Du lịch có thể trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

Năm 2020, du lịch cùng với hàng không là những lĩnh vực hứng chịu sự tàn phá nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu. Những trung tâm du lịch lớn của thế giới, nhất là tại những nước thu hút nhiều khách quốc tế, du lịch chiếm tỉ trọng cao trong GDP, tăng trưởng kinh tế sụt giảm chưa từng có trong lịch sử, hàng loạt doanh nghiệp liên quan đến dịch vụ du lịch bị phá sản, người lao động mất việc làm, cơ sở vật chất bỏ hoang, phương tiện phục vụ du lịch nằm bất động. Cho dù nhiều loại vacxin đã bắt đầu được đưa vào sử dụng và đại dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát nhưng ngành du lịch sẽ phải cần rất nhiều thời gian để phục hồi và trở lại được trạng thái trước khi đại dịch bùng phát. Trước tác động của những biến cố như dịch bệnh, chiến tranh, thiên tai… du lịch sẽ sụt giảm ngay lập tức, nhưng quá trình phục hồi thì lại cần rất nhiều thời gian. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó.

Tuy nhiên, ngay từ lúc này, chúng ta cấn có cái nhìn bình tĩnh và chủ động chuẩn bị để bước vào giai đoạn phục hồi và tăng trưởng trở lại đối với ngành du lịch. Đối với một quốc gia có những lợi thế và đặc thù như Việt Nam, du lịch có khả năng đóng góp vô cùng to lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội và hoàn toàn có thể trở thành một trong những động lực tăng trưởng của đất nước. Trong giai đoạn 2015 – 2019, ngành du lịch Việt Nam đã có quãng thời gian phát triển bùng nổ, tăng hơn hai lần lượng khách quốc tế đến, từ 8 triệu lên 18 triệu lượt cùng với gần 100 triệu lượt khách nội địa, đem lại tổng thu từ khách du lịch gần 35 tỉ USD, đóng góp xấp xỉ 8,5% vào GDP, tạo ra trên 2,5 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp.

Du lịch là ngành kinh tế có những lợi thế và đặc tính riêng mà rất ít lĩnh vực kinh tế có được.

Trước hết, du lịch là ngành kinh tế có tính tổng hợp, liên ngành liên vùng rất cao. Du lịch phát triển sẽ tác động gián tiếp và lan tỏa đến rất nhiều lĩnh vực tham gia vào chuỗi cung ứng tạo nên các sản phẩm du lịch như xây dựng, vận chuyển (gồm tất cả các loại hình đường bộ, đường không, đường thủy, đường sắt), sản xuất và lưu thông hàng hóa, giải trí, xuất nhập cảnh, ăn uống giải khát…Theo nghiên cứu của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), cứ mỗi đồng trực tiếp thu được từ hoạt động du lịch thì sẽ tạo ra từ 2 đến 2,5 đồng doanh thu gián tiếp. Có thể dẫn một ví dụ đơn giản: Để có được một cơ sở lưu trú thì cần rất nhiều cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, trang thiết bị cung cấp cho quá trình tạo nên khách sạn đó cùng với sự hưởng lợi từ các công ty xây dựng và người lao động làm việc cho công trình này. Sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác, nó thu hút rất nhiều lao động quản lý và phục vụ trong các nghề bàn, buồng, ba, bếp, giải trí… cùng với việc tiêu thụ rất nhiều sản phẩm nông nghiệp, thương mại cung ứng cho nhu cầu và hoạt động của cơ sở lưu trú. Trong suốt quá trình xây dựng và hoạt động, cơ sở lưu trú đều đem lại thu nhập cho người lao động và đóng góp thuế cho nhà nước.

