Nhật Bản thay đổi bằng cách nào?

Năm 1905, Nhật thắng Nga trong cuộc chiến tranh giành quyền kiểm soát Mãn Châu và Triều Tiên. Cả thế giới bàng hoàng, nói thế cũng không phải là phóng đại, bởi trước đó châu Á chỉ có Trung Hoa là đáng để chú ý. Mà chính Trung Hoa khi ấy cũng đã gục ngã trước làn sóng xâm lược phương Tây, cả châu Á đã chung số phận thuộc địa đáng buồn, thì nước Nhật nổi lên, chói lọi như hình ảnh thái dương trên quốc kỳ của họ, khiến toàn cầu sửng sốt khi chứng kiến một nước châu Á đánh bại một nước châu Âu và đường hoàng “ngồi chung mâm” với các nước đế quốc Âu – Mỹ. Người ta bắt đầu tìm hiểu nước Nhật, nghiên cứu những động lực khiến một đất nước trơ trọi một mình ngoài biển nay lại trở thành một trong những quốc gia hùng cường nhất châu Á.

Tính từ năm 1868 khi nước Nhật bắt đầu sự nghiệp Minh Trị Duy Tân – bước ngoặt thay đổi hướng đi lịch sử của Nhật Bản, đến ngày Nhật đánh bại nước Nga năm 1905, vỏn vẹn chưa đầy 40 năm, vậy mà đã đủ để đánh bật các gốc rễ Nho giáo hủ bại ngàn năm và thay da đổi thịt cả một dân tộc. Người ta nhắc nhiều đến các cải cách văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội; nhưng động lực của tất cả những cải cách vĩ đại của cả một xã hội, một dân tộc lại nằm trong ý chí của từng cá nhân: Ý chí khai minh.

Chân dung Thiên hoàng Minh Trị – người đã lãnh đạo Nhật Bản trở thành cường quốc. Ảnh: Sách 天皇四代の肖像 (Chân dung bốn vị Thiên hoàng cận đại), NXB Mainichi 毎日新聞社

Học từ người giỏi nhất để trở thành người giỏi nhất

Người Nhật có một đặc điểm là làm việc gì cũng rất triệt để, không chấp nhận sự nửa vời. Cắm hoa đối với người Việt có thể chỉ là một thú chơi nhẩn nha, cắm sao cho thuận mắt là được, thì với bản tính “triệt để hóa” của mình, người Nhật nâng tầm thao tác cắm hoa thành nghệ thuật hoa đạo Ikebana (生け花) với các hệ thống nguyên tắc phức tạp, đòi hỏi người thực hành Ikebana phải có tâm thế nghiêm trang, tĩnh tâm không kém gì đang thực hành tôn giáo. Tương tự với trà đạo, người Trung Quốc cũng có trà đạo của mình đấy, nhưng các quy tắc trong trà đạo Trung Hoa hẳn còn kém xa các quy định về một buổi trà hội ở Nhật, từ địa điểm uống trà phải bày trí ra sao, dụng cụ dùng trong trà hội phải như thế nào, đến người uống trà phải chuẩn bị thanh lọc tinh thần trước khi đón nhận bát trà. Tính cách làm gì cũng phải triệt để, rốt ráo đến tận cùng như vậy đã cho người Nhật tinh thần cởi mở đón nhận tri thức từ bên ngoài lãnh thổ, đặc biệt là chỉ theo học người giỏi nhất, và đã học là học tất cả, không vì thiên kiến mà bỏ qua bất cứ điều gì.

Trước khi có các cuộc phát kiến địa lý nối liền Đông – Tây, có thể coi toàn bộ khu vực Đông Á xoay quanh trục Trung Hoa. Giá trị và sức ảnh hưởng của văn minh Hoa Hạ là không thể chối cãi, vì vậy các nước xung quanh như Đại Việt, Triều Tiên, Nhật Bản đều ít nhiều học tập các hình mẫu chính trị, văn hóa, tôn giáo từ Trung Hoa. Các Thiên hoàng đã nhiều lần cử sứ thần sang Trung Hoa để đem về những bộ sách quý, các nhà sư Phật giáo Nhật Bản cũng không quản ngại biển cả cách trở mà sang tận đại lục để tầm sư học đạo rồi quay lại Nhật phổ biến cho dân chúng. Tới thế kỷ XIX, phương Tây tìm đến châu Á, Nhật cũng đã từng như các quốc gia châu Á khác, e ngại trước làn sóng phương Tây, lựa chọn đường lối “bế quan tỏa cảng” hay “tỏa quốc” (鎖国Sakoku), từ chối giao thương với châu Âu. Nhưng khác biệt giữa Nhật và các quốc gia khác đã được thể hiện ngay từ lúc này. Thay vì tự mãn vào nền văn hóa chữ Hán và ỷ lại vào Trung Hoa, như vua Tự Đức, khi một sứ thần Xiêm La đề xuất Vua nên cho học sinh du học phương Tây, đã trả lời như sau: “Ta chính là Trung Hoa đây, việc gì phải học theo bọn Man di ấy”[1]; Nhật Bản dù đóng cửa nhưng không cài then, vẫn mở ra một khe cửa nhỏ để nhìn ra bên ngoài, đó là Lan học (蘭学Rangaku). Nhật Bản cho phép duy nhất Hà Lan được phép giao thương với Nhật, và cũng chỉ cho phép tàu buôn Hà Lan cập ở duy nhất Dejima, Nagasaki. Lan học ở đây chính là học từ Hà Lan, là bước đầu của Tây học. Ban đầu việc học xuất phát từ mục đích thực tiễn: Muốn buôn bán với người Hà Lan thì phải hiểu được tiếng Hà Lan, rồi sau khi học được ngôn ngữ, người Nhật lại tiếp tục học hầu như tất cả các môn khoa học và công nghệ phương Tây: Y khoa, giải phẫu học, thiên văn, toán học, vật lý, hóa học, cơ học, luyện kim, kĩ thuật quân sự. Không chỉ cung cấp tri thức, việc tiếp xúc với các đoàn thương buôn Hà Lan còn là cách nước Nhật cập nhật về tình hình thế giới. Nội bộ nước Nhật có nhiều tranh cãi về việc có nên chăng giao thiệp với phương Tây, mà trong đó phái bảo thủ chiếm thế thượng phong, nhưng ngay cả khi ấy khe cửa nhìn ra bên ngoài thông qua giao thương với Hà Lan cũng chưa từng bị bít lại.

Năm 1854, Phó Đề đốc Hải quân Mỹ Matthew Perry cũng hạm đội tàu đen của mình nổ súng, buộc Nhật phải mở cánh cửa đã khép kín hơn hai thế kỷ rưỡi với châu Âu. Nhật cũng đã đứng vào tình thế bị buộc phải kí kết các hiệp ước bất lợi với phương Tây. Nước Nhật bị chia rẽ, phong trào kêu gọi cải cách và chống Mạc phủ gia tăng, cuối cùng chế độ Mạc phủ Tokugawa chấm dứt, quyền lực được trả lại cho Thiên hoàng. Giới cấp tiến Nhật Bản vận động toàn xã hội Nhật bước vào công cuộc canh tân đất nước. Họ có hai lí do để làm điều ấy: một là họ lo sợ cho vận mệnh đất nước mình sẽ rơi vào thảm cảnh như Trung Quốc, hai là họ nhận ra ngoài văn minh Trung Hoa vẫn còn nền văn minh khác cao hơn, đáng học hỏi hơn. Người Nhật tiếp thu Nho giáo vì ngưỡng mộ sự phát triển của Trung Hoa, mà ở đó Nho giáo là cốt lõi; nhưng khi đao kiếm Trung Quốc gục ngã trước súng trường phương Tây, người Nhật cũng nhanh chóng nhận ra “núi cao còn có núi cao hơn”. Fukuzawa Yukichi (福沢諭吉), nhà cách tân lỗi lạc của nước Nhật, đã viết bài Thoát Á luận (脱亜論1885) đăng trên Thời Sự Tân Báo (時事新報) do chính ông chủ biên, kêu gọi người Nhật thoát khỏi vòng tỏa kiềm của những giá trị Nho giáo lỗi thời mà đón lấy làn gió từ nền văn minh mới, “thoát Á nhập Âu”, tức là dứt khoát từ bỏ những thứ hủ bại không còn phù hợp mà đón lấy tiến bộ văn minh, để “thoát ra khỏi sự trì trệ lạc hậu cũ kĩ của nước Nhật Bản mà còn có thể đặt lại được một trật tự mới trên toàn hâu Á”.

Tàu hơi nước Tokyo – Yokohama năm 1875. Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Boston

Có thể thấy đất nước Nhật Bản tưởng như đóng khép, cô lập nhưng tư duy lại cởi mở và rất nhạy bén với thời cuộc. Châu Á đã mê man tự mãn với nền văn minh chữ Hán mà bịt mắt bít tai trước thời thế, nhưng Nhật Bản đã đủ tỉnh táo để hé mở một khe cửa quan sát thế giới bên ngoài. Phương Tây đã nổ súng trước Nhật Bản, nhưng nước Nhật đã không bài xích tri thức phương Tây, mà ngược lại đã thực hiện triệt để chiến lược “biết mình biết ta”, hiểu phương Tây để đánh bại phương Tây. Họ không ngại học từ kẻ thù, không sợ học theo kẻ thù, họ chỉ sợ ngu muội vì không học. Họ không yêu nước theo cảm tính, yêu nước trong mông muội mà đủ bản lĩnh để đánh giá thời thế và lựa chọn hướng đi đúng đắn. Tôn chỉ nổi tiếng của nước Nhật trong công cuộc Minh Trị Duy Tân chính là “đuổi theo phương Tây, bắt kịp phương Tây, vượt qua phương Tây”và họ đã thành công trong sự nghiệp ấy.

Chí đọc sách là chí khai minh

Thực vậy, các quốc gia muốn vươn lên là các quốc gia có sức đọc cao. Dân tộc Do Thái được biết đến là “dân tộc của cuốn sách”. Đức có cuộc “cách mạng đọc” vào khoảng giữa thế kỷ XIX, cũng là lúc họ tiến hành công nghiệp hóa để bắt kịp với nước Anh. Châu Âu nổi tiếng là thánh đường của sách, với những thư viện hàng trăm năm tuổi, lưu truyền tri thức qua từng thế kỷ. Còn ở châu Á, nếu có quốc gia nào có sức đọc sách khiến thế giới kinh ngạc nhất thì đó hẳn phải là Nhật Bản. Năm 1971, cuốn sách Self-Help (Tinh thần tự lực) của Samuel Smiles được Nakamura Masanao dịch sang tiếng Nhật với tên là西国立志編 (Sách về lập chí của các nước phương Tây, Saigoku Risshihen) và lập tức trở thành best-seller tại Nhật Bản lúc bấy giờ, cùng với cuốn 西洋事情 (Sự tình phương Tây, Seiyō Jijō) của Fukuzawa Yukichi, với số bán ra ước tính là gần 1 triệu bản. Nếu so sánh với dân số khoảng trên 30 triệu dân của Nhật lúc bấy giờ thì con số này thực “khủng”. Cuốn sách này cũng trở thành sách giáo khoa được Thiên hoàng Minh Trị sử dụng trong các bài ngự giảng của mình và được chọn làm sách giáo khoa đạo đức cho tiểu học.

Nhưng đừng nghĩ chỉ tới lúc bước vào cuộc Minh Trị Duy Tân người Nhật mới bắt đầu đọc sách, văn hóa đọc của Nhật đã có từ lâu đời, tuy nhiên thuở ban đầu biết chữ và sở hữu sách vở là đặc quyền đặc lợi của riêng tầng lớp quý tộc. Phải đến thời Edo (1603 – 1868), văn hóa đọc sách mới thực sự lan tỏa sâu rộng trong đại chúng Nhật Bản. Hơn 250 năm hòa bình đã cho Nhật cơ hội tập trung phát triển nền tảng truyền thống văn hóa mà không phải bận bịu lắng lo tới thù trong giặc ngoài. Chính tại thời kỳ này, tất cả các khía cạnh của văn hóa Nhật Bản đã phát triển lên đến đỉnh cao, tạo thành tiền đề cho Nhật vượt lên trong thời kỳ Meiji (Minh Trị). Một trong số tiền đề quan trọng là chuẩn bị cho yếu tố con người, thông qua giáo dục.

Bên cạnh trường học Nho giáo chính quy Shōheiko (昌平黌) do chính quyền Tokugawa thành lập năm 1630 và các trường công lập tại các phiên (藩 校), còn có hình thức các lớp học tại đền dành cho tầng lớp thường dân, gọi là terakoya (寺子屋). Sự học của người Nhật ban đầu xuất phát từ nhu cầu thực tế. Thời kỳ Edo là thời kỳ của tầng lớp thị dân, đại chúng, bên cạnh hoạt động nông nghiệp, các hoạt động buôn bán cũng phát triển mạnh. Vì các hoạt động kinh tế đòi hỏi phải có chứng từ bằng văn bản để ngăn chặn hành vi gian lận trong thương mại, mua bán, thừa kế; từ đó nảy sinh nhu cầu phổ cập giáo dục đại chúng ngày càng tăng. Tuy các lớp học terakoya được thành lập tự phát trong dân chúng, nhưng cách thức giảng dạy của trường cũng rất bài bản, trường duy trì bằng sự đóng góp của phụ huynh và tập trung dạy học sinh biết đọc và biết tính – những kĩ năng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày. Trẻ con được đưa đi học từ sớm. Có ước tính cho rằng một phần ba nam giới và một phần sáu nữ giới thời Edo đã biết đọc. Ước tính khác thì nêu rằng đến cuối thời kỳ Edo tỉ lệ biết chữ ở nam giới là 40% và nữ giới là 10%. Tỉ lệ biết chữ cao đóng góp phần nào cho công cuộc duy tân sau này, bởi con đường truyền bá tri thức chính là thông qua sách vở.

Ngành xuất bản ở Nhật cũng phát triển rất sớm. Bằng sự du nhập kĩ thuật đúc khuôn chữ bằng kim loại từ Triều Tiên, người dân Nhật thời Edo đã có thể sản xuất sách hàng loạt để phục vụ nhu cầu đọc sách. Hiệu sách ra đời sự rất sớm, năm 1603 ở Kyoto đã xuất hiện cửa hàng dùng sách là sản phẩm thương mại. Các dòng sách bày bán thời bấy giờ cũng đã vô cùng phong phú: từ sách tranh, cho đến sách y học đời sống, sách sử, kinh kệ Phật giáo, sách Trung Quốc… Sách cũng được phân phối dưới dạng mặt hàng thông dụng ở cửa hàng tạp hóa hay quầy hàng rong. Hoạt động cho thuê sách cũng đã diễn ra, thực tế người dân Edo thường trả phí thuê sách nhiều hơn là mua đứt về nhà.

Một trong những người có công lớn trong việc mở đầu công cuộc canh tân nước Nhật, cổ động dân chúng trút bỏ tư duy lạc hậu thời cổ đại mà tiếp thu học thuật Tây phương là Fukuzawa Yukichi, một trong những nhà tư tưởng lớn nhất Nhật Bản cận đại, người vốn xuất thân từ tầng lớp võ sĩ. Ta phải nhắc lại buổi đầu của Minh Trị Duy Tân, công cuộc canh tân đã gây chia rẽ trong xã hội Nhật Bản, nhưng không chỉ đơn thuần là sự chia rẽ về nhận thức giữa phái cấp tiến và phái bảo thủ, mà còn giữa hai thế lực thế quyền: tầng lớp quý tộc, đứng đầu là Thiên hoàng và triều đình, và tầng lớp võ sĩ, đứng đầu là Tướng quân (将軍, shōgun) và Mạc phủ (幕府, bakufu). Nhật Bản thời cổ đại, hai thế lực này tồn tại song song với nhau, nhưng thực quyền cai trị đất nước nằm trong tay Mạc phủ. Mạc phủ Tokugawa đã lựa chọn con đường “tỏa quốc”, không cho phép bất kỳ người nước ngoài nào vào lãnh thổ Nhật Bản và cũng không cho người Nhật rời khỏi xứ sở. Vậy nên Minh Trị Duy Tân không chỉ là phong trào tiến bộ đòi hỏi sự khai hóa cho đất nước mà còn là phong trào chống chế độ Mạc phủ, trả lại vị trí đứng đầu cai trị đất nước cho Thiên hoàng. Vậy nhưng một trong những tầng lớp tham gia thúc đẩy canh tân khai hóa mạnh mẽ nhất chính là tầng lớp võ sĩ cấp thấp, điển hình như Fukuzawa Yukichi.

Mạc phủ vốn là chính quyền của tầng lớp võ sĩ, nhưng trong tầng lớp này cũng có sự phân cấp rất lớn giữa tầng lớp trên và tầng lớp dưới, nơi những võ sĩ cấp thấp khó lòng có thể thăng tiến cao. Làn gió phương Tây đã chỉ cho họ một con đường mới để tiến thân, và ý thức kỷ luật của võ sĩ đạo giúp họ lĩnh hội tri thức phương Tây nhanh và sâu sắc hơn hẳn tầng lớp xã hội khác. Chớ nên nghĩ giới võ sĩ Nhật Bản chỉ biết đến gươm đao. Trong cuốn Võ sĩ đạo – Linh hồn Nhật Bản (Bushido – the soul of Japan) Nitobe Inazo đã cho biết thông thạo thư pháp và biết làm thơ là một trong những yêu cầu cho người võ sĩ chân chính. Vậy nên không khó để hiểu tại sao chính giới võ sĩ cấp tiến lại tiếp thu rất nhanh học thức phương Tây và trở thành nòng cốt ban đầu của Minh Trị Duy Tân. Những người võ sĩ ấy đã chọn buông gươm để cầm sách, dùng tinh thần kỷ luật thượng võ mà học ngành văn. Từ đó, họ tỏa đi rất nhiều lĩnh vực, từ văn thơ đến kinh tế, chính trị. Sự học vừa đưa người Nhật tiến lên trong cuộc đời riêng của mình, vừa giúp tổ quốc họ vượt lên trở thành đế quốc hùng cường. Trong cuốn sách 学問のすすめ (Khuyến học, Gakumon no susume), Fukuzawa Yukichi đã viết: “Con người không sinh ra cao quý hay thấp hèn, giàu sang hay nghèo khó. Chính những ai lao động siêng năng ở những công việc tìm tòi của họ, và học nhiều, sẽ trở thành cao quý và giàu có, trong khi những ai biếng nhác sẽ trở thành nghèo khó, thấp hèn”. Những lời ấy đã cổ động người Nhật tìm đọc sách vở phương Tây, vừa để tìm kiếm con đường mới để tiến thân, vừa để cống hiến cho đất nước. Thanh niên Nhật Bản ham mê đọc sách, tiếp thu tri thức phương Tây, mà trong đó dịch thuật chính là cầu nối quan trọng.

Trước khi chính thức bước công cuộc duy tân, Nhật Bản đã có nền móng dịch thuật thông qua Lan học, dịch sách vở tiếng Hà Lan để học kiến thức từ phương Tây, tuy rằng cuộc dịch thuật ấy phần nhiều là lén lút, vụng trộm do sự cấm đoán từ chính quyền. Bước vào thời cải cách, người Nhật dịch thuật từ mọi thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Ý… và trên mọi lĩnh vực: chính trị, nghệ thuật, văn chương, khoa học… Nhật Bản chính là nơi có những tuyển tập của Karl Marx, Engels hay Einstein đầu tiên. Các nhà xuất bản mỗi năm đều xây dựng các bộ sách về học thuật và vẫn giữ truyền thống ấy đến hiện nay. Đây là điều mà các nhà xuất bản Việt Nam vẫn chưa làm được.

Như vậy, con đường tiến lên của nước Nhật không nằm đâu ngoài ý chí học tập, ham đọc sách của chính người dân Nhật. Ngày nay, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh người Nhật đọc sách ở khắp mọi nơi, lúc chờ tàu điện, khi xếp hàng, tất cả những thời gian rảnh rỗi đều được họ tranh thủ để thu nạp thêm kiến thức. Nhằm đáp ứng cho nhu cầu ấy, các nhà xuất bản của Nhật cho ra đời loại sách bunkobon 文庫本, loại sách mềm khổ nhỏ vừa đủ lòng bàn tay để người đọc tiện mang theo, tiện cầm đọc. Tất cả là để phục vụ cho sự học hỏi, mà sự học không chỉ có lợi cho cá nhân, nó còn là con đường khai minh một thời đại cho một dân tộc, như ta đã thấy từ bài học Nhật Bản.■

Phương Linh

(Theo Tạp chí Phương Đông) 

[1] Phan Như Thơm. (2020). Hồi ký Trần Huy Liệu. Hà Nội: NXB Bách Khoa Hà Nội.

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN