Đại dịch Covid-19 xảy ra từ tháng 01/2020 đã trở thành cơn cuồng phong dữ dội nhất trên trái đất của chúng ta kể từ Chiến tranh Thế giới Thứ hai đến nay. Khác với mọi cuộc chiến tranh, cuộc chiến mà loài người phải đối mặt lần này không có súng nổ, không có đầu rơi máu chảy, không có sự tàn phá các công trình kiến trúc nhưng nó gieo rắc nỗi kinh hoàng chết chóc cho con người ở mọi ngóc ngách trên hành tinh không phân biệt giàu nghèo, sắc tộc, tôn giáo, thể chế chính trị.
Tính đến nay, đại dịch Covid-19 đã làm cho gần 120 triệu người trên thế giới nhiễm bệnh, gần 2,5 triệu người tử vong. Chỉ tính riêng nước Mỹ, số người tử vong vì Covid-19 đã vượt qua số người chết trong tất cả các cuộc chiến tranh trong thế kỉ XX. Đại dịch này đã gây thiệt hại hàng chục ngàn tỉ USD; tạo nên sự đứt gãy chuỗi cung ứng đầu vào cho sản xuất kinh doanh và đầu ra cho hàng hóa tới các thị trường toàn cầu; đẩy hàng trăm triệu người vào tình trạng mất việc làm, nghèo đói, cùng cực; làm đảo lộn và thay đổi phương thức sống, giao tiếp, học hành, mua bán của con người.
Đối mặt với sự tàn phá kinh hoàng của loại vi rút vô hình này, thế giới vừa phải lo chống chọi, tầm soát, ngăn ngừa, chữa trị cho những người nhiễm bệnh, vừa phải gấp rút nghiên cứu, điều chế ra các loại vắc xin để chiến thắng dịch bệnh trên diện rộng tiến tới khống chế hoàn toàn căn bệnh này. Trong cuộc chiến đó, mỗi quốc gia lại đưa ra những chiến lược và phương cách khác nhau và đạt được kết quả khác nhau. Điều đáng ngạc nhiên là không phải cứ là quốc gia nào giàu có, hùng mạnh về kinh tế và có nền y tế tiên tiến thì sẽ đạt được kết quả cao hơn trong trong phòng chống dịch bệnh. Trong lúc nhiều nước phát triển ở châu Âu, châu Mỹ và các châu lục khác vẫn đắm chìm trong sự tàn phá của dịch bệnh thì một số nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam lại chủ động ngăn ngừa và xử lý thành công các đợt bùng phát dịch, giảm thiểu tối đa tác động tới kinh tế xã hội và an ninh quốc gia, bảo vệ được tính mạng và cuộc sống cho người dân của mình.
Là một quốc gia có dân số đông với gần 100 triệu người, có đường biên giới trên đất liền hàng ngàn km, nằm giữa vùng tâm dịch khởi phát trên thế giới, mặc dù còn nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng Việt Nam đã xử lý thành công cả 3 đợt bùng phát dịch vào tháng 2, tháng 7/2020 và tháng 2/2021, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Việt Nam đã đạt được mục tiêu kép là vừa phòng chống được dịch bệnh, vừa duy trì phát triển kinh tế, đảm bảo cuộc sống cho người dân và là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng dương về kinh tế với mức 2,9% trong năm 2020, đảm bảo các điều kiện cơ bản để phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn trong năm 2021 và các năm tiếp theo trước sự ngạc nhiên của thế giới.
Trong những hoàn cảnh vô cùng khó khăn, những giá trị ưu việt của chế độ và con người Việt Nam đã tỏa sáng để chiến thắng đại dịch thế kỉ. Vậy điều gì đã làm nên kì tích này? Theo tôi, đó chính là Văn hóa Việt Nam với những giá trị đã được tôi luyện qua hàng ngàn năm lịch sử. Những giá trị đó là gì?
Trước hết đó là Ý thức sinh tồn của con người Việt Nam.
Đối mặt với dịch bệnh, con người Việt Nam đã trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết, tất cả mọi người từ lãnh đạo cấp cao đến mỗi người dân bình thường đã cố kết thành một khối thống nhất để ngăn ngừa chống chọi với kẻ thù vô hình. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, ý thức sinh tồn của người Việt Nam đã được hun đúc, kết tinh qua chiến tranh, thiên tai bão lũ và những khắc nghiệt của thiên nhiên, lúc này lại được phát lộ và tỏa sáng. Với niềm tin vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, mỗi người Việt Nam đã chung tay cùng tự bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng bằng những hành động giản dị là đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn, thực hiện giãn cách, tuân thủ chỉ dẫn của chính quyền và cơ quan y tế. Khẩu hiệu 5K đã trở thành thông điệp và là phương thức để người Việt Nam sinh tồn và vượt qua đại dịch. Nó được hưởng ứng bởi mọi người, mọi nhà, mọi vùng miền, nó làm nên chiến thắng của đất nước trước hiểm họa, nó bảo vệ được tính mạng và cuộc sống an toàn cho cộng đồng và mỗi thành viên, nó tạo nên sự khác biệt và thành công của Việt Nam so với nhiều quốc gia trên thế giới.
Thứ hai, đó là Lòng yêu nước của người Việt Nam.
Đứng trước cuộc chiến đại dịch Covid-19, con người Việt Nam lại một lần nữa thể hiện lòng yêu nước vô bờ bến đã được chứng tỏ từ bao đời nay mỗi khi đất nước đối mặt với nguy cơ thù trong giặc ngoài đúng như Bác Hồ đã từng nói: “Dân ta có một lòng yêu nước nồng nàn, mổi khi tổ quốc bị lâm nguy thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành làn sóng vô cùng mạnh mẽ, nó nhấn chìm tất cả bè lũ bán nước và lũ cướp nước”.
Lần này, kẻ thù của chúng ta là dịch bệnh. Lại một lần nữa, cả nước cùng ra trận trong cuộc đấu tranh đẩy lùi kẻ thù vô hình, trên dưới một lòng, đồng cam cộng khổ, dưới sự chỉ đạo quyết liệt và quyết đoán của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, mỗi người dân Việt Nam thể hiện lòng yêu nước bằng những hành động giản dị nhưng cao cả của mình trên từng vị trí để chung tay làm nên sức mạnh của cả dân tộc. Ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng, nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân “Ở nhà là yêu nước” để hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết. Thủ tướng cũng chỉ đạo “Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi làng xã là một pháo đài” chống “kẻ thù giấu mặt, trá hình” Covid-19.
Tiêu biểu cho tinh thần yêu nước ấy là sự tận tụy quên mình của các chiến sĩ áo trắng ngày đêm lăn lộn, không quản hiểm nguy trên tuyến đầu chống dịch bệnh tại các bệnh viện, các khu các ly tập trung, trong các phòng nghiên cứu, bất chấp nguy cơ lây nhiễm luôn kề cận bất kể lúc nào. Có người lính áo trắng đã hoãn ngày cưới để tập trung chăm sóc bệnh nhân Covid-19, có người phải cắt bỏ đi mái tóc yêu thích để thuận tiện khi mặc đồ bảo hộ. Có những y, bác sĩ từ Tết đến nay vẫn chưa về nhà, hai vợ chồng cùng làm việc tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương mà không được gặp mặt, con gửi về ông bà chăm sóc, họ chỉ có thể gặp vợ, con, bố mẹ già qua những màn hình điện thoại, gửi cho nhau lời động viên. Họ là những người lính thực thụ, gác tình riêng để thực hiện nhiệm vụ chung với quốc gia. Đội ngũ các y bác sĩ và nhân viên y tế đã trở thành những tấm gương sáng trong cuộc chiến với Covid-19. Họ xứng đáng là những người hùng trên trận chiến không tiếng súng, họ tỏa sáng lòng yêu nước, yêu đồng bào và là tấm gương đáng khâm phục.
Cùng với các chiến sĩ áo trắng, các chiến sĩ bộ đội, biên phòng, công an… đã thể hiện lòng yêu nước của mình bằng những hành động bình dị mà cao cả. Họ dựng lán trại tạm thời để ở và nhường doanh trại làm các khu cách ly tập trung cho đồng bào mình, họ trở thành những người hộ lý tận tụy chăm sóc đồng bào mình, họ căng mình trên các tuyến biên giới trải dài hàng nghìn km ngăn chặn các nhóm người vượt biên trái phép để đảm bảo an toàn cho cuộc sống của nhân dân.
Lòng yêu nước ấy cũng được thể hiện trong ý thức của mỗi người dân luôn tin tưởng vào sự chỉ đạo của Chính phủ và hưởng ứng các chiến dịch phong tỏa, cách ly, giãn cách được chính quyền đưa ra. Đó là nhân tố vô cùng quan trọng có ý nghĩa quyết định để làm nên chiến thắng của chúng ta.
Thứ ba, đó là Tinh thần Đoàn kết của người Việt Nam.
Giữa lúc tình hình đại dịch trong nước có diễn biến phức tạp, ngay lập tức, ngày 30-3-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi Lời kêu gọi tới đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài cùng vào cuộc chống dịch Covid-19. Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước không chỉ là lời hiệu triệu toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chung sức, đồng lòng chiến thắng đại dịch, mà còn khơi dậy lòng yêu nước, niềm tin, sự quyết tâm cao trong mỗi người Việt Nam đồng lòng, chung sức quyết chiến, chiến thắng dịch Covid-19.
Sự gắn kết, đồng lòng giữa Chính phủ với nhân dân cùng chống “giặc” thể hiện tinh thần “Đảng và dân cùng ý chí”. Điều đó được thể hiện đậm nét, mỗi quyết sách của Chính phủ thời gian qua được đưa ra đều xuất phát từ lợi ích của nhân dân, được toàn dân tin tưởng, ủng hộ, đồng lòng, tạo nên sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân. Chính sự phối hợp nhịp nhàng cùng tinh thần quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị đã trở thành cơ sở vững chắc để các cơ quan chức năng từng bước nhận diện, khoanh vùng và dập tắt dịch bệnh ngay khi phát hiện, tạo môi trường, không gian lành mạnh cho toàn dân. Những hành động, nghĩa cử cao đẹp đó sẽ tiếp tục lan tỏa giá trị nhân văn, bồi đắp tình nhân ái để đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian sớm nhất. Lòng yêu thương, nhân ái, đoàn kết, đồng lòng của dân tộc ta luôn được kế thừa và phát huy lên tầm cao mới, được thể hiện rõ nhất mỗi khi đất nước lâm vào tình thế khó khăn, thử thách. Tất cả được hội tụ và tỏa sáng trong thời khắc lịch sử, cả nhân loại đang phải đối mặt với kẻ thù giấu mặt.
Thứ tư, đó là Lòng Nhân ái của con người Việt Nam.
Trong khó khăn thách thức, tinh thần “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách” vốn là đạo lý, là văn hóa, là truyền thống của người Việt Nam lại một lần nữa được đề cao và phát huy hơn bao giờ hết. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn chi số tiền lớn ủng hộ cho Nhà nước trang bị vật tư, thiết bị y tế phòng chống dịch, điều trị cho bệnh nhân. Nhiều nghệ sĩ góp tiền, kêu gọi bạn bè mỗi người một tay, gom lại số tiền lớn hỗ trợ phòng chống dịch. Dịch bệnh kéo dài ai cũng gặp khó khăn, nhưng tình thương yêu và sự chia sẻ thì không hề nghèo, không hề thiếu trong xã hội. Khi dịch bệnh chưa được kiểm soát cần thực hiện phong tỏa, cách ly tại một số địa phương, nhiều nông sản không được thu hoạch kịp thời vụ lập tức đã rộ lên phong trào giải cứu nông sản cho bà con nông dân giúp họ phần nào khắc phục hậu quả, làm ấm lên nghĩa tình “Đồng bào” trong khó khăn hoạn nan.
Rồi cây ATM gạo xuất hiện, sáng kiến này bùng nổ, lan tỏa, khắp cả nước mọc lên các cây ATM gạo. Và cũng từ đó, nảy sinh thêm nhiều sáng kiến, ở nhiều nơi, khắp thôn xóm, từ miền xuôi đến miền núi, gạo và thực phẩm cứu trợ đến được với nhiều người nghèo. Chính phủ có gói hỗ trợ cho người mất việc, chính quyền các địa phương cũng chủ động các chương trình giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng chính các sáng kiến giúp đỡ lẫn nhau của bà con, đã chia sẻ một phần gánh nặng cho chính quyền. Và quan trọng hơn, là lan tỏa tình thương, lòng nhân ái trong cộng đồng.
Nhiều tờ báo trên thế giới ngạc nhiên về cách ứng xử với nhau của người Việt trong cơn hoạn nạn. Nhiều kênh truyền hình nổi tiếng của nước ngoài nói về cái đẹp của người Việt trong đại dịch. Cây ATM gạo của người Việt không có gì ghê gớm về công nghệ, nhưng nó làm cho giới truyền thông chú ý là vì tấm lòng của người sáng chế. Rõ ràng, có nhiều nước bị dịch Covid-19 tấn công, nhưng chăm sóc cho nhau như người Việt Nam thật hiếm thấy. Không chỉ trong nước, cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng chăm lo cho nhau. Và không chỉ thế, họ còn tổ chức may khẩu trang tặng cho các tổ chức, bệnh viện, trường học. Ở Mỹ, Pháp, một số nước châu Âu, lúc này khẩu trang là món quà quý, thực tế nhất. Chính người dân bản xứ cũng bất ngờ vì những nghĩa cử của cộng đồng người Việt đối với họ. Trong khi cả xã hội rối ren vì dịch bệnh, ai lo thân người nấy, thì người Việt lại nghĩ đến người khác. Đó là nét đẹp Việt ở xứ người.
Không chỉ cứu chữa các bệnh nhân quốc tế, dù còn nhiều khó khăn, Chính phủ Việt Nam quyết định viện trợ bằng hàng hóa và vật dụng y tế trị giá khoảng 500.000 USD cho Chính phủ Trung Quốc; viện trợ thiết bị y tế trị giá 14 tỷ đồng cho Lào và Campuchia; viện trợ 50.000 USD cho Myanmar; hỗ trợ Nhật Bản vật tư y tế trị giá 100.000 USD. Ngoài ra, chúng ta còn tặng hàng triệu khẩu trang vải kháng khuẩn cho các nước Nga, Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Italy, Ấn Độ…
Trong nước, Thủ tướng kêu gọi “mỗi người dân tùy theo khả năng của mình, người có tiền góp tiền, có vật góp vật, có sức góp sức, có ý tưởng góp ý tưởng, không phân biệt tuổi tác, địa vị, giai tầng”, để chung sức chống dịch. Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh giá trị nền tảng của dân tộc Việt Nam chính là tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái – là sức mạnh giúp chúng ta vượt mọi thử thách. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, từ cụ già 90 tuổi đến những em nhỏ đều sẵn sàng dành số tiền tiết kiệm ít ỏi để “góp sức cùng Chính phủ”. Gần đây, Chính phủ có chủ trương nhanh chóng có vắc xin để tiêm phòng cho người dân, ngoài ngân sách của Chính phủ và các địa phương, đã có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đóng góp hàng trăm tỉ đồng cho công tác phòng chống dịch và mua vắc xin (riêng tập đoàn VinGroup đã đóng góp 20 tỉ đồng cùng nhiều vật tư, máy móc y tế có giá trị lớn). Nhờ tinh thần “góp gió thành bão”, đất nước ta đã sớm kiểm soát được dịch bệnh.
Thứ năm, đó là Bản lĩnh của con người Việt Nam.
Đối phó với đại dịch Covid-19, Việt Nam đã có những quyết sách rất đúng đắn, có cách tiếp cận toàn dân, toàn diện, dân chủ, công khai, minh bạch. Việt Nam đã triển khai ngay từ rất sớm những biện pháp rất quyết liệt, chủ động, linh hoạt và rất hiệu quả để ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, điều trị và dập dịch. Mặc dù chỉ là một nước đang phát triển, với hệ thống y tế còn nhiều khó khăn, dân số đông, lại ở sát gần tâm dịch, nhưng cho tới nay, Việt Nam mới có hơn 2500 ca nhiễm virus, trong đó số người nhiễm dịch được nhà nước đón từ nước ngoài về cách ly và điều trị trong nước đã gần một ngàn người, với số tử vong là 35 người, tỉ lệ nhiễm thấp hơn rất nhiều so với cả những nước được coi là ứng phó hiệu quả. Một trong những nguyên nhân chính làm nên thành công của Việt Nam, là Đảng và Nhà nước ta đã có quyết tâm chính trị chống dịch rất cao, xác định ngay từ đầu và nhất quán là ưu tiên đặt sức khoẻ, tính mạng của người dân lên trên hết, cho dù phải hy sinh lợi ích kinh tế, và huy động sức mạnh của toàn hệ thống chính trị, kiên quyết không bỏ ai lại phía sau. Ngay cả khi phải áp dụng biện pháp cách ly xã hội, Chính phủ Việt Nam vẫn giữ vững ổn định kinh tế – xã hội, rất quan tâm tới bảo đảm an sinh xã hội, triển khai gói cứu trợ lớn chưa từng có để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng với dịch bệnh, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn. Đảng Cộng sản Việt Nam nhận được sự hoan nghênh của cả trong và ngoài nước và chính tính nhân văn, ưu việt của chế độ ta đã tạo nên nên thành công đặc biệt của Việt Nam. Làm nên điều kì diệu này thể hiện đậm nét bản lĩnh Việt Nam, là ý chí kiên cường, hành động quyết liệt quả cảm và sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân cả nước. Những giải pháp chính xác, quyết liệt và hiệu quả đã được Chính phủ đưa ra và thực thi lập tức, đồng bộ như kiểm dịch trên diện rộng, truy tìm đến cùng những nguồn tiếp xúc với mầm bệnh. “Đi từng ngõ, gõ từng nhà”, là câu cửa miệng và cũng là hành động sâu sát, tỉ mỉ của chúng ta trong thời gian qua; hạn chế và cấm tất cả các chuyến bay quốc tế và nội địa; cách ly toàn xã hội trên diện rộng hoặc từng khu vực khi cần thiết. Hàng trăm ngàn người đã được đưa vào các khu vực cách ly tập trung, cách ly tại các khu vực dân cư, cách ly tại nhà.
Có thể nói, trong cuộc chiến đối mặt với đại dịch Covid-19, tinh thần và văn hóa Việt Nam đã tỏa sáng và là nhân tố quyết định làm nên chiến thắng bước đầu của chúng ta để vượt qua thách thức. Tinh thần và văn hóa đó là Ý thức sinh tồn, Lòng yêu nước, sự Đoàn kết, tinh thần Nhân văn và Bản lĩnh Việt Nam. Những yếu tố trên đã được hun đúc và tôi luyện trải qua hàng ngàn năm lịch sử và một lần nữa lại đưa dân tộc Việt Nam vượt lên và sáng ngời trong thử thách nguy nan.
Đến nay dịch bệnh Covid-19 đã bị đẩy lùi một bước quan trọng. Đó là thắng lợi to lớn nhưng phía trước vẫn nhiều việc phải làm. Vấn đề đặt ra hiện nay là vẫn tiếp tục thực thi nhiều giải pháp thích nghi với đại dịch và không lơi lỏng công tác phòng chống dịch, đồng thời thực hiện các chính sách hữu hiệu về an sinh xã hội, chăm lo cho đời sống nhân dân, đặc biệt là người nghèo. Với bản lĩnh Việt Nam từng hiên ngang vượt qua mọi thách thức và chiến thắng mọi kẻ thủ, nhất định đất nước ta sẽ nhanh chóng phục hồi sản xuất, bình thường hóa các hoạt động kinh tế – xã hội và bảo đảm cho sự phát triển mọi mặt của đất nước.
“Thành công của Việt Nam trong xử lý đại dịch cũng như những nghĩa cử cao đẹp của Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng là cơ hội để Việt Nam chứng minh giá trị ngày càng tăng của mình với thế giới”, đó là nhận định của ông Derek Grossman, chuyên gia phân tích quốc phòng cao cấp tại RAND Corporation (cơ quan nghiên cứu có trụ sở tại Washington).■
Nguyễn Văn Tuấn
(Theo Tạp chí Phương Đông)