Covid-19: Đôi điều về Nhân Quả

Đã có rất nhiều bài viết về đại dịch Covid-19. Trong bài viết này, chúng tôi muốn chia sẻ ý kiến của Tổng giám đốc Tổ chức Bảo vệ Thiên nhiên Hoang dã (WWF) của Pháp, bà Véronique Andrieux khi bà nhận xét rằng “Cội rễ của trận đại dịch này nằm ở trong sự lựa chọn tiêu thụ của chúng ta… và chúng ta phải thay đổi cơ bản quan hệ với thiên nhiên”.

Quả thật, cuộc sống của chúng ta trên trái đất này là con người “cộng sinh” với thiên nhiên. Nói cho đúng hơn, loài người là “ký sinh” của trái đất và cũng như bao “ký sinh” khác” chúng ta không thể giết chết “vật chủ” vì khi vật chủ mất đi thì ký sinh cũng không thể tồn tại được. Những hậu quả ghê gớm mà đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra cho nhân loại phải chăng chính là câu trả lời cho việc con người đã đối xử tàn bạo với Mẹ thiên nhiên và cũng chính con người đang phải nhận lại những gì mà mình đã gây ra – trong mối quan hệ Nhân Quả.

Lịch sử loài người cho thấy con người luôn tìm cách thoả mãn nhu cầu ngày càng tăng của chính mình: nhu cầu về cái ăn, cái mặc, điều kiện sống, thú vui chơi, học hành, giải trí, đi lại, những phát minh, sáng tạo. Trong chúng ta, không ai mong muốn quay trở lại thời kỳ ăn lông ở lỗ, hoặc thời kỳ mà cuộc sống chỉ gói gọn trong hai từ là ăn và ngủ, tuy nhiên, cùng với việc mức sống của con người ngày càng được nâng cao lên thì cũng chính là lúc con người đang quên đi rằng họ chính là “một phần của thiên nhiên” và việc phải bảo vệ trái đất này chính là để bảo vệ cuộc sống trong lành của con người!

Những hoạt động tàn phá môi trường, làm biến đổi khí hậu, tăng nhiệt độ của trái đất, xả thải khí CO2 thông qua việc xây dựng tràn lan các khu công nghiệp, nạn phá rừng, chôn cất người chết không hợp vệ sinh, lạm dụng các sản phẩm hóa học trong nông nghiệp, thưởng thức và buôn bán động vật hoang dã… chính là nguồn gốc của đói nghèo và dịch bệnh.

Covid -19 chính là cơ hội để chúng ta nhìn lại và suy ngẫm:

– Hoạt động công nghiệp, xả thải CO2: Để đáp ứng nhu cầu của mình, con người đã bắt đầu xây dựng các nhà máy từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (giữa thế kỷ 18). Theo thời gian, các nhà máy này ngày càng lớn, càng hiện đại và càng sản xuất ra những sản phẩm đa dạng hơn. Khí CO2 và các loại khí hiệu ứng nhà kính khác, hoá chất độc hại ngày càng tăng. Riêng CO2, hàng năm chúng ta đã xả ra 36 triệu tấn và con số này còn đang tăng. Mức CO2 trong không khí trung bình hiện nay là 400 phần triệu, cao nhất từ trước đến nay. Những nước xả thải cao nhất là Trung Quốc (chiếm 25% tổng số), Mỹ (15%), Liên minh châu Âu (28%), Ấn Độ (7%) và Nga (5%). Khối lượng chất độc hoá học xả thải (chủ yếu là dioxin và methane) là khoảng 10 triệu tấn mỗi năm. Vũ Hán, nơi Covid-19 bắt đầu, có 5 khu công nghiệp, tổng cộng hơn 100 km2, tập trung sản xuất ô-tô, sắt và thép, sản phẩm công nghệ cao. Vùng Lombardia của I-ta-lia, nơi dịch bệnh hoành hành mạnh nhất, có 9 khu công nghiệp. Nhà máy ở các khu công nghiệp này xả thải ra môi trường và tạo điều kiện cho virus các loại nẩy nở. Tất cả những hoạt động này đã dẫn đến nhiệt độ trái đất tăng hơn 1oC so với thời kỳ trước công nghiệp hoá, làm mực nước biển dâng cao, huỷ hoại môi trường sống và nghiêm trọng hơn là thay đổi hệ sinh thái làm virus dễ phát triển hơn.

Mỗi năm, con người xả đến 36 triệu tấn CO2 ra môi trường

– Một yếu tố nữa dẫn đến huỷ hoại môi trường là việc chôn cất người chết. Mỗi năm có khoảng 60 triệu người mất và cần chôn cất. Tập tục chôn người chết thay vì hoả táng làm vi trùng phát triển và là nguồn cho virus phát triển. Rác thải bệnh viện cũng là nguồn nữa. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi gường bệnh thường thải ra 0,2 đến 0,5 kg rác thải y tế mỗi ngày. Mười lăm phần trăm số rác thải bệnh viện đó có nguy cơ truyền bệnh, chất độc (thuỷ ngân và dioxin), chất phóng xạ. Nhân loại đang sống trong một bầu không khí bị ô nhiễm khủng khiếp và đây cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng khả năng nhiễm viêm phổi nặng khi bị nhiễm corona virus. Một nghiên cứu của trường Đại học Harvard cho thấy những nơi ô nhiễm nhất là những nơi có tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 cao nhất. Điều này đúng với I-ta-lia ở vùng Lombardia, Emilia Romagna, Veneto, những vùng công nghiệp có số ca nhiễm SARS-CoV-2 cao và tỷ lệ tử vong cũng rất cao.

– Tuy nhiên con người chúng ta đã vô tình hay cố ý chậm nhận ra mối nguy hại biến đổi khí hậu đối với dịch bệnh. Ngay cả hiện nay vẫn có xu thế cho rằng biến đổi khí hậu không có liên quan gì đến hoạt động của con người. Chính vì thế phải mất nhiều năm (bắt đầu từ Hội nghị Copenhagen 2009 đến Hội nghị Paris năm 2015) thế giới mới có thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu. Và ngay cả khi nhận thức chung là như vậy thì Mỹ, nước xả thái CO2 lớn thứ nhì thế giới vẫn rút ra khỏi hiệp ước, không chấp nhận giảm thải CO2.

– Nạn phá rừng (khoảng 25 triệu héc ta /năm) lấy đất trồng trọt, khai thác gỗ, khai thác tài nguyên, xây dựng đường và nhà máy thuỷ điện ở những nơi hoang vắng, xu hướng đô thị hoá và tăng nhanh dân số đã đưa con người và vật nuôi đến gần hơn với động vật hoang dã, tạo điều kiện virus gây bệnh từ động vật hoang dã dễ dàng lây sang người hơn… Một con số làm chúng ta giật mình, đó là trong nửa thế kỷ qua, rừng nhiệt đới chứa khoảng 2/3 sinh vật sống trên thế giới đã bị tàn phá còn một nửa, nay chỉ còn 1.500 triệu hec-ta và vẫn mất khoảng 1% mỗi năm (mỗi năm mất 15 triệu hec-ta).

– Việc xây dựng các nhà máy thuỷ điện lớn cùng với đó là hồ chứa lớn và đập nước đi kèm với việc phá rừng đã phá vỡ hệ sinh thái đang tồn tại. Đập thuỷ điện Tam Hiệp của Trung Quốc trên sông Dương Tử là một ví dụ. Sau khi hoàn thành, khu vực này “ít mưa hơn và nhiều hạn hơn. Và đây là tiềm năng gây ra bệnh tật”, theo ông George Davis, chuyên gia về bệnh nhiệt đới ở trường Đại học George Washington đã từng sống và làm việc ở Tam Hiệp và vùng lân cận 24 năm. Không những thế, việc xây thuỷ điện làm cho vùng hạ lưu trở nên khô cằn hơn, tạo điều kiện cho virus các loại phát triển.

– Trong cố gắng đáp ứng nhu cầu của chính mình, con người đã tìm mọi cách tăng năng suất lao động gây phương hại cho môi trường sống của chính mình. Trong nông nghiệp, con người đã dùng chất hoá học các loại, kể cả phân hoá học, chất diệt cỏ và thuôc trừ sâu chứa chất độc như DDT, TCDD (có chứa chất độc da cam), làm mất cân bằng hệ sinh thái dẫn đến vi trùng và vi khuẩn phát triển.

– Buôn bán động vật hoang dã trái phép: nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy không ít đại dịch trong vòng 20 năm qua cho thấy mối liên hệ rõ với các ổ chứa vi rút trong các quần thể động vật hoang dã. Dịch SARS cuối năm 2002 và đầu 2003 từng lây nhiễm cho hơn 8.000 người ở 37 quốc gia, khiến 774 người tử vong, xuất phát từ một chủng vi rút betacorona mới có nguồn gốc từ dơi thông qua vật chủ trung gian là cầy hương. Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-COV) bùng phát vào năm 2012 khiến 2.494 người lây nhiễm và làm thiệt mạng 858 người cũng bắt nguồn từ một chủng vi rút corona khác truyền từ dơi qua lạc đà tới người. Mối liên hệ này cho chúng ta thấy điều cấp thiết là phải chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép, hoạt động tội phạm lớn thứ tư sau buôn bán ma tuý, sản xuất và tiêu thụ hàng giả và buôn bán người.

– Một trong những điều khủng khiếp mà chúng ta không thể bỏ qua là các cuộc Chiến tranh liên miên, dù lý do gì chăng nữa, cũng là thảm hoạ môi trường. Chiến tranh Thế giới Thứ nhất (1914-1918) đã gây ra 20 triệu người chết và 23 triệu lính bị thương và Chiến tranh Thế giới Thứ hai làm 80 triệu người chết. Trong hơn 30 năm qua, tổng số cuộc chiến tranh cục bộ lên tới hơn 100. Điều nghiêm trọng nhất trong các cuộc chiến tranh gần đây là sử dụng vũ khí hoá học. Mỹ đã dùng 76.000 m3 chất da cam trên diện tích là 31.000 km2 vuông ở Viêt Nam. Cũng như nạn phá rừng, chất độc da cam đã huỷ hoại rừng ở Việt Nam, lấy đi nơi trú ẩn của nhiều loài động vật, tăng khả năng virus “nhẩy” từ động vật đến người.

Nhà khoa học Đức, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu châu Âu bền vững, Joachim Spangenberg đã nói khi chúng ta tác động đến hệ sinh thái, chúng ta đã tạo điều kiện cho virus lan truyền từ động vật sang người và: “loài người chúng ta tạo ra tình thế này, không phải là động vật”. Chính vì thế điều rõ ràng là loài người chúng ta phải chịu trách nhiệm phần lớn về dịch bệnh đã xẩy ra, đặc biệt là Covid-19. Tuy nhiên, chúng ta phải lý giải điều này như thế nào? Và chúng ta phải làm gì để tránh dịch bệnh tương tự có thể xẩy ra, nói cho đúng hơn là giảm tần số và sức tàn phá của dịch bệnh trong tương lai?

Ở đây, đạo Phật có thể cho chúng ta một lời giải thích hợp lý. Theo đạo Phật, đó là nhân quả. Chúng ta sẽ nhận lại những gì chúng ta cho đi. Nói một cách khác là nếu chúng ta làm điều gì xấu thì sớm hay muộn cũng phải chịu hậu quả. Giáo lý này được cha ông chúng ta đúc kết lại trong câu ngạn ngữ “Gieo gió thì gặt bão”. Loài người chúng ta đã tàn phá thiên nhiên thì sớm hay muộn thiên nhiên cũng sẽ đánh trả lại, chúng ta sẽ “gặp bão”. Có lẽ sớm nhận thức được điều này nên ngay từ năm 2015, Bill Gates đã cảnh báo một đại dịch do virus gây ra và nhiều người khác nữa cũng đã có những cảnh báo tương tự. Những tiên đoán này đã thành sự thật với đại dịch Covid-19.

Một trong những nhà xác quá tải vì nạn nhân Covid-19 ở Mỹ

Thế giới hiện nay đã tồn tại 32.000 loại virus và rất nhiều loại trong số này có thể truyền từ người sang người. Vấn đề là chúng ta phải làm gì để ngặn không cho virus phát triển và lây sang người?

Phải chăng chỉ có việc toàn tâm toàn ý hướng suy nghĩ và hành động của chúng ta vào những cố gắng bảo vệ môi trường, và hơn hết là xây dựng một nền kinh tế quay vòng và tái chế. Loài người không thể dừng đáp ứng nhu cầu của chính mình. Do vậy, loài người phải thay đổi cách thức sản xuất, không huỷ hoại môi trường nếu không thì một đại dịch nữa có thể sẽ lại xẩy ra. Chúng ta phải tập trung vào phát triển bền vững thay vì tập trung vào nâng cao tăng trưởng GDP bằng bất cứ giá nào. Một điều quan trọng nữa là cần giảm chi phí quốc phòng đặc biệt là nghiên cứu và phát triển vũ khí hoá học và vũ khí hạt nhân có liên quan trực tiếp đến việc gìn giữ môi trường sinh thái cân bằng cho cuộc sống của chính chúng ta.

Trong quá trình đáp ứng nhu cầu của chính mình, loài người chúng ta không có cách nào khác ngoài tôn trọng trái đất của chúng ta, tôn trọng không gian sinh tồn của các sinh vật sống, động vật cũng như thực vật, đó là giữ gìn lá chắn thiên nhiên bảo vệ loài người. Tôn trọng thiên nhiên, loài người sẽ tránh được “quả báo” như dịch Covid-19 và sẽ được thiên nhiên trả lại những điều tốt lành.■

Trần Phan

(Theo Tạp chí Phương Đông)

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN