Ở bất cứ đâu trên đất nước Việt Nam, từ nhà ra phố, từ các quán cóc vỉa hè, các quán ăn bình dân cho tới những nhà hàng, những quán café sang trọng… ta đều dễ dàng bắt gặp những ly trà dưới nhiều dạng thức chế biến và cách thưởng thức khác nhau. Có thể nói, uống trà (chè) đã trở thành một nét văn hóa điển hình không thể thiếu trong mọi sinh hoạt của người Việt xưa và nay. Tuy nhiên, trên thực tế, rất ít người am tường được nguồn gốc, quá trình hình thành và những đặc trưng của tinh hoa trà Việt. Nhìn lại thời điểm những cây trà thuộc giống Camelia Sinensis đầu tiên được truyền từ miền Nam Trung Quốc sang nhiều nước trong khu vực và theo Con Đường Tơ Lụa lan rộng tới cực Tây của thế giới, nhiều nhà nghiên cứu đã ủng hộ giả thuyết cho rằng đây chính là nơi phát tích của trà và văn hóa trà. Tiếp thu và chịu ảnh hưởng từ văn hóa Hán trong suốt nhiều thời đại, một số quốc gia thuộc khu vực Đông Á không những đã biết sử dụng trà trong đời sống, mà còn kế thừa, phát triển, nâng trà lên thành một thứ nghệ thuật (có thể kể đến “trà đạo” của Nhật Bản). Văn hóa trà tại Việt Nam cũng không nằm ngoài những quy luật phát triển đó. Xuyên suốt chiều dài lịch sử nhiều biến thiên, thăng trầm khi tiếp xúc và giao lưu với văn hóa Hán, những lá trà tinh chế hay các dụng cụ, quy cách thưởng trà từ Trung Quốc cũng đã du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, đồng thời tác động tới văn hóa trà ở nước ta trên những khía cạnh nhất định. Tuy nhiên, với đặc thù của một quốc gia Đông Nam Á và sự linh hoạt, sáng tạo trong việc tiếp thu, chọn lọc các giá trị ngoại lai, kế thừa và gìn giữ những tinh hoa bản địa, văn hóa trà ở Việt Nam đã phát triển theo một chiều hướng độc lập, sở hữu những bản sắc riêng. Nói cách khác, nó hoàn toàn định vị được mình trên bản đồ trà Á Đông và thế giới, trở thành niềm tự hào của nhiều người dân đất Việt trước bạn bè năm châu. Những thiên tính độc đáo này không chỉ thể hiện ở nguồn gốc hình thành và phát triển của cây trà Việt, mà còn hiện hữu rõ rệt, thấm đẫm trong từng cung cách chế biến, lối thưởng trà và những không gian văn hóa trà chỉ có thể tồn tại tại trên đất Việt. Tất cả đã trở thành những minh chứng sinh động cho một dân tộc Việt với nền ẩm thực truyền thống lâu đời, giàu bản sắc cùng nhiều giá trị tinh hoa khu biệt, sánh ngang với các nền ẩm thực lớn trong khu vực và trên thế giới.
KỲ 1: DẤU VẾT CỦA NHỮNG CÂY TRÀ CỔ TRÊN ĐẤT VIỆT
Có rất nhiều quan điểm khác nhau về lịch sử hình thành và phát triển của những giống trà cổ trên thế giới, song nhìn chung tất cả đều thống nhất ở một phương diện: những cây trà đầu tiên được phát hiện sớm nhất tại khu vực Đông Á. Trên lãnh thổ của các quốc gia cổ đại bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam… đều đã ghi nhận nhiều bằng chứng về sự tồn tại của một số giống trà lâu đời nhất thế giới. Tuy nhiên, xung quanh việc xác định nơi phát tích thực sự của những cây trà đầu tiên và thời điểm mà các dân tộc này bắt đầu biết sử dụng trà trong sinh hoạt ẩm thực của mình vẫn còn dấy lên nhiều tranh luận và chưa có sự ngã ngũ hoàn toàn.
1. Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên sở hữu, lưu trữ rất nhiều tác phẩm, thư tịch cổ cũng như những bằng chứng phong phú về sự xuất hiện của những giống trà xưa nhất và các quy cách ứng dụng trà trong đời sống văn hóa, phong tục của mình. Trước hết, trong kho tàng văn học dân gian của họ từ rất lâu đã tồn tại nhiều dị bản thần thoại, truyền thuyết về một thiền sư Tây Trúc, nhằm chống lại những cơn buồn ngủ trong lúc ngồi thiền đã cắt đứt hai mí mắt của mình vứt xuống đất. Từ hai mí mắt đó mọc lên những cây trà đầu tiên. Tại Nhật Bản – quốc gia Phật giáo cũng đã xuất hiện một số câu chuyện dân gian truyền miệng có nội dung tương tự. Với người Nhật, vị thiền sư này chính là Bodai Daruma (Bodhidharma/Bồ Đề Đạt Ma) – ông tổ của phái Thiền tông, một trong những tông phái Đại thừa lớn nhất lấy tôn chỉ quán chiếu thực tại để đạt được giải thoát, chứng ngộ. Có thể nói, những thần thoại này đã góp phần giải thích cho giả thuyết rằng những người dùng trà đầu tiên (và sau này đã góp phần biến trà thành một thứ nghệ thuật tao nhã, tinh vi) chính là các thiền sư. Bên cạnh đó, nó cũng phác họa được mối liên hệ mật thiết giữa các triết lý của Thiền tông và văn hóa trà đạo tại nhiều quốc gia Đông Á. Cụ thể, từ việc trồng trọt, chế biến cho tới các công đoạn lựa chọn, thưởng thức trà đều là đòi hỏi sự “nhập thiền” của con người ở mức độ nhất định.
Tuy nhiên, cần nhận thấy một thực tế rằng, trong suốt lịch sử truyền giáo và phát triển của đạo Phật, “kinh điển Phật giáo được dịch ra chữ Hán đầu tiên ở Việt Nam, Phật giáo được đưa đến Việt Nam trước khi đi vào lục địa Trung Quốc” [1; 93]. “Sự du nhập của Phật giáo vào nước ta ở những bước căn bản đầu tiên thật ra không phải xuất phát từ Trung Hoa, mà chính là được truyền vào trực tiếp từ Ấn Độ.” [2] Điều này đã được rất nhiều nhà nghiên cứu chuyên sâu về Phật học minh chứng và khẳng định [3]. “Đạo Phật xuất hiện ở Việt Nam từ xa xưa trong các truyền thuyết và truyện cổ tích. Lĩnh Nam Chích Quái (viết vào thời Trần và hiệu chỉnh thời Lê) có chép truyện Chử Đồng Tử và Man Nương, trong đó Chử Đồng Tử, sống vào thời Hùng Vương được một vị tăng là Ngưỡng Quang truyền phép” [2]. Trong các công trình của mình, nhà nghiên cứu Vũ Thế Ngọc đã tổng hợp, cung cấp nhiều bằng chứng cho thấy, ngay cả ở thời thịnh Đường, khi Phật Giáo là tôn giáo mạnh nhất, chi phối toàn diện và sâu sắc các sinh hoạt văn hóa tri thức, cung đình ở Trung Quốc, “triều đình cũng phải cung thỉnh các nhà sư Duy Giám, Phụng Đình… từ Giao Châu vượt vạn dặm để đến tận triều đình giảng kinh..” [1; 93]. Ngay cả khi Thiền tông hình thành và nở rộ trên đất Trung Quốc, thì tầm ảnh hưởng của các thiền sư Giao Châu (Việt Nam) khi đó là không thể phủ nhận. Thậm chí, rất có thể đặt vấn đề rằng tục uống trà – cùng với Phật giáo – trên thực tế đã hình thành và tồn tại ở Việt Nam trước khi được truyền sang Trung Quốc và phát triển đến một trình độ nhất định tại quốc gia này, giống như cách mà văn hóa Trà Đạo Nhật Bản ngày nay chủ yếu kế thừa lối uống trà đời Tống trong quá trình giao lưu với văn hóa Trung Quốc.
2. Bên cạnh huyền thoại về nguồn gốc cây trà gắn với các yếu tố tôn giáo, trong kho tàng văn học dân gian Trung Quốc cũng tồn tại một số thần thoại nhắc tới sự hình thành của cây trà từ thời Thần Nông (khoảng 3.000 năm TCN). Có thể nói, từ xa xưa, nhiều dân tộc Á Đông đã tạo ra một vị thần mà họ cho rằng đã dạy họ cách trồng trọt và an cư trên mảnh đất của mình. Theo các sách thần thoại Trung Hoa, Thần Nông đã “sai mặt trời tỏa sáng và hơi nóng giúp cho cây cỏ sống được nên cũng có tên khác là Viêm Đế (Vua coi về sức nóng)” [1; 08]. Sưu Thần Ký miêu tả rằng “Thần Nông còn có một cái roi thần, đánh roi vào các loài cây cỏ thì các tính chất lành, độc, nhiệt, hàn… của từng loại tự nhiên hiện lên. Thần dựa vào các tính chất đó để trị bệnh cho loài người, cũng như dạy loài người trồng các cây cỏ có ích” [1; 09]. Để minh chứng về sự tồn tại của cây trà dưới thời Thần Nông, các học giả Trung Quốc đã viện chứng nhiều thư tịch cổ, trong đó nổi bật là sách Bản Thảo – cuốn sách cổ nhất về y học Trung Quốc. Tác phẩm này tương truyền do Thần Nông viết ra, song thực chất các nghiên cứu gần đây cho thấy nó ra đời dưới thời nhà Hán (25 – 220 SCN). Không những thế, các học giả hiện đại cũng đã chứng minh được rằng những đoạn viết về trà thực chất chỉ mới được thêm vào từ thời nhà Đường (618 – 907). Vì vậy, việc sử dụng truyền thuyết Thần Nông để chứng minh về sự tồn tại của cây trà cổ đại xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc cũng không thực sự có sức thuyết phục và được giới nghiên cứu quốc tế đồng tình đón nhận.
Trên thực tế, không chỉ tại Trung Quốc mà ở nhiều quốc gia Đông Á khác, các dị bản thần thoại về Thần Nông cũng đã xuất hiện từ rất sớm, trong đó có Việt Nam. Thậm chí, người Việt cổ đã có ý thức sâu sắc về nguồn gốc nông nghiệp thuần túy của dân tộc khi tự coi mình là con cháu vị thần này: “Đế Minh là cháu ba đời họ Viêm Đế Thần Nông, sinh ra Đế Nghi. Đi tuần về phía Nam đến núi Ngũ Lĩnh lấy được con gái bà Vụ Tiên, sinh ra Lộc Tục… Phong Lộc Tục (con được gọi Kinh Dương Vương) để trị phương Nam, lấy tên nước là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương có tài đi dưới thủy phủ, sau đó lại lấy con gái Long Vương ở hồ Động Đình, sinh ra Sùng Lãm hiệu là Lạc Long Quân…” (Truyện Họ Hồng Bàng, Lĩnh Nam Chích Quái) [1; 08-09]. Trong nhiều năm trở lại đây, các học giả hiện đại đã có thêm nhiều bằng chứng nhân chủng học và khảo cổ học để khẳng định rằng bộ tộc Bách Việt phía Nam sông Dương Tử với nền văn minh nông nghiệp lâu đời chính là tổ tiên của người Việt cổ, phát triển song song với nền văn minh du mục của các bộ tộc phương Bắc Trung Quốc. Sách Hán thư (漢書) cũng đã viết rằng: “Trong vòng 7 hoặc 8 nghìn dặm từ Giao Chỉ (đồng bằng sông Hồng) tới Cối Kê (thuộc vùng Bắc Chiết Giang), ở đâu cũng có Bách Việt, mỗi nhóm có các thị tộc của mình.” [4]. Do đó, hoàn toàn có cơ sở để khẳng định như GS. Vũ Thế Ngọc rằng “chính những người này đã dạy dân tộc Trung Quốc biết đến nghề nông”. Trong công trình Trà kinh: Nghệ thuật thưởng trà trong lịch sử & văn hóa Đông phương nổi tiếng của mình, ông đã dẫn ra những chứng cớ cụ thể cho thấy “giới nghiên cứu quốc tế đã khẳng định bằng phương pháp đo phóng xạ Carbon các cổ vật, để chứng minh Việt Nam đã biết đến Nông nghiệp trước Trung Quốc khoảng 500 năm. Các di tích mới đào được ở vùng Ân Khư, ngày nay là huyện An Dương, tỉnh Hồ Nam (kinh cũ thời nhà Thương) đã cho thấy có rất nhiều cổ vật có dấu vết Lạc Việt: Từ các hình cá sấu, trâu, voi, trĩ ến loại đồ gốm đen…” [1; 09] Do đó, trên thực tế, với nguồn gốc Thần Nông và truyền thống trồng trọt lâu đời đã được xác định rõ ràng, những cư dân Việt cổ rất có thể đã khám phá ra những giống trà đầu tiên của nhân loại; biết chế biến, sử dụng chúng và thậm chí đã truyền bá văn hóa trà sang Trung Quốc thay vì tiếp nhận một cách bị động.
3. Xét trên khía cạnh sinh học về nguồn gốc thực vật của cây trà, dễ nhận thấy, hiện nay hầu hết các giống trà trên thế giới đều bắt nguồn từ cây trà cổ của Trung Quốc có tên khoa học là Camellia Sinensis. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu bản địa và quốc tế trong nhiều thập kỉ trước đã cố gắng tìm kiếm dấu vết của các cây trà hoang dã ở Trung Quốc, song họ đã thất bại. Phải đến những năm ba mươi của thế kỉ XX, trong quá trình khai thác thuộc địa tại khu vực Đông Bắc Ấn Độ, người Anh mới tìm thấy một giống trà nguyên thủy có cùng chủng gốc với giống trà cổ Trung Quốc ngày nay. Tiếp đó, các khu vực Tây Tạng, Miến Điện và cả vùng Tây Bắc Việt Nam cũng ghi nhận những phát hiện tương tự. Cuối cùng, sau hàng loạt nỗ lực trên đất Trung Quốc, những cây trà hoang dã đầu tiên đã được tìm thấy và nghiên cứu tại Vân Nam vào khoảng những năm 1960. Hiện nay, vùng đất biên giới này vẫn là nơi sở hữu và bảo tồn hai cây trà cổ nhất thế giới (trà cổ thụ Bang Uy trên 1000 năm tuổi, “lão trà vương” núi Nan Nọa hơn 800 năm tuổi).
Về sự kiện đặc biệt trên mảnh đất Vân Nam nói trên, GS. Vũ Thế Ngọc lí giải: “Nếu nhìn bản đồ Lạc Việt từ thời Hùng Vương dựng nước Văn Lang cho đến thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa, ta thấy vùng đất này cũng là biên giới Lạc Việt, dù tên là “Nam Chiếu”, “Đại Lý”, “Tây Thục”… thì xưa đều thuộc về Quế Lâm của ta. Loại trà rừng này chỉ khác là cho nước đậm hơn, nhưng kém hương hơn loại trà Trung Quốc… Cổ thư tịch cổ nhất Việt Nam, tôi chỉ thấy trong sách An Nam Chí Lược của Lê Tắc, một người phản quốc qua Tầu lưu vong, viết khoảng năm 1271, rằng năm Tống Thái Tổ thứ tám (971), vua Đinh Liễn Việt Nam đã phải cống cho Trung Quốc ngà voi, sừng tê, trà thơm… (Khai Bảo tứ niên… Thái Tổ chiếu Liễn vi tiết-đô-sứ, An Nam đô hộ. Bát niên ngũ nguyệt cống kim, bạch, tê giác, tượng nha, hương trà…). Trà Kinh của Lục Vũ cũng khẳng định: “Trà là loại cây quí ở phương Nam…”. Sách Quảng Bác vật chí cũng viết: “Cao Lư là tên một thứ trà, lá lớn, nhị nhỏ, người Nam dùng để uống.” Sách Nghiên Bắc tạp chí cũng viết: “Trà ở Giao Chỉ xanh như rêu, vị cay, nóng…”. Tất cả những cổ thư tịch này, kể cả An Nam Chí Lược, cũng đều là sách của Trung Quốc…” [1; 12]. Mặc dù hầu hết thư tịch cổ tại Việt Nam trước thời Hậu Lê đã bị quân Minh đốt phá, song vẫn có thể viện dẫn một số tư liệu khảo cứu địa dư trung đại thời kì sau đã đề cập tới sự xuất hiện của cây trà trên đất Việt: Trong Nam Vũ Cống (Dư Địa Chí), Nguyễn Trãi nhắc tới “loại trà “Tước Thiệt” danh tiếng sản xuất ở Quảng Trị, Việt Nam…” [1; 94]. Sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn (1726-1784), mục IX về Phẩm vật có ghi: “Trà là một loại cây quý ở Phương Nam, cây như Qua lô, lá như chi tử (dành-dành) hoa như tường vi trắng (loại hoa hồng nhỏ) quả như Tinh Biền Lư, nhị như đinh hương, vị rất hàn.” Tất cả các dẫn chứng trên đều ủng hộ một kết luận rằng nước ta đã biết đến trà trước Trung Quốc và nhiều khu vực khác trên thế giới từ rất lâu. Thậm chí, Việt Nam còn có thể được xem như quê hương của trà, nơi xuất hiện những cây trà đầu tiên của nhân loại.
4. Một sự kiện tiêu biểu đánh dấu bước ngoặt của cuộc tìm kiếm dấu vết cây trà cổ trên đất Việt đã được ghi nhận vào năm 1976. Djemukhatze – viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô khi ấy đã tới “nghiên cứu vùng trà cổ thụ tại Việt Nam trong hai năm liền bằng phương pháp sinh hóa thực vật” và “tìm ra những vết tích cây và lá trà hóa thạch từ thời đồ đá ở vùng đất tổ Hùng Vương Phú Thọ. Tại vùng Suối Giàng, Nghĩa Lộ, Yên Bái trên độ cao khoảng 1,000 thước trên mặt biển, có một vùng trà hoang dại khoảng 40,000 cây, có ba cây trà cổ thụ sống hàng ngàn năm, cây lớn nhất chiều cao khoảng 9 thước, vòng thân độ ba người ôm không xuể; ở vùng cao Bắc Lạng có những cây Trà hoang cổ thụ cao tới 18 thước. Do đó, ông xác định Việt Nam chính là quê hương của cây trà trên thế giới.” [5] Trong cuốn sổ lưu niệm ở xã Suối Giàng còn lưu lại bút tích của ông như sau: “Tôi đã đi qua 120 nước có cây chè trên thế giới nhưng chưa thấy ở đâu có cây chè lâu năm như ở Suối Giàng, phải chăng đây là nơi phát tích của cây chè? Chè ở đây độc đáo, trong bát nước chè xanh có đủ 18 vị đầu đẳng của chè thế giới”. Tuy nhiên, “không dừng lại ở những cảm xúc nồng nhiệt ban đầu dành cho cây chè Suối Giàng, bằng những thực nghiệm khoa học, dựa trên “thuyết tiến hóa” của nhà bác học Darwin, Djemukhatze đã có các kết quả thực nghiệm về sự hình thành và tích lũy catechin (tinh chất chè xanh) trong cây chè hoang dã ở Suối Giàng, đối chiếu với các vùng chè khác trên thế giới để cho ra một kết quả bất ngờ và đầy thuyết phục” [6]. Theo đó, ông đã đề xuất sơ đồ quá trình tiến hóa hóa sinh của cây chè thế giới như sau: “Camelia Thea wetnamica (chè Việt Nam) – Thea fuinamica (chè Vân Nam lá to) – Thea sinensis (chè Trung Quốc lá nhỏ)- Thea assamica (chè Assam Ấn Độ). Với chiết xuất catechin từ các mẫu chè cổ của Việt Nam (mà cụ thể là ở Suối Giàng) viện sĩ Djemukhatze đã đề xuất tên khoa học mới cho cây chè là Thea wetnamica (chè gốc Việt Nam) thay cho tên khoa học Thea sinensis (chè gốc Trung Hoa). Công trình khoa học về cây chè Việt của ông đã được Nhà xuất bản khoa học Matxcơva đưa in vào năm 1976 dưới tên gọi “Cây chè ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” và đã được dịch ra tiếng Việt” [6]. Thật vậy, xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) xưa nay vốn là vùng đất nổi tiếng với những cây trà Shan Tuyết cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm. Đặc biệt, các cây trà cổ thụ trên 300 năm tuổi ở đây đã được xếp vào một trong sáu cây chè thủy tổ của thế giới. Hiện nay, cây trà cổ nhất ở Suối Giàng đã có tuổi thọ trên 400 năm tuổi, được người dân gọi là “cây chè tổ”. Đây chính là minh chứng cụ thể, sinh động và rõ ràng nhất cho thấy những cây trà đầu tiên của nhân loại đã xuất hiện từ rất lâu trên đất Việt.
Ngược dòng lịch sử trở lại thời điểm những huyền thoại, thư tịch xưa về trà bắt đầu xuất hiện, cho tới những nghiên cứu khảo cổ, nhân chủng, văn hóa học hiện đại cung cấp các bằng chứng thực tế về một nền nông nghiệp nơi những cây trà tự nhiên được trồng trọt, canh tác từ rất sớm; dễ nhận thấy, người Việt cổ hoàn toàn có thể là những chủ nhân đầu tiên của văn hóa trà từ buổi sơ khởi. Những phát hiện này đã được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tổng hợp, phân tích, đánh giá một cách khách quan về tính khả thi, sức thuyết phục mạnh mẽ của nó trong toàn bộ bối cảnh lịch đại. Đây chính là những cơ sở đầu tiên giúp định hình một nền văn hóa trà lâu đời, cổ xưa tại Việt Nam; giúp chúng ta hiểu sâu hơn về một nét đẹp ẩm thực của xứ sở, từ đó thêm trân trọng và tự hào về những giá trị ngàn đời mà cha ông ta đã dày công gây dựng, bảo tồn và gìn giữ.■ (còn nữa)
Đinh Thảo
(Theo Tạp chí Phương Đông)
Tài liệu tham khảo:
[1] Trà kinh: Nghệ thuật thưởng trà trong lịch sử & văn hóa Đông phương, Vũ Thế Ngọc. NXB Từ điển Bách khoa, 2014.
[2] Sơ lược nguồn gốc lịch sử Phật giáo Việt Nam từ thời kỳ du nhập đến nay, Thượng tọa Thích Thiện Hạnh – Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội. Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số tháng 11/2018.
[3] Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám, Trần Văn Giàu. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993.
[4] Bách Việt, Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.[5] Trà và Trà Đạo trong mắt người thưởng trà, Hoài Hương. vovworld.vn -VOV5, Ban Đối ngoại – Đài Tiếng nói Việt Nam, 21/05/2020.[6] Con đường trà Việt – Kỳ 1: Nơi “thủy tổ” của chè rừng Việt. Lê Đức Dục, Đức Bình. Báo Tuổi Trẻ Online, 11/11/2016.
[5] Trà và Trà Đạo trong mắt người thưởng trà, Hoài Hương. vovworld.vn -VOV5, Ban Đối ngoại – Đài Tiếng nói Việt Nam, 21/05/2020.
[6] Con đường trà Việt – Kỳ 1: Nơi “thủy tổ” của chè rừng Việt. Lê Đức Dục, Đức Bình. Báo Tuổi Trẻ Online, 11/11/2016.