Đổi mới tư duy quản lý nhà nước với Giáo dục đại học

Cuộc tọa đàm khoa học “Đổi mới tư duy về quản lý nhà nước với Giáo dục Đại học” do Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông tổ chức tại Phú Yên đã thu hút sự tham gia của trên 40 nhà khoa học, trong đó có nhiều cán bộ cao cấp đến từ 18 trường đại học. Nhiều thảo luận, đối thoại phong phú ở tọa đàm này có chiều sâu từ tổng quát đến cụ thể, từ kinh nghiệm trong nước đến những thông tin nước ngoài. Tổng kết sơ bộ về những ý kiến này mang lại nhiều ý tưởng và giải pháp thúc đẩy nền giáo dục đại học tại Việt Nam.

Chúng ta đều thống nhất rằng, giáo dục đại học không thể chậm bước mà buộc phải phát triển mạnh mẽ, thậm chí là đột phá vì trong thời đại ngày nay, đây là một trong những lực lượng chủ lực đóng góp lớn lao vào công cuộc hiện đại hóa, sớm đưa nước ta trở thành một nước hùng cường. Nền giáo dục đại học ta trong thời gian qua cũng có nhiều tiến bộ, đã đóng góp không nhỏ cho việc xây dựng đất nước. Đảng và Nhà nước cũng đã nêu ra rất nhiều chủ trương mạnh mẽ để phát triển giáo dục đại học. Cụ thể là Nghị quyết 19, 29 của TW Đảng, Luật 34 của Quốc hội và nhiều Quyết định của Chính phủ. Tuy vậy, về mặt quản lý nhà nước không phải không tồn tại nhiều yếu kém vì nhiều tư duy cũ, cách làm cũ gây trở ngại cho sự phát của nền đại học nước nhà, thế giới phát triển rất nhanh, chúng ta dậm chân tại chỗ đồng nghĩa với tụt hậu.

Tọa đàm khoa học “Đổi mới tư duy về Quản lý Nhà nước với giáo dục đại học Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông phối hợp tổ chức với Hiệp hội các trường Đại học & Cao đẳng Việt Nam, tháng 6/2020

Trong quá trình thảo luận, các nhà khoa học dành rất nhiều sự quan tâm đến chủ trương tự chủ đại học. Điều đó cũng hợp lý vì đây là chủ trương quan trọng nhất trong việc đổi mới quản lý nhà nước đối với đại học. Một số ý kiến cụ thể như sau:

Thứ nhất, tất cả các ý đều khẳng định chỉ có tự chủ đại học thì nền đại học Việt Nam mới tiến lên được, và nên coi lại tư duy tự chủ tài chính là chủ yếu trong tự chủ đại học. Thực hiện tự chủ đại học không có nghĩa là nhà nước sẽ không tiếp tục đầu tư để phát triển giáo dục đại học mà đầu tư có trọng điểm theo phương thức khác, không bao cấp tràn lan. Không nên lấy mức độ tự túc được về kinh phí của các trường làm điều kiện để quyết định mức độ được tự chủ cho trường đó.

Gần đây vấn đề học phí đang được được dư luận hết sức quan tâm. Đang có hiện tượng một số trường tự chủ tăng học phí lên gấp 4, 5 lần so với trước đây. Chuyện này có hai mặt cần phải mổ xẻ. Mặt thứ nhất, nếu các trường tính đúng tính đủ toàn bộ chi phí cần cho đào tạo một sinh viên trong một năm theo từng ngành cụ thể của trường để xác định mức học phí hợp lý, trên cở sở kiểm tra kỹ lưỡng độ chính xác, minh bạch, công khai, thì xã hội đành phải và nên chấp nhận dù có tăng cao. Thực tế là không có cách nào khác vì đó là yêu cầu khách quan, thiếu bột không thể gột nên hồ. Mặt thứ hai, khi học phí tăng cao thì người nghèo không chịu nổi. Vấn đề xã hội này phải giải quyết bằng chính sách xã hội. Chẳng hạn như lập quỹ học bổng, cho vay tín dụng học tập… Tuy vậy, các trường cũng nên cố gắng tăng từng bước để khỏi đột ngột.

Thứ hai, Chính phủ cần ban hành quy định về Hội đồng trường, trong đó nói rõ, cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và thành phần cấu tạo của Hội đồng trường, có qui định tiêu chí cụ thể về vị trí Chủ tịch Hội đồng trường. Cần tính đến trường hợp có những nhà quản lý giỏi không phải là Đảng viên có thể làm Chủ tịch Hội đồng trường. Mặt khác cần phát huy vai trò của Hội đồng sư phạm và Hội đồng khoa học. Khi Hội đồng trường thực sự là đơn vị quản lý cao nhất thì tự chủ mới được thực hiện tốt ở các trường đại học.

Thứ ba, Đảng nên có chi thị về việc thực hiện tự chủ đại học, trong đó có quy định hướng dẫn phương thức lãnh đạo của Đảng ủy trong các trường đại học tự chủ. Có ý kiến băn khoăn khi quy định Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường vì Chủ tịch Hội đồng trường thì có thể đến 65, 70 tuổi, còn Bí thư Đảng ủy thì không quá 60 tuổi. Mặt khác, tiêu chuẩn chọn Bí thư khác với tiêu chuẩn chọn Chủ tịch Hội đồng trường. Đặc biệt, các văn bản của Đảng đối với ngành giáo dục đại học cần đồng bộ với Luật 34, với Nghị quyết 19/TW. Trong thực tế qui trình bổ nhiệm Hiệu trưởng của luật 34 là do Hội đồng trường. Còn qui định về qui trình bổ nhiệm cán bộ trong cơ quan nhà nước và tổ chức chính trị thì theo qui định của Đảng. Vì thế, cần nói rõ thêm qui định này không áp dụng trong các trường đại học công lập thì Luật 34 mới thực thi được.

Thứ tư, nhiều ý kiến phát biểu đều nhất trí nên thống nhất việc quản lý nhà nước theo chức năng thay vì quản lý theo cơ chế chủ quản.

Hiện có một số trường chuyên ngành phục vụ trực tiếp cho cho các bộ ngành chuyên môn tương ứng, trừ các trường thuộc các lực lượng vũ trang, các trường đào tạo cán bộ Đảng, còn nhiều trường khác đều có xu hướng đa ngành hóa nên việc trực quản là không cần thiết nữa và rất không phù hợp. Hơn nữa, Chính phủ từ Nghị quyết 14/CP năm 2005 đã khẳng định xóa bỏ cơ quan chủ quản. Cần tiến hành thí điểm việc xóa cơ chế chủ quản với một số trường chọn từ các trường đang thí điểm tự chủ hiện nay, và có lộ trình để thực hiện đại trà.

Thứ năm, việc thí điểm tự chủ đại học tiến hành ở 23 trường đã được 6 năm, cần tổng kết để đánh giá cái được, cái chưa được, chọn ra vài trường mẫu để nhân ra. Ví dụ như trường Tôn Đức Thắng và một số trường khác. Từ đó cần kiên quyết thực hiện lộ trình mà Chính phủ đã quy định để đưa nền giáo dục Đại học chúng ta thực hiện tự chủ một cách phổ biến.

Thứ sáu, cần sớm nghiên cứu để giao quyền cho các trường thực hiện việc xét phong Giáo sư, phó Giáo sư cho trường mình. Đó là cách làm phổ biến trên thế giới và cũng là cách xét phong chính xác nhất. Giáo sư là của một trường cụ thể, gắn với trách nhiệm và uy tín học thuật trường đó.

Thứ bảy, nên nghiên cứu sắp xếp hợp lý hệ thống quản lý giáo dục và khoa học, khắc phục tình trạng Đại học và Khoa học tách rời nhau làm cả hai bên đều yếu. Nên thành lập Bộ Đại học và Khoa học. Điều này rất quan trọng. Còn Bộ Giáo dục chỉ quản lý giáo dục phổ thông và mầm non. Khối đào tạo nghề cũng nên ghép về với Bộ Đại học và Khoa học.

Thứ tám, cần sớm nghiên cứu mô hình đại học đa sở hữu. Hiện nay chúng ta phân chia trường công lập và ngoài công lập trên nguyên tắc duy nhất là sở hữu. Nhưng khi trao quyền tự chủ cho các trường công lập, đương nhiên nên cho phép họ có quyền thu hút thêm đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, từ trong nước và nước ngoài, để nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu. Từ đó sẽ hình thành trường đa sở hữu. Và loại này sẽ là phổ biến, không thể không nghiên cứu toàn diện.

Thứ chín, Nghị quyết 19 của Ban chấp hành Trung ương đã quy định về sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, giảm đầu mối. Đó là yêu cầu bức xúc của hệ thống nhà nước nhưng với hệ thống đại học, hệ thống giáo dục nói chung, ta phải thừa nhận rằng năng lực của hệ thống đại học là còn quá yếu cả về số lượng trường và điều kiện bảo đảm chất lượng so với yêu cầu phát triển. Không nên sắp xếp lại bằng cách sáp nhập, giải thể bớt đầu mối, càng không nên chuyển một số cơ sở vật chất ở các trường dùng làm việc khác. Cái cần làm là thay vì dùng các giải pháp hành chính để sắp xếp, ta nên xây dựng mục tiêu tổng quát cho hệ thống, xây dựng cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho các trường tự phấn đấu để thích ứng và tồn tại cũng như phát triển. Quá trình đó cũng có thể tạo ra sự sàng lọc tự nhiên. Cách này giảm đi nhiều hệ lụy.

Đổi mới tư duy là một việc khó và đối mới tư duy về quản lý nhà nước lại càng khó hơn bởi vì có nhiều sức trì níu. Các ý kiến đóng góp thảo luận từ cuộc tọa đàm này góp phần tham mưu, kiến nghị với Ban Bí thư, Quốc hội và Chính phủ cũng như cổ vũ giáo dục Đại học Việt Nam tiếp tục đổi mới hơn nữa, vì sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới đầy thách thức hiện nay.■

GS.TS. Trần Hồng Quân

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN