quả cảm, đầy nhiệt huyết và bừng bừng một khí thế chống giặc thù, sẵn sàng xả thân vì độc lập dân tộc. Họ chính là những liệt sĩ – những người đã ngã xuống, hi sinh cả tính mạng của mình vì một mục tiêu cao cả, dấn thân vào con đường giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc Việt Nam. Họ đã gửi thân xác vào lòng đất để tạo nên những mầm xanh của sự sống tương lai trên đất Việt. Bên cạnh đó, đồng đội của họ còn có những thương binh – những người đã gửi một phần da thịt, thân thể vào hư không, chiến đấu và sẵn sàng đánh đổi tất cả, không màng tới những tổn thương, đau đớn vì mục tiêu giành lại nền độc lập cho đất nước, dân tộc. Xuyên suốt lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta – một dân tộc kiên cường, anh dũng với lòng yêu nước mãnh liệt, không bao giờ chịu lùi bước trước kẻ thù xâm lược và thậm chí đã sở hữu cả một truyền thống chiến đấu vang danh với nhiều chiến công hiển hách. Song cũng chính bởi vậy mà chúng ta đã có không ít những tử sĩ, những thương binh. Từ những cuộc chiến thời cổ trung đại oanh liệt cho đến thời hiện đại, tiêu biểu là hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, sự hi sinh của những con người quả cảm, anh dũng ấy là một trong những động lực chính yếu góp phần vào chiến thắng của dân tộc ta. Có thể nói, để đất nước ta toàn vẹn một dải, giang sơn thu về một mối, trở thành một nước chính danh trên bản đồ thế giới như ngày hôm nay chính là công lao của những chiến sĩ, các thương binh, liệt sĩ đã không tiếc tuổi xuân, hi sinh cả tính mạng, thân thể, xương máu của mình cho ngày toàn thắng. Những hi sinh của họ là biểu hiện cao nhất của tình yêu nước, là sự hi sinh vĩ đại và cao cả bậc nhất, không gì có thể so sánh, thay thế hay bù đắp được. Trên thực tế, trên khắp cả nước ta có tới hơn 1 triệu liệt sĩ. Trong đó, số liệt sĩ hi sinh trong kháng chiến chống Pháp vào khoảng hơn 100 nghìn liệt sĩ, trong kháng chiến chống Mỹ lên tới hơn 800 ngàn người và còn lại là các liệt sỹ hi sinh trong những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc khác như: Chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc, cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo… Đó là những con số biết nói, nó cho thấy một sự thật không thể phủ nhận rằng hàng triệu người đã vĩnh viễn nằm im dưới đất mẹ để chúng ta có được ngày độc lập hôm nay. Đó là niềm tự hào, nhưng cũng là những nỗi đau, sự mất mát và các di chứng khó lòng hàn gắn được đối với toàn dân tộc; là một dạng chấn thương tập thể mà cả cộng đồng mang trong mình. Với quy mô lớn và có tính đặc thù về mặt lịch sử như vậy, việc hàn gắn, xoa dịu nỗi đau chiến tranh, bù đắp phần nào tổn thất cho những con người đã ngã xuống để đất nước được như ngày hôm nay là vô cùng quan thiết và cấp bách.

Có thể nói, từ xa xưa, người Việt ta đã có truyền thống tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ và những người có công với Tổ quốc. Việc thờ phụng các vị vua, tướng lĩnh hay những nhân vật lập công trong các cuộc chiến bảo vệ, gìn giữ non sông đã trở thành một phong tục, một nếp văn hóa lâu đời của dân tộc. Xuất phát từ tâm tính duy tình của một cộng đồng biết lấy sự tri ân, tình nghĩa làm trọng, người dân Việt cổ đã sớm hình thành một thói quen tâm linh, một nghĩa cử thiêng liêng, đó là việc phong thần, phong thánh, lập đền thờ những nhân vật lịch sử, những người có công bảo vệ và dựng xây đất nước. Đền thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn – danh tướng kiệt xuất thời Trần đã có công hai lần dẹp giặc Nguyên Mông, được dựng lên ở khắp các tỉnh thành cả nước. Bên cạnh đó, những cụm đền thờ nổi tiếng như đền Vua Lê Thái Tổ ở Lai Châu, Hà Nội, Thanh Hóa; đền thờ Vua Quang Trung ở Nghệ An, đền thờ Lý Thường Kiệt tại Bắc Ninh… đều là những minh chứng cụ thể và sinh động cho tinh thần uống nước nhớ nguồn, tấm lòng biết ơn những thế hệ đi trước đã cống hiến, hi sinh cho sự nghiệp bảo vệ, gìn giữ non sông của người Việt tự bao đời. Nhiều ngôi đền trong số đó đã trở thành những di tích lịch sử, danh thắng quan trọng của quốc gia với hàng trăm năm tồn tại và phát triển, trải qua bao thăng trầm, biến cố, cho đến tận ngày hôm nay vẫn dập dìu khách viếng, bảng lảng mùi khói hương nhang. Điều này chứng tỏ việc tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ đã sớm được thiết lập như một truyền thống văn hóa lâu đời của cả dân tộc. Đây cũng chính là xuất phát điểm sâu xa, là nền tảng cho sự ra đời của ngày thương binh liệt sĩ 27/7 về sau.

Tuy nhiên, dễ thấy rằng, chỉ đến thời đại Hồ Chí Minh, vấn đề về Thương binh – liệt sĩ mới được xem xét, nhìn nhận và đánh giá một cách thực sự nghiêm túc, đúng đắn và có hệ thống. Công lao và những hi sinh to lớn của thương binh, liệt sĩ, chỉ tới thời đại này mới bắt đầu được công nhận và đánh giá khách quan, qua đó  giúp thế hệ sau hiểu được những ý nghĩa lớn lao, tầm quan trọng, sự cần thiết của các chính sách chăm sóc, hỗ trợ thương binh, gia đình liệt sĩ và thậm chí là dành cả một ngày lễ riêng để nhân dân cả nước tưởng niệm, tri ân những người con đã xả thân vì độc lập, tự do của dân tộc. Ngay từ khi còn chống giặc, khi đất nước chưa sạch bóng quân thù và bao thế hệ người Việt vẫn lên đường nhập ngũ, xách ba-lô bước vào nơi lửa đạn gian nguy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kíSắc lệnh số 20/SL ngày 16 tháng 2 năm 1947 Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ, bày tỏ lòng tri ân sâu sắc tới những hi sinh thầm lặng của biết bao con người Việt Nam nơi chiến trường cam go, ác liệt, đang từng giây từng phút xông pha trước hòn tên mũi đạn của kẻ thù để giành lại màu xanh hòa bình trên mảnh đất quê hương. Đầu tháng 7/1947, tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, các đại biểu Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc, Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc, Cục Chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin tuyên truyền và một số cơ quan, tổ chức liên quan đã tham dự một cuộc họp quan trọng do Cục Chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam tổ chức. Nội dung cuộc họp là thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lựa chọn ngày kỷ niệm Thương binh – Liệt sĩ và hoàn thiện công tác, chính sách về người có công với cách mạng. Tại cuộc họp này, theo đề nghị của đại diện Cục Chính trị quân đội Quốc gia Việt Nam, hội nghị nhất trí chọn ngày 27/7/1947 làm ngày thương binhtoiệt sốc. Kể từ năm 1955, ngày 27 tháng 7 hàng năm được đổi thành ngày Thương binh Liệt sĩ – ngày toàn dân cùng tưởng niệm, bày tỏ tri ân và sự biết ơn sâu sắc đối với các thương binh, liệt sĩ – những người đã dâng hiến tuổi thanh xuân, hi sinh xương máu và cả tính mạng của mình để giữ vững nền độc lập dân tộc.

Bác Hồ với các thương, bệnh binh. Ảnh tư liệu

Từ đó đến nay, ngay cả khi đất nước ta còn chưa im tiếng súng và phải trải qua những năm tháng khó khăn, khắc nghiệt nhất, ngày 27/7 vẫn được nhân dân hưởng ứng, trở thành ngày thiêng liêng của dân tộc, ngày đền ơn đáp nghĩa với những người đã chiến đấu, hi sinh vì Tổ quốc. Thời đại Hồ Chí Minh đã đề cập tới thương binh liệt sĩ như những đối tượng cần phải nhận được sự quan tâm hàng đầu của Đảng, Chính phủ cũng như toàn dân. Đó là cả một quá trình nhận thức, hun đúc, tạo nên ngày 27/7 như là kết tinh tinh thần của mỗi người dân đất Việt. Ta có thể kể đến rất nhiều sự tôn vinh, lòng tri ân và những nghĩa cử cao đẹp, thành kính dành cho những người đã ngã xuống vì Tổ quốc thân yêu; tự nhiên như một mạch nguồn chảy trong huyết quản của nhiều thế hệ người Việt, in sâu trong trái tim của hàng triệu người dân Việt Nam. Đó là một truyền thống lâu đời, kéo dài từ buổi bình minh của lịch sử dân tộc, kinh qua biết bao cuộc chiến tranh, bao thăng trầm, biến động, cho đến tận ngày hôm nay. Một trong những biểu hiện điển hình nhất của nó chính là nếp thờ cúng vẫn được gìn giữ như một nghi thức tinh thần, chứa đựng những giá trị đạo đức cốt lõi của một dân tộc. Người liệt sĩ đã quên mình để làm hồi sinh sức sống cho xứ sở, sự hi sinh của họ đã được ghi tạc vào mảnh đất quê hương, xương máu họ đã dựng nên những bức tường thành vĩ đại, bi tráng nhất để cản bước mọi kẻ thù ngoại bang với dã tâm xâm phạm bờ cõi nước Việt. Tên tuổi họ, gương mặt họ đã được ghi tạc vào các đền thờ, chùa chiền, những thánh đường tôn giáo lớn nhất cả nước. Đi dọc dải đất hình chữ “S” từ Bắc chí Nam, ta còn dễ dàng bắt gặp rất nhiều khu nghĩa trang, đài tưởng niệm các liệt sĩ, chiến sĩ đã hi sinh trong các trận đánh lớn nhỏ của những cuộc kháng chiến trường kì bảo vệ quê hương, không chỉ vào ngày 27/7 mà quanh năm vẫn nghi ngút hương khói, nhắc nhớ những thế hệ sau về sự hi sinh của cha anh cho ngày hòa bình, thống nhất trọn vẹn của Tổ quốc. Không những thế, bên cạnh các nghĩa trang liệt sĩ, việc thờ phụng, tưởng nhớ còn được thực hiện ngay trong chính mỗi gia đình Việt Nam. Có thể nói, trên ban thờ của nhiều gia đình Việt luôn luôn đặt trang trọng một bát hương liệt sĩ, qua nhiều thế hệ vẫn ấm áp khói hương. Đó chính là những nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tình cảm của người còn sống đối với người đã khuất, đã vĩnh viễn ngã xuống cho mình có được ngày hôm nay; đồng thời cũng là truyền thống tốt đẹp muôn đời mà người Việt vẫn luôn phát huy, gìn giữ. Tinh thần ấy chắc chắn sẽ luôn tiếp tục tồn tại và mãi còn được củng cố trong tương lai.

Sự hi sinh cao cả của các thương binh liệt sĩ cũng đã trở thành một đề tài, một mạch nguồn cảm hứng bất tận của văn chương, nghệ thuật Việt Nam. Hình ảnh những con người “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” ấy được dựng thành những tượng đài, những bức phù điêu, đại diện cho tinh thần chiến đấu, hi sinh hết mình vì những lý tưởng cao đẹp, vì sự nghiệp gìn giữ, bảo vệ và dựng xây đất nước ở mọi thời đại. Sự hi sinh vĩ đại này cũng đã đi vào trong thơ ca, nhạc họa, trở thành những lời ca, tiếng hát, phổ vào từng bản nhạc, cung đàn và được truyền dạy tới nhiều thế hệ mai sau. Không những thế, trên mảnh đất đau thương mà anh hùng ấy, tên tuổi của những con người hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước đã trở thành những tên đường, tên phố. Từng góc phố, tuyến đường tại mỗi địa phương trên khắp cả nước với những cái tên làm nên lịch sử, đã góp phần hồi sinh cả một hành trình gian nan song rất đỗi vinh quanh của dân tộc. Có thể nói, đây chính là điểm độc đáo chưa từng thấy ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, chứng tỏ rằng truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người Việt Nam, tạo nên một mạch nguồn tưởng niệm, tri ân những người có công với dân tộc, đất nước xuyên suốt mọi thời đại. Ngày 27/7 hàng năm chính là kết tinh to lớn của tinh thần nhân văn sâu sắc đậm chất Việt ấy.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm và chăm lo đến công tác thương binh, liệt sĩ. Ngày nay, Đảng và Nhà nước vẫn tiếp tục đề xuất, thúc đẩy việc thực hiện các chính sách đền ơn đáp nghĩa, làm tốt công tác tuyên truyền trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, qua đó tôn vinh và giúp toàn dân hiểu được những cống hiến to lớn của các thương binh, liệt sĩ đối với đất nước. Bén rễ sâu vào đời sống người Việt như một nét đẹp văn hóa, một truyền thống quý báu đang ngày càng được nâng cao, mở rộng và phát huy những giá trị cao quý của nó; ngày 27/7 đã trở thành một lễ tưởng niệm, tri ân lớn với nhiều hoạt động được chính quyền từ Trung ương tới địa phương và toàn thể nhân dân cả nước tham gia một cách hết sức tích cực. Mỗi người Việt trên khắp mọi miền Tổ quốc đều dành một khoảng lặng để tưởng niệm những người đã ngã xuống vì nền độc lập, hòa bình hôm nay; thắp nén nhang thơm thành kính dâng lên các liệt sĩ hay dành thời gian tới thăm hỏi, động viên thương binh, bà mẹ Việt Nam anh hùng… Một số phong trào, hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 do các cá nhân, tổ chức phi chính phủ thực hiện cũng tạo ra hiệu ứng tốt trong các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, là một minh chứng thuyết phục về sự tiếp nối và lan tỏa sâu rộng của truyền thống uống nước nhớ nguồn mà nhân dân ta đã gìn giữ suốt hàng ngàn năm.

Chiến tranh qua đi, bom đạn, thiên tai, địch họa… có thể tàn phá mảnh đất hình chữ “S” thân thương, song bằng sức mạnh của những giá trị tinh thần to lớn mà lòng tri ân, lối sống tình nghĩa với ngày 27/7 là một điển hình, cả dân tộc ta vẫn có thể nương tựa vào những nền tảng bình dị mà thiêng liêng để cùng nhau xây dựng, kiến thiết nên tương lai của chính mình. Bởi lẽ, một dân tộc lãng quên quá khứ sẽ không bao giờ tìm thấy vạch xuất phát đích thực để bắt đầu hành trình đi tới một ngày mai ổn định, thịnh vượng, lâu dài và bền vững. Người Việt Nam hôm nay và mai sau sẽ mãi mãi còn khắc ghi công lao và những hi sinh to lớn của những người thương binh và liệt sĩ – những cái chết đã hóa thành bất tử, đã vĩnh viễn khắc tạc dòng tên dân tộc trên bản đồ thế giới, ghi lại những dấu ấn lịch sử mà nhân dân cả nước cũng như toàn nhân loại cũng không thể nào lãng quên. Nhân dịp kỉ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, xin gửi lời cảm tạ, lòng biết ơn chân thành, sâu sắc tới những con người đã, đang và sẽ cống hiến cho đất nước những mùa xuân đẹp nhất của đời mình!■

Đinh Thảo

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN