Tranh Tết

Thuở xưa, vào những ngày cuối tháng chạp âm lịch, người dân Việt Nam đi chợ Tết để mua sắm hàng hóa, vật dụng dùng cho những ngày Tết. Trong đó, tranh tết luôn là một vật phẩm không thể thiếu. Tranh Tết phổ biến nhiều nhất là tranh dân gian và chủ yếu có hai dòng tranh là tranh Đông Hồ (làng Hồ, Bắc Ninh) và tranh Hàng Trống (Hà Nội). Những kỉ niệm về tranh tết xưa đã được tác giả Lê Tràng Kiều tái hiện lại trong bài viết của mình, đăng in trong Sách Xuân năm Giáp Thân, xuất bản tại Sài Gòn năm 1944. Tạp chí Phương Đông xin giới thiệu với bạn đọc.

***

Những tranh Tết của ta, tuy mộc mạc mà biểu lộ được rõ rệt cả cái tinh thần của nòi giống.

Chúng ta, ai có thể quên được những kỷ niệm đẹp đẽ ngày thơ ấu, cái ngày chúng ta đầu còn để chỏm, nghểnh mái lên, “đọc” những sự tích trong bức vẽ, rồi có thể cả ngày xúm nhau bên tường mà nhìn những màu rực rỡ trong bức tranh, những ông “tiến tài, tiến lộc”, những ông tướng mặt trắng, hoặc mặt đỏ, râu dài.

Bên gối có một ông già thân mến và yêu chiều chúng ta, chúng ta quây quần lại mà nghe những câu chuyện luân lý trong tranh “Vua Thuấn cầy voi cảm động tới Trời”, và “Anh chàng khóc măng ở ngoài mưa lạnh”, những ông Vương Tử, Diễm Tử, Tăng Tử đi kiếm củi, lấy sữa hươu, úp cá để về nuôi mẹ già.

Một nghệ nhân vẽ tranh Hàng Trống đầu thế kỷ 20. Ảnh của Léon Busy

Chúng ta còn được cười vui với những bức tranh phong tục, những bức “họp chợ”, “Leo dừa”, “Đánh ghen”, “Buổi học thầy đồ ếch”, “Đám cưới chú chuột con”…

Tất cả những bức tranh ấy, tuy in và vẽ sơ sài, những thuốc và mầu nhiều khi nhem nhở, nhưng nó cũng đã “nói nhiều” với chúng ta không kém chi những câu chuyện cổ tích mà ta nghe các ông già, bà cả kể cho chúng ta những đêm trăng đẹp đẽ.

Đám cưới chuột. Tranh dân gian Đông Hồ

Những truyện cổ ấy, hoặc những tranh rẻ tiền ấy, người không biết nghĩ thì coi không đáng một giá trị gì, nhưng chính những thứ đó mới là những thứ có quan hệ với quốc tục, quốc hồn. Nhiều khi nó biểu hiện được rất rõ ràng tất cả cái linh linh của người một nước, mà là cái biểu hiện rất thật thà, vì nó tự trong dân gian, trong cái lớp bình dân nghèo khó và chất phác kia mà ra. Như thể còn gì hơ, nó là một phần quốc tùy của ta mà ta cần phải trân trọng hơn chút nữa. Huống chi những truyện cổ và những tranh Tết ấy nhiều khi nó lại là những bức tranh gà, những bức lợn mẹ lợn con, những bức đánh ghen, những bức táo quân có thể còn là những truyện ngụ ngôn rất có ý tứ, biểu lộ được rõ rệt cái tinh thần cố hữu của nòi giống.

Ngày nay, tháng ngày đã chất nặng lên đầu chúng ta, chúng ta đã tê mê với cuộc sống vật lộn nhiều rồi, vậy mà trong những bức tranh ấy cái cảm tính của chúng ta vẫn còn đằm thắm, cái hương vị của bức tranh vẫn còn say mê. Được còn thế là vì sao? Là vì trong những bức tranh ấy nó đã ẩn ngụ bao nhiêu cái vẻ thuần túy, bao nhiêu cái “ta” ở trong. Cái tinh nghịch, cái hóm hỉnh, cái diễu cợt, cái châm biếm nhiều khi có thô kệch, nhiều khi có suồng sã, nhưng nó là những cái rất “An-nam”, cái mà ta vẫn có. Tất cả những cái đó, những nhà họa sĩ vô danh nhưng thật là có tài của ta đã phô bầy ra một cách rất ý tứ. Chúng ta ai đã ghen được cái chị chàng vấn tóc ngược lên, cầm dao kéo chạy ra đánh ghen vợ hai, cũng như chúng ta ai đã quên được cái chị con gái mặc váy hớ hênh chèo lên hái dừa.

Hái dừa. Tranh dân gian Đông Hồ

Huống nữa, những bức tranh ấy nó đã tạo nên bằng những màu thuốc rất cố hữu của ta, những màu thuốc xanh đỏ lấy trong những lá cây rất tươi, và rất bạo, không phải cái kết quả của một sự tìm tòi nghệ thuật có liên tiếp hay biến trạng theo thời đại, không cần có một sự chỉ dẫn về phương trâm nghệ thuật vậy mà những tờ tranh ấy mỗi lần tết đến đều thấy treo bán đầy các góc phố, các đầu chợ từ quê tới tỉnh, đều một nguyên tố, đều một giáng sắc.

Ngày nay những nhà khảo cứu cổ họa còn ngạc nhiên bao nhiêu về những màu sắc của những thuốc vẽ phát minh ra ở một làng Hồ của ta, cũng như những lớp thanh niên họa sĩ tàn học bây giờ đều phải chịu những cản đối và những nét bạo dạn của nét bút trong một bức tranh gà, tranh lợn.

Bao nhiêu lâu nay tôi đã có dịp được nói chuyện với nhiều họa sĩ người nhìn tranh nhiều cuộc trưng bày tranh hoặc triển lãm họa phẩm nhưng tôi vẫn không thể tin được ở những tài hoa mặc dầu đó là những tài hoa mà cứ phỏng theo một cách nô lệ những trường họa ở nước ngoài để mà sản ra những bức họa không hề cổ một chút gì là biệt Việt Nam nữa.

Và tôi nghi rằng những tranh lợn, tranh gà ấy chỉ là một gia sản họa phẩm quý giá cho những người Việt Nam vẫn băn khoăn đốt đuốc đi theo một căn bản Việt Nam trong mỹ thuật vậy.

Lê Tràng Kiều

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN