Cần coi trọng môn lịch sử

Trong mấy năm gần đây, vấn đề dạy sử, học sử trong nhà trường ở các cấp học phổ thông đã được dư luận xã hội cũng như ngành giáo dục và giới nghiên cứu bàn luận rất nhiều sau khi có một số ý kiến đề xuất việc lồng ghép môn Lịch sử vào một số môn học khác và bỏ hẳn việc tổ chức thi môn Lịch sử trong các cấp học phổ thông. Điều này cũng xuất phát từ thực tế là một bộ phận không nhỏ học sinh lười học sử, chán học sử và số lượng bài thi môn Lịch sử đạt điểm kém rất cao. Đề xuất này được không ít người tán thành nhưng nhìn chung đã vấp phải phản ứng dữ dội của dư luận xã hội, giới nghiên cứu, nên đã tạm thời lắng xuống. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số người vẫn nêu lại vấn đề đó. Nhân đây, chúng tôi có đôi lời bàn thêm về câu chuyện học sử, dạy sử nhằm góp thêm một ý kiến về vấn đề này.

Lịch sử là môn học về quá khứ, liên quan đến sự hình thành và phát triển của quốc gia, đến vận mệnh của dân tộc cũng như của các quốc gia trên thế giới, do vậy cần được nhận thức trong một hệ thống kiến thức và cần nhìn nhận, xác định rõ vai trò, vị trí của môn học này. Lịch sử là một môn khoa học không chỉ hàm chứa tri thức của nhân loại mà còn chất chứa tình cảm thiêng liêng của mỗi người dân với đất nước mình, dân tộc mình. Lịch sử của mỗi quốc gia có số phận riêng được quyết định bởi đặc điểm địa lý nhân văn và bản lĩnh của dân tộc đó. Lịch sử cũng là “kho chứa”, là sự tích hợp các giá trị và cũng vì thế, lịch sử trở thành một trong những điểm tựa của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia trên con đường phát triển. Nếu không hiểu biết lịch sử, không thể khơi dậy và duy trì lòng yêu nước và nếu không có lòng yêu nước, không thể bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia. Mặt khác, không hiểu biết lịch sử, không thể xác định được dân tộc mình, quốc gia mình đang ở đâu; đâu là mặt mạnh, là điểm yếu; đâu là con đường để sánh bước cùng nhân loại trong tương lai. Do vậy, hoàn toàn có cơ sở nếu ai đó nói rằng: Những người trẻ không quan tâm tới lịch sử hoặc rời xa môn học Lịch sử sẽ là một “thảm họa” đối với dân tộc… Điều này lý giải tại sao việc tích hợp môn Lịch sử vào môn học Công dân với Tổ quốc lại nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Thời đại nào cũng vậy, Lịch sử nói riêng và các môn khoa học xã hội nhân văn đều hướng tới mục đích là thông qua tri thức của mỗi cộng đồng, quốc gia, dân tộc được tích lũy qua nhiều thế hệ để xây dựng nhân cách con người. Do vậy, vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất của việc dạy sử không phải là những sự kiện, những nhân vật mà là sự thật. Người dạy sử không thể che giấu sự thật bởi chỉ có sự thật mới định hình được tư duy của con người về quy luật cuộc sống và của từng thời đại. Mặc khác, bên cạnh việc cung cấp kiến thức, người dạy phải mang đến cho người học phương pháp tiếp cận đúng đắn để họ có thể nhận thức được quy luật phát triển của quá khứ và hiện tại và qua đó tìm ra con đường hướng tới tương lai. Lịch sử là niềm kiêu hãnh, là khúc tráng ca, là cả những đau đớn và thật sự là bài học kinh nghiệm để thế hệ sau nhận rõ những cạm bẫy, chông gai để không mắc phải sai lầm của thế hệ đi trước… Vì vậy, cần đánh giá đúng vai trò của môn học Lịch sử và đặt đúng vị trí môn học này trong chương trình phổ thông.

Tượng đài Vua Lý Thái Tổ tại Thủ đô Hà Nội

Không biết gì về lịch sử, không học lịch sử, người ta sẽ không hình thành được thái độ trân trọng, tình cảm biết ơn và những việc làm tri ân đối với các bậc tiền bối, các vĩ nhân, danh nhân, các anh hùng, liệt sĩ. Không biết gì về lịch sử, người ta cũng không thể hiểu được, giải thích được bản chất của các hiện tượng, sự việc đang tồn tại, đang vận động và biến đổi không ngừng. Đối với các chính trị gia, các nhà hoạch định chính sách hay làm công tác quản lý xã hội, nếu không hiểu biết gì về lịch sử nói chung, về lịch sử ngành nghề, lĩnh vực mình đảm trách nói riêng, chắc chắn họ sẽ rơi vào tình trạng quan liêu, tùy tiện, giáo điều, kinh nghiệm chủ nghĩa. Người ta sẽ trở thành người vô tâm, vô cảm và “mất gốc” khi không biết mình là ai, không biết lai lịch, nguồn gốc gia đình, quê hương, bản quán của mình như thế nào. Lâu nay việc dạy và học Lịch sử luôn được dư luận xã hội quan tâm đặc biệt vì ý nghĩa đặc biệt của việc thẩm thấu lịch sử dân tộc của các tầng lớp nhân dân. Học lịch sử, hiểu lịch sử, để góp phần làm người có ích.

Thế hệ trẻ hiện nay cần hiểu về lịch sử của dân tộc mình để tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, về thế hệ cha anh đã chiến thắng chủ nghĩa thực dân, đế quốc, để thế hệ hôm nay có trách nhiệm kế tục xứng đáng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện cho kỳ được hoài bão “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Bởi vậy, theo chúng tôi, cần coi trọng và đặt đúng vị trí của của môn lịch sử  trong các cấp học phổ thông như những môn trọng tâm khác và cần đưa môn học này vào các kì thi cử, đồng thời có những cải cách, điều chình phù hợp để việc dạy và học cũng như thi cử môn lịch sử trở nên hấp dẫn và cuốn hút học sinh hơn.

Việc dạy và học môn Lịch sử hiện nay đang tồn tại không ít bất cập và ẩn chứa nhiều hệ lụy rất đáng lo ngại, cần một cuộc đổi mới toàn diện, mang tính cách mạng. Thế nhưng, để công cuộc cải cách mang lại hiệu quả thực tế thì vấn đề quan trọng nhất là phải có nhận thức đúng. Nhận thức đúng sẽ mang đến chỉ đạo và tổ chức thực hiện đúng. Nếu ai đó coi nhẹ vai trò và vị trí của môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông là cực kỳ nguy hiểm. Với một đất nước có hàng nghìn năm lịch sử phải đối mặt với họa xâm lăng thì giáo dục lịch sử, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Trong các cấp học phổ thông hiện nay, môn Lịch sử được coi là môn phụ. Vì là môn phụ nên lịch sử không phải môn thi tốt nghiệp THPT hằng năm, có năm thi, có năm không thi. Năm nào không thi thì không chỉ học sinh muốn “xả hơi”, mà các trường cũng tổ chức học dồn để dành thời gian cho học sinh học môn khác. Thầy cô giáo dạy lịch sử cũng dễ dàng được thay thế bằng thầy cô giáo môn khác, có khi là giáo viên dạy thể dục chẳng hiểu gì về lịch sử. Một môn học bị coi nhẹ đến như vậy thì làm sao có thể nhận được sự quan tâm của học sinh. Theo nhận xét của nhiều nhà sử học, sách giáo khoa lịch sử phổ thông gần như tóm tắt sách sử của người lớn để bắt học sinh học. Xét về mặt kiến thức, sách giáo khoa vừa thừa lại vừa thiếu, thừa những cái không cần thiết, thiếu những nội dung cơ bản, tiêu biểu. Với thực trạng như vậy, học sinh không có hứng thú học môn Lịch sử, học qua loa chiếu lệ, kiến thức bập bõm lơ mơ, thi cử thì tỉ lệ điểm kém rất cao.

Có học giả đã chỉ ra rằng, có sáu nguyên nhân dẫn đến việc điểm thi môn Lịch sử thấp và học sinh không thích học môn Lịch sử: Trước hết, phải thừa nhận rằng, học môn Lịch sử khó và không hấp dẫn. Ðã là lịch sử, nhất thiết phải gắn với sự kiện, nhân vật và hiểu lịch sử nhất định phải nắm vững những sự kiện, nhân vật cơ bản, quan trọng trong suốt quá trình hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Thứ hai, chương trình do Bộ Giáo dục và Ðào tạo quy định là yêu cầu học sinh phải nắm được hầu như tất cả các nội dung về lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới, trong khi đó, số tiết quy định quá ít, chỉ một tiết học trong một tuần. Thứ ba, do yêu cầu của chương trình, nội dung trong sách giáo khoa quá nặng, ôm đồm, thiếu tính chọn lọc, thậm chí một số nội dung thiếu tính liên kết và lô-gích. Nội dung trong sách giáo khoa như một “đĩa nén”, đầy ắp thông tin mà học sinh không thể nhớ hết được, dẫn đến tình trạng “học trước quên sau”. Thứ tư, là một môn phụ, cho nên giáo viên dạy môn Lịch sử chưa tập trung cải tiến nội dung, phương pháp giảng dạy. Tình trạng “dạy chay”, bắt học thuộc lòng một cách máy móc vẫn là tình trạng phổ biến. Thứ năm, việc ra đề thi và đáp án cũng ảnh hưởng đến kết quả thi của học sinh. Không ít đề ra quá khó, nặng về con số và sự kiện, chưa sát với nội dung học; giữa đề thi và đáp án còn có độ vênh, cho nên học sinh khó làm và người chấm cũng khó đánh giá. Thứ sáu, xã hội ta hiện nay chưa coi trọng môn Lịch sử và ngành Lịch sử. Môn Lịch sử thường được xếp vào môn học phụ trong nhà trường. Không những vậy, cơ hội tìm việc làm cho những cử nhân Lịch sử là không nhiều, nếu có thì thu nhập rất thấp.

Những tổng kết và đánh giá trên là rất đầy đủ và xác đáng, nhưng chúng tôi cho rằng có hai nguyên nhân chính: Thứ nhất, do giáo trình, tài liệu, giáo cụ phục vụ cho việc dạy lịch sử quá sơ sài, rời rạc, chắp vá và có phần tùy tiện. Thứ hai, do đội ngũ giáo viên dạy lịch sử thiếu nhiệt huyết, ít đọc, ít sưu tầm các tư liệu lịch sử liên quan, dẫn đến việc giảng lịch sử ở trên lớp chỉ dựa vào giáo án được soạn từ sách giáo khoa. Với cách thức giảng dạy như thế và được diễn đi, diễn lại trong nhiều năm đã khiến cho số đông học sinh, sinh viên cảm thấy nhàm chán, vô bổ. Từ sự cảm nhận đó mà học sinh, sinh viên hình thành tâm lý, thái độ học tập hình thức, đối phó, miễn sao có chứng chỉ, bằng cấp để xin việc, kiếm sống mà thôi

Chúng tôi cho rằng, để thay đổi được chất lượng dạy và học môn lịch sử trong các cấp học phổ thông cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau đây:

Trước hết, về nhận thức các cơ quan có trách nhiệm cần đặt môn Lịch sử đúng với vị trí của nó trong xã hội. Môn Lịch sử phải được coi là một môn trọng tâm như những môn Văn, Toán, từ đó có giải pháp phù hợp đối với việc học môn này trong nhà trường và với việc sử dụng cán bộ ngành khoa học Lịch sử. Ðây là giải pháp đầu tiên mang tính định hướng, chỉ đạo nhắm khuyến khích việc học sinh yêu thích và theo học môn Lịch sử, thực hiện lời căn dặn giản dị mà vô cùng sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

Hai là, việc biên soạn sách giáo khoa lịch sử (chính sử) phải do các giáo sư, các chuyên gia có uy tín trong ngành sử học đảm trách và chỉ đạo để bảo đảm các yêu cầu rõ ràng, đầy đủ, chính xác các sự kiện lịch sử. Những sự kiện lịch sử nào đó có tính chất truyền thuyết, truyền miệng thì nên đưa vào tài liệu tham khảo, chứ không nên coi đó là chính sử. Chẳng hạn, các truyền thuyết “Con rồng cháu tiên” (Bà Âu Cơ sinh trăm trứng, rồi nở ra trăm người con…), “Thánh Gióng” (Thánh Gióng bay về trời…)… là không có căn cứ khoa học để đưa vào chính sử, mà nên coi đó là những câu chuyện dã sử, nhằm tránh sự hoài nghi, thắc mắc của người học. Môn học lịch sử dù được giảng dạy ở cấp nào thì các sự kiện lịch sử cũng phải bảo đảm tính thống nhất về sự chính xác, rõ ràng, đầy đủ, loại trừ sự tùy tiện, sai lệch. Tùy theo cấp học mà các sự kiện lịch sử được phân tích, so sánh, liên hệ và bình luận nhằm đáp ứng nhu cầu học tập và nghiên cứu.

Ba là, các thầy, cô giáo giảng dạy lịch sử cần phải đọc và học thêm rất nhiều, không ngừng cập nhật và bổ sung kiến thức. Việc giảng dạy lịch sử chỉ trở nên hấp dẫn, có ý nghĩa sâu rộng khi các thày, cô giảng dạy lịch sử có kiến thức và sự hiểu biết về các lĩnh vực văn học, địa lý, kinh tế, chính trị, quân sự, dân tộc, tôn giáo… Các thày, cô dạy lịch sử cũng là dạy cả về cách làm người, cách “biết mình, biết người” và cách “đối nhân, xử thế” ở đời.

Bốn là về chương trình và thi cử, Bộ Giáo dục và Ðào tạo cần bố trí chương trình hợp lý trong hệ thống các môn học. Ðặt môn Lịch sử là một trong những môn cơ bản như Toán, Văn; tăng tiết học hợp lý cho môn này. Về giáo trình, giảm yêu cầu kiến thức so với chương trình đã ban hành và theo đó là giảm nội dung, chắt lọc những vấn đề cơ bản mang tính cốt lõi và xuyên suốt của lịch sử Việt Nam hạn chế những vấn đề, nhân vật, sự kiện không tiêu biểu, mang tính tiểu tiết. Ðề thi phải rõ ràng, chính xác, tránh tình trạng đề bài có nhiều cách làm, trong khi đáp án chỉ có một. Nội dung đề thi cùng với việc kiểm tra kiến thức cơ bản, cần đưa ra vấn đề “mở” để đánh giá kiến thức chung, kỹ năng, sự sáng tạo của học sinh.

Năm là, muốn cho môn học Lịch sử hấp dẫn và có ý nghĩa thiết thực, gây ấn tượng sâu sắc, việc tổ chức cho học sinh đi tham quan các di tích, bảo tàng lịch sử hay xem phim ảnh lịch sử cũng rất nên được các cấp nhà trường quan tâm thực hiện. Ngoài ra, các thày, cô giảng dạy môn Lịch sử cũng cần được tổ chức những buổi ngoại khóa, mời các giáo sư, các nhà nghiên cứu có uy tín trong ngành sử học đến thỉnh giảng; hoặc tổ chức thảo luận, tọa đàm theo chuyên đề nhằm lôi cuốn học sinh, sinh viên vào việc đọc và sưu tầm hay giới thiệu các tư liệu, tài liệu lịch sử. Đây không chỉ là cách chứng tỏ lịch sử là một môn khoa học xã hội, mà còn là cách khắc phục lối mòn giảng dạy một chiều, có tính chất áp đặt đã tồn tại bao năm nay ở nước ta.

Câu nói của Bác Hồ “Dân ta phải biết sử ta” là một lời dạy giản dị mà vô cùng sâu sắc. Lời dạy đó cần được thấm nhuần và tổ chức thực hiện thật tốt trong dạy và học môn Lịch sử ở hệ thống trường phổ thông của nước ta.■

Kim Sơn

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN