Trải qua nhiều thăng trầm trong quá trình hình thành và phát triển, có thể nói, trà Việt chưa từng chứng kiến một thời kì nhiều khởi sắc và tạo dựng được một chỗ đứng vững mạnh trên toàn thế giới như hiện nay. Thành tựu ấy là kết quả của sự đầu tư, vào cuộc của rất nhiều cá nhân, tổ chức; song chúng ta không thể không nhắc tới công lao to lớn của những người đi tiên phong mở đường. Họ đã cắm những cột mốc đầu tiên trên hành trình phát triển trà Việt đương đại, kế thừa những thành tựu quá khứ và định hướng tương lai. Ở đất Kinh kỳ Hà thành – trung tâm văn hiến ngàn năm, cái nôi của những cách chế biến độc đáo và những loại trà trứ danh đã đạt đến đỉnh cao tinh hoa trà dân tộc, hiện có rất nhiều không gian trà đặc biệt, do những con người đặc biệt tạo ra để chia sẻ và lan tỏa văn hóa trà, bằng tất cả tâm huyết tìm ra hướng đi riêng, định danh trà Việt trên bản đồ trà thế giới. Nằm cách xa những ồn ào của phố thị, trên những căn gác nhỏ, trong những con ngõ sâu,…những quán trà như vậy vẫn tồn tại bên cạnh các quán cafe, quán bar sôi động, náo nhiệt. Đây là nơi âm thầm bảo tồn, nuôi dưỡng mạch nguồn văn hóa trà Việt, văn hóa dân tộc giữa lòng thủ đô. Trong đó không thể không nhắc đến không gian Thưởng trà của trà sư Nguyễn Việt Bắc tại khu tập thể số 2 Tông Đản và Hiền Minh Tea của trà sư Nguyễn Việt Hùng tại số 13 Ngô Tất Tô – hai trà sư trẻ, tuổi đời mới ngoài 30 song tên tuổi đã trở nên nổi bật bởi những cống hiến bền bỉ, miệt mài của họ trong hành trình mang trà Việt ra thế giới.
Bước lên căn gác nhỏ ở phố Tông Đản, Hà Nội để đến với Thưởng trà, ta như lạc vào một không gian thanh mát, tĩnh lặng, trầm mặc. Bắt đầu với bể cá nhỏ ở lối vào, Thưởng trà được bài trí theo phong cách tối giản, xung quanh bày một vài bộ bàn ghế gỗ với mùi thơm mát của sen đầu mùa, khiến ta liên tưởng tới những quán trà đơn sơ dưới gốc đa đầu làng ngày xưa. Anh Bắc – chủ nhân của quán trà cũng bình dị như chính không gian trà mà anh tạo ra. Xuất thân là dân kỹ thuật, đến một ngày, khi không còn hứng thú với công việc đang làm, anh đã tìm đến trà và cảm thấy được sự bình yên mà trước giờ anh luôn thiếu vắng. Trà xua tan mệt mỏi, mang lại cho anh nhiều niềm vui. Như một lẽ tự nhiên, anh từ bỏ công việc khi ấy và tự mở một ngôi quán nhỏ, sau hơn 10 năm thăng trầm đã phát triển thành không gian Thưởng trà như hiện nay. Anh cho biết, khi bản thân hạnh phúc với việc mình đang làm và đầu tư cho nó một cách nghiêm túc, kiên quyết đi đến cùng thì những kết quả phái sinh từ đó cũng là những trái ngọt. Ngành trà Việt Nam trở nên khởi sắc do nó được phát triển bởi chính những con người hạnh phúc, sống hết mình với đam mê như anh. Đó cũng chính là động lực phát triển chung của một quốc gia vậy.
Nói về xu thế phát triển của ngành trà ở nước ta, anh cho biết, ban đầu chúng ta mới chỉ sản xuất theo mô hình nhà xưởng kiểu Liên Xô với một cách chế biến duy nhất trên tất cả các vùng trà Việt Nam. Sau đó, qua quá trình giao thương, học hỏi, tiếp xúc văn hóa với Trung Quốc, chúng ta cũng dần biết tới những phương pháp chế biến phổ nhĩ sống, bạch trà, hồng trà… đa dạng hóa nguồn trà và cách chế biến. Đặc biệt, chúng ta đã biết cách sử dụng trà shan cổ thụ mọc trên đất nước mình để tạo ra nguyên liệu mang lại giá trị kinh tế cao. Các nhà chế biến ở Việt Nam đang dần có động lực để sản xuất, cạnh tranh và trà Việt bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường trà thế giới. Trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, chúng ta đã sở hữu những loại trà với phẩm cấp cao, vượt xa so với trình độ chế biến ban đầu. Các bạn trẻ quan tâm và sử dụng trà; báo chí, truyền thông và những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật cũng bắt đầu quan tâm tới giá trị thẩm mỹ của trà. Là một trong ba vùng nguyên liệu, nguyên sản lớn nhất thế giới; chúng ta có những cây trà quý mà không thể canh tác được ở một nơi nào khác. Tuy nhiên, anh cũng bày tỏ quan ngại, nếu chúng ta không khai thác đúng cách và có những hướng đi, hướng bảo tồn, phát triển khoa học và có trách nhiệm thì cây trà cổ thụ Việt Nam cũng sẽ có nguy cơ trở thành một nguồn tài nguyên tuyệt chủng. Đề xuất hướng đi đúng đắn, anh Bắc cho rằng, chúng ta phải tập trung toàn lực để nghiên cứu sâu hơn về cây trà Việt. Việc này rất cần sự tham gia và giám sát sát sao của chính phủ. Cụ thể, chúng ta cần nghiên cứu gen, giống trà trên đất Việt, nghiên cứu nội chất, khí hậu, thổ nhưỡng, điều kiện nguyên sinh, tái tạo nó và tìm ra một quy trình chế biến thực sự phù hợp với đặc tính của cây trà shan Việt Nam. Phương pháp chế biến mà các thương lái Trung Quốc mang sang vốn không hề tối ưu ở Việt Nam do dạng nguyên liệu và các điều kiện sinh trưởng của cây ở hai nước là khác nhau. Do đó, trong giai đoạn đầu, một nền trà non trẻ cần có sự học hỏi, nhưng rõ ràng khi đã phát triển đến một trình độ nhất định chúng ta cần phải tách ra và hình thành những hướng đi riêng. Hiện nay, ở Việt Nam mới chỉ có những cá nhân làm trà, phát triển trà với các cách thức độc lập. Chính phủ và các tổ chức, doanh nghiệp cần triển khai những chính sách để những cá nhân đó kết nối được với nhau. Khi ấy, chúng ta sẽ có được sức mạnh tổng thể để cùng chung sức định danh trà Việt trên bản đồ trà thế giới.
Xuất phát từ hướng đi ấy, anh Bắc không lựa chọn cách an phận ở trong trà thất của mình, mà bôn ba khắp mọi miền Tổ quốc với tư cách một nhà nghiên cứu muốn kết nối với những người cùng chí hướng. Anh cho rằng, trà là một khoa học tổng hợp, hội tụ trong nó rất nhiều các lĩnh vực khác như, lâm nghiệp, nông nghiệp, nghệ thuật, xã hội học, văn hóa học, thương mại, công nghiệp… Bởi vậy, anh phải liên tục hỏi học và cập nhật kiến thức của tất cả các ngành này và niềm hạnh phúc lớn nhất của anh là nhận được sự giúp đỡ từ những chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực đó. Không những vậy, anh còn phải đứng từ góc độ liên ngành để nhìn vào trà. Anh đặc biệt quan tâm tới cà phê, rượu vang; dành thời gian tìm hiểu cặn kẽ, trò chuyện với những chuyên gia về các loại đồ uống này, và tìm kiếm những góc nhìn mới mẻ từ họ để so sánh, đối chiếu, từ đó hiểu thêm về chính ngành của mình. Anh cho biết thêm, trên nền tảng nghiên cứu trà tại Việt Nam hiện nay, có rất nhiều thứ chưa được đặt tên, và phải kiến tạo một hệ thống thuật ngữ dành riêng cho trà, gắn liền với những thiên tính thẩm mỹ thuộc về bản chất cốt lõi của nó. Giả dụ, dân gian vẫn dùng từ “ướp” để nói về cách làm trà đặc trưng của Việt Nam, song cá nhân anh nhận thấy từ này vẫn còn khá phổ quát, có thể dùng với cả những hoạt động sinh hoạt thông thường khác như “ướp cá”, “ướp thịt”… nên không thể “nhắm mắt cho qua” với trà. Bởi lẽ, đây không đơn thuần chỉ là ủ một lớp trà trong đóa sen hay bông ngọc lan, mà nó đòi hỏi sự công phu, tỉ mẩn hơn về kỹ thuật, sự kiên nhẫn và tài hoa của người nghệ nhân, nên anh đã dùng từ “dệt” (“dệt hương trà”). Thuật ngữ này đã đi vào đời sống văn hóa trà Việt và không thể tái sử dụng trong một ngành khác với cách hiểu tương tự. Không những thế, hiện nay có rất nhiều các bạn nữ trẻ tìm đến trà, tham gia các khóa học về trà, pha trà, chế biến trà thủ công và làm việc trong các không gian trà đương đại, song chưa từng có một danh xưng dành riêng cho đối tượng này. Do đó, anh đã đặt ra thuật ngữ “trà nương” – một cách gọi trìu mến, trang trọng và cũng được mọi người đón nhận một cách hết sức tâm đắc. Có lẽ, việc định danh văn hóa trà ở Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung nên đi từ chính những tiểu tiết như vậy và dần dần phát triển thành một hệ thống vững vàng, có cơ sở khoa học để tồn tại độc lập, dài lâu. Đây chính là những tìm tòi, trăn trở ngày đêm thôi thúc anh cùng nhiều trà sư và các nhà nghiên cứu khác trên con đường khẳng định căn tính, bản sắc trà Việt.
Một trong những nghiên cứu tâm huyết và mang nhiều tham vọng nhất của anh Bắc hiện nay đó chính là việc xây dựng “trà đạo Việt”. Trên thực tế, nhiều người vẫn thường đề cập tới “trà đạo”, song chưa thật sự hiểu và giải quyết một cách riết ráo để tìm ra hướng đi đúng đắn cho việc kiến tạo đạo trà của riêng người Việt. Anh Bắc phân tích, cốt lõi, căn cơ duy nhất của trà đạo gắn liền với thẩm mỹ, triết học và thực hành thiền. Nói đúng hơn, nó bắt nguồn từ thiền môn và khi đủ điều kiện để sắp xếp thành một cấu trúc riêng, tách ra đứng độc lập và tồn tại trong trạng thái phổ cập thì nó trở thành “đạo”. Nhật Bản và Trung Hoa – nơi phát tích của nhiều dòng thiền lớn, được xem là hai cái nôi của trà đạo thế giới. Ở Việt Nam trước đây chưa từng có “trà đạo”, song chúng ta hoàn toàn có khả năng hình thành “trà đạo Việt”. Và anh Bắc chính là người tiên phong theo đuổi con đường đó. Với anh, trà đạo bao giờ cũng bắt đầu với một nền tảng triết thuyết cụ thể. Để biến trà thành một thứ đạo, một tôn giáo; cũng cần phải có đức tin, giáo lý, giáo dân, giáo chủ, giáo đường, trải qua một quá trình hình thành và đặc biệt, nó phải giải quyết được các vấn đề của người Việt tại thời điểm mà nó ra đời. Việt Nam có thể làm trà đạo ở Yên Tử. Trà sư Nguyễn Việt Bắc cho rằng, đây là nơi duy nhất đủ tư cách, điều kiện và các yếu tố để xây dựng trà đạo và kiến tạo bản sắc trà đạo Việt. Bởi lẽ, Thiền phái Trúc Lâm là một thiền phái thuần Việt, được gây dựng bởi Phật hoàng Trần Nhân Tông – một vị vua Việt Nam, một hình tượng được tất thảy người Việt kính trọng, ngưỡng mộ và gửi gắm đức tin thiêng liêng của mình. Ông có lý thuyết, triết học riêng và đã tạo ra được một hệ phái thiền cụ thể, lâu đời. Thế giới đã công nhận Thiền phái Trúc Lâm là một thiền phái độc lập so với các hệ thống thiền khác trên thế giới. Nó có giá trị ngang hàng với Thiền tông Trung Hoa hay hệ phái Zen của Nhật Bản. Đó chính là giá trị riêng của người Việt, được hình thành và kiến tạo bởi người Việt và cho người Việt. Trong hệ thống đó, giáo chủ chính là Phật Hoàng, giáo lý là Trúc Lâm tùng thư với các giáo dân quần tụ tại giáo đường ở Yên Tử. Đây là bốn căn cứ đầy đủ để hình thành trà đạo Việt. Tại Yên Tử, trà luôn là thức uống ưa thích của Phật tử. Sau khi nhập đạo, nếu giáo dân muốn lựa chọn một thú chơi tao nhã giúp luyện rèn công phu tu tập, thì đó chính là trà. Ở trà có nhiều đặc tính dẫn thiền, khác hẳn những thứ đồ uống khác. Bởi thế, trà trở thành một cọc bích của con tàu tinh thần mà người ta có thể neo vào đó để tri nhận được những giá trị Thiền học. Anh Bắc hiện đang làm việc với các thiền sư của phái Trúc Lâm Yên Tử, và bắt tay vào việc xây dựng, hình thành trà đạo Việt từ chính cộng đồng Phật tử nơi đây. Khi thiền trà tách được khỏi môi trường Yên Tử và có thể được thực hành ở bất cứ đâu trên đất nước Việt Nam, ta mới có thể khẳng định được đó là “trà đạo Việt”. Những người như anh Bắc vẫn đang nỗ lực hết mình vì mục tiêu ấy.
Bởi lẽ, hơn tất cả, anh hiểu rằng người Việt không thể tham gia trà đạo Nhật hay trà đạo Trung Quốc, bởi những nghi lễ đó không giải quyết được những vấn đề mà dân tộc Việt phải đối mặt. Thẳm sâu trong mỗi người Việt chúng ta có rất nhiều nỗi đau, trong đó có những nỗi đau kéo dài, đầy ám ảnh như chiến tranh, binh lửa và gánh nặng mưu sinh. Ký ức tập thể của người Việt trong một thời gian rất lâu đã bị bao phủ bởi cái đói, tiếng bom rơi đạn nổ cùng những cuộc tản cư. Cho đến tận ngày hôm nay, ai trong mỗi chúng ta cũng đều mang trong mình những nỗi bất an, lo sợ rủi ro, không ổn định trong cuộc sống như vậy. Trà đạo Việt, do đó, nhất thiết phải ra đời và trở thành một nơi nương tựa, giúp người Việt tìm được sự an yên cho linh hồn của mình thay vì đi thực hành, vay mượn những đạo trà khác. Nhận thức được sứ mệnh đó, khi mới bắt tay vào gây dựng trà đạo Việt, anh Bắc đã có những bước đi rất thận trọng, nghiêm túc. Anh bắt đầu từ những gì cơ bản nhất như học thiền, đọc Kinh kệ, nghiên cứu giáo lý Trúc Lâm và tìm hiểu về Phật Hoàng Trần Nhân Tông, đặc biệt là hệ thống tư tưởng, quan niệm của ông. Anh gần như đi từ con số “không”, sắp xếp lại tư duy, chọn lọc kiến thức, thao tác từng bước và lựa chọn từng địa điểm phù hợp. Tất cả những sự lựa chọn, sắp xếp, thao tác như vậy đều có một lí do cặn kẽ đằng sau, đó chính là việc giải quyết các vấn đề về tâm hồn rất cụ thể của người thực hành trà đạo. Nét đẹp thẩm mỹ, tư duy triết học…tất cả những điều đó đều được kết đọng từ tâm thức người Việt, và giải quyết những nỗi bất an sâu kín trong tâm hồn người Việt tự bao đời. Nói về tương lai của việc phát triển trà đạo Việt, anh cho rằng, các bạn trẻ ngày nay là những truyền nhân tiềm năng, những người có thể hoàn thiện và mang trà đạo Việt đi xa hơn ra thế giới. Được sinh ra khi đất nước hòa bình, ít phải chịu đựng sự thiếu thốn, đói khổ nên những người trẻ có nhiều điều kiện chăm lo cho đời sống tinh thần hơn so với thế hệ trước. Đây cũng là lí do mà hiện nay, rất nhiều bạn trẻ lựa chọn tìm đến trà và lĩnh hội trọn vẹn những giá trị tươi mới mà trà mang lại cho đời sống của mình. Tuy nhiên, họ cũng cần có những người dẫn dắt tận tâm để có thể đi đúng hướng và tiến xa hơn trên con đường này. Anh Bắc cùng các cộng sự chắc chắn sẽ là những người đi tiên phong, dẫn dắt những thế hệ trà sư, trà nương tiếp theo hoàn thiện mục tiêu kiến tạo “trà đạo Việt” mà anh đã dành gần như toàn bộ sự nghiệp của mình để nuôi dưỡng, ấp ủ và đặt nền móng. Rời khỏi Thưởng trà quán, nghe như hương vị của ấm bạch trà và những hi vọng về tương lai trà Việt vẫn vấn vít đâu đây…
Nằm nép mình ở một góc khiêm tốn trên con phố Ngô Tất Tố, gần khu di tích Văn Miếu cổ kính, trang nghiêm, mang đậm hồn cốt Hà thành, Hiền Minh Tea được đặt theo tên của cậu bé con trai người chủ quán – anh Nguyễn Việt Hùng. Bước vào ngôi quán có mái ngói nâu quen thuộc và cầu thang gỗ đơn sơ, tâm hồn ta như được tưới mát trong làn nước của một hồ sen nhỏ dẫn lên khoảng ban công sân vườn xanh mướt. Cách bài trí không gian trong nhà cũng mang lại cảm giác bình yên với những pho tượng Phật bằng đất nung cùng các bức tranh sơn mài với gam màu trầm sâu lắng. Ít ai biết được chủ nhân của ngôi quán giản dị này từng là người vô địch giải Trình diễn trà Tea Master Cup Việt Nam năm 2016 và trở thành đại diện duy nhất của nước ta tham gia cuộc thi ở cấp Quốc tế. Trở về với Hiền Minh Tea, anh lại là một trà sư lặng lẽ chăm chút cho từng mùa nguyên liệu cùng tâm niệm phát triển những nét mộc mạc, đơn sơ mà tinh tế đã làm nên tinh hoa trà Việt để quảng bá ra thế giới những sản phẩm từ đất Việt, do chính đôi bàn tay người Việt tạo nên.
Gia đình anh Hùng thường làm những thức trà theo mùa, không chỉ ủ trà bằng phương pháp truyền thống mà thường có sự tìm tòi, sáng tạo những cách chế biến mới, tạo ra những loại trà độc đáo, tươi ngon nhất, từ đó góp phần phát triển, quảng bá hương vị trà Việt. Vào mùa sen, nhà anh trồng hoa sen làm trà với diện tích đầm khoảng 2 ha. Để hương trà và hương sen hòa quyện vào nhau đòi hỏi người nghệ nhân phải trải qua một quá trình nghiên cứu lâu dài với sự đầu tư công sức, tiền bạc rất lớn cho công tác thử nghiệm và bảo quản. Anh Hùng cho biết, bản thân đã từng tham khảo công nghệ ở rất nhiều nước có nền trà tiên tiến, và ngay cả những cái nôi của trà thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc cũng không nơi nào biết cách sử dụng và ủ sen tinh tế như ở Việt Nam. Nói cách khác, đây là “công nghệ độc quyền” mà một nền văn hóa biết tận dụng, chắt lọc tất cả những tinh túy từ những gì tưởng như giản dị, đơn sơ nhất mới có thể tạo ra được. Từ xa xưa, các nghệ nhân trà Việt đã bắt đầu nghĩ ra cách ủ trà trong những loại hoa có mùi thơm đặc trưng, từ đó làm phong phú thêm hương vị trà xanh cổ truyền. Các loại hoa này thường là những loài có sẵn trong vườn cây của nhiều gia đình Việt với hương thơm tự nhiên như ngâu, cúc, sói, nhài… và đỉnh cao là hoa sen – quốc hoa của đất nước ta và cũng là biểu tượng của Phật giáo, tượng trưng cho sự thanh khiết với mùi hương tao nhã. Đã từng có những bạn trẻ người Nhật đến với Hiền Minh Tea và sau khi được thưởng thức trà sen chế biến theo lối Việt, họ bật khóc vì xúc động trước hương thơm quá đỗi thuần khiết và một lối ủ trà tinh tế bất ngờ mà họ chưa từng được biết đến.
Hiền Minh Tea đã ra đời được 5 năm, song người đặt nền móng cho nó lại là người cậu của anh Hùng. Khi kế thừa “sản nghiệp” này, anh đã có những hướng đi riêng. Khác với cậu mình – người kiên trì sản xuất trà theo lối truyền thống thuần túy, anh Hùng là người ưa chế tác những vị trà mới. Từ lá trà xanh, anh có thể làm ra nhiều hương vị khác nhau, với tham vọng cho trà Việt một danh phận, đưa trà Việt ra thế giới. Anh tâm sự, đất nước ta đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu trà, nhưng những người hiểu được giá trị thật sự của trà Việt thì không nhiều. Chúng ta thường xuất khẩu, bán trà với giá rất rẻ mạt và xuất đến hàng ngàn tấn mỗi năm, nhưng không ai biết rằng Việt Nam cũng sở hữu những loại trà cực phẩm. Chúng ta chưa biết cách tận dụng, tạo ra và bảo quản những loại trà này, để thuyết phục thế giới rằng đất nước mình cũng có những giống trà, loại trà quý sánh ngang với các quốc gia khác trên thế giới; trong khi Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc lại có cách quảng bá rất tốt. Vô địch giải Tea Master Cup, anh Hùng có cơ hội ra nước ngoài thi đấu, nhờ đó mở rộng, học hỏi được rất nhiều từ bạn bè quốc tế, từ khâu làm trà cho tới việc quảng bá, tạo dựng hình ảnh, thương hiệu trà của đất nước mình. Anh nhận ra rằng, chúng ta vẫn chưa tận dụng được hết từng bộ phận của cây trà để làm nguyên liệu, tạo ra một thứ trà ngon, độc đáo. Một cọng gân lá cũng sẽ trở thành một thức trà hấp dẫn, mang lại giá trị kinh tế cao nếu chúng ta biết xử lý, chế biến đúng cách. Nói cách khác, Việt Nam đang đứng trên một vựa nguyên liệu khổng lồ, song chúng ta vẫn chưa khai thác và tận dụng được hết những tiềm năng phong phú ấy.
Dựa trên những nhận thức sâu sắc nói trên, khi bắt tay vào quá trình gây dựng thương hiệu, định danh trà Việt, anh Hùng tập trung vào hai yếu tố. Thứ nhất, anh tự mình đi khảo sát các vùng nguyên liệu, nghiên cứu và tìm tòi những cách thức thu hái, chế biến, bảo quản sao cho trà đạt được độ ngon và tươi mới, chuẩn vị nhất. Cứ vào mỗi vụ trà, gia đình anh Hùng lại lặn lội lên các vùng trà tại Hà Giang, Mộc Châu… để cùng ăn, ở và sinh hoạt như người bản địa, học hỏi, trao đổi kỹ nghệ làm trà và thu hái nguyên liệu. Mỗi chuyến đi như vậy thường kéo dài từ một tới vài tháng. Đó là khoảng thời gian mà anh chị và con trai được trở về thiên nhiên, hòa mình vào cuộc sống nơi núi rừng hoang sơ cùng với người dân bản địa và đắm mình vào công việc yêu thích. Vùng trà là nơi bảo tồn, lưu trữ những kí ức văn hóa của dân tộc, và còn là nơi đơm hoa kết trái cho tình cảm của hai con người yêu trà, đến với nhau bởi cái duyên với nghiệp trà. Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian tương đối khó khăn với những “chuyến xe bão táp” khi đường sá, thời tiết… hết sức gập gềnh, hiểm trở và khắc nghiệt. Song, tình yêu, niềm đam mê và nhiệt huyết cháy bỏng muốn tìm một danh phận cho trà Việt trên bản đồ trà thế giới đã giúp anh Hùng và gia đình vượt qua những thử thách cam go ấy.
Đặc biệt, anh Hùng cho biết, để trà Việt có được chỗ đứng trên thị trường quốc tế, cần “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, tập trung trước hết vào chất lượng thay vì cố gắng chạy đua theo số lượng. Với anh Hùng, yếu tố quan trọng nhất để có được những lá trà ngon là thời điểm thu hái và sự nuôi dưỡng, săn sóc đúng cách nhằm bảo tồn những cây trà cổ thụ Việt Nam thuần chủng. Trong năm, trà shan thường có ba vụ xuân, hè và thu, song anh thường chỉ khai thác nguyên liệu vào hai vụ. Trà vụ xuân sở hữu hương vị nhẹ nhàng, thanh tao, không đắng chát, là vụ mà lá trà đạt được độ ngon tinh tế nhất, do đó gia đình anh thường tập trung khai thác ở thời điểm này. Vụ hè, anh hướng dẫn bà con địa phương cách chăm sóc, “bảo dưỡng”, cho cây trà “nghỉ ngơi” trước khi tiếp tục sản xuất vào vụ thu. Mỗi vụ, anh lại nghiên cứu một cách chế biến sao cho phù hợp và khai thác triệt để các giá trị của nguyên liệu thu hái được. Mùa xuân ít nắng, lá trà non và ngậy, anh tập trung làm trà xanh, bạch trà và một số loại phổ nhĩ cao cấp. Mùa thu, vị trà đậm, thích hợp để chế biến các loại trà lên men như ô long. Đó là cách lựa chọn và xử lý nguyên liệu theo hướng thân thiện với môi trường, tránh tận thu và có sự chọn lọc khắt khe để tạo ra những thành phẩm hảo hạng nhất. Anh Hùng cho biết, về cơ bản, quy trình làm trà ở các quốc gia là như nhau; song với những nghệ nhân có sự nghiên cứu, tìm tòi kĩ lưỡng, họ sẽ khám phá ra bí quyết và cách xử lý nguyên liệu riêng, ngay từ những công đoạn rất nhỏ như điều chỉnh nhiệt độ khi sao trà để chế tác ra được phẩm trà cao. Anh tâm niệm, việc định danh trà Việt không nên diễn ra một cách ồn ào, ồ ạt mà cần bắt đầu từ những nỗ lực kiến tạo của chính các nghệ nhân như vậy, nhằm tạo ra được các dòng trà Việt có chất lượng thực thụ. Bởi lẽ, trên thế giới hiện nay đang hình thành xu thế tích trữ, sưu tập những lứa trà tốt – sản phẩm của những sáng chế cá nhân tới từ khắp các quốc gia, châu lục. Do đó, chính sự tìm tòi, lao động, sáng tạo bền bỉ và hăng say của nghệ nhân Việt sẽ khiến các nhà sưu tập trà lớn trên thế giới phải trầm trồ thán phục về hương vị trà Việt Nam, được trồng trên đất Việt và do chính người Việt chế tác ra.
Bên cạnh đó, anh Hùng cũng cho rằng, việc quảng bá hình ảnh trà Việt còn phụ thuộc rất lớn vào công tác xây dựng và hình thành văn hóa uống ở nước ta. Có thể nói, “văn hóa uống” là câu chuyện tương đối phức tạp và cần nhiều thời gian để nghiên cứu và tìm ra hướng đi đúng đắn nhất. Vào thời điểm mới thành lập quán, tính trình diễn là điều được một trà sư như anh Hùng chú trọng với các nghi thức, thủ tục tương đối rườm rà, do đó vô tình tạo ra khoảng cách giữa những người tham dự. Sau này, anh mới ngộ ra rằng bản chất của văn hóa trà Việt là vốn sự kết nối. Người Việt có tính cộng đồng cao, thích tụ tập, uống trà không uống một mình mà sẽ luôn uống cùng nhau. Chén trà mở đầu câu chuyện, là điểm tụ tập, hội hè, là kho kí ức lưu động của mọi thế hệ người Việt ở mọi tầng lớp. Do đó, anh bắt đầu đơn giản hóa không gian trà của mình, đại chúng hóa và biến nó trở thành một chốn bình dị, gần gũi, khiến khách lui tới cảm thấy dễ chịu để có thể mở lòng, trò chuyện một cách thoải mái, thân tình hơn. Không những thế, anh còn “nội địa hóa” trà Việt bằng cách sử dụng những nguyên liệu thuần Việt thân thiện với môi trường, tận dụng những chiếc ấm, chén thủy tinh hoặc đất nung, những bàn tre đan thủ công… Bộ đồ trà trong quán cũng không quá cầu kì, chỉ có một ấm khải, chén tống và một vài chiếc chén quân. Mọi thứ đều tối giản nhưng vẫn có sự tinh tế, trang trọng trong lối bài trí, cách sắp xếp cũng như chọn lọc và phối hợp chất liệu, màu sắc để đạt được giá trị thẩm mỹ riêng của bàn trà. Chính việc bắt đầu từ những gì giản đơn, nhẹ nhàng sẽ thu hút được nhiều người tìm hiểu, đến với trà, từ đó khiến văn hóa trà Việt được lan tỏa nhanh hơn. Đồng thời, khi cảm thấy thú vị, họ sẽ có nhu cầu biết tới những hình thái, thú chơi cầu kỳ hơn, từ đó làm giàu thêm cho văn hóa trà Việt.
Đặc biệt, trà Việt có được sự khởi sắc trong những năm gần đây chính là bởi nó đã đáp ứng được xu hướng phát triển chung của thế giới hiện đại. Khi xã hội phương Tây đạt đến sự tột cùng về mặt vật chất cũng là lúc con người phải vùi đầu vào làm việc như những cỗ máy, không có thời gian để tận hưởng những giây phút thảnh thơi trong cuộc sống. Trước tình trạng đó, trà trở thành một không gian an trú, một bến đỗ bình an cho con người. Đặc biệt, Hiền Minh Tea đã từng đón những người bạn từ nước Mỹ xa xôi mà nhiều người trong số họ từng làm việc trong các công ty, tập đoàn lớn như Space X, Google, Youtube, Facebook… Họ tới Việt Nam du lịch, ghé qua Hiền Minh Tea và có người đã ở lại một tuần, thậm chí cả tháng. Đó là những con người bị thiếu hụt và trống rỗng trầm trọng về mặt tinh thần. Mỗi ngày, họ uống tới 7 – 8 cốc cà phê, hấp thụ một lượng cafein rất nhanh, mạnh và lúc nào cũng trong trạng thái căng thẳng thần kinh. Lối sống của xã hội hiện đại đã hủy hoại những giá trị tinh thần nhân bản nhất bên trong những con người ấy. Do đó, dẫu kiếm được rất nhiều tiền song họ luôn cảm thấy cô đơn, lạc lõng và gặp phải rất nhiều vấn đề về tâm lý. Tìm đến trà, họ lấy lại được sự cân bằng, bình yên. Thậm chí có những người chưa từng uống trà, song đến với Hiền Minh Tea, họ đã thực sự bị trà Việt chinh phục và chính văn hóa trà ở quốc gia có chỉ số hạnh phúc luôn thuộc nhóm đứng đầu thế giới này đã giúp họ xoa dịu, chữa lành những tổn thương tinh thần sâu thẳm nhất. Chia tay trà sư Nguyễn Việt Hùng, nhiều người bịn rịn không muốn rời đi. Anh Hùng cho biết, trên thực tế, một vài người trong số họ đã tới những không gian trà đạo cầu kỳ, trang trọng tại Trung Quốc, Nhật Bản, song họ lại cảm thấy một sự gò bó, căng thẳng thay vì sự bình yên mà họ mong đợi đã lâu. Bởi lẽ, họ phải thực hiện những nghi thức, thủ tục tương đối xa lạ đối với người phương Tây, tiếp nhận quá nhiều điều khác biệt ở giữa một không gian đẹp nhưng kiểu cách và rất đỗi nghiêm trang. Bởi thế, khi đến với một trà thất mang đậm hơi thở Việt như Hiền Minh Tea, những người bạn nước ngoài đã được tự do lựa chọn cách ngồi, cách dùng trà mà không bị giới hạn bởi những khuôn khổ, luật lệ khắt khe. Cảm nhận được sự thoải mái, dễ chịu ở một không gian giản dị, lấy sự chia sẻ tinh thần làm trọng, họ dần dần trở thành những người bạn thân thiết với anh Hùng và bắt đầu học uống trà, “ngấm” được tác phong và những thói quen dùng trà mang năng lượng Việt một cách hết sức tự nhiên. Dần dần, anh Hùng đã biến không gian trà của mình thành một ngôi nhà chung, một nơi trị liệu tâm lý giữa cuộc sống ồn ào, biến động cho cả người Việt và những người bạn nước ngoài, dựa trên chính những nguyên lý căn bản nhất của văn hóa Việt: đề cao sự mộc mạc, giản dị, thân tình, gần gũi. Đó chính là cách mà anh mang trà Việt đi xa hơn, góp phần định danh trà Việt trên bản đồ trà thế giới.
Dẫu theo đuổi những hướng đi, cách làm khác nhau song hai vị trà sư đều là những người rất tâm huyết và nặng lòng với trà Việt. Trên con đường đưa trà Việt ra với thế giới, họ đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt và mở ra những hành trình đầy hứa hẹn nhằm quảng bá, thúc đẩy nền trà nội địa phát triển, có được chỗ đứng riêng trong thời kì hội nhập, hiện đại hóa. Khi gây dựng, tìm tòi và sáng tạo những dòng trà mới, thậm chí kiến tạo nên cả một đạo trà riêng, họ luôn bắt đầu từ những gì gần gũi, thân thuộc nhất với các giá trị cổ truyền cốt lõi của dân tộc, do người Việt và cho người Việt. Việt Nam tự hào bởi có những cá nhân ưu tú, những trà sư – nghệ nhân chế tác xuất sắc, luôn hết mình vì tương lai trà Việt như Nguyễn Việt Bắc và Nguyễn Việt Hùng. Những người trẻ tài năng, sáng tạo, đầy nhiệt huyết và tinh thần dân tộc ấy khiến chúng ta hoàn toàn có quyền đặt niềm tin vào việc nâng tầm vị thế của trà nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung trên trường quốc tế, góp phần mở ra một kỷ nguyên mới cho tương lai nước nhà…
Có thể nói, trà không chỉ là một biểu tượng văn hóa mà còn là một phương thức ngoại giao, quảng bá hình ảnh đất nước hết sức độc đáo và hiệu quả. Trà lưu giữ những kí ức tinh thần dân tộc Việt; ở đâu có trà Việt, ở đó có văn hóa Việt và toàn bộ lịch sử bộn bề cùng cấu trúc đời sống sinh động, phong phú của người Việt. Ngày nay, ngành trà tại Việt Nam đang đạt đến độ phát triển rực rỡ; những sản phẩm gắn liền với tên tuổi các thương hiệu trà Việt đã, đang và sẽ khẳng định được chỗ đứng trên thị trường quốc tế, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời thúc đẩy các hoạt động du lịch, quảng bá văn hóa, xúc tiến hợp tác, trao đổi với nước ngoài… Trà Việt nói hộ nỗi lòng người Việt, và cũng là một kênh giao tiếp quan trọng giúp gia tăng tình đoàn kết, hữu nghị đến từ một dân tộc hiếu khách. Thông qua cây trà và những con người tâm huyết với trà, hình ảnh một đất nước Việt Nam thân thiện, văn minh, sở hữu và nuôi dưỡng những giá trị văn hóa có chiều sâu sẽ để lại những ấn tượng khó phai đối với bạn bè năm châu. Do đó, các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương cần có những chính sách hợp lý, kịp thời nhằm phát triển, bảo tồn ngành trà, cây trà, hỗ trợ những cá nhân, hộ gia đình sản xuất trà, giúp họ có thêm động lực để tiếp tục tiến xa hơn nữa trên hành trình đưa trà Việt ra thế giới. Với sự vào cuộc, chung tay góp sức và nỗ lực không ngừng của các cá nhân, đoàn thể, doanh nghiệp, Nhà nước, ngành trà Việt Nam sẽ còn có thêm những bước phát triển đột phá, kiến tạo thêm nhiều giá trị tốt đẹp tô điểm cho nền văn hóa bản sắc dân tộc Việt. (Hết)
Đinh Thảo
(Theo Tạp chí Phương Đông)