Thứ hai, hàm lượng giá trị gia tăng trong doanh thu của hoạt động du lịch rất cao so với nhiều lĩnh vực kinh tế. Trong khi nhiều lĩnh vực, chúng ta chỉ thu được tỉ trọng nhỏ về tiền lương nhân công và một chút tiền thuế thì những sản phẩm phục vụ du lịch tạo ra lợi nhuận rất cao như ăn uống, lưu trú, giải trí, tham quan, hướng dẫn. Giá trị gia tăng cao từ hoạt động du lịch sẽ có tác động mạnh mẽ vào đời sống kinh tế xã hội ở những địa bàn có ngành du lịch phát triển và làm thay đổi bộ mặt đô thị, nông thôn tại các khu vực đó.

Thứ ba, trong hoạt động du lịch, chúng ta có thể làm chủ toàn bộ chuỗi giá trị cung ứng để tạo nên sản phẩm du lịch nên toàn bộ thu nhập từ quá trình đó đều mang lại lợi ích cho người lao động, doanh nghiệp và đất nước. Trở lại ví dụ về quá trình xây dựng và hoạt động của một cơ sở lưu trú, người Việt Nam có thể hoàn toàn tự chủ trong quá trình sản xuất cung ứng vật tư, thiết bị, nhân lực, hàng hóa, xây dựng và vận hành khách sạn. Như thế toàn bộ doanh thu và lợi nhuận tạo ra từ xây dựng và hoạt động của khách sạn đều thuộc về người Việt Nam và đóng góp trực tiếp cho kinh tế xã hội của đất nước.

Với những đặc tính trên, các nước trên thế giới đều nỗ lực dựa trên những lợi thế và có chính sách để đẩy mạnh phát triển du lịch. Có những nước dựa vào tài nguyên thiên thiên và văn hóa trội vượt để phát triển du lịch. Có những nước đưa ra những chính sách đặc biệt để thu hút đầu tư phát triển du lịch nhờ tạo nên những sản phẩm du lịch giải trí có tính sáng tạo cao và các trung tâm mua sắm hấp dẫn.

Từ 2015 đến 2019, du lịch Việt Nam đã có bước phát triển ngoạn mục (Ảnh minh họa)

Ngành du lịch Việt Nam trước năm 2015 còn ở tình trạng phát triển thấp trong khu vực, tốc độ tăng trưởng chỉ 5-7%/năm, sản phẩm du lịch nghèo nàn, cơ sở vật chất kĩ thuật và hạ tầng còn hạn chế. Tuy nhiên sau 5 năm từ 2015 đến 2019, du lịch Việt Nam đã có bước phát triển ngoạn mục, vượt qua cả Indonesia và đang có đà để vượt qua Singapore, Malaysia để đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á chỉ sau Thái Lan trong một tương lai gần. Từ một đất nược rất ít được biết đến về du lịch, Việt Nam đã giành được nhiều giải thưởng quốc tế tầm châu lục và thế giới về các hạng mục khu du lịch, loại hình du lịch, khách sạn và trở thành điểm đến được nhiều người biết đến.

Đến thời điểm hiện nay, ngành du lịch đã hội tụ được những yếu tố rất cơ bản để bước vào một chu kì phát triển mới mang tính bùng nổ. Những yếu tố đó là:

Thứ nhất, Việt Nam nằm trong một trong những khu vực phát triển du lịch năng động nhất của thế giới, lại nằm sát Trung Quốc và không xa Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc là những nước có số lượng khách du lịch rất lớn với chỉ số tăng trưởng cao. Đây cũng là khu vực thu hút rất nhiều khách đến từ thị trường châu Âu và Bắc Mỹ có khả năng chi tiêu cao và lưu trú dài ngày. Với cơ sở vật chất và dịch vụ kĩ thuật đã được đầu tư trong thập kỉ vừa qua và việc phân bổ các điểm đến trải đều trên khắp các vùng miền, năng lực tiếp nhận khách du lịch của Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng cao. Cùng với lợi thế trên, du lịch thế giới tiếp tục tăng trưởng mạnh và có ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế – xã hội trên toàn cầu. Du lịch trở thành một trong những trụ cột chính của thương mại quốc tế, là nguồn thu nhập quan trọng cho nhiều nước đang phát triển. UNWTO dự báo đến năm 2030, lượng khách du lịch quốc tế trên toàn cầu đạt 1,8 tỷ lượt. Đông Nam Á sẽ trở thành khu vực thu hút khách quốc tế lớn thứ 4 trên thế giới.

Thứ hai, chúng ta có tài nguyên du lịch về văn hóa và thiên nhiên hết sức đa dạng và khác biệt. Đây là yếu tố rất cơ bản để tạo ra các điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn. Về thiên nhiên chúng ta có những cảnh quan hùng vĩ độc đáo có một không hai trên thế giới như Hạ Long – Cát Bà, những hang động trong lòng đất đẹp nhất, lớn nhất thế giới tại Phong Nha – Kẻ Bàng ở Quảng Bình. Bờ biển Việt Nam trải dài trên 3000 km với nhiều bãi cát tuyệt đẹp kéo dài hàng chục km. Cảnh quan thiên nhiên ở đâu cũng có nét quyến rũ với sự khác biệt ở mỗi khu vực. Về văn hóa, mỗi vùng miền đều chứa đựng và lưu giữ được nét đặc sắc riêng có, hấp dẫn khách du lịch đến khám phá trải nghiệm.

Thứ ba, sau nhiều giai đoạn phát triển, nhất là trong 10 năm 2010 – 2020, ngành du lịch đã có bước tích tụ và phát triển vượt bậc về cơ sở vật chất và sản phẩm du lịch. Với sự tham gia đầu tư phát triển của hàng loạt nhà đầu tư chiến lược, chúng ta đã tạo ra được nhiều điểm đến với các sản phẩm du lịch khác biệt, hấp dẫn, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh cao với các nước trong khu vực. Đó là các điểm đến tại Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Qui Nhơn Phú Quốc, Sapa và một số địa bàn khác được đầu tư bởi các tập đoàn VinGroup, SunGroup, FLC và nhiều doanh nghiệp lớn có thương hiệu. Những sản phẩm, điểm đến của Việt Nam ngày càng được thế giới biết đến nhiều hơn, trong có có nhiều hạng mục, sản phẩm, thương hiệu nhận được những giải thưởng danh giá trên thế giới và châu lục. Cùng với các thành tựu trên, lĩnh vực hàng không đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về đội bay và hạ tầng đủ sức tiếp nhận và gia tăng số lượng lớn khách quốc tế cũng như nội địa.

Thứ tư, du lịch là ngành kinh tế sử dụng nhiều lao động, nhất là lực lượng lao động trẻ có tay nghề và kĩ năng chuyên môn. Cho dù xu hướng sử dụng công nghệ cao sẽ giảm thiểu nhiều việc làm trong các ngành nghề khác thì trong lĩnh vực du lịch máy móc và công nghệ khó có thể thay thế được con người trong các hoạt động chủ yếu và thâm dụng lao động như khách sạn, nhà hàng, lữ hành, hướng dẫn viên…Với dân số đông, lực lượng lao động trẻ dồi dào, cần cù chịu khó, Việt Nam có lợi thế lớn trong việc cung ứng nguồn lao động cho hoạt động du lịch khi phát triển với qui mô lớn.

Thứ năm, nhận thức về phát triển du lịch đã có bước chuyển biến rất quan trọng. Từ Đại hội Đảng lần thứ XII, du lịch cùng với nông nghiệp và công nghệ cao đã được xác định là lĩnh vực có lợi thế và dư địa phát triển vượt trội so với các lĩnh vực khác, có thể trở thành các trụ cột và động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị ban hành tháng 01/2017 đã xác định những quan điểm, chủ trương và giải pháp để du lịch Việt Nam phát triển đột phá trong những năm tới: “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác; Phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao; Phát triển đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa; Phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển du lịch”. Những quan điểm trên là những tư tưởng hết sức quan trọng để từ đó có chính sách và tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển du lịch. Cùng với Nghị quyết 08, Luật Du lịch 2018 là cơ sở pháp lý rất quan trọng để du lịch phát triển. Nhiều địa phương trong cả nước cũng xác định du lịch là ngành kinh tế cần được ưu tiên tạo điều kiện phát triển như là một ngành kinh tế mũi nhọn.

Những yếu tố trên là những vấn đề có tính nền tảng và then chốt đề ngành du lịch Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh trên hành trình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết 08 đã xác định và kì vọng của xã hội. Tuy nhiên, để khai thác, phát triển đúng với tiềm năng và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, Chính phủ, các địa phương và ngành du lịch cần tập trung giải quyết tốt một số vấn đề sau:

Trước hết là Chính sách để du lịch phát triển. Những quan điểm, chủ trương về phát triển du lịch đề ra trong Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đến nay đã được 4 năm nhưng việc cụ thể hóa bằng các chính sách còn chậm trễ. Đó là các chính sách về tạo điều kiện thuận lợi thông thoáng hơn nữa về xuất nhập cảnh; chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch tại các vùng miền khó khăn có tiềm năng và dư địa phát triển du lịch; chính sách về phát triển nguồn nhân lực, chính sách về quảng bá xúc tiến; chính sách về phát triển du lịch bền vững. Quĩ Phát triển du lịch đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định từ cuối năm 2018 nhưng thật đáng tiếc là đến nay vẫn chưa được thực hiện do việc cụ thể hóa quá chậm trễ.

Công tác Quản lý nhà nước về du lịch: Cần sớm có qui hoạch phát triển du lịch cấp quốc gia và cấp vùng mạch lạc, khả thi, cụ thể hóa được tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị. Qui hoạch này cần làm rõ tính khác biệt và nổi trội của các vùng, các địa phương nhằm tránh sự trùng lặp về sản phẩm. Công tác đảm bảo an ninh an toàn, tăng cường quản lý điểm đến cần được chú trọng hơn nữa để đảm bảo rằng Việt Nam là điểm đến an toàn thân thiện, tạo được niềm tin và tâm lý thoải mái cho khách quốc tế cũng như nội địa. Chính quyền địa phương các cấp phải là đầu mối chịu trách nhiệm về vấn đề này. Liên kết đa ngành, liên tỉnh, liên vùng cần được thiết lập chặt chẽ và thực chất hơn trên các lĩnh vực kết nối hạ tầng, phát triển sản phẩm, quảng bá xúc tiến, vận chuyển khách du lịch. Cơ quan quản lý du lịch từ trung ương đến địa phương cần được tăng cường và trao cho nhiều quyền hạn hơn. Đối với những địa phương có tiềm năng lớn về phát triển du lịch thì cần tách du lịch thành một sở chuyên ngành riêng. Cơ quan Tổng cục Du lịch cần được tăng cường về năng lực, quyền hạn và trách nhiệm để đáp ứng yêu cầu quản lý ngành trong thời kì mới.

Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch là yếu tố then chốt để tạo nên sự hấp dẫn và nâng cao giá trị gia tăng cho du lịch. Những năm gần đây đã có sự đột phá trong phát triển sản phẩm du lịch ở các trung tâm du lịch nhưng cần có chính sách khuyến khích đầu tư tạo ra nhiều sản phẩm có tính sáng tạo và du lịch giải trí, mua sắm chất lượng cao. Hiện nay các loại hàng hóa có thương hiệu của nước ngoài bán tại Việt Nam có giá quá cao do phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt cao nên không những không khuyến khích khách nước ngoài mua sắm tại Việt Nam mà còn tạo ra số lượng rất lớn người Việt Nam mang ngoại tệ ra nước ngoài mua sắm.

Phong Nha Kẻ Bàng (Quảng Bình) là một trong những địa điểm thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước

Phát triển du lịch cộng đồng cần được quan tâm thúc đẩy cả về chiều rộng và chiều sâu. Loại hình du lịch này vừa tạo ra không gian du lịch rộng lớn để giảm thiểu sự quá tải tại những trung tâm du lịch lớn vừa đáp ứng được nhu cầu trải nghiệm văn hóa bản địa của cả khách quốc tế và nội địa, đồng thời  mang lại sự hưởng lợi cho cộng đồng dân cư, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, các khu vực khó khăn ít có điều kiện tiếp cận việc làm. Để làm tốt công việc nay, cơ quan quản lý nhà nước cần có sự hỗ trợ về xây dựng bộ tiêu chuẩn cho du lịch cộng đồng và đào tạo nhân lực, xúc tiến du lịch.

Cùng với việc thu hút khách quốc tế, cần quan tâm xứng đáng đến phát triển du lịch nội địa. Đây là một tư tưởng rất quan trọng trong Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch. Với số dân qui mô lớn, tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh và du lịch đang trở thành một xu hướng và nhu cầu thiết yếu, qui mô và dư địa phát triển du lịch nội địa của chúng ta là rất lớn. Có nhiều địa phương không nhất thiết phải quá chú trọng đến thu hút khách quốc tế trong khi sản phẩm chỉ thích hợp với khách trong nước. Thực tế qua đại dịch Covid-19 cho thấy, du lịch nội địa là cứu cánh trong những hoàn cảnh cụ thể.

Ngành du lịch cần chuẩn bị và thích ứng với các xu thế mới của du lịch khi nhu cầu của khách du lịch đang có nhiều thay đổi so với các loại hình du lịch truyền thống. Tuy mục đích của đa số thị trường khách vẫn là tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, song nhiều nhu cầu mới sẽ hình thành. Du khách ngày càng quan tâm tới nhu cầu trải nghiệm hướng tới những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở giá trị văn hóa truyền thống, giá trị tự nhiên, giá trị sáng tạo và công nghệ cao. Đặc biệt, du lịch chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ngày càng phổ biến. Phát triển du lịch có trách nhiệm, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng vừa là xu hướng vừa là đòi hỏi tất yếu đối với ngành du lịch để thực hiện nguyên tắc và mục tiêu phát triển bền vững.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động mạnh đến phương thức quản lý và kinh doanh du lịch, hình thành các xu hướng du lịch mới như du lịch thông minh, du lịch sáng tạo. Phát triển bền vững vừa là yêu cầu, là mục tiêu đồng thời là phương thức để đảm bảo hiệu quả và tương lai lâu dài cho du lịch phát triển. Đồng thời, qua đại dịch Covid-19, ngành du lịch cần nghiên cứu những bài học từ tác động của biến cố này để đối mặt và thích ứng, vượt qua những thách thức tương tự trong tương lai. Du lịch Việt Nam cần có sự chuẩn bị để thích ứng và đáp ứng thật tốt các xu hưởng này để nâng cao hiệu quả và giá trị gia tăng cho ngành, bảo tồn được các giá trị di sản văn hóa và tài nguyên thiên nhiên

Ngành du lịch Việt Nam đã đi qua một chặng đường dài và đạt được những thành quả ấn tượng trước khi hứng chịu sự tàn phá của đại dịch Covid-19. Nhưng rồi dịch bệnh chắc chắn sẽ được kiểm soát và du lịch sẽ bước vào thời kì phục hồi. Với nền tảng đã tạo nên qua quá trình phát triển hàng chục năm qua, với tiềm năng và dư địa phát triển rất to lớn cùng với sự quan tâm của Đảng và nhà nước, sự nỗ lực của các địa phương đặc biệt là sự năng động sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, nếu giải quyết tốt những vấn đề trên, chắc chắn ngành du lịch sẽ có đóng góp xứng đáng và thực sự là động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.■

Tuấn Anh

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN